Hộ chiếu mới của Việt Nam : Liệu cái sảy có nảy cái ung ?
Trần Đông A, VOA, 05/08/2022
Đối với người Việt Nam trong nước, việc Hộ chiếu mới bị ba nước Đức, Tây Ban Nha và Czech từ chối cấp visa đã ảnh hưởng đến các đối tượng muốn đi du lịch, đi du học hoặc đi làm việc tại các nước Châu Âu kể trên.
Hộ chiếu này đã bị thay đổi, nhưng mẫu hộ chiếu mới thiếu thông tin nơi sinh.
Đối với người Việt Nam trong nước, việc Hộ chiếu mới bị ba nước Đức, Tây Ban Nha và Czech từ chối cấp visa đã ảnh hưởng đến các đối tượng muốn đi du lịch, đi du học hoặc đi làm việc tại các nước Châu Âu kể trên.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sáng 3/8 đã đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ba nước EU từ chối thị thực
Sáng 3/8/20022, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu giải pháp về vấn đề liên quan hộ chiếu mẫu mới, tránh tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Hộ chiếu mẫu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7, giữ nguyên kích thước so với cũ, nhưng màu sắc ở trang bìa đổi thành xanh tím than và đặc biệt là trong Hộ chiếu, không thể hiện thông tin nơi sinh. Từ ngày 27/7 đến nay, lần lượt các Đại sứ quán Đức, Tây Ban Nha và Czech tại Việt Nam đã thông báo dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới, vì không thể hiện nơi sinh của người sử dụng.Trong khi đó, các Đại sứ quán Anh và Pháp thông báo công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.
Cuốn hộ chiếu Việt Nam theo mẫu mới không được một số quốc gia chấp nhận, vì không có "nơi sinh" đã trở thành sự kiện nóng nhất trong tuần qua, nếu căn cứ vào số lượng bài viết trên truyền thông trong nước. Mẫu hộ chiếu mới tuy được khẳng định là theo "xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0", nhưng trên thực tế đã không chỉ gây lo âu, mà còn đảo lộn sinh hoạt cá nhân của hàng triệu công dân khi cần đi lại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (du lịch, du học, lao động, thăm thân nhân, kinh doanh). Mặc dầu Bộ Công an chưa công nhận sai lầm, vẫn khẳng định, mẫu mới xây dựng trên cơ sở đúng luật và đúng quy chuẩn quốc tế, nhưng gần đây, Bộ Công an đã phải ghi nhận, mẫu hộ chiếu mới tạo ra "vướng mắc về một số yếu tố mang tính chất kỹ thuật" nên "đang phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan xử lý".Trước mắt "sẽ ghi bổ sung ở phần bị chú trong hộ chiếu mới ‘nơi sinh’ của công dân".
Cứ như những gì Bộ Công an đã thể hiện thì các "vướng mắc về một số yếu tố mang tính chất kỹ thuật" do mẫu hộ chiếu mới mà Bộ Công an thiết kế - tổ chức in ấn và cấp phát là "bình thường". Chính phủ cũng thấy là "bình thường" dẫu nhận ra rằng mẫu hộ chiếu có thể "tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", thành ra Thủ tướng chỉ đề nghị Bộ Công an "nghiên cứu giải pháp" để "tháo gỡ vướng mắc". Cục Quản lý Xuất nhập cảnh vẫn khẳng định hộ chiếu phổ thông mẫu mới được cấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đạt tiêu chuẩn ICAO. Do vậy, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại Việt Nam vẫn cấp mẫu hộ chiếu này như bình thường. Cũng theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, trên thực tế,hộ chiếu của nhiều nước trên thế giới cũng không có mục thông tin về nơi sinh nhưng vẫn đang được công nhận.
Những hậu quả nhãn tiền khác
Trả lời phỏng vấn của truyền thông quốc tế, ông Hoàng Quốc Hùng, người điều hành Diễn đàn "Tôi và Sứ quán" dành cho người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, cho biết chính thành viên của Diễn đàn đã cảnh báo việc không có thông tin nơi sinh trong cuốn hộ chiếu mới, trước cả khi phía Đại sứ quán Đức lên tiếng. Theo ông Hùng, Đức và Cộng hòa Czech là hai quốc gia có số người Việt sinh sống đông đảo nhất ở Châu Âu, nên việc hai nước này từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam sở hữu phiên bản hộ chiếu mới sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, đặc biệt là những người cần phải gia hạn visa. Do vậy, phản ứng của cộng đồng người Việt ở những nơi này là khá tiêu cực, theo ông Hùng : "Sau khi mà Bộ Ngoại giao Đức chính thức trao công hàm cho phía Việt Nam, và họ tạm thời dừng, không cấp visa cho những cuốn hộ chiếu đấy, thì phần lớn các thành viên của trang "Tôi và Sứ quán" đều phản ứng rất mạnh về vấn đề không có nơi sinh".
