Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2022

Trò chuyện với nhà báo Lê Kiên Thành : Tôi là người hạnh phúc

Lưu Quang Định & Lương Bích Ngọc

cui3

Phóng viên Dân Việt trò chuyện với nhà báo Lê Kiên Thành

1. Nghề báo tìm đến với tôi

Dân Việt : Xin được bắt đầu với tin nổi bật thời gian gần đây. Giờ chúng tôi không chỉ gọi anh là nhà báo Lê Kiên Thành mà còn có thể bắt tay với "Ông Lê Kiên Thành trưởng đại diện văn phòng phía Nam của Tạp chí Việt Mỹ…". Nghĩa là anh có thẻ nhà báo từ trước rồi. Tôi cũng rất bất ngờ. Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào ?

Lê Kiên Thành : Trước đây, tần suất xuất hiện của tôi trên báo chí cũng nhiều, khi thì trả lời phỏng vấn, khi thì viết bài. Tôi đã là người của Tạp chí Việt – Mỹ của Hội Việt – Mỹ một thời gian lâu rồi, vì thế, tôi có thẻ nhà báo. Khi Tạp chí Việt – Mỹ muốn mở chi nhánh ở phía Nam, theo quy định, trưởng văn phòng đại diện phải có thẻ báo chí được cấp tại cơ quan báo chí có văn phòng đại diện. Họ không tìm được người đủ tiêu chuẩn. Thế rồi họ nhờ tôi làm Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam. 

Đây là Tạp chí của Hội Việt – Mỹ. Với các nước, Việt Nam đều có Hội hữu nghị ví dụ Hội hữu nghị Việt – Trung, Hội hữu nghị Việt – Nga. Riêng với Mỹ thì chỉ có Hội Việt – Mỹ, không có chữ "hữu nghị". 

Công việc hiện tại của tôi là phụ trách các việc liên quan đến văn phòng đại diện phía Nam, điều phối hoạt động của các phóng viên, các công việc hành chính… Tôi vẫn viết bài, như bài viết mới đây là "Nghĩ về quan hệ Việt Nam và Mỹ", nhân ngày quốc khánh Mỹ. Thực ra từ trước khi làm việc cho tạp chí, tôi đã viết những bài như thế rồi.

Dân Việt : Ngày trước nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn từng lãnh đạo dân tộc kháng chiến chống Mỹ. Đến hôm nay, anh viết về quan hệ Việt – Mỹ. Có vẻ, lịch sử đã lùi về sau rất xa…

Lê Kiên Thành : Cách đây khoảng 20 năm, chính những người làm công tác ngoại giao ở Mỹ lại quan tâm đến tôi. Họ vào Thành phố Hồ Chí Minh để gặp gỡ phỏng vấn tôi về mối quan hệ giữa hai nước, và cả tư duy phát triển của Việt Nam.

Tôi còn nhớ lần đó, khi nhận lời tiếp đoàn của Đại sứ quán Mỹ, tôi cũng băn khoăn nhiều lắm. Bởi vì những chuyện như vậy là nhạy cảm, bản thân tôi cũng là nhân vật dễ gây nhạy cảm. Dù tôi không làm gì trong chính quyền tuy nhiên những điều tôi nói ra có thể khiến nhiều người phải suy nghĩ. 

Sau đó, tôi nghĩ rằng, vẫn có rất nhiều điều mà phía Mỹ không hiểu hết, tại sao lại không gặp nhau để trao đổi ? Thế là tôi đồng ý tiếp xúc. 

Họ cảm ơn tôi đã tiếp và câu đầu tiên họ hỏi là : Liệu chúng ta có thể trao đổi thẳng thắn với nhau được không ? 

Tôi trả lời : Hai bên đã chiến đấu với nhau hàng chục năm trời. Như vậy là đã quá thẳng thắn với nhau rồi. Việt Nam cần gì và nước Mỹ cần gì, chúng ta phần nào đã thể hiện trong cuộc chiến tranh đã qua. Thêm một cuộc nói chuyện này nữa, tại sao lại không được ?

Thời điểm đó tôi đang làm chủ một doanh nghiệp tư nhân. Người trong đoàn Đại sứ quán Mỹ hỏi tôi rằng nếu cha tôi còn sống, liệu rằng ông ấy nhìn việc tôi đang làm như thế nào ? 

