Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/06/2022

Tập trận RIMPAC 2022 giữa căng thẳng với Nga và Trung Quốc

Trọng Thành - RFA tiếng Việt

Khai mạc tập trận Hải quân RIMPAC do Mỹ chủ trì với sự tham gia của 25 quốc gia đối tác

Trọng Thành, RFI, 30/06/2022

Cuộc tập trận Hải quân RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) hai năm một lần khai mạc hôm 29/06/2022. RIMPAC được coi là một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất trên thế giới. Cuộc tập trận lần thứ 28 năm nay, có sự tham gia của 26 quốc gia, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây với Trung Quốc và Nga gia tăng.  

rimpac1

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tham gia chiến dịch RIMPAC 2018 ở ngoài khơi đảo Hawaii. AP - Petty Officer 1st Class Arthurgwain Marquez

Cuộc tập trận mang tên "Năng lực Thích ứng Đối tác" (Capable Adaptive Partners) diễn ra tại quần đảo Hawai (Hoa Kỳ) và khu vực phía nam California từ ngày 29/06 đến ngày 04/08. Theo trang mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ DVIDS, 38 chiến hạm, 4 tàu ngầm, lực lượng trên bộ đến từ 9 quốc gia, với khoảng 170 máy bay và hơn 25.000 binh sĩ, nhân viên sẽ tham gia các cuộc huấn luyện, diễn tập. Chương trình tập trận năm nay sẽ bao gồm "các bài tập về pháo binh, tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không, cũng như các hoạt động đổ bộ, chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ, lặn và cứu hộ".  

Tham gia cuộc diễn tập, ngoài bốn quốc gia Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương (Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc), còn có năm quốc gia ven Biển Đông, bao gồm Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Singapore, trong đó có bốn quốc gia có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc. Tám trong số 26 quốc gia RIMPAC là thành viên NATO - Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Anh Quốc và Mỹ. 

Giới quan sát đặc biệt chú ý đến sự tham gia lần đầu tiên của Tonga, một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Việc Tonga tham dự tập trận RIMPAC diễn ra trong bối cảnh thế đối đầu Mỹ - Trung gia tăng tại Nam Thái Bình Dương, khu vực mà Bắc Kinh trong thời gian gần đây muốn mở rộng ảnh hưởng.  

Hàn Quốc cũng tham gia cuộc diễn tập năm nay, với nhiều tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tuần tra và khoảng 1.000 thủy thủ, mức kỷ lục kể từ năm 1990. Theo DVIDS, lần đầu tiên, chuẩn đô đốc Hàn Quốc Sangmin An giữ vai trò chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp (CTF) 176, lực lượng đặc nhiệm đổ bộ của RIMPAC. 

Dân chúng địa phương phản đối tập trận RIMPAC phá hoại môi trường, tăng nguy cơ chiến tranh 

Về phản ứng của dân chúng địa phương, theo trang mạng Foreign Policy in Focus, của Viện tư vấn Institute for Policy Studies, có trụ sở tại Washington, trung tuần tháng 6 vừa qua một số tổ chức dân sự ở Hawaii, như các tổ chức nữ quyền Women’s Voices, Women Speak đã ra tuyên bố lên án tập trận RIMPAC "tàn phá sinh thái, gây bạo lực đối với người dân bản địa và kích thích nạn sùng bái súng đạn. Việc đánh chìm tàu, thử tên lửa và nổ ngư lôi của RIMPAC phá hủy hệ sinh thái trên đảo và làm xáo trộn cuộc sống của sinh vật biển".  

Báo Honolulu Star Advertiser, tờ báo duy nhất phát hành trên toàn bang Hawaii, hôm 14/06 đăng tải ý kiến của ba nhà hoạt động nhân quyền Philippines, ủng bộ yêu sách của người dân Hawaii, lên án tập trận RIMPAC có nguy cơ kích động chiến tranh, đồng thời kêu gọi ưu tiên "hợp tác toàn cầu để giải quyết các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học ; để hướng tới xây dựng hòa bình, cuộc sống và sự chung sống". 

Trọng Thành

***********************

Tập trận RIMPAC diễn ra giữa lúc căng thẳng Mỹ- Trung gia tăng

RFA, 29/06/2022

Đợt tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Hoa Kỳ dẫn đầu, Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), khởi sự hôm thứ tư 29/6. Mục đích được cho biết nhằm tăng cường hợp tác hàng hải trong khu vực hiện đang bị phủ bóng bởi đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

rimpac2

Tàu chiến BRP Antonio Luna của Hải quân Philippines tham gia tập trận RIMPAC 2022 - Philippines Navy

Kỳ tập trận lần này với sự tham dự của tất cả các nước thành viên Nhóm Đối Thoại An Ninh Bốn bên (QUAD) đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh khi mà căng thẳng Eo Biển Đài Loan gia tăng và cuộc chiến tại Ukraine đang kéo dài.

