Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/09/2022

Ghế Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam có gì hấp dẫn ?

Ngọc Nguyên, Nguyễn Thần Dân, Chí Quang

Việc thay Nguyễn Phú Trọng vẫn phải chờ đến "phút 89"

Ngọc Nguyên, RFA, 11/09/2022

Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. "Bộ Tam" về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của "Bộ Tam" cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội.

tbt1

Tứ trụ của Đảng cộng sản Việt Nam (từ trái sang) : Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - AFP

Ngày 6/9/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố Quy định số 80-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định dài có sáu chương với 33 điều và ba phụ lục. Quy định này thực ra đã được Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện lâu nay. Theo giới phân tích, ý nghĩa thời sự của nó là Đảng cho công bố công khai trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương-6 để tái khẳng định quyền lực của Bộ chính trị. Nhưng mặt khác, việc tăng cường quyền lực của Bộ chính trị vào thời điểm hiện nay cũng cho thấy, Tổng bí thư Trọng và bộ sậu đang rất lo lắng trong việc thâu tóm đa số Ủy viên Trung ương đối với các vấn đề nhân sự quan trọng (1).Với những ai quan sát tình hình chính trị nội bộ Việt Nam, câu hỏi bật ra một cách tự nhiên. Phải chăng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại thời điểm hiện nay, đang chuẩn bị cho tình huống sắp phải chuyển giao quyền lực của mình ?

"Chân ghế Tổng bí thư" bị rung lắc

Trước thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam công khai Quy định số 80, trong dịp Quốc khánh 2/9, nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn phát biểu trên báo "Ngày Nay" : Nhiều người hỏi tôi, công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của ta hiện có hiệu quả không ? Về việc này, tôi đã phát biểu nhiều lần, chuyện "củi lò" hiện nay phần lớn là để an dân. Mình chỉ nói về một "cái lò" chứ không nói đến chuyện làm sao để "củi" không bị mục, "cây" không bị mục, "cây" không thành "củi"... Nếu chọn những cây như cây Tùng, cây Bách thì củi chỉ là cái gì đó rất nhỏ, còn bóng mát của nó, thân cây của nó đứng sừng sững giữa trời, giữa muôn ngàn bão tố. Còn ở đây, mình đôi khi chặt cả "củi tươi". Hiểu thế nào là "củi tươi", đấy không phải là "củi". Muôn đời nay, người ta hiểu củi là cây mục nát, đã rơi xuống đất không còn sử dụng được nữa, chẳng có ai đi chặt cây tươi làm củi cả (2)

Xem thế để thấy, sự nghiệp "đốt lò" của ông Tổng bí thư không được Tiến sĩ Lê Kiến Thành đánh giá cao. Nhưng ông Trọng, một lần nữa vẫn phải đưa ra lời kêu gọi dứt điểm các vụ án lớn, từ Việt Á đến bay giải cứu, từ Quyết còi FLC đến Tân Hoàng Minh… Vụ nào cũng "hoành tráng" cả. Kẹt một nỗi, dư luận đang trỏ vào cái Huân chương Lao Động đến nay vẫn chưa bị xóa sổ. Người dân chất vấn, khi tự mình ký vào Quyết định tặng Huân chương, Nguyễn Phú Trọng đã không chỉ hợp pháp hóa mà còn cổ động công khai cho bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Á vốn đã bị WHO phủ nhận giá trị khoa học. Biết vậy mà các bộ máy của ông Trọng vẫn ép hàng triệu người Việt Nam ngoáy mũi ! Tức là Nguyễn Phú Trọng – xét cả trên mặt luật pháp lẫn trách nhiệm và lương tâm đạo đức của người đứng đầu Đảng và Nhà nước– qua hành động nói trên với tư cách Tổng bí thư và Chủ tịch nước, có trách nhiệm không thể chối bỏ ! Vì xét về mặt tổ chức của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam thì Tổng bí thư là người đứng đầu chỉ huy toàn bộ công việc ; có thể ví như một kiến trúc sư trưởng vẽ họa đồ cho cả ngôi nhà ; các thợ xây (các Ban đảng, các Bộ trong chính phủ…) chỉ làm theo họa đồ của kiến trúc sư. Như thế có thể nói, trong vụ Việt Á tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trung ương tới các địa phương, Nguyễn Phú Trọng nếu không phải là thủ phạm thì ít nhất cũng là tòng phạm (3) !

Việt Á vẫn đang nóng, thì dư luận lại "bới tung" vụ Trợ lý Tổng bí thư Hồ Mẫu Ngoạt để chất vấn ông Trọng. Năm ngoái, ông Trọng đã buộc phải cho Hồ Mẫu Ngoạt "về vườn". Thực ra, giới phân tích lâu nay đã nghi ngờ Trợ lý Tổng bí thư, bởi tổng đạo diễn kịch bản Việt Á phải tầm cỡ người của Văn phòng Tổng bí thư mới có thể sai khiến được các Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long. Tuy nhiên, "trùm cuối" chưa hẳn đã dừng lại chỗ Văn phòng Tổng bí thư. Dư luận còn đi xa hơn, chính Trung Quốc đã sử dụng kịch bản "kit test Việt Á" để cài bẫy, cho vào tròng hàng loạt các quan chức lãnh đạo Việt Nam. Bắc Kinh không cần sử dụng súng đạn mà chỉ sử dụng vài chục triệu kit test giả với giá rẻ như cho không, nhưng đã làm cho nội bộ ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam bấn loạn, mất sức chiến đấu. Nội bộ nghi ngờ lẫn nhau và chia rẽ sâu sắc…, đặc biệt người dân mất lòng tin với lãnh đạo. Đấy mới là cái gốc của vấn đề mà "trùm cuối" ngoại bang luôn mong muốn (4).

