Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/07/2022

Sri Lanka sẽ ra sao khi Tổng thống Rajapaksa từ chức ?

Trương Hùng, Thu Hằng, Anh Vũ

Tương lai nào cho Sri Lanka ?

Trương Hùng, An Ninh Thế Giới, 13/07/2022

Chính phủ Sri Lanka hôm 11/7 xác nhận với báo chí rằng, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã chính thức tuyên bố từ chức, sau nhiều ngày đương đầu với áp lực khủng khiếp từ cuộc biểu tình phản đối của người dân. Tương lai đất nước Sri Lanka sẽ được định đoạt như thế nào sau khi ông Rajapaksa từ chức ?

gotabaya1

Người dân tràn vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Trong thông báo về việc từ chức của ông Rajapaksa, Chính phủ Sri Lanka cho biết ông sẽ chính thức rời chức vụ vào ngày 13/7 và Quốc hội sẽ nhóm họp lại vào ngày 15/7, tổng thống mới sẽ được các nghị sĩ bầu vào ngày 20/7. Cùng với đó, Thủ tướng tạm quyền Wickremesinghe và nội các của ông cũng sẽ từ chức khi chính phủ hòa hợp dân tộc được thành lập và nắm quyền. Ông Wickremesinghe cũng bị cáo buộc tham nhũng và là người đã đứng ra che chắn cho ông Rajapaksa và gia đình ông trong thời gian qua sau khi em trai ông Rajapaksa từ chức thủ tướng.

Cơn thịnh nộ của công chúng Sri Lanka đã lên đến đỉnh điểm trong hai ngày cuối tuần, 9 và 10/7. Người biểu tình đã tràn vào các dinh thự là nơi ở chính thức cũng như nhà riêng của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Báo chí địa phương cho biết, ngôi nhà của Thủ tướng Wickremesinghe đã bị đốt cháy, toàn bộ tài sản quý giá đều cháy rụi. Khi người dân đã tràn vào khu dinh thự chính thức xa xỉ của Tổng thống Rajapaksa, người ta không thể tìm thấy ông ở đâu. Có thông tin cho biết ông Rajapaksa đã được đưa đến ẩn náu tại một khu doanh trại của quân đội, cũng có người cho rằng ông đã bí mật trốn ra nước ngoài bằng máy bay của quân đội.

Ông Rajapaksa lên làm Tổng thống Sri Lanka vào tháng 11/2019 và đã xây dựng một triều đại gia đình trong Chính phủ Sri Lanka với 5 thành viên khác trong gia đình ông giữ các chức vụ chính trị cấp cao. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, từ chuyện đấu đá nội bộ gia đình đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nước. Các thành viên gia đình ông bị cáo buộc tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém và phá sản đất nước.

Khủng hoảng kinh tế, nợ nần quốc gia chồng chất khiến đất nước Sri Lanka đến bên bờ vực phá sản do những sai lầm trong lãnh đạo, quản lý. Cùng với nhiều yếu tố khác, trong đó có đại dịch Covid-19 đã khiến đời sống người dân Sri Lanka vô cùng khó khăn. Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka cạn kiệt và quốc gia này đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo do không thể nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Nhiều người phải vật lộn để có một bữa ăn mỗi ngày và mọi người phải xếp hàng dài đến 5 ngày chờ đổ xăng.

Người dân bất bình đã bắt đầu xuống đường biểu tình từ tháng 4/2022 để phản đối, đòi Tổng thống Rajapaksa từ chức và rời khỏi đất nước, trả lại tài sản tham nhũng đục khoét của người dân Sri Lanka. Cuộc biểu tình càng lúc càng mạnh, với hàng trăm ngàn rồi hàng triệu người khắp đất nước, bạo loạn và đụng độ với cảnh sát. Đã có nhiều người chết và bị bắt khi đụng độ với cảnh sát. Tình hình càng lúc càng tồi tệ, do vậy em trai ông là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa đã phải từ chức vào đầu tháng 5 nhằm xoa dịu tình hình nhưng dân chúng vẫn chưa nguôi cơn thịnh nộ vì tổng thống vẫn tiếp tục tại vị và tình hình khó khăn càng lúc càng tồi tệ, đến mức khủng hoảng nhiên liệu khiến cho chính phủ phải ra lệnh đóng cửa toàn bộ hệ thống cung cấp xăng dầu không cung cấp cho các hoạt động không thiết yếu.

