Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/09/2022

Plan B : Lộ trình 7 bước để thoát ly

Chí Quang - Hoa Chanh

Vương chủ tịch, có phải vậy không ?

Chí Quang, VNTB, 01/09/2022

Chào Vương chủ tịch,

Lời đầu tiên, xin chúc mừng ông và gia đình về việc ái nữ nhà ông vừa tốt nghiệp một đại học danh tiếng của Hoa Kỳ. Sau 4 năm học hành vất vả, cuối cùng thì cô ấy đã lấy được tắm bằng cử nhân của Mỹ đế; bằng này bảo đảm là "hàng" xịn Made In USA, chứ không phải "hàng" đểu – fake như của Đông Đô ta nhé.

vuong1

Muốn thoát khỏi cộng sản, trước tiên, hãy trở thành cộng sản !

Cũng nghe nói cô tân cử nhân nhà ông đã tìm được ý trung nhân là một chàng có quốc tịch Mỹ đế hẳn hoi, và đã lên kế hoạch kết hôn trong thời gian sắp tới. Vậy là song hỷ à ? Xin chúc mừng, chúc mừng…

Không biết ông có quan tâm không, chứ dư luận gần đây xầm xì kinh lắm. Họ nêu ra một câu hỏi to đùng : lương chính thức của ông và phu nhân cộng lại, không thể nhiều hơn 20 nghìn đô la/năm. Trong khi chi phí học tập và sinh hoạt của con ông ở xứ cờ hoa Mỹ đế không thể ít hơn 100 nghìn đô la/năm. Nghĩa là mức thu và chi mỗi năm của nhà ông chênh lệch nhau 80 nghìn đô – thu ít hơn chi. Vậy ông lấy đâu ra số tiền 80 nghìn đô la ấy để chi trả cho việc du học của con mình ?

Câu hỏi này mà đưa vào chương trình thi đấu Đường lên đỉnh Olympia thì có thánh IQ cũng không giải nổi !

Thế mà cộng đồng mạng lại đưa ra khá nhiều cách lý giải, đại khái như : gia đình ông kiếm thêm khoản tiền ấy nhờ buôn chổi đót, chạy xe ôm, chăn nuôi gia súc… hoặc con ông đi du học bằng suất học bổng cả triệu đô la/năm như cô gái nhà nông ở Hội An mà báo chí đưa tin gần đây. Tất cả chỉ là suy đoán… nhưng sao chưa thấy ai đoán rằng nguồn thu nhập khủng của gia đình ông đến từ hoạt động xuất khẩu đom đóm nhỉ ? Truyền thông quốc doanh có kể rằng xưa kia nhà ông nghèo lắm, không có đèn điện để học bài, ông đi bắt đom đóm về làm đèn để học ban đêm, thế mà sau này trở thành chủ tịch quốc hội (tiếc là câu chuyện không nói rõ là khi đó y phục của ông ra sao ? Ông có sử dụng khố chuối như nhân vật Trần Minh trong cải lương hay không). Nếu thật thế thì phải chăng giờ đây, ông đang mở công ty xuất khẩu đom đóm ra nước ngoài, để dạy cho quốc tế biết sử dụng loại hình ánh sáng rất sinh thái này, vì thế ông kiếm được lợi nhuận khủng để đưa con qua Mỹ đế du học ? Đom đóm rõ ràng là một mặt hàng xuất khẩu rất ổn định bền vững vì nó không chứa thuốc trừ sâu bị cấm như hoa quả nông sản, cũng chẳng chứa các hóa chất độc hại sức khỏe gây ung thư cho người tiêu dùng như mì gói, nên không thể bị tiêu hủy hoặc trả về… xem ra, cách lý giải này cũng ly kỳ đấy chứ !

Nhưng bài viết hôm nay không tập trung vào chủ đề này, mà nêu ra một thắc mắc khác.

