Nga : Gorbachev thay đổi lịch sử, nhưng sai lầm về quan hệ với phương Tây
Merlyn Thomas, BBC News, 01/09/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói : Mikhail Gorbachev - nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, qua đời hôm thứ Ba - có "tác động to lớn đến tiến trình lịch sử".
Mikhail Gorbachev được ca ngợi rộng rãi ở phương Tây, nhưng bị nhiều người ở quê nhà chê bai
Ông ấy hiểu rằng cải cách là cần thiết, ông Putin nói - trong khi người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, António Guterres, ca ngợi một "người ủng hộ hòa bình không mệt mỏi".
Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Putin nói rằng ông Gorbachev đã sai khi tin vào "mối tình lãng mạn vĩnh cửu" với phương Tây.
Ông Gorbachev lên nắm quyền năm 1985, trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Ông đã đưa ra các cải cách, nhưng không thể ngăn chặn sự sụp đổ từ từ của liên minh - và nhiều người Nga đã đổ lỗi cho ông về những năm tháng hỗn loạn sau đó.
Trong thông điệp của mình, Tổng thống Putin nói : "Ông ấy hiểu sâu sắc rằng cải cách là cần thiết, ông ấy nỗ lực đưa ra các giải pháp của riêng mình cho các vấn đề cấp bách".
Ông Putin và ông Gorbachev có một mối quan hệ căng thẳng - cuộc gặp cuối cùng của họ được cho là vào năm 2006.
Gần đây nhất, ông Gorbachev được cho là không hài lòng với quyết định xâm lược Ukraine của ông Putin, mặc dù ông đã ủng hộ việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Người phát ngôn của Putin, Dmitry Peskov, nói rằng ông Gorbachev đã "chân thành muốn tin rằng Chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc và nó sẽ mở ra một thời kỳ lãng mạn vĩnh cửu giữa một Liên Xô mới và thế giới, phương Tây, là sai".
Ông Peskov sau đó chỉ trích việc các nước phương Tây phản đối cuộc xâm lược Ukraine, áp đặt các lệnh trừng phạt tê liệt đối với Nga và cung cấp vũ khí cho Kyiv.
Trong bài phát biểu bày tỏ lòng kính trọng của mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông ngưỡng mộ lòng dũng cảm và sự chính trực của ông Gorbachev, đồng thời nói thêm : "Trong thời kỳ Putin gây hấn ở Ukraine, cam kết không mệt mỏi của ông ấy trong việc mở cửa xã hội Xô Viết vẫn là một tấm gương cho tất cả chúng ta".
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông là "nhà lãnh đạo hiếm có", trong khi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói : "Thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo toàn cầu cao cả, cam kết theo chủ nghĩa đa phương và người ủng hộ hòa bình không mệt mỏi".
Bệnh viện ở Moscow nơi ông Gorbachev qua đời cho biết ông đã mắc một căn bệnh nghiêm trọng và kéo dài.
Những năm gần đây, sức khỏe của ông ngày càng giảm sút, ông liên tục ra vào bệnh viện. Vào tháng Sáu, truyền thông quốc tế đưa tin ông bị bệnh thận, mặc dù nguyên nhân cái chết của ông vẫn chưa được công bố.
Ông sẽ được chôn cất tại nghĩa trang Novodevichy ở Moscow, nơi an nghỉ của nhiều người Nga lỗi lạc. Không rõ liệu ông có được tổ chức tang lễ cấp nhà nước hay không.
Ông Gorbachev trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, đồng thời là nhà lãnh đạo đất nước, vào năm 1985.
Vào thời điểm đó, ông 54 tuổi - thành viên trẻ nhất của hội đồng cầm quyền được gọi là Bộ Chính trị, và được coi là làn gió mới sau nhiều nhà lãnh đạo lớn tuổi. Người tiền nhiệm của ông, Konstantin Chernenko, đã qua đời ở tuổi 73 chỉ sau hơn một năm tại vị.
Rất ít nhà lãnh đạo có ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự toàn cầu, nhưng ông Gorbachev đã không lên nắm quyền để tìm cách chấm dứt sự kìm kẹp của Liên Xô đối với Đông Âu. Thay vào đó, ông hy vọng sẽ hồi sinh xã hội đó.
Nền kinh tế Liên Xô đã phải vật lộn trong nhiều năm để theo kịp Mỹ và chính sách perestroika (cải tổ) của ông đã tìm cách đưa ra một số cải cách theo kiểu thị trường đối với hệ thống do nhà nước điều hành.
Trên bình diện quốc tế, ông đã đạt được các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Mỹ, từ chối can thiệp khi các quốc gia Đông Âu nổi lên chống lại các nhà cầm quyền cộng sản, và kết thúc cuộc chiến đẫm máu của Liên Xô ở Afghanistan bùng phát từ năm 1979.
Trong khi đó, chính sách của ông về sự tự do, hay cởi mở, cho phép mọi người chỉ trích chính phủ theo cách mà trước đây không thể tưởng tượng được.
Nhưng nó cũng giải phóng tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở nhiều vùng của Liên Xô, cuối cùng làm suy yếu sự ổn định của liên bang và đẩy nhanh sự sụp đổ của nó.
Năm 1991, sau khi một cuộc đảo chính do những người theo chủ nghĩa cộng sản cứng rắn tổ chức thất bại, ông Gorbachev đồng ý giải tán Liên Xô và từ chức.
Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev ký Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987
Ở phương Tây, ông được coi là kiến trúc sư của công cuộc cải cách, người đã tạo điều kiện cho Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1991 - thời điểm căng thẳng sâu sắc giữa Liên Xô và các quốc gia phương Tây.
Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1990 "vì vai trò hàng đầu của ông trong những thay đổi căn bản trong quan hệ Đông-Tây".
Nhưng ở nước Nga mới xuất hiện sau năm 1991, ông đã đứng ngoài rìa chính trị, tập trung vào các dự án giáo dục và nhân đạo.
Ông Gorbachev đã thực hiện một nỗ lực tồi tệ để trở lại cuộc sống chính trị vào năm 1996, chỉ nhận được 0,5% phiếu bầu trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Henry Kissinger, người từng giữ chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, nói với chương trình Newsnight của BBC rằng ông Gorbachev sẽ được "ghi nhớ trong lịch sử như một người đã khởi đầu những biến đổi lịch sử vì lợi ích của nhân loại và nhân dân Nga".
Vladimir Rogov, một quan chức do Nga chỉ định ở Ukraine bị chiếm đóng, nói rằng ông Gorbachev đã "cố tình dẫn dắt Liên bang [Xô Viết] đến sự sụp đổ" và gọi ông là kẻ phản bội.
