Mấy tháng mùa hè này ở biển chính là cao trào của du lịch chụp hình. Xu hướng này thế giới có từ lâu, nhưng Việt Nam mình nghèo, dĩ thực vi thiên (lấy ăn làm đầu), mãi mới có dư tí tiền để ngoài ăn còn đi chơi loanh quanh thì mấy năm nay mới rộ lên phong trào này. Nhưng cũng hoành tráng lắm !
Khách du lịch chụp ảnh ở bãi biển Phú Quốc hôm 19/11/2021 (hình minh họa) - AFP
Sáng nọ, trong sảnh khách sạn Quy Nhơn, có một nhóm năm chị khoảng 60-70 tuổi diện rất bài bản : năm chiếc maxi nhiều tầng, gần như cùng kiểu, chỉ khác màu. Năm người năm màu : tím ngát, hồng cánh sen, đỏ tươi, cam và xanh biếc. Dưới chân, đôi giày thể thao trắng mới tinh.
Hành trình của tôi trùng với họ : đi xe từ trung tâm Quy Nhơn đến vùng biển Kỳ Co-Eo Gió ở huyện Nhơn Lý cách mấy chục cây số. Ngồi xe điện (chạy bằng xăng) ra bãi biển. Lội khoảng nước đến đầu gối để trèo lên ca nô. Từ ca nô trèo lên cầu cảng. Qua cổng bán vé thì xuống một hòn đảo nhỏ có bãi tắm rất đẹp. Đi lên đi xuống nhiều chặng như thế nhưng các chị vẫn quyết tâm mang theo mấy chiếc valy.
Tôi đoán các chị sẽ lấy trong vali ra mấy chiếc khăn mỏng khổ rộng thật sặc sỡ nữa. Y như rằng ! Kẹp thêm chiếc mũ cói rộng vành, các chị đã đủ combo chụp hình xinh lung linh trên biển.
Nhìn quanh, hầu như tất cả đàn bà con gái khắp bãi biển, bất kể độ tuổi, ngoại hình, đều đang phấp phới trong những chiếc khăn choàng sặc sỡ, hoặc thướt tha trong vô số kiểu maxi đủ màu sắc.
Như thế là chuẩn giáo trình phục trang đi biển luôn đấy : ít nhất ba bộ bikini, vài chiếc khăn choàng khổ lớn màu và họa tiết thật rực rỡ, lúc quàng quanh eo, lúc thắt lên đầu, lúc choàng qua vai, lúc cầm hai tay giơ cao cho gió thổi bay tung ra phía sau. Phải mặc maxi thật mỏng, thật rũ, may rộng hoặc nhiều tầng, càng bánh bèo và màu sắc càng đỏ tươi, vàng rực, tím cả trời chiều, hay bảy sắc cầu vồng càng ưng. Gu sexy thì hở nửa lưng, hở cổ, hở vai, hở ngực. Gu thanh thuần thì thiên về trắng tinh và các màu nhàn nhạt, kín cổng cao tường nhưng xếp nếp bèo nhún càng nhiều càng tốt. Mũ cói rộng vành, dép cói, túi cói, bông tai to bản. Tóc xoăn nhẹ thả dài. Đi lại vất vả tí nhưng úi giời ơi, chụp hình lên phây có mà hết nước chấm !
Tính ra một tour đi biển phổ biến khoảng bốn ngày ba đêm, các nàng phải xài ít nhất mười mấy bộ đồ, chủ yếu để chụp hình. Nếu sắm mới hết chỉ để mặc một lần check in sống ảo thì đau túi phết đấy ! Nên lâu nay, ở bất cứ điểm du lịch nào cũng đầy các tiệm cho thuê trang phục chụp hình đầy đủ và chuyên nghiệp, cập nhật các xu hướng thời thượng nhất mà giá chỉ bằng 1/5, 1/6 giá mua mới.
Phụ nữ là số một. Phụ nữ (nắm ví tiền của gia đình) thì đỉnh của đỉnh. Nhiều người lên báo kể mỗi năm đi chơi ba bốn đợt, mỗi đợt đều kỹ lưỡng mua sắm quần áo phụ kiện mới để chụp hình. Để có quỹ ảnh ngàn tấm hình lộng lẫy úp cả năm lên phây thì vài ba triệu đáng là bao. Đầu tư phải chấp nhận tốn kém chứ. Thêm ít tiền thuê anh chụp ảnh đi cùng. Chọn góc, canh ánh sáng. Về chỉnh nét chỉnh màu các thứ. Lung linh là lên luôn !
Các tiệm còn có sơ mi, quần short, mũ cói cho đàn ông để chụp hình đôi, hình gia đình. Có trang phục boho (kiểu của dân bohemian) : váy rộng dài quét đất nhiều họa tiết phóng khoáng, vòng cổ, vòng tay, vòng tai trĩu nặng nhiều màu, khăn quấn đầu đủ sắc, dép da đan dây hoặc dép cói… để chụp tại những nơi đền chùa cổ kính u tịch, về tha hồ mà thay ảnh cho hạp lý. Có cả những chuyên gia dạy tạo dáng chụp hình du lịch : ngồi một mình trước biển, gió tung bay tóc dài. Tay xách váy, tay xách đôi dép cói nhẹ bước trên bờ biển sóng gợn lăn tăn, mắt nhất quyết không nhìn thẳng vào máy ảnh hay điện thoại (quê lắm !) mà phải nhìn ra xa xa, cười rạng rỡ như đang thấy thần tài gõ cửa.
Biểu sao mà thấy cứ mùa hè là trên phây ngập tràn hình ảnh du lịch biển trời non nước đẹp hú hồn, coi xong là khiến người ta ngọ nguậy không yên, chỉ muốn xách valy lên (nhồi vô một đống maxi và khăn choàng) rồi đi (chụp hình, úp phâyyyyyyyyyy).
Khổ nhất chính là các chàng bạn trai thôi. Phe này chính là ngựa thồ đồ đoàn của nàng lên xe, xuống canô, lên cầu cảng, xuống bãi biển, lên vách đá, xuống khe cạn… hay bò nhoài ra đất để chụp hình để thấy chân nàng dài như đại lộ Đông Tây. Tôi thấy một nhóm các cô gái đứng ngay bên gốc cây chỗ người qua kẻ lại nườm nượp để thay đầm. Người như kiến, biết tìm được chỗ nào vắng. Bên trong họ mặc sẵn áo thun, quần short nên cởi bỏ cái đầm dài rộng ra cũng không ngại lắm. Vali phụ kiện mở rộng đặt ngay trên đất. Dặm lại má phấn, đánh lại môi son. Giữa thiên nhiên, trông ai cũng xinh đẹp. Chỉ mấy anh chàng đi theo là mướt mồ hôi như nô tì Isaura.
