Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/08/2022

Cả thiên niên kỷ mới đến một lần"

Nguyễn An Dân

Slogan mới của du lịch Việt Nam : "Cả thiên niên kỷ mới đến một lần"

Tuần này, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch của Việt Nam.

dulich1

Một em gái trượt patin trước tượng Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/12/2021 - AFP

Cũng trong chương trình phục hồi kinh tế sau Covid, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra kế hoạch "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" để thu hút khách du lịch. Vừa qua đã có những tour du lịch mới trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh như "Về Chợ Lớn xem múa lân" của quận 5, "Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn" tham quan ngôi nhà ông Hồ Chí Minh ở "trước khi ra đi tìm đường cứu nước", di tích khu trại giam bệnh viện Chợ Quán giam giữ tù cộng sản, "Tân Phú-đi là nhớ" tham quan di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân, chợ vải, bảo tàng sâm Ngọc Linh, xe bus sông Sài Gòn, nghe nhạc ngắm phố trên xe bus hai tầng chạy vòng quanh một số đường phố trung tâm… Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố nói sắp tới sẽ có các tour "Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ", "Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện, nghĩa tình"…  

Ngoài ra, báo chí loan tin Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng lấy ý kiến góp ý đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền (Q.11), các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông ở huyện Nhà Bè, phát triển du lịch đường thủy, các sản phẩm du lịch gắn với hoạt động mới lạ trên địa bàn Q.1, 5, 6, 8 (nơi tập trung nhiều bà con gốc Hoa), trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường…

Công bằng mà nói, Việt Nam rất nhiều cảnh đẹp. Sài Gòn càng giàu có vẻ đẹp đa dạng của lịch sử, không gian, kiến trúc, văn hóa, tôn giáo của nhiều dân tộc. Từ những cảnh đẹp đã nổi tiếng, trở thành danh thắng và được khai thác thương mại từ lâu, cho đến một góc phố, bờ sông, một rẻo núi, một khúc ngoặt hoang vắng của con sông, một bờ biển nhiều đá, một ngôi chợ cũ kỹ, một bờ tường đá ong, một mái đình xiêu vẹo, một chiếc am thờ gần lút trong đám cỏ… hầu như nơi nào ở Việt Nam cũng có thể đắm chìm vào trầm tích của những câu chuyện miên man và cuốn hút không thể dừng về những sóng gió của một đất nước, thăng trầm của những thân phận con người. Những lộ diện rất đời thường của những gốc rễ tưởng như mỏng mảnh nhưng vô cùng dai dẳng bền chắc của tôn giáo, văn hóa, gia phong… giữ gìn và nuôi nấng sự nhân bản, hướng thượng của nhiều thế hệ người Việt Nam qua bão táp thời cuộc.

Nhưng, có một thực tế nghiệt ngã ở Việt Nam là hầu như bất cứ điểm du lịch nào được đông người biết đến cũng chính là lúc nó tàn. Đó là do sự tham lam, yếu kém của những người quản lý, sự duy ý chí một cách nửa vời của các chính sách liên quan, mà chủ trương "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" của Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua cũng là một ví dụ.

dulich2

Kênh Xuyên Tâm đi qua các dãy nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Ví dụ sản phẩm địa đạo Phú Thọ Hòa của quận Tân Phú. Trên báo chí tiếng Việt thời gian qua có khá nhiều bài báo ca ngợi sự mới mẻ và độc đáo của nó. Nhưng thực tế thì sao ? Một doanh nghiệp du lịch thẳng thắn nói địa đạo Phú Thọ Hòa sẽ chẳng thể nào khai thác du lịch tốt, vì nó không có gì khác biệt cả. Nó giống y như một đoạn ngắn của địa đạo Củ Chi. Mà địa đạo Củ Chi thì như thế nào ? Ai từng đến cũng đều biết hành trình trải nghiệm nó chỉ là chui xuống đất, khom lưng đi trong hầm một đoạn ngắn, ngắm các không gian trong hầm từng được dùng để hội họp, chữa bệnh, sinh sống..., ăn mấy miếng khoai mì hấp nước cốt dừa chấm muối vừng đặc sản (khá ngon), nghe thuyết minh về sự dũng cảm đánh Mỹ, chui lên. Và… hết !

Nếu không được sử dụng để làm nơi kết nạp Đảng viên mới, là điểm đến bắt buộc trong các tour du lịch nội địa hoặc được ngành giáo dục đưa vào chương trình dã ngoại chính thức một cách đầy tinh thần cách mạng… thì địa đạo Củ Chi chắc cũng chẳng mấy người lai vãng. Bởi vì có thể lịch sử hào hùng, cuộc sống trong địa đạo nhiều điều thú vị, nhưng cơ quan khai thác du lịch lại không biết chọn lọc và tái hiện những chi tiết thu hút sự ham muốn khám phá của khách du lịch.

Mà bản chính còn không hút nổi khách nội địa thì bản sao dùng cách gì để móc tiền khỏi túi họ ?

Hãy học tập cách đất nước Hàn Quốc khéo léo kể những giai thoại về những địa danh của họ, cách họ chăm chút nó với những kiến trúc hiện đại phục vụ đời sống như chiếc cầu, con đường cũng biến thành điểm thu hút sự nhìn ngắm, hay cách họ gắn nó với nghệ thuật điện ảnh khiến khán giả phim ảnh của họ trên khắp Châu Á tự nguyện biến thành khách du lịch, chỉ để tận mắt ngắm nơi từng quay các bộ phim Hàn nổi tiếng.  

