Có những sự thật không nên phải nói ra, vì sẽ làm phật lòng rất nhiều người khác trong đó có các bạn của chúng ta, nhất là thời gian đã qua quá lâu. Nhưng chẳng đặng đừng vì không thể để cho những sự thật bị chôn vùi, xuyên tạc mà nạn nhân là những người lính Việt Nam Cộng Hòa từng chịu quá nhiều cay đắng, khổ nhọc trong chiến tranh cũng như sau đó. Họ đã đổ máu, hy sinh cuộc đời mình cho tổ quốc và dân tộc ; thì nay không lý do gì để họ cứ bị những kẻ tự tôn và nặng óc kỳ thị tiếp tục xúc phạm.
Chúng tôi không rõ những người lính Mỹ trước khi lên đường sang Việt Nam đã được dạy những gì về lịch sử, phong tục, ngôn ngữ Việt Nam, hay chỉ vài điều căn bản vừa đủ để tiếp xúc mà thôi. Vì thế, do sự thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam, nhất là về chiến tranh Việt Nam, mà đã dẫn đến những ngộ nhận quá đáng trong quần chúng Hoa Kỳ, thể hiện qua phim ảnh, sách báo, các bài thuyết trình, các câu đối thoại trên truyền thông xã hội (mà gần đây chúng tôi phải đương đầu). Đây là điều mà đại đa số người Mỹ – ngay cả những cựu quân nhân từng tham chiến tại Việt Nam – đã hiểu sai. Theo họ :
- Cuộc chiến Việt Nam là giữa nước Mỹ và Việt Nam (bỏ quên sự hiện diện và vai trò chính của Việt Nam Cộng Hòa và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa)
- Nếu có nơi nào nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa thì đa số là vu khống, mạ lị Việt Nam Cộng Hòa nào là tham nhũng, vô tài ; Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thì hèn nhát, không chịu đánh nhau, bỏ chạy trước địch quân…
Trước hết, chúng ta phải xác định lại tính chất thật sự của cuộc chiến.
Cuộc chiến tranh Việt Nam là giữa miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa theo chế độ dân chủ tự do, chống lại sự xâm lăng của miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ cộng sản. Nhìn rộng hơn trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến thứ Hai, đó là cuộc chiến giữa thế giới tự do mà Hoa Kỳ đứng đầu chống lại sự bành trướng của cộng sản quốc tế do Liên Xô cầm đầu.
– Người Việt đã chiến đấu chống cộng sản từ khi Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh lộ diện là cộng sản. Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm là người quốc gia chân chính. Ông chống chế độ thực dân của Pháp, khước từ hợp tác với Nhật và không chịu cộng sự với Hồ Chí Minh dù được ông Hồ mời tham gia.
– Từ ngày thành lập nền Cộng Hòa Việt Nam năm 1955, thế trận Quốc Cộng đã thành hình. Cố Tổng thống Diệm đã không đồng ý chủ trương của Hoa Kỳ là dùng chiến tranh quy ước để chống lại cuộc chiến du kích của cộng sản. Tổng thống Diệm muốn áp dụng lối đánh du kích của Anh mà đã thành công ở Malaysia nhưng Hoa Kỳ cố ép Việt Nam Cộng Hòa phải huấn luyện và tổ chức quân đội theo khuôn mẫu quân đội nhà giàu của Mỹ. Tướng John O’Daniel, người cầm đầu Phái bộ Viện trợ và Cố vấn Hoa Kỳ (MAAG) trắng trợn tuyên bố "Ai chi tiền, người đó chỉ huy" (Who pays, gives orders). Cố Tổng thống Diệm đã không muốn Hoa Kỳ đưa quân chiến đấu vào Việt Nam vì muốn bảo vệ chính nghĩa và nền độc lập của quân dân miền Nam, không để cho cộng sản có cơ hội tuyên truyền trong dân chúng về cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Trong giai đoạn từ 1955 đến 1963, miền Nam phát triển vượt bực vừa về kinh tế xã hội, vừa về xây dựng dân chủ. Phía người Mỹ phê phán chính quyền Tổng thống Diệm một cách chủ quan và phiến diện khi họ đem tiêu chuẩn của nước Mỹ là một quốc gia có một thể chế dân chủ ổn định nhất hoàn cầu và nền văn minh vật chất cao độ để so sánh với một nước có xã hội và nền chính trị cổ truyền, mới giành lại độc lập, và đang trong giai đoạn đầu tiên của sự xây dựng và phát triển. Đó là hai lỗi lầm nghiêm trọng của Mỹ về chiến lược quân sự và chính trị ở Việt Nam lúc ban sơ.