Cục diện quốc tế và khu vưc hiện nay càng khiến cho Hội nghị Trung ương-6 có ý nghĩa đặc biệt. Cuộc chiến của Putin ở Ukraine và những con vi-rút gây bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành đại dịch Covid đã khiến Việt Nam lao đao. Cũng giống ở nước Nga xa xôi về địa lý nhưng gần gũi về "mô hình độc tài – toàn trị", cuộc chiến tàn khốc bước sang tháng thứ bảy, nhưng truyền thông ở Việt Nam vẫn chưa cho phép gọi đó là một "cuộc chiến tranh". Ở Nga, ai gọi đó là chiến tranh, bị phạt 15 năm tù. "Chiến dịch quân sự đặc biết" ấy dường như sẽ cho "knock out" chính sách đa dạng hóa của Việt Nam. Chưa biết cuộc chiến phi pháp này sẽ kết thúc ra sao. Nhưng nếu tiếp tục bị cột vào "cỗ xe" Nga – Trung, bang giao quốc tế của Việt Nam sẽ hết sức xám xịt. Quan hệ không chỉ tuột dốc với Hoa Kỳ, mà ngay cả với châu Âu, cả trong lẫn ngoài EU, sẽ trắc trở. Tình hình này khiến cho "ngoại giao cây tre" mà ông Trọng từng cổ súy sắp biến thành "ngoại giao cây sậy" (5).

tbt2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP

Nhưng các ghế khác cũng bấp bênh

Hồi Hội nghị Trung ương 5 tháng 5/2022, "bộ tam" Chính – Phúc – Huệ từng tạo được một thế trận liên hoàn ép Tổng Trọng nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, đại diện các nhánh hành pháp do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm chủ, với sự chống lưng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ông đã lựa thế gây áp lực. Tuy nhiên, cuối cùng "Bộ Tam" hồi bấy giờ vẫn không đấu lại được với xu hướng của phái "phò" ông Trọng trong Trung ương và kết quả là Trung ương-5 thống nhất là chưa thay Tổng bí thư vào dịp ấy (6).

Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng ông Trọng phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm hơn trong nội bộ. "Bộ Tam" về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Lý do là vì, các chân ghế của từng trụ trong "Bộ Tam" cũng lần lượt đang bị rung lắc dữ dội. Trước hết là Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn được cho là candidate mạnh trong cuộc đua ghế Tổng bí thư. 

Nhưng rồi đùng một cái, trang mạng "intelligenceonline" của Israel đang hại ông. Nguồn tin lấy từ Tình báo Israel tiết lộ vào hôm 30/8. Theo đó, nguồn tin này nhắc lại, vào ngày 18/8, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc, đó là ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị khởi tố trong một vụ án khác hồi tháng 4 trước đó. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018. Tờ báo Israel chạy tít lớn "Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng của Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC", mà Chủ tịch bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn lệnh truy nã (7).

Trước khi chuyện của ông Chính vỡ lỡ, chân ghế của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng "cọt kẹt" với câu hỏi rúng động : Vợ Nguyễn Xuân Phúc có phải là "trùm cuối" đứng sau Việt Á ? Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết : "Hiện công an đang làm rõ các cuộc gọi đi lại hai chiều từ số điện thoại của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc công ty Việt Á, đến máy có số đuôi là… 89555. Và cuộc gọi từ số này đến các tỉnh thành khác trong năm 2020 và 2021. Phần tin nhắn cơ quan công an đã thu thập đẩy đủ và trình Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng". Hiện nay chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc để vợ nhúng vào quá nhiều phi vụ làm ăn đang là một scandal lớn. Bề ngoài thì xem như ông Phúc ém được một số chuyện, nhưng trong nội bộ thì chưa biết các bên thỏa hiệp được đến đâu. Dư luận cho rằng, nhưng vụ Việt Á và Dự án thoát nước 10 ngàn tỷ VND tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là cơn sóng ngầm, nó có thể quật ngã một trong những trụ lớn nhất không chừng (8).

Sau ông Chính và ông Phúc, đến lượt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vốn là "đệ tử" của Tổng bí thư cũng đang khá đau đầu. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, ông Huệ nói rất hay về triết lý giáo dục : "Chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em là nền tảng căn bản nhất, là ‘chìa khóa’ để hướng tới tương lai, giải phóng con người khỏi mọi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc…". Tuy nhiên, không biết ông Huệ có quan tâm không, chứ dư luận gần đây xầm xì kinh lắm. Họ nêu ra một câu hỏi to đùng : Lương tháng của ông và phu nhân cộng lại, không thể nhiều hơn 20 nghìn USD/năm. Trong khi chi phí học tập và sinh hoạt của con gái ông ở Mỹ không ít hơn 100 nghìn USD/năm. Nghĩa là mức thu và chi mỗi năm của nhà ông chênh lệch 80 nghìn USD. Vậy ông lấy đâu ra số tiền 80 nghìn USD/mỗi năm (còn phải nhân lên 4 năm) để chi trả cho việc du học của con mình ? Câu hỏi này nếu đưa vào chương trình thi đấu "Đường lên đỉnh Olympia" thì có thánh IQ cũng không giải nổi (9) !