Đối với người Việt Nam trong nước, việc Hộ chiếu mới bị ba nước Đức, Czech và Tây Ban Nha từ chối cấp visa đã ảnh hưởng đến các đối tượng muốn đi du lịch, đi du học hoặc đi làm việc tại các nước Châu Âu kể trên. Trao đổi với phóng viên đài RFA, bà Hoàng Anh, một người kinh doanh du lịch tại tỉnh Bắc Giang cho biết công ty của bà giờ đây phải tránh nhận những khách dùng Hộ chiếu mới : "Hiện giờ thì việc các nước Châu Âu không cấp visa cho những người dùng hộ chiếu mới vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh, vì số lượng hộ chiếu mới được nộp vào Đại sứ quán để xin visa vẫn nhỏ,và để tránh rủi ro thì chúng tôi đã quyết định không nhận thêm khách có hộ chiếu mới, còn những người dùng hộ chiếu cũ thì vẫn bình thường."
Nên thận trọng trong việc phê phán
Cuốn Hộ chiếu mới có tiếp tục được phát hành tiếp hay không, liệu cái sảy có nảy cái ung hay không, tùy thuộc vào các cuộc hiệp thương giữa các bộ hữu quan của chính quyền Việt Nam với các đối tác nước ngoài thành công đến mức nào. Nếu vẫn giữ mẫu mới, chắc chắn sẽ phải kèm theo nhiều thủ tục nhiêu khê khác. Cuốn Hộ chiếu Việt Nam tự nhiên lại "mất giá" trong con mắt một số người, với cái trò "vẽ rắn thêm chân". Tuy nhiên, mọi ý kiến đóng góp cho trong nước, đặc biệt với Bộ Công an, vẫn phải hết sức thận trọng. Chưa ai quên vụ "tổng xỉ vả" đối với Tổng Giám mục (TGM) Hà Nội Ngô Quang Kiệt sau bài phát biểu của ngài tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 20/9/2008. Các cơ quan truyền thông, từ các báo phát hành với số lượng lớn cho đến trang web của các bộ, các ban ngành nhà nước, hồi bấy giờ, đã đồng loạt tố cáo TGM đã "phỉ báng dân tộc", vì ngài "cảm thấy nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam".
Trong khi đó, nguyên văn câu nói của Đức cha như thế này : "Chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng".Nếu những ai có cơ hội đọc nguyên văn phát biểu của Đức cha và lắng lòng suy nghĩ về những lời nói của ngài, họ sẽ hiểu ra rằng, chẳng những TGM không nhục mạ dân tộc mà còn là người có lòng yêu nước sâu đậm.
Lý do dấu tên nơi sinh ?
Cuối cùng, vẫn còn một câu hỏi lớn xung quanh việc chuyển đổi mẫu Hộ chiếu. Nhiều ý kiến cho rằng, do sơ suất, do làm ăn ẩu tả, nên mới thiếu chi tiết này. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, đây là việc cố tình giấu nơi sinh, do một số vùng miền ở Việt Nam rất khó xin visa sang EU hay Nhật, Hàn Quốc, bởi tỉ lệ lao động từ những vùng ấy trốn ở lại rất lớn. Một Facebooker "trích lời quan chức giấu tên" cho rằng : "Việc nơi sinh của Hộ chiếu để hay không để đã được thảo luận kỹ trong giới chức có thẩm quyền, chứ không phải là một sai sót về quy trình. Nhưng sau khi cân nhắc thì quyết định bỏ "Nơi sinh".Đây không phải là câu chuyện an ninh gì ghê gớm mà phải giấu. Rất đơn giản là để tránh chuyện khi xin visa vào nước khác bị từ chối.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 05/08/2022
*************************
Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu lên tiếng về hộ chiếu "tím than"
Đông Đô, VNTB, 04/08/2022
Người đứng đầu Chính phủ, Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển.
Nơi sinh trên hộ chiếu mới thể hiện qua mã số trên căn cước công dân. Ảnh bản mẫu.
Hộ chiếu mẫu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7/2022, giữ nguyên kích thước so với hộ chiếu cũ, nhưng màu sắc ở trang bìa đổi thành xanh tím than và không thể hiện thông tin nơi sinh. Sau đó, từ ngày 27/7 đến nay, lần lượt Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Việt Nam thông báo dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới vì không thể hiện nơi sinh của người sử dụng.
