Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ thông qua Luật "thực hiện dân chủ ở cơ sở", nhưng dân lại không được quyền xem xét bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ngày 23/03/2022. Ảnh : Internet.
Dự thảo luật gồm 6 Chương, 74 Điều sẽ thay thế Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/04/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH ngày 30/08/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói với Quốc hội ngày 14/06/2022 rằng Luật này nhằm :
"Góp phần để chúng ta xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Thứ nhất, đó là thể chế hóa cho bằng được phương châm "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".
Thứ hai, đó là đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ".
Nhưng mọi chuyện ở Việt Nam phải do Đảng cộng sản quyết định từ lúc khởi đầu cho đến thực hành, giám sát và thanh tra. Ngay cả Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước cũng không có quyền thay đổi hay đảo ngược những quyết định của Bộ Chính trị.
Như vậy, nhân dân chỉ "làm chủ" những thứ đã được Đảng đồng ý. Bằng chứng như các cuộc bầu chọn Hội đồng nhân dân các cấp cho đến Quốc hội cũng phải do Đảng lựa chọn, qua điều được gọi là "hiệp thương" của Mặt trận Tổ quốc, cơ chế ngoại vi của Đảng cộng sản có nhiệm vụ bảo vệ quyền cai trị của Đảng cầm quyền. Dân chỉ được (hay phải) đi bỏ phiếu bầu người được chọn nên mới có câu "đảng cử dân bầu".
Luật viết gì ?
Vậy dự Luật "thực hiện dân chủ ở cơ sở" nhằm mục đích gì ?
Theo khoản 2, Điều 2 thì : "Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật".
Tuy nhiên, sự tham gia của dân, cán bộ, công chức và viên chức phải : "Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Và : "Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư" (Khoản 2 và 4, Điều 3)
Mặt khác, công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chỉ được phép "Tham gia ý kiến vào các nội dung, vấn đề được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan" (Khoản 2, Điều 5).
Từ quy định chặt chẽ này, quyền đề xuất của công dân và thành phần liên quan bị hạn chế, ngoại trừ "Các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội" (Khoản 6, Điều 13).
Bằng chứng này được viết trong Điều 14 về "Thẩm quyền đề xuất nội dung để cộng đồng dân cư bàn và quyết định", theo đó :
1. "Đối với các công việc trong phạm vi thôn, tổ dân phố thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định.
2. "Đối với các công việc trong phạm vi cấp xã thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố đề xuất nội dung để Nhân dân bàn và quyết định.
3. "Cử tri cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại khoản 6 Điều 13 Luật này và có 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định. Việc thu thập ý kiến đồng thuận của cử tri được thực hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của cộng đồng dân cư. Cử tri đề xuất sáng kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của danh sách cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình đồng thuận quy định tại khoản này".
Thế nhưng, có những việc hệ trọng khác liên quan đến đời sống của dân và tài sản của Quốc gia thì dân lại không được tham gia ý kiến. Nổi bật và quan trọng nhất là vấn đề tài sản của những người phải kê khai theo luật định. Số tài sản này có từ nhiều nguồn gốc, nhưng nếu tham nhũng mà có hoặc "không chứng minh được nguồn gốc" thì người dân lại không được thông báo hay tham gia điều tra, giám sát và kiểm tra.
Bằng chứng này bị phơi bầy trong Nghị định 130/2020/NĐ-CP "kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị", ngày 30 tháng 10 năm 2020".
Những người phải khai
Theo Điều 10 của Nghị định 130/2020 thì người có nghĩa vụ kê khai hằng năm gồm :
1. Các ngạch công chức và chức danh sau đây :
a) Chấp hành viên ;
b) Điều tra viên ;
c) Kế toán viên ;
d) Kiểm lâm viên ;
đ) Kiểm sát viên ;
e) Kiểm soát viên ngân hàng ;
g) Kiểm soát viên thị trường ;
h) Kiểm toán viên ;
i) Kiểm tra viên của Đảng ;
k) Kiểm tra viên hải quan ;
l) Kiểm tra viên thuế ;
m) Thanh tra viên ;
n) Thẩm phán.
2. Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chi tiết ghi trong Phụ lục III bao gồm :
1. Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
2. Tổ chức tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
3. Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.
4. Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.
5. Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các cấp.
6. Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
7. Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.
8. Quản lý các đối tượng nộp thuế.
9. Thu thuế, kiểm soát thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, quản lý và cấp phát ấn chỉ.
10. Kiểm hóa hàng hóa xuất nhập khẩu.
11. Thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
12. Cấp giấy phép hoạt động ngân hàng, tổ chức tín dụng
13. Thẩm định, quyết định cấp tín dụng tại các ngân hàng có vốn chi phối của nhà nước.
14. Xử lý công nợ, các khoản nợ xấu ; hoạt động mua và bán nợ ; thẩm định, định giá trong đấu giá.
15. Cấp phát tiền, hàng thuộc Kho bạc nhà nước và dự trữ quốc gia.
16. Thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
17. Cấp giấy phép hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng, bạc, đá quý.
18. Giám sát hoạt động ngân hàng.
19. Cấp giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại.
20. Cấp giấy phép liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
21. Quản lý thị trường.
22. Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng.
23. Thẩm định dự án xây dựng.
24. Quản lý quy hoạch xây dựng.
25. Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng.
26. Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch.
27. Cấp chứng chỉ năng lực đối với tổ chức hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân hoạt động xây dựng, giấy phép hoạt động đối với nhà thầu nước ngoài.
28. Giám định kỹ thuật, quản lý các công trình giao thông.
29. Đăng kiểm các loại phương tiện giao thông.
30. Sát hạch, cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông.
31. Cấp giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn thực phẩm.
32. Cấp giấy chứng nhận hành nghề y, dược.
33. Cấp giấy phép, giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm ; cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
34. Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc tân dược.
35. Cấp giấy phép nhập khẩu hóa chất diệt côn trùng, khử trùng.
36. Cấp giấy chứng nhận nhập khẩu mỹ phẩm.
37. Kiểm định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
38. Quản lý, giám sát, cung ứng các loại thuốc ; dược liệu, dụng cụ, thiết bị vật tư y tế ; các loại sản phẩm màu liên quan đến việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe con người và lợi ích xã hội.
39. Thẩm định và định giá các loại thuốc tân dược.
40. Cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
41. Cấp giấy phép công nhận cơ sở lưu trú du lịch.
42. Cấp giấy phép công nhận di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia.
43. Cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.
44. Cấp giấy phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.
45. Cấp giấy phép biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
46. Cấp giấy phép xuất nhập khẩu và phổ biến các ấn phẩm văn hóa.
47. Thẩm định hồ sơ công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch.
48. Thẩm định và cấp giấy phép chương trình, tiết mục, vở diễn của các tổ chức cá nhân Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào biểu diễn tại Việt Nam.
49. Thẩm định, trình phê duyệt các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật.
50. Trình phê duyệt hoặc thỏa thuận việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.
51. Cấp giấy phép hoạt động về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí và xuất bản.
52. Cấp giấy phép hoạt động, cấp và phân bổ tài nguyên trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
53. Quản lý các chương trình quảng cáo trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, trên Internet.
54. Phân bổ, thẩm định, quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
55. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
56. Cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
57. Cấp giấy phép xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại.
58. Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.
59. Cấp giấy phép về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước.
60. Xử lý hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, sử dụng tài sản gắn liền với đất.
61. Giao hạn mức đất ; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng.
62. Xử lý vi phạm hành chính về môi trường.
63. Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng.
64. Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.
65. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.
66. Quản lý thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.
67. Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.
68. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
69. Thẩm định dự án.
70. Đấu thầu.
71. Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.
72. Quản lý quy hoạch.
73. Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất.
74. Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.
75. Quản lý ODA.
76. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ lãnh sự, cấp visa, quản lý xuất, nhập cảnh.
77. Tiếp nhận và giải quyết việc đăng ký kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài ; đăng ký giao dịch bảo đảm.
78. Tiếp nhận và giải quyết việc cải chính hộ tịch ; lý lịch tư pháp.
79. Cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
80. Cấp giấy phép thành lập các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề ; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề ; phân bổ chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề.
