Chiến tranh Ukraine : Tổng thống Zelensky đến thăm một thành phố vừa chiếm lại được
Thanh Phương, RFI, 14/09/2022
Hôm 14/09/2022, tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến Izium, thành phố chiến lược mà quân Ukraine vừa chiếm lại được từ tay quân Nga ở vùng Kharkiv. Đây là lần đầu tiên ông đến thăm một vùng lãnh thổ được giải phóng trong một chiến dịch phản công thần tốc của lực lượng Kiev. Trong khi đó, hôm qua, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sắp thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Kiev,
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham gia lễ thượng cờ Ukraine tại thành phố Izium được giải phóng, ngày 14/09/2022. AP - Leo Correa
Trong vòng hai tuần, quân Ukraine đã chiếm lại gần như toàn bộ vùng Kharkiv, đặc biệt là chiếm lại các thành phố Balaklya, Koupiansk et Izium, đồng thời mở một chiến dịch phản công khác ở miền nam, vào vùng Kherson mà quân Nga đang chiếm đóng.
Hôm qua quân đội Nga thông báo đã tiến hành những vụ "oanh kích ồ ạt" vào tất cả các mặt trận để ngăn chặn đà phản công thần tốc của quân Ukraine. Theo phủ tổng thống Ukraine, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đã có ít nhất 8 người chết và 19 người bị thương do các vụ oanh kích của Nga tại vùng Kharkiv (đông bắc) và Donetsk (đông).
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine tố cáo, tại những vùng bị quân Nga chiếm đóng, họ ghi nhận có đến 200 tội ác chiến tranh mỗi ngày. Họ cho biết thêm là hơn 7.000 km vuông trong 10 vùng của Ukraine đã bị quân chiếm đóng gài mìn.
Về phía Nga, hôm qua, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov lại tố cáo binh lính Ukraine đã có những hành động trả đũa các thường dân tại những vùng mà họ chiếm lại được, đặc biệt là tại vùng Kharkiv đã có những người "bị tra tấn, bị ngược đãi".
Mỹ hứa cấp thêm viện trợ quân sự
Hôm qua, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sắp thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Kiev, đồng thời ghi nhận "đang có thay đổi về đà tiến" của quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công, giành lại những vùng đất bị quân Nga chiếm đóng.
Ông John Kirby, một trong những phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố : Washington sẽ tiếp tục yểm trợ tổng thống Volodymyr Zelensky trong chiến dịch phản công. Phát ngôn viên Hoa Kỳ ghi nhận : "Nhiều thiết bị mà chúng tôi đã cung cấp trong những tuần qua và những tháng qua đã chứng tỏ tính chất quan trọng và hiệu quả trong khả năng của quân Ukraine chuyển sang thế tấn công". Tuy nhiên, ông Kirby thận trọng cảnh báo : "Đây là chiến tranh, và chiến tranh thì không thể lường trước được".
Về ngoại giao, hôm qua, trong một cuộc điện đàm, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi tổng thống Vladimir Putin ra lệnh "triệt thoái toàn bộ" lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine và các bên phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Thanh Phương
**************************
Ukraine phản công thắng lợi nhờ viện trợ quân sự Mỹ trên mọi mặt
Trọng Nghĩa, RFI, 14/09/2022
Ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện binh sĩ, Hoa Kỳ còn chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine, đặc biệt là các hình ảnh từ vệ tinh quan sát của Mỹ, đồng thời tham gia lập kế hoạch tác chiến.
Ảnh minh họa : Lính Ukraine sử dụng đại pháo M777 do Mỹ viện trợ trong một cuộc tấn công vào vị trị của Nga ở vùng Kharkiv (Ukraine), ngày 21/07/2022. Reuters – Gleb Garanich
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, chỉ trong vòng vài ngày, quân đội nước này đã giành được nhiều thắng lợi rõ rệt ở khu vực xung quanh Kherson và Kharkiv trong chiến dịch phản công tại mặt trận phía nam và phía đông bắc, và đà tiến công vẫn tiếp diễn vào hôm nay, 14/09/2022. Đối với giới quan sát, thành công trên chiến trường của lực lượng Ukraine không thể tách rời khỏi sự giúp đỡ tận tình của Mỹ.
Ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện binh sĩ, Hoa Kỳ còn chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine, đặc biệt là các hình ảnh từ vệ tinh quan sát của Mỹ, cho phép giới chỉ huy quân đội Ukraine có được cái nhìn tổng quát về tình hình trên chiến trường.