Trong khi đó, Anh, Pháp thông báo công nhận hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam.
Ngày 2/8, Đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, tiếp tục khẳng định "không có vướng mắc gì" liên quan hộ chiếu mẫu mới nên vẫn cấp mới, cấp đổi như bình thường. Vị đại diện này tái nhấn mạnh, hộ chiếu phổ thông mẫu mới được cấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đạt tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế).
Trước việc hộ chiếu mẫu mới bị nhiều nước từ chối cấp visa, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đang phối hợp cùng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) giải quyết theo đường ngoại giao. Sau khi thống nhất về phương án, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng xử lý tiếp theo.
Theo tiêu chuẩn chung của ICAO, việc ghi nơi sinh trong hộ chiếu là "tùy chọn". Dù giữ lại hay bỏ thông tin nơi sinh, ICAO khuyến cáo cơ quan cấp hộ chiếu phải xem xét mọi khía cạnh nhạy cảm liên quan quốc gia mình và liệu hộ chiếu này có được công nhận, cấp visa ở quốc gia khác hay không.
Từ năm 1986, Canada và Áo là những quốc gia đầu tiên chính thức cho phép công dân lựa chọn giữa việc xóa hay giữ nơi sinh của họ trên hộ chiếu. Song chính phủ Canada cảnh báo công dân các vấn đề có thể xảy ra khi thiếu thông tin này, ví dụ vấn đề xin visa, sự chậm trễ khi làm thủ tục tại các cửa khẩu biên giới và việc từ chối nhập cảnh, do một số quốc gia cần thông tin về nơi sinh.
Sau khi cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới từ 1/7/2022, Bộ Công an dự kiến sẽ tiếp tục cấp hộ chiếu gắn chip. Loại này sẽ có độ bảo mật cao hơn, giúp nâng độ tin tưởng của hộ chiếu Việt Nam. Người dân có thể lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chip hoặc không gắn, hai loại này đều thời hạn 10 năm và chi phí cho cấp mới vẫn là 200 ngàn đồng/ lần.
Liên quan đến việc một số quốc gia trên thế giới tạm ngừng cấp thị thực đối với hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên quan tới mẫu hộ chiếu mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Công an cho biết sẽ "sẽ ghi bổ sung ở phần bị chú trong hộ chiếu mới nội dung nơi sinh của công dân".
Được biết, khối Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu, gồm : Bỉ, Đan Mạch, Đức, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ireland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Áo, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Hungary.
26 nước này đã bãi bỏ các hình thức kiểm soát biên giới, cho phép đi lại tự do giữa các nước thành viên. Người mang thị thực Schengen được phép lưu trú tại các nước trong khối tối đa 90 ngày trong mỗi chu kỳ nửa năm.
"Đề nghị thêm nơi sinh vào hộ chiếu. Vì hộ chiếu có hạn dùng dài 10 năm. Trong 10 năm đó, muốn đi tới mấy nước Châu Âu hay nước nào mà họ đòi có nơi sinh, thì phải làm đơn xin xác nhận nơi sinh, thì thêm chạy tới chạy lui, cực lắm. Chỉ cần có 1 dòng nơi sinh là hết sức nhẹ nhàng, sung sướng. Xin đừng hạn chế quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam bằng cuốn hộ chiếu tím than kiểu này !" – nhiều ý kiến lên tiếng như vậy.
Đông Đô
Nguồn : VNTB, 04/08/2022
**********************
Cuốn hộ chiếu "tím than"
Nguyễn Nam, VNTB, 03/08/2022
Nhà báo N.T., kể : "Ba tôi sinh ở Nha Trang nên khi làm căn cước công dân, công an hướng dẫn quê quán là nơi sinh của ba vì thế trong căn cước công dân của tôi, mục "quê quán" ghi Nha Trang.
Cuốn hộ chiếu "tím than" của Việt Nam đang là chuyện thời sự, và qua đó còn cho thấy nhiều tréo ngoe khác nữa…
Em gái tôi cũng sinh ở Nha Trang như tôi, nhưng căn cước công dân của nó phần quê quán ghi Quảng Trị, vì công an nơi nó làm giấy nói phải ghi theo quê quán của ba, mà ông nội tôi sinh ra ở Quảng Trị nên quê quán ba tôi là Quảng Trị (!?).