Do đó, Hoa Kỳ đã nhìn cố Tổng thống Diệm như một trở ngại cho chính sách của họ. Tổng thống Kennedy đã thuê đám tướng tá phản phúc lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa và thảm sát anh em cố Tổng thống Diệm. Biến cố 1 tháng 11, 1963 đã đưa miền Nam vào một giai đoạn hỗn loạn nghiêm trọng, tạo cơ hội cho Cộng quân phát triển ở nông thôn và gây rối ở thành thị. Việc này tạo ra duyên cớ để Hoa Kỳ đưa 500 ngàn quân chiến đấu vào miền Nam năm 1965. Vào tháng 4, 1964, phản ứng trước tuyên bố của Thượng nghị sĩ Wayne Morse, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara nói với báo chí rằng "Theo tôi, đây là một cuộc chiến rất quan trọng, và tôi rất sung sướng được gắn liền với nó và sẽ làm bất cứ điều gì để chiến thắng". Rồi khi đến thăm vùng Phi Quân Sự ở Bến Hải, ông ta đã ngạo nghễ tuyên bố : "Chúng ta sẽ ở lại đây cho đến ngày chiến thắng".
Sau bảy năm với 500 ngàn quân trang bị vũ khí tối tân, với một Không lực và Hải lực hùng hậu nhất thế giới, Hoa Kỳ thấy không thể thành công, nên đã phải rút quân. Tổng thống Nixon đề ra cái gọi là "Việt Nam hóa chiến tranh" để trao lại trong trách cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, để phủi tay hoàn toàn, Hoa Kỳ đã ép buộc Việt Nam Cộng Hòa phải ngồi vào bàn Hội nghị Paris để ký với phe Cộng một hòa ước bất tương xứng. Hoa Kỳ rút lui hoàn toàn và gọi đó là một giải pháp là "Hòa bình trong danh dự". Thế là thế nào ? Không muốn thắng hay không thể thắng ? Bỏ cuộc, rút lui trong một cuộc chiến thì còn danh dự nỗi gì ?
Hoa Kỳ, với sức mạnh vô song, từng vẻ vang chiến thắng trục Đức Ý Nhật, đã có thể chiến thắng Việt Cộng dễ dàng. Nhưng họ đã cố tình hay vô tình để vuột nhiều cơ hội. Họ đánh không quyết thắng mà rất nhiều lần dừng lại ở giai đoạn quyết liệt nhất, để thời gian cho địch phục hồi. Hoa Kỳ trong suốt 21 năm có mặt ở miền Nam, đã không có một chính sách và chiến lược nhất quán. Họ thay đổi chính sách tùy nhu cầu tranh cử và áp lực quần chúng mỗi bốn năm một giữa các ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ. Sự ra đời của chiếc máy TV trong phòng khách mỗi gia đình người Mỹ đã gây ra kinh hoàng cho dân chúng khi nhìn thấy hình ảnh chết chóc của con em mình xảy ra mỗi ngày ở chiến trường. Đội quân báo chí bất lương tha hồ xuyên tạc bóp méo tin tức để tạo áp lực. Hai tấm ảnh do Eddie Adams chụp vụ Tướng Loan bắn chết tên Việt Cộng Nguyễn Văn Lém và Nick Ut chụp cảnh em bé Kim Phúc bị cháy vì bom lửa của phi cơ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã như hai can xăng đổ thêm vào đám cháy của phản chiến.
Từ năm 1972 đến 1975. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải nhận hành quân trong một lãnh thổ mà trước đây có mặt các sư đoàn Việt Nam Cộng Hòa và thêm hàng chục sư đoàn, lữ đoàn của Mỹ. Một ví dụ : Sư đoàn 5 Bộ binh với quân số khoảng 10 ngàn binh sĩ, phải gánh một vùng hành quân trước đây là của chính họ cộng với gần hai sư đoàn Mỹ (một phần Sư đoàn 25 Hoa Kỳ, một Lữ đoàn Không kỵ, và Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ mà quân số trang bị xem như gấp đội Sư đoàn 5 Bộ binh của Việt Nam). Các đơn vị phải dàn mỏng ra trong vùng rừng rậm của ba tỉnh Bình Dương, Bình Long, và Phước Long.