Qua việc ái nữ nhà ông sẽ kết hôn với một công dân Mỹ trong tương lai gần, có thể thấy được gì ? Đó là cô ấy sẽ mặc định trở thành công dân Mỹ sau vài năm nữa. Khả năng cô ấy sẽ định cư luôn ở Mỹ là rất cao. Tất nhiên cô ấy có thể đi đi về về hoặc quay về Việt Nam làm việc trong một khoảng thời gian như ái nữ của ngài 3X, nhưng bảo cô ấy sẽ không nhập quốc tịch Mỹ là điều không thể tin được, mẹ kiếp, nó cũng hoang đường như chuyện dân Mỹ sẽ đổ xô đi mua xe điện Vinfast mà không thèm mua xe của Tesla !

Luật di trú Mỹ cho phép người nước ngoài đến Mỹ định cư theo diện con cái bảo lãnh cho cha mẹ. Nghĩa là sau khi trở thành công dân Mỹ, con gái ông hoàn toàn có đủ điều kiện pháp lý để bảo lãnh cho ông và phu nhân sang Mỹ định cư vào bất cứ thời điểm nào. Và nếu điều đó được thực hiện, thì sau khi sang Mỹ định cư một thời gian khoảng vài năm, ông bà hoàn toàn đủ điều kiện xin nhập quốc tịch và trở thành công dân Mỹ !

Như vậy phải chăng một lộ trình đã hiện ra ? Một lộ trình nhiều bước, với đích đến sau cùng là một happy ending mà ai cũng có thể hình dung được ?

Phải chăng lộ trình đó như vầy :

1. Tham gia đảng cộng sản 

2. Phấn đấu vươn lên đỉnh cao quyền lực

3. Dùng quyền lực làm công cụ kiếm thật nhiều tiền

4. Dùng tiền kiếm được đầu tư cho con cái sang nước tư bản du học và săn quốc tịch

5. Con cái trở thành công dân nước tư bản

6. Con cái bảo lãnh cha mẹ sang nước tư bản định cư

7. Thoát khỏi sự cai trị của đảng cộng sản

Wow, một lộ trình rất dài và không kém gian truân phải không ?  và thành công hay không, phải phụ thuộc vào sự phối hợp ăn khớp nhịp nhàng của 2 thế hệ : cha mẹ giải thoát cho con cái trước, rồi tới lượt con cái giải thoát cho cha mẹ. Ngoài ra, cũng phải có yếu tố may mắn nữa.

Một lộ trình kinh điển.

Một thực tế không thể phủ nhận là từ sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975 và đặt dưới lãnh đạo "tài tình sáng suốt" bởi đảng cộng sản, hàng triệu người Việt đã liều mạng vượt biên để thoát ly, ngay cả cột điện, nếu mà có chân, chắc cũng đã bỏ chạy mất dép rồi ! (cái này bác thủ tướng cờ lờ mờ vờ có nói nha, không phải là xuyên tạc đâu nha).

Vượt biên ! Đó là một lộ trình đầy rủi ro và đau thương cho những ai muốn thoát khỏi chế độ cộng sản. Nhưng sau khi các trại tị nạn dành cho thuyền nhân đóng cửa từ sau 1989 thì lộ trình này đã kết thúc. 

Tuy nhiên, nhu cầu thoát ly khỏi chế độ cộng sản chưa bao giờ suy giảm. Nên các lộ trình khác ra đời, chẳng hạn như mua con lai, kết hôn giả với người thuộc diện H.O, kết hôn với Việt kiều, du học rồi xoay sở tìm thẻ xanh, đầu tư EB5… thậm chí có cả một tổ chức bên Mỹ chuyên làm dịch vụ kết hôn giả cho khách hàng người Việt, có luật sư Mỹ tham gia và làm ăn rất phát đạt cho tới khi bị chính phủ Mỹ sờ gáy.

Tất cả những lộ trình đó đều có điểm chung : rất tốn kém và không bảo đảm.

Nghĩa là đối với một người dân bình thường, với mức thu nhập trung bình, thì hầu như không có lộ trình nào cho anh và gia đình anh thoát ly sang thế giới tự do văn minh cả, vì lấy tiền đâu mà cho con cái qua xứ tư bản du học để săn thẻ xanh ? Trừ khi anh dấn thân vào cái lộ trình 7 bước như mô tả ở trên, với bước đầu tiên, nền tảng và tiên quyết : gia nhập đảng cộng sản !