Hiện, các lãnh đạo đối lập đang tiến hành các cuộc đàm phán gấp rút nhằm thành lập một chính phủ bao gồm tất cả các đảng phái chính trị trong nước để điều hành đất nước cho tới khi tiến hành cuộc tổng tuyển cử để bầu quốc hội mới và chọn ra chính phủ mới cùng với tổng thống mới.

Tuy nhiên, bất cứ ai tiếp quản việc điều hành đất nước đều phải đối mặt với con đường khó khăn phía trước, với những khó khăn kinh tế vô cùng lớn của Sri Lanka hiện chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Có nhiều lời cảnh báo cho rằng tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực có thể trầm trọng hơn. Những người điều hành đất nước sắp tới cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề về tính hợp pháp, liệu họ có được công chúng công nhận hay không. Nhiều người biểu tình phản đối Tổng thống Rajapaksa không ủng hộ nhiều nghị sĩ, những người mà họ coi là một phần của nhóm chính trị đã gây ra tình trạng nợ nầng, khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka.

Đặc biệt quan trọng đối với Sri Lanka là cần có một chính phủ có thể tiếp tục đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nước này, đã vỡ nợ 51 tỷ USD nợ nước ngoài, đang hy vọng khoản cứu trợ khẩn cấp 4 tỷ USD vì dự trữ ngoại hối của nước này đã cạn kiệt và không còn đủ khả năng nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, dẫn đến những gì Liên Hợp quốc gần đây mô tả giống như một cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp xảy ra. IMF cho biết hôm 10/7 rằng, tổ chức này hy vọng "một giải pháp cho tình hình hiện tại sẽ cho phép nối lại đối thoại của chúng ta".

Tình hình tại Sri Lanka cũng gây lo ngại cho các cường quốc thế giới, như Mỹ, Trung Quốc... Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington đang theo dõi các diễn biến ở Sri Lanka và kêu gọi quốc hội làm việc nhanh chóng để thực hiện các giải pháp và giải quyết sự bất bình của người dân. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bangkok, ông Blinken nói rằng Mỹ lên án các cuộc tấn công nhằm vào những người biểu tình ôn hòa trong khi kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về bất kỳ bạo lực liên quan đến biểu tình.

Riêng với Trung Quốc, tình trạng nợ nần của Sri Lanka là một phản ánh rõ nét cho chính sách "bẫy nợ" mà Dự án Vành đai và Con đường (BRI) của nước này đã triển khai bấy lâu nay. Nó sẽ làm cho thế giới nhận thức rõ hơn về những nguy cơ mà BRI đem đến nếu cứ "ngây thơ" tiếp nhận nó một cách vô điều kiện.

Trương Hùng (tổng hợp)

Nguồn : An Ninh Thế Giới, 13/07/2022

***********************

Lật đổ gia tộc Rajapaksa : Sri Lanka bước sang trang mới "bất định"

Thu Hằng, RFI, 12/07/2022

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rũ trách nhiệm khi tìm cách rời Sri Lanka sống lưu vong nhưng không thành. Ông để lại cho 22 triệu dân khối nợ nước ngoài 51 tỉ đô la, theo thẩm định vào tháng 04/2022, một nền kinh tế kiệt quệ, cạn nhiên liệu và khoảng 80% người dân phải bỏ bữa vì thiếu lương thực.

gotabaya2

Những người biểu tình ăn mừng sau khi vào Ban Thư ký Tổng thống, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ trốn, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước, tại Colombo, Sri Lanka ngày 9 tháng 7 năm 2022. Reuters – Dinuka Lilyanawatte

Sự kiện người dân tràn vào dinh tổng thống "thứ Bẩy ngày 09/07/2022 sẽ lưu lại trong lịch sử" Sri Lanka. Việc tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố từ chức ngày 13/07, chấm dứt nhiều thập niên cai trị của gia tộc Rajapaksa, đã mở ra "một chân trời mới", là điều kiện "cần" nhưng chưa "đủ" vì theo báo chí Sri Lanka, "con đường dài và ghập ghềnh hướng đến phục hồi kinh tế" mới chỉ bắt đầu.

