Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/07/2022

Thấy gì khi Hà Nội khi tiếp ngoại trưởng Nga

Nguyễn Hồng Hải

"Việt Nam muốn khẳng định chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ" khi tiếp ngoại trưởng Nga

Trên đường sang Bali, Indonesia dự Hội nghị của nhóm quốc gia có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã ghé thăm Việt Nam. Đây là chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của ông Lavrov kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Ngày 06/07/2022, bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với đồng nhiệm Nga tại Hà Nội.

            vietnga1

            Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 06/07/2022.  via Reuters – Russian Foreign Ministry

Động thái này của Moskva có được cho là nhạy cảm và có khả năng gây xích mích đối với các đối tác của Việt Nam, đặc biệt là các nước lên tiếng phản đối hoặc tham gia lệnh trừng phạt Nga vì cuộc chiến Ukraine như cách nhìn nhận của các nhà phân tích và truyền thông phương Tây ? Sau đây, xin mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI tiếng Việt với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải từ Đại học Queensland, Úc Châu. 

***

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Thưa ông, chuyến thăm Hà Nội đầu tháng 7 vừa qua của bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov có ý nghĩa như thế nào ?

Nguyễn Hồng Hải : Vâng, tôi xin không đề cập lại bối cảnh chuyến thăm nữa vì báo chí đều đã đưa tin và ai cũng hiểu Nga đang trong hoàn cảnh thế nào. Về ý nghĩa chuyến thăm, ngoài lý do chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm hai nước đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tôi cho là cần nhìn nhận từ cả phía Nga và Việt Nam.

Về phía Nga, tôi cho rằng chuyến thăm ít nhất có 3 mục đích. Thứ nhất, sau những gì Việt Nam thể hiện lập trường đối với vấn đề Nga xâm lược Ukraine, Nga thấy rằng, họ không có đối tác nào "tin cậy" và "thủy chung" hơn là Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Vì thế, đây là dịp cảm ơn. Thứ hai, ông Lavrov thúc đẩy triển khai những thỏa thuận mà hai nước đã đạt được trong chuyến thăm Nga cuối năm 2021 của chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Nga đang gặp khó khăn về kinh tế do các lệnh trừng phạt. Cuối cùng, Việt Nam là mắt xích quan trọng để Nga phá thế bao vây và cấm vận. Vì thế, ông Lavrov đến để củng cố vị trí quan trọng này của Việt Nam đối với Nga. 

Về phía Việt Nam, nếu hỏi Hà Nội có cảm nhận sự nhạy cảm về chuyến thăm này không, tôi cho rằng có, vì chắc chắn sẽ bị "soi". Tuy nhiên, Hà Nội cũng muốn qua đây khẳng định chính sách đối ngoại "độc lập và tự chủ" một cách tự tin của mình. Tôi nghĩ, đây là thông điệp có ý nghĩa lớn nhất mà Việt Nam muốn phát ra bên ngoài. Việt Nam đang chứng minh không theo phe trong trường hợp này. Cụ thể, Hà Nội không đứng về phe trừng phạt và cấm vận Nga, và cũng không đứng về phe Nga để thừa nhận việc Nga xâm lược Ukraine là hợp pháp. Việt Nam đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

RFI : Vậy, xin ông cho biết trong cuộc hội đàm chính thức diễn ra ngày vào 06/07/2022 vừa qua, những vấn đề quan trọng nào được thảo luận ?

Nguyễn Hồng Hải : Báo chí Việt Nam đã đưa tin khá ngắn gọn về nội dung hội đàm giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước, đó là "hai bộ trưởng ngoại giao đã rà soát việc triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua và trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Cùng nhau điểm lại tình hình hợp tác giữa hai bộ Ngoại giao, hai bộ trưởng đã thống nhất kế hoạch triển khai trong giai đoạn tới".