Cần nhắc lại là trong giai đoạn trước 1968, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ được trang bị các vũ khí lỗi thời, thặng dư sót lại của Thế chiến thứ Hai ; trong khi Cộng quân đã có vũ khí tối tân từ Liên Xô và Trung Cộng. Súng trường Garant M1 làm sao so với tiểu liên AK-47 của Tiệp Khắc ; Đại bác 155 ly chỉ bắn khoảng 15 cây số, trong khi tầm bắn của đại bác 130 li xa tới 30 cây số, súng cối 61 ly và 82 li của Việt Cộng có thể xài đạn 60 li và 81 li của chúng ta, xe tăng M-41 làm sao chọi với T-54 ? Không quân Việt Nam Cộng Hòa tuy được đánh giá vào hàng thứ sáu trên thế giới, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa mang tiếng là đứng hàng thứ nhất ở Đông Nam Á. Nhưng có thứ hạng cao là nhờ ở lượng với hơn 200 phi cơ đủ loại và 1500 chiến thuyền các cỡ. Còn về phẩm chất thì rất kém. Ngoài F-5E là loại phản lực chiến đấu Hoa Kỳ sản xuất cho các đồng minh, các loại phi cơ khác đều thuộc đời cũ nhất (series A hay B) ; tàu chiến thì chọn từ nghĩa địa tàu (junk yards) rồi sơn phết lại và gắn một số trang bị căn bản. Thế là oách lắm so với các nước nhỏ xung quanh.
Vào giai đoạn sau cùng từ 1972 đến 1975, quân viện bị cắt thê thảm. Cuối năm 1974 coi như binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa không có đủ đạn các loại ; phi cơ, xe cộ không đủ xăng dầu ; trong khi Bắc Việt chuyển vào Nam hàng chục sư đoàn với sự tiếp tế vũ khí đạn được vô hạn từ Liên Xô và Trung Cộng. Hoa Kỳ đã bội ước, không can thiệp như trong các văn thư của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi ông Thiệu buộc lòng chấp nhận ký Hòa ước Paris !
Bây giờ, người Mỹ quay ra trút sự thất bại của họ lên đầu Việt Nam Cộng Hòa, từ chính quyền đến quân đội ! Người Mỹ, với tính tự tôn, coi các dân tộc khác là kém cỏi. Họ đã nói đến người Việt Nam là bọn "little bastards", nhục mạ với tiếng lóng "bọn gooks","bọn khó dạy !".
Những bằng chứng cho thấy họ đã làm ngơ về các đóng góp tích cực của quân sĩ Việt Nam Cộng Hòa như :
- Khi viết hay làm phim về trận Khe Sanh, họ không hề nhắc đến sự có mặt của Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa đã cùng họ chiến đấu suốt thời gian bị vây hãm, tấn công.
- Khi viết hay làm phim về trận tái chiếm cố đô Huế, họ chỉ phô trương hình ảnh người lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ mà không hề có một hình nào về những người lính Thủy quân lục chiến, Bộ binh Việt Nam Cộng Hòa .
- Khi viết và làm phim The Hamburger Hill, họ đã tiếm đoạt công trận của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa khi vinh danh tiểu đoàn 3/187 thuộc Sư đoàn 101 Nhảy Dù Mỹ đã chiếm ngọn đồi đầy máu và thịt băm. Nhưng tài liệu của Bộ Tự Lệnh Mỹ tại Việt Nam (bản báo cáo ngày 22 tháng 5, 1969 của Đại tá Wilson C. Harper) đã xác nhận đơn vị đầu tiên đặt chân lên đỉnh đồi Đồng Lộc ở Động Ấp Bia – tức đồi 937 trên bản đồ quân sự – là Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 Bộ binh Việt Nam Cộng Hòa.