Đối lập khó khăn thành lập chính phủ

Khó khăn đầu tiên là ổn định lại cỗ máy điều hành đất nước. Cuộc bầu cử tổng thống được dự kiến diễn ra ngày 20/07. Thời gian quá gấp rút cho các đảng đối lập nhỏ đàm phán đề cử gương mặt xứng đáng. Tiếp theo là thành lập chính phủ đa đảng mới, được trang The Hindu đánh giá là "một trọng trách" "rất khó khăn do phe đối lập Sri Lanka bị chia rẽ và nhiều đảng đối lập, dù có hợp lực, cũng không có đa số nghị viện".

Ngược lại, đảng của gia tộc Rajapaksa (Sri Lanka Podujana Peramuna), chiếm đa số ở Nghị Viện, "từ chối hạ mình trước phe đối lập" vì muốn đưa người lên thay thế. Và "đây là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định của Sri Lanka", theo nhận định của Nishan de Mel, giám đốc tổ chức Verité Research ở Colombo, được Le Monde trích dẫn.

Thừa hưởng đất nước phá sản

Trong trường hợp "phe đối lập thành lập được chính phủ và được các nghị sĩ ủng hộ, thì họ kế thừa một nền kinh tế đang sụp đổ, không có biện pháp mầu nhiệm nào". Thực vậy, Sri Lanka chìm trong khủng hoảng từ nhiều năm qua. Du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn ngoại tệ cho hòn đảo, bị thất thu vì hàng loạt vụ khủng bố dịp lễ Phục Sinh năm 2019 (khiến ít nhất 156 người chết), tiếp theo là đại dịch Covid-19.

Ngoài ra phải kể đến hàng loạt thất sách được chính quyền triển khai trong khi không có biện pháp bổ trợ : giảm thuế mạnh vào tháng 12/2019 khiến ngân sách Nhà nước mất 1/3 nguồn thu ; tháng 04/2021 đột ngột cấm nhập khẩu hóa chất với lý do chuyển đổi sang nông nghiệp sạch khiến mất mùa. Nhưng nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ bắt nguồn từ những năm 2005-2015 dưới thời tổng thống Mahinda Rajapaksa, anh cả của tổng thống vừa bị lật đổ, khi vay tín dụng của Trung Quốc để xây dựng những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, bị coi là vô dụng, theo nhật báo Le Monde ngày 12/07.

Đến tháng 04/2022, chính quyền Colombo tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ để tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Theo tờ Sunday Times ngày 10/07, trong vòng 4 năm tới, Sri Lanka phải thanh toán nợ hơn 4 tỉ đô la hàng năm. Chính phủ mới sẽ phải làm như nào để vừa bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm cho người dân, vừa phải đàm phán nợ với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) ?

Cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo yêu cầu của FMI ?

Theo phân tích của nhà sử học Eric-Payl Meyer, chuyên về Sri Lanka, trên đài RFI ngày 12/07, trước mắt "Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ nhưng trong một chừng mực nhất định về khan hiếm xăng dầu, lương thực hoặc phân bón". Trung Quốc khẳng định vẫn viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sri Lanka từ nhiều tháng nay và tiếp tục theo sát những diễn biến mới nhất ở nước láng giềng bạn hữu.

Ở quy mô rộng hơn, đất nước trong tình trạng phá sản sẽ phải đàm phán trên thế yếu với các định chế tài chính quốc tế, như với FMI, về vấn đề nợ. Sri Lanka sẽ phải "thắt lưng buộc bụng", cải tổ bộ máy quản lý kinh tế theo những yêu cầu của "chủ nợ" và điều này có thể gây rạn nứt trong nội bộ các chính đảng đối lập dù hiện tại tất cả đều sẵn sàng tìm giải pháp giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Trung Quốc, bị coi là nguyên nhân sâu xa đẩy Sri Lanka ngập trong nợ, dường như muốn phủi tay, đẩy trách nhiệm cho các định chế tài chính quốc tế (FMI, Ngân Hàng Thế Giới). Theo các nhà quan sát Trung Quốc, được Global Times trích ngày 11/07, các chủ nợ thương mại và các tổ chức tài chính đa phương là những người cho vay chính đằng sau khối nợ nước ngoài của Sri Lanka.

