Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2022

Xử phạt hành vi ghi hình, ghi âm tại các phiên tòa hình sự

Hoài Nguyễn - RFA tiếng Việt

Ghi hình, ghi âm tại phiên tòa hình sự là cản trở hoạt động tố tụng ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 18/08/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

ghihinh1

Hành vi nào là hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ? - Ảnh minh họa Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : B.NN

Điều 23 của dự thảo về Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp quy định : Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa ; ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ sẽ bị xử phạt từ 7-15 triệu đồng.

Các phóng viên chuyên trách mảng pháp đình nêu hai thắc mắc : nếu dự thảo này được thông qua, thì trong quá trình triển khai có cơ chế nào hỗ trợ nhà báo khi tác nghiệp hay không ? Ví dụ trong phần thủ tục trước khi xét xử hội đồng xét xử sẽ có phần thông báo về việc có cho phép ghi âm, ghi hình ; hay là hỏi các đương sự ai cho phép ghi âm, ghi hình… Bởi nếu một phiên tòa có nhiều nhà báo tham dự, mỗi một nhà báo đi hỏi từng người thì chắc chắn sẽ xảy ra sự hỗn loạn, mất trật tự.

Đồng thời, khi đi xin phép thì lấy gì làm bằng chứng là Chủ tọa hay đương sự đồng ý, bởi ở thời điểm họ chưa đồng ý thì không được ghi âm, ghi hình… Theo quy định tại Luật báo chí 2016, nhà báo được quyền đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Và thực tế tác nghiệp hiện nay, đối với các phóng viên mới vào nghề, chưa được cấp thẻ nhà báo thì được nhiều tòa án đồng ý cho phép tác nghiệp khi có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí chủ quản.

Một số luật sư là thân hữu trang Việt Nam Thời Báo trong hội luận về vấn đề trên, có hai luồng ý kiến trái chiều trong việc bảo vệ thân chủ trước chuyện "cần" và "không nên" ghi âm, chụp hình phiên tòa.

Thứ nhất, dường như dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là nhằm tới các vụ án có hơi hướm về chính trị nhiều hơn, vì thường các bị can – bị cáo trong vụ án này, lâu nay vẫn phải chịu sự giới hạn đến mức gần như "tối đa" trong chuyện nhà báo được phép ghi hình, ghi âm về những gì mà họ tự bảo vệ mình tại phiên xét xử.

Giờ nếu dự thảo được thông qua thì không chỉ nhà báo, mà ngay cả luật sư ghi hình, ghi âm thân chủ mình "tự bào chữa", nhưng không được sự đồng ý của một trong số ai đó đang nhân danh rất chung chung là "người tham gia tố tụng", vậy thì vị luật sư đó cũng sẽ bị phạt hệt như phóng viên pháp đình (?!).

Thứ hai, đúng là trong Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về việc cấm nhà báo ghi âm ghi hình, nhưng dự thảo pháp lệnh lại cấm thì điều đó không đồng nghĩa chuyện không phủ hợp với lý do luật cao hơn pháp lệnh.

Trước hết, các văn bản dưới luật được phép quy định chi tiết, cụ thể hơn luật, miễn sao không trái với luật và hiến pháp. Việc Bộ luật tố tụng hình sự không quy định, nhưng văn bản dưới luật của cơ quan có thẩm quyền quy định rõ hơn là hoàn toàn hợp pháp.

Giả sử trong trường hợp như Bộ luật tố tụng hình sự cho phép là nhà báo được phép ghi hình, ghi âm mà pháp lệnh lại cấm không cho phép ghi hình, ghi âm thì mới là vi phạm pháp luật. Ở đây, Bộ luật tố tụng hình sự không quy định là cấm hay cho phép, nên cơ quan có thẩm quyền được phép giải thích theo thẩm quyền mà pháp luật giao cho.

Lập luận trên được căn cứ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là ở Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền ban hành pháp lệnh áp dụng được trên toàn quốc, để giải thích Hiến pháp, luật…

Dù có hai cách nhìn nhận như vậy nhưng nhóm luật sư thân hữu kể trên đều chung một lập luận, đó là, hành vi cản trở hoạt động tố tụng không chỉ gây trở ngại, khó khăn, kéo dài việc giải quyết công việc của tòa án, mà còn có thể là công việc của Viện kiểm sát.

Tuy nhiên, Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cho các chức danh của Viện kiểm sát có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trên cơ sở này, dự thảo Pháp lệnh cũng không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Viện kiểm sát.

Khi phát hiện hành vi vi phạm thì người có thẩm quyền lập biên bản thuộc Viện kiểm sát phải chuyển biên bản cho người có thẩm quyền xử phạt để ra quyết định xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi vi phạm. Tuy nhiên, dự thảo Pháp lệnh lại quy định không chính xác về việc chuyển biên bản vi phạm hành chính.

