Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/08/2022

Người Việt và muôn nẻo đường tiếp tục ra đi

Song May

Có một buổi cơm trưa, đang bưng chén cơm, bỗng cha tôi tần ngần ngừng ăn, chép miệng : "Chẳng biết mai sau căn nhà này còn ai ở ? Có đứa cháu nào chịu về đây ở không ?"

radi1

Một người bạn kể đàn ông nước ngoài sang Sài Gòn làm việc rất dễ tìm bạn gái (ảnh minh họa)

Ông chạnh lòng vì có ba đứa cháu đi du học và không muốn trở về Việt Nam. Đứa nhỏ nhất đang học đại học và lại là con gái, nếu lấy chồng thì phải theo chồng nên không chắc sẽ muốn thừa hưởng cái nhà mà ông bà chắt chiu gây dựng sau khi di cư vào Nam.

Thế hệ đầu tiên di cư vào Nam giờ tiếp tục phải chia ly với con, cháu

Dòng ký ức của ông lão gần 90 tuổi bỗng quay về làng Kiên Lao, Nam Định, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Ở đó, mẹ của ông đã phải cắt dần mảnh đất tổ tiên cho những người họ hàng xa, cốt đổi lại những ngày cuối đời có người chăm sóc.

Ngày ấy, khoảng thập niên 1960, khi Nam-Bắc nội chiến, bà tôi bị té ngã gãy một xương sườn, phải nằm trên giường bệnh một thời gian. Khi ấy, cả hai con trai đều ở trong Nam, còn con gái út lấy chồng xa nhà, vất vả lo miếng ăn cho đàn con nheo nhóc.

Thời ấy không có điện thoại, bà nội và cả cô tôi đều nghèo, tôi chắc bà nội và cô tôi chẳng mấy khi gặp nhau. Và thương nhất là cho đến khi từ trần (năm 1969) bà không bao giờ thấy lại hai đứa con trai, cũng không biết mình có bao nhiêu đứa cháu nội.

Mảnh đất của gia đình ông bà nội tôi ở Nam Định giờ đây toàn những người xa lạ cư ngụ, chẳng còn lại chút vết tích gì của ông tôi (đã mất sớm khi mới ngoài 30 tuổi) hay của bà tôi. Đó là căn nhà tổ tiên của dòng họ, nơi cha tôi ra đời và vĩnh viễn rời xa từ năm 17 tuổi.

Ngày ấy, vì đói và nghèo, cha tôi đã theo bạn cùng quê lên một chuyến tàu từ Nam Định vào Sài Gòn để xin làm phu đồn điền cao su ở Đồng Nai từ năm 1950 và hoàn toàn đứt liên lạc với bà nội. Đến đầu năm 1976, chồng của cô tôi lặn lội vào Sài Gòn tìm hai anh trai thì cha tôi mới hay bà nội đã từ trần.

Từ hôm nghe cha kể chuyện, tôi bỗng thấy thương bà nội, người mà tôi chưa bao giờ gặp, cũng chẳng thấy một tấm hình nào. Tôi hình dung ra cảnh bà nằm cô quạnh một mình trong căn nhà trống trải nhớ thương hai cậu con trai biền biệt phương Nam.

Trong cuộc đời, cha mẹ tôi không phải chia tay một đứa con nào, nhưng sau khi mẹ tôi từ trần, anh chị em nhà tôi thường chỉ hiện diện đủ vào ngày giỗ mẹ. Tôi nhớ đám giỗ mẹ lần gần nhất, cha tôi vui mừng vì gặp đủ các con, nhưng ông lại buồn vì chỉ nhìn thấy một đứa cháu.

Buồn, nhưng ông lại vui mừng cho tương lai của ba đứa cháu mà có lẽ ông khó có cơ hội gặp lại chúng. Nhiều năm trước, khi lần đầu tiên tôi chuẩn bị đi Mỹ, ông từng bảo : "Con tìm cơ hội ở lại đó luôn đi. Sống ở đây bệnh hoạn không có ai lo khổ lắm". Việc tôi đi chơi và trở về sau đó từng làm ông thất vọng.

Muôn nẻo ra đi cho người nghèo và cả người giàu

radi2

Mỗi lần về thăm nhà, tôi đều nghe ông kể chuyện trong xóm, nhà ai vừa mới đi định cư bên Mỹ, thanh niên thanh nữ nào chuẩn bị đi du học hoặc lao động hợp tác. Khác với dân miền Bắc thích chọn đường đến Châu Âu, trong khu xóm nhà cha mẹ tôi vùng ngoại ô Sài Gòn, ngoài diện định cư chính thức, các gia đình khá giả có hai cách để đưa con ra nước ngoài : du học (Mỹ/Úc) hoặc lao động hợp tác (Nhật/Hàn /Đài Loan).

Nói chung, tấm vé xuất ngoại đầu tiên của con cháu trong xóm nhà cha tôi đều hợp pháp, sau khi sang được tới "bển" thì tùy cơ ứng biến tìm cách ở lại.

Cách phổ biến được nhiều thanh niên thanh nữ chọn là tìm người bản xứ để kết hôn thật (hay giả). Chuyện này có vẻ dễ dàng với thanh nữ, còn thanh niên thì… hên xui – vì ngay cả việc bỏ tiền kết hôn giả cũng rất khó tìm cô gái bản xứ ưng thuận.

"Cửa hẹp hơn" đối với thanh niên, đồng nghĩa với việc bản thân thanh niên đó phải nỗ lực xin việc và chứng tỏ bản thân, nếu không phải kéo dài kiếp sống "illegal" (bất hợp pháp) để chờ đợi cơ hội.

