Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/09/2022

Đà Lạt ngập lụt : hậu quả của sự kém cỏi về qui hoạch

Lâm Viên - Trần Văn Tường

Đà Lạt không ngập mới lạ !

Lâm Viên, VNTB, 03/09/2022

Dù mưa không quá lớn và chỉ kéo dài khoảng 40 phút nhưng đã khiến cho nhà của hàng trăm hộ dân trên đường Phan Đình Phùng phía đầu giao cắt với Xô Viết Nghệ Tĩnh và La Sơn Phu Tử, thuộc phường 2 thành phố Đà Lạt, và khu vực hẻm 33 Nguyễn Công Trứ bị ngập từ 50 tới 70cm.

dalat1

Hàng trăm hộ dân ở phố núi Đà Lạt bị ngập nặng sau một trận mưa chiều

Trận mưa cũng khiến một số tuyến đường khác như Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Trương Văn Hoàn… bị ngập. Có giải thích là hệ thống thoát nước của khu phố bị tắc. Người dân phải bậy nắp cống để khơi thông dòng chảy thì nước mới tiêu thoát dần.

Tháng 6/2015, Đà Lạt cũng từng xảy ra trận ngập kinh hoàng – sở dĩ gọi là kinh hoàng vì là thành phố cao nguyên, địa hình khá dốc tạo lợi thế lý tưởng trong việc thoát nước nên không ai dám tưởng tượng một ngày kia Đà Lạt lại ngập vì mưa hệt như Sài Gòn.

Ngày 1/6/2015, nước lũ từ thượng nguồn đổ dồn về suối Phan Đình Phùng, dòng suối đã được cải tạo mở rộng nhưng bị quá tải, nước lũ tràn qua hai bên gây ngập lụt cho hàng trăm hộ dân. Nước suối ở cầu Phan Đình Phùng thoát không kịp kéo cả bùn đất tràn lên mặt đường. Nước trong hồ Đội Có không thoát kịp ra hồ Xuân Hương, tràn lên cả mặt đường Trần Quốc Toản, khiến lưu thông khó khăn. Khu tái định cư Mạc Đĩnh Chi – Hoàng Văn Thụ bị ngập nước, có nơi ngập gần 2 m.

Từ những năm 2000, sau mỗi cơn mưa to, những khu dân cư dọc hai bên suối Cam Ly, dài 60km, chạy xuyên suốt trong lòng thành phố, khiến các vùng rau Thái Phiên, Chi Lăng, Mê Linh, Vạn Kiếp, khu dân cư Nam Thiên và hàng trăm nhà dân đều bị chìm trong nước.

Lịch sử hình thành và phát triển Đà Lạt cũng đã có những trận lũ lịch sử được ghi nhận, cụ thể là tháng 3 năm 1932, hồ Xuân Hương Đà Lạt ngày nay với dung tích trên một triệu mét khối (tên cũ Grand Lac tiếng Pháp là Hồ lớn) đã bị nước lũ cuốn trôi trong một cơn bão.

Lúc đó hồ Xuân Hương được ngăn thành 2 con đập tạo thành 2 hồ nước giữa trung tâm Đà Lạt vào các năm 1919 và 1923. Đây là một hồ nhân tạo được ngăn từ suối Cam Ly với mục đích tạo cảnh quan cũng như thêm  tác dụng điều tiết nguồn  nước trên dòng suối chính của Đà Lạt.

Ngoài hệ thống hồ nước, Đà Lạt với diện tích tự nhiên 395 km2, là hàng trăm quả đồi với một hệ thống khe suối bao quanh các thung lũng uốn quanh những quả đồi đó, tạo thành một thế thoát tự nhiên vô cùng hiệu quả. Rất tiếc, hệ thống khe suối này lâu nay không được chú trọng quản lý đúng mức, dẫn đến hệ thống khe suối này từng năm càng bị hẹp dần do người dân lấn suối để mở rộng diện tích canh tác.

Theo quan sát của người viết, từ hồ Xuân Hương ngược về phía thượng nguồn, có hàng ngàn nhà kính trồng rau, hoa, phủ kín hầu hết những vùng đất quanh suối.

Tại những nơi có nhà kính, khả năng thẩm thấu nước gần như bằng không, nước từ mái nhà kính qua máng gom sẽ chảy xuống suối, hay thậm chí chảy xuống những mương thoát nước sinh hoạt, và tạo thành những dòng nước lớn gây ra ngập úng.

Nếu như cuối thập niên 1990, Đà Lạt chỉ có rải rác một số nhà kính thì hiện nay diện tích các nhà kính đã tăng lên khoảng 2.500ha. Những nhà kính này trải đều ở các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, các xã Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành. Một số nơi trong nội thành có mật độ nhà kính dày đặc như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12.

Ngoài hồ Vạn Kiếp thì các hồ Tâm Sự, Thanh Niên hiện cũng không còn ; các hồ Đa Thiện 1, Đa Thiện 2 (phường 8) ngày càng thu hẹp do bị nhà kính bao trùm xung quanh.