Tôi cười và nói : Ngay cả nhiều người Việt Nam cũng chưa hiểu về cha tôi. Tôi kể cho họ nghe một vài câu chuyện để họ thấy rằng, đối với cha tôi, từng hành động, cử chỉ cho tới từng cái nhìn, hơi thở đều vì lợi ích của đất nước. Đối với nước Mỹ, từ tư duy tới hành động của cha tôi cũng đều không nằm ngoài điều này.

Sau lần gặp gỡ ấy, tôi còn rất nhiều lần gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán Mỹ. Một trong những vấn đề tôi cho là rất quan trọng và đã nêu ý kiến với họ là việc phía Mỹ chưa mời Tổng bí thư Việt Nam sang thăm nước Mỹ. Họ trả lời rằng, đó là vấn đề liên quan tới nghi lễ ngoại giao.

Tôi nói với họ rằng, khi các ông đã công nhận chế độ của Việt Nam thì hơn ai hết các ông phải hiểu rằng người lãnh đạo cao nhất chính là Tổng bí thư. Tại sao người đứng đầu của hai nước không gặp nhau bàn chuyện liên quan đến vận mệnh quốc gia. Không nên câu nệ các vấn đề khác mà nên đi vào thực chất quan hệ hai nước. 

Sau đó, họ trả lời chúng tôi, các cấp lãnh đạo của Mỹ cũng đã suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều về ý kiến này.

Dân Việt : Anh đến với nghề báo có phải vì thường xuyên tiếp xúc với giới báo chí rồi bị cuốn theo nghề ?

Lê Kiên Thành : Thực ra là nghề báo tìm đến với tôi. Ngày xưa tôi không mặn mà với báo chí. Tôi vẫn có những công việc khác ví dụ như làm kinh tế tư nhân hoặc tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội.

Dân Việt : Vài bạn bè có "số má" của anh thỉnh thoảng lại trêu chọc về việc anh hay "bị" các nhà báo nữ phỏng vấn, trò chuyện ? Lý do vì sao anh lại hay có duyên với các nhà báo nữ vậy ?

Lê Kiên Thành : Tôi nhớ hai người "lôi" tôi ra với truyền thông đầu tiên là Quang Thiện (Tuổi trẻ) và Hồng Thanh Quang (An ninh Thế giới). Cái tên Lê Kiên Thành – "Con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn" xuất hiện bắt đầu từ đó.

Về sau, cũng có nhiều nhà báo phỏng vấn tôi theo những chủ đề thời sự, trong đó có nhiều nhà báo nữ như Minh Hoa (Sài Gòn giải phóng), Minh Hà (Người lao động), Cát Khuê (Thanh niên)…Nhưng, có hai nhà báo nữ làm bài trò chuyện sâu là Lương Bích Ngọc và Tô Lan Hương.

Tôi nhớ 3 kỳ "Trò chuyện với con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn" do Lương Bích Ngọc thực hiện trên VietNamNet năm 2004 đã gây xôn xao dư luận với những vấn đề chưa từng đặt ra trước đó như mối quan hệ của Việt Nam và Liên Xô, Trung Quốc ; Mối quan hệ của cha tôi với một số đồng chí cùng thời, vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và hậu chiến tranh…

Nữ nhà báo VietNamNet lúc đó hình như bắt đầu cuộc trò chuyện bằng tâm thế nhiều định kiến. Tôi thì thấy đó là cơ hội may mắn giúp mình có thể thẳng thắn chia sẻ và đối thoại lại ; để đưa thông tin, dữ liệu mà mình có để lên báo chính thống nói lại những điều mà trước đó thường bị bóp méo theo kiểu tin đồn ác ý. 

VietNamNet lúc đó với Tổng Biên tập là Nguyễn Anh Tuấn đã cho đăng bài thành nhiều kỳ. Giữa các kỳ có dừng lại để nghe ngóng dư luận đã rồi mới đăng tiếp…18 năm đã trôi qua rồi nhưng những ai đã từng đọc 3 kỳ phỏng vấn này thì hình như đều vẫn còn ấn tượng về nhân vật được phỏng vấn và nhà báo thực hiện. 

Còn Tô Lan Hương thì gặp tôi lần đầu với ý định hỏi tôi về câu chuyện "Bầu Kiên". Lúc đó, tôi nghĩ rằng, chuyện vốn không có gì mới trong khi bầu Kiên lại là bạn mình ; khi bạn gặp nạn mình lại nói tốt hay xấu đều không hay cả. Thế nhưng phóng viên này nói Tổng Biên tập (lúc đó là Nguyễn Quang Thiều – Báo Nghệ thuật và cuộc sống) "đã đăng quảng cáo bài phỏng vấn anh cho số tiếp theo rồi". Tôi đành chặc lưỡi nói "em cứ vào nói chuyện rồi đăng được gì thì đăng". Không ngờ cuối cùng lại ra được bài báo hai kỳ, có thể nói là hay. Ban Tuyên giáo trung ương lúc đó đã cho mua nhiều bản báo để phát cho các Ủy viên Trung ương Đảng đang họp hội nghị Trung Ương (Trong khi Tổng biên tập trước đó còn lo lắng khi in xong sẽ không được chấp nhận…).