*

Tăng cường "tính tập quyền" cho 18 Ủy viên Bộ chính trị để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể rút lui khỏi chính trường. Nhân sự cấp cao sẽ được Bộ chính trị chuẩn thuận trên cơ sở của một "chiếu chỉ" từ đâu đó, sau các màn "đấu đá" hậu trường và có thể được công bố chính thức trước kỳ họp Quốc hội tiếp theo Hội nghị Trung ương-6. Các chính khách được đồn đoán sẽ ngồi vào ghế lãnh đạo tối cao của đảng sẽ là kết quả so kè giữa ông Phạm Minh Chính, ông Vương Đình Huệ và có thể thêm một vài vị nữa. Nhưng ngay đến cả tin đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ "rút lui khỏi chính trường", vẫn phải chờ đến "phút 89" mới có kết quả cuối cùng.

Ngọc Nguyên

Nguồn : RFA, 11/09/2022

Tham khảo :

1. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/quy-dinh-cua-bo-chinh-tri-ve-phan-cap-quan-ly-can-bo-va-bo-nhiem-gioi-thieu-can-bo-ung-cu-618829.html

2. https://ngaynay.vn/tien-si-le-kien-thanh-nguoi-tran-tro-hai-chu-nhan-dan-post124561.html

3. https://vietnamthoibao.org/vntb-bao-gio-nguyen-phu-trong-biet-rut-lui-de-lam-nguoi-tu-te/

4. https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vu-an-viet-a-lai-noi-ve-trum-cuoi/

5. https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-giao-ph%E1%BA%A3n-d%C3%A2n-l%C3%A0m-nh%E1%BB%A5c-c%E1%BA%A3-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-l%E1%BA%ABn-qu%E1%BB%91c-th%E1%BB%83/6523218.html

6. https://www.voatiengviet.com/a/sau-phi%C3%AAn-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BA%A5u-h%C3%B4m-nay-t%E1%BB%95ng-tr%E1%BB%8Dng-c%C3%B3-ch%E1%BB%8Bu-r%E1%BB%9Di-gh%E1%BA%BF-/6562785.html

7. https://www.intelligenceonline.com/international-dealmaking/2022/08/30/pm-pham-minh-chinh-gets-embroiled-in-aic-group-corruption-case,109807825-art

8. https://thoibao.de/blog/2022/08/31/dong-ho-dem-nguoc-ve-ngay-phan-quyet-so-phan-ong-chu-tich-phuc-ket-thuc-ra-sao/
9. https://www.youtube.com/watch?v=-6qc5isanx8&ab_channel=thoibao.de

Nguồn : VNTB, 09/09/2022

Tôi mách bác Tổng cho anh nhé, anh Thưởng !

Nguyễn Thần Dân, RFA, 10/09/2022

Anh Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Bộ chính trị ký ban hành Quy định số 80-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Nhưng so với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp thì Quy định 80 vừa rối rắm vừa tự mâu thuẫn, thậm chí gây ấn tượng nó nhằm hướng dẫn người ta chạy quyền, chạy chức cho đúng chỗ. Thế nên sau bài phân tích này tôi sẽ mách bác Tổng cho anh nhé, anh Thưởng !

tbt3

Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Bộ chính trị ký ban hành Quy định số 80-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Đầu tiên xin tóm tắt về Nghị quyết 80 cho bà con nắm.

"Đồng chí Sơn Tinh là con đồng chí nào ?"

Quy định này gồm sáu chương, 34 điều, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/Trung ương ngày 19/12/2017 của Bộ chính trị, nhằm để quản lý cán bộ. Nó được áp dụng trong các trường hợp : Phân cấp quản lý cán bộ ; Đánh giá cán bộ ; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ; Tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm ; cho thôi giữ chức vụ ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ ; Kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ, quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Tóm lại, nó bao hàm toàn bộ mọi động thái trong quản lý cán bộ các cấp, từ cán bộ cơ sở đến lãnh đạo cao cấp nhất.

Trong đó, giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ là quy trình được quan tâm nhất. Ở Việt Nam trước mỗi kỳ đại hội Đảng, từ các quán chè bồm vỉa hè đến các phòng khách sang trọng và kín đáo, chỗ nào cũng sôi sục luận bàn ông nào lên, bà nào xuống.


Quy định 80 đưa ra quy trình rất phức tạp, gồm tận năm bước. Tóm tắt, mỗi nhân sự được giới thiệu cho mỗi vị trí đều phải trải qua quá trình nhận xét, đánh giá, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự của người chủ trì cùng với tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Tiếp đó, căn cứ trên yêu cầu về số lượng, cơ cấu, điều kiện, tiêu chuẩn và danh sách, mỗi vị lãnh đạo cơ quan, đơn vị (mặc nhiên được xem là người có quyền trong việc giới thiệu và bổ nhiệm nhân sự) được quyền giới thiệu một người. Lá phiếu này được giữ kín. Ai chiếm trên 50% số phiếu bầu thì được chọn. Nếu không ai đạt thì hạ xuống chọn người được trên 30%. Nếu vẫn không có ai thì không chọn nữa và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Nếu ở bước đầu tiên, vị A được chọn nhưng đến bước bỏ phiếu kín vị B áp đảo thì sao ? Quy định 80 đưa ra giải pháp rất thú vị. Đó là tập thể lãnh đạo sẽ "họp, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn" nhân sự để giới thiệu ở bước tiếp theo (vẫn bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đây chính là những điểm lạc hậu và vô lý đầu tiên mà tôi phải mách bác Tổng cho anh Thưởng.

