Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2022

Từ 'Thế giới phẳng' tới chuyện Văn phòng đăng ký đất đai ở Việt Nam

Ngô Ngọc Trai

Với một đất nước gần 100 triệu dân và kinh tế xã hội đang trên đà phát triển như Việt Nam, có vô số vấn đề đã và đang phát sinh trong đời sống xã hội cần có giải pháp, chính sách để tháo gỡ, giải quyết. Trong đó, nhiều giải pháp chính sách có thể có được gợi ý từ việc đọc sách.

phang1

Một buổi giới thiệu dự án phát triển khu dân cư (Ảnh minh họa)

Thế giới phẳng

Trong cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2005, tác giả Thomas Friedman, biên tập viên của tạp chí New York Times, có kể một câu chuyện như sau :

Khi các nước phương Tây bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, họ có nhu cầu số hóa để lưu trữ những kho tư liệu sách vở và các tài liệu bản giấy, chuyển hóa chúng thành bản dữ liệu số, để thuận lợi cho việc lưu trữ bảo quản và tra cứu chia sẻ tài liệu.

Các đơn vị ở các nước Âu Mỹ đã nhờ các công ty cung cấp dịch vụ của các nước thứ ba như Ấn Độ, Malaysia để chụp, scan hoặc đánh máy lại các tác phẩm trong những kho sách báo của các trường đại học, các viện nghiên cứu, gồm cả những tác phẩm lâu đời trong lịch sử.

Bằng cách đó, các đơn vị ở các nước Âu Mỹ đã số hóa các kho tài liệu đồ sộ của họ, khi chuyển thành dữ liệu lưu trữ thì rất dễ cho việc tra cứu, chia sẻ, nhất là khi có mạng internet khiến nhu cầu chia sẻ dữ liệu rất cao.

Đó là câu chuyện của những năm 1990s, các nước Âu Mỹ sử dụng dịch vụ của các nước đi sau vì những việc làm đó kém hấp dẫn hoặc chi phí cao nếu sử dụng lao động tại các nước Âu Mỹ, có thể xem đó cũng như là một sự phân công lao động trong lĩnh vực phát triển ngành công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số hóa.

Thực trạng Việt Nam

Dẫn ra câu chuyện này để quay trở lại với một vấn đề hiện nay tại Việt Nam như sau.

Mới đây tôi có bài viết ‘Nhà nước cần chấn chỉnh hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai’, phản ánh sự chậm trễ của một văn phòng đăng ký đất đai trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân khi có yêu cầu.

phang2

Văn phòng đăng ký đất đai trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân khi có yêu cầu thường rất chậm trễ.

Theo quy định thì việc cung cấp được thực hiện ngay trong ngày, nếu yêu cầu đưa đến sau 15 giờ chiều thì kết quả nhận vào ngày hôm sau theo quy định của Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT.

Kết quả mà tôi nhận được chậm hơn rất nhiều so với thời hạn trên, quá trình trao đổi chuyên viên của Văn phòng đăng ký đất đai cho biết những dữ liệu được yêu cầu họ phải đi xin lại từ Phòng tài nguyên môi trường.

Mặc dù Bộ Tài nguyên và môi trường đã có các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai cũng như hướng dẫn về hoạt động cung cấp thông tin của Văn phòng đăng ký đất đai, và hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan.

Nhưng thực tế việc cung cấp thông tin cho người dân vẫn rất hạn chế, kém xa so với mong muốn đặt ra của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về hoạt động này.

Việc cung cấp thông tin cũng kém xa so với kỳ vọng của các chủ trương định hướng của nhà nước muốn chú trọng cho việc này để thúc đẩy thị trường đất đai trở lên minh bạch lành mạnh đóng góp nhiều hơn cho phát triển nền kinh tế.