Nghe ra thì thật tréo ngoe, nhưng thật sự không thể làm khác được : gia nhập đảng cộng sản để sau này thoát ly khỏi nó vĩnh viễn ! Hay nói một cách nôm na dễ hiểu : muốn thoát khỏi cộng sản, trước tiên, hãy trở thành cộng sản !

Còn nhớ năm 2021, khi toàn quốc đang trong tình trạng phong tỏa Covid "ai ở đâu ở yên đó" bởi chỉ thị 16 thần tốc quyết liệt, thì thấy báo đăng tin ông bí thư thành Tam Kỳ dùng ôtô chở ái nữ ra tận sân bay Nội Bài để đi qua xứ tư bản du học. Phải chăng ông ta cũng đang thực hiện lộ trình kinh điển ấy ?

Lùi xa hơn về quá khứ, ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch thủ đô Hà Nội, phải chăng cũng đang ở đâu đó trên lộ trình này ? Trước khi bị bắt, ông ta đã kịp đưa con trai mình sang Mỹ đế du học, và trong dịch Covid, còn khuyên cậu ta hãy ở yên bên đó, đừng về nước. Nay ở trong tù, ông ta có mong cho cậu con mình sớm kiếm được thẻ xanh và nhập quốc tịch Mỹ hay không ? Và nếu mong ước đó thành sự thật, sau khi mãn hạn tù, ông ta có để cho cậu con bảo lãnh mình sang Mỹ định cư, an hưởng tuổi già hay không ?

Trước đó, từng có 2 vị đại biểu quốc hội, tức quan chức của chế độ cộng sản, bị phát hiện đã có quốc tịch nước ngoài, là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Phạm Phú Quốc. Có phải họ cũng đang thực hiện một lộ trình thoát ly tương tự ?

Vậy thì, liệu trong hàng ngũ của đảng hiện nay, có bao nhiêu phần trăm trong số hàng triệu đảng viên, đang âm thầm thực hiện lộ trình kinh điển ấy ?

Và liệu trong số những người đang nỗ lực phấn đấu để được kết nạp vào đảng hiện nay, có bao nhiêu phần trăm đang mưu tính thực hiện lộ trình này ?

Riêng với Vương chủ tịch, một trong các quan chức cao cấp nhất trong guồng máy lãnh đạo của đảng cộng sản, xin có thắc mắc là : phải chăng ông cũng đang thực hiện lộ trình thoát ly ấy ?

Xin nhấn mạnh đây là một thắc mắc, một câu hỏi, chứ không phải một sự khẳng định. Vậy thì người nêu ra thắc mắc như vậy có vi phạm điều 331 hay không ?

Bà Nguyễn Phương Hằng livestream nói chủ tịch Phan Văn Mãi thế này thế nọ và bị kết án bởi điều 331. Ông Lê Tùng Vân nói "hòa thượng" Thích Nhật Từ ngu như bò, cũng bị kết án 331. Cô bé streamer Milona nói chủ tịch nước xem phim 18+ suốt ngày nên bị hói, đang bị công an truy lùng, và chắc cũng khó mà tránh khỏi điều 331. 

Nhưng nếu họ không đưa ra những phát ngôn mang tính khẳng định, mà chỉ đặt câu hỏi, ví dụ, thay vì nói "Thích Nhật Từ ngu như bò" thì họ hỏi "Thích Nhật Từ có ngu như bò không ?" thì liệu họ có bị tòa án áp dụng điều 331 để kết tội không ?

Chí Quang

Nguồn : VNTB, 02/09/2022

*********************

Không bố mẹ nào đầu tư cả tỉ đồng cho con đi du học mà lại mong con học xong rồi về nước

Hoa Chanh Cafebiz, 06/07/2021

Đối với không ít bậc cha mẹ, trong rất nhiều con đường để đưa một đứa trẻ tiến đến sự trưởng thành và thành công thì du học là một lối đi rất xán lạn. Những đứa trẻ được gia đình đầu tư cho đi du học thường phải "gánh" trên vai cả một sự kì vọng to lớn. Các bậc phụ huynh thì luôn kì vọng rằng, sau quá trình tu nghiệp ở nước ngoài, con cái họ sẽ đến với một "chân trời mới", một thế giới mới, chẳng ai mong con mình sẽ bỏ "bể lớn" để về "ao nhà" ngụp lặn mưu sinh.

vuong2

Đáp lại lời nói thống thiết của cha mẹ, những đứa con du học chỉ muốn nói rằng : "Bố mẹ ơi, du học không phải là "con đường tắt" để đổi đời !"