Trung Quốc lâu nay chỉ trích sự hợp tác của nhóm QUAD gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc như là nỗ lực nhằm thành lập ‘phiên bản NATO Châu Á- Thái Bình Dương’.

Hải quân Hoa Kỳ cho biết đợt tập trận hai năm một lần kỳ này có 26 quốc gia tham dự với 38 chiến hạm mặt nước, bốn tàu ngầm, chín lực lượng mặt đất quốc gia, hơn 170 máy bay và xấp xỉ 25 ngàn nhân sự. Theo kế hoạch, RIMPAC 2022 diễn ra từ ngày 29/6 đến 4/8 năm nay.

Năm quốc gia ven Biển Đông gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore tham gia RIMPAC 2022. Trong số năm nước này, ba nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố họ có ‘chủ quyền lịch sử’ gần như toàn bộ.

Đợt tập trận RIMPAC 2022 là lần thứ 28 của hoạt động này kể từ khi khởi sự vào năm 1971.

Hồi đầu năm nay, đã có thảo luận đưa Đài Loan vào tham gia RIMPAC 2022 ; tuy nhiên điều này không thể thực hiện. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh cần phải được ‘tái thống nhất’ với Hoa Lục. Bắc Kinh cho rằng việc đưa Đài Loan vào tham gia RIMPAC như thế sẽ có ‘một hàm ý chính trị mạnh mẽ’. 

Trung Quốc từng hai lần được mời tham dự RIMPAC vào năm 2014 và 2016 ; tuy nhiên do quan hệ song phương trở nên xấu đi, Washington từ năm 2018 không còn mời Bắc Kinh tham dự trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.

rimpac3

Trực thăng MH-60R Sea Hawk của Hải quân Hoàng gia Úc chuẩn bị hạ cánh trên boong tàu sân bay USS Abraham Lincoln hôm 24/6/2022. US Navy

‘Tàn dư của Chiến tranh lạnh’

Theo một tuyên bố của Hải quân Hoa Kỳ, chủ đề của đợt tập trận RIMPAC 2022 là ‘Năng lực, Thích ứng, Đối tác’ và mục tiêu chính là cổ xúy cho một khu vực Ấn Độ Dương- Thái BÌnh Dương tự do và rộng mở.

Các lực lượng tham dự sẽ diễn tập một loạt những khả năng từ ‘cứu trợ nhân đạo và chiến dịch an toàn hàng hải cho đến kiểm soát biển cùng tác chiến phức tạp’.

Chương trình huấn luyện gồm có ‘hành quân đổ bộ, thao tác vận hành súng lớn- hỏa tiễn, diễn tập chống tàu ngầm và phòng không, cũng như tác chiến chống cướp biển, hoạt động tháo gỡ mìn, loại bỏ chất nổ, hoạt động lặn và trục vớt’.

Các hoạt động diễn tập được diễn ra tại và quanh đảo Haiwaii cùng khu vực nam bang California.

Nhiều đối tác của Hoa Kỳ và đồng minh gốm các nước thành viên NATO, Canada, Đức, Anh Quốc, Đan Mạch và Pháp tham gia đợt tập trận RIMPAC 2022.

Trung Quốc lên tiếng chế nhạo sự hiện diện của các nước thuộc Khối NATO trong khu vực này. Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) nói rằng nước ông ‘mạnh mẽ phản đối sự can dự của NATO tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương hay sự thành lập nên một phiên bản NATO Châu Á- Thái Bình Dương.’

Một bài bình luận trên Global Times - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói thêm rằng ‘Tàn dư của Chiến tranh Lạnh không được phép tràn vào Thái Bình Dương.’

Giới phân tích có lưu ý rằng quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương được mời tham dự RIMPAC lần thứ hai.

Lời mời lần này được đưa ra vào khi Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng đồng minh đang tranh giành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương. Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận an ninh với đảo quốc Solomon hồi tháng ba ; nhưng không thể ký kết một thỏa ước lớn hơn, tham vọng hơn với 10 đảo quốc Thái Bình Dương.

Nguồn : RFA, 29/06/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, RFA tiếng Việt
Read 339 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)