Có ý kiến trên mạng dám nói thẳng : "Chính quyền không xứng đáng cai trị những người dân đã đợi bao nhiêu ngày giờ, chờ chứng kiến lịch sử diễn ra trước mắt mình". Có người mỉa mai : "Đại cường quốc ! Đúng là khôi hài !"
Bà Nancy Pelosi gặp gỡ bà tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan.
Kết luận của bà Tổng biên tập "The Diplomat" Shannon Tiezzi liên quan đến lập trường của Việt Nam càng cho thấy Hà Nội đang khá thận trọng đối với chính sách ngoại giao thực dụng trong quan hệ với Đài Bắc.
Một phân tích về các tuyên bố của Bộ Ngoại giao từ khắp Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy những quốc gia nào đang đi sát đường lối của Trung Quốc, những quốc gia nào nghiêng về Hoa Kỳ và những quốc gia nào trung lập. Bốn nước – Ấn Độ, New Zealand, Singapore và Việt Nam – thể hiện lập trường của mình gần hơn với Hoa Kỳ, trong khi không trực tiếp lên án Trung Quốc.
Một thế giới không đồng nhất
Có vẻ như mọi quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều có thể nhất trí với nhau trên một điểm : Tình hình hiện nay ở eo biển Đài Loan đang gây lo ngại và là mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình và ổn định trong toàn khu vực. Nhưng ngoài quan điểm chung đó ra, các quốc gia đều có sự khác biệt rõ ràng, đặc biệt là về việc ai là bên phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng hiện tại – Hoa Kỳ, do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan, hay Trung Quốc, vì các cuộc tập trận quân sự mang tính khiêu khích và phá vỡ sự ổn định xung quanh hòn đảo này ?
Trung Quốc tuyên bố rằng sự đồng thuận quốc tế đứng về phía họ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nói với các phóng viên hồi đầu tháng (8/8) rằng, hơn 170 quốc gia… đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, thông qua nhiều cách khác nhau. Những quốc gia ủng hộ Trung Quốc "chiếm đa số áp đảo so với Mỹ và một số ít nước đi theo nước này", Vương nói thêm. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc tuyên bố là "ủng hộ" bao gồm một loạt các sắc thái khác nhau. Một số đối tác, đặc biệt là Nga và Triều Tiên, đã cùng với Trung Quốc lên án rõ ràng Hoa Kỳ về chuyến thăm của bà Pelosi và đổ lỗi cho Washington vì đã khuấy động căng thẳng hiện tại, nhưng họ nằm trong số rất ít.Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan điểm gần với Trung Quốc nhưng không chỉ trích Hoa Kỳ một cách rõ ràng, và nhiều nước giữ thái độ trung lập, chỉ bày tỏ "quan ngại" mà không đổ lỗi cho ai.
Ở đầu bên kia, một số nước – bao gồm cả những nước được Trung Quốc liệt kê là những quốc gia ủng hộ mình – đã sử dụng những lời lẽ phù hợp hơn với quan điểm của Hoa Kỳ và Đài Loan, nhấn mạnh nguy cơ leo thang đối với các tuyên bố của Trung Quốc rằng, chủ quyền của nước này đã bị vi phạm. Trong khi đó, các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ là Úc và Nhật Bản, đã lên án rõ ràng các hành động của Trung Quốc là gây bất ổn và leo thang xung đột. Để làm rõ những sắc thái khác nhau này, bà Tổng biên tập "The Diplomat" Shannon Tiezzi đã xem xét các tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao và các bình luận được lưu trữ trên các phương tiện truyền thông từ 33 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á, Úc và New Zealand.
Sau đó, bà Tiezzi đánh giá tuyên bố của các nước trên thang điểm từ 1 đến 5, trong đó loại 1 là lối hùng biện phù hợp nhất và 5 là những lời lẽ ít gần gũi nhất với Trung Quốc (hoặc, diễn đạt theo cách khác, phù hợp với quan điểm của Hoa Kỳ và Đài Loan). Các kết quả được ánh xạ dưới đây : các quốc gia gần hơn với quan điểm của Trung Quốc có màu đỏ, những quốc gia gần Hoa Kỳ có màu xanh lam, còn các quốc gia trung lập có màu vàng. Quan điểm của các nước Châu Á – Thái Bình Dương về cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trên thang điểm từ 1 đến 5, với loại 1 là gần nhất với quan điểm của Trung Quốc (màu xám là không nêu quan điểm). Ba quốc gia thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Trung Quốc nhất : Myanmar, Triều Tiên và Nga.Cả ba đều đổ lỗi rõ ràng cho Hoa Kỳ, vì đã kích động những căng thẳng hiện nay và cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm "nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền của các quốc gia".
Ngày 17/8, Đại diện hàng đầu của Đài Loan tại Washington, bà Tiêu Mỹ Cầm, phát biểu với Reuters : "Cách đáp trả hung hăng của Trung Quốc đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan khiến Quốc hội các nước khác càng muốn thực hiện các chuyến thăm tương tự". Bà Tiêu trên thực tế là Đại sứ của Đài Loan tại Mỹ. "Kể từ đó, chúng tôi thấy Quốc hội các nước khác cũng tỏ ra quan tâm đến việc thăm Đài Loan", bà nói và nêu tên Đức, Canada, Anh quốc và Nhật trong số các nước có thể gửi phái đoàn sang thăm Đài Loan. "Nạn nhân bị hiếp đáp cần có bạn bè", bà Tiêu nói."Thái độ của họ đang khiến tình hình của chúng tôi càng được thêm nhiều sự chú ý và thông cảm", bà Tiêu nói về các hành động quân sự của Trung Quốc. Một phái đoàn Quốc hội Canada sẽ sang thăm Đài Loan vào tháng 10 này.