Chính tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người đã loan báo những con số đầy ấn tượng về thắng lợi của chiến dịch phản công : Ngày 10/09 ông cho biết là lực lượng Kiev đã giành lại được 2.000 cây số vuông lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Hai ngày sau đó, hôm 12/09, ông đã nói đến con số 6.000 km2 được giải phóng.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 14/09, nhà lãnh đạo Ukraine không hề che giấu thực tế là chính Mỹ đã giúp đất nước ông giành được những thắng lợi quan trọng đó. Phát biểu nhân chuyến ghé thăm Kiev hôm 09/09 vừa qua của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tổng thống Zelensky công nhận : "Chúng tôi không thể lấy lại những vùng lãnh thổ đó nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ".
Mỹ bảo đảm 70% viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine
Phải nói là cho đến nay, Mỹ là nước đi đầu trong công cuộc viện trợ cho Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga, đặc biệt là trợ giúp về mặt quân sự.
Theo Lầu Năm Góc, kể từ ngày 24/02, tức là ngày Nga khởi động cuộc xâm lược nước láng giềng, Mỹ đã chuyển hơn 14,5 tỷ đô la thiết bị quân sự cho Ukraine, trong đó có 12,5 tỷ đô la được lấy trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội Mỹ. Để so sánh, ngân sách quốc phòng của Ukraine chỉ khoảng 5 tỷ đô la một năm trước khi Nga xâm lược.
Theo một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới Kiel tại Đức, công bố vào tháng 8 vừa qua, chỉ riêng Hoa Kỳ đã cung cấp đến 70% viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Nước đứng hàng thứ hai là Ba Lan, tiếp theo sau là Vương Quốc Anh. Riêng nước Pháp đứng ở vị trí thứ 11.
Ngoài xe tăng hạng nặng và máy bay chiến đấu, những loại vũ khí mà Washington và các đồng minh vẫn chưa muốn cung cấp vì sợ leo tháng tranh chấp với Moskva, Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine vũ khí đủ để trang bị cho một đạo quân hoàn chỉnh : từ 40.000 chiếc tên lửa chống tăng, trong đó có 8.500 chiếc Javelin hiện đại, 126 khẩu đại pháo 155mm loại M777, 1.400 máy bay không người lái một nửa loại Switchblade và một nửa loại Phoenix Ghost, 20 chiếc trực thăng Mi-17), 1.400 hệ thống tên lửa phòng không di động Stinger, 8 hệ thống tên lửa đất đối không Nasam, 200 chiếc xe thiết giáp M113 và hàng trăm chiếc Humvee…
Ngoài số lượng, điều quan trọng hơn cả là chất lượng của các vũ khi được cung cấp, giúp quân đội Ukraine ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga để rồi sau đó phản công. Theo ý kiến Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng võ trang Ukraine, việc Washington chuyển giao 16 bệ phóng tên lửa Himars M142 từ tháng 6 (Vương Quốc Anh, Na Uy và Đức cũng cung cấp 9 hệ thống M270, một loại vũ khí tương đương) đã đánh dấu một bước ngoặt, giúp Ukraine tấn công chính xác vào các vị trí trọng yếu của Nga, từ các kho vũ khí, đạn dược, cho đến các trục hậu cần, ở cách xa đến 80 km.
Trong một cuộc chiến mà pháo binh được cho là đóng một vai trò quan trọng, nguồn cung cấp đạn dược khổng lồ (800.000 quả đạn 155 mm, 144.000 quả 105 mm, 85.000 quả 120 mm, v.v.) cũng có ý nghĩa quyết định trong việc đáp trả hỏa lực của pháo binh Nga và hỗ trợ cho một chiến tuyến dài 2.500 km, trong đó 1.300 km được coi là đang có giao tranh dữ dội.
Thiết bị truyền tin, huấn luyện binh sĩ
Ngoài vũ khí sát thương, các loại thiết bị quân sự khác cùng các trợ giúp quân sự phi vật chất như huấn luyện binh sĩ hay chia sẻ thông tin tình báo mà Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine cũng mang ý nghĩa quyết định.
Tập đoàn viễn thông Starlink, thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk, cho biết là đã cung cấp cho Ukraine từ 15.000 đến 20.000 thiết bị nhận tín hiệu từ vệ tinh, rất hữu ích cho quân đội khi mạng lưới liên lạc bị cắt. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Hai, 12/09, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh : "Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là tiếp tục cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần".