Những gì người Nga bình thường nghĩ về ông có lẽ được gói gọn trong một quảng cáo Pizza Hut - được thiết kế cho thị trường Hoa Kỳ - mà ông đã tham gia vào năm 1997.
Trong quảng cáo, thực khách tranh luận về sự hỗn loạn được giải phóng - hoặc những cơ hội được tạo ra - vào cuối thời thống nhất, trước khi nâng cốc chúc mừng ông.
Merlyn Thomas
Nguồn : BBC, 01/09/2022
*************************
Nhìn lại con người và di sản của Mikhail Gorbachev
The Economist, Đỗ Đặng Nhật Huy Nghiên cứu quốc tế, 31/08/2022
Mikhail Gorbachev có hai người hùng trong suy nghĩ, đều là những nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 19 : Alexander Herzen và Vissarion Belinsky. Các tác phẩm của hai ông tập trung vào phẩm giá cá nhân, và Gorbachev hầu như thuộc lòng tất cả những cuốn sách của họ. Khi chúng được chuyển thể lên sân khấu Nga trong vở kịch ba phần "The Coast of Utopia" [Bờ biển xứ Không tưởng] của Tom Stoppard vào năm 2002, đích thân ông đã đến xem. Và khi buổi diễn kết thúc, ông được mời lên sân khấu để nhận một tràng pháo tay nhiệt liệt, từ những khán giả mà có lẽ vẫn chưa ra đời khi ông nhậm chức tổng bí thư cuối cùng của Liên Xô vào năm 1985.
Perestroika (cải tổ) do ông khởi xướng đã không bao giờ đi đến cái đích như ông muốn, về một chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhân đạo – có lẽ vì đích đến đó là một điều Không tưởng. Đối với giới tinh hoa Nga hiện đại, ông là một kẻ kỳ quặc nếu không muốn nói là kẻ phản bội : một kẻ ngu ngốc đã khiến Liên Xô sụp đổ, nhưng lại không tranh thủ kiếm chác từ quá trình đó. Có quyền lực, một cuộc sống thoải mái và số phận của ang ang triệu người trong tay, nhưng Gorbachev đã buông tất cả khi từ chức tổng thống Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991.
Trước đó, Gorbachev đã họp suốt tám giờ với Boris Yeltsin, tổng thống Nga và đối thủ truyền kiếp của mình, về quá trình chuyển giao quyền lực. Sau cuộc gặp, ông nằm nghỉ trong văn phòng – một lần cuối cùng. Khi đồng nghiệp ang cận Alexander Yakovlev bước vào, ông ta thấy Gorbachev nhỏ nước mắt. "Anh thấy đấy, Sasha, đó là cách mọi chuyện diễn ra", Gorbachev nói.
Rõ ràng ông không muốn nhìn Liên Xô chết như vậy. Người đàn ông đã kết thúc Chiến tranh Lạnh, người đã thay đổi tiến trình lịch sử thế kỷ 20, không phải là nhà bất đồng chính kiến hay nhà cách mạng. Ý định ngay từ đầu của ông là cải tổ Liên Xô, chứ không phải phá hủy nó. Nhưng thái độ ác cảm với bạo lực và niềm tin của ông vào sự Khai sáng là đủ để kéo sập một hệ thống mà bản ang nó được tạo nên bởi đàn áp và dối trá.
Gorbachev sinh năm 1931, ngay sau khi Stalin tập trung quyền lực và phát động phong trào tập thể hóa nhằm xóa bỏ giai cấp nông dân. Ông lớn lên ở miền nam nước Nga, một vùng nông nghiệp trù phú vốn là nơi sinh sống của những người Cossack chưa từng biết đến chế độ nông nô, trong một ngôi làng mang tên Privolnoye, có nghĩa là "tự do". Ông có hai người ông : một người thích treo các biểu tượng Chính thống giáo ; người còn lại treo ảnh chân dung của Marx và Lenin. Như nhiều người thuộc thế hệ của mình, Gorbachev có cái hiểu đời, cẩn trọng và bảo thủ của một người nông dân. Ông cũng có thể lực của một người đã đi làm nông trường từ thuở nhỏ.
Chính sự nhạy cảm và bản năng con người đó nhiều năm sau đã cho phép Ronald Reagan thấy ở Gorbachev không chỉ một nhân vật Mác-Lê, mà còn là một người có rất nhiều điểm chung với ông. Cả hai đều tự ang đi lên từ các cộng đồng nông dân nhỏ, đều tin vào sự đứng đắn, và đều mang trong mình cái lạc quan và tự tin của những năm hậu Thế chiến 2.
Động lực đưa Chiến tranh Lạnh đi đến hồi kết tới từ cả mối quan hệ giữa hai người đàn ông này lẫn sự kém cỏi của nền kinh tế Liên Xô. Gorbachev, người quan tâm đến việc cải thiện điều kiện sống của người dân hơn là vị thế siêu cường mà ông cho là đương nhiên, không thấy cần thiết phải tiếp tục chạy đua vũ trang.
Đó là kết luận hợp lý sau một hành trình dài khởi đầu từ cái chết của Stalin. Khi Nikita Khrushchev xé bỏ chủ nghĩa sùng bái cá nhân Stalin vào năm 1956, Gorbachev chính là một trong những lãnh đạo đảng trẻ tuổi có nhiệm vụ truyền bá thông điệp mới xuống các cấp chi bộ. Từ đó, tách bạch chủ nghĩa Stalin khỏi chủ nghĩa xã hội đã trở thành công việc cả đời của ông. Và khi lên nắm quyền mà không có kế hoạch hay chương trình cải cách nào trong tay, Gorbachev chỉ mang trong mình niềm tin đơn giản rằng, sau 18 năm trì trệ, "Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này". Ông mang đến cho Liên Xô sức trẻ, năng lượng và – quan trọng nhất – nhân tính.
Thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra chỉ một năm sau đó. Vụ tai nạn, mà chính phủ tìm cách che đậy, cho thấy sự rối loạn chức năng, kiêu ngạo và coi thường mạng sống con người của hệ thống Liên Xô. Gorbachev lập tức nắm lấy cơ hội của mình và lên án một hệ thống "bị suy đồi bởi bọn nịnh bợ, đàn áp những người có suy nghĩ khác biệt, chủ nghĩa hình thức, quan hệ cá nhân và gia tộc". Thay vào đó, ông đề xuất "glasnost", hay công khai hóa. Ông nói với đảng của mình rằng đây mới là chủ nghĩa xã hội đích thực.