Đấy là vì trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, bác Tổng nhấn mạnh việc tuyển chọn cán bộ phải theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả. Tóm lại là như Tây : ai muốn ứng tuyển vào một vị trí trong bộ máy Nhà nước phải đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể. Thậm chí ở đây, bác Tổng còn yêu cầu cao hơn là kế hoạch hành động đã được thực hiện và được khảo sát kết quả.

Cổ tích thời xưa, mỗi khi vua chọn rể đều không phân biệt người đó xuất xứ từ đâu, lai lịch hoàn cảnh như thế nào mà luôn luôn ra những đề bài cụ thể : chém một con rồng, giết một quái vật, chinh phục một kho báu, giải một câu đố chưa ai giải được. Không làm được thì bị con rồng ăn thịt, bị biến thành tảng đá, bị đông cứng vĩnh viễn.

Ngay cả trong cổ tích Việt Nam, dù rõ ràng là thiên vị Sơn Tinh nhưng khi công khai chọn rể, vua Hùng cũng phải đề ra tiêu chí có các đặc sản quý lạ mang đến (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao) cho hai ứng viên thi thố. Chứ ông cũng chưa bao giờ hỏi "Đồng chí Sơn Tinh là con đồng chí nào ?" rồi cứ thế đề cử đầy trách nhiệm đến nỗi mỗi vị trí chỉ có một ứng viên duy nhất.

Tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm là chịu bằng cách nào ?

Quy định 80 yêu cầu tập thể lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về quyết định giới thiệu nhân sự của mình.

Mong anh Thưởng giải thích hộ : Chịu trách nhiệm bằng cách nào ?

Cơ chế tuyển dụng ở Việt Nam theo nhiệm kỳ năm năm một lần. Nên mỗi vị lãnh đạo cứ qua năm năm thì hầu hết đã thay đổi, lên xuống hoặc luân chuyển đi nơi khác. Nếu không còn làm việc chung cơ quan, cùng lĩnh vực thì họ chịu trách nhiệm với nhân sự từng giới thiệu bằng cách nào ?

Ví dụ một vị phó giám đốc sở Công thương giới thiệu trưởng phòng, sau đó vị này chuyển sang Ngân hàng làm giám đốc. Ông ta theo dõi quá trình làm việc và phát triển của vị trưởng phòng cũ ra sao ?

Đó là chưa kể trong suốt nhiệm kỳ năm năm, một vị lãnh đạo phải chọn lựa và giới thiệu biết bao nhiêu nhân sự. Đòi hỏi vị này phải chịu trách nhiệm với mỗi nhân sự từng được giới thiệu, mới nghe qua thì tưởng là đầy sự ràng buộc trách nhiệm, nhưng thực chất lại là quy định hình thức nhất vì không thể thực hiện được.

Thay vào đó, quy trình đánh giá năng lực cán bộ phải gắn chặt với thực tiễn hành động của họ, tại chính đơn vị họ đang làm việc. Đánh giá này phải được thực hiện bởi những người thụ hưởng kết quả việc làm của các nhân sự kể trên và một bên thứ ba độc lập.

Trong lý thuyết, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều tổ chức được giao trách nhiệm này, ví dụ các hội và hiệp hội, công đoàn, Ủy ban Giám sát của Quốc hội, cơ quan thanh tra và kiểm sát các cấp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng... Tuy nhiên, hoạt động của các hội hầu như chỉ ở vai trò đi thăm, tặng quà từ thiện. Hiệp hội rất thực tế, nắm chắc hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp nhưng bị hạn chế chỉ được đề xuất mà không có quyền kiểm tra. Thanh tra thì không đặt nặng việc phòng chống mà chỉ vào cuộc khi một cá nhân/đơn vị đã bị tố cáo tham nhũng hoặc đục khoét đến mục ruỗng. Ủy ban Kiểm tra cũng rứa !

Tóm lại, cả một nùi luật lệ và tổ chức được giao quyền, nghe kêu xoang xoảng nhưng cuối cùng vẫn là cha chung không ai khóc, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Trách nhiệm tập thể lại càng không. Tập thể là tất cả, nhưng cũng cóc phải là thằng nào. Thế nó mới vi diệu chứ ! Có thể cách chức, bắt bồi thường, bắt tù một tập thể không ? Không, anh Thưởng ạ ! Tôi năm nay hơn 70 tuổi, chưa từng thấy một trường hợp nào như thế cả.

tbt4

Các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam bỏ phiếu tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 30/1/2021. AFP

Cửa sau, lối tắt

Đã thế, Quy định 80 còn vẽ đường cho hươu chạy bằng các yêu cầu các ứng viên phải đạt số phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo.

Ối giời ơi mấu chốt để chạy quyền chạy chức chính là đây, chứ còn đâu nữa hỡi anh Thưởng kính mến ! Cửa sau, lối tắt chính là chỗ này.

Trích nguyên văn Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII anh Thưởng nhé :

"Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội".

Báo chí Việt Nam từng chỉ thẳng tên các "tập thể lãnh đạo gia đình trị" ở rất nhiều địa phương.

Năm 2021 có vụ bà Trần Huyền Trang, con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học Đầu tư năm 31 tuổi. Sau khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng chỉ rõ việc bà Trang không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm, Ủy ban kiểm tra Trung ương mới vào cuộc, thu hồi quyết định bổ nhiệm. Bà Trang trở về làm phó một phòng thuộc sở.