Các nhà đầu tư du lịch hiểu tâm lý đối tượng khách hàng này lắm nên chỗ nào họ cũng cài bẫy check in được. Đố nàng nào thoát ! Nào những chiếc võng lưới trắng cheo leo trên đá, nào các khung cửa nhiều màu in rõ lên nền trời xanh ngắt, nào những trái tim xù lông bằng cành cây, lá buông, lá cọ, nào những ngôi lều trên cát trắng, nóc treo các dải vải đủ màu phất phơ theo gió, nào vài chiếc thuyền con con gác chèo ngủ say trên bãi cát… Chẳng tốn kém bao nhiêu, mà kéo khách tốt quá chừng. Biển Việt Nam mùa này lên ảnh chỉ có mà ngất ngây, và ai mà chả thích được khen ?
Mạng xã hội kích phát nhu cầu được nhận biết và khen ngợi của con người, nên từ biển, đến sen, đến tam giác mạch Hà Giang, cứ mùa nào chụp ảnh đẹp là mạng xã hội tràn ngập những bức ảnh làm người xem nao nức. Được khen tới tấp nên nhiều người gần như chỉ đi du lịch để chụp hình check in. Đi chơi xong về hỏi ở chỗ ấy có gì hay ho thì cứ ngớ ra. Họ đi đến tất cả các điểm nhưng cũng gần như không đến điểm nào, vì mải thay váy chụp ảnh mất rồi nên không còn mắt để quan sát, ngắm nghía cảnh vật thật.
Nên ban đầu tôi cũng buồn cười và hơi chê. Nhất là năm ngoái, trào lưu chụp hình yếm đào với sen ở miền Bắc kéo theo cả những phụ nữ… đại liên (tức là hết cả trung niên rồi) chụp ảnh khoe thân. Các bà các chị mặc độc chiếc yếm (bố của sexy), khoe hết cả những nét không còn ưa nhìn như thời thanh xuân, vòng một chiếm chỗ vòng hai, vòng hai lao xuống vòng ba, vòng ba trĩu nặng dưới sức hút trái đất… quả thật rất khó để bấm một cái like chân thành.
Phụ nữ chụp hình tại hồ sen ở Hồ Tây hôm 6/6/2022. AFP
Nhưng nghĩ lại, mình là ai mà chỉ trích sở thích của người khác ? Niềm vui rất giàu tính cá nhân. Như nhóm các chị O60 nói ở đầu bài chẳng hạn, chắc họ vui lắm. Vui từ lúc bàn nhau chọn kiểu, chọn màu đầm để mặc đi chơi, đến lúc đi mua sắm, thử mặc, thử tạo dáng chụp hình với nhau. Úp phây xong bạn bè hay friends vào likes và khen lia lịa, đọc đến đâu miệng cười như hoa đến đấy. Quên ông chồng già, đám con gây phiền não, đám cháu gây nhức đầu, thấy đời thanh xuân trở lại. Ít nhất cũng đủ sức tiếp sinh lực cho thân chủ kiếm tiền (hay lên kế hoạch) đi chơi chuyến sau. Thế là đủ vui và có lợi lạc cho sức khỏe rồi.
Và có lẽ các nhà đầu tư du lịch, những quan chức quản lý du lịch phải cảm ơn và dành một khoản thưởng xứng đáng cho những tín đồ du lịch chụp hình, cho ai có nhiều tấm ảnh check in địa điểm du lịch lan tỏa hoặc gây hiệu ứng tích cực nhiều nhất. Vì những tấm ảnh được đầu tư công phu của họ, ghi lại tất cả các khoảnh khắc đẹp nhất ở những danh thắng có khi còn nguyên sơ chưa được khai phá đã góp phần thổi bùng phong trào du lịch đến đó, mặc kệ sự thật là bản thân họ có khi chỉ kịp chụp hình chứ không có thời gian trải nghiệm. Họ chính là các đại sứ không công nhưng cần mẫn và nhiệt tình nhất để quảng bá du lịch địa phương. Hơn đứt các chương trình nặng nề, xơ cứng và cách quảng bá tốn tiền nhưng lạc hậu của (hầu hết) cơ quan quản lý du lịch Nhà nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đang hết sức tìm kiếm các sản phẩm du lịch địa phương để thu hút du khách, kiếm tiền bù trận đại dịch. Quận Tân Phú đưa ra tour chui địa đạo Phú Thọ Hòa, chui địa đạo. Má ơi rồi chụp hình check in ở đâu ? Váy áo khăn tóc mốt mới nhất có dịp nào khoe ra ? Chả lẽ chụp hình úp phây khoe mấy cái quần short, mũ tai bèo, tóc tai mặt mũi mồ hôi lấm lem vì chui địa đạo ?
Nhiều nơi đang đề xuất các tour kiểu tham quan di tích nơi Bác Hồ từng đến thăm hay lưu trú. Rồi "Hóc Môn - Vùng đất lịch sử", "Quận 12 - Còn bao điều mới lạ", thăm di tích Ngã ba Giồng, nhà truyền thống chiến khu An Phú Đông, bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, Ký ức biệt động Sài Gòn nghe ái ngại quá. Du lịch tức là đi chơi, mà hơn cả đi chơi còn là cái thú lúc về chọn ảnh úp phây như chúng ta đã nói ở đầu. Các điểm đến nghiêm trang, nặng tính lịch sử cách mạng rất khó có thể thu hút khách du lịch bền vững, trừ phi nó được quy hoạch vào nhóm tour bắt buộc cho các trường học để "Về nguồn" hay giáo dục lịch sử. Nhưng thế thì không phải là kinh doanh, không thuộc chương trình kích cầu du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh đang mong muốn.
Thay vì đó, về lịch sử và văn hóa, các nhà quản lý du lịch Nhà nước nên đầu tư chăm sóc những bảo tàng hiện tại, chớ để nó biến thành nơi nuôi gián như bây giờ. Nhất là học cách làm "du lịch đầm maxi", tìm hiểu du khách, học hỏi các đơn vị tổ chức du lịch tư nhân để nắm được nhu cầu và cách phục vụ của họ.
Du lịch chụp hình không tốn kém cho chủ đầu tư, mà chỉ tăng thêm lượng khách và tiền cho họ. Nghe cái tên có vẻ phù phiếm, nhưng cái gì tồn tại thì nó có lý. Đặc điểm thực tế này cần được xem xét nghiêm túc và tính toán trong các kế hoạch tái tổ chức và kích cầu du lịch.
Nguyễn An Dân
Nguồn : RFA, 29/08/2022
Tham khảo :
TP.HCM: 50% quận, huyện đã có sản phẩm du lịch đặc trưng
Trường bắn Ngã Ba Giồng cùng loạt địa danh sắp đón khách du lịch
Tuần này, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tuyên truyền để quảng bá, thu hút đầu tư, du lịch của Việt Nam.