Những trận đánh long trời lỡ đất của Việt Nam Cộng Hòa đã bị người Mỹ làm ngơ không hề nhắc tới. Ví dụ :
- Trận đại thắng Tết Mậu Thân năm 1968 thì bị họ bóp méo là thất bại vì cho rằng phía Việt Nam Cộng Hòa đã không tiên liệu cuộc tổng tiến công của Việt Cộng,
- Trận tử thủ An Lộc của Bộ binh, Nhảy dù, Biệt Động Quân (một chọi sáu) trong hai tháng từ tháng 4 đến cuối tháng 5, 1972,
- Trận tử thủ Tống Lê Chân của Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân (một chọi chín) trong hơn một năm rưỡi,
- Trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị của Thủy quân lục chiến Việt Nam năm 1972,
- Trận Sa Huỳnh của Trung đoàn 6 Bộ binh vân vân.
Ngay vụ Trung tá Iceal Hambleton – sĩ quan không hành trên chiếc EB-66 – bị bắn rơi ở phía nam vùng Phi Quân Sự ở Quảng Trị mùa hè năm 1972, sau hàng loạt hành quân cứu nạn thất bại với thêm năm phi cơ bị bắn rơi và gần 20 lính Mỹ bị bắn chết, bị bắt làm tù binh ; cuối cùng ông được Đại úy Thomas Norris và Hạ sĩ Nguyễn Văn Kiệt thuộc đội Người Nhái cứu thoát khỏi vòng vây tìm của cả ngàn quân thù. Khi làm cuốn phim truyện về cuộc cứu thoát này, anh Kiệt không hề được nói tới dù anh đã được thưởng huy chương Navy Cross, là loại huy chương cao nhất của Hải Quân Mỹ dành thưởng cho người ngoại quốc. Trung tá Hambleton, có lẽ do tính tự cao, kỳ thị cũng chẳng hề nhắc tới một người lính Việt Nam nhỏ bé đã cứu mạng mình.
Người quân nhân Mỹ đến Việt Nam theo tiêu chuẩn mỗi vòng (tour) là một năm, xong sẽ về lại Mỹ. Sau đó, có thể tình nguyện thêm một vài vòng khác. Trong một năm ở Việt Nam phải qua giai đoạn processing mất chừng 1 tuần, họ cũng hưởng 15 ngày phép ở các trung tâm du lịch. Chỉ có 10 phần trăm tổng số quân nhân Mỹ ở Việt Nam là ra chiến trường. Như thế, trong số 2,7 triệu quân nhân Mỹ tham gia toàn cuộc chiến, thì có 270 ngàn là lính tác chiến. Ở mức quân số cao nhất là 363 ngàn binh sĩ Mỹ trong năm 1969, chỉ có 36 ngàn là ở chiến trường.
Thử so với một triệu quân Việt Nam Cộng Hòa dưới cờ, thì chỉ có chừng khoảng 150 ngàn quân tác chiến (thêm vài trăm ngàn nếu tính luôn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân). Thanh niên Việt Nam từ khi vào lính ở độ tuổi 18 (tình nguyện hay quân dịch) thì coi như không thấy ngày về. Quân nhân các đơn vị tác chiến chỉ về khi tử trận hay bị thương nặng. Họ chiến đấu triền miên trong hoàn cảnh ăn uống kham khổ và nỗi khó khăn về kinh tế gia đình ; cầm cự trong 20 năm chiến tranh thì phải nói là quá phi thường, dũng cảm mà chắc người lính Hoa Kỳ hay các đồng minh khác sẽ không thể nào cam chịu nổi.
Chúng tôi phải lên tiếng để lấy lại danh dự cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, dù đôi khi phải nói thẳng những điều có thể mất lòng các bạn Mỹ có sự hiểu biết trung thực. Như như Chúa Jesus từng nói khi một đám đông đòi ném đá một phụ nữ phạm trọng tội ngoại tình : "Ai là người chưa hề phạm tội thì hãy ném đá người đàn bà này" ("Let him who is without sin among you be the first to cast a stone at her", New Testament, Book of John 8.7). Chúng tôi cũng muốn nhắn tới các anh Mỹ tự tôn, đầy óc kỳ thị rằng : "Nếu anh chưa hề nếm mùi chiến trường thì anh hãy câm mồm lại, vì anh không đủ tư cách để phê phán chúng tôi".
Đỗ Văn Phúc