Được khởi xướng từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimế, việc huấn luyện binh sĩ Ukraine theo chiến thuật của NATO cũng đã được Mỹ đẩy mạnh sau khi chiến tranh nổ ra. Lầu Năm Góc ngày 12/09 vừa qua đã tiết lộ rằng họ đã huấn luyện khoảng 1.500 binh sĩ sử dụng các thiết bị của Mỹ trong những tháng gần đây : 630 người được huấn luyện sử dụng đại pháo M777, 325 xạ thủ cho hệ thống phóng pháo phản lực Himars, 100 chuyên gia điều khiển máy bay không người lái...
Bên cạnh đó, Washington cũng hỗ trợ chương trình đào tạo được triển khai trên đất Anh vào mùa hè, nơi đã huấn luyện hơn 4.000 binh sĩ.
Hôm 07/09, phát biểu tại một hội nghị, thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ Bill LaPlante xác nhận sự kiện hai tàu Nga hoạt động ở Biển Đen đã bị đánh chìm hồi tháng 6 vừa qua bằng tên lửa Harpoon của phương Tây, được các xạ thủ do Mỹ đặc biệt huấn luyện bắn đi từ đất liền. Một nguồn tin quân sự xác nhận : "Quân đội Ukraine không phải là quân đội thứ yếu. Họ từng được huấn luyện thường xuyên cùng với quân đội NATO trước chiến tranh, nên có cơ sở rất tốt".
Chia sẻ thông tin tình báo, giúp lập kế hoạch tác chiến
Quan trọng hơn nữa là Hoa Kỳ đã chia sẻ với Ukraine thông tin tình báo. Mỗi ngày, máy bay do thám của không quân Mỹ đều bay ngang dọc trên không phận Biển Đen và vùng biên giới giữa Ukraine và Rumani, để thu thập dữ liệu điện tử và từ tính do quân đội Nga phát ra.
Theo các nhà phân tích, hình ảnh từ vệ tinh quan sát của Mỹ cũng được cung cấp cho Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Ukraine, giúp cho họ có cái nhìn tổng quan về các hoạt động trên chiến trường gần như theo thời gian thực.
Joseph Henrotin, thành viên nghiên cứu tại Viện Chiến Lược So Sánh (ISC), cho biết : "Hôm nay chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine hoạt động tình báo lớn nhất của NATO kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc".
Dù phủ nhận sự hiện diện của các cố vấn quân sự trên hiện trường, nhưng rõ ràng là Hoa Kỳ cũng tham gia vào việc lập kế hoạch tác chiến.
Một bài viết trên nhật báo Mỹ New York Times ngày 13/09, đã trích lời các quan chức Mỹ, cho biết là cuộc phản công kép ở Kherson sau đó ở Kharkiv đã được chuẩn bị với các quân nhân Mỹ từ Lầu Năm Góc trong các bài tập mô phỏng – gọi là wargames trong thuật ngữ quân sự.
Ông Colin Kahl, thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng tại Lầu Năm Góc cho biết : "Chúng tôi đã thực hiện các bài tập mô phỏng và trên sa bàn. Các cuộc tập trận đó đã cho thấy là một số phương án phản công có nhiều khả năng thành công hơn phương án khác. Chúng tôi đã chuyển khuyến nghị cho phía Ukraine, và sau đó chính người Ukraine đã suy nghĩ và đưa ra quyết định của riêng họ".
Trọng Nghĩa
***********************
Ukraine phản công : Putin dưới áp lực của phe "diều hâu"
Thanh Phương, RFI, 14/09/2022
Việc quân Nga bị lực lượng của Kiev đánh bại ở miền đông Ukraine trong những ngày qua đã là một cú sốc đối với những nhân vật thuộc phe "diều hâu" ở Moskva. Những nhân vật này đã công khai chỉ trích chiến lược của điện Kremlin.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chung vui cùng những người lính ngay tại thành phố Izium (Ukraine) vừa được giải phóng, ngày 14/09/2022. Các chiến thắng liên tiếp của Ukraine gây áp lực nặng nề trên tổng thống Nga Putin. AP - Leo Correa
Phản ứng của những người chủ trương "đánh đến cùng" càng mạnh hơn sau khi quân Nga phải rút khỏi vùng Kharkiv trước đà phản công của quân Ukraine. Bộ Quốc Phòng Nga khẳng định không hề có chuyện bại trận, mà đây chỉ là "tập hợp lại" lực lượng.
Có thể đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền của tổng thống Vladimir Putin bắt đầu bực bội vì những lời chỉ trích đó : Hôm 13/09/2022, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đã yêu cầu những người chỉ trích nên "rất chú ý" chỉ phát biểu "trong khuôn khổ của luật pháp", vì luật hiện hành của Nga trừng phạt nghiêm khắc những người "làm mất uy tín" quân đội.