Sau này, Tô Lan Hương còn trò chuyện với tôi về nhiều chủ đề khác nhau, đăng trên nhiều báo và lần nào cũng có lượng độc giả lớn và có ảnh hưởng mạnh về dư luận xã hội. 

Và thế là, cứ mỗi lần có bài báo xuất hiện thì lại có cớ cho các bạn đưa tôi ra… nhắm cho vui. 

Vậy thôi.

2. Tôi không mua like

Dân Việt : Tôi biết anh còn chơi Facebook và đã nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ ngàn like. Bí quyết của anh là gì vậy ?

Lê Kiên Thành : Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Lúc đầu tôi có tài khoản Facebook nhưng chỉ để đọc bài viết của người khác, một kiểu "tàu ngầm" như người ta hay gọi.

Lần đầu tiên tôi đăng bài viết lên Facebook là sau chuyến thăm ông thuyền trưởng Tàu không số, người đã chở mẹ tôi đi từ Bắc vào Nam. 

Con người này khá đặc biệt. Bản thân con tàu và bốn thủy thủ trên tàu đều được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, riêng thuyền trưởng thì lại không có danh hiệu gì. Tôi nghe nói lý do là vì ông hay cãi lại cấp trên.

Tình cờ ông Nguyễn Thiện Thành (là cha của ông Nguyễn Thiện Nhân) cũng đi trên chuyến tàu ấy cùng với mẹ tôi. Ông Nguyễn Thiện Nhân về thăm ông thuyền trưởng và nghe lại chuyện đó, nên đã đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông thuyền trưởng.

Về phần mình, sau cuộc gặp nhiều cảm xúc với ông thuyền trưởng, tôi đăng bài viết trên mạng xã hội. Câu chuyện được rất nhiều người đọc và quan tâm. Lúc đó, tôi mới thấy Facebook là một kênh chia sẻ rất hay về những điều ý nghĩa trong cuộc sống. 

Vì thế, tôi bắt đầu viết về những kỷ niệm thời đi bộ đội, về những người bạn đã hy sinh, rồi viết dần thêm những câu chuyện khác. Đến nay, tôi chơi Facebook không lâu, chỉ khoảng 2 năm.

Dân Việt : Anh có xác định phải viết hàng ngày không ? 

Lê Kiên Thành : Không !

Dân Việt : Anh có "mua" like không ?

Lê Kiên Thành : Không !

Dân Việt : Liệu có phải vì anh là con của Tổng bí thư, là bạn của nhiều Facebooker nổi tiếng nên "ăn khách" trên mạng xã hội ?

Lê Kiên Thành : Tôi không nghĩ Facebook của mình hút khách nhờ thân thế. Bạn biết đấy, con trai của Tổng bí thư cũng có nhiều mà, em trai tôi, hay con của nhiều vị Tổng bí thư khác chẳng hạn.

Tôi nghĩ sự quan tâm của cộng động mạng trước hết là vì chính bản thân con người đó ; tiếp theo là câu chuyện họ kể. Thân thế chỉ là phần phụ, phần bổ sung thêm vào.

Bài viết làm cho tôi nổi tiếng là một câu chuyện tôi viết về người bạn thân ở Hải Phòng, sau vì cuộc sống mà phải treo cổ tự tử. Chỉ sau hai tháng sau khi post, bài đăng nhận được hơn 4.500 lượt like, hơn 1.000 lượt chia sẻ.

Đọc bài viết ấy, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên tại sao con trai Tổng bí thư lại sống khổ như vậy ? Tại sao con trai Tổng bí thư cũng phải đi lang thang ngoài đường phố Hải Phòng, giao lưu tiếp xúc với tầng lớp rất bình dân, lại còn có tình cảm thân thiết với những người tầng lớp dưới của xã hội… ?

