Khi viết "Người ngựa, ngựa người", Nguyễn Công Hoan chỉ bóng gió về thân phận của những đồng bào chẳng khác gì trâu, ngựa, dẫu không ngừng vật lộn với đói nghèo nhưng vẫn bế tắc trong xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa giai đoạn tiền bán thế kỷ 20.
Khi viết "Người ngựa, ngựa người", Nguyễn Công Hoan chỉ bóng gió về thân phận của những đồng bào chẳng khác gì trâu, ngựa, dẫu không ngừng vật lộn với đói nghèo
Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và "Người ngựa, ngựa người" - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1).
Vừa gượng dậy sau bạo bệnh nhưng anh vẫn phải ra đường, thuê xe để kéo nhằm kiếm vài hào mua gạo cho cả nhà trong ba ngày Tết. Tới lui rất lâu trước giờ giao thừa anh mới có khách – một phụ nữ ăn mặc sang trong nhưng keo kiệt. Người phu kéo xe chấp nhận khoản thù lao rẻ mạt bởi niềm tin sắp có tiền đong gạo. Làm ngựa suốt ba tiếng, còn cho khách mượn tiền mua thuốc lá, diêm, hạt dưa, người phu kéo xe mới biết khách bán hoa và đang tìm mối, tìm không ra, cô ta gạt anh, trốn mất trước thềm năm mới...
"Người ngựa, ngựa người" được hệ thống giáo dục ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xếp vào "dòng văn học hiện thực phê phán". Nhiều tác phẩm trong "dòng văn học" này được chọn và đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông, được xuất bản, kể cả dựng thành kịch (2), thành phim để tố cáo sự thối nát của chế độ thực dân – phong kiến, chứng minh trước Cách mạng tháng 8, tất cả các giới, đặc biệt là công nhân, nông dân, người nghèo phải gánh chịu đủ loại bất công, thua thiệt đủ đường...
***
Cuối tuần vừa rồi, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm thuộc Bộ Công an Việt Nam loan báo "đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer tên N.T.T.L. để điều tra việc cô này có những phát ngôn xúc phạm một lãnh đạo cấp cao".
Không chỉ có thế, một viên chức là lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cũng cho biết đã yêu cầu Thanh tra Thông tin và truyền thông "xem xét, xử lý nữ streamer có phát ngôn thiếu chuẩn mực, xúc phạm lãnh đạo cấp cao đang lan truyền trên mạng xã hội" (3).
Cả hệ thống công quyền "vào cuộc", sôi sùng sục chỉ vì khi đối thoại với người hâm mộ trên Facebook Gaming, streamer vừa kể, lấy "mấy bác chủ tịch nước ở nhà" làm ví dụ cho nhận định bị hói là vì xem nhiều phim khiêu dâm...
Quan sát cung cách ứng xử của hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức đối với streamer N.T.T.L, tiểu nhân nhớ đến "Người ngựa, ngựa người" bởi trước đó mươi ngày, các hệ thống này ngậm tăm và tiếp tục bất động khi đại diện y giới đề nghị trang bị khiên, áo giáp cho nhân viên y tế (4). Nhân viên y tế - đội ngũ đang kéo cỗ xe chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật cho cả trăm triệu người Việt – đang thi nhau bỏ việc, bỏ nghề vừa vì không đủ sống, vừa vì bị ngược đãi, bị rẻ rúng.
So với thân phận của anh phu kéo xe trong "Người ngựa, ngựa người", thân phận của nhân viên y tế - đội ngũ đang kéo cỗ xe y tế - đâu có hơn gì. Thế nào là "công bằng, dân chủ văn minh" khi xã hội có các hệ thống bảo vệ, thực thi luật pháp nhưng nhân viên y tế phải xin được trang bị khiên, áo giáp và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem đó là chuyện bình thường, việc bảo vệ danh dự, sức khỏe, tính mạng chỉ hướng vào tầng lớp "ăn trên, ngồi chốc" ?
***
Cũng vào cuối tuần vừa rồi, hệ thống truyền thông chính thức kể rằng, phụ huynh của những đứa trẻ muốn vào Tiểu học Kỳ Trinh, tọa lạc ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thì phải đóng tiền để mua "bàn ghế, bảng đen, rèm cửa…" (5).
