Đảng mạnh lên nhưng thị trường yếu đi
Ngày 5/9/2022, Quy định số 80-QĐ/TW được ban hành nhằm khẳng định lại quyền lực của Bộ Chính trị trong công tác cán bộ giúp Đảng cộng sản mạnh lên trong bối cảnh có những dấu hiệu thị trường đang yếu đi đe doạ kinh tế tăng trưởng bền vững.
Biển cổ động cho Đảng cộng sản Việt Nam cùng với những tấm biển quảng cáo hàng hoá trên đường phố Hà Nội hôm 18/11/2015 (hình minh hoạ) - AFP
Thị trường từng không những chỉ ‘cứu’ sự tồn vong của chế độ mà còn phát triển đất nước. Làm thế nào mà Việt Nam từng là một trong những nước nghèo nàn, lạc hậu lại trở thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình trong ba mươi năm ? Câu trả lời tin cậy là : thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm mọi thứ đang thay đổi khó lường : Đảng mạnh lên nhưng thị trường đang yếu đi…
Năm 1945, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã giành được độc lập và tuyên ngôn xây dựng một nhà nước "dân chủ, cộng hoà" hiện đại kiểu phương Tây. Tuy nhiên, do điều kiện phức tạp bởi chiến tranh và phong trào cộng sản quốc tế mà có sự thay đổi chế độ dựa vào nền tảng tư tưởng Mác - Lênin theo con đường xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa). Đó là thiên đường nơi mọi người "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" ; "chiếm hữu là kẻ thù của con người" nên tài sản là của toàn dân và Nhà nước sẽ thay mặt nhân dân quản lý và chăm sóc họ ; Không còn những nhà tư sản tham lam để duy trì chế độ bóc lột sức lao động ; Giới tinh hoa phải "ra khỏi Tháp Ngà", rèn luyện đạo đức, tinh thần cách mạng để trở thành tác nhân của một tương lai mới và vinh quang…
Để biến Việt Nam thành thiên đường này, mô hình toàn trị kiểu Xô viết đã được xây dựng và áp dụng. Và, cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được tiến hành : cải cách tịch thu ruộng đất và đấu tố địa chủ, cải tạo công thương nghiệp và các nhà tư sản, quốc hữu hóa tất cả… Nhưng thay vì tạo ra thiên đường trên mặt đất, những chính sách này đã biến đất nước thành ‘địa ngục trần gian’. Tình trạng thiếu thốn đủ thứ đã diễn ra. Một đất nước nông nghiệp giàu tiềm năng đã không đủ gạo ăn, chế độ phân phối từ chiếc nan hoa xe đạp đến từng mét vải, cơ sở trường học, y tế tồi tàn… Sài gòn trước tháng tư năm 1975 được ví như "Hòn ngọc Viễn Đông" đã trở nên xập xệ... Trước thời điểm Đổi mới, hơn 90% dân số sống dưới mức nghèo khổ, thu nhập dưới một đô la một ngày. Xã hội bình đẳng duy nhất chỉ là chủ nghĩa bình quân khốn khổ như nhau.
Từ cuối những năm 1980 những người lãnh đạo nhận ra rằng điều này không thể tiếp diễn lâu hơn nữa. Cách duy nhất để cứu vãn chế độ độc Đảng cộng sản là chuyển nền kinh tế sang thị trường. Tranh luận về ai là tác giả của chính sách Đổi mới không có nhiều ý nghĩa, khi một nhóm nông dân ở Vĩnh Phú được cố Bí thư tỉnh Kim Ngọc ‘lờ đi’ để thực hiện ‘khoán chui’, sau khi hoàn thành mức khoán của hợp tác xã, họ sẽ được phép giữ lại bất kỳ khoản thặng dư nào cho riêng mình và bán những thứ họ không cần. Muộn hơn là trường hợp "phá rào" của cố Bí thư tỉnh Long An Chín Cần , bỏ "ngăn sông cấm chợ" để buôn bán ‘không lỗ’… Những động thái như vậy là mạo hiểm vì nó là sự bác bỏ các chính sách xã hội chủ nghĩa của Đảng cộng sản. Nhưng như chúng ta chứng kiến, kết quả thật kỳ diệu.
Đó là những sự kiện quan trọng khởi đầu cho chủ trương Đổi mới. Theo đó, những cải cách kinh tế sâu rộng đã được công bố, mở cửa với thế giới bên ngoài, "trải thảm đỏ" cho đầu tư nước ngoài, và quan trọng nhất, nới lỏng sự kìm kẹp của Nhà nước đối với người dân. Kết quả mà chính sách chuyển đổi thị trường mang lại là ấn tượng. Nền kinh tế càng trở nên tự do, mức sống người dân được cải thiện. Trong khoảng thời gian ba thập kỷ tính từ 1986 hàng chục triệu người đã thoát đói nghèo. Diện mạo đô thị và nông thôn khang trang hơn...