81. Thực hiện chính sách đối với người có công ; bảo trợ xã hội.
82. Hợp tác, trao đổi khoa học và công nghệ có yếu tố nước ngoài.
83. Thẩm định hồ sơ cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
84. Thẩm định, giám định công nghệ đối với các dự án đầu tư.
85. Thẩm định, tư vấn cấp các văn bằng sở hữu trí tuệ.
86. Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.
87. Tuyển sinh vào các trường công lập.
88. Phân bố chỉ tiêu đào tạo đại học, sau đại học và chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài.
89. Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
90. Thẩm định sách giáo khoa, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
91. Thẩm định hồ sơ thành lập các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân.
92. Quản lý các dự án, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
93. Dạy nghề và giới thiệu việc làm.
94. Quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học.
95. Kiểm soát cửa khẩu.
96. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.
97. Đăng ký và cấp biển số các loại phương tiện giao thông đường bộ ; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.
98. Thẩm tra phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, kiểm tra an toàn phòng cháy.
99. Giám thị, quản giáo tại các trại giam, trại tạm giam và các cơ sở giáo dục bắt buộc.
100. Đăng ký, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
101. Thủ quỹ, kế toán.
102. Người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, xây dựng, tài chính.
103. Trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
104. Trợ lý quân lực, Trợ lý cán bộ cấp Trung đoàn trở lên.
105. Trợ lý quản lý học viên, tuyển sinh, chính sách, bảo hiểm của các nhà trường.
Dân thắc mắc
Nhìn chung, danh sách những ngưởi phải khai khá đấy đủ và chi tiết, nhưng tại sao dân không được quyền nhòm vào bản khai này để tìm ra sự thật ?
Điều trái khoáy này lộ ra toàn diện trong Điều 11 của Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định về việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nguyên văn như sau :
1. Việc công khai bản kê khai đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như sau :
a) Bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên ;
Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, nơi không tổ chức đơn vị cấp phòng thì tại cuộc họp toàn thể đơn vị. Bản kê khai của những người khác được niêm yết tại phòng, ban, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể công chức, viên chức thuộc phòng, ban, đơn vị ; nếu biên chế của phòng, ban, đơn vị có từ 50 người trở lên và có tổ, đội, nhóm thì công khai trước toàn thể công chức, viên chức thuộc tổ, đội, nhóm ;
b) Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã hoặc công khai tại cuộc họp toàn thể cán bộ, công chức xã ;
c) Bản kê khai của những người làm việc trong doanh nghiệp nhà nước được niêm yết tại trụ sở doanh nghiệp nhà nước hoặc công khai tại cuộc họp gồm Ủy viên Hội đồng nhân dân, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng, Trưởng các đơn vị trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các tổng công ty, công ty trực thuộc tập đoàn, tổng công ty, Trưởng các đoàn thể trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước ;
d) Bản kê khai của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp như được nêu tại các điểm a, b và c khoản này.
2. Việc công khai bản kê khai tại cuộc họp đối với những người thuộc phạm vi kiểm soát của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 30 của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện như quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
3. Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
4. Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.
Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn.
5. Cuộc họp công khai bản kê khai phải bảo đảm có mặt tối thiểu 2/3 số người được triệu tập. Người chủ trì cuộc họp tự mình hoặc phân công người đọc các bản kê khai hoặc từng người đọc bản kê khai của mình. Biên bản cuộc họp phải ghi lại những ý kiến phản ánh, thắc mắc và giải trình về nội dung bản kê khai (nếu có) ; có chữ ký của người chủ trì cuộc họp và đại diện tổ chức công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nhìn chung, quyết định chỉ "công khai trong nội bộ" là hành động phản dân chủ, đi ngược lại tuyên truyền của dự Luật "thực hiện dân chủ ở cơ sở".
Càng giễu cợt hơn khi xen kẽ việc làm trái khoáy này với khẩu hiệu "nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân", hay "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng" vẫn được rêu rao lâu nay.
Phạm Trần
(13/07/B022)