Chưa hết, trước năm 1975, ba tôi là thầy giáo, thuyên chuyển nhiều nơi, trong đó em trai tôi sinh ở Bảo Lộc – Lâm Đồng. Vậy là mấy đứa con của em trai tôi khi làm căn cước công dân ghi quê quán là Bảo Lộc – Lâm Đồng, dù vùng đất này không có ai là quan hệ họ hàng cả".
Luật sư T.Th., diễn giải : Hiện nay, quê quán được xác định theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 : "Quê quán là địa danh được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh".
Còn "nơi sinh" hay sinh quán được hiểu là địa danh hành chính nơi cá nhân được sinh ra, thể hiện trong giấy khai sinh. Thông thường, nơi sinh là cách dễ kiểm chứng nhất khi xác định thân thế một cá nhân vì nơi sinh thường có lưu những hồ sơ cá nhân như giấy ra viện, giấy chứng sinh, đơn xin khai sinh và sổ sách đăng ký hộ tịch cá nhân.
Thông thường theo thói quen, người Việt mặc định (hoặc thoả thuận) ghi quê quán đứa bé theo nơi gốc tích cha nhiều hơn là mẹ, như trường hợp mẹ đơn thân. Đặt họ cho con cũng thường theo lẽ này.
Nếu cả hai vợ chồng đều thuận thảo thì không vấn đề gì lớn, nhưng nếu họ chia tay, đứa con ở với mẹ và người mẹ không muốn đứa bé theo quê cha thì phải làm giấy tờ hộ tịch lại, khá rắc rối. Chưa kể các hồ sơ học bạ, lý lịch tư pháp… khó mà chỉnh sửa.
Nhà báo T.V., từng phụ trách mảng nội chính, kể : Có một độc giả gửi thư đến tòa soạn cho biết chị sinh ra, lớn lên ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Chồng chị sinh ra, lớn lên tại Thủ Đức, Sài Gòn, nhưng có quê quán ở tỉnh Ninh Bình. Vợ chồng chị sinh bé trai, đi đăng ký khai sinh khai quê quán theo cha cháu là Ninh Bình, nhưng cán bộ hộ tịch không chịu, bắt khai quê quán cho cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh phải nhắc nhở là "ghi theo nơi sinh trưởng của cha đẻ". Nếu không chịu khai theo hướng dẫn thì để trống mục quê quán của đứa nhỏ.
Một trường hợp khác. Một nam thanh niên đi làm thủ tục đăng ký kết hôn. Theo hướng dẫn người đó phải mang theo sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Trong hai loại giấy tờ này đều ghi rõ nguyên quán của người này là Cà Mau.
Thế nhưng trong bản khai đăng ký kết hôn lại yêu cầu khai lại quê quán. Người thanh niên này ngẫm nghĩ : "Quê gốc của ông nội ở Cà Mau. Nhưng ông nội lên Cần Thơ làm ăn, gặp bà nội và sinh ra ba ở đó. Vậy quê quán sẽ khai ở Cà Mau hay Cần Thơ ?". Sau khi trao đổi, cán bộ hộ tịch nói : "Anh phải khai là Cần Thơ vì ba anh sinh trưởng ở đó". "Sao lại là Cần Thơ, quê cha đất tổ của tôi phải là Cà Mau chứ !" – người thanh niên thảng thốt kêu lên…
Luật Hộ tịch năm 2014 quy định đại ý, người dân ghi quê quán khi khai sinh thế nào sẽ đăng ký hộ khẩu và làm thẻ căn cước công dân như thế.
Nhưng nhiều năm nay đã có không ít kêu ca về việc lúng túng khi xác định "quê quán", hay "nguyên quán" khi khai báo nhân thân với các cơ quan chính quyền.
Với việc lấy giấy khai sinh làm gốc, nếu giấy khai sinh thiếu thông tin quê quán, hoặc thông tin quê quán không khớp giữa các giấy tờ, nhiều người gặp phiền phức khi xử lý các vấn đề quan trọng như nhập khẩu, chứng thực lý lịch, cải chính hộ tịch ; và đặc biệt là khi làm thủ tục cho chuyện xin vào đảng cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 03/08/2022
**********************
Thứ hạng hộ chiếu và uy tín quốc gia
Người Tân Định, VNTB, 04/08/2022
Phải chăng thứ hạng của hộ chiếu phản ánh tình trạng tồi tệ, hay góc nhìn không tốt của thế giới với Việt Nam ?
Theo xếp hạng của visaindex.com hộ chiếu Việt Nam bị xếp hạng thứ 93 có nghĩa là rất thấp.
