"Tứ Trụ" Việt Nam tạm ổn sau những bất ngờ liên tiếp về nhân sự, đặc biệt với việc hai chủ tịch nước và một chủ tịch Quốc hội lần lượt từ chức. Giới quan sát quốc tế lưu ý là những xáo trộn trong thượng tầng lãnh đạo không phải là chuyện lạ trước mỗi kỳ Đại hội đảng nhưng lần này là "chuyện chưa từng có trong lịch sử", công khai hơn và chưa có dấu hiệu chấm dứt vì còn 19 tháng nữa mới tới Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIV với việc bầu tổng bí thư mới.
Từ trái sang phải : thủ tướng Phạm Minh Chính, phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bộ trưởng Công An Tô Lâm vào viếng chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên họp của Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/05/2024. AP - Hau Dinh
Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị tổng bí thư đảng ? Câu hỏi này được truyền thông quốc tế quan tâm đặc biệt kể từ khi Quốc hội phê chuẩn thay đổi nhân sự vào tháng 05/2024 : ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch quốc hội, bộ trưởng công an Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước, bà Trương Thị Mai được cho thôi làm đại biểu quốc hội và các chức ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bà Mai là ủy viên Bộ Chính trị thứ 6 phải từ chức từ năm 2022 trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng.
Tiêu chí ứng viên : Hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị
Bộ Chính Trị hiện nay có 16 ủy viên, thay vì 18 như đầu Đại hội lần thứ XIII của Đảng năm 2019, với 4 ủy viên mới được bầu bổ sung trong tháng 05/2024. Trong số này chỉ có 12 ủy viên có thể đáp ứng được yêu cầu tiên quyết là hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị để được đề cử làm tổng bí thư.
Trong số này, hai vị trí trong "Tứ Trụ" được đề cấp nhiều nhất, gồm chủ tịch nước Tô Lâm, thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai "ứng viên nổi bật" này đều sẽ quá tuổi nghỉ hưu theo quy định là 65 khi diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, dự kiến vào tháng 1/2026 nên sẽ cần được coi là "trường hợp đặc biệt".
Ông Tô Lâm được các nhà quan sát về chính trị Việt Nam cho là "đang trên đường hướng tới chiếc ghế tổng bí thư", đặc biệt là vị trí bộ trưởng Công an đã được giao cho cộng sự thân tín của ông là thứ trưởng Lương Tam Quang, theo ghi nhận của trang The Diplomat ngày 07/06. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Futaba Ishizuka, Viện Kinh tế Phát triển JETRO, lưu ý trên trang Nikkei ngày 22/05 : "Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng trong Bộ Công an sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định liệu ông có thể trở thành tổng bí thư hay không".
Trong loạt bài tổng hợp về "Sự thay đổi lãnh đạo ở Việt Nam" (Leadership change in Vietnam), giáo sư danh dự Carl Thayer, Đại học New South Wales, cho rằng "việc ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước có thể được hiểu theo hai cách : ông được đưa lên vị trí chủ yếu mang tính hình thức và giữ chức đến cuối nhiệm kỳ vào tháng 05/2026. Hoặc chức chủ tịch nước có thể được coi là bàn đạp cho vị trí tổng bí thư". Tuy nhiên, ông Tô Lâm "phải vượt qua được 5 cửa ải" :
"Thứ nhất, thông thường tổng bí thư hiện tại đề cử người kế nhiệm. Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIV, hiện do tổng bí thư Trọng đứng đầu, phải cân nhắc và phê chuẩn ông Tô Lâm làm ứng viên. Ông cũng phải được coi là "trường hợp đặc biệt" vì sẽ quá 65 tuổi theo quy định nghỉ hưu.
Chặng thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện nay phải phê chuẩn đề xuất của tiểu ban nhân sự hoặc đạt được đồng thuận về người kế nhiệm. Tiến trình này thường kéo theo nhiều cuộc thăm dò ngẫu nhiên trước khi bỏ phiếu chính thức. Ví dụ, năm 2020, tổng bí thư Trọng đề cử ông Trần Quốc Vượng nhưng ông Vượng đã không nhận được đa số phiếu và cuối cùng là đạt được đồng thuận để ông Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba. Tóm lại, ông Tô Lâm có hai hướng để đi đến thành công ở chặng hai. Hoặc việc đề cử ông được chấp nhận hoặc ông trở thành một ứng viên được đồng thuận.
