Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/08/2022

Tân Tạo Việt Nam có một nữ đại bàng bản lĩnh và bạo tay

Hàn Lam - Mạnh Hà - RFA

Đại bàng bay đi, còn chim sẻ ở lại

Hàn Lam, VNTB, 07/08/2022

Những ngày qua, thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Công ty Tân Tạo, mã chứng khoán : ITA) đã chi tạm ứng hơn 1.936 tỷ đồng cho bà Maya Danglas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến), Chủ tịch hội đồng quản trị công ty, để tham gia các dự án đầu tư tại Mỹ khiến nhiều cổ đông của ITA băn khoăn vì số tiền chuyển ra nước ngoài quá lớn.

daibang0

Bà Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện trên truyền hình Mỹ với tên mới là Maya Dangelas

Trên bảng cân đối kế toán, giá trị khoản mục các khoản phải thu của ITA tại ngày 30-06-2022 ghi nhận gần 9.946 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm. Trong đó, Công ty đã hạch toán chi tạm ứng số tiền 1.937 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) với mục đích tham gia dự án tại Mỹ.

Việc ITA tạm ứng cho vị Chủ tịch đang sinh sống ở nước ngoài số tiền chiếm gần 15% tổng tài sản (13.246 tỷ đồng tại ngày 30-06-2022) của công ty diễn ra trong bối cảnh ITA đang vướng vào ồn ào liên quan đến việc không công bố thông tin mở thủ tục phá sản trong tháng 6-2022 nên việc có nhiều cổ đông lo lắng là điều dễ hiểu.

Theo Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật tố tụng dân sự… thì cổ đông, nhóm cổ đông nắm giữ 1% cổ phần doanh nghiệp có quyền nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người quản lý để yêu cầu hoàn trả lợi ích, hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác, trong trường hợp liên quan đến vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty.

Trước đó, bà Maya Dangelas có đưa ra giải thích là Công ty Tân Tạo đã tham gia đầu tư khu công nghệ cao và dược phẩm tại Mỹ nhưng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên tiến độ đã bị chậm lại.

"Chúng ta liên doanh với các đối tác tại Mỹ bao gồm cả các trường đại học tại thung lũng Silicon như Stanford. Mục tiêu của liên doanh là niêm yết trên thị trường chứng khoán New York trong vòng 2 – 3 năm tới. Khu công nghệ cao nằm tại vị trí đắc địa kế cận sân bay, có rất nhiều lợi thế. Đây là dự án đầu tiên thuộc loại này được cấp giấy phép của bang California để sản xuất tinh chất thuốc chữa bệnh, sản phẩm phục vụ sức khỏe, ăn uống, giải khát, mỹ phẩm.

Công ty đang tiếp tục đàm phán đối tác khác để có thêm quỹ đất phát triển. Hằng năm sẽ thông tin đến quý cổ đông và nhà đầu tư về kết quả của dự án" – bà Maya Dangelas cam kết với cổ đông.

Liệu có phải là cảnh báo của "đại bàng bay đi, còn chim sẻ ở lại" ?

Báo cáo cho thấy trong quý II/2022, doanh thu thuần của ITA đạt gần 310 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 118 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp tụt giảm từ mức hơn 230 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn hơn 20 tỷ đồng vào cuối quý II/2022.

Hiện ITA không có duy trì các khoản vay nợ ngân hàng trong nhiều năm và không chịu áp lực lãi vay.

ITA hiện là chủ đầu tư khu công nghiệp Tân Tạo 443 ha tại Thành phố Hồ Chí Minh ; Khu công nghiệp Tân Đức 545 ha tại Long An ; Quần thể khu công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ thành phố tri thức Tân Đức E.City, quy mô hơn 1.142 ha tại Long An.

Quy mô tài sản của ITA là hơn 13.000 tỷ đồng tập trung vào các khoản phải thu, bao gồm tạm ứng cho các bên liên quan (được đề cập bên trên) và giá trị tồn kho đầu tư vào các dự án E. City Tân Đức, khu công nghiệp Tân Đức tại Long An và khu công nghiệp Tân Tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đại học Tân Tạo 812 tỷ đồng. Các khoản đầu tư liên quan đến dự án nhiệt điện Kiên Lương chiếm tài sản lớn nhưng đang vướng mắc pháp lý.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của công ty là khoản phải thu khác tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ mức 2.046 tỷ đồng vào cuối 2021 lên 3.947 tỷ đồng tính tới cuối quý II/2022, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là khoản chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas (tên mới của Đặng Thị Hoàng Yến, đang định cư tại Mỹ), Chủ tịch HĐQT công ty, là 1.937 tỷ đồng, chiếm 56% khoản phải thu ngắn hạn khác như đã đề cập ở phần đầu bài viết này.