Theo khoản 2 Điều 22 của dự thảo Pháp lệnh, đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản hành vi phạm, người có thẩm quyền lập biên bản thuộc Viện kiểm sát nhân dân phải gửi cho Tòa án nhân dân cùng cấp. Trên cơ sở biên bản do Viện kiểm sát chuyển qua thì Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp xem xét ra quyết định xử phạt.

Quy định như trên là không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính bởi Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp có thể không phải là người có thẩm quyền xử phạt.

Kết buổi hội luận "bỏ túi" kể trên, luật sư T.T., cho rằng việc sử dụng cụm từ "cản trở" trong tên gọi của dự thảo pháp lệnh làm cho nội hàm không có tính bao quát và gần như cụ thể hóa hành vi vi phạm. Trên thực tế, có rất nhiều vi phạm có tính chất xâm phạm các hoạt động tố tụng, mặc dù người vi phạm có lỗi, nhưng họ không có mục đích cản trở hoạt động tố tụng nhưng vẫn bị xử lý vì hành vi cản trở hoạt động tố tụng, việc này dễ tạo ra sự tùy tiện khi xem xét, xử lý các hành vi vi phạm.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 18/08/2022

***********************

Tranh cãi về quy định xử phạt hành vi quay phim, phát trực tuyến trong tòa án

RFA, 17/08/2022

Cổng thông tin điện tử Cơ quan Thanh tra của Chính phủ đưa tin cho biết Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội mang ra bàn hôm 15/8.

ghihinh2

Các phóng viên quay phim, chụp hình khi xe công an đưa các bị cáo vào Tòa án Nhân dân Hà Nội trong phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh hôm 8/01/2018. AFP

Theo đó, hành vi được cho là "cản trở hoạt động tố tụng" được liệt kê là nhà báo hay người nào tham dự phiên tòa mà ghi âm, ghi hình hoặc livesatream hội đồng xét xử hay người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa có thể bị phạt tới 30 triệu đồng.

Ngoài ra sẽ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh, nộp lại số lợi bất hợp pháp…

Việc quay phim, hay phát livestream tại tòa hiện còn gây ra nhiều tranh luận không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều đất nước trên thế giới. Có ý kiến cho rằng phát trực tiếp phiên tòa có thể làm minh bạch hơn ngành tư pháp. Nhưng bên cạnh đó cũng có lo ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư hay phán quyết của tòa án. Mỗi bên đều đưa ra nhiều lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Quy định trái Hiến pháp

Một luật sư, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu danh tính, nói với RFA rằng ông nghiêng về quan điểm cho phép việc ghi âm, hình hình hay thậm chí là phát trực tiếp phiên tòa xét xử, để công chúng dễ dàng tiếp cận :

"Quan điểm của tôi là mặc dù còn những điều đáng tranh cãi, nhưng một khi Hiến pháp đã quy định là xét xử công khai, thì không thể nào có một cách nào diễn giải nào khác để nói rằng là phải "công khai kiểu này" hay là "công khai theo kiểu kia". Theo tôi, không có cách hiểu nào khác được về từ "công khai" cả.

Tôi đứng về góc nhìn rằng "công khai" ở đây có nghĩa là ai cũng có thể đến phiên toà, các kênh thông tin, hoặc là kênh truyền hình đều có thể công khai phiên tòa và bản án. Còn những ai cố tình bóp méo thông tin, bản chất sự việc thì mới bị sai phạm, xử lý.

Những phần nào liên quan đến đời tư cá nhân thì có thể yêu cầu được giữ bí mật, nhưng những phần tranh cãi về bản chất hay nội dung vụ án thì phải được công khai".

Luật sư này dẫn Hiến pháp năm 2013, Điều 103 quy định về các nguyên tắc cơ bản của tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân nhân có quy định là Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong các trường hợp đặc biệt như cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư thì có thể xét xử kín.

Phát trực tiếp xâm phạm đến quyền con người

Luật gia, thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế Nguyệt Hà trao đổi với RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng bà không ủng hộ việc quay phim, chụp ảnh hay tệ hơn là phát trực tiếp phiên tòa đang xét xử, với lý do là điều đó đi ngược lại với quyền con người :

"Hiện nay đang có hai luồng quan điểm về vấn đề này. Việc cấm livestream ở tòa thực ra là để bảo vệ quyền con người.

Tòa xét xử công khai ở đây là công khai để vào tham dự xét xử, còn livestream và các hoạt động khác có thể vẫn bị hạn chế.

Theo tôi, livestream hay ghi âm, ghi hình ảnh hưởng đến một số quyền con người, vì thông tin và quyền riêng tư của các bên không còn được bảo mật.

