Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/08/2022

Giáo hội quốc doanh không phải là Phật giáo !

Gió Bấc

Trong cơn bão dư luận về cuộc chiến "Nam nhặt tiền và Bắc thích vong", Hèn mọn và u mê là tên bài viết trên fb cá nhân của Nguyễn Thùy Dương được cộng đồng mạng chú ý với hơn 5000 like và 775 bình luận, 781 lượt chia sẻ (1). Bài viết khá sắc sảo chỉ hơn 900 chữ đã vạch ra những ác nghiệp phá rừng, bào núi hủy hoại môi trường giết hại sinh linh làm chùa to phật lớn, gieo rắc tà pháp, mê tín, mượn hình thức cúng dường, khất thực vơ vét tiền của bánh của cái gọi là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

phatgiao1

Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt quốc doanh Ảnh H.Diệu - Ban Thông tin và truyền thông Phật giáo Thành phố Hà Nội

Giáo hội quốc doanh là tổ chức chính trị của đảng !

Mở đầu bài giả đã khái quát xác đáng chủ đề bài viết : "Kể từ khi xã hội văn minh Tây Âu du nhập cho tới nay, chưa khi nào đạo Phật tại Việt Nam lại gặp những tai tiếng lớn như trên dưới 10 năm đổ lại đây. Trong khi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập chỉ vỏn vẹn có 41 năm. Hơn ai hết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thể phủ nhận trách nhiệm của mình câu chuyện này".

Chúng tôi hoàn toàn tán đồng với nhận định này cũng như với phần lớn nội dung bài viết của Nguyễn Thùy Dương, chỉ muốn trao đổi thêm một ý : cái được gọi là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam" hiện nay thực chất không phải là Phật giáo, không đại diện cho Phật giáo Việt Nam. Nói chính xác, đó là Giáo hội quốc doanh, một tổ chức chính trị của đảng tạo ra để lừa mị người dân, làm tha hóa, kích động lòng tham mê muội của đại chúng để trục lợi vật chất tiền bạc đồng thời làm suy đồi tinh thần giác ngộ, từ bi hỷ xả của Phật giáo, biến phật tử thành những con nhang, những kẻ mê tín với cuồng vọng cá nhân, mất tự chủ để dễ bề cai trị.

Có thể tác giả Nguyễn Thùy Dương cũng hiểu đươc điều này nhưng trong chế độ dân chủ ngàn lần hơn của xứ thiên đường với vòng kim cô 331 gắn sẵn trên đều mỗi người dân nên cô không thể nói ra mà phải tự bảo vệ mình bằng tấm áo giáp "Có nhiều ý kiến cho rằng chế độ chính trị, môi trường xã hội làm hư nhà chùa, làm hư Phật giáo, làm hư các tôn giáo. Đây là một nhận định u mê hay nói đúng hơn là dốt nát". Lập luận này có thể gây ra ngộ nhận và làm người đọc hiểu sai sự thật. Nhiều ý kiến bình luận đã phản biện khá gay gắt lập luận này.

Lập giáo hội quốc doanh là để hủy hoại Phật pháp

Thực chất mục đích của chế độ cộng sản lập ra Giáo hội quốc doanh là để làm băng hoại tinh thần Phật giáo và mượn danh nghĩa Phật giáo để nắm lấy quần chúng là phật tử. Hồi ký Hồ sơ Thống nhất Phật giáo của Đỗ Trung Hiếu, cán bộ Ban Tôn giáo, người trực tiếp thiết kế quá trình đàn áp, chia rẻ, lừa lọc để lập ra Giáo hội quốc doanh đã thể hiện rõ điều này. Các cao tăng của Giáo hội Việt Nam Thống nhất không chấp nhận tham gia giáo hội quốc doanh như Hòa thượng Huyền Quang. Quảng Độ và hàng trăm tăng sĩ bị tù đày, Thượng tọa Trí Siêu, Tuệ Sỹ bị kết án tử hình, Thượng tọa Thiện Minh bị tra tấn đến tử vong…(2)

Riêng Hòa thượng Thích Đôn Hậu, từ năm 1978 đã tuyên bố từ nhiệm chức danh Đại biểu Quốc hội và thành viên chủ tịch đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã được bầu năm 1976. Năm 1981, không tham dự đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo quốc doanh nhưng vẫn bị "đề bạt" làm đệ nhất phó pháp chủ kiêm giám luật, ông viết văn bản phản đối, từ chối bất cứ chức danh nào trong giáo hội do nhà nước sắp đặt. Ông khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tồn tại hợp pháp, và ông với tư cách chánh thư ký thường trực Viện Tăng Thống có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ nó. Từ đó cho đến khi viên tịch, ông viết hàng chục văn bản khác phản đối chính quyền đàn áp tôn giáo bắt bớ tăng sĩ nhưng tất cả bị ém nhẹm (3).

