Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2022

Những cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan để lại những hậu quả nào ?

Đăng Khoa, Minh Anh, Anh Vũ

Bắc Kinh, Đài Loan cùng tập trận

Đăng Khoa, Pháp Luật online, 10/08/2022

Căng thẳng hai bên bờ eo biển Đài Loan tăng cao khi trong tuần này cả Bắc Kinh và Đài Bắc cùng lúc tập trận quy mô lớn.

taptran1

Một máy bay trực thăng của hải quân Trung Quốc thuộc Chiến khu Đông bộ tập trận ở vùng biển xung quanh Đài Loan vào ngày 8/8. Ảnh : Chiến khu Đông bộ/Reuters

Ngày 9/8, Đài Loan tập trận bắn đạn thật mô phỏng nội dung chống đổ bộ, bảo vệ hòn đảo trước nguy cơ bị tấn công, hãng tin AFP cho biết. Cuộc tập trận diễn ra ở huyện Bình Đông vào đầu giờ sáng 9/8 và kết thúc trong vòng 1 giờ. Đài Loan đã thông báo lịch tập trận của mình trước đó, diễn ra vào các ngày 9 và 11/8. Hàng trăm binh sĩ và khoảng 40 khẩu pháo được triển khai tham gia.

Đài Loan nói rằng các cuộc tập trận này đã được lên lịch trước và không phải nhằm phản ứng với Trung Quốc. Tuy thế, động thái tập trận của Đài Loan gây chú ý khi diễn ra ngay sau đợt tập trận quy mô lớn và dài ngày của Trung Quốc.

Cùng ngày 9/8, Chiến khu Đông bộ Trung Quốc thông báo rằng hải quân và không quân nước này sẽ tiếp tục tập trận chung ở các vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan, theo báo South China Morning Post. Chiến khu Đông bộ cho biết nội dung tập trận tập trung vào các hoạt động chống tàu ngầm và tấn công trên biển, chuẩn bị cho các hoạt động "phòng thủ chung", "phong tỏa chung" Đài Loan, đồng thời không nói cụ thể ngày kết thúc.

Đợt tập trận này diễn ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc kết thúc đợt tập trận quy mô lớn ở sáu địa điểm quanh Đài Loan trong bốn ngày (từ ngày 4 đến 7/8) nhằm phản đối chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trong đợt tập trận này, Trung Quốc triển khai tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái khắp các vùng trời và vùng biển quanh Đài Loan, tập trận bắn đạn thật và bắn 11 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, phóng tên lửa đạn đạo qua Đài Bắc.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sau chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Bắc vẫn đang leo thang đáng ngại. Ngày 8/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông lo ngại về các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc quanh Đài Loan, theo đài CNN. Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre lên án các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là "khiêu khích, vô trách nhiệm và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm". Trước đó, ngày 4/8, Nhà Trắng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Tần Cương để lên án các hoạt động quân sự của Trung Quốc và nhấn mạnh mong muốn của Mỹ là tránh một cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Phần mình, ngày 8/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định việc nước này tập trận "trong vùng biển của chúng tôi" một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp là chuyện bình thường.

Ngoài tập trận, ngày 5/8, Trung Quốc thông báo hủy các cuộc điện đàm trong tương lai giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc và Mỹ, đình chỉ các cuộc đàm phán song phương về khí hậu. Riêng về lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc đình chỉ các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ liên quan đến các cấp chỉ huy, điều phối chính sách quốc phòng và tham vấn quân sự hàng hải.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay ở eo biển Đài Loan hoàn toàn do phía Mỹ khiêu khích, Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng về việc này. Về phía Mỹ, các quan chức Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng lên án "phản ứng thái quá vô trách nhiệm" của Trung Quốc.

Đăng Khoa

********************

Trung Quốc phong tỏa Đài Loan có thể gây rối loạn kinh tế thế giới

Minh Anh, RFI, 09/08/2022

Cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra ở nhiều điểm gần sát, xung quanh Đài Loan cho thấy ý đồ của Bắc Kinh tìm cách bao vây, bóp nghẹt nền kinh tế Đài Loan, và đặc biệt là kiểm soát việc chế tạo chip bán dẫn toàn cầu mà Đài Loan hầu như chiếm thế độc quyền. Theo các nhà quan sát, mưu đồ này của Trung Quốc có nguy cơ gây nhiều hệ quả nặng nề cho toàn bộ ngành công nghiệp thế giới.

taptran2

Ảnh minh họa của Tân Hoa Xã : Một tầu chở container của Nhật Bản cập cảng Dương Sơn (Yangshan) ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 27/04/2022.  AP - Chen Jianli

Nếu như chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi vẫn đang là chủ đề tranh cãi gay gắt trong giới chuyên gia, thì không phải ngẫu nhiên người ta nhìn thấy tấm ảnh bà Nancy Pelosi trên tờ Taipei Times bên cạnh ông Morris Chang, đồng sáng lập tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC).

