Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/08/2022

Bất chấp Đồng thuận 5 điểm, Myanmar coi thường ASEAN

Thùy Dương, Trọng Thành, Trọng Nghĩa, Thu Hằng

Đặc sứ ASEAN về Miến Điện : "Siêu nhân" cũng không thể giải quyết được khủng hoảng Miến Điện

Thùy Dương, RFI, 06/08/2022

Đặc sứ ASEAN chuyên trách về tái lập hòa bình ở Miến Điện hôm 06/08/2022 thừa nhận "ngay cả siêu nhân" cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng tại quốc gia này. Đặc sứ Prak Sokhonn, cũng là ngoại trưởng Cam Bốt, cũng không hy vọng hồ sơ Miến Điện sẽ có những bước tiến triển nhanh chóng.

myanmar1

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 ở Phnom Penh vào ngày 6 tháng 8 năm 2022. (Tang Chhin Sothy / AFP)

AFP hôm nay cho biết đặc sứ ASEAN về Miến Điện, Prak Sokhonn, không loại trừ khả năng có chuyến công du lần thứ 3 đến Miến Điện, vào tháng 09 tới đây, nhưng cảnh báo rõ ràng là nếu có thêm các vụ hành quyết ở Miến Điện thì mọi chuyện sẽ được xem xét lại. Các tuyên bố của đặc sứ Prak Sokhonn được đưa ra trong bối cảnh hôm qua, thông cáo chung của Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Cam Bốt kêu gọi đặc sứ về Miến Điện sớm đối thoại thêm với tất cả các bên có liên quan.

Hồi tháng 4/2022, ASEAN đã đề xuất một kế hoạch giải quyết khủng hoảng Miến Điện, được gọi là Thỏa thuận 5 điểm, nhưng việc thực thi không mấy thành công. Thứ Sáu 05/08, thông cáo chung của Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ thất vọng sâu sắc về tiến trình thực thi Thỏa thuận 5 điểm và sự thiếu hợp tác của chính quyền Naypyidaw. ASEAN nhận định thỏa thuận chỉ đạt "những bước tiến bộ hạn chế".

Ngoại trưởng Miến Điện, không được mời dự Hội nghị, ngay sau đó, đã "bác bỏ" các tuyên bố của ASEAN, kêu gọi ASEAN duy trì tình đoàn kết, tôn trọng nguyên tắc trung lập, tôn trọng chủ quyền của các nước thành viên và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Miến Điện rơi vào cảnh bạo lực và hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 02/2021, kéo theo các cuộc đàn áp tàn bạo của tập đoàn quân sự khiến hơn 2.100 người thiệt mạng, theo một tổ chức nhân quyền ở Miến Điện. Hồi cuối tháng 07, tập đoàn quân sự đã hành quyết 4 tù nhân chính trị.

Thùy Dương

************************

ASEAN chỉ trích Miến Điện không thực thi Đồng thuận 5 điểm

Trọng Thành, RFI, 05/08/2022

Thông cáo chung của Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, đưa ra hôm 05/08/2022, bày tỏ "thất vọng sâu sắc" về tiến trình thực thi Đồng thuận 5 điểm nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Miến Điện, sau khi chính quyền quân sự hành quyết bốn tù chính trị.  Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế không ủng hộ kế hoạch "bầu cử giả hiệu" của giới tướng lãnh Miến Điện.  

myanmar1

Toàn cảnh phòng họp Diễn đàn ASEAN (ARF) tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 05/08/2022.  Reuters – Soe Zeya Tun

Khủng hoảng Miến Điện, với cuộc nội chiến đang diễn ra, và mức độ đàn áp ngày càng tàn bạo của tập đoàn quân sự, là trọng tâm của Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh. Thông cáo ra hôm nay nêu rõ : "Chúng tôi thất vọng sâu sắc về tiến bộ giới hạn và về việc nhà chức trách Naypyidaw thiếu nỗ lực thực thi các cam kết trong bản Đồng thuận 5 điểm". Thỏa thuận 5 điểm đạt được giữa 9 nước ASEAN với chính quyền quân sự, ba tháng sau cuộc đảo chính đầu năm 2021, từng mang lại hy vọng giúp Miến Điện trở lại với tiến trình dân chủ hóa.  

Thông cáo của các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh "đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện phải tiến hành đối thoại sớm nhất với tất cả các bên". Các nước ASEAN sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch hành động tiếp theo tại thượng đỉnh của khối, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11/2022, dựa trên việc sơ kết tình hình những tháng tới.  

