Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/09/2022

Đầu tư và thương mại, con ngựa thành Troy của Trung Quốc tại Cam Bốt

Barthélémy Courmont

Một bên chấp nhận là "tai, mắt" của Bắc Kinh trong ASEAN để đối lấy viện trợ và đầu tư, còn bên kia thì đã trông thấy Cam Bốt là một mảnh đất màu mỡ để cho các doanh nghiệp Trung Quốc khai thác và xem Phnom Penh như một công cụ hữu ích cả về chính trị lẫn chiến lược. Barthélémy Courmont, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, phân tích về chiến lược trong hơn nửa thế kỷ Bắc Kinh giữ Phnom Penh trong quỹ đạo.

dautu1

Bộ trưởng Quốc phòng Cam Bốt Tea Banh (trái) và đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian) tham dự lễ khởi công xây dựng căn cứ hải quân Ream, tỉnh Reah Sihanouk, Cam Bốt, ngày 08/06/2022. AFP – Pann Bony

Ngày 02/09/2022 Bộ Quốc phòng Cam Bốt "chân thành cảm ơn" Trung Quốc cấp cho Phnom Penh 150 chiếc xe để đưa đón các phái đoàn chính thức đến dự thượng đỉnh ASEAN và ASEAN+ vào tháng 11 sắp tới. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy, Trung Quốc không chỉ là nhà đầu tư và tài trợ quan trọng nhất tại Cam Bốt mà còn can thiệp vào đời sống chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.

Ngay từ những năm 1990, sau hiệp định Paris, Cam Bốt hội nhập trở lại với thế giới, rồi chính thức trở thành thành viên Hiệp Hội Đông Nam Á, Trung Quốc đã mau mắn tận dụng thời cơ, bắt rễ vào quốc gia với 15 triệu dân này. Công nghiệp dệt may, ngành du lịch, ngành khai thác đá quý, lâm sản, khai thác dầu hỏa, những công trình kiến trúc tại Phnom Penh, xa lộ, hải cảng, sân bay… Nơi nào cũng có vốn đầu tư của Trung Quốc.

Từ 2016, Con Đường Tơ Lụa Mới kết nối Hoa Lục với phần còn lại của thế giới chính thức có một chặng dừng ở Xứ Chùa Tháp. Chủ tịch Tập Cận Bình đã sang tận Phnom Penh với gần 20 dự án đầu tư, trong số đó có nhiều dự án chung quanh thành phố cảng Sihanoukville, nhìn ra Vịnh Thái Lan. Trung Quốc giờ đây là nhà đầu tư số 1 tại Xứ Chùa Tháp và đã thay thế Nhật Bản để trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Cam Bốt.

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Courmont, đại học Công Giáo Lille, kiêm giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS nhắc lại bang giao của trục Bắc Kinh –Phnom Penh gần như không thay đổi với thời gian và trải qua nhiều chế độ cầm quyền nhiều thế hệ lãnh đạo ở Cam Bốt.

**********************

Barthélémy Courmont Từ lâu Trung Quốc đã quan tâm đến Cam Bốt. Ngay từ thập niên 1960 hai quốc gia này đã có một mối quan hệ mật thiết. Vua Sihanouk từng có những liên hệ cá nhân rất tốt với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Mọi người còn nhớ rằng khi bị lật đổ sau một cuộc đảo chính năm 1970 Sihanouk đã sang Trung Quốc tị nạn. Mối thâm giao này đã được duy trì ngay cả dưới chế độ Khmer Đỏ. Mãi cho đến chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 (…) khi mà Trung Quốc thua cuộc và chính quyền Cam Bốt được đặt dưới sự yểm trợ của chính quyền Hà Nội. Trong thập niên 1980, bang giao giữa Bắc Kinh với Phnom Penh nguội lạnh. Nhưng tình huống thay đổi hẳn kể từ sau hiệp định Paris 1991 và nhất là trong suốt thập niên 1990 Đảng Nhân Dân Cam Bốt lên cầm quyền, Sihanouk trở về nước sau nhiều năm lưu vong, với cương vị quốc vương Cam Bốt ông nắm giữ quyền lực một cách tượng trưng.