Sự ra đời của giáo hội quốc doanh hoàn toàn không chính danh, không thừa kế và thống nhất các tổ chức Phật giáo mà chỉ là sự hủy diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các chi phái Phật giáo ở Miền Nam thay vào đó là một tổ chức chính trị của đảng trá hình Phật giáo.

Công an trá hình !

Nhìn lại thực trạng của Giáo hội quốc doanh có 41 năm phát triển trong điều kiện đất nước hòa bình, thống nhất và so sánh với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước 1975 trong điều kiện chiến tranh và bị "Mỹ Ngụy kìm kẹp đàn áp" ta sẽ thấy có sự khác biệt về bản chất.

Theo hiến chương của phật giáo quốc doanh hiện nay và qua những lùm xùm trong việc cách chức, bổ nhiệm, luân chuyển các chức sắc quốc doanh trụ trì Ba Vàng ở Quảng Ninh là Phó Ban Trị sự Quảng Bình cho thấy bộ máy tổ chức giáo hội quốc doanh là bản sao của guồng máy mua quan bán chức của chính quyền nhà sản. Đặc biệt nó hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Ngay từ thời thành lập, người trực tiếp phê duyệt và lãnh đạo đại hội ra đời giáo hội quốc doanh là Trần Quốc Hoàn, trùm công an thất sủng chuyển sang làm Trưởng ban Dân vận thì đến nay vẫn vậy. Về danh nghĩa chính trị, Ban Trị sự Giáo hội từ trung ương đến địa phương là thành viên Mặt trận Tổ quốc. Theo cơ cấu, các thành viên mặt trận như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, …. đều là cấp ủy đảng, lẽ nào Trưởng Ban Trị Sự Phật giáo là người ngoài đảng ? 

Về chính quyền Ban Trị sự do Ban Tôn Giáo Chính Phủ quản lý nhưng thực chất quyền lực trực tiếp quản lý giáo hội là cơ quan an ninh tôn giáo của công an. Thời Ba X làm Thủ tướng còn công khai kéo dài quyền lực của Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Hưởng bằng cách bổ nhiệm làm trợ lý Thủ tướng phụ trách về tôn giáo.

Sự lệ thuộc nhục nhã của các sư quốc doanh này không hề giấu diếm mà công khai khoe mẽ như là một đặc ân. Điều hết sức buồn cười là trong dịp tết hàng năm những người tu hành thoát tục ấy phải lễ mễ đi điếu đóm chúc tết công an. Tra cứu cụm từ khóa "Giáo hội phật giáo Việt Nam chúc tết Bộ Công an" trên Google sẽ cho thấy 2.890.000 kết quả và tất tần tật từ trung ương đến địa phương, từ Lạng Sơn đến Cà Mau các giáo hội quốc doanh đều cung thỉnh chúc tết công an (3a).

Như vậy, việc cơ cấu là thành viên Mặt trận Tổ quốc chỉ để làm sang cho nó ra vẻ quần chúng. Giáo hội quốc doanh là một bộ phận trực tiếp của ngành công an.

Ngược dòng lịch sử, ngay trong giai đoạn bị gọi là Pháp nạn thời Đệ nhất cộng hòa mà người ta gọi xách mé là chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Các tổ chức Phật giáo ở miền Nam chưa thống nhất nhưng vẫn hoàn toàn độc lập với chính quyền. Chính quyền không xem Phật giáo là một bộ phận của mình quản lý mà tôn trọng ngang bằng. Cụ thể sau vụ Thích Quảng Đức tự thiêu, chính phủ đã thành lập một "Ủy ban Liên bộ" gồm Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, Bộ trưởng Bùi Văn Lươn để thương nghị với "Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo" và cấp tốc mở cuộc họp trong các ngày – và luôn cả ban đêm và ngày chủ nhật – 14, 15, 16 tháng 6 năm 1963 tại Hội trường Diên Hồng – Thủ đô Sài Gòn và ra một Thông báo chung (3b).

Hủy diệt chánh pháp, cổ súy lòng tham, mê tín

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không hề có chùa to hàng trăm hàng ngàn ha như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… nhưng có hệ thống các tu viện phật học, đội ngũ tăng sĩ uyên thâm đạo pháp. Đối với cộng đồng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất góp phần rất lớn trong khai sáng tri thức không chỉ đạo pháp mà còn là những giá trị khoa học, nhân bản, nhân văn.

Về giá trị tâm linh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã kiến giải, cách tân những truyền thống Phật học theo hướng nhân văn, tiến bộ. Ngay từ năm 1964, Thiền sư Nhất Hạnh đã đề ra cách bày tỏ lòng tri ân mẹ trong lễ Vu Lan bằng hình thức cài một hoa hồng cho những ai còn mẹ và hoa hồng trắng cho những người mất mẹ. Trang trọng và văn hóa khác biệt hoàn toàn với kiểu cúng vong, cúng tiền, cúng dường trai tăng của giáo hội quốc doanh. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, Đoàn kịch Kim Cương dựng kịch, ý tưởng này đi vào đời sống sinh hoạt của Phật tử thật tự nhiên thuần khiết.