Đó cũng là cách mà các đồng nghiệp và bạn bè có con gái của tôi chọn, khi cho con đi du học, tìm người kết hôn và sau đó con gái bảo lãnh cha mẹ.

Có những câu chuyện cười ra nước mắt : con gái sang du học cùng người yêu, sau đó người yêu kết hôn giả, đợi có quốc tịch mới quay lại cưới cô người yêu cũ ; tệ hơn, có cảnh đôi trẻ yêu nhau cùng đi du học, sau đó cô gái chia tay người yêu để tìm người bản xứ kết hôn.

Trong số những đồng nghiệp của tôi, có người độc thân hoặc đã ly dị chồng sau khi nghỉ hưu đi một chuyến du lịch sang Mỹ kiếm người kết hôn và ở lại. "Những con đường định cư" này trong lúc đang tiến hành đều bí mật, không ai hé lộ với ai.

Những người bạn doanh nhân của tôi thì có lộ trình ra đi rõ ràng hơn. Một ông chủ công ty sản xuất thực phẩm chế biến hơn bảy năm trước từng tự hào thổ lộ :

"Giờ làn sóng di cư mới rộ lên trong giới doanh nhân chứ 14 năm trước tôi đã mở chi nhánh công ty bên Mỹ, đưa vợ và các con sang đó hưởng nền giáo dục miễn phí. Các con của tôi đều tốt nghiệp loại giỏi bên đó mà không tốn tiền du học, giờ quay về Việt Nam phụ giúp tôi".

Nhiều doanh nhân nổi trội trong thời kỳ đầu đất nước mở cửa – thập niên 1990 đã chọn Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh những người bán công ty đi luôn, vẫn có người chọn cách điều hành công ty từ xa.

Tôi biết có công ty Việt Nam mà cả chủ tịch hội đồng quản trị lẫn tổng giám đốc đều đã định cư bên Mỹ. Kiếm tiền ở Việt Nam nhưng tìm cách sống ở nơi có môi trường giáo dục và y tế tốt hơn là chọn lựa của họ, một chọn lựa khôn ngoan của người giàu, nhưng tất nhiên, họ không cởi mở thổ lộ điều đó với tất cả mọi người.

Không chỉ người giàu, người nghèo ở Việt Nam cũng tìm cách ra đi theo kiểu của họ. Chẳng hạn những cô gái trẻ đẹp quanh khu phố tôi ở đều tìm cách lấy chồng nước ngoài.

Một người bạn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài kể tôi nghe đàn ông nước ngoài sang Sài Gòn làm việc rất dễ tìm bạn gái. Hẹn dạy học trò ở quán cà phê, bạn tôi bao phen phải tìm cách đuổi các cô nàng ngồi ở bàn bên cạnh tìm cách tán tỉnh học trò Tây của mình. Một học trò Tây của bạn tôi thừa nhận : "Con gái Việt dạn lắm, tao sang đây một năm mà đã có 10 cô bồ Việt rồi".

Thế nhưng dân Tây thường không dễ gì ngỏ lời kết hôn ngay, nên hầu hết các cô gái có tham vọng lấy chồng ngoại để đổi đời thường phải dọn đến sống chung nhà với trai Tây ít nhất vài năm, và nếu may mắn sau đó mới có chuyện đám cưới và làm giấy kết hôn.

Làn sóng đi qua ngả ‘tư vấn di trú’

radi3

Một trang web tư vấn định cư

Một con đường khác hợp pháp hơn mà dân trí thức Sài Gòn thường tìm đến là các công ty tư vấn di trú. Hầu như tuần nào tôi cũng nhận được thư quảng cáo của các công ty tư vấn di trú và nhiều nhất hiện nay là thư mời chào sang Canada.

Các công ty tư vấn định cư ở Sài Gòn thường đưa ra nhiều lựa chọn, từ Châu Âu, Úc, Mỹ đến Canada và tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, chi phí trọn gói từ vài trăm triệu đồng (vài chục ngàn USD) đến vài tỷ đồng (vài trăm ngàn USD), nhưng đi được hay không "hồi sau mới rõ".

Đầu tháng 9, một công ty tư vấn di trú sẽ tổ chức hội nghị đầu tư định cư quốc tế tại TP.HCM, với thông tin từ tạp chí EB5 Investors rằng Việt Nam là thị trường EB-5 lớn thứ hai toàn cầu. Mở văn phòng tại TP.HCM tháng 5/2006, công ty tư vấn di trú này đã trợ giúp hơn 2.500 gia đình Việt Nam định cư thành công sang các nước, đặc biệt là Mỹ, thông qua chương trình EB-5, với số vốn đầu tư thành công khoảng 1,3 tỷ USD vào Mỹ.

radi4

Một trang web khác tư vấn di trú

Như thế, sau thế hệ của cha mẹ tôi, thế hệ của tôi và giờ đến thế hệ của cháu tôi… việc di cư bỏ xứ ra đi chưa bao giờ chấm dứt.

Chiến tranh đã hết từ lâu nhưng người ta vẫn ra đi. Đó là bi kịch kéo dài của người Việt hay là chuyện mấy đời vẫn cố tìm cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở Việt Nam ? Ai biết xin cho một câu trả lời.

Song May

Nguồn : BBC, 29/08/2022

Song May, hiện sống tại Sài Gòn, Việt Nam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song May
Read 234 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)