Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/07/2022

Liệu tỉ phú Phạm Nhật Vượng có an toàn ?

Lê Hồng Hiệp

Những đồn đoán gần đây cho rằng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, có thể gặp rắc rối với các cơ quan chức năng, có lẽ là quá đà. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của Hà Nội có nghĩa là các chủ doanh nghiệp của Việt Nam phải thận trọng trên con đường tìm kiếm lợi nhuận.

pnv1

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh minh họa

Tin đồn lan nhanh trên các mạng xã hội ở Việt Nam vào tuần trước rằng Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam và là chủ tịch của Vingroup – tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam – đã bị áp lệnh cấm xuất cảnh. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng ông Vượng sẽ sớm trở thành nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam. Trong những tháng gần đây, cơ quan chức năng đã khởi tố một số doanh nhân nổi tiếng, trong đó có Trịnh Văn Quyết, người sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn FLC, và Đỗ Anh Dũng, chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Tuy nhiên, ngày 11/7/2022, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đã khẳng định tin đồn này là tin giả. Đồng thời, ông thông báo rằng Bộ Công an đang điều tra 9 người ở 7 địa phương vì đã phát tán thông tin sai lệch này. Thế nhưng, tuyên bố của ông đã không thể xóa tan nghi ngờ của một số cư dân mạng, rằng ông Vượng có thể đang thực sự đang gặp rắc rối, vì họ chỉ ra rằng trường hợp của ông Vượng có vẻ tương tự "quy trình" của các vụ bắt giữ trước đó. Ví dụ, ông Trịnh Văn Quyết cũng bị hạn chế xuất cảnh vào cuối tháng 3, và một ngày sau khi Bộ Công an bác tin đồn rằng ông này sẽ bị bắt, ông Quyết đã bị tạm giam vì cáo buộc thao túng chứng khoán.

Những tin đồn này dường như đã dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu của Vingroup trên thị trường chứng khoán. Vào ngày 6/7/2022, giá cổ phiếu của Vingroup đã giảm 6,64% xuống mức thấp nhất trong ba năm qua. Trong những ngày tiếp theo, cổ phiếu của công ty hầu hết giao dịch trong sắc đỏ.

Bất chấp sự mâu thuẫn trong thông điệp của Bộ Công an, có cơ sở vững chắc để tin rằng ông Vượng có thể sẽ vẫn an toàn, ít nhất là trong tương lai gần.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tin đồn về những rắc rối pháp lý của ông Vượng. Hồi năm 2018-2019, có những tin đồn tương tự rằng ông Vượng bị tạm giữ hộ chiếu và cấm xuất cảnh. Lúc đó, những tin đồn này dường như xuất phát từ các cuộc điều tra về em trai của ông Vượng, Phạm Nhật Vũ, vì dính líu đến một vụ án tham nhũng lớn liên quan đến vụ nhà mạng di động Mobifone mua lại công ty AVG, một công ty truyền thông do ông Vũ làm chủ tịch. Những tin đồn này làm các nhà đầu tư lo lắng và khiến một số người phải tìm cách xác minh. Tuy nhiên, ông Vượng không bị liên lụy trong vụ việc này.

Lần này, có hai vấn đề có thể đã làm dấy lên những tin đồn mới về ông Vượng. Vấn đề đầu tiên liên quan đến việc chính phủ Việt Nam đang tiến hành một đợt chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất hợp pháp. Hồi tháng 4, các lãnh đạo của tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bị bắt và khởi tố về hành vi phát hành trái phép trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng số vốn huy động được cho các mục đích không được phê duyệt. Tập đoàn Vingroup của ông Vượng được biết đến như là một trong những công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Hồi tháng 5, công ty đã phát hành 525 triệu đô la Mỹ trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế để huy động vốn cho hoạt động sản xuất ô tô của mình. Một tháng sau, công ty huy động thêm 100 triệu đô la Mỹ cho các dự án bất động sản. Các đợt phát hành trái phiếu lớn của Vingroup có thể khiến một số cư dân mạng suy đoán rằng Vingroup cũng sẽ là một mục tiêu trong đợt chấn chỉnh này. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Vingroup đã vi phạm quy định hoặc đang bị điều tra.