Kỳ vọng của cha mẹ khi cho con đi du học

Du học là con đường ngắn và dễ dàng hơn cả để tiếp cận gần hơn với "văn minh thế giới" trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay. 

Để con em mình được đến gần hơn với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển, không chỉ các bậc phụ huynh ở thành phố lớn, mà ngay cả các gia đình khá giả ở nhiều miền quê cũng hết sức tạo điều kiện cho con em mình đi du học. Điều này đã khiến du học trở thành trào lưu mạnh mẽ. 

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng trong top những nước có học sinh, sinh viên du học nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Du học sinh Việt Nam có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là ở Úc, Mỹ, Nhật Bản. Những năm gần đây, số lượng quốc gia cấp học bổng cho Việt Nam ngày càng nhiều. 

Bên cạnh đó, các "thị trường du học" truyền thống cũng tăng thêm nhiều suất học bổng cho du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng du học sinh đạt được học bổng du học chỉ chiếm số ít, còn lại chủ yếu là học sinh, sinh viên du học theo hình thức tự túc.

vuong3

Để cho con em có cơ hội đi học tập ở nước ngoài, các bậc phụ huynh đã phải tiêu tốn không ít tiền của. Cha mẹ sẵn sàng chấp nhận tốn kém để con em mình có thể học tập trong một môi trường ưu việt hơn, và kì vọng rằng đi du học sẽ là con đường để đưa các em đến với một tương lai tốt đẹp. 

Bởi vậy, nhiều gia đình đã chấp nhận dồn tiền của cho con đi du học dù điều kiện kinh tế gia đình không hề dư giả. Nếu không có "của ăn của để", các bậc phụ huynh cũng sẵn sàng đi vay nợ để cho con em mình được xuất ngoại. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều du học sinh, đi du học bằng học bổng chỉ giúp đỡ các em bớt đi một phần chi phí, nếu muốn có được cuộc sống thoải mái ở nước ngoài, đa phần các em phải tìm việc làm thêm ngoài giờ lên lớp. Số tiền kiếm thêm này sẽ được dùng để chi trả sinh hoạt phí vốn khá đắt đỏ. Có học bổng đã vậy, nhưng nếu không có học bổng, đi du học theo dạng tự túc thì học phí và sinh hoạt phí chắc chắn sẽ trở thành một gánh nặng đáng kể, chỉ có những gia đình khá giả, có tiềm lực tài chính dồi dào mới có thể "tự tin" cho con mình tu nghiệp 4-5 năm ở xứ người.

Có một thực tế rằng, dù có được "sinh ra ở vạch đích" hay "sinh ra ở vạch xuất phát" thì những đứa trẻ được cha mẹ cho đi du học đều phải "cõng" theo cả sự kì vọng lớn lao của các bậc phụ huynh. Chị Thúy Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cho con gái đi du học từ đầu cấp 3, gia đình chị đã tiêu tốn mỗi năm khoảng 2 tỉ đồng, và phải chuẩn bị sẵn một số tiền lớn gấp nhiều lần để con gái có thể yên tâm theo học khoảng 4 năm. 

Đồng thời, chị Hà cũng thổ lộ, cho con đi học tốn kém như vậy, vợ chồng chị chỉ mong con có thể tìm được một công việc tốt, đúng với ngành học là thiết kế thời trang ở nước ngoài để có thể phát triển sự nghiệp một cách tốt nhất.