Tôi nghĩ, đưa tin chính thức chỉ vậy, nhưng chắc chắn các vấn đề trụ cột trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, bao gồm quốc phòng và an ninh, kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục sẽ được bàn thảo. Thủ tướng Phạm Minh Chính còn đề nghị hai nước tổ chức kỳ họp thứ 24 Ủy ban Liên chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ trong năm nay tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ hai bên đã có những kế hoạch xúc tiến thúc đẩy hợp tác và quyết tâm không để cuộc chiến Ukraine ảnh hưởng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước. 

RFI : Nga là đối tác chiến lược toàn diện và công nghiệp quốc phòng chi phối Việt Nam. Trong khi, dù là đối tác an ninh cấp cao nhất nhưng Trung Quốc lại là mối đe dọa chính trị hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, Trung Quốc và Nga công bố mối quan hệ "không giới hạn" trong bối cảnh nhiều nước lên án hoặc tham gia lệnh trừng phạt khi Moskva tấn công Ukraine. Liệu chủ đề quan hệ Nga-Trung này có được thảo luận trong cuộc hội đàm ngoại giao Việt-Nga vừa qua tại Hà Nội ?

Nguyễn Hồng Hải : Tôi không nghĩ vấn đề này được đưa ra thảo luận giữa Việt Nam và Nga. Đây là vấn đề nhạy cảm. Tôi cho rằng, bản chất quan hệ Nga và Trung Quốc là vụ lợi. Cả hai đều là nước lớn, đều có tham vọng tạo các cực riêng trong quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang ngày càng xác định và xem Nga, Trung Quốc là các đối thủ thách thức trật tự quốc tế đã được xác lập, họ xích lại gần nhau là điều dễ hiểu. 

Vì thế, việc Nga và Trung Quốc nói quan hệ hợp tác song phương là "không giới hạn" chủ yếu nhằm vào Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng "không giới hạn" không có nghĩa là họ đã hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Chẳng hạn, việc Nga bắt một nhà khoa học hồi đầu tháng Bẩy này vì hợp tác với lực lượng an ninh mật của Trung Quốc là một bằng chứng cho thấy Nga vẫn luôn cảnh giác tham vọng của Trung Quốc. Nga cũng hiểu rằng, duy trì và củng cố quan hệ chiến lược với Việt Nam sẽ đảm bảo vị thế của Nga trong khu vực. Và, tất nhiên Nga cũng không muốn thấy mọi thứ đều nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

RFI : Việt Nam và Nga có khả năng sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung như nguồn tin đã công bố vào tháng 04/2022 vừa qua. Trong một phân tích trên The Diplomat, ông nhận định, cùng một thông điệp truyền đi, Hà Nội thận trọng khi đề cập trong khi Moskva tuyên bố "rầm rộ". Thực hư diễn biến của kế hoạch này như thế nào, thưa ông ?

Nguyễn Hồng Hải : Vâng, như tôi đã phân tích và chỉ ra tính lô-gic của thông tin được cả phía Nga và Việt Nam đưa ra. Tôi cho rằng không có cuộc tập trận song phương nào cả theo đúng nghĩa của nó. Đó chỉ là cuộc thi giao lưu quân sự quốc tế mà Nga vẫn tổ chức và mời nhiều nước tham gia. Việt Nam đã tham gia cuộc thi này từ nhiều năm nay. Năm 2021, Việt Nam còn là nước đồng tổ chức với một số hoạt động diễn ra ở Việt Nam.

Cái gọi là tập trận Việt - Nga, nếu có, chỉ là nhân kết hợp tham gia cuộc thi, hai bên sẽ giao lưu học hỏi và đó được xem như là hoạt động bên lề cuộc thi này. Với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Mỹ và các nước phương Tây vẫn tiếp tục gây sức ép lên Nga, câu hỏi liệu cuộc thi quân sự quốc tế năm nay có diễn ra hay không vẫn phải để thời gian trả lời. Tôi nghĩ là không dễ.

