Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2022

Cách quản lý Sài Gòn của Nguyễn Văn Nên đang làm Ba Đình lo ngại ?

Mục Đồng, Trân Anh, Bảo Trâm

An ninh mạng đang ‘tự diễn biến’ ?

Mục Đồng, VNTB, 04/09/2022

Dường như nội bộ đảng đang mất đoàn kết nội bộ !

nen1

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tham dự nghi lễ cúng giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt.

Sáng 26/8, tại Di tích lịch sử văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lễ giỗ có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khác.

Một bài viết không tên (Đời Lính@qdndvnnet) được đăng lên mạng xã hội (Facebook) về vấn đề tri ân Đức Tả quân Lê Văn Duyệt :

"Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đã có nhiều động thái tri ân Lê Văn Duyệt, vị đại thần triều Nguyễn, người có công lớn (cùng với Lê Văn Thành) giúp Nguyễn Ánh thắng quân Tây Sơn, thành lập vương triều nhà Nguyễn.

Lịch sử cần có cái nhìn khách quan, trung thực, không vì bất kỳ sự tác động nào để làm méo mó và lệch lạc bản chất vốn có của nó. Xưa nay, nhân vật Lê Văn Duyệt gây ra nhiều tranh cãi giữa công và tội, từ các sử gia triều Nguyễn cho đến thời ngụy Sài Gòn và cả thời kỳ sau 30/4/1975" (*).

Cùng với giọng điệu, lập luận sau đó của bài viết, mang hơi hướng kêu Ông là Nguỵ, là rước voi về giày mả tổ ?

"…LÊ VĂN DUYỆT CÓ TỘI VỚI DÂN TỘC KHÔNG ?

Xin thưa là có, thứ nhất, Lê Văn Duyệt theo Nguyễn Ánh từ những ngày đầu. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, Nguyễn Ánh chạy sang thần phục Xiêm La từ 1783-1785, Lê Văn Duyệt cũng có hai lần cùng Nguyễn Ánh sang Xiêm, quỳ mọp, phủ phục dưới gót chân của vua Xiêm. Nguyễn Ánh cầu Xiêm mang quân đánh Tây Sơn nhưng khi quân Xiêm vào miền Nam lại cướp bóc, hãm hiếp, trước khi bị vua Quang Trung tiêu diệt ở Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785…".

Vẫn chưa hết, theo bài viết này thì :

"…VÌ SAO TRƯỚC NĂM 1975, NGỤY SÀI GÒN VINH DANH LÊ VĂN DUYỆT, NHƯ ĐẶT TÊN ĐƯỜNG.

Cổ nhân dạy "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Gia Long, Lê Văn Duyệt cầu ngoại bang và ngụy Sài Gòn cũng là sản phẩm của người Pháp, Mỹ đẻ ra. Nghĩa là giữa họ có nét tương đồng là đều bán nước, làm tay sai cho ngoại bang, cỏng rắn cắn gà nhà.

Vậy nên đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu. Bán nước ca ngợi bán nước là lẽ thường, ngụy tôn vinh Gia Long, Lê Văn Duyệt là tự mình rửa mặt cho mình. Thế nên, Sài Gòn và Gia Định trước năm 1975 có tới hai đại lộ mang tên Lê Văn Duyệt. Đại lộ Lê Văn Duyệt của Đô Thành Sài Gòn hiện nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, còn đại lộ Lê Văn Duyệt của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Đinh Tiên Hoàng…".

Cũng xin được nói thêm, ông Nguyễn Văn Nên, được giới thiệu là một nhà chính trị người Việt Nam. Ông hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phan Văn Mãi (sinh ngày 25 tháng 2 năm 1973 tại Bến Tre) là một chính khách người Việt Nam. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khoá XV.

Sáng 25/8, UBND quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đón nhận Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Khai Hạ – Cầu An tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận.