Cuối cùng, để tránh xảy ra thêm một cuộc chiếm dinh tổng thống, tầng lớp chính trị gia và lãnh đạo Sri Lanka cần phải cải thiện được niềm tin của người dân. Biện pháp được Jayadeva Uyangoda, chuyên gia khoa học chính trị, đưa ra là "phải tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới để Nghị Viện phản ánh được ý kiến của xã hội và để chính phủ mới có được sự ủng hộ của người dân nhằm triển khai những cải cách của FMI".

Thu Hằng

***********************

Sri Lanka : Tổng thống muốn chạy ra nước ngoài nhưng bị ngăn cản tại phi trường

Anh Vũ, RFI, 12/07/2022

Theo nguồn tin chính thức hôm 12/07/2022, tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị mắc kẹt tại phi trường Colombo, vì các nhân viên xuất nhập cảnh dường như muốn ngăn cản ông ra nước ngoài lưu vong.

gotabaya3

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. AFP – Ishara S. Kodikara

AFP trích dẫn nguồn tin chính thức cho biết, các quan chức sở di trú đã không chấp nhận để ông Gotabaya Rajapaksa vào phòng VIP tại sân bay làm thủ tục xuất cảnh, trong khi tổng thống Sri Lanka muốn tránh qua cửa chung do sợ phản ứng của dân chúng.

Sau khi dân chúng nổi dậy chiếm dinh tổng thống, ông Rajapaksa chưa từ chức, nhưng hứa chuyển giao quyền lực vào ngày mai (13/07). Như vậy là từ đây cho đến đó, ông Rajapaksa vẫn là tổng thống được hưởng một số đặc quyền miễn trừ.

Tối hôm qua, 11/07, tổng thống Sri Lanka và vợ đã di chuyển đến một căn cứ quân sự gần phi trường quốc tế, sau khi có thể đã bị lỡ 4 chuyến bay đến Saudi Arabia. Hôm nay, ông Basil, người em út của tổng thống, từng là bộ trưởng Tài Chính đã từ chức hồi tháng 4, cũng đã bị lỡ chuyến bay đi Dubai sau khi gặp vấn đề với bộ phận xuất nhập cảnh.

Một nhân viên quản lý ở sân bay cho biết, một số hành khách đã phản đối không muốn ông Basil đi trên chuyến bay với họ. Tình hình rất căng thẳng, và tổng thống Rajapaksa vội vàng rời khỏi phi trường.

Văn phòng tổng thống Sri Lanka không có thông báo nào về tình hình của ông Rajapaksa. Do chưa từ chức, hiện tại ông vẫn là tổng tư lệnh quân đội và vẫn nắm trong tay các phương tiện quân sự. Ông vẫn có thể điều tàu chiến để qua Ấn Độ hay Maldive, theo một nguồn tin quốc phòng. Nếu tổng thống từ chức, như đã hứa, thủ tướng Ranil Wickremesinghe đương nhiên được chỉ định làm quyền tổng thống cho tới khi có tổng thống mới do Nghị Viện bầu. Tuy nhiên, ông thủ tướng Wickremesinghe cũng bị phong trào biểu tình hiện này chống đối dữ dội.

Theo dự kiến, sau khi tổng thống từ chức, ngày 20/07, Nghị Viện Sri Lanka sẽ tiến hành bầu tổng thống mới, nắm quyền cho đến hết nhiệm kỳ hiện tại, tức là vào tháng 11/2024. Trong khi đó, theo AFP, người biểu tình cảnh báo sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh chừng nào toàn thể ''bộ máy chính trị'' hiện nay vẫn tồn tại. 

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Hùng, Thu Hằng, Anh Vũ
Read 310 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)