Chặng thứ ba, ông Tô Lâm phải nhận được đa số phiếu từ hơn 1.500 đại biểu Đại hội XIV để được bầu vào Ban chấp hành Trung ương mới phải bầu ông Tô Lâm vào Bộ Chính trị. Và khi lựa chọn xong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương mới phải bầu ông Tô Lâm làm tổng bí thư" (1).
Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Carl Thayer, hành trình sẽ không hoàn toàn thuận lợi cho ông Tô Lâm vì ông không được ủng hộ cao, bằng chứng là trong cuộc bỏ phiếu đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn năm 2023, ông Lâm có số phiếu "tín nhiệm cao" khá thấp. Đảng cộng sản Việt Nam ưu tiên đồng thuận nội bộ, trong khi ông Lâm lại là một ứng viên gây chia rẽ.
Ứng viên nặng ký thứ hai cho chức tổng bí thư đảng là thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong "Tứ Trụ" hiện vẫn đứng vững. Giáo sư Zachary Abuza, trường National War College (Mỹ), nhận định trên trang Al Jazeera ngày 22/05 rằng sau khi rời ghế bộ trưởng Công An, ông Lâm "khó có thể hạ được ông Phạm Minh Chính".
Một nhân vật mới cũng gây chú ý là đại tướng Lương Cường, vừa được bổ nhiệm tham gia Ban Bí thư và chức vụ Thường trực Ban Bí thư. Dường như ông Tô Lâm đã không gây được sức ép để trợ lý thân cận của ông là thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thay thế vị trí của bà Trương Thị Mai. Theo giáo sư Carl Thayer, việc bổ nhiệm tướng Lương Cường "nên được xem như một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của một liên minh chống lại sự trỗi dậy của ông Tô Lâm hơn là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam".
"Ông Lương Cường là ủy viên Ban chấp hành Trung ương từ Đại hội XI. Ông đã hoàn thành nhiệm kỳ đầu ở Bộ Chính trị, đây là điều kiện tiên quyết cho vị trí tổng bí thư. Ông Cường sinh năm 1957 ở tỉnh Phú Thọ, miền bắc Việt Nam, cũng là một lợi thế chính trị. Tuy nhiên, ông sẽ 69 tuổi khi diễn ra Đại hội XIV, có nghĩa là nhiều hơn 4 tuổi theo quy định nghỉ hưu. Cho nên ông cũng cần được coi là "trường hợp đặc biệt".
Về lý thuyết, ông Lương Cường có nhiều cơ hội trở thành tổng bí thư tương lai. Nhiều tin đồn cho rằng quân đội đang gây sức ép để thanh tra tập đoàn Xuân Cầu (Công ty cổ phần Xuân Cầu Holdings với công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Địa ốc Thành phố (CityLand)) do em trai của ông Tô Lâm điều hành" (2).
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yosof Ishak Institute, Singapore), cũng cho rằng tướng Lương Cường có thể là một một ứng viên đáng chú ý, nhất là khi ông được "lịch sử ủng hộ", ý muốn nói đến trường hợp ông Lê Khả Phiêu nhậm chức tổng bí thư từ vị trí thường trực Bộ Chính trị - tương đương với vị trí thường trực ban bí thư hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam chưa từng có tổng bí thư nào xuất thân từ ngành công an.
Ngoài ra, theo giáo sư Carl Thayer, căn cứ vào việc bổ nhiệm nhân sự mới đây, có thể có thêm hai ứng viên tiềm năng khác là Trần Cẩm Tú và Trần Thanh Mẫn.
"Cả hai sẽ chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định và đều có một nhiệm kỳ 5 năm bắt buộc ở Bộ Chính trị. Ông Mẫn vừa được bầu làm chủ tịch Quốc hội. Vị trí này từng là bàn đạp cho cả hai nhà lãnh đạo đảng là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng. Ông Tú, thuộc nhánh Nghệ An, là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng" (3).
Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer cũng lưu ý đến một tiêu chí "ngầm" khác là nguyên quán của ứng viên cho chức tổng bí thư, thường là người miền Bắc.
Tổng bí thư đương nhiệm đề cử ứng viên thay thế
Thông thường, tổng bí thư đương nhiệm là người đề cử tên người kế nhiệm. Giám đốc nghiên cứu Benoit de Tréglodé, trường Quân sự Pháp, nhận định với RFI tiếng Việt rằng có lẽ ông Trọng chưa tìm ra được người kế nhiệm vì đích thân ông làm trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV. Tuy nhiên, tổng bí thư không phải là người toàn quyền quyết định vì Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc tập thể. Thêm vào đó, việc ông Thưởng bị buộc từ chức chủ tịch nước, trong khi ông được coi là người được tổng bí thư che chở, cho thấy ảnh hưởng của ông Trọng đã bị suy giảm phần nào. Giáo sư Carl Thayer nhận định :
"Cần nhớ lại rằng ông Nguyễn Phú Trọng dự Đại hội đảng XIII vào đầu năm 2021 và đề cử ông Trần Quốc Vượng làm người kế nhiệm. Nhưng trong cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương tháng 11/2020, ông Vượng đã không hội đủ được đa số ủng hộ và đã bỏ cuộc. Do đó, ông Trọng không phải là người có quyền lực không thể tranh cãi trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm ngoái (2023), kế hoạch cho Đại hội đảng lần tới đã được triển khai. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiểu ban nhân sự, phụ trách lựa chọn và bổ nhiệm những ứng viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội XIV vào đầu năm 2026. Ông Trọng đã chịu nhiều phản ứng tiêu cực vì cách tiếp cận mang tính độc đoán hoặc thiếu đồng thuận.
Vấn đề sức khỏe của ông hiện nay cũng đánh dấu chấm dứt thời kỳ giữ chức tổng bí thư của ông. Những người được lợi hoặc những người đã tận sử dụng chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, hiện rất chú ý đến việc duy trì ảnh hưởng của họ trong những tháng tới. Bàn tay của ông Trọng suy yếu vì ông Thưởng phải từ chức. Nếu ông Trọng muốn bảo vệ di sản chống tham nhũng và xây dựng đảng, từ giờ ông sẽ phải mặc cả với những "nhóm lợi ích" khác" (4).
Những nỗ lực chống tham nhũng của tổng bí thư Trọng đáng được hoan nghênh nhưng giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng ông Trọng phải cáng đáng trách nhiệm trong việc giám sát tiến trình lựa chọn nhà lãnh đạo sau này bị phát hiện là "giống như những trái táo thối". Việc ông đứng đầu tiểu ban nhân sự cũng có thể được hiểu là ông muốn chuộc lỗi để lựa chọn khắt khe ứng viên cho các vị trí lãnh đạo sắp tới. Gần 20 tháng trước kỳ Đại hội có thể được coi là giai đoạn hỗn loạn nếu ông Tô Lâm tìm cách lãnh đạo Đảng nhưng lại bị những người không muốn ông thăng tiến phản đối. Cuộc đấu tranh nội bộ chưa có hồi kết, rất có thể sẽ tiếp tục cho tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 10/06/2024
(1) Background Brief (Tóm tắt tình hình), Thayer Consultancy, ngày 19/05/2024.
(2) Background Brief, ngày 20/05/2024.
(3) Background Brief, ngày 20/05/2024.
(4) Background Brief, ngày 21/05/2024.
Tìm người kế vị Tổng bí thư Đảng đang bị mắc kẹt trong "cái bẫy tham nhũng" ?