Bên cạnh đó, ngày tiên của Giỗ Ông, nhiều chính khách của Thành phố Hồ Chí Minh tham dự với sự cung kính với tiền nhân, thì việc nói xấu chính quyền một cách công khai, thậm chí có tài khoản tên Lê Kim Thực, phần giới thiệu làm việc tại Hà Nội, đến từ Hà Nội còn công khai bình luận : "Lãnh đạo thành phố không phải ai cũng biết lịch sử dân tộc đâu. Chỉ ăn thôi. Nên mới cắm đầu phủ phục tôn vinh thằng bán nước", vậy có khác gì đang nói xấu chính quyền, đang bôi nhọ tư cách của Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng ?

Nếu đúng như bài viết không rõ tên và tài khoản facebook đó bình luận, vậy thì một Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, một Bí thư Thành ủy, cùng nhiều quan chức, chính khách khác của thành phố và dàn báo chí, truyền thông của Việt Nam tham dự lễ Giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt cùng nhiều người dân miền Nam khác đều bị "dắt mũi" ? Rồi cả Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nữa…

Cũng mong rằng, an ninh mạng sẽ làm đúng vai trò, chức trách của mình với những bài viết, bình luận mang tính chất xuyên tạc lịch sử, nhất là xoay quanh vấn đề Giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt cũng như việc những chính khách của thành phố tham dự lễ Giỗ Ông này.

Miền Nam có câu, người dân không thờ sai ai bao giờ. Xin nhớ giùm như vậy…

Mục Đồng

Nguồn : VNTB, 04/09/2022

(*) Facebook : Đời Lính@qdndvnnet, 29/08/2022

**************************

Bí thư Nên đang "tạo phản" và "suy thoái đạo đức", ông Trọng tính sao ?

Trân Anh, Thoibao.de, 04/09/2022

Ông Nguyễn Văn Nên vào Sài Gòn trong lúc ông Nguyễn Thiện Nhân đang vô dụng, dung túng cho Tất Thành Cang nhởn nhơ dù sai phạm đầy mình. Có Nguyễn Thiện Nhân, nhóm Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua kê cao gối ngủ mà không sợ ai phải động tới mình. Thế rồi ông Nguyễn Phú Trọng đưa Nguyễn Văn Nên về thành phố trong lúc ông Nên chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng.

nen2

Ông Nguyễn Văn Nên hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi về thành phố, Công an Thành Phố Hồ Chí Minh đã tóm Tất Thành Cang, đấy xem như là dấu ấn của Nguyễn Văn Nên "dâng lên ông tổng" Nguyễn Phú Trọng. Và sau đó là ghế Ủy viên Bộ Chính Trị dành cho ông Nên. Nói chung, những gì ông Nên làm từ năm 2020 đến 2021 đều làm cho ông Tổng khá hài lòng, tuy nhiên, việc nắm thành phố giàu nhất nước cũng tạo ra cho người lãnh đạo nơi đây một tâm lý rất bất lợi cho Trung ương, đó là tâm lý vua một cõi.

Lê Thanh Hải khi còn là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lẽ ra ông Hải bị bứng khỏi thành phố này để đưa ông Nguyễn Sinh Hùng về thay thế. Tuy nhiên, dựa vào thế lực gia tộc Lê Trương và vây cánh Miền Nam của ông ta nên Lê Thanh Hải lúc đó quyết "không nhường ngôi" và cuối cùng, Nguyễn Sinh Hùng phải nhận giải an ủi "chủ tịch Quốc hội".

Lê Thanh Hải xây dựng đế chế của ông ta mạnh đến mức, sau khi về hưu đã 6 năm mà ông Tổng Trọng vẫn không làm gì được. Ông Lê Thanh Hải dân gốc Tiền Giang cũng giáp Thành phố Hồ Chí Minh, ông ta đã xây dựng vây cánh mạnh như thế nào chắc ông Nguyễn Văn Nên cũng biết. Ông Nên là dân gốc Tây Ninh, cũng là dân Miền Nam sát thành phố, ông Nên về thành phố dễ bắt rễ hơn những con người nói tiếng Bắc. Vì thế khi về thành phố này khó lòng ông Nên không muốn xây dựng một đế chế riêng.