RFI : Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, việc ông Lavrov hội đàm tại Hà Nội có thể gây "xích mích" các đối tác phương Tây của Việt Nam trong khi nhận định ngược lại cho rằng, họ cũng có thể "nhắm mắt làm ngơ" ?

Nguyễn Hồng Hải : Như tôi nói ở trên, Việt Nam cảm nhận được sự nhạy cảm trong việc đón tiếp ngoại trưởng Nga ở thời điểm này. Có thể nhận thấy điều này qua ngôn từ phát biểu khá thận trọng từ phía Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng đang muốn chứng minh chính sách đối ngoại "độc lập, tự chủ" của mình. Vì thế, Việt Nam tự tin đón ngoại trưởng Nga lần này, và trước đó đã đón ngoại trưởng Canada và Úc, không kể các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang Mỹ và Châu Âu.

Nếu nói các nước "nhắm mắt làm ngơ" với Hà Nội thì cũng hơi quá coi nhẹ vị thế của Việt Nam. Tôi cho rằng và nói đúng hơn là các nước họ cũng dần và ngày càng hiểu chính sách đối ngoại của Việt Nam là gì. Đó là trước hết và trên hết vì lợi ích của chính Việt Nam. Khuyến khích một Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, phát triển hùng cường, thịnh vượng, có lẽ sẽ có lợi cho hòa bình trong khu vực, và là thắng lợi của Mỹ và các nước phương Tây.

RFI : Một sốnhà phân tích cho rằng việc Hà Nội trải thảm đỏ tiếp đón bộ trưởng ngoại giao Nga có thể làm suy yếu mối quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà phát triển trong mục tiêu chung kiềm chế Trung Quốc. Đặc biệt, việc Việt Nam mua phần lớn vũ khí từ Nga, Washington có thể sử dụng Đạo luật trừng phạt đối thủ của Mỹ (CAATSA, 2017) đối với Hà Nội. Vậy, tại sao cho đến nay, Mỹ không áp dụng Đạo luật này như một lá bài chiến lược để thuyết phục Hà Nội giảm lệ thuộc vào Nga ?

Nguyễn Hồng Hải : Mỹ đã từng khuyên Việt Nam xem xét giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga. Tôi nghĩ, Hà Nội hẳn cũng đã nghĩ đến việc này, đặc biệt kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Theo dõi tin tức có thể thấy, giá trị mua vũ khí Nga của Việt Nam gần đây đã giảm. Việt Nam không phải là nước duy nhất cho đến nay Mỹ chưa áp dụng CAATSA mà còn có Ấn Độ.

Sở dĩ Mỹ chưa áp dụng CAATSA với Việt Nam vì những lý do. Thứ nhất, Mỹ muốn duy trì và phát triển quan hệ chiến lược hơn nữa với Việt Nam. Thứ hai, Mỹ không muốn làm căng với Việt Nam về việc này dẫn đến ảnh hưởng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Thứ ba, Mỹ cũng hiểu rằng việc Việt Nam sắm vũ khí và tăng cường tiềm lực quốc phòng là vì mục đích gì và vì đối tượng nào. 

Ngoài ra, việc ban hành Đạo luật là một chuyện, nhưng khi thực hiện Mỹ lại linh hoạt vì lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ chưa thấy lợi ích gì của việc áp dụng trừng phạt Việt Nam trong trường hợp này, mà ngược lại chỉ làm Việt Nam rời xa và thiếu sự tin cậy vào Mỹ. Trong khi, cả hai nước đã phải mất một thời gian dài để xây dựng và vẫn đang tiếp tục củng cố lòng tin để hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm cho những tiếng nói ở Việt Nam chưa thuận cho việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hai bên thêm nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam.

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Đại học Queensland, Úc Châu.

Hoàng Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 14/07/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hồng Hải, Hoàng Hằng,
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)