Vào năm 2016 thì đình đám nhất là vụ ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang. Trong nhiệm kỳ của ông Vinh, bà Phạm Thị Hà, vợ ông, được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang. Ba em trai ông Vinh gồm ông Triệu Tài Phong được bổ nhiệm chức Bí thư huyện ủy Quang Bình ; ông Triệu Sơn An được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì ; ông Triệu Tài Tân được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông. Em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ; ông Mạc Văn Cường, em rể ông Vinh, làm Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Giang… Ngoài ra, còn một số chức danh lãnh đạo khác là anh em họ hàng với ông Vinh.

Tiếp theo là vụ xin cấp có thẩm quyền quyết định khi cấp dưới không chọn được ứng viên nào. Cái khoản này nó ngồi hẳn lên đầu luật pháp, thậm chí còn nhún nhún mông ở trên ấy nữa cơ, anh Thưởng ạ.

Vì "cấp có thẩm quyền", cho dù là cấp cao đến tận ông mặt trời đi chăng nữa thì cũng chỉ là những con người cụ thể. Làm con người thì ai cũng có ái ố sân si hỉ nộ, có tính toán, có thủ thỉ bên gối, có tác động năn nỉ của gia đình, anh em, bạn bè, phe nhóm. Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi cũng chưa từng thấy ông lãnh đạo nào đang từ người biến thành thánh cả, anh Thưởng ạ ! Thế cho nên các nước tiên tiến hơn ta họ mới dùng các hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá cho tất cả mọi nhân sự, mọi quy trình trong mọi lĩnh vực, chứ không dùng các cá nhân. Hệ thống tiêu chuẩn này chính là luật pháp, nó bất vị thân, nó không có mẹ nuôi, bồ bịch, đệ tử hay một người anh kính mến nào cả. Vì vậy, nó tiệm cận nhất với sự công bằng.

Thế anh Thưởng nhể ? Vài ví dụ sương sương là đủ thấy cái quy định 80 do anh ký nó hầu như chỉ khuyến khích các "nhân sự" chạy dẻo cả chân lẫn tay, chứ đời kiếp nào giúp công khai, minh bạch và hiệu quả được cơ chế tuyển dụng người cho bộ máy nhà nước anh nhể ?

Gắn bó mật thiết với nhân dân nghĩa là thế nào ?

Đến đây kết thúc phần phê bình anh Thưởng. Tôi xin chuyển sang phê bình đích thân cụ Tổng. Phê bình là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, có phải thế không thưa cụ ?

Đây, trong nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII cụ đưa ra một tiêu chí nền tảng cho cán bộ, rằng phải "Gắn bó mật thiết với nhân dân"

Thưa cụ, hôm qua tôi vừa đặt hàng ở một trang thương mại điện tử xong. Ít cá ít rau thôi. Họ hẹn giao hàng trong khung giờ 12-14 g cùng ngày. Đến gần 14 h, anh nhân viên giao hàng gọi điện cho tôi hỏi đường đi và rối rít xin lỗi, vì anh chưa thạo đường nên sẽ giao hàng muộn hơn 14 g khoảng vài phút. Anh nhờ tôi không bấm vào mục Góp ý phàn nàn (vì trễ giờ hẹn), vì nếu khách hàng phàn nàn, anh sẽ bị công ty khóa đơn hàng trong ba ngày. Đồng nghĩa anh nằm co trong ba ngày đó, không kiếm được xu nào từ công ty. Nếu bị nhiều khách hàng phàn nàn, anh có nguy cơ rất cao bị cho thôi việc.

Thưa cụ, nếu dùng tiêu chí của cụ để đánh giá doanh nghiệp và anh nhân viên này, tôi nghĩ phải dùng đến 6 sao trong hệ 5 sao. Đấy mới là bằng chứng thuyết phục nhất cho việc "gắn bó mật thiết với nhân dân" mà họ đã làm được.

Hầu hết công chức, viên chức của ta, đi làm là để có tiền sinh sống. Mục đích này chính đáng và xứng đáng được tôn trọng. Chỉ có một số ít đặt ra các yêu cầu cao hơn như đóng góp, cống hiến cho ngành, cho xã hội, cho đất nước. Một số còn lại thì nhắm đến mục đích thăng tiến, nắm giữ các vị trí quan trọng để có quyền lực, có sức ảnh hưởng, có tiền.

Vậy thì với tuyệt đại đa số có động cơ làm việc là kiếm tiền sinh nhai, cụ muốn họ gắn bó mật thiết với nhân dân cụ thể là với ai ? Đồng nghiệp, hàng xóm, tổ dân phố hay toàn xã hội ? Cụ thể hành động gắn bó là gì ? Đi hỏi về chào, chủ nhật mời sang nhà xơi trà hay cùng gia nhập vào một hội nhóm trên mạng xã hội ? Tiêu chí này ị, mơ hồ, cảm tính và mông lung, không thể cụ thể hóa và thực hiện được, có nghĩa là nó vô giá trị thưa cụ.

Và hầu như toàn bộ các tiêu chí đánh giá cán bộ công chức trong Nghị quyết cũng mơ màng như thế. Nguyên do là sự mâu thuẫn nội tại từ tận gốc trong khái niệm cán bộ công chức.

Lý luận của nhà nước gọi cán bộ công chức là nô bộc của dân. Làm nô bộc thì chỉ cần trung thực, tận tình, thạo nghề là đủ.