Trên tinh thần đó, vào năm 1989 ông tuyên bố cuộc bầu cử cạnh tranh đầu tiên vào Xô Viết Tối cao. Ông cũng đồng ý nên truyền hình trực tiếp cuộc bầu cử. Hàng triệu người đã được thấy Andrei Sakharov , nhà vật lý bất đồng chính kiến được Gorbachev cho phép quay về nước, công khai thách thức vị tổng bí thư. Những ngày đó làm cho độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản sụp đổ, cùng với sự bí ẩn về quyền lực của nó.
Đây cũng là tín hiệu cho tất cả các nước cộng hòa thấy rằng Liên Xô đang tan rã. Đến đầu năm 1991, trong nỗ lực tuyệt vọng để giữ lại liên bang, Gorbachev đã liều mình liên kết với các lực lượng đàn áp và đưa xe ang Liên Xô vào Litva. Để rồi chỉ vài tháng sau, chính lực lượng do KGB lãnh đạo này tổ chức đảo chính và quản thúc ông tại Crimea. Khi cuộc đảo chính sụp đổ và ông trở lại Moscow, Gorbachev chọn về nhà để chăm sóc cho người vợ Raisa vừa bị đột quỵ, thay vì làm một chính trị gia của công chúng.
Khi dành tình cảm không giấu giếm cho vợ, Gorbachev đã vi phạm quy tắc bất thành văn yêu cầu các lãnh đạo Nga cắt bỏ hoàn toàn cuộc sống riêng tư. Nhưng một lần nữa, đặt cuộc sống riêng tư lên trên lợi ích phù du của nhà nước là quan điểm chính của ông. Rời khỏi chức vụ không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời ông, cũng như hầu hết những người tiền nhiệm trước. Nhưng không như những người kế vị mình, Gorbachev không có gì phải sợ hãi, và không có của cải để che giấu. Trong những năm đầu tiên sau khi từ chức, ông đã đóng quảng cáo cho Pizza Hut để kiếm tiền. Theo tiêu chuẩn của giới thượng lưu Nga ngày nay, Gorbachev là một kẻ nghèo. Số tiền từ giải Nobel hòa bình năm 1990 của ông đã được dùng để thành lập Novaya Gazeta, một tờ báo tự do của Nga.
Khi Raisa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, Gorbachev đưa bà đến một phòng khám ở Đức và ôm bà trong vòng tay còn nguyên chất nông dân của mình. Sau khi chôn cất Raisa, ông đã đến dự một bữa tiệc hậu trường tại Nhà hát Nghệ thuật Moscow. Ngẫu hứng, một diễn viên đứng lên kêu gọi cựu tổng thống đọc hoặc hát một cái gì đó. Tất cả mọi người đều sững sờ vì xấu hổ, ngoại trừ Gorbachev. Đám đông tản ra tạo không gian cho ông, và Gorbachev đã ngâm bài thơ của Lermontov, "Tôi một mình lên đường. Con đường bạc màu lấp lánh trong sương mờ".
The Economist
Nguyên tác : "Mikhail Gorbachev has died", The Economist, 30/08/2022
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 31/08/2022
***********************
Người chấm dứt chiến tranh lạnh
Ngô Nhân Dụng, 01/09/2022
Một người đã được Gorbachev ân xá từ Siberia trở về, Natan Sharansky mới viết trên báo Washington Post rằng ông ta chỉ muốn cho chế độ cộng sản "có bộ mặt con người".
Mikhail Gorbachev là lãnh tụ thứ tám cầm đầu Liên Xô, thực tâm chỉ tìm cách cứu vãn đảng Cộng sản. Những cải tổ của ông đã gây ra các biến chuyển không ngờ khiến chế độ tan vỡ.
Cái quan định luận, nhiều người ca ngợi Mikhail Gorbachev khi ông qua đời, nhưng nhiều người ở Nga và Trung Quốc vẫn chỉ trích ông vì tội làm cho chế độ cộng sản và đế quốc Liên Xô tan rã. Một lãnh tụ đảng Cộng sản trong quốc hội Nga, Nikolai Kolomeitsev, vẫn gọi Gorbachev là một "tên phản bội" đã "hủy hoại quốc gia". Trong điện văn chia buồn, Tổng thống Nga Vladimir Putin, công nhận Gorbachev "tạo ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử thế giới", mặc dù đã từng kết tội ông gây ra "thảm họa lớn nhất trong thế kỷ 20" vì làm Liên Xô sụp đổ.
Mikhail Gorbachev là lãnh tụ thứ tám cầm đầu Liên Xô, thực tâm chỉ tìm cách cứu vãn đảng Cộng sản. Những cải tổ của ông đã gây ra các biến chuyển không ngờ khiến chế độ tan vỡ. Gorbachev phải thay đổi vì chứng kiến cả chế độ đang sa lầy. Người ta lo xếp hàng mua ở cửa hàng mậu dịch, mất hết thời giờ đáng lẽ để làm việc, mà các quầy hàng không có gì đáng mua. Công nhân thờ ơ, lười biếng và say rượu, cán bộ lo ăn cắp từ trên xuống dưới. Có những người đứng bán các bóng đèn điện đã chết ở ngoài đường, người ta vẫn mua, để làm gì ? Để đem về sở, tráo lấy cái bóng đèn còn tốt mang về nhà. Guồng máy kinh tế không chạy trong khi vẫn phải chạy đua sản xuất vũ khí. Gorbachev công nhận, "Không thể nào sống mãi như thế này !" Ông đưa ra những chính sách đổi mới sau khi đã chứng kiến các người tiền nhiệm hoàn toàn thất bại khi cố gắng cải tổ từng bước nhỏ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ là người gốc Ukraine, lớn lên trong căn nhà tường làm bằng đất bùn, rơm rạ và phân bò, leo dần dần lên ngôi vị cao nhất trong đảng và trong nước, Gorbachev vẫn tin tưởng và trung thành với chủ nghĩaMarx, Lenin. Ông muốn thay đổi đảng, thay đổi chế độ, để cứu chủ nghĩa cộng sản.
Chín tháng trước ngày Liên bang Xô Viết sập đổ, Gorbachev nói ở Minsk, thủ đô Belarus bây giờ, "Tôi không thẹn thùng khi xác nhận tôi là một Người Cộng sản, tôi tin tưởng chủ nghĩa Cộng sản cho đến khi lìa bỏ cõi đời !"