Doãn An Nhiên, RFA, 01/04/2024
Tham nhũng mang tính hệ thống và ngày càng nghiêm trọng, nay vấn nạn đã lên đến "vùng cấm" thách thức sự tồn vong chế độ tập quyền cao dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Đây là hệ quả của cái gọi là nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan, nghĩa là sự chấp nhận tham nhũng để tăng trưởng kinh tế đảm bảo tính chính danh cho chế độ. Để cân bằng trạng thái này ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được lựa chọn trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 năm 2011. Từ khi đó ông Tổng bí thư đã phát động chiến dịch chống tham nhũng đồng thời vẫn thúc đẩy tăng trưởng. Không tìm được người kế vị phù hợp, ông Trọng đã hai lần vận dụng "trường hợp đặc biệt" để ở lại cương vị Tổng bí thư tại hai Đại hội 12 năm 2016 và 13 năm 2021. Chính sách chống tham nhũng vẫn được thực hiện, nhưng cho đến nay nó vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng tham nhũng cao - một ‘cái bẫy tham nhũng.’ Đó là sự thoả thuận ngầm (như che giấu, giảm nhẹ…) giữa nhóm các quan chức nhất định, chẳng hạn cấp cao nhất, về hành vi tham nhũng của họ vì mục đích riêng. Ông Tổng bí thư, năm nay đã 80 tuổi, ngoài ra vì lý do sức khỏe, sự kế vị ông đang được ra đặt ra. Tuy nhiên, liệu ứng viên nào ‘cần và đủ’ để cân bằng trạng thái tham nhũng chính trị hiện nay ? Điều này đang thách thức nguyên tắc tập thể lãnh đạo mang tính truyền thống của Đảng ?
Chủ tịch Võ Văn Thưởng trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 17/10/2023 -Reuters
Vấn nạn tham nhũng kéo dài, tràn lan và nghiêm trọng đang gây ra khủng hoảng công tác cán bộ Đảng của hệ thống chính trị nói chung và nhân sự ở cấp cao nhất nói riêng. Chỉ riêng đối với chức vụ Chủ tịch nước, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021) đến nay đã bốn lần thay đổi liên tục, bốn vị khác nhau và, không ai nắm trọn nhiệm kỳ. Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 4/2016 đến 9/2018), ông qua đời vì bạo bệnh ; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (10/2018 đến 4/2021) thôi chức vì lý do sức khỏe khi chưa hết nhiệm kỳ ; Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (4/2021 đến 1/2023) thôi chức vì "chịu trách nhiệm chính trị" vì để cho nhiều lãnh đạo cấp dưới vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật ; Trường hợp nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (3/2023-3/2024) phải "từ chức" vì "theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".
Trong nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021-2026), tính đến thời điểm hiện tại đã có 4/18 Ủy viên Bộ Chính trị phải thôi chức và "chịu trách nhiệm chính trị" trước Đảng, 21/200 Ủy viên Trung ương (cả dự khuyết) và hàng chục nghìn tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên lãnh đạo trong hệ thống chính trị bị kỷ luật…
Như đã nêu, sự kiện xảy ra mới đây thu hút sự chú ý của giới quan sát và làm rung động chính trường Việt Nam. Ông Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa ‘ngã ngựa’ ngày 21/3/2024. Đảng cộng sản cầm quyền nói ông Thưởng có đơn thôi giữ các chức vụ trong tổ chức Đảng và Nhà nước và được đồng ý [1]. Họ kết luận ông vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, nêu giương người đứng đầu và pháp luật nhà nước. Trong vòng một năm, từ tháng 3/2023 đến 3/2024, hai vị Chủ tịch nước từ chức vì "trách nhiệm chính trị", một hình thức kỷ luật ở ‘vùng cấm’ để giữ thể diện cho chế độ Đảng cộng sản toàn trị, nhưng thực ra, ít nhiều, đều liên quan đến tham nhũng. Chẳng hạn, ông Võ Văn Thưởng bị đồn đoán liên đới đến vụ án "hối lộ" xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn [2] gắn với trách nhiệm lãnh đạo ở địa phương, thực ra là ‘nhận hối lộ’, của dàn lãnh đạo – hai đời Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn 2011-2021, trong đó có ông Thưởng lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Thưởng, như đã biết, trên con đường sự nghiệp hơn 10 sau đó của mình đã thăng tiến nhanh chóng, ra trung ương, giữ các chức vụ như Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch nước. Ban đầu, ông Võ Văn Thưởng được tập thể Đảng lựa chọn với kỳ vọng có thể thích ứng với trạng thái tham nhũng hiện nay trong giới lãnh đạo. Ông Thưởng sinh năm 1970, còn tương đối trẻ, trưởng thành từ công tác chuyên trách đoàn, từng giữ chức Bí thư tỉnh uỷ ở tỉnh Quảng Ngãi, trải qua nhiều cương vị ở Trung ương, có một nhiệm kỳ uỷ viên Bộ Chính trị. Dường như ông không tỏ ra ‘nghiêng’ về phe nào… Về hình thức theo quy định của Đảng, ông đủ điều kiện cho chức Chủ tịch nước. Ngoài ra, vì sự ‘phù hợp, này ông Thưởng còn được sự ủng hộ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thậm chí đích thân ông Nguyễn Phú Trọng đã can thiệp[3] vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình.