Nhưng mặt khác, cương lĩnh của Đảng lại đề cao cán bộ công chức là đại diện của giai cấp lãnh đạo, là tinh hoa trong xã hội, là người chỉ đạo, lãnh đạo mọi lĩnh vực. Phải được đào tạo tốt, trình độ cao, giàu tính hy sinh, gương mẫu về mọi mặt.

Ấy thế là cùng lúc vừa là nô bộc, lại vừa là lãnh đạo, là người làm gương, người tiên phong, dẫn dắt, soi đường chỉ lối cho toàn thể dân tộc ? Xin lỗi cụ, chứ cái tiêu chí này lạ đời quá, tôi sống hơn 70 năm chưa thấy trường hợp nào nhập nhằng và khó hiểu như thế cả !

Xin hiến kế cho cụ Tổng, cụ nên lôi hết những anh thầy dùi giúp cụ soạn thảo các văn bản nghị quyết về chống tham nhũng, về trong sạch đội ngũ cán bộ… ra bắt các anh ấy thử thực hiện chỉ một điều trong cái mớ chữ nghĩa các anh ấy đẻ ra xem. Đầu tiên là anh Thưởng cụ nhể !

Nguyễn Thần Dân

Nguồn : RFA, 10/09/2022

Tham khảo :

- https://baochinhphu.vn/quy-dinh-moi-cua-bo-chinh-tri-ve-phan-cap-quan-ly-can-bo-va-bo-nhiem-gioi-thieu-can-bo-ung-cu-102220905183141577.htm

- https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/toan-van-nghi-quyet-so-26-nq-tw-ve-cong-tac-can-bo-38282.html

- https://careerbuilder.vn/vi/talentcommunity/nghe-cong-chuc-tai-sao-chung-ta-mat-nguoi-tai.35A50954.html

- https://tuoitre.vn/da-thu-hoi-quyet-dinh-bo-nhiem-con-gai-bi-thu-tinh-vinh-phuc-lam-pho-giam-doc-so-20210618194127588.htm

- https://tuoitre.vn/ong-trieu-tai-vinh-noi-ve-chuyen-ca-nha-lam-quan-va-tieu-cuc-thi-cu-20190925113853604.htm

************************

Tổng bí thư kế nhiệm đây rồi, bác Trọng ơi !

Chí Quang, VNTB, 09/09/2022

Thời điểm chuyển giao quyền lực tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam đang tới gần. Người dân và các nhà phân tích đang nín thở dõi theo từng động thái của ông tổng bí thư đương nhiệm và không ngừng suy đoán xem nhân vật nào sẽ lên thay thế ông ta.

tbt5

Người xứng đáng nhất để trở thành tổng bí thư mới của Việt Nam chính là nhân dân !

Vài khả năng có thể xảy ra :

Thứ nhất, ông tổng bí thư sẽ tiếp tục làm tổng bí thư. Khả năng này chắc khó xảy ra vì ông ấy năm nay đã cao tuổi, tình trạng sức khỏe không cho phép. Hơn nữa ông ấy đã nắm vị trí này suốt 3 nhiệm kỳ, chẳng lẽ bây giờ vẫn chưa chịu nhả ?

Thứ hai, ông tổng sẽ chọn một đồng chí nào đó trong nhóm quyền lực chóp bu để lên thay mình, có thể là một quan chức còn lại trong tứ trụ hoặc bộ chính trị. Tất nhiên việc lựa chọn không hề đơn giản vì ông ấy chắc chắn rất muốn trao quyền lực cho một người kế vị xứng đáng.

Vậy thử soi qua các "trụ" còn lại trong bộ tứ quyền lực xem ai là người xứng đáng tiếp nhận trọng trách này.

"Trụ" đầu tiên là chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông này vừa bị vướng vài cái thị phi khá nghiêm trọng gần đây. Nghe nói phu nhân của ông ta có dính líu tới vụ trọng án kit test Việt Á, và vụ bảo kê dự án chống ngập bằng máy bơm siêu to khổng lồ ở Thành phố Hồ Chí Minh (máy bơm này hút nước thì chẳng được bao nhiêu mà hút tiền ngân sách thì thấy ớn !) rất lãng phí và không hiệu quả, thay vì dùng lu để chống ngập, ít tốn kém hơn, như một đại biểu quốc hội đề xuất. Thêm nữa, quý tử nhà ông là Nguyễn Xuân Hiếu, đang du học bên Mỹ, biết đâu lại chẳng nhập quốc tịch Mỹ đế sau này, nghĩa là chạy theo tư bản rồi. Mới đây, lại lòi ra thêm vụ phim 18+… cho nên, đưa ông ấy lên làm tổng bí thư liệu có ổn không ?

"Trụ" thứ hai, ông thủ tướng Phạm Minh Chính thì sao ? Ông này chính là tác giả của chỉ thị 16 thần tốc quyết liệt vào năm 2021 để chống dịch covid. Hậu quả là hơn 40.000 người ra đi. Ông ta vừa bị truyền thông hải ngoại khui ra đời sống gia đình rất tai tiếng : bỏ bà vợ chính thức thui thủi một mình trong biệt phủ suốt nhiều năm, để ra ngoài sống như vợ chồng với tình nhân trẻ đẹp là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Nghe nói hai người có con riêng. Lối sống như vậy chắc không đạt chuẩn đạo đức Hồ Chí Minh rồi ! Chẳng biết ông thủ có liên quan gì đến vụ án "chuyến bay giải cứu" hay không, nhưng báo nước ngoài tiết lộ rằng khi còn giữ chức bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông ấy đã dính líu đến vụ tiêu cực gì đó do bà Nhàn gây ra tại tỉnh này. Bà Nhàn này kinh lắm, nghe đồn bà ấy mà tham gia đấu thầu dự án thì bao giờ cũng thắng, nhờ các mối quan hệ khủng với giới quyền lực. Gần đây, bà ấy còn nhúng tay vào thương vụ mua bán vũ khí trị giá tỷ đô giữa Việt Nam và Israel, với vai trò môi giới. Trong chuyến công tác đến Hoa Kỳ vừa qua, ông thủ tướng còn gây thêm tai tiếng, với một phát ngôn chấn động, mang đậm phong cách Nguyễn Phương Hằng "rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì ?" thế thì liệu ông ấy có xứng đáng lên ngồi ghế tổng bí thư hay không ?