Gorbachev nói với bà Margaret Thatcher, thủ tướng Anh, "Tôi biết bà là người có niềm tin mạnh, tin tưởng vào một số nguyên tắc và giá trị. Thái độ đó đáng kính trọng. Nhưng bà nên biết bà đang ngồi bên một người cũng có niềm tin mạnh như vậy ! Và tôi cần nói cho bà biết rằng tôi chưa hề chỉ thị cho Bộ Chính Trị tìm cách thuyết phục bà gia nhập Đảng Cộng sản !" Bà Thatcher cười, hai người trò chuyện dễ dàng hơn, theo ông Gorbachev kể lại trên nhật báoNew York Times.
Khi Gorbachev đến thăm viện bảo tàng British Museum, nơi ngày xưa Karl Marx vẫn đến ngồi làm việc, ông nói giỡn, "Nếu có người không thích Marx, họ cứ việc đả đảo British Museum". Nhưng khi nghe một đại biểu quốc hội Anh chất vấn về các vụ đàn áp tôn giáo ở Liên Xô, Gorbachev không đùa giỡn nữa, nói thẳng : "Các ông bà lo cai trị xã hội của mình. Hãy để yên chúng tôi cai quản xã hội của chúng tôi !"
Một người đã được Gorbachev ân xá từ Siberia trở về, Natan Sharansky mới viết trên báoWashington Post rằng ông ta chỉ muốn cho chế độ cộng sản "có bộ mặt con người". Khi thấy nguy cơ chế độ sụp đổ, Gorbachev đã tìm cách ngăn chặn. Năm 1987, ông đưa quân qua Georgia, Lithuania, đàn áp giết chết hàng chục người dân biểu tình đòi tự trị.
Lên ngôi Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985, lúc 54 tuổi, Gorbachev thuộc thế hệ những cán bộ cộng sản được gọi tên là "Hậu duệ của Đại Hội thứ 20". Trong đại hội này, năm 1956, Nikita S. Khrushchev đã công khai tiết lộ những tội ác của Stalin, làm chấn động thế giới cộng sản. Những chính sách nông nghiệp gây nạn đói làm chết hai chục triệu người ; những vụ thanh trừng tàn nhẫn các đồng chí trong Bộ Chính Trị ; các vụ bắt bớ tù đầy không bao giờ ngưng, vân vân.
Nhưng ảnh hưởng mạnh nhất lên Gorbachev là tình trạng kinh tế suy sụp dưới thời các Tổng bí thư Brezhnev, Andropov và Chernenko. Làm thư ký Trung ương Đảng, phụ trách về canh nông, Gorbachev đã tổ chức các khóa học tập về cảnh kinh tế suy sụp, đặc biệt làm sao cứu vãn nông nghiệp. Máy móc han rỉ không ai lo sửa chữa ; phân bón không đưa tới đúng hẹn ; đến mùa gặt, hàng núi khoai tây chất bên đường, đến nát thối vẫn không được chở đi. Một chương trình đã được Andropov và Chernenko đề cao là chống tham nhũng, không thành công cứu vãn được nền kinh tế.
Gorbachev đã nhìn thấy những thất bại của những người đi trước mình, kết luận phải làm mạnh hơn, phải thay đổi cả bầu không khí. Ông đưa ra hai chính sách, hai khẩu hiệu, "glasnost" (cởi mở) và "perestroika" (thay đổi cơ cấu). Ông bảo các báo đài không cần phải tung hô những lời các lãnh tụ nói, chỉ trích dẫn Lenin là đủ ! Ông cho dân được tự do phê bình hơn, trả tự do cho những người nêu tư tưởng đối lập, văn chương nghệ thuật bùng nở.
Gorbachev là lãnh tụ đầu tiên đi gặp những công nhân và những người dân bình thường. Ông bất ngờ đến thăm một bệnh viện ở Moscow, rồi tới ngay một bệnh viện khác, không ai kịp chuẩn bị dựng ra những cảnh tốt đẹp giả tạo kiểu "Làng Potemkin !" và che đậy tình trạng mất vệ sinh, thiếu thuốc men và dụng cụ, trang bị, bệnh nhân sống trong cảnh bệ rạc. Sau khi đi một vòng, đô trưởng Moscow bị cách chức, Gorbachev đưa Boris N. Yeltsin lên thay.
Gorbachev làm những việc chưa ai dám làm. Hai tháng sau khi nhậm chức, ông ra lệnh phạt nặng những người say rượu trong giờ làm việc, giảm bớt số sản xuất rượu vodka, đóng cửa bớt và giới hạn giờ mở cửa các quán rượu, tăng giá vodka 30%, cấm uống rượu trước tuổi 21, thay vì 18. Gorbachev bị phản đối dữ dội, ba năm sau phải cho áp dụng nhẹ nhàng hơn.
Để thay đổi cơ cấu, Gorbachev thay thế hầu hết thành viên Bộ Chính Trị, sau bảy tháng cầm quyền ; cho hàng loạt tướng lãnh và công chức về hưu. Andrei Gromyko là người giới thiệu Gorbachev vào chức Tổng bí thư cũng được đưa lên giữ chức quốc trưởng vô quyền, sau 28 năm nắm đầu bộ ngoại giao ! Gorbachev bãi bỏ chức tổng bí thư từng kế nghiệp từ thời Stalin, lập ra và được bầu vào chức tổng thống đầu tiên của nước Nga.
Muốn thay đổi nội bộ trong khi gặp nhiều chống đối, bên ngoài phải được sống trong một thế giới hòa bình. Gorbachev chủ trương ngoại giao mới, bỏ rơi ý thức hệ, lấy lợi ích quốc gia làm căn bản. Ông rút quân ra khỏi Afghanistan sau mười năm sa lầy làm chết 15,000 binh sĩ ; ký hiệp ước giảm bớt vũ khí hạch tâm với Ronald Reagan. Ông là người chấm dứt chiến tranh lạnh. Tổng thống Reagan cũng công nhận : "Gorbachev đáng ghi công".
Người Nga bây giờ oán trách Gorbachev vì coi ông làm đế quốc Liên Xô sụp đổ. Nhưng nó đã bắt đầu sụp đổ từ những nước cộng sản Đông Âu, khi Ba Lan thay đổi năm 1980, tiếp theo đến Tiệp Khắc, Hungary, Đông Đức, Rumani, Bulgarie. Khi các nước phụ thuộc muốn độc lập, Liên Xô chắc chắn phải tan rã.