Trong kỳ, ITA đã thu hồi vốn góp đầu tư vào các công ty khác để dịch chuyển dòng tiền tạm ứng trên cho bà Yến. Cụ thể, ITA đã giảm giá gốc khoản đầu tư vào Công ty Phát triển năng lượng Tân Tạo từ 1.752 tỷ đồng xuống 97 tỷ đồng nhưng không giảm tỉ lệ sở hữu (19%) ; giảm đầu tư Ngân hàng TMCP Quốc dân xuống còn gần 1.209 tỷ đồng, tương đương gần 121.000 cổ phiếu, giảm mạnh so với mức hơn 7.100 tỷ đồng (hơn 600.000 cổ phiếu) hồi cuối 2021.

Những lo lắng trong chuyện "đại bàng bay đi, còn chim sẻ ở lại" là dễ hiểu, vì với số tiền lớn gần 2.000 tỷ đồng thì cổ đông và nhà đầu tư cần phải được lãnh đạo công ty giải thích chi tiết, rõ ràng từng hạng mục, từng dự án đầu tư vào đâu để hiểu rõ.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 07/08/2022

************************

Tân Tạo Việt Nam chuyển hơn 1.900 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến ở Mỹ

RFA, 03/08/2022

Tân Tạo Việt Nam chuyển hơn 1.900 tỷ đồng (83 triệu USD) cho bà Đặng Thị Hoàng Yến ở Mỹ

hatang2

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, chủ của Tân Tạo -  RFA edit

Hơn 1.900 tỷ đồng được Công ty Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) ở Việt Nam chuyển cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị Maya Dangelas, tức bà Đặng Thị Hoàng Yến, đang ở Hoa Kỳ.

Truyền thông Việt Nam loan tin ngày 2/8, dẫn báo cáo tài chính mới của ITA như vừa nêu. Theo đó, khoản tiền vừa nêu được chi tạm ứng cho một dự án đầu tư tại bang California. Dự án được đề cập đến là dự án phát triển một khu công nghiệp dược phẩm và y tế cao cấp. Tin nói dự án đã được cấp phép và đang hoàn tất các thủ tục để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá của khu.

ITACO tăng chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas ở Mỹ nên phải rút vốn hơn 1.650 tỷ đồng tại Công ty Phát triển Năng lượng Tân Tạo. Việc ITACO chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas được nói bắt đầu từ cuối năm 2020 với số tiền 14 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 là 59 tỷ đồng.

Vào ngày 5/7 vừa qua, ITACO ra thông cáo báo chí cho biết công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam này hiện không còn lựa chọn nào khác phải khởi kiện Chính phủ Việt Nam sau khi phía Việt Nam đòi bán các tài sản trị giá hàng tỷ đô la vì ITACO không trả một khoản nợ khoảng 900.000 đô la liên quan đến một thầu phụ của ITACO trong khi ITACO không hề có liên quan đến hợp đồng này.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, báo chí Việt Nam loan tin cho biết Chủ tịch Hội đồng quản trị của ITACO là bà Yến đã gửi đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Nhà nước. Theo đơn này, bà Yến cho biết vào tháng 5 và tháng 6, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gửi nhiều công văn yêu cầu Tân Tạo công bố thông tin Tòa án mở thủ tục phá sản. Quyết định mở thủ tục phá sản số 56 ngày 25/1/2018 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh.

Theo bà Yến, Công ty Quốc Linh trước đó đã yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Tân Tạo phải thanh toán 21,34 tỷ đồng gồm cả lãi và nợ gốc theo bản án được Tòa án xét xử từ năm 2017.

Cũng theo bà yến, hợp đồng giữa Quốc Linh với VietNam Land liên quan đến vụ kiện này không liên quan đến Tân Tạo. Tổng giám đốc VietNam Land là chồng cũ của bà Yến có tên Jimmy Trần hiện đang bị truy tố vì tội lừa đảo.

