"Nội chiến" bị coi là phản tuyên truyền và kích động hận thù ?
Tuấn Khanh, RFA, 02/07/2022
Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Phía những người chống Khánh Ly và sự tồn tại của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam, lúc này đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.
Lao Động
Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là "nội chiến" để tấn công. Phía Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng Nam Bắc là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Nội dung nói "nội chiến" bị coi là sai đường lối và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng đáng ngạc nhiên, là không dòng nào chỉ trích người viết ra bài hát này, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó, làm sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém.
Trên nhiều diễn đàn ở Facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà.
Viết trên trang nhà của mình, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng "An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do "quần chúng tố giác" ! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu ? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng".
Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống, đều không có một lệnh cấm cụ thể nào.
Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát thêm một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép, vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp "nhạy cảm" khác nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở Văn hóa thể thao và du lịch Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên Cục này có quyết định tiếp.
Trong một bình luận có tên "Biện bạch vụng về", nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết "Mượn cớ ca khúc "Gia tài của mẹ" không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở Văn hóa thể thao và du lịch cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc ? Xin lỗi ! Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì" có đến bố quý Sở cũng không dám "mời làm việc". Phải không ạ ?"
Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói bài hát Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù.
Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng có lời hát "tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù". Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau này, mà đó là thời điểm chỉ còn cuộc đối đầu giữa hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Từ năm 1973, lực lượng đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, nên "giặc thù" ở đây, rõ chỉ có chính quyền miền Nam Việt Nam.
Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly, cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với Nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội đã từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin.
Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1/2/2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có "vấn đề" sẽ có danh sách cấm riêng. Nhưng Gia Tài Của Mẹ cũng chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này đang trở thành sự kiện rùm beng, là vi phạm gì về nội dung gì ?
Và như vậy, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay Nghị định chính phủ vô giá trị, chỉ thông cáo đưa ra cho có ? Và hiện nay, cách nối nhau để "làm việc" với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam ?
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 02/07/2022
*************************
‘Điều tra’ về ‘Gia tài của mẹ’ và chẳng cần nói gì thêm !
Trân Văn, VOA, 30/06/2022
47 năm sau ngày "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", chuyện phải xin phép và cần được phê duyệt mới có quyền biểu diễn một ca khúc, chuyện bị mời làm việc, phải giải trình vì...
Khánh Ly trong đêm nhạc Dấu chân địa đàng diễn ra tại Đà Lạt hôm 25/6
Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng và đơn vị đặc trách An ninh chính trị nội bộ của Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp điều tra vụ ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc "Gia tài của mẹ" vào tối 25/6/2022 tại sân khấuMây - In The Nest, tọa lạc ở phường 7, thành phố Đà Lạt.
Theo báo chí Việt Nam, sở dĩ những người xin phép thực hiện "Dấu chân địa đàng" (đêm nhạc dành riêng cho ca sĩ Khánh Ly biểu diễn tại địa điểm và vào thời gian như đã kể) bị mời làm việc, bị buộc giải trình vì "Gia tài của mẹ" nằm ngoài danh mục 24 ca khúc đã xin phép biểu diễn và được phê duyệt (*).
***
"Gia tài của mẹ" do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965 và trở thành một trong những ca khúc được nhiều thế hệ hát khắp nơi ở miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa, sau tháng 4 năm 1975, khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, "Gia tài của mẹ" bị cấm phổ biến, biểu diễn chỉ vì nội dung thế này...
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ
Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tâyhai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hang
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngàygia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.
***
47 năm sau ngày "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", chuyện phải xin phép và cần được phê duyệt mới có quyền biểu diễn một ca khúc, chuyện bị mời làm việc, phải giải trình vì xin tổ chức biểu diễn nhưng thiếu cương quyết trong việc chặn họng một ca sĩ đột nhiên muốn hát lại một trong những ca khúc từng giúp bà nổi tiếng lúc còn thanh xuân, đang song hành với những tuyên bố về sự ưu việt của "dân chủ xã hội chủ nghĩa", về "hòa hợp, hòa giải", gì gì đó !
52 năm trước, lúc viết "Gia tài của mẹ", dường như Trịnh Công Sơn chưa biết trong di sản của bà mẹ Việt Nam còn có "một lũ" mà sự ngạo mạn, độc đoán vượt xa tiền nhân, hơn hẳn anh em, đồng bào. Sự ngạo mạn, độc đoán ấy khiến não trạng của "lũ" này trở thành đặc biệt nhạy cảm và y học hoàn toàn bất lực, người Việt đành chấp nhận chuyện"lũ" này tự ngứa rồi buộc toàn dân phải cùng gãi theo đúng định hướng, bất kể anh em, đồng bào có muốn hay không !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/06/2022
Chú thích
************************
Khánh Ly hát 'Gia tài của mẹ' chưa xin phép, Ban tổ chức đêm nhạc bị mời làm việc
Gia Bảo, VietnamNet, 29/06/2022
Ban tổ chức đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" bị cơ quan chức năng mời làm việc vì trong đêm nhạc mới đây Khánh Ly hát ca khúc không thuộc danh mục đăng ký biểu diễn được duyệt.
Danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn không có bài "Gia tài của mẹ".
VietNamNet liên hệ đại diện Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết : "Sáng mai 30/6, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Mây Lang Thang. Theo tôi, vụ việc đã rõ ràng. Phía công ty đã nhận lỗi vì để ca sĩ biểu diễn một ca khúc không nằm trong danh mục đăng ký biểu diễn được duyệt. Sau khi làm việc xong sẽ xử lý theo quy định".
Trước đó, đêm nhạc Dấu chân địa đàng thuộc chuỗi show Khánh Ly - Như một lời chia tay diễn ra tại sân khấu Mây - In the nest, Đà Lạt hôm 25/6. Đêm nhạc quy tụ gần 1.000 khán giả tham dự.
Gia Bảo
Nguồn : VietnamNet, 29/06/2022