Cuối cùng Gorbachev thất bại ở trong nước vì muốn dân Nga sống tự do nhưng họ chưa sẵn sàng. Năm 2017 ông vẫn "tin tưởng rằng Nga sẽ chỉ thành công khi sống tự do dân chủ, sẽ có các đảng chính trị tranh đấu để cầm quyền, sẽ có bầu cử tự do để thay đổi chính quyền ! Ông giải thích, "Dân tộc tôi muốn được tự do nhiều hơn quý vị tưởng, nhưng dân tôi đã trải qua 250 năm dưới ách đô hộ của người Mông Cổ, tiếp theo làm nông nô suốt đời trong chế độ Nga hoàng, rồi đến bao nhiêu năm sống dưới chế độ cộng sản độc tài".
Khi nghe tin Gorbachev qua đời, Grigory Yavlinsky, đứng đầu đảng Yabloko ở Nga, ca ngợi ông là người đã "trả tự do cho hàng trăm triệu dân Nga, dân các nước chung quanh, và một nửa Âu Châu". Và "Người Nga chúng ta có trách nhiệm sử dụng các quyền tự do và cơ hội lớn đó". Theo bản tin AP, Alexei Navalny, nhà đối lập đang bị cầm tù ở Nga, ghi nhận một điểm son, "Gorbachev là một trong những lãnh tụ hiếm hoi không lợi dụng quyền hành và cơ hội để mưu đồ tư lợi cho cá nhân mình".
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 01/09/2022
**********************
Về một người cộng sản có nhân tính
Tuấn Khanh, RFA, 31/08/2022
Ngày ông Mikhail Gorbachev, cựu tổng bí thư cộng sản cuối cùng của Liên Xô qua đời, ông nhận được nhiều lời bình từ hai phía ca tụng và căm ghét. Những người chống cộng thì nhìn ông như một con người dũng cảm đã hy sinh đã xé toang bức màn đen của thế giới song cực. Còn những người yêu cộng sản thì căm hận ông vì đã mang tội làm sụp đổ thành trì cách mạng vĩ đại của phía Đông thế giới. Đứng giữa những điều đó, Gorbachev còn hiện ra với tính cách của một nhà cách mạng của thế giới cộng sản nhưng đầy chất lãng mạn của người nông dân vùng Privolnoye, miền Nam của nước Nga.
Gorbachev, một người cộng sản có nhân tính
Điều đáng ca ngợi ở Gorbachev là nhân tính. Ông nhìn mọi sự kiện quanh mình bằng con mắt của một người cộng sản trung thành, nhưng ở bên dưới là những lời chất vấn thầm lặng của một con người có nhân tính.
Tháng 11/1969, ý thức về một hệ thống độc tài cộng sản đang hủy diệt con người bắt đầu đến với ông, trong chuyến thăm đến Tiệp Khắc. Một năm sau cuộc nổi dậy ở đất nước này, vì không muốn chịu ách cai trị của cộng sản Nga, Gorbachev kể ông bị choáng váng khi đến Bratislava, thành phố cổ kính vẫn còn y nguyên những vết đạn pháo và những bức vẽ graffiti khẩu hiệu và hình ảnh chống cộng sản và Nga. Đoàn đi thăm của Gorbachev phải tổ chức thêm cận vệ thường phục để phòng trường hợp bị tấn công. Theo truyền thống, phái đoàn của Nga đến thăm Sbrojevka, một nhà máy lớn của Tiệp. Thế nhưng khi được đưa vào một vị trí tốt để phát biểu và mở lời chào, Gorbachev nhận ra rằng những người thuộc giai cấp công nhân ấy đã tìm cách quay mặt đi và không nhìn đoàn của Nga. "Đó là một cảm giác khủng khiếp", Gorbachev nhớ lại điều mà ông nhận ra rằng trong hệ thống cộng sản, ngay cả ở vị trí cao, ông vẫn được tuyên truyền rằng mọi dân tộc của giai cấp vô sản luôn là tình đoàn kết hữu nghị nồng ấm không thể tách rời.
Nhiều năm sau nhắc lại về "cú sốc đầu đời" này, Gorbachev nói rằng ý nghĩa "bức màn sắt" mà phương Tây nói về sự ngăn cách hai thế giới cộng sản và tự do là có thật, nhưng bức màn sắt nó còn nằm ở ngay trong nội bộ của chính quyền cộng sản, để bịt mắt lẫn nhau.
Phía căm ghét ông Gorbachev, nói ông là kẻ muốn đốt đền- tự tay tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản ngay ở đất nước mình - để lưu danh lịch sử. Nhưng thực ra, theo dõi cuộc đời của ông Gorbachev từ ban đầu mới hiểu rằng việc day dứt muốn làm điều đúng và khát khao thay đổi, để được làm điều đúng, là suy nghĩ của ông, có từ đầu những năm 1970.
Kể trong cuốn hồi ký của mình, Gorbachev nói ông giật mình nhận ra rằng vào lúc loài người đã đi đến mặt trăng thì Liên Xô vẫn sử dụng những phương thức nông nghiệp giống như ở thế kỷ 19. Vào lúc đó, hàng năm Liên Xô sử dụng 100 đến 110 triệu tấn làm thức ăn gia súc, trong khi các quốc gia Châu Âu chỉ dùng hết gần 74 triệu tấn. Ông tự mình tìm hiểu và thấy rằng ở phương Tây thù địch, ngoài thức ăn chính, họ cộng thêm 30% phụ gia protein, dẫn đến chuyện gia súc cân bằng dinh dưỡng, tăng trọng nhanh và các đợt nuôi gia súc nhiều hơn trong một năm. Có nghĩa là trên con đường đi tới tương lai, phương Tây luôn tìm và cải cách những điềubình thường nhất, trong khi đó ở Liên Xô, tất cả những của cải làm ra, đều được dành cho chính sách xây dựng sự lớn mạnh của công an và quân đội.
Bên cạnh đó, tham nhũng là từ ngữ mà Gorbachev không nói thẳng ra, nhưng trong phần ông ghi lại cuộc trao đổi với Bí thư Trung ương Đảng Fyodor Kulakov vào năm 1977, nhấn mạnh rằng giá thu mua nông sản của nông dân luôn là rẻ mạt, trong khi đó, những giá ngũ cốc nhập khẩu từ nước ngoài vào thì lại cao gấp 2-3 lần. Những con số chênh lệch bí ẩn đó đi đâu ? Ông Gorbachev giải thích bằng một chuyện cười phổ biến ở nước Nga vào thời điểm đó là, tổng bí thư Leonid Brezhnev trong một chuyến đi chơi với mẹ, giới thiệu một căn hộ lớn của mình tại Moskva, rồi sau đó là một căn khác Zarechye. Kế đến là về khu nghỉ dưỡng riêng tại Zavidovo, cùng đi săn. Rồi sau đó, lại nghỉ ở một cơ ngơi bí mật ở Krym. Tổng bí thư Brezhnev hỏi mẹ ông nghĩ gì về những thứ ông đang có. Bà nói "Mọi thứ tuyệt lắm Leonid, nhưng mẹ không biết con sẽ làm gì với tất cả những thứ tài sản đó khi cộng sản quay lại nắm quyền".