Hay câu chuyện về người tiểu đội trưởng đội phi công đầu tiên. Đó là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Về sau, khi gặp lại ở Sài Gòn, người đó nói : "Thành à, tôi là Trung tá duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn còn đi xe đạp". Khi đó, ông đang dạy lái máy bay ở Nha Trang và tôi bảo anh ấy hãy chọn mua một chiếc xe máy, đó là món quà tôi tặng. Anh ấy thoạt đầu không tin vào lời đề nghị này nhưng tôi bảo, người như anh xứng đáng có một phương tiện đi lại dễ dàng.

Người ấy không biết đền ơn tôi thế nào cho phải. Anh hỏi tôi ra ngoài làm ăn có bị ai bắt nạt không và hứa nếu ai bắt nạt tôi, anh sẽ dẫn người tới bảo vệ. Thế mà, chỉ còn một tháng nữa tới tuổi nghỉ hưu thì anh hy sinh…

Tôi nghĩ đó là những câu chuyện về cách ứng xử giữa con người với con người, về tình nguời sâu thẳm. Con cháu của tôi giờ bằng tuổi tôi thời đó nhưng chúng không gặp những cảnh ngộ và trải qua những cảm xúc như vậy. Khi tôi viết, những câu chuyện ấy đã lay động tình cảm bạn đọc.

Từ đó, có nhiều người nói họ sẽ đặt chế độ theo dõi thường xuyên, để xem mỗi ngày sẽ đọc được gì trên trang Facebook của tôi. Nói thật, điều này đôi khi cũng gây nên áp lực. Tôi nghĩ mình cũng nên viết nên chia sẻ nhiều hơn về những điều hay, những điều có ý nghĩa và những câu chuyện thật có thể lay động lòng người.

Cũng từ những câu chuyện như thế, tôi có thêm nhiều bạn bè trên mạng xã hội.

Dân Việt : Những câu chuyện anh viết có chất văn chương và gây cảm xúc mạnh. Anh có nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn hay không ?

Lê Kiên Thành : Tôi không nghĩ vậy đâu.

Tôi là học sinh trường Chu Văn An, cũng từng đạt giải Ba học sinh giỏi Văn toàn thành phố Hà Nội và được chọn đi thi học sinh giỏi Văn miền Bắc (hồi đó chưa có cuộc thi quốc gia). Tôi nghĩ mình được di truyền chút gì đó tố chất của gia đình. 

Ông ngoại tôi cũng từng có một tờ báo đầu tiên ở Sài Gòn. Ông ngoại tôi đi học ở Pháp, sau đó cùng với một số nhân sĩ của Sài Gòn phát động trào lưu giành độc lập nhưng không thông qua con đường bạo động vũ trang. Ông chủ trương sử dụng báo chí tuyên truyền. 

Sau này đến lượt mẹ tôi cũng theo nghiệp làm báo (là Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng). 

Tôi nghĩ mình có phần tố chất từ cha. Đó là khả năng lôi cuốn người khác thông qua cách tư duy chứ không phải nhờ lối hành văn. Cái hay của câu chuyện phải đi từ tư duy và lối hành văn, cách thức thể hiện. Có nhiều người viết bóng bẩy nhưng đọc rất nhạt.

3. Số phận chính trị không chọn tôi

Dân Việt : Nói thật khi nghe anh nói và đọc những bài viết của anh, tôi luôn tự hỏi tại sao anh không đi theo con đường chính trị ? Rõ ràng, anh có đầy đủ điều kiện và tố chất chính trị…

Lê Kiên Thành : Tôi chỉ có thể trả lời là số phận đã không chọn tôi theo con đường chính trị. 

Trong thời gian ở quân đội cho đến khi ra ngoài làm kinh doanh, điều mà tôi say sưa nhất vẫn là chính trị. Khi ngồi với anh em, bạn bè hay với gia đình, câu chuyện vẫn xoay quanh vấn đề chính trị, những vấn đề của đất nước (chứ không phải chuyện liên quan đến gia đình mình).

Tôi từng nói chuyện với rất nhiều nhà chính trị và nhận thấy tôi còn chính trị hơn nhiều người từ cách tiếp cận vấn đề tới tư duy trên khía cạnh lợi ích quốc gia. 

Tôi từng hai lần ứng cử đại biểu Quốc hội, cả hai lần đều nhận được sự chia sẻ và yêu mến khi tiếp xúc với cử tri. Thế nhưng tôi không bước đi tiếp xa hơn trên con đường chính trị này. Có lẽ vì số phận đã không chọn tôi. 

Dân Việt : Các con của anh thì sao ?