Thế còn "trụ" cuối cùng, ông Vương Đình Huệ ? Ông này có vẻ được bác tổng Trọng ưu ái nhất vì vốn có ý chí vượt khó hơn người (cuối thế kỷ 20 rồi mà ông ấy vẫn cặm cụi đi bắt từng con đom đóm mang về làm đèn để học khuya, y như Mạc Đĩnh Chi đời nhà Trần !). Vả lại, cũng chưa gây tai tiếng gì cả. Chắc sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức tổng bí thư đảng. Đùng một cái, lộ ra chuyện con gái ông ta tốt nghiệp đại học tại Mỹ và sắp lấy chồng là công dân Mỹ. Thế là thế nào ? Khoan nói tới chuyện ông ta lấy tiền ở đâu ra mà chi trả cho việc học của con mình tại xứ cờ hoa đắt đỏ, nếu không tham nhũng, chỉ cần hình dung ra cảnh một ông tổng bí thư lãnh đạo đảng cộng sản mà lại có chàng rể Mỹ – sặc mùi tư bản, thì liệu có coi được hay không ? Làm sao tiến lên chủ nghĩa xã hội ?

Thế là tứ trụ hỏng rồi. Vậy ngoài tứ trụ thì sao ?

Bộ trưởng Tô Lâm ư ? Ồ, nói về ông này thì phải hết sức thận trọng, không thì đám an ninh sẽ điên lên… Thế này nhé các ông an ninh, tôi đây chỉ là một tên xe ôm, biết đến đâu thì nói đến đấy, chẳng dám thêu dệt gì cả, việc ông bộ trưởng Tô Lâm, tức là sếp lớn của các ông, ăn bò dát vàng nghìn đô bên Anh quốc, thì đã rõ ràng sòng phẳng quá rồi, chứ có ai bịa đặt hay thêm thắt gì đâu ? Còn vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin năm 2017, thì chính phủ Đức họ đã có bằng chứng cụ thể rằng đó là vụ bắt cóc trái phép, do ông Tô Lâm chỉ đạo, thế mà các ông cứ cãi chày cãi cối, và nếu ai nói ngược lại các ông, tức là đồng ý với chính phủ Đức, thì các ông chụp mũ người ta là phản động. Vừa phải thôi các ông ơi ! Các ông muốn ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư để các ông được hưởng thêm nhiều ưu đãi chứ gì ? Nhưng liệu có thành công không, với những vụ tai tiếng vừa nêu ?

Còn một nhân vật cộm cán nữa là ông Võ Văn Thưởng cũng đang tham gia cuộc đua khốc liệt này. Ông Thưởng có ưu thế là trẻ tuổi, ông ta có vẻ kín đáo, nhưng không biết có tai tiếng gì không ? Hiện nay thì chưa thấy gì, nhưng rất có thể các đối thủ cạnh tranh đang ngấm ngầm điều tra xem tài sản ông ta như thế nào, có tương đồng với thu nhập hay không, ông ấy có bao nhiêu biệt phủ, bao nhiêu ôtô, ngoài vợ chính thức ra, có bồ nhí, chân dài nào không, ngoài quốc tịch Việt Nam, ông ta còn quốc tịch nào khác, gia đình ông ấy kinh doanh những gì, con cái ông ta đang du học ở nước nào, ông ta có mua nhà ở Mỹ chưa… và đợi đến phút cuối mới tung ra, thì sẽ rõ.

Và trong cuộc đua quyền lực đỉnh cao này, có thể còn có sự tham gia của các ứng cử viên nặng ký khác mà người dân không biết được.

Nhưng ai mới là người xứng đáng ? Ai mới xứng đáng tiếp nhận quyền lực tối thượng này, và trở thành tổng bí thư mới của Việt Nam ?

Nếu đó là một cá nhân, dù ai đi nữa, thì sau khi thay thế ông tổng Trọng và nắm quyền lực trong tay, người đó rất có thể sẽ lập tức dẹp phăng cái lò của ông Trọng, không đốt lò gì nữa hết, cho tất cả quan chức tham nhũng thoải mái luôn, thế là công sức chống tham nhũng suốt mấy nhiệm kỳ của ông tổng Trọng đi tong. Có khi hắn còn đốt luôn ông Trọng trong chính cái lò mà ông ta đã tạo ra ấy chứ. Độc tài toàn trị thì ai dám ngăn cản ? có ai cản được những người như Stalin và Putin không ?

Để đối phó với các tiếng nói đối lập, hắn sợ gì mà không gia tăng đàn áp. Thậm chí nếu cần, có thể tạo nên một vụ Thiên An Môn thứ hai…

Để một cá nhân nắm trọn quyền sinh sát sẽ nguy hiểm như thế đó.