Nhân tính của Gorbachev là nhìn thấy nỗi đau của con người, nhìn thấy ánh mắt căm giận của kẻ bị trị, và nhìn thấy tài sản quốc gia đang biến thành cơ ngơi, tiền của những lãnh đạo cao cấp mà luật pháp bảo vệ họ đến mức không ai dám lên tiếng. Và đó là những gì dồn đến, dẫn đến chuyện Gorbachev nói với người vợ của ông, bà Raisa rằng "Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này".
Nhưng một góc khác của Gorbachev cũng cần phải được nhìn thấy rõ, đó là ông vẫn mang nặng tư duy chủ nghĩa Mác-Lê. Với một tinh thần cải cách đầy tính lãng mạn, Gorbachev vẫn muốn tồn tại một Liên Xô dân chủ hơn và nhân bản hơn, một tập hợp nhất thiết không nên để đổ vỡ. Một tập hợp với mơ ước có dân chủ và không độc tài trên nền khối xã hội chủ nghĩa cũ.
Tháng 11/1991, Gorbachev vẫn còn hy vọng khi tham gia soạn thảo "Hiệp ước của các liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền - một nhà nước dân chủ liên bang" Nhằm xây dựng một Liên bang Xô viết khác, không theo hình thái cũ.
Dự thảo này được công bố vào ngày 27/11/1991. Một số quốc gia trong Liên bang Xô Viết cũ đã quyết định tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định còn tiếp tục tham gia Liên Minh này nữa hay không, hay sẽ là chọn con đường quốc gia độc lập. Cuộc trưng cầu dân ý quan trọng nhất và gây tác động đến tất cả những quốc gia trong liên bang đó là ở Ukraine. Thay vì trưng cầu dân ý là có nên tham gia liên minh không, chính quyền và người dân Ukraine đã bỏ phiếu cho câu hỏi "Có nên xóa bỏ chế độ cộng sản Liên xô hay không ?". Đi xa hơn nữa, Ukraine và Belarus còn chuẩn bị cho ra một văn bản tuyên bố hủy bỏ những nền tảng chính trị pháp lý của sự tồn tại của Liên Xô và tuyên bố xóa bỏ sự tồn tại, vốn được ngụy trang dưới sự kêu gọi hình thành Cộng đồng các quốc gia độc lập.
Lịch sử có những cung đường kỳ lạ của nó, trong bối cảnh đó, lại xuất hiện một nhân vật khác là Boris Yelstin, người được coi là va chạm gay gắt với Gorbachev cho con đường để thay đổi, nhưng đồng thời cũng hợp nhất vào công việc tạo ra một nước Nga mới. Gorbachev là người tạo ra sóng ngầm, làm chuyển động và sụp đổ tất cả những gì đang mục rửa trong lòng gã độc tài già nua. Nhưng Boris Yeltsin chính là người cưỡi trên ngọn sóng đó, tạo niềm cảm hứng và dấn đến những cột mốc chấm dứt chủ nghĩa cộng sản trên nước Nga.
Dù hai nhân vật này là những người bất đồng với nhau. Nhưng họ đã có những sự phối hợp đầy kỳ lạ để đi đến một kết cục mới. Nếu theo dõi hồi ký của cả Boris Yeltsin lẫn Mikhail Gorbachev, có thể nhìn thấy rằng cuộc cách mạng đầu thập niên 1990 đó, nếu chỉ có một người, thì cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều có thể bị các thế lực bảo thủ ở Nga thủ tiêu vào một lúc nào đó.
Điều mà người Việt cần nhớ về Mikhail Gorbachev, đó là một nhà chính trị chân thành. Một nhà chính trị cộng sản mang gương mặt con người. Từ lúc bước vào con đường chính trị đến lúc ra đi, ông trung thành với chủ trương "glasnost" đã đề ra, bạch hóa tất cả những gì nhân dân muốn biết. Chuyện chủ trương công khai thảm họa Chernobyl trong những điều mà ông làm thế giới phương Tây phải ngạc nhiên về tính cách của một lãnh đạo cộng sản. Nói trong cuộc họp với Bộ Chính Trị ngày 3/7/1986, Gorbachev làm lay động cả một bộ máy quen sống trong giả dối và che đậy "Không thể chấp nhận được suy nghĩ rằng chúng ta có thể bị hạn chế trong những biện pháp nữa vời hay lẩn tránh vấn đề. Cần có thông tin toàn diện về sự cố này. Chính sách hèn nhát là một chính sách nhục nhã".
Gorbachev cũng là người đã đưa ra sự thật ở rừng Katyn và chính thức là người xin lỗi thay cho hành động tàn bạo của Stalin. Ngày 25/11, quốc hội Liên bang Nga bỏ phiếu thông qua nghị quyết thừa nhận vụ cảnh sát Nga sát hại 22.000 sĩ quan và công dân Ba Lan ở rừng Katyn, phía tây nước Nga, năm 1940 do nhà lãnh đạo Josef Stalin ra lệnh. Báo The Moscow News cho biết với tỉ lệ ủng hộ 342/450, Hạ viện Nga đã thông qua nghị quyết dựa trên tài liệu mật thu được từ đầu thập niên 1990. Con số phiếu thuận cho thấy vào thời điểm đó, việc chấp nhận sự thật của các quan chức Liên Xô cũ chỉ mới có được ở mức quá bán mà thôi.
Hơn hết, Gorbachev là một người thanh bạch. Ông bước vào chính trường từ tư cách là một người nông dân và bước ra khỏi nó cũng không đem theo mình bất kỳ của cải hay lợi lộc gì, thậm chí lương hưu của ông còn bị cắt xén trong sự ghét bỏ của các quan chức cộng sản còn quyền. Vào thời gian cải cách và những sự thay đổi đầy tính con người nhưng vô cùng kỳ lạ với bộ máy cộng sản Nga Sô, một cánh bảo thủ đã chi đến 5 triệu đôla, để nhờ một công ty ở phương tây điều tra xem Gorbachev có phải gián điệp của phương Tây hay không, và có những ngân khoản bí mật nào ngoài Liên Xô không ? Về sao khi biết được điều này, Gorbachev đã gửi đơn tố cáo đến Viện Công tố, nhưng cơ quan này hoàn toàn im lặng và làm lơ. Những chi tiết này có thể tìm thấy trong "Mikhail Gorbachev- Đời tôi", phát hành bản tiếng Việt năm 2018.