AFP
Cũng trong chương trình phục hồi kinh tế sau Covid, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra kế hoạch "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" để thu hút khách du lịch. Vừa qua đã có những tour du lịch mới trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh như "Về Chợ Lớn xem múa lân" của quận 5, "Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn" tham quan ngôi nhà ông Hồ Chí Minh ở "trước khi ra đi tìm đường cứu nước", di tích khu trại giam bệnh viện Chợ Quán giam giữ tù cộng sản, "Tân Phú-đi là nhớ" tham quan di tích địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân, chợ vải, bảo tàng sâm Ngọc Linh, xe bus sông Sài Gòn, nghe nhạc ngắm phố trên xe bus hai tầng chạy vòng quanh một số đường phố trung tâm… Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố nói sắp tới sẽ có các tour "Sài Gòn trăm năm, hoa trái thương hồ", "Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện, nghĩa tình"…
Ngoài ra, báo chí loan tin Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng lấy ý kiến góp ý đề án Phố đi bộ và khu ẩm thực Hà Tôn Quyền (Q.11), các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch ven sông ở huyện Nhà Bè, phát triển du lịch đường thủy, các sản phẩm du lịch gắn với hoạt động mới lạ trên địa bàn Q.1, 5, 6, 8 (nơi tập trung nhiều bà con gốc Hoa), trải nghiệm, đạp xe tại các vùng nông thôn ngoại thành, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia các hoạt động hướng đến việc bảo vệ môi trường…
Công bằng mà nói, Việt Nam rất nhiều cảnh đẹp. Sài Gòn càng giàu có vẻ đẹp đa dạng của lịch sử, không gian, kiến trúc, văn hóa, tôn giáo của nhiều dân tộc. Từ những cảnh đẹp đã nổi tiếng, trở thành danh thắng và được khai thác thương mại từ lâu, cho đến một góc phố, bờ sông, một rẻo núi, một khúc ngoặt hoang vắng của con sông, một bờ biển nhiều đá, một ngôi chợ cũ kỹ, một bờ tường đá ong, một mái đình xiêu vẹo, một chiếc am thờ gần lút trong đám cỏ… hầu như nơi nào ở Việt Nam cũng có thể đắm chìm vào trầm tích của những câu chuyện miên man và cuốn hút không thể dừng về những sóng gió của một đất nước, thăng trầm của những thân phận con người. Những lộ diện rất đời thường của những gốc rễ tưởng như mỏng mảnh nhưng vô cùng dai dẳng bền chắc của tôn giáo, văn hóa, gia phong… giữ gìn và nuôi nấng sự nhân bản, hướng thượng của nhiều thế hệ người Việt Nam qua bão táp thời cuộc.
Nhưng, có một thực tế nghiệt ngã ở Việt Nam là hầu như bất cứ điểm du lịch nào được đông người biết đến cũng chính là lúc nó tàn. Đó là do sự tham lam, yếu kém của những người quản lý, sự duy ý chí một cách nửa vời của các chính sách liên quan, mà chủ trương "Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng" của Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua cũng là một ví dụ.
Kênh Xuyên Tâm đi qua các dãy nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP
Ví dụ sản phẩm địa đạo Phú Thọ Hòa của quận Tân Phú. Trên báo chí tiếng Việt thời gian qua có khá nhiều bài báo ca ngợi sự mới mẻ và độc đáo của nó. Nhưng thực tế thì sao ? Một doanh nghiệp du lịch thẳng thắn nói địa đạo Phú Thọ Hòa sẽ chẳng thể nào khai thác du lịch tốt, vì nó không có gì khác biệt cả. Nó giống y như một đoạn ngắn của địa đạo Củ Chi. Mà địa đạo Củ Chi thì như thế nào ? Ai từng đến cũng đều biết hành trình trải nghiệm nó chỉ là chui xuống đất, khom lưng đi trong hầm một đoạn ngắn, ngắm các không gian trong hầm từng được dùng để hội họp, chữa bệnh, sinh sống..., ăn mấy miếng khoai mì hấp nước cốt dừa chấm muối vừng đặc sản (khá ngon), nghe thuyết minh về sự dũng cảm đánh Mỹ, chui lên. Và… hết !
Nếu không được sử dụng để làm nơi kết nạp Đảng viên mới, là điểm đến bắt buộc trong các tour du lịch nội địa hoặc được ngành giáo dục đưa vào chương trình dã ngoại chính thức một cách đầy tinh thần cách mạng… thì địa đạo Củ Chi chắc cũng chẳng mấy người lai vãng. Bởi vì có thể lịch sử hào hùng, cuộc sống trong địa đạo nhiều điều thú vị, nhưng cơ quan khai thác du lịch lại không biết chọn lọc và tái hiện những chi tiết thu hút sự ham muốn khám phá của khách du lịch.
Mà bản chính còn không hút nổi khách nội địa thì bản sao dùng cách gì để móc tiền khỏi túi họ ?
Hãy học tập cách đất nước Hàn Quốc khéo léo kể những giai thoại về những địa danh của họ, cách họ chăm chút nó với những kiến trúc hiện đại phục vụ đời sống như chiếc cầu, con đường cũng biến thành điểm thu hút sự nhìn ngắm, hay cách họ gắn nó với nghệ thuật điện ảnh khiến khán giả phim ảnh của họ trên khắp Châu Á tự nguyện biến thành khách du lịch, chỉ để tận mắt ngắm nơi từng quay các bộ phim Hàn nổi tiếng.
Tôi nhớ khi còn bé từng đọc một quyển tiểu thuyết Liên Xô (tên gì đã quên) kể về cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng vệ quốc Nga và quân phát xít Đức. Du kích và một số người dân trong làng quyết định mang theo lương thực dự trữ và vũ khí, chui xuống hệ thống đường hầm khai thác ở mỏ đá cũ trong vùng, lấy đó làm căn cứ. Họ phải chiến đấu với bụi đá gây ngạt thở khi đào thêm hầm làm nơi sinh hoạt, với khói độc do quân phát xít ném lựu đạn khói xuống đường hầm, với khói lửa khi chúng chất củi đốt định thiêu chết họ, với nước lụt, với sự thiếu thốn thuốc thang và lương thực cũng như nỗi lo xé lòng về những người thân còn sống trên mặt đất… Tác phẩm dựa trên sự kiện có thực, và những chi tiết có thực của nó sống động tài tình đến mức người đọc muốn chiêm ngưỡng từng tấc đất của mỏ đá ấy, muốn tận mắt nhìn ngắm vách đá ám khói hay cửa hầm bí mật mở ra phía rừng, nơi những chiến sĩ từng có những đêm yên bình chui ra khỏi hầm nằm ngắm trăng sao…
Rất tiếc, văn học nghệ thuật của nước nhà có rất nhiều sản phẩm chỉ dừng lại ở mức minh họa chứ không khắc họa nổi những gì là độc đáo, khác biệt của lịch sử, văn hóa, đời sống… người dân để hấp dẫn du khách. Cạnh đó, các tour và ban quản lý các điểm du lịch hầu hết đều lười suy nghĩ, chỉ làm những gì quen thuộc và an toàn, cũng như chẳng thèm làm gì để sản phẩm du lịch của mình được khai thác tối đa. Chính vì vậy du khách thấy nhàm chán, tẻ nhạt, không đáng quay lại lần thứ hai.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 230 ngàn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Nhiều chuyên gia du lịch nói cần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi mức tăng đó là so với năm dịch, khi khách quốc tế đến Việt Nam là bằng 0. Nhưng số khách quay trở lại chỉ khoảng 10% (so với trung bình 70% khách quốc tế sẽ quay lại Thái Lan). Số tiền du khách tiêu xài ở Việt Nam cũng rất ít. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch cho biết : cùng lưu trú khoảng hơn chín ngày, nhưng trung bình một khách đến Thái tiêu 2.500 USD, tại Việt Nam chỉ 1.200 USD.
