Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/09/2022

Phản biện chính trị ở Việt Nam chỉ có một con đường !

Thới Bình

Về nguyên tắc thì phản biện chính trị ở Việt Nam là một yêu cầu bắt buộc, chứ không phải dừng lại ở mức khuyến khích. Lý do, cho đến tận lúc này những nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn đang theo đuổi đề án có tên "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới", theo yêu cầu tương thích Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và "tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

phanbien1

Phản biện chính trị ở Việt Nam, nếu được gọi là "nhà bất đồng chính kiến", thì sớm muộn gì cũng đối mặt cáo buộc án an ninh quốc gia.

Tin tức cho hay, chiều ngày 10/9, Văn phòng Trung ương Đảng phát thông cáo cho biết trong hai ngày 9 và 10/9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về một số đề án, trong đó có đề án kể trên.

"Bộ chính trị cho rằng các nội dung trong Đề án là những vấn đề lớn, khó, phức tạp, do đó, những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, đa số đồng thuận thì đưa vào đề án. Bộ chính trị thống nhất thông qua đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu xem xét, ban hành nghị quyết" – trích thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng.

Như vậy, một khi thể chế chính trị vẫn trong giai đoạn định hình, và được xây dựng từ định tính chủ quan của cá nhân đảng viên Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư, mà đặc biệt là chưa có hình mẫu quốc gia nào tương tự để kiểm chứng, thì yêu cầu đa chiều phản biện chính trị là bắt buộc phải có.

Nếu như phản biện khoa học là hình thức được áp dụng khi tiến hành nghiên cứu, xét duyệt, nghiệm thu các công trình nghiên cứu khoa học để đưa ra các quyết định về tính đúng sai ; chủ thể tiến hành các cuộc phản biện khoa học là hội đồng nghiệm thu, đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học, đề án, dự án có những thẩm quyền xác định, thì phản biện xã hội là hình thức được áp dụng để tìm được sự đồng thuận xã hội về lợi ích trong thẩm định, xét duyệt các chủ trương, đường lối, trong ban hành các đạo luật, trong hoạch định các đề án, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Cụ thể ở đây là thể chế chính trị có tên "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" mang đến lợi ích gì cho quốc gia, dân chúng, hay đó chỉ là lợi ích cục bộ của một đảng toàn trị ?

Chủ thể phản biện chính trị rất rộng, bao gồm toàn bộ xã hội nói chung, song không nằm trong quan hệ "đối lập hai bên" với bên đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch, mà là giữa chủ thể phản biện và chủ thể được phản biện gắn với nhau trong mối quan hệ thống nhất, ràng buộc lẫn nhau cùng hướng tới mục đích chung.

Nói cách khác, phản biện chính trị là phản biện đối với hoạt động tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, ở đó, quan hệ giữa các chủ thể – phản biện và được phản biện nằm trong mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau : một bên là những thiết chế đại diện có trách nhiệm đưa ra các quyết định lãnh đạo, quản lý chung đối với xã hội, bên kia là các cá nhân công dân và các tổ chức của dân có mối liên hệ về quyền dân chủ, về quyền công dân và sự quan tâm đến lợi ích chung đã đứng ra nêu lên nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến về những vấn đề do các thiết chế thực thi quyền lực công đưa ra với mong muốn quyết định đó trở nên phù hợp hơn, khả thi hơn và đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Tuy nhiên lâu nay theo "tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", những ai phản biện trái chiều, ‘nghịch ý’ với "tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" đều chịu đe dọa của án tù tội thuộc nhóm không được hưởng quyền ân xá, đặc xá như các tù hình sự khác.

"Nếu ở tháng 10 tới đây, đa số không đồng thuận thì đề án khả năng sẽ bị xét lại tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu. Có thể trước mắt vẫn chưa có gì thay đổi rõ rệt, thế nhưng nếu tân Tổng bí thư không có cùng "tư tưởng chỉ đạo" như người tiền nhiệm, tin rằng thể chế chính trị Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Còn thay đổi theo chiều hướng nào thì đúng là chưa thể định đoán được điều gì…" – một nhà quan sát chính trị là hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nhận xét.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 11/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 345 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)