Mà cho dù ông tổng mới có ngoan ngoãn thực hiện chính xác đường lối do ông tổng Trọng hoạch định, tiếp tục kiên định tiến lên xã hội chủ nghĩa cho bằng được, thì rồi sẽ đi tới đâu ? Sẽ giống Bắc Hàn à ? Hay vỡ nợ như Lào ? Như Sri Lanka ?

Vậy thì chọn ai bây giờ ? Các chính trị gia đều dối trá, xảo quyệt, nham hiểm, và không thể tiên đoán được ! (Thạch Sanh thì ít, Lý Thông cả đàn !).

Thế thì…

Hãy chọn nhân dân !

Chính trị gia xứng đáng nhất để tiếp nhận quyền lực tối cao chính là nhân dân !

Người xứng đáng nhất để trở thành tổng bí thư mới của Việt Nam chính là nhân dân !

Đảng cộng sản vẫn là đảng cộng sản, không ai giải tán hay truy sát các ông cả. Nhưng hãy mở rộng chính trường cho các đảng phái khác cùng tham gia, cạnh tranh lành mạnh, rõ ràng sòng phẳng. Hãy thả Phan Sơn Tùng ra (nếu anh ta đang bị bắt giam hay câu lưu) để anh ta thành lập đảng Vì Việt Nam Thịnh Vượng, như dự định.

Luật sư Nguyễn Văn Đài ! Bác muốn thành lập đảng Anh Em Dân Chủ phải không ? Được ! cứ thành lập đi, nhưng đừng vội về nước, cứ ở bên Đức điều khiển từ xa, để xem sao đã, rồi sau này ổn hãy về. Mà bác có hứa là sẽ làm cho Việt Nam hết ngập nước và kẹt xe không ? Nếu có thì tôi sẽ bỏ phiếu cho bác.

Thế là có 3 đảng chính trị rồi ! Luật sư Hoàng Duy Hùng, ông có muốn thành lập đảng gì không ? Cứ tự nhiên, không có gì phải sợ.

Bà Nguyễn Phương Hằng, bà nghiện livestream à ? Nếu bà muốn thì cứ thành lập đảng của bà đi, sẽ có nhiều fan ủng hộ lắm. Cứ lên sóng chửi hăng vào là view sẽ tăng, và hốt phiếu bầu ! Cánh xe ôm chúng tôi rất thích nghe bà chửi !

Còn ai muốn thành lập đảng gì nữa không ? Cứ thoải mái mà làm. Còn không, muốn ra tranh cử tự do cũng được.

Tất cả các đảng đưa người đại diện ra tranh cử công khai, người dân sẽ bỏ phiếu chọn ứng cử viên tốt nhất lên làm lãnh đạo. Mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, hết nhiệm kỳ thì lại tổ chức bầu cử, không ai được dùng vũ lực cướp chính quyền. Đài Loan họ làm như thế đấy và họ có một lãnh đạo rất tuyệt vời là bà Thái Anh Văn cùng với một bộ máy nhà nước rất trong sạch hiệu quả.

Như vậy, Đảng cộng sản sẽ phải cạnh tranh rõ ràng sòng phẳng với các đảng khác như kiểu xe ôtô Vinfast cạnh tranh với Toyota, Huyndai, Ford… để chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm nào tốt hơn thì người tiêu dùng sẽ chọn. Chứ sao lại dùng bạo lực cách mạng bắt buộc người tiêu dùng phải chọn mỗi mình xe Vinfast ?

Thánh rắc hành ! Anh mới bị bắt à ? Trước khi an ninh nhét giẻ vào mồm anh, anh đã hét cái gì ? Có phải anh hét : "Tự do cho Việt Nam !" không ? Anh muốn Việt Nam có tự do à ? Yên tâm đi, Việt Nam sắp có tự do rồi. Chịu khó ở tù ít lâu, rồi anh sẽ được thả về, để tiếp tục bán bún bò và rắc hành. Ở trong tù, khi nào bị nhức răng thì cứ nhắn tin ngay, để chúng tôi gửi mấy hòn đá vào cho anh ghè răng nhé !

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ! Ông muốn tự do báo chí, tự do ngôn luận phải không ? Đừng lo, sắp có rồi. Ông tổng bí thư Trọng đang cân nhắc. Khi nào ông ấy quyết định chuyển giao quyền lực cho nhân dân, chúng tôi sẽ vào tận trại giam mở cửa đón ông ra, đưa ông đi gặp nha sĩ ngay.

Nhà báo Phạm Đoan Trang ! Chuẩn bị thu dọn đồ đạc đi là vừa, một ngày không xa, chúng tôi sẽ mở cửa buồng giam, đón cô về nhà gặp mẹ. Có muốn đặt vé máy bay để sang Châu Âu nhận giải thưởng nhân quyền không ?

Trần Huỳnh Duy Thức ! ông còn sống không ? Ráng lên nha ông, tự do sắp tới rồi…

Nhà máy bia Sài Gòn ! Tăng hết công suất lên đi, kẻo đến lúc toàn dân muốn khui bia, ăn mừng ngày giải phóng, thì lại không đủ hàng để bán !

Xin lỗi các ông an ninh, chạy xe ôm ế ẩm quá, không có khách, nên mới sinh ra bình luận chính trị thế này. Mong các ông đừng chụp mũ điều 331.

Chí Quang

Nguồn : VNTB, 09/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Nguyên, Nguyễn Thần Dân, Chí Quang
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)