Tôi sẽ kể hầu quý vị trong những bài viết tiếp theo về một số điểm du lịch "nổi tiếng" ở Việt Nam để thấy rõ hơn vì sao du lịch Việt Nam hô khẩu hiệu "Điểm đến của thiên niên kỷ" nhưng sự thực lại là "Cả thiên niên kỷ mới đến một lần".
Trong khi chờ đợi, xin hiến kế cho Thành phố Hồ Chí Minh một số sản phẩm du lịch khác, đảm bảo độc như thuốc chuột, không đâu có.
Xe máy đi trong nước ngập sau mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/10/2014. AFP
Đầu tiên, cả trung tâm thành phố biến thành hồ bơi mỗi khi mưa lớn. Du khách đi chơi nắng nóng mồ hôi đang tuôn dầm dề thì ối dồi ôi chả mất đồng nào vẫn được bơi thỏa thích. Bơi ngang qua các cột điện còn được trải nghiệm cảm giác giữa lằn ranh sinh tử mạo hiểm còn hơn lên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn.
Thứ hai là thử thách bản lĩnh nam nhi bằng combo kẹt xe + mưa lớn + triều cường. Nước cống thúi dưới chân dâng lên, nước mưa và sấm sét trên đầu dội xuống, cả gia đình cha + mẹ + con trong chiếc áo mưa ngồi trên chiếc xe máy nhích từng cm về nhà. Đường về nhà lúc ấy quả thực là vào tim ta như lời hát của Đen Vâu, nó lạnh giá, tái tê và đầy thống khổ.
Thứ ba, game cưa bom lấy thuốc đạn. Mỗi bên một phía, có thau nước bên cạnh để nhỏ lên vết cưa cho đỡ nóng. Trò này hồi hộp, ú tim hơn trò Russian roulette nhiều lần vì khối thuốc bom kềnh càng đủ sức thổi thân thể tung như bươm bướm trên đường về với tổ tiên.
Thứ tư là trò thách thức sang sông bằng những chiếc cầu ‘xây xong (2/3) đã lâu" như cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, cầu Long Đại trên sông Tắc, cầu Tăng Long cũng ở quận 9 cũ.
Khai thác các sản phẩm có sẵn này, chúng ta vừa không tốn xu nào tiền đầu tư, vừa giữ vững tính độc đáo riêng biệt của ngành công nghiệp không khói Việt Nam. Du khách đổ đến có mà ngập lụt, tiền đếm mỏi tay !
Nguyễn An Dân
Nguồn : RFA, 12/08/2022
Tham khảo :
https://thanhnien.vn/trong-long-dat-tp-hcm-co-mot-dia-dao-hinh-toa-xe-lua-dai-10km-post756160.html
https://nld.com.vn/kinh-te/du-lich-tp-hcm-tim-huong-but-pha-moi-quan-huyen-mot-san-pham-dac-trung-20220713210227536.htm
https://vietnamnet.vn/5-trieu-khach-quoc-te-thay-vi-dem-khach-nghi-cach-thu-tien-2026136.html
https://www.phunuonline.com.vn/nhung-cay-cau-xay-mai-khong-xong-a1416173.html
Thanh Phương, RFI, 23/10/2021
Theo thông báo của chính phủ tối 22/10/2021, Việt Nam dự trù mở cửa trở lại đảo Phú Quốc kể từ cuối tháng 11 để đón các du khách ngoại quốc đã được chích ngừa Covid-19.
Đảo Phú Quốc đầy tiềm năng nhờ có nhiều bãi biển rất đẹp (DR) © DR
Đảo Phú Quốc, nằm ở vùng Vịnh Thái Lan, chỉ cách Cam Bốt khoảng 10 km, trong năm 2019 đã đón khoảng 670.000 du khách và đã thu được 18 tỷ đôla nhờ du lịch quốc tế. Chính phủ Việt Nam vẫn có tham vọng phát triển Phú Quốc thành một đảo du lịch theo kiểu Phuket của Thái Lan và Bali của Indonesia.
Theo "kế hoạch thí điểm" đón khách quốc tế, từ ngày 20/11, Phú Quốc sẽ đón một số chuyến bay thuê bao (charter) để thử nghiệm việc tiếp đón và phục vụ những du khách đã có hộ chiếu vac-xin. Sau đó, trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 cho đến cuối tháng 3/2022, đảo này dự trù sẽ đón tổng cộng 5.000 du khách ngoại quốc mỗi tháng. Tiếp đến, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6/2022, Phú Quốc dự trù sẽ đón từ 5000 đến 10.000 du khách/tháng.
Những du khách đó phải là đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ "có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh" ở Châu Âu, Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Úc... Hành khách đến Phú Quốc phải trình chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin, "được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận" ; hoặc chứng nhận đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19 ; hoặc giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Ban đầu Việt Nam dự trù mở lại đảo Phú Quốc để đón du khách quốc tế ngay từ tháng 10/2021, nhưng cuối cùng đã bỏ kế hoạch này do tỷ lệ chích ngừa Covid-19 của người dân địa phương còn quá thấp.
Chính phủ Hà Nội đã đóng cửa các biên giới đối với khách ngoại quốc ngay từ đầu năm ngoái và từ đó đến nay hầu như không có chuyến bay thương mại nào đến Việt Nam.
Theo báo chí nhà nước, chính quyền Việt Nam cũng muốn mở cửa trở lại để đón khách ngoại quốc đến những địa điểm du lịch nổi tiếng khác như Vịnh Hạ Long, hay thành phố cổ Hội An, nhưng hiện chưa đưa ra kế hoạch cụ thể nào.
Sau nhiều tháng phải đóng cửa do đại dịch, Việt Nam đang rất cần khởi động lại ngành du lịch, nhất là vì Thái Lan vừa thông báo là kể từ ngày 1/11, những du khách đã được chích ngừa đến từ hơn 40 quốc gia sẽ được vào Thái Lan mà không phải bị cách ly.
Thanh Phương
********************
Trọng Thành, RFI, 22/10/2021
Kể từ ngày 01/11/2021, chính quyền Bangkok sẽ cho phép khách nước ngoài đã tiêm chủng, từ hơn 40 quốc gia, nhập cảnh Thái Lan mà không bắt buộc phải cách ly.
Tại sân bay quốc tế Don Mueang, Bangkok, Thái Lan, ngày 20/10/2021. Reuters – Athit Perawongmetha
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha thông báo tin trên vào hôm qua, 21/10/2021. Hồi tuần trước, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ cho nhập cảnh các du khách từ "10 quốc gia được coi là có nguy cơ thấp". Hãng tin Pháp AFP dẫn lời thủ tướng Thái Lan cho biết mục tiêu của việc mở rộng danh sách các nước và các vùng lãnh thổ, từ 10 lên hơn 40, là nhằm "kích thích ngành du lịch và các lĩnh vực kinh tế liên quan". Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh là cần tăng tốc mở cửa, bởi "nếu chờ đợi đến khi nào mọi thứ hoàn toàn ổn thì sẽ là quá trễ". Trước đây, thủ tướng Prayut Chan-O-Cha dự kiến phải đạt đến tỷ lệ 70% người dân Thái được tiêm chủng thì Thái Lan mới mở lại biên giới. Hiện tại, chỉ có gần 40% người dân Thái Lan được tiêm chủng đủ liều.