Cũng cùng suy nghĩ với chị Hà, anh Lực (Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ : "Cho con trai đi du học ngành quản trị du lịch ở Úc, nếu con giỏi giang hay thành đạt thì là cái tốt, nhưng nếu không thì cũng cố gắng tìm được một con đường để ở lại đó lập nghiệp. Mất công đi 4-5 năm rồi lại về nước thì… tốn cơm gạo của bố mẹ". Cũng theo anh Lực thì "chẳng có cha mẹ nào tốn hàng tỉ đồng cho con đi du học mà lại mong con về nước làm ăn, sinh sống cả !".

vuong4

Khi kì vọng của cha mẹ trở thành "liều độc dược"

Kì vọng của cha mẹ, về mặt tích cực, sẽ khiến cho con cái cảm thấy có động lực để phấn đấu trong bước đường trưởng thành, nhưng mặt khác, đó cũng là gánh nặng và đôi khi trở thành "liều độc dược" khiến các em suy sụp, kiệt sức. 

Nguyễn Hồng H. (Kinh Môn, Hải Dương) tâm sự : được cha mẹ đầu tư cho đi du học từ năm lớp 10 ; dù gia đình cũng thuộc hàng trung lưu chứ không dư giả gì nhiều, nhưng bố mẹ em vẫn chấp nhận cầm cố hết tài sản để lo đủ tiền cho em đi Nhật. Sang Nhật rồi, H. mới nhận ra rằng, kì vọng của bố mẹ cho con "đổi đời" là điều không tưởng; và rằng cuộc sống du học sinh ở đó không hề sung sướng, nhàn hạ như em nghĩ, mà là những tháng ngày tối mặt đi làm thêm, vất vả gấp mấy lần đi làm nông ở nhà. 

Sau 3 năm "du học", trở về nhà, H. cảm thấy như được "ra tù", nhưng cha mẹ em lại không hề vui vẻ; họ tỏ ra bất mãn vì em đã không thể tìm được cách để ở lại Nhật. H. sau đó đã bị khủng hoảng nặng nề khi cha mẹ liên tục mắng mỏ, nhiếc móc em là "đồ ăn hại". Trở về từ Nhật với tấm bằng gần như không có giá trị, H. không còn lựa chọn nào khác là "đầu quân" vào một khu công nghiệp, trở thành công nhân với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng. Sau khi mang "mác" du học về, H. càng tự ti hơn khi bị họ hàng, bạn bè coi mình là kẻ "vô dụng".

"Ôm mộng" cho con đi Canada du học rồi sẽ lập nghiệp và định cư luôn, chị Trần Bích N. (Ninh Bình) đã bán hết nhà cửa, cầm cố tài sản để gom góp đủ số tiền 600 triệu đồng, chị tâm sự: "Là mẹ đơn thân nên tôi không đắn đo nhiều, xác định đi là không về nữa nên chẳng giữ lại gì ở Việt Nam, mẹ sang cùng con để đi làm nuôi con ăn học…". Thế nhưng, mọi suy nghĩ lạc quan của chị đã sớm bị dập tắt khi visa du lịch khiến chị không thể tìm được việc làm ở nước ngoài, thêm vào đó, học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ khiến cho mẹ con chị nhanh chóng rơi vào tình trạng khánh kiệt. Rơi vào tuyệt vọng, chị N. phải vay tiền người thân từ Việt Nam gửi sang để mua vé máy bay cho hai mẹ con về nước chỉ sau một năm ở Canada. Giấc mơ đổi đời bằng con đường du học tan vỡ; nhưng éo le hơn chính là sự "nhỡ nhàng" của con gái chị, khi bỏ dở lớp 10 để đi du học. Sau sự việc đó, con gái chị bị sốc trong một thời gian dài và khó hoà nhập lại với bạn bè do cảm giác tự ti, thất bại.

Du học không phải là "con đường tắt" để đổi đời. Vậy nên các bậc phụ huynh hãy suy nghĩ kĩ trước khi quyết định cho con em mình đi du học, bởi nếu du học thất bại, đó hẳn sẽ là một vấp ngã lớn trên con đường trưởng thành, và không phải đứa trẻ nào cũng đủ nghị lực để vượt qua mà không trượt dài trong sự tự tin và thất vọng.

Hoa Chanh

Nguồn : Cafebiz, 06/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chí Quang, Hoa Chanh
Read 387 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)