Trung Quốc vận động để Cam Bốt vào ASEAN

1999 là một cột mốc quan trọng khác, khi quốc gia này Đông Nam Á này gia nhập ASEAN nhờ Bắc Kinh đã vận động ráo riết. Trung Quốc đã dẫn dắt Cam Bốt trong suốt quá tình tái sinh. Giáo sư Courmont giải thích :

Barthélémy Courmont : Trong suốt thập niên 1990 Cam Bốt là một trong những nước nghèo, một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất trên thế giới. Nhiều thách thức to lớn về mặt kinh tế cũng như là xã hội chờ đợi quốc gia Đông Nam Á này. Trong suốt khoảng thời gian đó Trung Quốc đã tăng cường hiện diện tại Xứ Chùa Tháp với những phương tiện đang có trong tay, nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc đã dựa vào cộng đồng người Hoa ở Cam Bốt chiếm khoảng 15 % dân số tại quốc gia Đông Nam Á này. Xu hướng này càng gia tăng trong kể từ 25-30 năm nay. Trung Quốc càng lúc càng hiện diện trên lãnh thổ Cam Bốt.

Hun Sen, loa phóng thanh của Bắc Kinh

Trong chiến lược giữ Cam Bốt trong quỹ đạo, Trung Quốc đã sớm trông thấy một điểm tựa vững chắc là thủ tướng Hun Sen : Dù là người của Hà Nội, nhưng ông này đã càng lúc càng ngả về phía Bắc Kinh. Ông trở thành "cổng vào" Cam Bốt của các doanh nhân và các nhà đầu tư Trung Quốc. Hun Sen đã bật đèn xanh cho rất nhiều các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc. Chẳng hạn như hồi năm 2000 khi khám phá một giếng dầu ngoài khơi Phnom Penh đã gạt đối tác truyền thống là Singapore để nhường phần cho tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Nhưng Bắc Kinh còn nhìn xa hơn cả những lợi ích kinh tế. Năm 2009 vài ngày sau quyết định trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc, Phnom Penh ký với Bắc Kinh 14 thỏa thuận hợp tác kinh tế, trị giá 850 triệu đô la. Giáo sư Barthélémy Courmont, đại học Lille giải thích về sự "liên kết" của chính quyền Hun Sen với Bắc Kinh về nhiều mặt, từ kinh tế, đến chính trị, chiến lược :

Barthélémy Courmont : Phần lớn các công trình kiến trúc tại thủ đô Phnom Penh các tòa nhà của chính phủ, các cơ quan chính thức của Nhà nước đều do các tập đoàn Trung Quốc xây dựng. Tôi muốn nói đến trụ sở Quốc Hội, phủ thủ tướng… Qua đó chúng ta thấy mức độ rất chặt chẽ trong liên hệ giữa ông Hun Sen với Trung Quốc. Bắc Kinh dựa vào thủ tướng Hun Sen, một nhà lãnh đạo chuyên chế, tập trung quyền lực trong tay, để bắt rễ vào Cam Bốt. Đổi lại chính quyền Phnom Penh trong tay Hun Sen tán đồng lập trường của Trung Quốc trên nhiều hồ sơ như là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Bắc Kinh với nhiều thành viên ASEAN (Philippines, hay Việt Nam). Một cách tự động Cam Bốt luôn tán đồng và ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Hệ quả kèm theo là lập trường của Phnom Penh luôn trái ngược lại với những lợi ích của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là đi ngược lại với những lợi ích của Việt Nam.

Đấy mới chỉ là một thí dụ cụ thể về hậu quả từ việc Trung Quốc dùng đầu tư và mua chuộc Cam Bốt.

Barthélémy Courmont : Sự gần gũi đó giữa Trung Quốc với Cam Bốt khiến ASEAN rất khó tìm được một tiếng nói chung trong chiến lược đối ngoại với Bắc Kinh. Chẳng hạn như trên vấn đề cùng khai thác các dự án trên sông Mekong. Tuy nhiên quan trọng hơn cả, như vừa nói là trên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trên tất cả những hồ sơ có liên quan đến Trung Quốc, ASEAN hoàn toàn bất lực để tìm ra đồng thuận, do Phnom Penh luôn bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh, đứng về phía Trung Quốc.

Ream, "thêm một bước nữa" trong chiến lược thâu tóm Đông Nam Á

Về quân sự và chiến lược, mọi chú ý đang dồn về căn cứ hải quân Ream, cách thành phố cảng Sihanoukville chưa đầy 30 km về phía nam. Đầu tháng 6/2022 Cam Bốt và Trung Quốc chính thức khởi động chương trình "nâng cấp" căn cử hải quân này. Truyền thông Hoa Kỳ báo động Bắc Kinh sẽ được "độc quyền" sử dụng một phần căn cứ ngay bên bờ Vịnh Thái Lan, một phương tiện để Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn các đảo đá đang tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông. Cho dù những thông tin chính xác về mức độ đầu tư của Trung Quốc tại căn cứ quân sự này còn được giữ bí mật nhưng giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp, Barthélémy Courmont giải thích về tầm mức quan trọng về mặt chiến lược và an ninh đối với Trung Quốc :