Tập đoàn công nghệ cao này, vốn chiếm lĩnh đến 92% thị trường thế giới các loại chip điện tử cực mỏng chất lượng cao, là nhà cung cấp chip điện tử quan trọng cho các đại tập đoàn Mỹ như Apple, Qualcomm hay Nvidia.

Đài Loan là nơi duy nhất trên thế giới có thể khắc những con chip mỏng 2 nanomet, tương đương với khoảng 50 tỷ transistor có kích cỡ bằng một móng tay. Một kỹ nghệ mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chưa thể làm chủ. Và Trung Quốc, công xưởng lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% nhu cầu thế giới về chất bán dẫn và có đến 90% là phải nhập từ nước ngoài, phần lớn đến từ Đài Loan.

Chỉ có điều, thị trường chất bán dẫn trên thế giới đang nở rộ. Theo báo cáo của Cyclop được báo Pháp La Croix trích dẫn, tăng trưởng của ngành sản xuất chip bán dẫn trong năm 2022 có thể đạt mức 15%. Trong lĩnh vực viễn thông như mạng 5G và 6G đặc biệt "ngốn" nhiều chip điện tử. Tương tự, việc điện hóa các phương tiện giao thông, số hóa các máy móc công nghiệp và phát triển trí thông minh nhân tạo khiến nhu cầu chip bán dẫn tăng vọt.

Trong bối cảnh này, nếu như nguồn cung bị gián đoạn, hệ quả sẽ rất lớn. Khó khăn cung ứng trong thời kỳ Covid-19 là một minh chứng rõ nét. Đại dịch đã gây ra tình trạng chậm trễ, thậm chí khan hiếm chip bán dẫn, khiến nhiều nhà máy trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe ô tô bị đình trệ.

Theo La Croix, những mục tiêu trên của Bắc Kinh có nguy cơ gây xáo trộn một thị trường vốn đã bị mất cân bằng. Ông Mark Liu, chủ tập đoàn TSMC, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm có trên đài CNN lập luận việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan sẽ làm cho các chuỗi sản xuất của nhà máy "không thể hoạt động". Ông cảnh báo "không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực", hàm ý rằng doanh nghiệp dự kiến phá hủy các công cụ sản xuất nếu đảo bị tấn công.

Dĩ nhiên Mỹ và Châu Âu bắt đầu đầu tư hàng chục tỷ đô la vào việc sản xuất những con chip "quý giá" nhưng việc "tái thiết hoàn toàn ngành công nghiệp mũi nhọn này đòi hỏi một cái giá còn cao hơn cả khả năng đầu tư của các nước phát triển", theo như đánh giá của Cyclope trong một báo cáo.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng cũng có thể gây rối loạn cho nền kinh tế thế giới : Đài Loan cũng đóng một vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hải thế giới. Eo biển Đài Loan, với chiều rộng từ 130-180 km, chiếm 50% lưu thông hàng hải. Tính từ đầu năm đến nay, có đến 88% lượng tầu chở container đi qua tuyến đường này.

Eo biển là nơi kết nối các nhà máy ở Đông Á với phần còn lại của thế giới. Đây cũng là nơi vận chuyển khí đốt tự nhiên và dầu hỏa. Giới quan sát lo ngại, các cuộc tập trận hay việc phong tỏa Đài Loan có nguy cơ dẫn đến việc thổi bùng giá nhiên liệu do những chậm trễ trong việc giao hàng. Và việc đóng cửa hẳn eo biển này buộc tầu thương mại phải đi vòng sang phía đông, hải trình không những dài hơn mà còn nhiều nguy hiểm vào mùa mưa bão.

Trên đài truyền hình LCI, ông Michel Ruimy chuyên gia kinh tế, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po lưu ý : "Việc phải sống trong một sự bất định là một điềm không tốt cho giới làm ăn và các nền kinh tế". Đây cũng chính là nỗi lo của nhiều nước ASEAN hiện nay, những nước tự xác định là các quốc gia thương mại trong khu vực.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 09/08/2022

**************************

Giới chuyên gia thấy gì từ các cuộc tập trận của Trung Quốc bao vây Đài Loan ?

Anh Vũ, RFI, 08/08/2022

Các cuộc tập trận trên quy mô lớn xung quanh Đài Loan tiến hành từ ngày 04/08/2022 và vừa được kéo dài thêm, cho thấy bóng dáng một kịch bản mà Trung Quốc có thể sử dụng để thôn tính hòn đảo trong tương lai : sử dụng sức mạnh quân sự phong tỏa. Giờ đây, Đài Bắc và đồng minh Hoa Kỳ có thể sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc về kế hoạch này của Bắc Kinh.

taptran3

Một bản đồ hiển thị các địa điểm mà quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự được đăng tải trên báo chí. Ảnh chụp tại một quầy báo ở Trung Quốc, ngày 03/08/2022.  Reuters – Tingshu Wang

Tất cả bắt nguồn từ chuyến thăm Đài Bắc của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 02/08 mà Bắc Kinh đánh giá là sự khiêu khích nghiêm trọng. Quân Đội Trung Quốc ngay lập tức thông báo mở một loạt "chiến dịch quân sự có mục tiêu" trên 6 điểm trong vùng biển xung quanh hòn đảo Đài Loan. Ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 04 đến 07/08, các cuộc diễn tập giờ được kéo dài thêm thời gian.