Lê Kiên Thành : Tôi có hai người con. Một người chọn theo con đường kinh doanh, đang làm chủ chuỗi cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một người còn lại đang làm trong một đơn vị sự nghiệp của Đảng (thuộc văn phòng Trung ương, chuyên về các dịch vụ cho thuê nhà, phòng ốc). Người con này cũng là người của Đảng, vẫn đang phấn đấu trong công tác Đảng.

Tôi nghĩ rằng có khi mình không có duyên nhưng biết đâu con mình lại có duyên với chính trị. Tôi không áp đặt đường đi cho các con mình. Vì nhiều khi đó là số phận, mình không biết trước được. "Con mèo thì không thể bay lượn như con chim được".

Tôi tin rằng không phải là tôi không được nâng đỡ. Chú Đỗ Mười, chú Võ Văn Kiệt đều nói rằng rất tiếc khi tôi không tham gia vào con đường chính trị. Thế nhưng, thật tiếc cho tôi là các chú ấy bày tỏ điều tiếc nuối này ở thời điểm không còn thuận lợi.

Dân Việt : Về sự nghiệp chính trị này, cá nhân anh có bao giờ cảm thấy luyến tiếc ? 

Lê Kiên Thành : Thực ra, không thể biết rằng nếu có cơ may vào bộ máy ấy, tôi có còn giữ được những gì đang có hay không. Không ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy đến với mình hay khi nó đến, mình sẽ trở thành một người như thế nào ? 

Cuộc đời tôi có nhiều việc dang dở. Từng có một trường đại học mời tôi đến nói chuyện về những thành công trong kinh doanh nhưng tôi đồng ý với điều kiện chỉ nói chuyện về những thất bại.

Thất bại cũng là những bài học. Một người gặp được nhiều thất bại hay cũng không phải dễ. Và tôi nói cho sinh viên nghe về thất bại (trong kinh doanh và nhiều chuyện khác trong đời mình) và làm thế nào để tránh thất bại chứ không nhất thiết "làm thế nào để thành công ?".

Dân Việt : Nếu được quay lại thời tuổi trẻ, anh sẽ làm gì để không thất bại như anh từng nói ? Vì nếu biết đâu, anh viết văn, viết báo từ sớm, giờ đã thành một nhà văn, nhà báo tên tuổi. Cả sự nghiệp chính trị cũng vậy ?

Lê Kiên Thành : Nếu không có những thất bại, có thể tôi không phải là tôi như hiện tại. Nếu không trải qua những điều đã trải qua, những câu chuyện viết ra liệu có còn hay, còn ý nghĩa ?

Tác giả cuốn tiểu thuyết Người tù khổ sai Papillon không từng nghĩ mình trở thành nhà văn. Thế nhưng những trải nghiệm ghê gớm đã tôi rèn cho ông khả năng viết rất tốt, giúp ông hệ thống lại kinh nghiệm, trải nghiệm, chiêm nghiệm để cho ra đời một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Nếu không trải qua tất cả những những cay đắng tủi nhục tột cùng, làm sao có cuốn tiểu thuyết và làm sao thế giới có một nhà văn như ông ? Có những người từ khi sinh ra đã được số phận chọn làm nhà văn nhưng lại có những người do cuộc đời xô đẩy, nhào nặng để làm nên một nhà văn theo cách như vậy.

Tôi hiện tại chính là tổng hợp của những thất bại, những trải nghiệm đã qua. Nếu quay về tuổi trẻ, chắc chắn có rất nhiều điều tôi có thể làm lại được. Vậy nhưng, tôi băn khoăn nếu tôi lựa chọn khác đi thì điều gì sẽ xảy đến ?

Chú Sáu Dân từng nói sẽ giới thiệu tôi vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nói cho tôi một đêm suy nghĩ. Và rồi, tôi đã quyết định từ chối. Hồi đó, tôi nghĩ rằng, nếu đồng ý, mình có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng của chú Sáu Dân. Chú Sáu đang ở trong tình thế có nhiều người không ủng hộ, lại đề cử một người không làm gì trong bộ máy nhà nước như vậy thì sợ không hay. 

Sau này tôi đã nhiều lần nghĩ lại câu chuyện này. Nếu khi đó đồng ý và câu chuyện thành, biết đâu tôi lại đóng góp tốt cho Đảng ?

Dân Việt : Vẫn xin tiếp tục câu chuyện chính trị. Hiện nay, tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, "đốt lò"đang được nêu cao, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của toàn thể người dân. Thế nhưng, thực tế trong vài năm qua cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo ở cấp cao bị phát hiện tham nhũng và bị xử lý. Đã có ý kiến cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở con người mà còn ở cách quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này ?