Ngoài ra, theo lời người dân bản địa, cứ mưa lớn là rác thải trôi về quá nhiều trong khi đó đường mương thoát nước lại quá nhỏ, nhiều đoạn bị "thắt nút như cổ chai" nên nước thoát không kịp, dẫn đến ngập lụt…

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 03/09/2022

*************************

Đà Lạt ngập nặng : Kết cục không có gì lạ

Trần Văn Tường, VietnamNet, 021/09/2022

Cơn mưa chiều 1/9 kéo dài hơn 30 phút khiến Đà Lạt ngập nặng ở khu vực trung tâm với các tuyến đường Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Phan Đình Phùng… Nếu quan sát những gì đã và đang diễn ra thì kết cục đó không lạ, có thể dự báo trước.

Phố xá bê tông hóa, suối lấp dần

Một người bạn kiến trúc sư làm việc tại Hàn Quốc nhân dịp về Việt Nam đến Đà Lạt, sau đó kể với tôi rằng: Đà Lạt bây giờ khác quá, bê tông hóa, dày đặc nhà cao tầng, khách sạn. Dấu tích xưa ít dần, thấy lạ với môi trường tự nhiên trước đây.

dalat2

Nhiều tuyến phố ở Thành phố Đà Lạt bị ngập sâu chiều 1/9. Ảnh : FB

Danh lam thắng cảnh bị xâm hại, mảng xanh và rừng thông đã nhường chỗ cho các công trình. Suối bị lấn chiếm, lấp dần. Nhiều nơi đất trống vùng trũng, ngoại thành bỗng chốc được bao phủ bởi hệ thống nhà kính phục vụ trồng rau, hoa màu.

Anh tìm đến Đà Lạt với mong muốn hòa mình trong khí hậu mát lạnh, tham quan các di sản, cảnh đẹp tự nhiên. Theo anh, Đà Lạt nên hạn chế bê tông hóa khu vực trung tâm và ưu tiên cho các hoạt động giao thông công cộng, đi bộ, xe đạp.

Đứng trên tầng 7 khách sạn nhìn xuống khu vực trung tâm, tôi thấy hầu hết đã bê tông hóa, qua trao đổi với người bạn là dân bản địa làm xây dựng thì được biết trong các khu dân cư, thoát nước từ các công trình, nhà ở cá nhân phần lớn tự làm rồi đấu nối vào cống trên đường phố, cũng có không ít trường hợp đổ cả rác thải vào đó.

Hầu hết các tuyến đường có độ dốc khá cao, cửa thu nước xuống hố ga lại nhỏ và hẹp có thể khiến nước thoát không kịp, nhất là khi có mưa lớn. Cửa thu nước có kích thước gần giống nhau trong khi cống lớn, nhỏ khác nhau và bị rác bít gần kín.

Phá rạp chiếu phim để xây khách sạn

Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng nhưng hiện nay, nhắc đến địa điểm văn hóa và giải trí chỉ có một bảo tàng, một rạp chiếu phim, không có nhà hát hay sân khấu nào.

Trước đây, dù dân số chỉ khoảng 70.000 người nhưng có đến 4 rạp chiếu phim gồm các rạp Hòa Bình, Ngọc Lan, Ngọc Hiệp và một rạp khác trên đường Trương Công Định. Sau này, 3 rạp bị phá bỏ để xây khách sạn và công trình.

Giờ chỉ còn lại rạp Hòa Bình đã tồn tại từ thế kỷ trước là ký ức, gắn bó với nhiều thế hệ người Đà Lạt và du khách, có thể bị dỡ bỏ để xây dựng một khu phức hợp.

Dinh tỉnh trưởng trên đồi thông còn gọi là đồi Dinh rộng 4,43 ha có từ năm 1910 gắn với lịch sử Đà Lạt cũng bị di dời để xây khu thương mại, khách sạn cao cấp.

dalat3

Di sản Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt trước khi đưa vào quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình. Ảnh : NĐT

Đà Lạt với diện tích khoảng 393km² cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hơn 90 năm trước, những kiến trúc sư người Pháp lập quy hoạch Đà Lạt đã cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người.

Đến nay, với dân số hơn 300.000 người, khu vực trung tâm ngày càng bị bê tông hóa, mất nhiều mảng xanh, giảm chỗ trữ nước, gia tăng khách du lịch vào mùa khô, thiếu nước sinh hoạt là điều dễ hiểu và cũng là nguyên nhân kẹt xe, phải lắp đặt đèn tín hiệu chính thức. Đà Lạt không còn sở hữu danh hiệu "thành phố không đèn giao thông".

Thoát nước, cấp nước, giao thông là nhu cầu quan trọng nhất đối với con người. Thành phố nào vướng một trong các trường hợp này gặp vô vàn trở ngại, giảm chất lượng sống, khó phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý từng góp ý Đà Lạt không nên xây dựng nhà cao tầng khu vực trung tâm làm tăng đột biến dân số.