Barthélémy Courmont Đây sẽ là căn cứ quân sự thứ nhì của Trung Quốc ngoài lãnh thổ, sau căn cứ thường trực tại Djibouti. Đây sẽ là một biểu tượng rất quan trọng, bởi vì sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc đặt căn cứ hải quân trên lãnh thổ của một thành viên của ASEAN, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, bên cạnh những căn cứ đã bồi đắp ở Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy cả về mặt biểu tượng lẫn thực chất, theo tôi, căn cứ Ream sẽ có tầm cỡ quan trọng còn hơn cả so với căn cứ đã hoạt động tại Djibouti, bởi đây sẽ là một căn cứ hoạt động ngay giữa lòng ASEAN, sát cạnh cửa ngõ Trung Quốc. Sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc này khiến khả năng các nước Đông Nam Á cưỡng lại sức mạnh và ý muốn của Bắc Kinh sẽ lại càng hạn hẹp hơn nữa. Hiện diện ở Ream, Trung Quốc rồi đây sẽ có thể áp đặt quan điểm với một số thành viên ASEAN, mở rộng thêm nữa ảnh hưởng với Cam Bốt.

Nhưng một lần nữa giới phân tích nhắc lại, hợp tác quân sự song phương "không mới chỉ bắt đầu từ hôm qua". : năm 1997 ông Hun Sen đã ký với thủ tướng Lý Bằng một thỏa thuận hợp tác nhờ Trung Quốc giúp đào tạo cảnh sát. Cùng năm Bắc Kinh đã viện trợ cho Phnom Penh 116 xe vận tải quân sự 70 xe jeep tổng trị giá 2,8 triệu đô la.

Trong một bài nghiên cứu đăng trên The Conversation ngày 02/03/2021, hai chuyên gia Pháp về địa chính trị và quan hệ quốc tế, Emmanuel Véron và Emmanuel Lincot nêu bật một chi tiết : ba thành phố du lịch nổi tiếng của Cam Bốt bao quanh căn cứ hải quân Ream, phần lớn các cơ sở hạ tầng tại cả ba địa điểm du lịch đó, (khách sạn, song bài, hàng quán, sân golf, bến tàu…) do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng, và chủ yếu là để phục vụ du khách Trung Quốc. Đây là những công dân Trung Quốc đông hơn người bản địa. Tiêu biểu nhất cho thấy vốn của Trung Quốc đã "đổ bộ" đến khu vực này là dự án xây dựng khu nghỉ mát ở Dara Sakor, tỉnh Koh Kong, trải rộng trên 90 km bờ biển Cam Bốt.

Để kết luận giáo sư Courmont nhìn nhận, không hay ho gì khi chấp nhận làm chư hầu cho Trung Quốc để đổi lấy viện trợ và đầu tư nhưng xét cho cùng, ông Hun Sen khi một khi đã chọn cai trị đất nước với một bàn tay sắt và để duy trì chiếc ghế quyền lực, thì Phnom Penh có sự lựa chọn nào khác hay không ?

Barthélémy Courmont : Cam Bốt là một quốc gia tương đối bị cô lập trên trường quốc tế. Phương Tây lên án Hun Sen, đàn áp đối lập, giải thể các đảng phái chính trị chống đối ông ta. Trong cuộc bầu cử 2018 đảng Nhân Dân Cam Bốt và liên minh đã kiểm soát toàn bộ Quốc Hội. Mỹ và Liên Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt Cam Bốt. Về kinh tế, quốc gia Đông Nam Á này dù đã phát triển trong hơn 20 năm qua, dù có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng Cam Bốt vẫn là một nước nghèo với những nhu cầu vô cùng to lớn về cơ sở hạ tầng. Bị Âu, Mỹ tẩy chay, Phnom Penh không có nhiều sự chọn lựa nào khác ngoại trừ Trung Quốc. Nhật Bản vốn là một trong những nhà đầu tư nhiều vào Xứ Chùa Tháp nhưng khác với Bắc Kinh, Tokyo lung túng vì chính sách đàn áp đối lập của Hun Sen. Trong điều kiện đó, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất đầu tư vào Cam Bốt.

Tựa như Lào, Sri Lanka, Cam Bốt cũng đứng trước nguy cơ sa bẫy nợ Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh luôn áp dụng một công thức : đầu tư vào một số chính khách ở những nơi Trung Quốc muốn bắt rễ vào. Đấy là những cửa ngõ để thực hiện các mục tiêu chính trị và chiến lược lâu dài.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFI, 06/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Barthélémy Courmont, Thanh Hà
Read 235 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)