Lê Kiên Thành : Tôi nghĩ đó là đúng. Chúng ta không chờ một cây tươi biến thành "củi" khô. Vấn đề là cách chúng ta chọn cây phải khác, và chăm sóc cây phải khác đi. 

Tại sao không trồng những cây tùng, cây bách, không đổ ngã trước gió bão, luôn hiên ngang vươn mình mà cứ đi trồng những loại cây chỉ được vài ba năm sau là thành "củi" ?

Quy trình nhân sự của chúng ta qua nhiều bước, rất ngặt nghèo. Thế nhưng chỉ sau Đại hội chừng 1- 2 năm, nhiều cán bộ nguồn đã biến thành "củi", đến mức có một lãnh đạo từng nói : Nếu xử phạt hết thì lấy ai làm việc. 

Có nghĩa là người đó đã cảm nhận được nguy cơ tha hóa ở nhiều cán bộ, vấn đề là người nào bị lộ, người nào chưa. Điều này rất đáng phải suy nghĩ.

Dân Việt : Đó cũng là những trăn trở về hình ảnh của người cộng sản. Một vài con sâu đã làm rầu cả nồi canh…

Lê Kiên Thành : Có một lần, tôi ngồi nói chuyện với ông Đỗ Mười. Tôi hỏi : "Có bao giờ chú tưởng tượng được rằng có một vài người cộng sản ở vị trí lãnh đạo lại giàu như thế ?".

Theo như tôi hiểu, nếu đã tự nhận mình là người cộng sản thì phải là người giàu cuối cùng trong xã hội. Thế nhưng, bây giờ một số vị lại giàu có hơn rất nhiều những người dân bình thường. 

Thậm chí, trong dư luận, còn có những cách hiểu rất sai lạc, lãnh đạo là giàu. Khi một người ở vị trí quản lý làm giàu không lương thiện, họ thường xa rời người dân.

4. Cha tôi xứng đáng có một bảo tàng

Dân Việt : Đọc cuốn hồi ký của mẹ anh tôi thấy anh là người sống tình cảm, rất hay khóc. Trên Facebook, anh cũng thể hiện là con người như vậy. Lần nào anh khóc với nỗi đau khổ lớn nhất trong đời ?

Lê Kiên Thành : Có hai lần khóc đau thương nhất và nhớ nhất là lần cha tôi mất. Lần thứ hai là mẹ tôi mất. 

Khi cha tôi mất, từ Liên Xô trở về, tôi tìm lại căn nhà ở số 6 Hoàng Diệu. Căn nhà đó vốn có nhiều bảo vệ canh gác lớp trong lớp ngoài thế nhưng khi tôi về đó chỉ thấy trống hươ, trống hoác, khác với khung cảnh mà mình đã quen từ nhỏ. Đó là một cảm giác trống vắng vô cùng. Lúc này tôi mới thực sự ý thức hết, mới thấm hết nỗi đau cha đã không còn trên đời.

Dân Việt : Cha anh từng có thời gian dài sống chiến đấu và gắn bó với mảnh đất miền Nam. Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khi quay trở lại miền Nam sau năm 1975, trở lại vùng đất mà cha anh đã từng viết đề cương cách mạng miền Nam, từng khao khát mong đến ngày thống nhất đất nước ?

Lê Kiên Thành : Sau ngày Giải phóng, tôi ít có dịp đi chung với cha mình. 

Vào những ngày nghỉ phép, tôi thường tranh thủ về thăm mẹ ở An Giang, khi đó bà làm Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh. Đến năm 1980, bà mới về lại Sài Gòn. 

Những kỷ niệm với cha tôi khi đó không nhiều nhưng tôi biết những câu chuyện được kể lại sau này. Ví dụ, ngày Giải phóng, ông không cho con mình cùng đi vào Nam, mà mang theo con của đồng chí (như Nguyễn Chí Vịnh…). Chuyện đó đến giờ Nguyễn Chí Vịnh vẫn còn xúc động vì "các em được đi với bác Ba (tức là cha tôi) vào Nam nhưng các anh chị (tức các con của ba tôi) thì không được đi cùng".

Dân Việt : Với những công lao và đóng góp của Tổng bí thư Lê Duẩn, phần đền đáp của hiện tại đã tương xứng hay chưa ? Và dường như gia đình cũng không quan tâm nhiều đến việc truyền thông những cống hiến của cha anh ? Anh nghĩ thế nào về những thiệt thòi, ví dụ như về mặt truyền thông đối với cha anh ?