Ví dụ, mức ảnh hưởng của việc có 100 người đến tòa nghe xử, có bài báo mô tả lại phiên xử khác hẳn với livestream hoặc có video đăng trên YouTube.

Điều đó có thể sẽ hủy hoại cả đời một người mãi mãi".

ghihinh3

Hành vi được cho là "cản trở hoạt động tố tụng" được liệt kê là nhà báo hay người nào tham dự phiên tòa mà ghi âm, ghi hình hoặc livesatream hội đồng xét xử hay người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa

Bà Hà dẫn một bài bài viết có tên "The pros and cons of streaming trials online" (tạm dịch là "Ưu và nhược điểm của việc phát trực tiếp phiên tòa") được đăng trên mạng báo The Week, ngày 30/07/2022.

Bài viết trình bày thêm một số mặt hại có thể gặp phải khi cho phép phát trực tuyến buổi xét xử, bao gồm mối lo ngại rằng việc sử dụng phổ biến phương tiện truyền thông mạng xã hội trong tòa có thể khiến bồi thẩm đoàn hay chủ toạ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dư luận khi đưa ra quyết định.

Rủi ro đối với sự an toàn của nạn nhân, nhân chứng và những người tham dự tòa cũng là một lập luận dẫn đến việc không ủng hộ ghi hình trong toà.

Ngược lại, bài viết cũng nêu ra nhiều nguyên do khác khiến nhiều người ủng hộ việc quay hình trong tòa án.

Thứ nhất là việc này củng cố tính minh bạch trong quá trình xét xử vụ án. Từ đó sẽ làm gia tăng lòng tin của công chúng đối với hệ thống tư pháp.

Thứ hai, khi phát trực tuyến sẽ thu hút được nhiều người theo dõi phiên xét xử hơn, do đó giúp người dân hiểu rõ hơn về tòa án và quy trình xét xử các vụ án.

Và, bài viết này dẫn lại một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000 về tác động của việc sử dụng camera trong Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Kết quả cho thấy những người tham gia phiên tòa, bao gồm nhân chứng, luật sư và thẩm phán đều "không bị ảnh hưởng bởi camera đang ghi hình tại tòa" và hầu hết đều cảm thấy "camera có tác dụng tích cực hoặc không ảnh hưởng đến quá trình xét xử".

Cần có luật rõ ràng

Từ Đức, nhà báo độc lập Lê Mạnh Hùng, người từng tham dự nhiều phiên xét xử công khai ở Châu Âu, nói với RFA rằng đây là một đề tài rất nhạy cảm và vẫn đang được tranh cãi nhiều trong ngành Tư pháp ở nhiều nước.

Từ kinh nghiệm của chính bản thân, ông Hùng cho biết hiện nay, các phiên tòa ở Đức chỉ được phép phát trực tiếp một phần của phiên toà. Thậm chí có những vụ án mà người tham dự còn không được mang cả giấy bút vào toà. Phiên tòa xét xử vụ án tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ :

"Ở Đức, theo như tôi biết, khoảng độ bốn năm trở lại đây thì ở các phiên tòa cấp cao, chỉ có một số thôi, thì được phép truyền hình, phát thanh tường thuật buổi tuyên án, chứ còn quá trình xử thì tôi vẫn chưa thấy.

Cá nhân tôi khi đi tham dự thì tôi nhận thấy là ở từng phiên tòa một có quy định chặt chẽ, thông báo trước.

Ví dụ như lần tôi tham dự phiên tòa xử vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh thì tôi thấy đó là một phiên tòa rất nghiêm ngặt. Chúng tôi là phóng viên không được phép mang kể cả là giấy bút vào của cá nhân mình vào, mà người ta sẽ phát giấy bút của họ để mình dùng. Và chúng tôi tuyệt đối không được phép dùng điện thoại di động, không được quay phim, chụp ảnh.

Cho nên không phải vô cớ mà ở rất nhiều phiên tòa, người ta thấy có người ngồi vẽ hình các phạm nhân và quan toà, chứ không được phép chụp hình".

Theo quan điểm của nhà báo Mạnh Hùng, để giải quyết vấn đề này cần phải có những người làm luật, những chuyên gia luật tư pháp có kinh nghiệm chấp bút thảo ra luật này một cách rõ ràng để người dân và nhà báo có thể tuân thủ.

Họ sẽ phải chú ý đến tất cả mọi khía cạnh, từ việc bảo vệ quyền riêng tư của tất cả những người có mặt ở toà, cũng như làm sao để bản án không bị truyền thông chi phối, không bị ảnh hưởng bởi công luận… nhưng đồng thời cũng đảm bảo để cho xã hội có thể kiểm soát, giám sát hoạt động của ngành tư pháp.

Nguồn : RFA, 17/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 305 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)