"Quy hoạch và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, Thành phố Đà Lạt" từng được chính quyền tỉnh Lâm Đồng công bố, giới chuyên môn đánh giá sẽ làm thay đổi toàn bộ diện mạo khu trung tâm Hòa Bình với hơn 30ha bao gồm toàn bộ diện tích từ bờ phía bắc hồ Xuân Hương. Theo quy hoạch và thiết kế đó, chỉ giữ lại ngôi chợ, rạp Hòa Bình phải dỡ bỏ, còn dinh tỉnh trưởng cũng bị di dời.

Đà Lạt trải qua lịch sử hơn một thế kỷ, thừa hưởng di sản kiến trúc giá trị gồm hàng ngàn biệt thự, hàng trăm ngôi chùa, nhà thờ, tu viện, dinh thự... Khu vực trung tâm với cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cùng với hồ Xuân Hương còn được biết đến với nhiều tên gọi như "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", hay "Tiểu Paris".

Quy hoạch và thiết kế đô thị thể hiện suy nghĩ, cách thực hiện chiến lược phát triển tương lai, có tác động rất lớn đến đời sống, tinh thần, sinh hoạt, kinh tế, di sản, văn hóa, xã hội ở nơi đó. Thực tế đã có những bài học đau xót trong quá trình đô thị hóa, nhắc nhở về tầm quan trọng đối với quy hoạch và thiết kế, nếu sai lầm sẽ dẫn đến lãng phí, thậm chí thiệt hại không gì có thể bù đắp.

Không để doanh nghiệp bất động sản tài trợ lập quy hoạch

Hiếm có thành phố nào ở các nước phát triển được cho là đáng sống để cho doanh nghiệp bất động sản tài trợ chi phí và kiến trúc sư đơn độc trong việc lập quy hoạch thiết kế đô thị. Họ luôn có sự tham gia phối hợp của các nhà đô thị học, kinh tế học, xã hội học, lịch sử, giáo dục, khí tượng, thủy văn và cả nhà nghệ thuật. Sau đó, ra sức điều tra nghiên cứu, lấy ý kiến người dân, loại bỏ tận gốc các khuyết tật hay những điểm không phù hợp dựa vào ý chí chủ quan cá nhân hay một nhóm lợi ích nào đó.

Mỗi đô thị có đặc thù khác nhau, không theo kiểu "một nhát cắt" đều thích hợp. Đà Lạt có địa hình tự nhiên và đặc sắc về lịch sử, văn hóa, di sản, kiến trúc như một tác phẩm nghệ thuật có tâm hồn… Quy hoạch hay thiết kế xây dựng cần xem xét thấu đáo các yếu tố đó, người thụ hưởng cảm thấy hứng thú và đảm bảo điều kiện sống.

Đà Lạt không thể phá vỡ thêm cảnh quan tự nhiên, trung tâm vốn nhỏ hẹp không gánh nổi nhu cầu mới ngoài sức chịu đựng. Khu thương mại, khách sạn, nhà nghỉ, nhà cao tầng thì xây dựng ở đâu chẳng được. Có thể phát triển đô thị vệ tinh ở Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Cát Tiên, Di Linh, Bảo Lâm và nhiều nơi khác. Đừng phát triển đô thị theo kiểu "vết dầu lan", trung tâm ngày càng bê tông hóa. 

Hãy bảo vệ môi trường, mảng xanh. Tận dụng địa hình tự nhiên, khoảng trống trên đường phố còn sót lại để phân thủy thoát nước. Khơi thông dòng chảy vốn có, nạo vét dọn rác thường xuyên giúp nâng cao năng lực thoát nước, mở rộng cửa thu nước phù hợp. Thay đổi cách thức, công nghệ làm nhà kính đảm bảo thấm hút nước.

Mong sao cấp thẩm quyền thận trọng nghiên cứu xử lý tốt mối quan hệ giữa hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ cảnh quan, giá trị nhân văn sâu xa, tình cảm cư dân trong đó. Bất kỳ ai khi đến cũng nhìn thấy giá trị lịch sử, bản sắc kiến trúc của Đà Lạt.

Đừng bao giờ loại bỏ thêm di sản, cảnh quan tự nhiên để áp quy hoạch và thiết kế đô thị hiện đại cho Đà Lạt. Không nên để các nhà đầu tư, bất kể là doanh nghiệp nào trong nước hay nước ngoài, tài trợ chi phí lập quy hoạch và thiết kế đô thị, dù đó là hỗ trợ không hoàn lại đi chăng nữa. Bởi một khi đã bỏ ra chi phí thì tổ chức, cá nhân đó có thể sẽ chi phối trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, không ai cho không, dư luận có thể hiểu ngầm rằng đã có định hướng ưu tiên lựa chọn đối tượng đó rồi.

Trần Văn Tường

Nguồn : VietnamNet, 02/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên, Trần Văn Tường
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)