Ngoài Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc, các du khách đã tiêm chủng từ các nước Châu Âu, như Pháp, Đức, sẽ được phép viếng thăm Thái Lan, với điều kiện có kết quả xét nghiệm PCR âm tính kèm theo. Cam Bốt, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông cũng nằm trong danh sách các nước được coi là có "nguy cơ thấp".
Theo quy định này, một khi đến Thái Lan, du khách sẽ phải làm thêm một xét nghiệm Covid-19 nữa, và phải cách ly một đêm duy nhất tại một khách sạn, được chính phủ chấp thuận, trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm, trước khi tiếp tục chuyến du hành. Thủ tướng Thái Lan thừa nhận là "có nguy cơ số người nhiễm virus sẽ gia tăng, nhưng đây là một nguy cơ mà chúng tôi chấp nhận". Hàng ngày, vẫn có trung bình 10.000 ca nhiễm mới. Cho đến nay, theo số liệu chính thức, đã có hơn 8.500 người Thái Lan chết vì Covid-19.
Du lịch là nguồn thu quan trọng của Thái Lan. Do ảnh hưởng của đại dịch, năm ngoái, Thái Lan thiệt hại khoảng 50 tỉ đô la vì mất khách du lịch. Số du khách nước ngoài đã sụt giảm 83%, xuống còn 6,7 triệu, so với 40 triệu khách trước đại dịch.
Trọng Thành
Minh Anh, RFI, 11/09/2021
Những du khách nào đã tiêm đủ liều có thể sẽ được đến Thái Lan từ tháng 10/2021. Chính quyền Bangkok ngày 11/09/2021 thông báo như trên.
Quỹ Bangkok Community Help đẩy mạnh chương trình xét nghiệm Covid với hy vọng sớm sinh hoạt lại bình thường. AFP – Lillian Suwanrumpha
Theo AFP, Bangkok đang tìm cách cứu vãn ngành du lịch bị tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Thông báo của Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) vạch rõ một lộ trình mở cửa dần cho ngành du lịch. Theo đó, kể từ tháng 10 những du khách nước ngoài nào đã tiêm đủ hai liều sẽ được đến Bangkok và bốn tỉnh khác mà không phải chịu cách ly hai tuần tại một khách sạn.
Năm vùng khác – trong đó có tỉnh Chiang Mai, Chon Buri, Phetchaburi và Prachuap Khiri Khan, cũng sẽ phải đi theo mô hình thử nghiệm đã được tiến hành tại đảo Phuket từ tháng 7/2021. Những du khách có liên quan phải ở lại trong vùng trong 7 ngày ngay khi đến đảo và phải làm xét nghiệm.
Đến cuối tháng Mười, 21 điểm đến khác sẽ được đưa thêm vào danh sách, trong đó có Chiang Rai, Sukhothai và Rayong, những bãi biển rất được ưa chuộng. Ba đảo khác của Thái Lan là Samui, Tao và Phangan cũng sẽ mở cửa lại với những hạn chế ít nghiêm ngặt hơn.
Dù vậy, chính phủ Thái Lan tỏ ra cẩn trọng, lưu ý thêm rằng kế hoạch này vẫn có thể bị thay đổi. Thái Lan đang hứng chịu trận dịch thứ thứ ba, đợt dịch gây chết người nhiều nhất, và hiện vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Trong bối cảnh này, chính quyền Bangkok mở chiến dịch tầm soát diện rộng tại những khu phố nghèo ở thủ đô, tăng cường ngăn chặn làn sóng dịch đang làm tê liệt đất nước và gây bất ổn chính trị.
Từ thủ đô Thái Lan, thông tín viên Carol Isoux gởi về bài phóng sự :
"Những hàng ghế nhựa dài được đặt cách nhau đều đặn. Hàng ngàn người, đàn ông, phụ nữ và trẻ em của khu phố Klong Thoey, một trong những khu ổ chuột lớn nhất của Bangkok, tuần này đã đến làm xét nghiệm tại một trong những kho xung quanh. Trước tình trạng khan hiếm các bộ thử do chính phủ cung cấp nghiêm trọng, chính một quỹ tư nhân đã khởi xướng chương trình này.
Ý tưởng ở đây là nhờ vào những xét nghiệm âm tính, có thể giải phóng số dân bị phong tỏa bên trong khu ổ chuột. Giám đốc quỹ Bangkok Help Community vận động người dân làm xét nghiệm.
Ông nói : "Chúng tôi đề nghị xét nghiệm miễn phí, một điều bất khả cho đến giờ. Ai cũng có thể đến và hơn nữa chúng tôi còn phát một túi gạo một kg cho tất cả những ai đến xét nghiệm. Nếu phát hiện có một ca dương tính, chúng tôi bảo đảm là có một chỗ trong bệnh viện, bởi vì tại những khu phố nghèo, thật khó mà tự cách ly, nên tận dụng điều đó thôi !".
Với chưa tới 100 ca dương tính được phát hiện trên hàng trăm ngàn cư dân của khu phố, người dân Bangkok hy vọng sớm được giảm bớt phong tỏa, trước hết là lệnh giới nghiêm và mở cửa lại trường học".
Minh Anh
******************
Việt Nam đề xuất mở rộng đón khách du lịch quốc tế
RFA, 09/09/2021
Việt Nam có thể mở rộng, triển khai chính sách phục hồi du lịch quốc tế tại các thành phố như Hạ Long, Hội An, Nha Trang và Đà Lạt.
Du khách nội địa đến thăm Vịnh Hạ Long sau khi chính phủ Việt Nam nới lỏng lệnh phong tỏa sau đợt bùng phát dịch Covid-19 hôm 19/5/2020. Reuters
Truyền thông nhà nước đưa tin hôm 9 tháng 9, cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch hôm 7 tháng 9 đưa ra kế hoạch về việc kích cầu, phục hồi du lịch, đón khách trong lẫn ngoài nước như vừa nêu. Kế hoạch này được loan tin một ngày sau tin Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có ý kiến về đề xuất thí điểm đón khách du lịch đến đảo Phú Quốc.
Đề nghị thí điểm Phú Quốc được đón nhận du khách trở lại được đưa ra từ ngày 20 tháng 7, và Thủ tướng Phạm Minh Chính cho là giải pháp trọng tâm trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thì ưu tiên cao nhất vẫn là sớm kiểm soát dịch Covid-19.
Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề cập đến yếu tố đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến. Bộ nhấn mạnh Việt Nam cần tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, phát triển các gói sản phẩm kích cầu, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh phục hồi hoạt động du lịch.