Trang mạng visa index viết "Công dân của một số quốc gia được hưởng hộ chiếu mạnh, powerful passports, cho phép họ đến nhiều điểm trên thế giới mà không cần xin thị thực được sắp xếp trước. Công dân của các quốc gia khác bị hạn chế nơi họ có thể đi du lịch do sức mạnh của hộ chiếu và số lượng thị thực visa mà họ phải xin trước khi đi du lịch".
Việc xác định hộ chiếu cao, thấp trên thế giới chủ yếu phụ thuộc vào số lượng điểm đến mà người sở hữu chúng có thể truy cập miễn thị thực [Nhật và Đại Hàn là hai quốc gia có hộ chiếu mạnh nhất, nhì vì công dân hai nước này có thể đi đến 197, 196 nước theo thứ tự mà không cần xin visa]. Mỗi quốc gia đều có chính sách thị thực cho du khách đến từ các quốc gia khác. Nước này yêu cầu giấy tờ và tài liệu đầy đủ nhiều hơn, trong khi nước khác mở cửa cho khách du lịch từ nhiều điểm đến.
Việc đo lường sức mạnh của hộ chiếu phụ thuộc vào số lượng quốc gia mà người sở hữu hộ chiếu đó có thể truy cập mà không cần xin thị thực. Thứ hạng này được xác định bởi số lượng các quốc gia được coi là điểm đến miễn thị thực. Hộ chiếu mạnh trên thế giới có quyền truy cập nhiều vào các quốc gia miễn thị thực và do đó có thứ hạng cao hơn. [Người cầm hộ chiếu Afghanistan chỉ có thể đến 24 nơi trên thế giới mà không cần xin visa. So với các quốc gia khác, hộ chiếu của Afghanistan yếu nhất, hạng thứ 113].
Thuật ngữ truy cập miễn thị thực đề cập đến những điểm mà khách du lịch có thể nhập cảnh theo một trong ba cách : miễn thị thực (tức là các quốc gia cho phép người mang hộ chiếu nhập cảnh miễn thị thực), thị thực khi đến (tức là các quốc gia cho phép người mang hộ chiếu để nhập cảnh bằng cách xin thị thực khi đến quốc gia này), và ủy quyền đi lại điện tử (eTA) (tức là ủy quyền có được trực tuyến trước khi đi du lịch).
Bằng cách cộng tất cả các điểm đến miễn thị thực, thị thực khi đến và eTA, thứ hạng được chỉ định cho hộ chiếu đặt nó trong mối quan hệ [cao-thấp] với các hộ chiếu quốc tế khác. Hộ chiếu được xếp hạng cao nhất là hộ chiếu được vào các quốc gia miễn thị thực nhiều nhất.
Hoa kỳ là một nước có ưu thế nổi trội mọi mặt trên thế giới vẫn bị một số nước đòi phải có visa nhập cảnh. Công dân Mỹ bị cấm vào Bắc Hàn dù có hay không visa. Hộ chiếu của họ chỉ đứng thứ 8. Họ cũng cần có phép đặc biệt để đến Cuba, Iran hay Turkmenistan
Người Mỹ xin visa vào Việt Nam dễ hơn người Việt Nam xin vào Mỹ
Theo Visaindex, hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 93, cùng hạng với Angola, Comoros. Afghanistan xếp hạng chót 113.
Từ Việt Nam, đến nước xếp hạng cuối cùng Afghanistan có 20 nước, trong đó có nhiều nước nằm trong danh sách bị các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, HRW, Phóng Viên Không Biên Giới RSF hay The Economist Intelligence Unit EIU, xếp hạng tệ hại nhất về nhân quyền, quyền tự do ngôn luận.
Trong bản báo cáo về tự do báo chí năm 2019 do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố năm 2022 Việt Nam đứng thứ 174/180 nước. Việt Nam là nước có tình trạng đàn áp tự do ngôn luận, một trong 10 nước, tệ nhất ; tương tự với Trung Quốc. Báo cáo đánh giá tình hình Việt Nam "Hận thù đối với các nhà báo nay đã biến thành bạo lực".
Theo xếp hạng của The Economist Intelligence Unit, Cơ sở tính điểm mà Economist Intelligence Unit cho điểm hoạt động của chính quyền Việt Nam 2.86/10, các quyền tự do của công dân 2.32 điểm, sự tham gia chính trị, 3.89, văn hóa chính trị 5.63 , tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên 0.00 điểm. Việt Nam bị nằm trong nhóm các quốc gia chuyên chế.
Với 2.94 điểm, xếp thứ 131 trong tổng số 167 quốc gia, Việt Nam nằm trong nhóm 7 quốc gia độc tài khu vực Á và Úc Châu Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar, Lào, Campuchia, và Afghanistan. Những nước này, trừ Trung quốc, có thứ hạng thấp nhất trong bảng xếp hạng hộ chiếu của visa index.