Theo AFP, phương án khai trừ Miến Điện khỏi ASEAN đã không được nêu ra, trong lúc Malaysia thúc đẩy biện pháp đình chỉ sự tham gia của Miến Điện vào tất cả các cuộc họp của khối. Hôm qua, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cảnh báo, nếu tập đoàn quân sự tiếp tục hành quyết tù nhân, khối ASEAN sẽ buộc phải "xem xét lại" Thỏa thuận 5 điểm.  

Cũng hôm nay, bên lề Hội nghị ASEAN, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken - khách mời của hội nghị - lên án kế hoạch bầu cử của tập đoàn quân sự, dự kiến vào năm tới, là "không tự do, không công bằng, trong hoàn cảnh hiện tại". Ông Blinken kêu gọi cộng đồng quốc tế không hậu thuẫn tập đoàn quân sự.  

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng cực lực chỉ trích chuyến công du mới đây của ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đến Miến Điện. Trong chuyến đi cách nay hai ngày, lãnh đạo ngoại giao Nga đã gặp lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing. Ông Lavrov đã chúc tập đoàn quân sự "thành công" trong cuộc bầu cử tới. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh là hành động của ngoại trưởng Nga đi ngược lại các nỗ lực của ASEAN tìm lối thoát cho khủng hoảng Miến Điện.  

Trọng Thành

*********************

ASEAN bất lực trước các hành vi coi thường toàn khối của thành viên Miến Điện ?

Trọng Nghĩa, RFI, 04/08/2022

Họp tại Phnom Penh ngày 03/08/2022 trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 55, lãnh đạo ngành ngoại giao nhiều nước Đông Nam Á đã có những lời lẽ rất cứng rắn đối với tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại Miến Điện sau hàng loạt những hành động bị cho là coi thường ASEAN.

myanmar3

Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tiếp ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 03/08/2022 trước khi ông Lavrov dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Cam Bốt.  AP

Tuy nhiên, câu hỏi được giới quan sát đặt ra là do những bất đồng trong nội bộ về cách đối phó, lại bị nguyên tắc đồng thuận hạn chế, liệu Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á có thể buộc được thành viên ngỗ nghịch này đi vào khuôn khổ hay không.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, chính chủ tịch luân phiên của ASEAN là thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã lên tiếng bày tỏ nỗi "thất vọng" trước vụ chính quyền quân sự Miến Điện hành quyết 4 nhà đối lập, bất chấp phản đối của ASEAN và nhiều quốc gia hay tổ chức trên thế giới.

Theo ông Hun Sen, "toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN đều vô cùng thất vọng và lo lắng trước vụ hành quyết những nhà đối lập bất chấp những lời kêu gọi của tôi và những người khác, đề nghị (chính quyền Miến Điện) xét lại bản án tử hình, vì lợi ích đối thoại chính trị, hòa bình và hòa giải".

Chủ tịch ASEAN không ngần ngại cảnh cáo : "Nếu có thêm nhiều tù nhân bị hành quyết, chúng tôi - tức là ASEAN - sẽ buộc phải suy nghĩ lại về vai trò của mình đối với đồng thuận 5 điểm giữa ASEAN và Miến Điện".

Lời cảnh báo trên đây được đưa ra trong bối cảnh hôm 25/07 vừa qua, tập đoàn quân sự Miến Điện đã hành quyết 4 người, trong đó có hai nhà đấu tranh vì dân chủ, với cáo buộc hỗ trợ "khủng bố". Sự kiện này bị coi là một cái tát vào mặt ASEAN, vì diễn ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị Hội Nghị Ngoại Trưởng thường niên, trong đó hồ sơ Miến Điện chắc chắn được bàn thảo.

Đối với ngoại trưởng Singapore, Vivian Balakrishnan, việc tập đoàn quân sự Miến Điện thi hành án tử hình lần đầu tiên từ hơn 30 năm nay là "một bước lùi nghiêm trọng", trong lúc đồng nhiệm Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng vụ hành quyết chứng tỏ "tập đoàn quân sự Miến Điện coi thường" bản đồng thuận 5 điểm mà họ đã đồng ý vào tháng 04/2021 với ASEAN, nhằm chấm dứt bạo lực và tạo điều kiện giải quyết khủng hoảng.

Ngoài những tuyên bố phẫn nộ, ASEAN lần này được cho là có thể tiến tới việc quyết định thêm một số biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nhắm vào Miến Điện. Theo một bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc hội nghị các ngoại trưởng ASEAN lần này, mà hãng tin Pháp AFP đọc được, ngoài việc bày tỏ mối "quan ngại sâu sắc", ASEAN còn kêu gọi có những "hành động cụ thể" chống lại chế độ quân sự.

Câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có đồng ý được về các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với quân đội Miến Điện hay không ?

Trên báo La Croix ngày 04/08, bà Sophie Boisseau du Rocher, nhà nghiên cứu về Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), cho rằng "ASEAN có ít lựa chọn và hơn nữa đã bị mắc kẹt ngay từ đầu với thảm kịch Miến Điện. Chính quyền quân phiệt vừa gia hạn tình trạng khẩn cấp ít nhất sáu tháng : một cách khác để dồn Hiệp Hội ASEAN vào chân tường". 

Cho đến giờ, ASEAN mới chỉ có một biện pháp trừng phạt là loại tập đoàn quân sự Miến Điện ra khỏi các hội nghị của ASEAN, một biện pháp hầu như không có tác dụng.

Hãng tin Anh Reuters ngày 03/08 trích lời một nhà ngoại giao Châu Á xin giấu tên tỏ vẻ rất hoài nghi về những biện pháp mới mà ASEAN chuẩn bị thực hiện. Theo giới quan sát, biện pháp tối hậu mà ASEAN có thể tiến hành là khai trừ Miến Điện, nhưng theo báo La Croix, một nguồn tin ngoại giao thông thạo với các cuộc đàm phán đang diễn ra khẳng định rằng khả năng này hoàn toàn không được đề cập đến.

Trọng Nghĩa

**************************

Miến Điện hành quyết các nhà đối lập : ASEAN "suy tính lại" đồng thuận 5 điểm

Thu Hằng, RFI, 03/08/2022

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 55 khai mạc ngày 03/08/2022 tại Phnom Penh, Cam Bốt. Khủng hoảng chính trị tại Miến Điện là một trong những chủ đề thảo luận chính, dù chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ có thể làm xáo trộn chương trình nghị sự.

myanmar2

Lãnh đạo ngành ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN gặp nhau ngày 03/08/2022 tại Phnom Penh, Cam Bốt. AP - Heng Sinith

Phát biểu khai mạc cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên, cho biết Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á có thể buộc phải "suy tính lại" bản đồng thuận 5 điểm đã ký với tập đoàn quân sự Miến Điện.

Đồng thuận được ký vào tháng 04/2021, chỉ 2 tháng sau cuộc đảo chính, với kỳ vọng giúp Miến Điện thoát khỏi khủng hoảng thông qua đối thoại giữa các bên. Tuy nhiên, theo thủ tướng Hun Sen, "việc áp dụng thỏa thuận đã không tiến triển như mong muốn". Thậm chí, "tình hình còn trầm trọng hơn sau vụ hành quyết bốn nhà đối lập. Cam Bốt, cũng như nhiều nước thành viên ASEAN khác, vô cùng thất vọng và bối rối vì những vụ hành quyết này".

Một số chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho rằng sẽ còn có nhiều vụ hành quyết khác tại Miến Điện, nơi có hơn 100 nhà đối lập bị kết án tử hình chỉ hơn một năm sau đảo chính. Do đó, thủ tướng nước chủ tịch luân phiên ASEAN cho rằng "nếu còn có thêm tù nhân bị hành quyết, chúng ta (ASEAN) sẽ buộc phải suy tính lại vai trò của chúng ta đối với thỏa thuận 5 điểm".

Nga ủng hộ tập đoàn quân sự Miến Điện ổn định tình hình đất nước

Kể từ khi tập đoàn quân sự đảo chính ngày 01/02/2021, Miến Điện không được mời tham dự các cuộc họp cấp cao ASEAN. Bị quốc tế cô lập hơn bao giờ hết, dường như tập đoàn quân sự chỉ có thể trông cậy vào sự ủng hộ của Nga. Trước khi đến Phnom Penh tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Serguei Lavrov đã công du Naypyidaw ngày 03/08 để nhấn mạnh quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống" giữa Nga và Miến Điện.

Theo truyền thông Nga, được AFP trích dẫn, ông Lavrov tuyên bố ủng hộ "những nỗ lực (của chính quyền Miến Điện) nhằm ổn định tình hình trong nước". Ông khẳng định: Hai nước "có một nền tảng rất vững chắc để tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực". Nga đề nghị Miến Điện cử "một phái đoàn quan trọng" đến dự Diễn dàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok vào đầu tháng 9 tới đây.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương Trọng Thành, Trọng Nghĩa, Thu Hằng
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)