Hôm nay khi ông Gorbachev ra đi, bối cảnh thế giới phức tạp hơn rất nhiều những gì ông đã trải qua. Cộng sản hôm nay tinh ranh và không còn ra vẻ Cộng sản như ngày xưa. Tư bản thực dụng hơn và sẵn sàng thỏa hiệp với tất cả những gì có lợi cho mình. Thế giới đang hòa trộn vào nhau với tất cả những sự hỗn loạn và bất dung của nó.
Để nghĩ về một Mikhail Gorbachev, người đã tạo nên bước chuyển của thế giới, nên là ghi nhớ và trân trọng những điều tốt đẹp nhất ông đã làm được. Có lẽ không nên ca ngợi ông như một thần tượng, hoặc căm thù cho đến tận thế hệ sau. Mỗi nhân vật trên trường chính trị đều có những phần đời đúng và sai của mình. Hãy ghi nhớ những điều không thể quay lại. Và cũng cần ghi nhớ rằng : không có nhân vật nào có thể bị gán buộc sống mãi trong đời chúng ta, với những tình cảm không có sự thật.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 31/08/2022 (tuankhanh's blog)
**********************
Gorbachev : Nhà lãnh đạo của perestroika, nhưng cũng là người khai tử Liên Xô
Thanh Phương, RFI, 31/08/2022
Là tổng thống đầu tiên là cũng là tổng thống cuối cùng của Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev đã được phương Tây xem là một nhà lãnh đạo có đầu óc cải tổ đã mang lại tự do cho người dân Liên Xô lúc ấy, nhưng tại Nga, cho tới khi ông qua đời, Gorbachev vẫn bị nhiều người xem là kẻ đã đào mồ chôn Liên Bang Xô Viết.
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trên khán đài tại Quảng Trường Đỏ trong lễ kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10, Moskva, Nga, ngày 08/11/1989. AP - Boris Yurchenko
Chính là với Gorbachev mà từ vựng của phương Tây có thêm hai từ "perestroika" (tái cấu trúc) và "glasnost" (công khai), hai từ mang tính biểu tượng cho chính sách cải tổ do ông đề xướng, mở đường cho những đảo lộn to lớn, dẫn đến sự sụp đổ của khối Liên Xô.
Thật ra thì sự nghiệp chính trị của ông Gorbachev ban đầu cũng đã diễn tiến giống như bao lãnh đạo khác của chế độ cộng sản. Sinh năm 1931, gia nhập Đoàn Thanh niên cộng sản từ năm 14 tuổi, có thẻ đảng từ năm 18 tuổi, Gorbachev đã từng nắm giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan của Đảng tại Stavropol, thành phố sinh quán của ông từ thập niên 1960. Sau đó, ông đã nhanh chóng thăng quan tiến chức cho đến khi giành được chức tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô năm 1985.
Khi lên cầm quyền, Gorbachev chỉ mới 54 tuổi, đại diện cho thế hệ trẻ, đối lập với một ban lãnh đạo già nua bảo thủ, thối nát. Ông đã cố gắng thúc đẩy cải tổ, đề ra chính sách perestroika, với mong muốn chuyển nền kinh tế tập trung, thiếu hiệu quả của Liên Xô lúc ấy thành một nền kinh tế thị trường phi tập trung hóa. Tuy vậy, tân lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô vẫn không cải tổ hệ thống chính trị, mà chỉ cố làm cho nó hiệu quả hơn, linh động hơn.
Nhưng chính sách cải tổ của ông đã không giúp vực dậy nền kinh tế Liên Xô trên đà suy thoái, mà chỉ khiến người dân bất mãn vì mức sống của họ càng thêm sụt giảm. Ngược lại, ban đầu giới trí thức ở Liên Xô hoan nghênh chính sách glasnost của Gorbachev, vì nhờ ông mà họ được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhưng giới trí thức cũng đã nhanh chóng mất hết ảo tưởng về một Gorbachev cấp tiến.
Sau những cuộc biểu tình rầm rộ, không còn kiểm soát được Liên Bang trước đà trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại các nước Cộng Hòa, ngày 25/12/1991, Gorbachev đã phải từ chức tổng thống Liên Xô, chính thức nhìn nhận sự tan rã Liên Xô, sau khi Ukraine, Belarus và Nga ký hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập.
Nhưng trước khi từ chức, Gorbachev coi như đã bị giam lỏng ở Crimea, bất lực nhìn một nhóm lãnh đạo bảo thủ tiến hành đảo chính để cứu vãn Liên Xô. Cuộc đảo chính bất thành vì dân Nga và phương Tây lúc ấy chỉ ủng hộ Boris Yeltsin.
Kể từ khi từ chức, ông Gorbachev chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và trong nhiều thập niên đã đi diễn thuyết khắp thế giới để cổ vũ cho dân chủ, cho đến năm 2017, khi sức khỏe suy sụp, không thể đi lại được nữa.
Trong những năm gần đây, cựu tổng thống Liên Xô đã nhiều lần chỉ trích tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng ông ủng hộ việc Moskva sáp nhập vùng Crimea của Ukraine năm 2014, nên đã bị chính quyền Kiev lên án, cấm nhập cảnh Ukraine trong 5 năm.
Thanh Phương
**********************
Gorbachev qua đời, Đảng và Nhà nước Việt Nam không thống nhất cách đưa tin ?
RFA, 31/08/2022
Nhiều trang báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ông Gorbachev qua đời với tiêu đề mang tính chỉ trích nhân vật này ; thế nhưng sau đó rút xuống và thay đổi cách dùng từ ôn hoà hơn. Một số người am hiểu tình hình lịch sử, chính trị, xã hội cho rằng điều đó cho thấy sự bất đồng trong cách ứng xử giữa Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Ông Mikhail Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, vừa qua đời hôm 30/8 ở tuổi 91. Reuters
Ông Mikhail Gorbachev, lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, vừa qua đời hôm 30/8 ở tuổi 91. Sự kiện này trở thành một đề tài thu hút được nhiều quan tâm của công chúng Việt Nam. Nó được tìm đọc nhiều thứ ba trên Google trend (xu hướng - PV) của Việt nam.
Ông trở thành người đứng đầu Đảng cộng sản Liên Xô năm 1985, khi đó ông công bố chương trình cải cách với khẩu hiệu "đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước" mà sau này gọi là "perestroika" trong tiếng Nga.
Ông là người được đánh giá có đóng góp to lớn trong việc làm tan rã Liên bang Xô Viết, cũng như chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh năm 1991.