Cũng tin liên quan, tỉnh Lâm Đồng nới lỏng hoạt động du lịch nội tỉnh, cho phép các điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch mở cửa trở lại, nhưng giới hạn lưu trú không quá hai người/phòng và công suất không quá 50%. Một số hoạt động khác như thể thao, dịch vụ hớt tóc, làm đẹp cũng được nới lỏng, các chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tạm được tháo dỡ.
Việt Nam được dự báo đứng thứ 2 khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về tăng trưởng du lịch nước ngoài
Theo báo cáo về Tương lai du lịch nước ngoài tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2016 đến 2021 của Mastercard, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép về số lượng người đi du lịch nước ngoài ở mức 9,5%, đứng thứ 2 khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Myanmar (10,6%). Theo dự báo, Việt Nam sẽ có khoảng 7,5 triệu người đi du lịch nước ngoài vào năm 2021, so với 4,8 triệu người trong năm 2016.
Báo cáo cũng cho thấy, số người đi du lịch nước ngoài từ các quốc gia mới nổi của Châu Á-Thái Bình Dương (Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka) hiện nhiều hơn 1,5 lần so với các quốc gia phát triển trong khu vực. Ngoài ra, con số này cũng sẽ gia tăng hơn gấp hai lần trong vòng 5 năm tới (7,6% so với 3,3%).
Nhìn chung, các quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm 6% từ năm 2016 đến năm 2021.
Eric Schneider, Phó Chủ tịch cấp cao, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Ủy Ban Cố Vấn Mastercard, nhận xét, "tầng lớp trung lưu mới nổi đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng về du lịch nước ngoài tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cùng với sự xuất hiện của thế hệ trẻ Châu Á yêu thích du lịch khám phá, những người du lịch lâu năm muốn trải nghiệm mới, song song đó là sự phát triển hạ tầng và công nghệ mới. Khách du lịch khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch trên toàn cầu trong những năm sắp tới, đem lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hưởng lợi thông qua sự phát triển các sản phẩm và giải pháp nhằm cải thiện những trải nghiệm du lịch cho du khách".
Myanmar sẽ là quốc gia có số người đi du lịch nước ngoài tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng trường hàng năm 10,6% trong 5 năm tới, theo sau là Việt Nam (9,5%), Indonesia (8,6%), Trung Quốc (8,5%), và Ấn Độ (8,2%). Trong số các quốc gia phát triển của Châu Á-Thái Bình Dương, quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về du lịch nước ngoài là Hàn Quốc (3,8%), theo sau là Singapore (3,5%), Úc (3,5%) và New Zealand (3,4%).
PV
Phương châm của nhóm thiện nguyện 'Hạnh phúc là sẽ chia' : Cùng chung tay góp sức mang yêu thương đến mọi nhà trên tinh thần thiện nguyện tương thân tương ái "Lá lành đùm lá rách". Courtesy 'Hạnh phúc là sẽ chia'
Họ là những bạn trẻ thích du lịch, thích cùng nhau đi du ngoạn bằng xe đạp hay xe gắn máy, họ thường được gọi là "dân phượt".
Các bạn trẻ này thích đến những vùng miền xa xôi của đất nước, vừa thăm thú ngắm cảnh vừa chụp hình vừa tìm tòi khám phá những việc công ích có thể kết hợp với nhau cùng thực hiện cho những cộng đồng dân cư nghèo khó tại những vùng sâu vùng xa trong nước.
"Chỉ luôn mong là nhóm ‘Hạnh Phúc Sẻ Chia’ bọn em có thể mang hết sức lực nhỏ bé của mình để đóng góp việc xã hội chung, cũng như có thể định hướng được cho các nhóm những bạn sinh viên trẻ, thay vì đơn giản đi chơi đi chụp ảnh thì các bạn có thể vừa làm được những việc có ích hơn cho xã hội, các bạn sẽ thấy cuộc sống này nó đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều".
Đó là lời bạn Đặng Ngọc Sơn của nhóm ‘Hạnh Phúc Sẻ Chia’, trường hợp điển hình thứ nhất của câu chuyện Thanh Trúc mang đến cho quí vị hôm nay.
Thành lập từ năm 2012, lúc đầu Hạnh Phúc Sẻ Chia chỉ là một nhóm nhỏ :
"Bọn em bắt đầu liên kết với từng nhóm bác sĩ của Bệnh Viện Bạch Mai, Bệnh Viện Quân Y 108, Bệnh Viện Saint Paul... Từ cuối 2012 đến tận bây giờ chủ yếu bọn em lên vùng núi phía Bắc, những tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, làm chương trình từ thiện gồm khám, chữa bệnh và phát thuốc cho người dân, đồng thời phát quả rồi hỗ trợ về mặt áo ấm, thực phẩm, chăn nệm các thứ cho trẻ em ở trường học.
Năm vừa rồi bọn em có thêm một mục nữa là trang bị cho Khối Mầm Non những là xích đu, ghế quay, đồ chơi, sân chơi cho trẻ con ở trên ấy. Bọn em cũng không đến những điểm trường cấp huyện cấp xã mà chủ yếu là đi vào những điểm trường sâu hơn. Nơi đó họ thiếu và họ cần hơn là những trường ngoài".
Tháng Bảy 2016, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia kết hợp thêm cùng hai nhóm khác để xây một ngôi trường nhỏ cho vùng sâu vùng xa của Hà Giang, trường Tiểu Học Mầm Non Sơn Vĩ thuộc xã Sơn Vĩ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang :
"Dự án của Hà Giang thì bọn em đi khảo sát từ tháng Ba 2016, đi sâu vào trong Sơn Vĩ là một điểm trường rất khó khăn. Nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia kết hợp cùng 2 nhóm là nhóm Lá Lành Đùm Lá Rách và nhóm Bàn Tay Nhỏ . Bàn Tay Nhỏ là một nhóm mới của các bạn học sinh sinh viên có chung đam mê phượt, cuối cùng họ đi và tập hợp với nhau thành một nhóm".
Để có phương tiện xây một trường mới cho vùng nghèo Sơn Vĩ, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia khởi sự đi vận động, kêu gọi sự đóng góp tài chính từ các tổ chức kinh doanh trong cộng đồng :
"Nhóm của em vận động được các doanh nghiệp chẳng hạn công ty in thuộc Bưu Điện Việt Nam, Trường Trung Học Phổ Thông Quốc Tế Olympia, đội ngũ các bác sĩ Bệnh Viện Quân Y 108, Bệnh Viện Quân Y 103, Bệnh Viện Bạch Mai. Đó là 5 đơn vị chính hỗ trợ cho bọn em gần như toàn bộ kinh phí xây dựng trường. Khi bọn em đưa ra ý tưởng như thế thì họ rất nhiệt tình ủng hộ".