Tầm nhìn, giải pháp

Để làm tốt được việc cung cấp thông tin đất đai, tôi cho rằng điều đầu tiên các cơ quan cần quan tâm là tiến hành số hóa các kho văn bản tài liệu về đất đai hiện đang lưu trữ tại các phòng tài nguyên môi trường địa phương.

phang3

Ảnh minh họa người dân xếp hàng chờ đợi

Cần tập trung nhân lực và đầu tư tài chính để chụp, scan hoặc đánh máy lại các tập tài liệu hồ sơ các thửa đất, từ đó phân thành các tệp thư mục giúp dễ dàng cho tra cứu cũng như cung cấp thông tin cho người dân có nhu cầu.

Ví như người dân cần cung cấp hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một thửa đất, nếu để tìm trong kho bản giấy rồi sao chụp cung cấp cho người dân thì khó có thể đảm bảo kết quả có ngay trong ngày.

Nhưng nếu toàn bộ đã được số hóa thì chỉ cần vào mục lớn là Huyện A, sau đó vào mục nhỏ là Xã B, rồi theo địa chỉ thửa đất người dân cung cấp sẽ tra cứu ra file hồ sơ ông C ở xóm D, chỉ việc in ra cho người dân.

Khi có kho dữ liệu số hóa như vậy, những loại tài liệu nào phổ thông thì có thể tải lên để người dân ở mọi nơi có thể tra cứu, những loại tài liệu nào quan trọng hơn thì người dân có thể tra cứu tại các Văn phòng đăng ký đất đai.

Đó là những gì tôi hình dung được về những việc nên làm đối với hoạt động cung cấp thông tin đất đai cho người dân, nội dung mà từ nhiều năm qua đã được chú trọng nhắc đến nhưng không biết việc đầu tiên là số hóa các kho hồ sơ đã được các đơn vị ban ngành thực hiện hay chưa.

Tìm hiểu thì được biết, tháng 9/2020 Báo Tuổi trẻ có bài Phải sớm số hóa dữ liệu đất đai, dẫn lời ông Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết :

Cả nước chỉ mới có 3 địa phương là Đồng Nai, Vĩnh Long và Bến Tre đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và công khai trên hệ thống cổng thông tin của Sở Tài nguyên và môi trường địa phương hoặc trên cổng thông tin của UBND cấp huyện, còn các nơi khác thì vẫn đang tiến hành.

Mới đây nhất, ngày 17/08/2022 thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên môi trường.

Thông tin cho biết Sở Tài nguyên và môi trường đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tại :

- Cổng thông tin dữ liệu Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh để người dân có thể vào tra cứu

- Giới thiệu chung về hệ thống trục tích hợp Web ngành Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là một địa chỉ chuyên ngành dành cho các đơn vị trực thuộc Sở tài nguyên môi trường thành phố Hồ Chí Minh và các sở ban ngành, quận huyện nếu có yêu cầu khai thác sử dụng.

Thông tin được công bố cho biết trang web cung cấp khoảng 450 tệp dữ liệu tài nguyên môi trường.

Đó là những kết quả còn rất hạn chế, bởi Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về xây dựng khai thác và cung cấp thông tin đất đai.

Vậy nhưng 7 năm sau, đến năm 2020 việc số hóa dữ liệu đất đai mới tiến hành được như trên thì có thể hình dung là hiệu quả mong đợi của hoạt động cung cấp thông tin đất đai cho người dân đã được tiến hành như thế nào trong thời gian qua và thị trường đất đai đã phát triển hiệu quả được như mong muốn.

Để tạo lập được một thị trường đất đai lành mạnh và minh bạch, đóng góp cho việc xây dựng hoàn thiện nền kinh tế thị trường mà trong đó thị trường đất đai chiếm tỷ trọng giá trị vốn hóa lớn, thì những cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai cần phải là dòng chảy thông suốt không bị ách tắc bởi những hạn chế trong quản lý hành chính.

Ngô Ngọc Trai (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 18/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 249 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)