Nay, sự kiện ông Thưởng bị ‘phế truất’ bất ngờ đã gây nhiều suy đoán. Trước hết, về quyền lực của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liệu đã suy giảm, rằng ông ấy đã bị ‘tiếm quyền’ bởi "những người giúp ông làm trong sạch bộ máy Đảng". Và, hậu quả là "chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát" của ông Tổng bí thư. Hai là, cuộc chiến kế vị Tổng bí thư trong Đảng đã bắt đầu và, người người kế vị Tổng bí thư cho nhiệm kỳ Đại hội 14 không phải để cân bằng trạng thái tham nhũng cao, mà sẽ có thay đổi. Một giả thuyết (!) rằng có thể sẽ là nhân vật ‘nặng ký’ nhất trong trò chơi vương quyền sẽ thay thế, thậm chí có thể kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước và, với quyền lực tuyệt đối thì những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai sẽ không "động" đến ông ấy...
Giới phân tích chính trị quan ngại về sự xáo trộn như trên về nhân sự "vùng cấm" có thể gây bất ổn. Khi sự thoả thuận để cân bằng trạng thái "tham nhũng chính trị" bị phá vỡ có thể khơi mào cuộc chiến quyền lực căng thẳng trong nội bộ. Trong số 18 ủy viên Bộ Chính Trị hiện thời chỉ còn 14 người, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn bốn ứng cử viên thoả mãn những điều kiện cần. Liệu nguyên tắc tập thể lãnh đạo có được đảm bảo khi tương quan lực lượng thay đổi ? Vấn đề bây giờ là ai sẽ nắm thực quyền chứ không phải người ‘đại diện’ cho các phe phái trong bối cảnh tham nhũng cao để duy trì chế độ ?
Các nhà quan sát đang dõi theo những động thái đối nội và đối ngoại của Đảng cộng sản trước những biến cố nhân sự ‘chóp bu.’ Một số ‘nghịch lý’ đã lộ rõ, chẳng hạn, chỉ thị ‘ngầm’ 24[4] của Đảng về giữ an ninh chế độ ‘từ sớm, từ xa’, trấn áp ‘mầm mống’ hình thành các tổ chức đối nghịch trong khi thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động ‘trấn an’ quốc tế khá ồn ào về "ngoại giao cây tre" đến hai cường quốc kinh tế đối nghịch về ý thức hệ. Trong hai ngày 18-19/03 tại Cát Lâm, Trung Quốc, ông Lê Hoài Trung, Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng cộng sản Việt Nam đã ‘trao đổi’ với người đồng cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi hôm 25/3 ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ‘hội đàm’ tại Washington với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power… Trong chuyến thăm này khi được hỏi về việc ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tuần trước, Ngoại trưởng Sơn nói : "Tôi nghĩ việc chủ tịch nước từ chức ở Việt Nam không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi" [5]…
Ngày 13/3/2024, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiêm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 14, đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban này với sự tham dự đầy đủ của "Tứ trụ" của chế độ. Tại đây, đặt ra yêu cầu cao về nhân sự cán bộ đảng, ông Trọng nói : "… không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc. [6] Công luận băn khoăn, liệu đây có phải là lời phát biểu ‘cuối cùng’ của một biểu tượng dám dương ngọn cờ chống tham nhũng ? Và, ai sẽ là người kế vị Tổng bí thư để tiếp tục chiến dịch đốt lò do ông ấy phát động ?