Huy động sự tham gia một lực lượng lớn hải quân và không quân, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập áp sát Đài Loan như vậy, có điểm chỉ cách bờ khoảng 20 km. Hải quân Trung Quốc cũng triển khai cả bên phía sườn đông của hòn đảo, khu vực được cho là sống còn với Đài Bắc vì sẽ là hướng mà quân đội Đài Loan có thể nhận tiếp viện của quân đội Mỹ từ biển vào, trong trường hợp đảo bị tấn công thực sự. Nhìn vào sơ đồ cuộc diễn tập của Trung Quốc, giới chuyên gia quân sự có thể dễ dàng nhận ra đó là một bài tập mô phỏng phong tỏa Đài Loan, một giải pháp quân sự có thể được Trung Quốc sử dụng khi xung đột xảy ra.

Phong tỏa có thể giúp Trung Quốc chặn mọi lối ra vào đối với tàu bè thương mại cũng như quân sự, nhưng chủ yếu nhằm chặn đường tiếp cận của các lực lượng Mỹ có mặt trong vùng.

Theo nhà bình luận quân sự độc lập của Trung Quốc, Tống Trọng Bình (Song Zhongping) được AFP trích dẫn, quân đội Trung Quốc "hiển nhiên có đủ khả năng để áp đặt một cuộc bao vây phong tỏa như vậy. Người ta đã thấy với cuộc diễn tập vừa rồi, chiến đấu cơ, chiến hạm Đài Loan không thể cất cánh hay ra khỏi cảng".

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc đã bắn một chục quả tên lửa đạn đạo vào nhiều điểm trong vùng đặc quyền kinh tế xung quanh Đài Loan. Truyền thông Trung Quốc cho biết lần đầu tiên các tên lửa trên được bắn qua vùng trời của đảo.

Theo Tân Hoa Xã, Bắc Kinh đã huy động 100 máy bay, hơn chục tàu chiến các loại, trong đó có cả máy bay tàng hình J-20 và khu trục hạm Type 055, những vũ khí khí tài hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc hiện nay.

Nhưng ngoài trang thiết bị, các bài diễn tập vừa rồi còn cho phép Trung Quốc thử nghiệm tổng thể năng lực phối hợp tác chiến của quân đội Trung Quốc trong một cuộc bao vây phong tỏa quy mô rộng lớn.

John Blaxland, giáo sư về an ninh quốc tế Đại học Quốc gia Úc nhấn mạnh với AFP rằng điều mà Trung Quốc muốn là "khẳng định năng lực chiến đấu của họ mạnh". Ông phân tích, quân đội Trung Quốc "rõ ràng có đủ phương tiện phối hợp hành động trên đất liền cũng như trên biển và họ có khả năng triển khai các hệ thống tên lửa và triển khai nhanh chóng các phương tiện đó".

Chuyên gia Úc khẳng định các bài diễn tập này chỉ cho Đài Loan, Mỹ hoặc Nhật Bản thấy rằng giờ đây Trung Quốc "có những gì cần thiết để hiện thực hóa những đe dọa của họ".

Vào năm 1995-1996, khi Hạ Viện Mỹ thông qua nghị quyết cho phép chính quyền Bill Clinton đón tổng thống Đài Loan khi đó là ông Lý Đăng Huy, tại eo biển Đài Loan cũng đã xảy ra khủng hoảng lớn. Hải Quân Mỹ đã điều động nhiều tàu chiến đi qua eo biển và triển khai một tàu sân bay ở không xa hòn đảo Đài Loan. Lần này, chính phủ Mỹ tỏ ra thận trọng nhằm tránh leo thang căng thẳng mà họ không mong muốn, theo Lonnie Henley, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, hiện là giáo sư trường Elliot School, Washington.

Sự thận trọng này cũng được giải thích bởi giờ đây năng lực quân sự của Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều so với hồi năm 1996.

Grant Newsham, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, nhà nghiên cứu tại Japan Forum for Strategic Studies ghi nhận : "Trong một số lĩnh vực, khả năng của Trung Quốc còn có thể vượt Hoa Kỳ… Nếu một trận chiến xảy ra và bị phong tỏa trong phạm vi xung quanh Đài Loan, thì hải quân Trung Quốc sẽ là một đối thủ đáng gờm. Nếu Mỹ và Nhật không can thiệp thì mọi việc sẽ trở nên rất khó khăn cho Đài Loan".

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 08/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đăng Khoa, Minh Anh, Anh Vũ
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)