Bài học lớn cho cải cách chuyển đổi là có được những thành tích ấn tượng nêu trên, nhờ chính sách Đổi mới của Đảng cộng sản cũng là một cách nói, nhưng thực chất là nhờ "phép lạ" của kinh tế thị trường và nhờ những nông dân và cán bộ dũng cảm đã ‘liều mạng’ tự cứu mình. Hơn thế, "phép lạ" này đang giúp nền kinh tế dần khắc phục những hậu quả nặng nề, "bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế", do những sai lầm chính sách tăng trưởng kinh tế ‘nóng vội’ trong những năm 2010 khi coi các tập đoàn kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa là trụ cột thúc đẩy.
Tuy nhiên, những sai lầm chính sách này đã là nguyên cớ cho sự tập trung quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam để sự quay trở lại mô hình khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, trong đó Chính phủ phải nằm trong tầm kiểm soát. Trong những năm gần đây, Đảng cộng sản đang thâu tóm mọi quyền lực thông qua việc chính thức hoá hàng loạt các quy định trong nội bộ Đảng. Mới đây Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được ban hành nhằm khẳng định lại quyền lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khiến Ban Ban Chấp hành Trung ương, hữu danh là cơ quan lãnh đạo cao nhất, đã trở thành nơi hợp pháp hoá các quyết định nhân sự.
Từ Đại hội 13 của Đảng cộng sản năm 2016 chính sách chuyển đổi thị trường đã có ‘điều chỉnh’ trong bối cảnh chiến dịch chống "suy thoái chính trị" và tham nhũng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Chính phủ "kiến tạo phát triển" nhiệm kỳ 2016-2021, sử dụng bộ máy hiện có để tạo môi trường kinh doanh sao cho không gây hiệu ứng phụ đối với chế độ và, nó chỉ mang tính ‘quá độ’ sau bất ổn, đang dần nhường chỗ cho chế độ "đảng mạnh, nhà nước mạnh" bắt đầu từ nhiệm kỳ 13 này. Chính phủ đương nhiệm (2021-2026) đang ‘chạy đôn chạy đáo’ để thực thi các nghị quyết của Đảng, cả mới và cũ, có liên quan. Nhiều vấn đề cấp bách, chẳng hạn như sửa Luật Đất đai 2013, đã không thể được tiến hành khi chưa có nghị quyết Đảng.
Đang có những dấu hiệu cho thấy thị trường yếu đi. Chống tham nhũng càng phơi bày sở hữu toàn dân, tài sản công vẫn là mảnh đất màu mỡ nhưng tư nhân hoá bị đình trệ. Trừng phạt các cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng hay suy thoái tư tưởng khiến bộ máy trở nên tắc nghẽn và chủ nghĩa cơ hội chính trị nảy sinh. Đàn áp "bành trướng tư bản vô trật tự", thao túng thị trường tài chính đã gây ra một làn sóng chấn động giới đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy đầu tư công phơi bày những bất cập chính sách có liên quan, năng lực cán bộ thực thi yếu và lãng phí ở các khâu có liên quan dẫn đến hiệu quả thấp. Phản ứng của thị trường kiến cho việc đấu thầu bị ngưng trệ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế và sách giáo khoa…
Đảng càng kiên định chủ nghĩa xã hội thì tâm lý trông chờ vào sự "cứu trợ" từ nhà nước càng nặng nề. Bộ Chính trị vừa quyết định bổ sung hơn 26 nghìn giáo viên khi các trường học trong cả nước kêu thiếu từ lâu. Biên chế cứ mãi phình to mà không thể "tinh giản". Tình trạng bỏ việc của công chức và nhân viên y tế các bệnh viện công đang là cớ để đòi tăng lương hay xin thôi tự chủ. Chính sách tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trở thành "nửa vời" và đang có nguy cơ phá sản… Ngoài ra, Đảng càng mạnh người dân ngày càng trở nên ít tự do hơn, buộc họ phải đánh đổi tự do lấy sự an toàn, cam chịu.
Đảng khẳng định quyền lực tuyệt đối để kiểm soát toàn diện đang cản trở chuyển đổi thị trường. Quan hệ giữa Đảng cộng sản và thị trường là mối quan tâm đặc biệt trong cải cách chuyển đổi kinh tế. Những trường phái lý thuyết ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào thị trường như John Maynard Keynes (1883–1946) hay Joseph Eugene Stiglitz (1943 -) được ưu tiên nghiên cứu áp dụng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai kiểu chế độ đã không hỗ trợ nhiều cho việc Đảng lãnh đạo thị trường mà không dẫn đến bất ổn. Thị trường càng thâm nhập sâu rộng vào nền kinh tế càng cần thể chế hoá các nguyên tắc như sở hữu tư nhân được thiết lập đảm bảo cho nó vận hành, ngăn ngừa những mặt trái. Hơn thế, thị trường đòi hỏi cơ chế giám sát quyền lực thích hợp như phân quyền độc lập, đối nghịch với cơ chế tập quyền.
Tính chính danh của Đảng cộng sản, của chế độ được đảm bảo bởi tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường. Phủ nhận động lực thị trường là không thể, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng cộng sản đang quay trở lại kiểu mô hình toàn trị quá khứ. Khi đó, liệu kinh tế có thể tăng trưởng bền vững ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 08/09/2022