Việt Nam : "Lòng riêng mừng sợ khôn cầm…"
Trong thang điểm trên, Shannon Tiezzi đã đưa ra nhận xét : "Có 4 nước – Ấn Độ, New Zealand, Singapore và Việt Nam – thể hiện lập trường của mình gần hơn với Hoa Kỳ, trong khi không trực tiếp lên án Trung Quốc". Kết luận này là một ghi nhận đối với nền ngoại giao thực dụng của Hà Nội. Ngày 3/8, trả lời câu hỏi phóng viên về tình hình eo biển Đài Loan hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ : "Việt Nam kiên trì thực hiện ‘chính sách một Trung Quốc’ và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới". Nhấn mạnh lại, "trên cơ sở kiên trì ‘nguyên tắc Một Trung Quốc’, Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan,đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực cũng như trên toàn thế giới" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Việt Nam "quan ngại" đối với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Nhưng chỗ "lòng riêng", Việt Nam theo dõi sát sao quan hệ Mỹ - Đài. Cũng trong cuộc họp báo nói trên, chia sẻ quan điểm của mình khi quan hệ Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác lớn - trở nên căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chỉ rõ, Mỹ và Trung Quốc đều là các cường quốc và đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam mong muốn hai nước duy trì quan hệ lành mạnh, ổn định, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế. Bà Hằng chia sẻ thêm : "Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích của người dân, vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới".
Phát biểu của bà Hằng được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa có lời cảnh báo các nước trong khu vực "không được theo đuôi để trình diễn các màn chính trị của Mỹ về Đài Loan". Ngoại trưởng Vương cảnh báo rằng "có một số nước đang hành xử vì lợi ích chính trị của bản thân và điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền tảng mối quan hệ với Trung Quốc", theo tường thuật của tờ South China Morning Post. Việt Nam cố tránh để không rơi vào "tầm ngắm" của Trung Quốc. Mặc dù hai Đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam và Trung Quốc duy trì quan hệ hữu hảo, nhưng hai nước lại có tranh chấp chủ quyền gay gắt trên Biển Đông và Hà Nội rất cần sự ủng hộ của Washington để đối đầu với những yêu sách phi pháp của Bắc Kinh. Vì vậy, tính thực dụng của Việt Nam thể hiện :không chọc giận Trung Quốc nhưng cũng không phê phán công khai cả Mỹ lẫn Đài Loan về chuyến công du Đài Bắc của Chủ tịch Nancy Pelosi.
Đài Loan là một trong những nền kinh tế đầu tiên "đổ tiền" vào thị trường Việt Nam từ đầu "mở cửa" và hiện vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn, chỉ đứng sau ba "anh đại" khác là Hàn, Nhật và Singapore. Các doanh nghiệp Đài Loan đang vận hành gần 2.500 dự án với tổng giá trị lên đến hơn 30 tỷ Mỹ kim. Tổng giá trị mậu dịch song phương cũng lên đến 16 tỷ Mỹ kim với hàng loạt các ngành nghề từ sản xuất cho đến dịch vụ. Hiển nhiên, so với con số 100 tỷ Mỹ kim giữa Việt Nam và Trung Quốc thì con số này còn khiêm tốn. Song nếu cân nhắc việc Việt Nam vẫn còn tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc, lợi ích từ những đồng đô-la Mỹ do thương nhân Đài đem đến tận nơi tận chỗ là không thể chê bai. Việt Nam còn là một phần quan trọng trong chính sách Hướng Nam của Đài Loan, với kỳ vọng,sự kết nối chặt chẽ về mặt kinh tế sẽ giúp ràng buộc các mối quan hệ bang giao hơn. Tính đến 1995, Việt Nam là quốc gia nhận nhiều viện trợ nhất của Đài Loan.
Việt Nam cũng không thờ ơ với dư luận của dân Trung Quốc phê phán chính quyền Bắc Kinh. Dân mạng truyền nhau bài báo của Li Yuan trên New York Times ngày 4/8/2022, người ký biệt danh @shizhendemaolulu, chế nhạo : "Khi Trung Quốc nói ‘cực lực lên án,’ hay ‘long trọng tuyên bố,’ những chữ này chắc chỉ dùng để nói với đám dân đen thôi !". Dân Việt cũng "sướng cái bụng" khi nghe dân Trung Quốc diễu nhà đương cục : "Cai trị dân thì cứng rắn, đối với nước ngoài thì hèn nhát !". Kết luận : "Hoàn toàn thất vọng !". Bên cạnh nỗi tức giận là tâm trạng hổ thẹn. Có người xưng là đảng viên nói cảm thấy xấu hổ, sẽ xin ra khỏi đảng. Một cựu quân nhân, biệt hiệu @xiongai, viết : "Tức quá ngủ không nổi !" và nói rằng, từ nay ông sẽ không bao giờ kể kinh nghiệm cuộc đời chiến đấu của mình với ai nữa. Những lời tâm sự này xuất hiện trên Weibo rồi bị gỡ.Có ý kiến trên mạng dám nói thẳng : "Chính quyền không xứng đáng cai trị những người dân đã đợi bao nhiêu ngày giờ, chờ chứng kiến lịch sử diễn ra trước mắt mình". Có người mỉa mai : "Đại cường quốc ! Đúng là khôi hài !".
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 21/08/2022