Lê Kiên Thành : Tôi nghĩ cha tôi xứng đáng có một bảo tàng. Rất nhiều nơi xin gia đình được phép đặt tên cha tôi cho trường tiểu học, trung học nhưng người cấp phép không đồng ý. Ngay cả quê hương Quảng Trị cũng không có trường học nào mang tên cha tôi. Bản thân tôi cũng không hiểu lý do.

Tôi vẫn tin rằng lịch sử có thể chậm nhưng vẫn công bằng. Công bằng là cái đích cuối cùng phải đến. Rất nhiều điều trong tư tưởng của ông đã không còn được nhắc lại sau khi ông qua đời, chẳng hạn tinh thần làm chủ của nhân dân. Nhiều quan điểm của cha tôi là của riêng ông chứ không phải của tập thể. Tôi vẫn tin rồi đây lịch sử sẽ đánh giá lại điều này khách quan và đúng đắn hơn.

Tôi nhớ có một lần Thành phố Hồ Chí Minh làm lễ kỷ niệm trọng đại nhân ngày giải phóng đất nước. Cả một bài phát biểu rất dài nhưng không hề nhắc đến tên cha tôi trong một câu nào hết. 

Dân Việt : Chắc là có uẩn khúc nào đó ?

Lê Kiên Thành : Bối cảnh chính trị đất nước hiện còn nhiều phức tạp, tôi cũng không hiểu hết được tận tường nguyên nhân bên trong. 

Rất nhiều người biết rằng hiếm có trường tiểu học nào mang tên Lê Duẩn. Ngoại trừ một trường duy nhất đó là trường Cán bộ đội TNTP Hồ Chí Minh mang tên Lê Duẩn ở Hà Nội.

5. Tôi là người hạnh phúc

Dân Việt : Quay lại với những câu chuyện hấp dẫn trên Facebook của anh, gần đây bạn đọc thấy anh cũng hay viết nhiều về tình yêu và phụ nữ. Phải là người sâu sắc phải là người rất biết yêu mới viết hay như thế. Ở đó có sự cô đơn và hạnh phúc. Như một bạn đọc tò mò tôi xin hỏi : Anh có phải là người hạnh phúc hay không ?

Lê Kiên Thành : Được sinh ra và hiện diện trên cõi đời này đã là hạnh phúc. Với cá nhân tôi khi được sinh ra trong một gia đình có những những thành viên sống chết cả đời vì đất nước là hạnh phúc thứ hai. Hạnh phúc thứ ba là tôi có một gia đình mà ở đó mọi người thương yêu nhau, sống vì nhau ; cũng như bao gia đình khác. 

Tất nhiên, cũng hiếm có một gia đình nào hạnh phúc trọn vẹn nhưng để sống 45 năm với một người vợ hai đứa con cũng không phải chuyện đơn giản. Còn việc mình đã sống tốt, sống hạnh phúc trong suốt quãng thời gian đó hay không lại là một chuyện khác. Vợ và các con tôi sẽ đánh giá về tôi cả mặt được và chưa được. Thế nhưng, tổng hợp lại tất cả có thể nói tôi là người hạnh phúc.

Và tôi cũng hạnh phúc khi có thể đem đến niềm vui hạnh phúc cho nhiều người khác nữa, ví dụ như hàng trăm công nhân của tôi ngày trước.

Dân Việt : Phong độ, đẹp trai và con nhà gia thế, chắc hồi trẻ anh được nhiều người để ý lắm ?

Lê Kiên Thành : Có chuyện vui thế này (tôi đã viết trên Facebook) : Có lần, tôi đi xem bói, đưa quả cau, ông thầy bói bổ quả cau ra rồi nói : "Cậu có số đào hoa. Thế nhưng, rất không may, đào hoa của cậu lại mọc ngược ở sau lưng. Cho nên, ong bướm chỉ bay xung quanh nhưng không đậu vào cậu, mà đậu vào người khác (tức là bạn tôi, thấp bé hơn nhiều)".

Ông thầy nói thế mà lại đúng. Ong bướm bay quanh hoa đào thế nhưng lại đậu vào hoa bưởi là ông bạn của tôi. Thế nên tôi mới bảo mình có số đào hoa còn bạn mình lại có số bưởi hoa. Hoa thơm để cuốn hút ong bướm. Đôi khi màu mè nhưng ong bướm lại không đậu vào. 