Vào ngày 14/7 truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) tiếp tục yêu cầu ITACO công bố thông tin liên quan vụ việc mở thủ tục phá sản dù trước đó công ty đã yêu cầu tạm hoãn vì chưa có quyết định cuối cùng của các cấp có thẩm quyền.

Nguồn : RFA, 03/08/2022

**********************

Bà Đặng Thị Hoàng Yến rút gần 2 nghìn tỷ đồng sang Mỹ

Mạnh Hà, VietnamNet, 03/08/2022

Chủ tịch Itaco Đặng Thị Hoàng Yến rút gần 2 nghìn tỷ đồng (khoảng 83 triệu USD) tiền tạm ứng cho dự án tại Mỹ, vào khoảng thời gian bà kêu cứu về việc buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

hatang3

Bà Đặng Yến, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Tạo, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minch, ngày 7 tháng 6 năm 2010. Ảnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới (www.weforum.org) / Ms. Sikarin Thanachaiary

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA), chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tạm ứng 1.940 tỷ đồng (khoảng 83 triệu USD) cho việc tham gia dự án tại Mỹ.

Theo báo cáo, ITA ghi nhận doanh thu thuần quý II/2022 đạt gần 310 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là gần 118 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp tụt giảm từ mức hơn 230 tỷ đồng cuối 2021 xuống còn hơn 20 tỷ vào cuối quý II/2022 (1 tỷ VND bằng 42.755 USD).

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của Itaco là khoản phải thu khác tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, từ mức 2.046 tỷ đồng vào cuối 2021 lên 3.947 tỷ đồng tính tới cuối quý II/2022. Mức tăng lên tới trên 1.900 tỷ đồng.

Trong đó, chủ yếu là khoản chi tạm ứng cho bà Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) - Chủ tịch Hội đồng quản trị là 1.937 tỷ đồng, chiếm 56% khoản phải thu ngắn hạn khác.

Cũng theo báo cáo, Itaco có khoản đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân giảm xuống còn gần 1.209 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 7.100 tỷ đồng hồi cuối 2021.

hatang4

Bà Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) tạm ứng 1.940 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 6, bà Đặng Thị Hoàng Yến có đơn kêu cứu sau thông tin lan truyền về việc Buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - ITACO (ITA) Dr. Maya Dangelas (Đặng Thị Hoàng Yến) có đơn gửi các nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam về thông tin buộc phá sản Tập đoàn Tân Tạo.

Vào cuối tháng 6, cổ phiếu ITA chứng kiến những phiên bị bán tháo dữ dội với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị sau khi thông tin Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) bị mở thủ tục phá sản sau 4 năm tranh chấp được lan truyền trên các diễn đàn, hội nhóm những ngày qua.

Tuy nhiên, trong phiên 2/8, cổ phiếu ITA tăng trần thêm gần 7% lên 8.040 đồng/cổ phần.

Trước đó, ITA bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định mở thủ tục phá sản từ năm 2018, nhưng đến nay, thông tin này chưa được công khai rộng rãi.

Vụ việc bắt đầu từ việc một doanh nghiệp có tên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh) yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Itaco. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc ITA mối quan hệ với chủ nợ Công ty Quốc Linh không phải là căn cứ để tiến hành thủ tục phá sản. Cho đến nay, nguyên nhân của kết luận phá sản vẫn chưa được công bố.

Trong 4 năm qua, Itaco vẫn công bố thông tin về báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông. Kiểm toán Báo cáo tài chính 2021 được thực hiện bởi EY đã nêu ý kiến báo cáo phản ánh trung thực, hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của tập đoàn tại ngày 31/12/2021.

hatang5

Bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ảnh : Hoàng Hà

Trong đơn kêu cứu, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, vào tháng 5, tháng 6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi nhiều công văn yêu cầu Công ty Tân Tạo công bố thông tin Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Tân Tạo. Quyết định mở thủ tục phá sản số 56/2018/QĐ-MTTPS ngày 25/1/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh).

Công ty Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Công ty Tân Tạo phải thanh toán cho Công ty Quốc Linh theo Bản án của Tòa án xét xử năm 2017 là hơn 21,4 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 14,3 tỷ đồng và lãi hơn 7,1 tỷ đồng).

Trong đơn, bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng cho biết, Công ty Tân Tạo đang đề nghị xem xét lại Bản án phúc thẩm số 01/2021/KDTM-PT ngày 5/1/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, Long An theo thủ tục giám đốc thẩm tại Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh vì Bản án sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên có rất nhiều sai phạm.

