Hai năm trước, các hãng đánh giá tín dụng và cố vấn kinh tế cho Chính phủ Lào cảnh báo nợ công của Vientiane đã vượt ngưỡng nguy hiểm và có nguy cơ vỡ nợ. Lào được cho là đang nhờ sự giúp đỡ từ Trung Quốc.
Lào có nguy cơ trở thành nước Châu Á thứ hai bị vỡ nợ sau Sri Lanka - Ảnh minh họa Chợ Salat Sao ở Vientiane
Thực tế là Lào đang chuyển cho chủ nợ Trung Quốc quyền chủ sở hữu của các khoản vay lớn của mình. Trung Quốc là nước cho vay lớn nhất của Lào.
Theo Fitch Ratings, một cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu doanh nghiệp, chi tiết về sự thống trị của Trung Quốc là khoản nợ 5 tỷ USD Lào vay từ Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á đối mặt với "nguy cơ căng thẳng nợ nước ngoài". WB nói rằng kinh tế Lào thu hẹp 0,6% vào năm 2020, giảm mạnh so với mức tăng trưởng xuất sắc 8% mà nó đạt được trung bình từ năm 2011 đến năm 2014 và 7% trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó thì Fitch hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Lào xuống "CCC" từ lần hạ bậc trước đó là "B-", đánh dấu hai lần hạ bậc vào năm 2020. Còn Moody’s đã hạ xếp hạng của Lào xuống "Caa2" từ "B3", sau khi đầu năm ngoái họ đã giảm trái phiếu chính phủ thành
Các tổ chức quốc tế đều cho rằng, Lào bị lôi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc với lượng tiền mặt lớn tài trợ cho mục tiêu xây dựng đập của Lào nhằm xuất khẩu điện sang các nước láng giềng, trên con đường trở thành "bình điện của Đông Nam Á". Hãng thẩm định tài chính Moody’s Investors Service hồi trung tuần tháng 6/2022 nhận định, Lào có nguy cơ trở thành nước Châu Á thứ hai bị vỡ nợ sau Sri Lanka.
Lào đang thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, điều khiến chính phủ nước này đang phải vật lộn để mua và nhập khẩu đủ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nhiên liệu. Trong một diễn biến có liên quan, tờ Vientiane Times đưa tin chính phủ Lào đang xem xét mời một công ty tư vấn quốc tế xác định giá trị tài sản nhà nước, đặc biệt là tài sản liên quan đến tài nguyên thiên nhiên để làm cơ sở thuyết phục các chủ nợ về khả năng thanh toán các khoản nợ tích lũy của nước này.
Theo kế hoạch của Bộ Tài chính Lào, công ty tư vấn sẽ được thuê định giá giá trị của các dự án khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ và thủy điện. Bên tư vấn sẽ đưa ra thông tin về giá trị hiện tại của chúng cũng như các dự báo cho tương lai.
Việc hiểu rõ hơn tiềm năng của Lào được kỳ vọng sẽ giúp các chủ nợ có thể cảm thấy tin tưởng rằng Lào sẽ không vỡ nợ và có tiềm năng lớn từ các nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khai thác mỏ.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Lào Bounchom Ubonpaseuth mới đây cho biết nghĩa vụ thanh toán nợ hàng năm của nước này đã đăng từ 1,2 tỷ USD trong năm 2018 lên 1,4 tỷ USD vào năm 2022.
Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc tại Lào được định hình bởi các dự án tỷ USD, bao gồm tuyến tàu cao tốc trị giá 6 tỷ USD, tập hợp các đập thủy điện lớn, đường cao tốc và nhiều đặc khu kinh tế. Cổ phần của Lào trong dự án đường sắt Côn Minh – Viêng Chăn chiếm 30% và Lào phải trả phần đầu tiên của thỏa thuận tài chính 250 triệu USD trong năm nay thông qua khoản vay lãi suất thấp từ Trung Quốc.
Lào đã đạt được các thỏa thuận tương tự để xây dựng các dự án thủy điện lớn nhỏ nhằm khai thác nguồn nước dồi dào, bao gồm các nhánh sông nhỏ của sông Mê Kông, hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á.
Ước tính 400 dự án thủy điện đã hoàn thành hoặc đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch trong bối cảnh Lào tìm cách trở thành "cục pin của Đông Nam Á" bằng cách bán điện cho các nước láng giềng. Điều này tuy nhiên lại đang khiến quốc gia gần như nghèo nhất khu vực này nhanh chóng chìm vào nợ nần.
Khả năng sắp tới đây là các chủ nợ như Trung Quốc có thể phải thu hồi các khoản nợ của mình bằng cách yêu cầu kiểm soát các tài sản của Lào.
Có tin, Bộ trưởng Tài chính Lào đã đề nghị Việt Nam cử chuyên gia sang giúp Lào tháo gỡ những khó khăn về tài chính, tiền tệ ; cải cách doanh nghiệp ; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước…
Nhiều khả năng Việt Nam sẽ "vào cuộc" vì còn là vấn đề của địa chính trị.
Tin tức cho biết Lào đã ký nhượng quyền quản lý, khai thác mạng lưới điện quốc gia cho một công ty Trung Quốc thời hạn 25 năm – đó là một liên doanh giữa công ty truyền tải điện Lào và công ty điện lực Phương Nam Trung Quốc (EDLT).
Trường hợp của Lào là rất hiếm hoi, hầu như không có quốc gia nào nhượng quyền kiểm soát lưới điện quốc gia cho đối tác nước ngoài, vì tính chất tối quan trọng của an ninh năng lượng liên quan mật thiết đến an ninh kinh tế.
Lào hiện nay có vị trí "địa chính trị" đặc biệt quan trọng ở Đông Nam Á, đóng vai trò là con đường tiến xuống phía Nam của Trung Quốc. Việc nắm quyền kiểm soát ngành điện ở đây giúp Bắc Kinh dễ dàng triển khai nhiều hơn các toan tính chiến lược dài hạn.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 28/07/2022