Cứ như tường thuật của hệ thống truyền thông chính thức thì chuyện học sinh lớp một, lớp hai phải đóng tiền mua "bàn ghế, bảng đen, rèm cửa..." để Tiểu học Kỳ Trinh "có đủ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học" đã diễn ra vài năm. Theo giải thích của Ban Giám hiệu Tiểu học Kỳ Trinh thì muốn con cháu biết đọc, biết viết, phụ huynh phải có trách nhiệm đóng góp để trường mua sắm "bàn ghế, bảng đen, rèm cửa…". Công quỹ không chi khoản này nên UBND phường đồng ý cho Ban Giám hiệu làm như thế !
Càng ngày càng rõ, ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi phải đóng đủ loại thuế, phí cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ thiết yếu đến xa xỉ với mức thu càng ngày càng cao để kéo cỗ xe do Đảng cộng sản Việt Nam điều khiển để đến chủ nghĩa xã hội, công dân không được nhận lại gì, kể cả những phúc lợi vốn dĩ phải là đương nhiên như phúc lợi về giáo dục. Dư luận đã sôi sùng sục trong nhiều năm vì giáo dục lạm thu, xem đó là tệ nạn nhưng xét cho đến cùng, nếu được chu cấp đầy đủ, ngành giáo dục làm gì còn lý do để lạm thu, ai dám lạm thu ?
***
Khi viết "Người ngựa, ngựa người", Nguyễn Công Hoan chỉ bóng gió về thân phận của những đồng bào chẳng khác gì trâu, ngựa, dẫu không ngừng vật lộn với đói nghèo nhưng vẫn bế tắc trong xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa giai đoạn tiền bán thế kỷ 20.
"Người ngựa, ngựa người" ra đời sắp tròn một thế kỷ. Sau hàng chục thập niên "xương chất thành núi, máu chảy thành sông" để đánh đuổi thực dân, loại bỏ tàn dư phong kiến, huynh đệ tương tàn vì tham vọng biến Việt Nam thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa, sắp tròn năm thập niên tính từ ngày Đảng cộng sản Việt Nam "thu giang sơn về một mối", thành tựu lớn nhất của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là nông dân bỏ ruộng vườn tìm đường ra ngoại quốc làm thuê đông hơn, chưa biết đến bao giờ mức sống của công nhân mới chạm ngưỡng tối thiểu...
Chẳng riêng nông dân, công nhân, trí thức cũng thế. Tê hại nhất là những trí thức làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang thi nhau bỏ việc, bỏ nghề dù giáo dục, y tế là nền tảng của phúc lợi công cộng mà lẽ ra chất lượng phải liên tục được cải thiện.
Tiếp tục im lặng, bất động khi nhân viên y tế xin trang bị khiên, áo giáp nhưng hành xử như lên đồng chỉ vì một streamer đưa ra nhận định có vẻ hài hước về ngoại hình một ủy viên Bộ Chính trị, thản nhiên trước những yêu cầu kiểu như buộc trẻ con phải góp tiền mua "bàn ghế, bảng đen, rèm cửa…" nếu muốn biết đọc, biết viết, là những ví dụ minh họa thân phận công dân còn thua cả ngựa. Đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" có thể dửng dưng trước chuyện nông dân, công nhân, trí thức, người nghèo thành thị loay hoay vì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng dứt khoát không thể chấp nhận việc thiếu một Trung đoàn Kỵ binh để tô vẽ hình ảnh. Bao nhiêu tiền đã đổ vào Trung đoàn Kỵ binh của Công an nhân dân, bao nhiêu tiền đang tiếp tục đổ vào Trung đoàn Kỵ binh để nuôi ngựa ? Công dân không những không có quyền được biết mà còn không có cả quyền thắc mắc ! Đâu chỉ có Trung đoàn Kỵ binh, làm sao kể xiết những kiểu hành xử tàn tệ, bất cận nhân tình như thế ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/08/2022
Chú thích :
(1) https://isach.info/story.php?story=nguoi_ngua_ngua_nguoi__nguyen_cong_hoan&chapter=0000
(2) https://www.youtube.com/watch?v=wDM5cBJzBXA&ab_channel=Xu%C3%A2nHinhOfficial
(4) https://cand.com.vn/y-te/bac-si-kien-nghi-sam-khien-ao-giap-de-phong-bi-tan-cong--i663940/