Vậy thì dù ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có làm bộ khiêm nhượng khi nói "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" thì việc đó không ảnh hưởng gì đến sức mạnh của tấm hộ chiếu. Hộ chiếu được xếp hạng cao nhất là hộ chiếu được vào các quốc gia miễn thị thực nhiều nhất.
Hộ chiếu mạnh nhất như Nhật, Đại Hàn vẫn bị một số quốc gia cấm cửa, và họ cũng cấm cửa công dân của một số quốc gia, Việt Nam không thấy cấm cửa một nước nào mà cũng không thấy ai cấm cửa, vậy sao hộ chiếu của họ vẫn thấp. Vấn đề này để dành cho Đảng cộng sản Việt Nam.
Chắc chắn Singapore không thể có một lịch sử oai hùng như Việt Nam mà ông Tổng Bí Thư ‘với tất cả khiêm tốn’ nói đến, nước này lại không có đảng cộng sản mà toàn thế giới cúi đầu nể phục, vậy sao hộ chiếu của họ xếp hạng 4, công dân của họ lại có thể thong dong đến 193 nơi trên thế giới, với 151 nơi không cần thị thực visa, 32 nơi chỉ cần làm visa khi đến, và 10 eTA. Việt Nam, theo như lời khoe khoang của các nhà lãnh tụ cộng sản, với lịch sử oai hùng thế, với đà tiến triển kinh tế mạnh như thế, với tự do "dân chủ Việt Nam cao gấp vạn lần dân chủ tư sản" sao dân Việt đến đâu cũng bị dòm ngó, làm khó dễ khi nhập cảnh, thậm chí không cho vào nước người ?
Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt nói tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vào thứ Bảy 20/9/2008, "Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.
Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng".
Người Tân Định
Nguồn : VNTB, 04/08/2022
*************************
Hộ chiếu hạng thấp
Người Tân Định, VNTB, 03/08/2022
Việc Đức, và mới hôm nay thêm Tây Ban Nha, thông báo không tiếp nhận đơn xin thị thực Schengen đối với mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam cho đến khi có thông báo mới. Lý do phía Đức và Tây Ban Nha nêu ra là, theo đánh giá của họ, một số thông tin kỹ thuật trong loại hộ chiếu này của Việt Nam "chưa tương thích" với yêu cầu của các cơ quan chức năng nội địa Đức, Tây Ban Nha.
Hộ chiếu Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 93 theo Chỉ số Xếp hạng Hộ chiếu Hướng dẫn. Công dân Việt Nam chỉ được miễn thị thực đến 52 nước trên thế giới
Hộ chiếu P của Việt Nam bỏ mục "Nơi sinh", thay vào đó là hàng mã số ghi nơi sinh. Quy định hộ chiếu của Vương quốc Anh, các nước EU và Hoa Kỳ ghi rõ họ không thể nào cấp hộ chiếu cho công dân thiếu nơi sinh ; gọi là POB listing – Place of Birth, đây là "phần không thể thiếu của việc xác định danh tính, căn cước một cá nhân, và nó giúp phân biệt các cá nhân có cùng tên, cùng ngày tháng năm sinh", theo trang web chính phủ Mỹ.
"POB còn giúp việc chống lại các cá nhân tìm cách làm giả, chiếm đoạt căn cước của người khác".
Tuy thế một số nước như Nhật Bản không ghi Nơi sinh mà có mục Nơi cư trú được đăng ký (Registered Domicile), và vẫn được quốc tế công nhận. Hộ chiếu Hàn Quốc không có mục Nơi sinh nhưng có chip điện tử lưu giữ các số liệu phù hợp, và cũng được quốc tế công nhận.
Một số số báo, đài cả ngoại quốc lẫn nội địa đã có bài viết dẫn lại thông tin của sứ quán Đức, Tây Ban Nha và có những bài viết đưa nhận định khách quan về việc này. Thế nhưng báo Điện Tử Đảng cộng sản Việt Nam gọi đó là những chia sẻ thông tin, luận điệu mang tính suy diễn, xuyên tạc, sai trái theo kiểu công kích Bộ Công an, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an với giọng điệu chê bai, miệt thị. suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự của Bộ Công an, bôi nhọ hình ảnh, hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam với thế giới.
Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cho biết, "Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam "đúng luật, đúng quy định".
