Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/07/2022

Nếu chống được tham nhũng bằng luật thì có cần Đảng ‘đốt lò’ ?

Võ Ngọc Ánh

Chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã đưa nhiều quan tham nhũng vào tù, hoặc phải mất chức.

Có lẽ việc "đốt lò’ này làm cho xếp hạng về nhận thức tham nhũng của Việt Nam trong năm 2021 tăng 17 bậc so với năm trước đó.

dotlo1

Việt Nam tăng 17 bậc về nhận thức tham nhũng

Thế nhưng, dù được báo chí ca ngợi, ta cần thấy hiện tượng Việt Nam đưa hàng loạt quan chức tham nhũng vào tù hiện nay là sự thành công trên nền tảng thể chế, luật pháp, hay ý chí cá nhân ?

Đầu tiên cần nhìn vào pháp luật

Luật Phòng, Chống Tham nhũng của Việt Nam đang áp dụng được kỳ họp thứ 6 của quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2018. Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày, 01/07/2019. Trước đó, luật chống tham nhũng và được bổ sung, sửa đổi nhiều lần.

Thế nhưng phải nói rằng luật pháp Việt Nam trong suốt thời gian qua không thành công trong việc chống tham nhũng là do rào cản thể chế. Bởi thể chế đang tạo ra và dung dưỡng cho nạn tham nhũng sống tốt.

Tham nhũng là vấn nạn của đất nước. Cả quan chức, lẫn người dân không ngại ví von, tham nhũng như giặc nội xâm. Nhưng thực tế như tôi quan sát thấy, khá đông người Việt Nam chấp nhận sống chung với tham nhũng.

Để tham nhũng được điều kiện tiên quyết phải có chức, quyền trong bộ máy nhà nước. Mà để có được điều trên yếu tố đầu tiên cần có là đảng viên, phải học về chính trị của Đảng cộng sản.

Có thể nói đa số, nếu không nói là tất cả người Việt vào Đảng kể cả còn có lý tưởng thì cũng có lý do thiết thực hơn là để thăng chức, kiếm tiền. Bảo toàn sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng sẽ là bảo vệ cơ hội kiếm tiền của một nhóm người có quyền lực và mạng lưới thân hữu.

Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, là lực lượng duy nhất dẫn dắt cả Việt Nam gần nửa thế kỷ qua. Đảng cầm quyền tuyệt đối mà không hề có đối lập.

Đảng tiếp tục bỏ tù, triệt tiêu những tiếng nói không đồng điệu. Chuyện nhỏ như chỉ cần là công dân phản biện các chính sách của chính quyền nguy cơ bị gây khó trong đời sống ở cấp phường xã, bị hỏi thăm là rất cao. Thêm chút, nếu công dân nhiệt tình chống tham nhũng sẽ dễ nhận một cái tội nào đó để vào tù.

Đảng phân công, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ta thấy bộ máy Đảng tạo ra dung dưỡng cho giặc nội xâm. Dù trong suốt nhiềm năm qua đảng thành lập ban này ban kia, chiến dịch này nọ, học tập gương này, đạo đức kia thì tham nhũng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ngay cả người dân, đối tượng bị hại của nạn tham nhũng, cũng đang tiếp tay cho tham nhũng. Bởi họ không đút lót, chạy vạy, kẹp tiền… sẽ không xong việc, bị hoạch hẹo, gây khó. Việc này như một thói quen, thỏa thuận ngầm trong việc phải có con dấu, chữ ký của cơ quan công quyền, trong cơ chế xin – cho.

Bởi có luật pháp nhiều khi bị bỏ qua và vận dụng không đồng nhất. Tại mỗi cơ quan công quyền, người phụ trách sẽ có "lệ làng" khác. Và Kiểu, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" được thực dụng méo mó.

Đại gia, doanh nghiệp dùng tiền để có dự án, chi phối chính sách một cách lộ liễu qua việc bắt tay với quan chức. Điều này gây thiệt hại cho cả nhà nước lẫn người dân. Tạo ra sự bất công trong xã hội. Dân oan đa phần xuất hiện từ những cái bắt tay đầy mùi tiền này.

Trị tham nhũng để giữ độc quyền gây ra tham nhũng ?

Việc chống tham nhũng ở Việt Nam trong những năm qua ồn ào với chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một người với lý tưởng cộng sản và có tư duy bảo thủ như ông Trọng để thực hiện được việc "đốt lò" của mình cũng phải loại bỏ đối thủ Nguyễn Tấn Dũng bằng những nghị quyết mới làm được, như loạt bài đã đăng trên BBC ghi nhận.

Nếu hai ông Trọng và Dũng dìng chuyện tranh giành quyền lực, đấu đá trong hậu trường để lôi ra ánh sáng người của phe kia tham nhũng thì biết đâu sẽ còn có nhiều đoạn hay.

Chỉ đến khi loại trừ được ông Dũng, ông Trọng mới tiến dành việc ‘đốt lò’ của mình.

Do đó người ta nghi ngờ chiến dịch đốt lò của ông Trọng chỉ là đấu đá trong nội bộ. Cho dù nó được gia cường bằng sự cương quyết "không có vùng cấm".

Nhưng liệu việc ‘đốt lò’ này tham nhũng tại Việt Nam bị tận diệt không ?

Những gì cho thấy đến lúc này câu trả lời là không. Tuy nhiên, với việc ‘đốt lò’ của cụ tổng khiến những ai có ý định bất chính với tiền của nhờ quyền lực đang nắm giữ cũng kiêng dè hơn xưa và tỏ ra công chính.

Dù vậy, đến lúc này, chưa có tín hiệu nào cho thấy đảng tạo ra thay đổi từ thể chế, hay nền móng cho công cuộc tiêu diệt giặc nội xâm mang lại hiệu quả trong tương lai.

Tôi tin rằng, để chống được tham nhũng phải có lực lượng đối lập thực sự. Đối lập để xây dựng quốc gia, chứ không phải đối lập hình thức. Người dân phải có quyền hành thực sự, chứ không phải sự tráng men dân chủ.

Báo chí phải có tự do thực sự, phải là kênh phản ảnh nguyện vọng, ý chí của người dân, không có vùng cấm, chứ không phải bẻ lái theo những gì đảng muốn. Việc ‘đốt lò’ của cụ tổng trong suốt thời gian qua cho thấy báo chí chỉ theo đuôi chứ không còn giữ vai trò ‘ngòi nổ’ qua việc điều tra, hoặc thông tin được tuồn ra ngoài từ bên trong.

Đốt lò, hay đả hổ diệt ruồi cũng chỉ là khẩu hiệu để che lấp đấu đá phe phái, hoặc "rung cây dọa khỉ" để tìm kiếm sự trung thành.

Chống tham nhũng kiểu đó chỉ tăng thêm độc quyền của Đảng cộng sản và đốt lò’ thực chất giống việc thi hành kỷ luật đảng hơn chống tham nhũng trong một nhà nước pháp quyền.

Nhìn ở góc độ này, công cuộc "đốt lò" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hóa ra chưa hẳn là thành công cho người dân, vì cái gốc của tham nhũng – sự độc quyền – vẫn còn nguyên.

Võ Ngọc Ánh

Nguồn : BBC, 28/07/2022

Tác giả Võ Ngọc Ánh hiện đang sinh sống tại Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Ngọc Ánh
Read 374 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)