Nhưng theo ghi nhận của hãng tin AFP, ngay cả các kênh truyền hình nhà nước, vốn rất trung thành với điện Kremlin, cũng không giấu được thái độ lo ngại. Sau khi lực lượng Ukraine chiếm lại được thành phố Balakliia ở miền đông bắc, một trong những nhân vật vẫn phát biểu thay cho chính quyền Putin trong giới truyền thông, ông Vladimir Soloviev, đã cho rằng tình hình "rất nghiêm trọng, khó khăn".
Thậm chí lần đầu tiên, một số cây bút xã luận, nhà phân tích, blogger và quan chức vẫn ủng hộ hết mình "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine đã công khai chỉ trích điện Kremlin trên truyền hình và trên các mạng xã hội.
Phát biểu trên mạng Telegram hôm Chủ nhật vừa qua, lãnh đạo Tchetchenia Ramzan Kadyrov đã cực lực chỉ trích "những sai lầm" mà theo ông các viên tướng Nga đã phạm phải ở Ukraine.
Trong giới dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Nga, chiến dịch phản công thần tốc của quân đội Ukraine đã khiến nhiều người sững sờ, nhất là vì đây không phải thất bại đầu tiên của quân Nga : Vào tháng 3, lực lượng Nga đã phải triệt thoái khỏi vùng Kiev, rồi sau đó đến tháng 4 bị mất chiếc soái hạm ở Hắc Hải.
Đối với Egor Kholmogorov, một bình luận viên vẫn ủng hộ chiến tranh Ukraine, chỉ có hai giải thích cho tình hiện nay : hoặc "chúng ta bị phản bội", hoặc "quân đội của chúng ta không có khả năng chiến đấu".
Hãng tin AFP trích dẫn ông Boris Nadejdine, một cựu dân biểu, tuyên bố trong một cuộc tranh luận truyền hình : " Không thể nào chiến thắng Ukraine với những nguồn lực như hiện nay, với những phương pháp chiến tranh của thời thuộc địa, tức là chỉ sử dụng quân nhân chuyên nghiệp và lính đánh thuê, mà không tổng động viên".
Về phần những người ủng hộ mạnh mẽ nhất "chiến dịch quân sự đặc biệt", kể từ nay họ thúc giục điện Kremlin tăng tốc ở Ukraine, thậm chí yêu cầu dùng vũ khí nguyên tử để oanh kích "cảnh cáo" vào đảo Rắn trên Hắc Hải, đảo mà quân Nga đã rút đi vào tháng 7.
Những chỉ trích của phe "diều hâu" phải chăng là một mối đe dọa đối với tổng thống Putin ? Đối với bà Tatiana Stanovaia, người sáng lập R.Politik, một trung tâm phân tích chính trị độc lập, hiện giờ nguy cơ đối với chính quyền còn rất hạn chế. Nhưng bà Stanovaia cho rằng nếu tình hình chiến sự ở Ukraine xấu đi thêm, nếu quân Nga tổn thất thêm nhân mạng, bị thua trận, hoặc buộc phải triệt thoái, thì mối quan hệ giữa những thành phần "yêu nước" với chính quyền Putin sẽ "bị thử thách nặng nề". Khác với phe đối lập với điện Kremlin, chính quyền sẽ khó mà trấn áp những tiếng nói phản kháng từ những thành phần "yêu nước" này.
Thanh Phương
********************
Quân Nga sụp đổ ở đông bắc Ukraine sau khi Kyiv cắt đứt đường tiếp tế
Reuters, VOA, 10/09/2022
Nga đã từ bỏ thành trì chính của mình ở đông bắc Ukraine ngày thứ Bảy. Đó là sự sụp đổ bất ngờ của một trong những tiền tuyến chính của cuộc chiến sau khi các lực lượng Ukraine dồn ép đe dọa bao vây khu vực này trong một cuộc tiến công vũ bão.
Các quân nhân của lực lượng An ninh Nhà nước Ukraine tuần tra trong một khu vực của thành phố Kupiansk vừa được giải phóng, ở vùng Kharkiv, Ukraine trong bức ảnh công bố ngày 10 tháng 9 năm 2022. (Press Service of the State Security Service of Ukraine/Handout via Reuters)
Sự sụp đổ nhanh chóng của Izium ở tỉnh Kharkiv là thất bại nặng nề nhất của Moscow kể từ khi binh sĩ của họ buộc phải rút lui khỏi thủ đô Kyiv vào tháng 3, và có thể là một bước ngoặt mang tính quyết định trong cuộc chiến tranh kéo dài sáu tháng, với hàng ngàn binh sĩ Nga bỏ lại đạn dược và thiết bị khi họ tháo chạy.
Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời bộ quốc phòng Nga cho biết họ đã ra lệnh cho binh sĩ rời khỏi khu vực lân cận để tăng cường các hoạt động ở những nơi khác thuộc vùng Donetsk lân cận.
Người đứng đầu chính quyền của Nga tại các khu vực ở Kharkiv mà nước này kiểm soát đã yêu cầu tất cả người dân di tản khỏi tỉnh và chạy sang Nga để "bảo toàn tính mạng", TASS đưa tin. Những người mục kích mô tả đường sá chật cứng xe cộ với những người rời khỏi lãnh thổ do Nga nắm giữ.
Các quan chức Ukraine không nói họ đã chiếm lại được Izium, nhưng chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Andriy Yermak, đăng một bức ảnh cho thấy binh sĩ Ukraine ở ngoại ô thành phố. Trước đó, ông đăng lên Twitter một emoji hình chùm nho. Tên của thành phố này có nghĩa là "nho khô".
Thông báo rút quân của Nga được đưa ra vài giờ sau khi quân Ukraine chiếm được thành phố Kupiansk xa hơn về phía bắc, đầu mối đường sắt duy nhất tiếp tế toàn bộ tiền tuyến của Nga khắp vùng đông bắc Ukraine. Việc này khiến hàng ngàn quân Nga đột ngột bị cắt đứt khỏi đường tiếp tế khắp một dải mặt trận, nơi đã chứng kiến một số trận chiến khốc liệt nhất của cuộc chiến.
Có những dấu hiệu cho thấy có vấn đề cho Nga ở những nơi khác dọc theo các vị trí còn lại của họ ở mặt trận phía đông, với các quan chức thân Nga thừa nhận những khó khăn ở các địa điểm khác và phía Ukraine ám chỉ sẽ có những đợt tiến công sắp tới.
Những ngày trước, lực lượng của Kyiv đã tràn qua chiến tuyến và kể từ đó đã chiếm lại hàng chục thị trấn và làng mạc trong một cuộc tấn công cơ giới hóa diễn ra nhanh chóng, ào ạt tiến về phía trước hàng chục kilômét mỗi ngày.
Sáng sớm ngày thứ Bảy, các quan chức Ukraine đăng những hình ảnh binh sĩ của họ giương cao lá cờ xanh dương và vàng của đất nước trước tòa thị chính ở Kupiansk, giáng một đòn có vẻ như mang tính quyết định đối với các đơn vị đồn trú của Nga được tiếp tế bởi các tuyến đường sắt của thành phố.
"Để đạt được các mục tiêu đã đề ra của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt nhằm giải phóng Donbas, quyết định đã được đưa ra để tái tập hợp quân Nga đóng tại các khu vực Balakliia và Izium với mục đích tăng cường nỗ lực ở hướng Donetsk", TASS dẫn lời bộ quốc phòng Nga nói.
Các lực lượng Nga đã bỏ Balaklya vài ngày trước.
Việc Nga bất ngờ từ bỏ tiền tuyến ở phía nam thành phố Kharkiv đã đưa tới sự kết thúc nhanh chóng và đột ngột một giai đoạn mà cuộc chiến ở trong thế giằng co không ngừng trên một mặt trận tĩnh, với lợi thế thuộc về Moscow.
Các lực lượng Nga đã chiến đấu quyết liệt để chiếm lấy Izium ngay từ đầu cuộc chiến, và sau đó sử dụng thành phố này làm căn cứ hậu cần cho một trong những chiến dịch chính của họ - một cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng từ phía bắc nhắm vào vùng Donbas kế cận.
Có những dấu hiệu cho thấy Ukraine có thể tận dụng tình trạng rối loạn bằng các cuộc tấn công dọc các khu vực khác của mặt trận phía đông. Denis Pushilin, người đứng đầu chính quyền ly khai do Nga dựng lên ở tỉnh Donetsk, cho biết tình hình ở Liman, phía đông Izium, "vẫn còn khá khó khăn - cũng như tại một loạt khu định cư ở phía bắc nước cộng hòa".
Xa hơn một chút về phía đông, các quan chức Ukraine ám chỉ có thể sẽ có một nỗ lực tái chiếm Lysychansk, thành phố mà Moscow đã chiếm giữ vào tháng 7 sau nhiều tuần giao tranh trong một trong những trận chiến đẫm máu nhất.
Thống đốc khu vực Serhiy Gaidai của Ukraine được truyền thông Ukraine dẫn lời nói rằng quân đội Ukraine đã được nhìn thấy ở ngoại ô của thành phố này.
Nguồn : VOA, 10/09/2022