Khổ nỗi phía Đức, Tây Ban Nha không chấp thuận hộ chiếu P của Việt Nam không phải vì nó không được như báo của đảng khoe là "đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng nhằm khẳng định và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Ngoài ra, mẫu hộ chiếu phổ thông mới bảo đảm các kỹ thuật bảo an, khó làm giả".
Điều mà Đức, Tây Ban Nha nêu ra để không chấp thuận hộ chiếu Việt Nam là một số thông tin kỹ thuật trong loại hộ chiếu này "chưa tương thích" với yêu cầu của các cơ quan chức năng nội địa nước sở tại. Hộ chiếu P của Việt Nam bỏ mục "Nơi sinh", thay vào đó là hàng số gồm có mã ghi nơi sinh.
Tờ báo của đảng viết tiếp "Đừng lấy "thứ hạng hộ chiếu" để phán xét về "thứ hạng quốc gia", "quyền lực dân tộc"
Tờ báo này kể ra lịch sử dài dằng dặc đúng 1111 chữ rằng từ ngày ‘Việt Nam là một đất nước đã có hàng ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước. Một dân tộc bất khuất, kiên cường, oanh liệt trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cộng đồng thế giới thừa nhận, đánh giá cao.’ Cho đến "Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" và "Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu". vân vân…" để xác định Việt Nam là một cường quốc ngoại giao đáng nể trong trên thế giới. Thế nhưng "thứ hạng hộ chiếu" lại được đánh giá theo vài trang mạng không căn cứ theo lịch sử oai hùng bảo vệ tổ quốc, công lao của đảng hay cảnh đẹp,
Trang Hộ chiếu Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 93 theo Chỉ số Xếp hạng Hộ chiếu Hướng dẫn. Công dân Việt Nam chỉ được miễn thị thực đến 52 nước trên thế giới. Thứ hạng này gần giống như Lào và còn thấp hơn cả Zimbabwe.
Trang mạng Passport index xếp hạng Việt Nam cao hơn một chút, nhưng nhìn chung cũng không khác hơn bao nhiêu.
Cả hai trang mạng này đều xếp hộ chiếu mạnh nhất thế giới là Nhật và Đại Hàn. Hạng chót là Afghanistan.
So sánh về thành tích lịch sử của cả ba nước trên đối với Việt Nam, "hàng ngàn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước. Một dân tộc bất khuất, kiên cường, oanh liệt trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", chưa chắc ai đã hơn ai, ai đã thua ai. Vậy tại sao hộ chiếu Việt Nam phải xếp hạng quá thấp, thấp hơn cả những nước Việt Nam đã đánh bại thảm thương như Nhật, Mỹ, Pháp và các nước chư hầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam như Đại Hàn, Tân Tây Lan, Úc, Thái… ?
Sau 1975, làn sóng người tỵ nạn khiến hàng triệu người liều chết ra đi vì bị chính quyền ngược đãi. Cho đến nay Việt Nam khoe khoang "sau hơn 45 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đưa đến những thay đổi về chất trong thế và lực của đất nước". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định : "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại" người dân Việt Nam vẫn lũ lượt trốn ra nước ngoài bằng bất cứ cách nào họ tìm ra được. Từ, những người nghèo, bằng cách xuất khẩu lao động, chui trốn trong thùng xe, làm cô dâu Tàu, Hàn Quốc đến bọn tư bản đỏ quan chức lớn mua quốc tịch, đầu tư định cư, cho con du học, thậm chí đu máy bay theo chủ tịch quốc hội để trốn đi. Mới đây khi biên giới Mỹ-Mễ bị xâm nhập dễ dàng hơn có một số người Việt giả đi du lịch, trốn theo dân Nam Mỹ vào Hoa Kỳ.
Tình trạng buôn người của Việt Nam lên đến mức nguy hiểm khiến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải hạ bậc Nạn Buôn Người của Việt Nam xuống hạng 3. Việt Nam đang phải đối mặt với những trừng trị về ngoại giao và kinh tế của nước này.
Ngày 1 tháng 8, ngoài Đức, có thêm Tây Ban Nha thông báo sẽ không tiếp nhận đơn xin thị thực Schengen đối với mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam cho đến khi có thông báo mới ; điều này có thể dẫn đến hệ lụy cả khối Schengen sẽ từ chối hộ chiếu mới của Việt Nam. Trên mẫu hộ chiếu mới (màu xanh tím than) của Việt Nam không thể hiện thông tin về nơi sinh của người mang hộ chiếu. Nhiều nước có thể trì hoãn chấp nhận hộ chiếu Việt Nam, một phần vì những lỗi, thiếu sót kỹ thuật của Việt Nam, mà ông bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ đạo, trong tờ hộ chiếu khiến hộ chiếu nước này bị từ chối, nhưng hơn thế là Việt Nam không thể nâng cao được uy tín của họ trong con mắt quốc tế về tình trạng nhân quyền và mức sống khiến người dân ở nhiều địa phương phải bỏ nước trốn đi. Chính những vi phạm nhân quyền, để dân thiếu đói, buôn người, chính quyền Việt Nam đã để cho quốc tế miệt thị, bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Việt Nam chứ không phải như những gì bài viết báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam nói đến đâu.