Tôi nhớ khi còn bé từng đọc một quyển tiểu thuyết Liên Xô (tên gì đã quên) kể về cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng vệ quốc Nga và quân phát xít Đức. Du kích và một số người dân trong làng quyết định mang theo lương thực dự trữ và vũ khí, chui xuống hệ thống đường hầm khai thác ở mỏ đá cũ trong vùng, lấy đó làm căn cứ. Họ phải chiến đấu với bụi đá gây ngạt thở khi đào thêm hầm làm nơi sinh hoạt, với khói độc do quân phát xít ném lựu đạn khói xuống đường hầm, với khói lửa khi chúng chất củi đốt định thiêu chết họ, với nước lụt, với sự thiếu thốn thuốc thang và lương thực cũng như nỗi lo xé lòng về những người thân còn sống trên mặt đất… Tác phẩm dựa trên sự kiện có thực, và những chi tiết có thực của nó sống động tài tình đến mức người đọc muốn chiêm ngưỡng từng tấc đất của mỏ đá ấy, muốn tận mắt nhìn ngắm vách đá ám khói hay cửa hầm bí mật mở ra phía rừng, nơi những chiến sĩ từng có những đêm yên bình chui ra khỏi hầm nằm ngắm trăng sao…  

Rất tiếc, văn học nghệ thuật của nước nhà có rất nhiều sản phẩm chỉ dừng lại ở mức minh họa chứ không khắc họa nổi những gì là độc đáo, khác biệt của lịch sử, văn hóa, đời sống… người dân để hấp dẫn du khách. Cạnh đó, các tour và ban quản lý các điểm du lịch hầu hết đều lười suy nghĩ, chỉ làm những gì quen thuộc và an toàn, cũng như chẳng thèm làm gì để sản phẩm du lịch của mình được khai thác tối đa. Chính vì vậy du khách thấy nhàm chán, tẻ nhạt, không đáng quay lại lần thứ hai.  

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 230 ngàn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Nhiều chuyên gia du lịch nói cần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi mức tăng đó là so với năm dịch, khi khách quốc tế đến Việt Nam là bằng 0. Nhưng số khách quay trở lại chỉ khoảng 10% (so với trung bình 70% khách quốc tế sẽ quay lại Thái Lan). Số tiền du khách tiêu xài ở Việt Nam cũng rất ít. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho biết : cùng lưu trú khoảng hơn chín ngày, nhưng trung bình một khách đến Thái tiêu 2.500 USD, tại Việt Nam chỉ 1.200 USD. 

Tôi sẽ kể hầu quý vị trong những bài viết tiếp theo về một số điểm du lịch "nổi tiếng" ở Việt Nam để thấy rõ hơn vì sao du lịch Việt Nam hô khẩu hiệu "Điểm đến của thiên niên kỷ" nhưng sự thực lại là "Cả thiên niên kỷ mới đến một lần".

Trong khi chờ đợi, xin hiến kế cho Thành phố Hồ Chí Minh một số sản phẩm du lịch khác, đảm bảo độc như thuốc chuột, không đâu có.  

dulich3

Xe máy đi trong nước ngập sau mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/10/2014. AFP

Đầu tiên, cả trung tâm thành phố biến thành hồ bơi mỗi khi mưa lớn. Du khách đi chơi nắng nóng mồ hôi đang tuôn dầm dề thì ối dồi ôi chả mất đồng nào vẫn được bơi thỏa thích. Bơi ngang qua các cột điện còn được trải nghiệm cảm giác giữa lằn ranh sinh tử mạo hiểm còn hơn lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn.  

Thứ hai là thử thách bản lĩnh nam nhi bằng combo kẹt xe + mưa lớn + triều cường. Nước cống thúi dưới chân dâng lên, nước mưa và sấm sét trên đầu dội xuống, cả gia đình cha + mẹ + con trong chiếc áo mưa ngồi trên chiếc xe máy nhích từng cm về nhà. Đường về nhà lúc ấy quả thực là vào tim ta như lời hát của Đen Vâu, nó lạnh giá, tái tê và đầy thống khổ.

Thứ ba, game cưa bom lấy thuốc đạn. Mỗi bên một phía, có thau nước bên cạnh để nhỏ lên vết cưa cho đỡ nóng. Trò này hồi hộp, ú tim hơn trò Russian roulette nhiều lần vì khối thuốc bom kềnh càng đủ sức thổi thân thể tung như bươm bướm trên đường về với tổ tiên.  

Thứ tư là trò thách thức sang sông bằng những chiếc cầu ‘xây xong (2/3) đã lâu" như cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, cầu Long Đại trên sông Tắc, cầu Tăng Long cũng ở quận 9 cũ.  

Khai thác các sản phẩm có sẵn này, chúng ta vừa không tốn xu nào tiền đầu tư, vừa giữ vững tính độc đáo riêng biệt của ngành công nghiệp không khói Việt Nam. Du khách đổ đến có mà ngập lụt, tiền đếm mỏi tay !

Nguyễn An Dân

Nguồn : RFA, 12/08/2022

Tham khảo :

https://thuonghieucongluan.com.vn/khach-du-lich-quoc-te-quay-tro-lai-viet-nam-sau-dai-dich-covid-19-a176428.html

https://thanhnien.vn/trong-long-dat-tp-hcm-co-mot-dia-dao-hinh-toa-xe-lua-dai-10km-post756160.html

https://nld.com.vn/kinh-te/du-lich-tp-hcm-tim-huong-but-pha-moi-quan-huyen-mot-san-pham-dac-trung-20220713210227536.htm

https://vietnamnet.vn/5-trieu-khach-quoc-te-thay-vi-dem-khach-nghi-cach-thu-tien-2026136.html

https://www.phunuonline.com.vn/nhung-cay-cau-xay-mai-khong-xong-a1416173.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn An Dân
Read 414 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)