Dù là cộng sản, nhưng Miền Nam vẫn có tư tưởng tiến bộ hơn cộng sản Miền Bắc. Ông Nguyễn Phú Trọng là thế hệ sau nhưng tư duy không thoáng bằng ông Võ Văn Kiệt hay ông Phan Văn Khải thuộc lớp lớn tuổi hơn. Đó là thực tế.

Theo như những gì chúng tôi nắm được thì ông Nguyễn Văn Nên được lòng quan chức Miền Nam trong Bộ máy Chính quyền thành phố hơn ông Đinh La Thăng. Một phần cũng vì ông Nên là người Miền Nam dễ hòa nhập với văn hóa công chức bộ máy Chính quyền thành phố hơn, phần vì ông Nguyễn Văn Nên khôn ngoan hơn ông Đinh La Thăng.

nen3

Ông Nên tát vào mặt nền giáo dục xã hội chủ nghĩa

Đã 3 năm, thời gian đủ lâu để ông Nguyễn Văn Nên lập đế chế riêng. Những gì ông Lê Thanh Hải từng làm thì ông Nguyễn Văn Nên cũng có thể làm được. Gần đây có nhiều dấu hiệu lạ cho thấy ông Nên có vẻ như đang đi chệch quỹ đạo cộng sản, mà đặc biệt là đi ngược quan điểm bảo thủ của ông Tổng bí thu Nguyễn Phú Trọng.

Bắt đầu từ quyết định trả lại lư hương tượng Đức Thánh Trần, lập kế hoạch khôi phục lại tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành, khôi phục lại bùng binh cây liễu trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố. Đặc biệt là câu nói "Dạy các cháu trung thực các đồng chí à" như là gáo nước lạnh dội vào niềm kiêu hãnh của Đảng cộng sản mà ông Nguyễn Phú Trọng vung vén bấy lâu nay. Nói như thế chẳng khác nào thừa nhận nền giáo dục xã hội chủ nghĩa là nền giáo dục dối trá.

Đặc biệt là ông Nguyễn Văn Nên đi dự lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây là danh nhân được Việt Nam Cộng Hòa xem là người có công với đất nước, tuy nhiên Chính quyền cộng sản lâu nay vẫn phủ nhận công lao của vị tướng này.

nen4

Nguyễn Văn Nên thắp hương mộ Tả quân Lê Văn Duyệt

Nói tóm lại là con đường xây dựng thanh thế cho mình, ông Nguyễn Văn Nên đã nắm được sự mong muốn của dân Miền Nam và cả các thuộc hạ ông trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, hành động này chẳng khác nào ông Nên "phản bội" lại tư tưởng bảo thủ của ông Tổng Trọng. Nguyễn Văn Nên rõ ràng đang "suy thoái đạo đức" theo tiêu chuẩn của ông Tổng Trọng.

Trân Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 04/09/2022

*************************

Ông bí thư Nên đang có ý "ly khai" khỏi thế lực Miền Bắc ? Lành ít dữ nhiều !

Bảo Trâm, Thoibao.de, 04/09/2022

Như bản tin trước Thobao.de đã đưa về những hành động rất khác những ngày gần đây của ông Bí thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh. Theo một số nhà bình luận đánh giá thì hành động ấy của Nguyễn Văn Nên được đánh giá là bản lĩnh. Bởi ông đang làm Chính trị với một cách khác thường, đặc biệt là khác với đường lối bấy lâu nay mà Đảng cộng sản đề ra.

nen5

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Văn Nên tiến về Trung ương là nhờ bàn tay ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi ông được phân bổ về địa phương cũng nhờ bàn tay ông Tổng. Theo lẽ thông thường, nhiều quan chức sẽ rập khuôn những gì ông Tổng đưa ra, tuy nhiên khi ông Nên về Thành phố Hồ Chí Minh thì không còn đi theo cái khuôn ấy. Trước mắt, ông Nên đang rất được lòng giới quan chức Thành phố và cả những người dân cả nước. Tuy nhiên, bước đi này được nhiều người đánh giá là khá mạo hiểm bởi ông Tổng bí thư là người rất khó lường. Tín nhiệm đó, triệt hạ đó nên ai cũng sợ.