Người Tân Định
Nguồn : VNTB, 03/08/2022
**********************
Tiếc gì một nơi sinh ?
Phạm Thành Nhân, Nguồn : Phụ Nữ online, 30/07/2022
Chỉ vì thiếu thông tin nơi sinh trên hộ chiếu - "lỗi" không phải do họ, công dân Việt Nam đã không được nhập cảnh Đức. Cách xử lý vấn đề của cơ quan chức năng lại nhiêu khê.
Tấm hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam khiến công dân Việt Nam không thể nhập cảnh ngắn hạn vào Đức - Ảnh : Nguoinghe
Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, ngoài việc đổi màu bìa (không rõ để làm gì và dựa trên cơ sở khoa học hay thông lệ quốc tế nào) còn thay đổi cả nội dung với số định danh cá nhân được thêm vào và loại bỏ thông tin về nơi sinh. Kết quả : những người mang hộ chiếu mẫu mới đã bị Đức từ chối nhập cảnh ngắn hạn, thậm chí yêu cầu các nước trong khối Schengen khi cấp visa nhập cảnh cho công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu mẫu mới phải loại bỏ Đức khỏi phạm vi hiệu lực của visa.
Câu hỏi là : vì sao cần/phải bỏ thông tin về nơi sinh của công dân Việt Nam trên hộ chiếu trong khi hộ chiếu của các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc, Singapore, Malaysia… đều có thông tin này ? Việc bỏ thông tin nơi sinh trên hộ chiếu Việt Nam mang lại lợi ích gì cho công dân khi ra nước ngoài, khi thực hiện các thủ tục hành chính ở các nước ? Các cơ quan chức năng nước ngoài liệu có khả năng truy cập vào dữ liệu dân cư Việt Nam từ số định danh cá nhân để xác minh nơi sinh của công dân Việt Nam không ? Cứ cho là có thì đó chẳng phải là thêm một bước kiểm tra thay vì mọi thứ nằm ngay trước mắt họ, dễ dàng và thuận tiện ? Nếu lý do bỏ bớt thông tin chỉ để trống chỗ cho các hình ảnh danh lam thắng cảnh, chủ quyền đất nước thì e khó thuyết phục bởi bản thân những hình ảnh ấy đều được in chìm.
Hộ chiếu in cũng đã in rồi, cấp cũng đã cấp rồi và hậu quả cũng đã xảy ra rồi, song thay vì bổ sung (trả lại) thông tin nơi sinh của cá nhân vào hộ chiếu cho giống nhiều nước, ta lại áp dụng một cách xử lý khác phiền toái hơn : cấp xác nhận nơi sinh cho người Việt mang hộ chiếu mẫu mới tại Đức. Đương nhiên, để được cấp xác nhận nơi sinh - thông tin lẽ ra nên có sẵn trên hộ chiếu và thực tế đã có trên hộ chiếu mẫu cũ, công dân Việt Nam cần làm đơn đề nghị và xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi sinh như giấy khai sinh hoặc hộ chiếu cũ. Vậy, lẽ nào số định danh in trên hộ chiếu mới không giúp Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tra được thông tin nơi sinh của công dân mà vẫn phải trình giấy ?
Hộ chiếu là loại giấy tờ chứng minh nhân thân cực kỳ quan trọng của một người khi ra nước ngoài. Việc thay đổi mẫu hộ chiếu, dù với bất kỳ lý do gì, phải đảm bảo được sự tiện lợi cho công dân, đảm bảo sự thông suốt trong mọi hoạt động của công dân ở nước bạn. Một khi đã phát sinh bất cập, cơ quan chức năng nên có phương án xử lý đơn giản và ít phiền hà nhất cho người dân thay vì yêu cầu người dân phải làm đơn rồi trình giấy để xử lý một "lỗi" vốn không phải do người dân gây ra.
Đến tận lúc này, người viết vẫn không hiểu vì sao phải bỏ thông tin nơi sinh của công dân khỏi hộ chiếu.
Phạm Thành Nhân
Nguồn : Phụ Nữ online, 30/07/2022