Cụ thể, theo bà Yến, Công ty Tân Tạo không có giao dịch kinh tế với Công ty Quốc Linh. Công ty Tân Tạo chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo bà Yến, trước đó, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Việt Nam (VietNam Land) và Công ty Quốc Linh ký các Hợp đồng kinh tế để bơm cát san lấp khu Công nghiệp Tân Đức. Sau khi Tổng giám đốc VietNam Land bị sa thải vào tháng 5/2010 vì móc nối với các nhà thầu, kê khống khối lượng lên nhiều lần rút tiền công ty chia nhau. Vị này đã bỏ trốn về Mỹ. 

Sau đó hơn một năm, ngày 9/12/2011, Công ty Quốc Linh có đơn khởi kiện VietNam Land tại Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, Long An, yêu cầu khởi kiện là VietNam Land phải trả cho Công ty Quốc Linh hơn 14,3 tỷ đồng, gồm nợ gốc và tiền phạt vi phạm hợp đồng và tiền mua vật tư xây dựng. Ngày 13/3/2012, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa thụ lý vụ án giữa nguyên đơn là Công ty Quốc Linh, bị đơn là VietNam Land.

Ngày 5/5/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên Bản án phúc thẩm số 07/2017/KDTM-PT. Nội dung chính : Buộc VietNam Land liên đới cùng với Công ty Tân Tạo thanh toán cho Công ty Quốc Linh số tiền nợ gốc và lãi phát sinh từ hai hợp đồng ký ngày 30/12/2009 tổng cộng hơn 21,3 tỷ đồng.

Ngày 2/6/2017, Công ty Tân Tạo có Đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 3/8/2018, Tòa án nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 84 kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 4/7/2019, tiếp tục ra Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/KDTM-GĐT hủy toàn bộ hai Bản án Sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST và Phúc thẩm số 07/2017/KDTM-PT. Đưa về xét xử lại từ cấp sơ thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định : Tòa sơ thẩm, phúc thẩm buộc Công ty Tân Tạo liên đới cùng VietNam Land trả tiền cho Công ty Quốc Linh là không có căn cứ pháp luật.

Sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định trả lại vụ án xét xử lại từ cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã xét xử và tuyên Bản án sơ thẩm số 07 ngày 18/9/2020. Nội dung chính vẫn như Bản án sơ thẩm số 01/2007 ngày 16/1/2017, theo đó Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa ra quyết định trái với Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên lập luận rằng Công ty Tân Tạo phải liên đới cùng VietNam Land trả nợ cho Công ty Quốc Linh số tiền gốc và lãi là hơn 27,7 tỷ đồng, bởi Tổng giám đốc bỏ trốn của VietNam Land là chồng cũ của Chủ tịch Công ty Tân Tạo nên phải có trách nhiệm.

Ngày 05/01/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tuyên bản án phúc thẩm số 01/2022/KDTM-PT. Nội dung giữ nguyên bản án sơ thẩm số 07/2020/KDTM-ST ngày 18/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa.

Ngày 2/2/2021, Công ty Tân Tạo có Đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm gửi Tòa án nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh ; ngày 28/1/2022 tiếp tục có văn bản gửi Tòa án nhân dân Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại đơn đề nghị giám đốc thẩm. Đến nay, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa có văn bản trả lời kháng nghị hay không kháng nghị giám đốc thẩm.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2021, ITA ghi nhận doanh thu cải thiện đáng kể từ 649 tỷ đồng lên 932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 48% lên 265 tỷ đồng. Trong quý I/2022, doanh thu giảm 64% xuống 63,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 71% xuống 16 tỷ đồng.

Theo bà Yến, Itaco có tổng tài sản gần 13,3 nghìn tỷ đồng và là công ty niêm yết, công ty đầu đàn trong việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam. Khoản tiền bị Công ty Quốc Linh ký buộc trả nợ chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản. Việc buộc Công ty Tân Tạo phải công bố phá sản là vô lý.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Bà Yến được cho là đang ở Mỹ và trong cuộc họp gần đây, bà Yến tham gia thông qua họp trực tuyến.

Mạnh Hà

Nguồn : VietnamNet, 03/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hàn Lam, Mạnh Hà, RFA tiếng Việt
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)