Gorbachev trong mắt người cộng sản Việt Nam
Một người từng là đảng viên cộng sản, thường xuyên theo dõi, phân tích tình hình chính trị Việt Nam, yêu cầu được giấu tên vì lý do an toàn, bình luận với RFA rằng trong mắt những người cộng sản Việt Nam, họ căm thù Gorbachev, vì Gorbachev đã khai tử cái mô hình cộng sản ở Liên Xô - thể chế mà ông cho là "ăn của dân không chừa một cái gì" :
"Họ căm thù Gorbachev, vì suýt nữa, ở Việt Nam đã từng có dăm ba người lương thiện muốn "noi theo" Gorbachev, đưa dân chủ và khai phóng vào lòng dân tộc Việt Nam. Tiếc là lực lượng này quá mỏng, lại bị Đảng cộng sản Việt Nam bóp chết từ trong trứng. Hơn nữa, Đảng được quan thầy Trung Quốc bày cho trăm phương ngàn kế để bách hại và đàn áp lực lượng dân chủ".
Nhạc sĩ Tuấn Khanh trả lời RFA từ Sài Gòn, nhận định ông Gorbachev là một nhân vật gây nhiều tranh cãi, bởi hai luồng ý thức hệ ở Việt Nam phân chia khá rõ rệt :
"Một nửa miền Nam rất yêu thích ông ấy nhưng một nửa miền Bắc thì lại có rất nhiều người căm ghét ông ấy.
Có những người mơ vào một giấc mơ ổn định, được bao cấp theo Chủ nghĩa xã hội và thống trị toàn thế giới của Chủ nghĩa cộng sản. Đối với những người này thì giấc mơ của họ bị đổ vỡ và họ không chấp nhận nổi.
Trong khi đó, ở miền Nam, người ta không chịu được và không quen với bao cấp và thể thức của Chủ nghĩa cộng sản, cho nên họ nhìn ông Gorbachev như là một nhà cách mạng, như là một nhân vật tạo niềm tin rằng ở đất nước Việt Nam sẽ có một nhân vật tương tự như vậy".
Ông Thọ Nguyễn, một người quan sát tình hình chính trị xã hội Việt Nam, từ nước Đức, cho biết chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam là xem ông Gorbachev như là một kẻ phản bội. Thời ông Gorbachev nắm quyền ở Liên Xô, ông ta đã yêu cầu lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi đó phải cải cách, đổi mới. Ông Thọ nói :
"Đường lối chính của Đảng cộng sản Việt Nam coi ông ấy là người phản bội. Nhưng mà có một số các đảng viên có đầu óc tân tiến thì họ rất mong cải cách của ông này sẽ đưa Việt Nam đi đến chỗ canh tân.
Thế nhưng có một điều là dù không muốn, nhưng những cải cách của ông ấy đã buộc Việt Nam phải đi theo con đường đổi mới, bởi vì ông ấy đã cắt viện trợ.
Chính sách đổi mới của Việt Nam xuất phát từ việc Liên Xô không còn hỗ trợ cho Việt Nam nữa
Đảng cộng sản Việt Nam lúc ấy vừa giận ông ấy xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô làm cho Việt Nam mất chỗ dựa, nhưng chính từ việc mất chỗ dựa đó mà Việt Nam mới liều mạng đi vào con đường cải cách.
Vào ngày 7/10/1989 là ngày Quốc khánh của Cộng hòa Dân chủ Đức, lúc đó Đức mời tất cả các Tổng bí thư đi dự. Ông Nguyễn Văn Linh dẫn đầu phái đoàn đảng cộng sản Việt Nam đi sang đó.
Khi đó ông Nguyễn Văn Linh và ông Chau-sét-xcu (Tổng bí thư đảng Lao động Romania - PV) muốn tổ chức ngay tại Berlin một cuộc họp của các đảng cộng sản cứng rắn để phản đối chủ trương của Gorbachev, nhưng cuộc gặp đó đã không thành công".
Báo Đảng rút tiêu đề chỉ trích Gorbachev
Một vài kênh truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin về sự kiện ông Gorbachev qua đời bằng một giọng văn không thân thiện, thậm chí chỉ trích người được coi là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Ông Nguyễn Thọ cho rằng hiện tượng này cho thấy giữa Đảng và Nhà nước Việt Nam có sự bất đồng nhau về cách ứng xử đối với ông Gorbachev :
"Về mặt Đảng thì người ta tức giận với ông Gorbachev bởi vì ông ấy đã làm cho Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.
Nhưng về mặt Nhà nước ở Việt Nam thì người ta muốn giữ một sự cân bằng nhất định, không lên án ông Gorbachev đến mức như trong nội bộ Đảng.
Cho nên ở Việt Nam tiếng nói của Đảng và Nhà nước cũng có khác nhau. Chính phủ Việt Nam vẫn giữ thái độ trung lập hơn".
Người đảng viên giấu tên cho rằng ban đầu, khi hay tin ông Gorbachev qua đời thì các đài báo tuyên truyền cho đảng lập tức đăng các bài viết có vẻ hả hê. Tuy nhiên, họ cũng biết nếu không có Gorbachev, Việt Nam sẽ không có Đổi mới. Ông nói :
"Báo chí Việt Nam là "cái loa phường" của Đảng. Nghe tin ông Gorbachev qua đời thì họ hả hê, chửi cho sướng cái bụng.
Nhưng nghĩ lại, họ thấy ngượng với bản thân và thế giới. Không có Gorbachev thì làm gì có Đổi mới và mở cửa ở Việt Nam. Không có Gorbachev thì đến giờ này dân Việt Nam vẫn còn ăn bo bo".
Mạng báo Quân đội Nhân dân dịch lại bài "Liên Xô sụp đổ và vai trò của Mikhail Gorbachev trong việc làm tan rã một nhà nước rộng lớn" của tác giả Yulia Yakobson trên tờ Pronedra của Nga. Tuy nhiên bài báo sau đó đã không còn được tìm thấy trên trang mạng của báo Quân đội Nhân dân.
Trong bài, ông Gorbachev gần như bị coi là nhân vật làm tan rã Liên xô với lý do từ năm 1985, ông Gorbachev bắt đầu kế hoạch năm năm để làm sụp đổ một cường quốc. Bài viết này hiện đã bị rút xuống.
Mạng báo Công Thương cũng có bài viết với tựa "Mikhail Gorbachev - Kẻ phản bội khiến Liên Xô sụp đổ qua đời", dẫn báo TASS của Nga tuy nhiên sau đó sửa tiêu đề thành "Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev qua đời".
Nguồn : RFA, 31/08/2022