Lý do thứ hai có thể liên quan đến mảng kinh doanh bất động sản của Vingroup. Vinhomes, công ty con phụ trách mảng bất động sản của Vingroup, được biết là đã mua đất cho một số dự án bất động sản trước đây, đặc biệt là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ một số doanh nghiệp nhà nước hoặc các cơ quan chính phủ, mà không thông qua quy trình đấu giá công khai. Tuy nhiên, trong khi một số dự án của các chủ đầu tư khác mua đất theo cách tương tự đã bị điều tra, thì chưa có dự án nào của Vinhomes chính thức bị xử lý.

Cần lưu ý rằng, chính phủ thường chỉ xử lý hình sự các quan chức chính phủ hoặc các nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước đã chấp thuận chuyển nhượng trái phép đất công cho các nhà đầu tư tư nhân với định giá thấp. Cho đến nay, chính phủ phần lớn không xử lý các công ty phát triển bất động sản, vì e ngại điều này sẽ làm các nhà đầu tư sợ hãi và gây bất ổn thị trường. Trong hầu hết các trường hợp, các chủ đầu tư được phép giữ lại đất, đặc biệt là nếu các lô đất đó đã được tiến hành xây dựng, nhưng các công ty này sẽ phải trả thêm tiền cho chính phủ để khớp với giá thị trường của các lô đất được chuyển giao bất hợp pháp.

Một yếu tố quan trọng cũng có lợi cho ông Vượng là vị thế của Vingroup với tư cách là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản và khách sạn đến giáo dục, y tế và sản xuất. Đây là một doanh nghiệp đóng thuế lớn và tuyển dụng hàng chục nghìn nhân viên. Việc khởi tố người sáng lập và chủ tịch tập đoàn chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng chấn động cho thị trường chứng khoán Việt Nam, và thậm chí có thể đe dọa gây bất ổn nền kinh tế.

Đồng thời, VinFast, công ty sản xuất ô tô mới thành lập của tập đoàn, hiện đang dẫn đầu những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một ngành công nghiệp ô tô bản địa. Những nỗ lực táo bạo của ông Vượng trong lĩnh vực này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam vì chúng phù hợp với kế hoạch công nghiệp hóa của đất nước và thể hiện tham vọng của Việt Nam trở thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Việc VinFast lên kế hoạch huy động 4 tỉ đô la nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện ở Bắc Carolina, Hoa Kỳ, đã giúp tăng cường đòn bẩy của ông Vượng đối với chính phủ Việt Nam. Nếu ông Vượng gặp rắc rối pháp lý, dự án có thể đi chệnh đường ray, tước đi một con đường đầy hứa hẹn giúp Việt Nam tăng cường liên kết kinh tế với Hoa Kỳ.

Vì vậy, khả năng ông Vượng bị thất sủng và sẽ bị chính phủ Việt Nam trừng phạt là rất thấp. Ông Vượng có thể sẽ tiếp tục được để yên nhằm điều hành doanh nghiệp của mình và đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, ở một đất nước mà nạn tham nhũng vẫn phổ biến và hầu hết các doanh nghiệp vẫn phải dựa vào các mối quan hệ chính trị để phát triển, các chủ doanh nghiệp nhận thức được rằng chính các chính trị gia đã gây dựng nên họ một ngày nào đó có thể sẽ hạ bệ họ. Ông Vượng sẽ phải chơi trò chơi chính trị của mình một cách thận trọng và khôn ngoan để có thể bảo vệ tài sản, đồng thời phát triển hơn nữa đế chế kinh doanh của mình.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/07/2022

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg, chuyên trang bình luận của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Hồng Hiệp
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)