Ở cấp độ đại học : Viện Đại học Vạn Hạnh thành lập 1964, Viện Đại học Phương Nam thành lập năm 1967 là hai trong sáu Viện đại học tư nhân của Miền Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập và điều hành (4).

Niên khóa 1972-73, Viện Đại học Vạn Hạnh có 4 Phân khoa, đó là các phân khoa Giáo dục, Khoa học Xã hội, Phật Học, Văn học và Khoa học Nhân văn, và một Trung tâm Ngôn ngữ tổng cộng hơn 3.600 sinh viên. Viện Đại học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp hội Đại học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institution of Higher Learning) và Hiệp hội Khoa học Xã hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social Sciences Association).

Viện Đại học Phương Nam niên khóa 1970-1971 cũng có trên 700 sinh viên.

Ở bậc trung tiểu học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn có hệ thống Trường Bồ Đề ở khắp các tỉnh thành, dựa trên căn bản giáo dục trẻ em không chỉ về mặt kiến thức mà cả mặt tâm linh theo triết lý Phật giáo. Tuy có dạy một số giờ giáo lý, chương trình học trong các trường Bồ Đề vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra, giống như trong các cơ sở giáo dục công lập và tư thục khác.

Tính đến năm 1970, trên toàn quốc có 137 trường Bồ Đề, trong đó có 65 trường trung học. Tổng số học sinh là 58.466 (5).

Tất cả các thiết chế và giá trị tri thức, chánh pháp ấy đã bị nhà nước hủy diệt để thay thế bằng các sinh hoạt mê tin trục lợi hiện nay. Giáo hội quốc doanh hiện nay xóa bỏ các định chế khai sáng ấy và thay thế bằng cúng dường, giải oan…

Phật pháp vẫn trường cửu ngoài quốc doanh !

Nếu không nhận thức đúng thực chất giáo hội quốc doanh là công an trá hình sẽ dẫn đến hệ quả nhầm lẫn khác là việc buôn thần bán thánh, lập công ty cúng dường Đạo Phật Ngày Nay hay thu tiền giải oan, cúng vong hoặc việc tàn phá môi trường kinh doanh du lịch tâm linh, chạy chức chạy quyền… là cá biệt của một bộ phận không nhỏ các nhà sư thoái hóa.

Người ngây thơ thiện ý sẽ hy vọng hão huyền nếu góp ý, thỉnh nguyện giáo hội cấp trên sẽ thấy sẽ chấn chỉnh. Người bi quan sẽ than rằng đây là thời mạt pháp, Phật giáo đang suy tàn, tăng lữ suy đồi, phật tử tối tăm tham vọng.

Không cần đến trí tuệ chánh giác của Phật pháp, chỉ bằng cái nhìn trong trẻo của dân gian "cái áo không làm nên thầy tu" thì dễ thấy ngay những công an mặc áo nhà sư giành độc quyền thờ Phật, độc quyền cạo đầu, xem y bát là Pháp phục chính là sa tăng đang đội lốt.

Phật giáo Việt Nam không suy tàn, không mạt pháp vì Phật giáo không liên quan gì đến các chùa to, tượng lớn, các chức phận phẩm trật của chính quyền nhà sản ban phong. Phật giáo Việt Nam vẫn đang hiển hiện trong những dòng chảy giáo lý, trong hệ thống kinh sách phong phú của Thiền sư Nhất Hạnh, Minh Châu, Tâm Châu… và cả những cao tăng trên thế giới, trong thân tâm của những người hướng thiện, trao dồi sự tỉnh thức, giác ngộ.

Vẫn còn đó những thiền sư, những cao tăng ẩn tàng bên ngoài thậm chí do nghịch duyên phải chấp nhận theo giáo hội quốc doanh như sen trong bùn.

Vạn sự đều có căn duyên nhân quả. Người thiện căn không thể mãi lầm mê. Nếu nhận rỏ giáo hội quốc doanh không phải là phật giáo thì đã là bước đầu của chân giác ngộ.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 28/08/2022

1. https://www.facebook.com/thuyduong2890/posts/pfbid0iv2CGTXkEWYYxN45Nx43iyUqqcMaU71sfCWbMv69ynvn8NTXp5gg2gvJpcn3tP3Gl

2. https://aonau.wordpress.com/ho-sothong-nhat-phat-giao/

3. https://dongtam2020.org/phap-nan-ma-chuong-trong-che-do-cong-san-chu-son/

3a. https://www.google.com/search?q=Gi%C3%A1o+h%E1%BB%99i+ph%E1%BA%ADt+gi%C3...

3b. https://thuviengdpt.info/ho-so-phap-nan-thong-cao-chung-ngay-16-6-1963/

4. https://www.phattuvietnam.net/phat-giao-va-buc-tranh-dai-hoc-tu-ton-giao...

5. https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_th%E1%BB%91ng_c%C3%A1c_tr%C6%B0...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc
Read 476 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)