Các bạn trẻ của nhóm Lá Lành Đùm Lá Rách và Bàn Tay Nhỏ chịu trách nhiệm cung cấp nhân lực. Các bạn đã xây trường bằng chính công sức của mình :
"Bọn em bắt đầu triển khai dự án đấy từ tháng Bảy, khi mà các bạn sinh viên được nghỉ hè. Trong vòng hai tháng, bọn em luân phiên nhau, lên đấy tự trát, xây, lợp mái. Trước đây nó chỉ là một ngôi nhà vách nứa , mái lợp bro xi măng, thậm chí những lúc rét phải căng cả ni lông để che. Bọn em xây lại bằng cách san mặt bằng, đổ sàn xi măng, xây tường gạch và lợp mái tôn.
Trong quá trình bọn em làm thì cũng nhờ sự giúp đỡ của đội ngũ công nhân xây dựng thủy điện. Người ta giúp mình vận chuyển những vật liệu như gạch, xi măng... còn lại 100% là chính các bạn sinh viên tự trộn vữa, tự trát, tự xây tường, tự lợp mái. Tất cả đều là công sức của các bạn sinh viên, kết hợp cùng người dân bản ở đấy,làm nên một ngôi trường cho chính con em của họ".
Tháng Chín năm 2016, trường Tiểu Học Mầm Non Sơn Vĩ thuộc xã Sơn Vĩ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hoàn tất, khánh thành vào đúng ngày 5 tháng Chín 2016 để kịp cho năm học mới :
"Đấy là điểm trường gồm hai cấp, Cấp Mầm Non và Cấp Một. Mầm Non có được 17 em, Cấp Một có được 32 em. Các em Mầm Non là nội trú, một tuần về nhà một lần. Các cháu đi học đều được miển phí hết, những cháu vào nội trú thì được thêm một phần hỗ trợ tiền của nhà nước mà cũng không đáng kể lắm".
Xây trường, trang bị lớp học, sân chơi bên cạnh những phương tiện cần thiết khác cho học sinh sắc tộc miền núi là điều quan trọng hàng đầu.
Nói một cách khác, cảnh sống khó nghèo và thiếu thốn mọi bề tại những thôn làng khuất lấp nhưng đẹp tuyệt vời trên vùng cao Tây Bắc, điển hình như vùng Sơn Vĩ, đã tác động mạnh đến tâm tư của những bạn trẻ mê phượt này :
"Vùng Sơn Vĩ chủ yếu là dân tộc H’mong thuộc vùng sâu và vùng xa nhất của tỉnh Hà Giang. Đi vào đấy rất khó, ví dụ gặp trời mưa là không thể vào được, xe máy, ô tô không thể vào được.
Độ 3 năm đổ lại đây, khi nhà nước bắt đầu xây thủy điện trong đấy thì bắt đầu con đường nó mới khá khẩm hơn nhưng do xe tải vật liệu xây dựng vận chuyển liên tục thành ra con đường rất xấu. Trời mưa thì gần như cái việc bị sạt hoặc bị cô lập là việc rất dễ và thường xuyên xảy ra.
Người dân tộc ở đấy một năm chỉ có thể trồng một vụ mùa thôi, đa phần người ta trồng ngô, đậu Hòa Lan và khoai. Nuôi thêm con gà con lợn thì mang ra chợ đổi nhu yếu phẩm hay thực phẩm chứ người ta không kinh doanh buôn bán gì được đâu".
Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương Lịch 2017 vừa qua, Đặng Ngọc Sơn cho biết anh và các bạn đã quay lại Sơn Vĩ với những vật dụng cho mùa Đông lạnh cắt da trên vùng cao :
"Bọn em quyên góp áo ấm, sách, vở, gạo, thực phẩm, bọn em hỗ trợ thêm chăn rồi. Tết Tây vừa rồi được nghĩ 3 hôm thì bọn em đã quay lại đấy, mang đồ chơi, truyện, vở, bút áo ấm, chăn, giày cho các em học sinh tại chính ngôi trường Sơn Vĩ đấy".
Từ giờ cho đến Tết ta, nhóm của Đặng Ngọc Sơn lại có một dự án liên kết với các nhóm khác ở Hà Nội và sẽ luộc bánh chưng kèm thêm một số thực phẩm cần thiết rồi mang lên cho bà con tại một số xã xa xôi ở tỉnh Cao Bằng.
Đạp Xe Xuyên Việt- Hành Trình Kết Nối Yêu Thương, là tên của một câu lạc bộ do các bạm trẻ trong nước khởi xướng từ Hà Nội mà quí vị có thể truy cập trên mạng.
Ngoài những chương trình đã được phát động như Racing Up 1.000 ngày vì sức khỏe, những tuyến vượt đèo vượt nuối bằng xe đạp, những khoảnh khắc sinh hoạt không thể quên qua ba miền đất nước, Đạp Xe Xuyên Việt-Hành Trình Kết Nối Yêu Thương còn mang lại cho người tham gia những trải nghiệm và những kết thân đáng nhớ để có thể biến ý nghĩ san sẻ giúp đỡ thành hiện thực.
Cho tới lúc này, con số thành viên của câu lạc bộ đã lên khá đông, được chia làm ba nhóm hay ba cụm gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, mỗi chuyến đi dọc ba miền đất nước có thể qui tụ sáu bảy chục người từ ba miền Trung, Nam Bắc.
Từ Sài Gòn, bạn trẻ Kiều Phương, trong năm 2016 hoàn tất chuyến xuyên Việt bằng xe đạp từ Sài Gòn ra Hà Nội, từ Hà Nội trở vô Cà Mau rồi về lại Sài Gòn :
"Có bạn thích đi du lịch, thích phượt ở tất cả mọi miền của tổ quốc, có bạn thích thử sức coi mình có thể chịu đu6ng, có thể đối mặt với những khó khăn như thế nào, cái khả năng cái giới hạn của bản thân mình tới đâu. Có những người muốn kết nối bạn bè tức là muốn dung hòa bản thân mình trong môi trường tập thể".
Trong tất cả những điều vừa nói, Kiều Phương cho biết tiếp, mọi người đã gặp nhau ở một điểm chung là :
"Thích đi du lịch và thích làm những công việc từ thiện, ví dụ như ở Hà Nam, Ninh Bình và vùng Kỳ Nam, Hà Tĩnh. Tụi em phát quà, trao tặng tập vở trắng cho trẻ em nghèo, trao tặng xe đạp cho trẻ nghèo mà học giỏi và hiếu học.
Ở Ninh Bình thì tụi em đi vận động người dân xin những bộ sách giáo khoa cũ, tập hợp lại và trao tặng cho những đứa trẻ ở Ninh Bình. Ba chỗ tụi em đều làm như nhau, tổ chức những hoạt động ca hát vui chơi ở Nhà Văn Hóa và Ủy Ban của tỉnh đó.
Những hoạt động như vậy giúp tụi em thấy bản thân tụi em sung sướng hơn những đứa trẻ nghèo rất nhiều. Những món quà nhỏ đó giúp ích rất lớn trong việc học tập của bé. Thực ra làm từ thiện thì tụi em làm hết cả đoàn luôn, gần 60 người, đa số là những bạn sinh viên các trường đại học từ năm nhất tới năm ba, đa số là như vậy".