Thành phần Miền Nam trong Tứ Trụ luôn có tư tưởng tiến bộ hơn so với thành phần Miền Bắc. Người Miền Nam gần đây nhất có tầm ảnh hưởng lớn trong Tứ Trụ là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng là con người tai tiếng nhiều về tham nhũng, tuy nhiên về tư tưởng chính trị thì ông Dũng cởi mở hơn rất nhiều so với các quan chức Miền Bắc. Ông Dũng mạnh dạn cho con đi du học các nước Tư bản Phương Tây, ông mạnh dạn gả con gái cho con của một cựu quan chức Việt Nam Cộng Hòa mang quốc tịch Mỹ. Từ khi ông Dũng tháo cùm bảo thủ trong Đảng, thì sau đó hàng loạt quan chức công khai cho con cái du học các nước tư bản.

Ông Trọng thì ngược hoàn toàn với ông Dũng, nếu ông Dũng tai tiếng tham nhũng thì ông Trọng không có tai tiếng gì nhiều. Nếu ông Trọng bảo thủ thì ông Dũng cởi mở. Và như tin chúng tôi nắm được, có vẻ như ông Trọng đang cố loại người Miền Nam ra khỏi vị trí người đứng đầu Đảng bằng quy định "phải người Miền Bắc có lí luận". Và Đại hội 13 vừa rồi, chính ông cũng đá bay cánh Miền Nam ra khỏi Tứ Trụ và chỉ giữ lại người Miền Nam nào phục tùng ông. Hiện nay cánh Miền Nam chỉ có 3 ủy viên Bộ Chính Trị, đó là Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Văn Nên và Võ Văn Thưởng. Trong đó Trần Thanh Mẫn và Võ Văn Thưởng là người hiền từ dễ bảo thì Nguyễn Văn Nên được đánh giá là người không chịu an phận thủ thường.

nen6

Hai ông Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Văn Nên được đánh giá là người có tố chất làm chính trị nhưng làm chính trị theo cách hành động chứ không theo cách xu nịnh. Tuy nhiên, trong môi trường chính trị của Đảng cộng sản mà đi chệch hướng thì rất dễ quy vào tội "li khai" và bị triệt hạ. Bản thân ông Nguyễn Văn Nên đanh có tham vọng vào Tứ Trụ trong 3 năm tới và ông đã chọn con đường đi khác người, đó là lấy lòng cánh Miền Nam. Nếu ông Trọng không trở cờ thì ông Nên sẽ có 2 thế lực ủng hộ, đó là cánh Miền Nam lẫn cánh Miền Bắc, tuy nhiên, không biết trong 3 năm tới, ông Tổng Trọng có cho rằng, cách làm như thế là làm sống dậy tưởng cởi mở của cánh Miền Nam hay không ?

Nhiều người thân cận ông Tổng Trọng, từng là niềm hy vọng kế vị nhưng bị ông Tổng loại không thương tiếc, đó là ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Quốc Vượng. Cho nên không có gì đảm bảo để ông Nguyễn Văn Nên không bị ông Tổng lật kèo.

Có người ví gần ông Tổng Trọng như "chơi với cọp dữ" là bạn đó nhưng bị thịt đó là chuyện bình thường. Với ông Nguyễn Văn Nên, có lẽ cách tối ưu nhất để làm ông Tổng không phật lòng là làm mạnh hơn nữa vấn đề Thủ Thiêm, làm sao đưa Bộ Tam ăn đất là Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua thì sẽ làm hài lòng ông Tổng, và lúc đó những nước cờ chính trị mà ông đã đi ngược lại với quan niệm bảo thủ của ông Trọng sẽ được lơ đi. Có lẽ, đó là cách hay nhất để ông Nên vào Tứ Trụ.

Bảo Trâm (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 04/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mục Đồng, Trân Anh, Bảo Trâm
Read 936 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)