Phụ nữ có nhiều chiều, dạng. Có người thích hình thức bên ngoài nhưng chỉ một số ít thôi. Họ thường thích đàn ông ở nhiều khía cạnh khác nữa. Ví dụ vụ nếu bắt tôi ngồi với phụ nữ mà nói chuyện thời trang hoặc túi xách thì tôi không thể. Nếu tôi chỉ nói chuyện chính trị thì người ta cũng khó mà nghe được.

Tôi vẫn nghĩ sẽ có người thích mình nhưng chỉ nhìn từ xa mà không lại gần. Có lần tôi viết trên Facebook, về chuyện một anh phi công, có bố làm to. Cô người yêu lại cảm thấy buồn tại sao bố anh lại là quan chức cấp cao như vậy. Bởi vì chẳng thà bố anh là người bình thường, chuyện yêu đương của con cái sẽ đơn giản hơn. Thế nhưng bố của anh như thế, người ta lại dị nghị, kiểu như "nó yêu gì cậu đó, có mà yêu bố cậu đó thì có…". 

Tôi vẫn nghĩ mình cao to, khỏe mạnh, theo học ngành lái máy bay thì đương nhiên là có nhiều người để ý. Nhưng nếu mình không phải con của cha mình, có khi tôi còn hấp dẫn hơn, chuyện tình cảm còn dễ dàng hơn. 

6. Tôi chúc Hà Nội sạch và đẹp hơn

Dân Việt : Anh có thể kể kỷ niệm nào đáng nhớ nhất của anh với cha, gắn liền với ngày 2/9 ?

Lê Kiên Thành : Lúc tôi còn nhỏ, đến ngày 2/9, Bác Hồ thường gọi các thành viên trong Bộ chính trị vào nhà riêng của Bác uống nước và trò chuyện. Tôi cũng thường được cha dẫn đi cùng. Tôi còn nhớ vào khoảng năm tôi lên 3 tuổi, tức năm 1958, trước khi ra về, mỗi người đều chúc một điều gì đó có sự chứng kiến của Bác Hồ. Tôi không nhớ rõ lắm lời chúc của những người khác. Tôi chỉ nhớ lời ba tôi chúc rằng : "Riêng tôi, tôi chúc Hà Nội sạch và đẹp hơn".

Tuổi thanh niên của tôi thường ở trong quân ngũ. Những ngày 2/9 hoặc cả ngày 30/4, lực lượng công an, quân đội phải trực cùng đơn vị, không có nhiều kỷ niệm riêng với cha nữa. 

Năm 1975 thì tôi đang học bên Nga. Năm 1980, tôi ở Việt Nam nhưng trực trong quân đội. Năm 1985 tôi lại không có ở Việt Nam. Đến năm 1986 thì cha tôi mất.

Dân Việt : Ngày 2 tháng 9 còn gọi là ngày Tết độc lập. Cách gọi này vẫn gây xúc động trong lòng nhiều thế hệ, như chúng tôi. Đối với người đặc biệt như anh, cảm xúc thế nào ?

Lê Kiên Thành : Không phải vì cha tôi làm lãnh đạo thì ngày 2/9, tôi phải vui hơn, phải khác hơn. Tôi không tách mình ra khỏi những người khác.

Ngày 2/9 là dấu mốc mà thế giới biết đến Việt Nam là ai ; thế giới biết Việt Nam vừa bước ra khỏi những năm tháng gian khổ và muốn bước ra, làm bạn cùng với mọi người. 

Khi tôi học lái máy bay ở Liên Xô, ngày Quốc khánh của các nước nhà trường Thường tập hợp học viên lại tổ chức duyệt binh. 

Riêng đối với tôi, ngày 2/9/1972 gây cho tôi niềm xúc động mãnh liệt. Trong hội trường, mọi người đứng dậy, tiếng nhạc bắt đầu nổi lên.

Khi nghe Quốc ca ở xa đất nước mình hàng ngàn cây số, xung quanh mình chỉ có vài người Việt Nam, tất cả cùng nhìn lên Quốc kỳ niềm cảm xúc dâng trào tột bậc. Chưa bao giờ tôi nghe bản Quốc ca mà thấm thía đến từng nốt nhạc như vậy.

Tất nhiên, mỗi lần hát và nghe Quốc ca, lúc nào tôi cũng rất xúc động.

Lưu Quang Định & Lương Bích Ngọc thực hiện

Nguyên tác : Nhà báo Lê Kiên Thành : Tôi là người hạnh phúc

Nguồn : danviet.vn, 01/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lưu Quang Định & Lương Bích Ngọc
Read 440 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)