Về hoạt động của Đạp Xe Xuyên Việt-Hành Trình Kết Nối Yêu Thương, từ Hà Nội cô giáo Giang Thị Nhiên, một người yêu thích những công việc có tính cách giáo dục và xã hội, nhận xét :
"Ở Việt Nam có nhiều tổ chức tình nguyện, thiện nguyện có ích và rất giỏi. Các bạn ấy làm một việc nhỏ thì không hẳn là nhỏ nhưng rất hay. Các bạn đẹp xe xuyên Việt, đạp xe từ tình này tỉnh kia thì trong lúc đi tôi nghĩ các bạn đã có sự tìm hiểu rồi.
Mặc dù các bạn tình nguyện viên đó chỉ làm trong những dịp hè hoặc những dịp nào rất ngắn nhưng cũng đánh thức được nhiều trái tim và đánh thức được nhiều những con người chưa nhìn thấy được những khó khăn những vất vả của người khác. Các bạn thức tỉnh được những người chưa có khái niệm mình vì mọi người mà chỉ loanh quanh trong cuộc sống bản thân mình.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA tiếng Việt, Tạp chía Đời Sống Người Việt Khắp Nơi, 08/01/2017
Bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng, một trong hai thành phố thu hút nhiều du khách nhất.wikipedia
Theo South China Morning Post (SCMP), năm qua là một năm kỷ lục về số du khách từ Hoa lục đến Việt Nam. Tuy nhiên, vấn nạn hướng dẫn viên "chui" người Hoa đang gây căng thẳng : không chỉ làm các công ty du lịch địa phương mất mối, họ lại còn trắng trợn xuyên tạc lịch sử và chủ quyền Biển Đông.
Ở đầu bài viết, tờ báo Hồng Kông mô tả, đó là một ngày du ngoạn dài tại thành phố duyên hải Đà Nẵng. Nhóm du khách xung quanh chùa Linh Ứng và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát khổng lồ đã mệt mỏi, hướng dẫn viên của họ bèn tuôn ra một phiên bản khác về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Trời đã về chiều và nóng, phải trở về những căn phòng máy lạnh trong khách sạn, thể nên nhóm người Hoa có thể bỏ qua những sai sót về địa chính trị mà hướng dẫn viên không giấy phép nói. Anh ta bảo rằng Việt Nam không còn là một bộ phận của Trung Quốc, đã đòi độc lập, nhưng vẫn còn lệ thuộc vào Bắc Kinh và tiếp tục triều cống. Hoặc bãi biển Mỹ Khê, bãi biển cát trắng xinh đẹp mà trước đây lính Mỹ gọi là China Beach, thực sự thuộc về Trung Quốc.
Những tuyên bố trơ trẽn như thế có thể không gây ngạc nhiên. Cùng với sự bùng nổ khách du lịch Trung Quốc tại Việt Nam, nhiều người đã hành nghề hướng dẫn một cách bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu. Những hướng dẫn viên "chui" này cho rằng họ sẽ làm hài lòng một công chúng vốn luôn nghĩ rằng Trung Quốc là trung tâm thế giới, hoặc đơn giản là họ rập khuôn theo tuyên truyền của Bắc Kinh về Đông Nam Á, đặc biệt về Biển Đông – mà Đà Nẵng nằm sát cạnh.
Nhưng vấn đề là sự kiện như thế lại diễn ra ngay trên đất Việt Nam, gây ra nhiều tranh cãi. Đây chỉ là một trong những ví dụ về tình trạng căng thẳng đang tăng lên cùng với làn sóng khách du lịch Trung Quốc, mà theo tờ SCMP, đã giúp làm đầy két tiền của thành phố, nhưng lại khiến cho ngành du lịch trong nước phải vất vả để cạnh tranh.
Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2016 Việt Nam đã đón lượng khách Trung Quốc kỷ lục là 2,7 triệu người, tăng 55% so với năm trước. Du khách từ Hoa lục chiếm đến 30% tổng số khách ngoại quốc đến Việt Nam. Đa số khách Trung Quốc thích đến Đà Nẵng hay Nha Trang, hai thành phố miền Trung nổi tiếng với những bãi biển, các di tích lịch sử và hải sản. Hiện tượng này làm ngành du lịch nội địa nhức đầu, và đặc biệt là các hướng dẫn viên người Việt.
Một số hướng dẫn viên người Hoa hoạt động tại Việt Nam nói với các nhóm khách rằng Việt Nam ghét Trung Quốc, không nên tin bất cứ những gì người hướng dẫn tại chỗ nói. Các hướng dẫn viên chui này còn bị cáo buộc sử dụng thổ ngữ để những người hướng dẫn Việt nói tiếng quan thoại hay Quảng Đông không thể hiểu được.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, giám đốc bán hàng của In-Our Tour Company có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh nói : "Gần đây, một số hướng dẫn viên chui người Hoa cung cấp những thông tin sai lạc về tranh chấp biển đảo tại Biển Đông. Họ xuyên tạc sự thật, gây phiền nhiễu cho người dân và chính quyền Việt Nam".
Không chỉ những lời hướng dẫn viên chui nói, mà còn cả những việc họ làm đã khiến các công ty du lịch địa phương giận dữ. Ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, cho biết : "Theo luật pháp, người nước ngoài không được phép hành nghề hướng dẫn du lịch trên đất nước chúng tôi".
Ông tâm sự : "Ban đầu, các hướng dẫn viên người Việt vui mừng trước sự gia tăng du khách Trung Quốc trong năm 2016, vì nghĩ rằng sẽ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn và mức sống sẽ tăng lên". Nhưng ngược lại, họ bị mất mối vì "Các công ty du lịch Trung Quốc chỉ định trưởng đoàn người Hoa làm hướng dẫn, một cách bất hợp pháp". Còn ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Đà Nẵng nói rằng ngoài khía cạnh luật pháp, hướng dẫn viên địa phương còn cảm thấy bị coi thường.
Căng thẳng lên đến tột bực hồi tháng Bảy, khi chính quyền Đà Nẵng và Nha Trang phải ra tay trước nạn hướng dẫn chui. Đà Nẵng trục xuất bốn hướng dẫn viên người Hoa vì làm việc bất hợp pháp, phạt 4.200 đô la, công ty thuê mướn họ bị rút giấy phép và phạt 560 đô la. Cùng trong tháng đó, tỉnh Khánh Hòa trục xuất 66 người Hoa hoạt động bất hợp pháp trong ngành du lịch.
Theo SCMP, xung đột trong hướng dẫn du lịch có thể được coi là một phần của bối cảnh rộng lớn hơn trong quan hệ hai nước. Mặc dù liên hệ chặt chẽ về kinh tế, Trung Quốc và người dân nước này thường không được người dân Việt bình thường có cảm tình. Các tranh chấp ngoại giao, đặc biệt tại Biển Đông, đã khiến nỗi oán giận càng trầm trọng hơn.
Người Việt vốn tự hào về lịch sử và đất nước mình, nên các nỗ lực xuyên tạc của hướng dẫn viên người nước ngoài không thể coi là chuyện nhỏ. Bên cạnh đó, thái độ của một số khách du lịch Trung Quốc lại càng không giúp ích được gì.
Thụy My