Doãn An Nhiên
Nguồn : RFA, 01/04/2024
Tham khảo :
[3] https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen
[4] https://the88project.org/vietnams-leaders-declare-war-on-human-rights/
[5] https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-vn-chu-tich-nuoc-tu-chuc-khong-anh-huong-den-cac-chinh-sach-cua-ha-noi/7543704.html [6] https://vnexpress.net/khong-de-lot-vao-trung-uong-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-4721864.html
Ai sẽ kế nhiệm ông Trọng trong Đại hội 14 : Không ai cả !
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 31/03/2024
Những cuộc thảo luận xung quanh cú ngã ngựa bất ngờ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tập trung vào câu hỏi ai sẽ là người thay thế ông. Một vài cái tên được đưa ra, từ Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm tham quan gian hàng của Cục Công nghiệp an ninh, Bộ Công an.
Dù vị trí Chủ tịch nước không nắm giữ nhiều thực quyền trong hệ thống chính trị nhà nước đảng ở Việt Nam, song sở dĩ dư luận quan tâm là vì người ngồi vào chiếc ghế này có cơ hội kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng trong vị trí Tổng bí thư.
Kể từ khi ông Trọng đánh bại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Đại hội XII (2016), sự cân bằng tinh tế giữa Bộ Chính trị - đại diện cho bộ máy quan liêu đảng ở trung ương, và Ban Chấp hành Trung ương - đại diện cho các cơ cấu đa dạng trong hệ thống chính trị, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, Quân đội và Công an, đã dần bị thay thế bằng sự tập trung quyền lực cao độ vào vị trí Tổng bí thư.
Các quy chế nội bộ mới được ban hành và những cơ quan giám sát được tăng quyền đã giúp vị trí Tổng bí thư nắm giữ quyền sinh sát với mọi đảng viên, bao gồm cả Ủy viên Trung ương lẫn Ủy viên Bộ Chính trị.
Bởi vậy, khi ông Thưởng bị loại, mọi ánh mắt đổ dồn vào chiếc ghế trống của ông để xem ai sẽ là người được ông Trọng chọn, như một dấu chỉ về người sẽ kế nhiệm vị trí Tổng bí thư đầy quyền lực trong nay mai.
Song, những ai đang kỳ vọng có thể sẽ thất vọng. Ông Trọng có thể đang chẳng chọn một ai kế vị mình.
Nói cách khác, ông Trọng đang tìm cách để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 của mình một cách xuôi chèo mát mái vào Đại hội XIV (2026) tới đây, và việc loại bỏ ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, cần được xem như một phần của nỗ lực này.
Ở kỳ Đại hội XIII (2021) vừa qua, ông Trọng đã khiến cho công chúng và giới quan sát ngỡ ngàng khi bất chấp Điều lệ Đảng để tại vị nhiệm kỳ thứ 3. Dù giữ được ghế, song ông Trọng có lẽ cũng cảm giác được hành động "cố đấm ăn xôi" này không được danh chính ngôn thuận cho lắm, nhất là khi nhìn qua Trung Quốc, nơi Tập Cận Bình khi muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 của mình đã cẩn thận sửa đổi Hiến pháp trước đó ra sao.
Có lẽ vì thế mà lần này ông Trọng tiết lộ Đại hội XIV (2026) sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng, lần đầu tiên trong vòng 15 năm. Dù chưa rõ điểm nào sẽ được sửa đổi, song có thể dự đoán rằng quy định giới hại hai nhiệm kỳ của vị trí Tổng bí thư sẽ được gỡ bỏ, mở đường cho ông Trọng tại vị một cách chính danh.
Bên cạnh những trở ngại về quy chế, một thử thách khác đối với ông Trọng là sự phản đối từ các "nguyên lão" tức các cựu lãnh đạo cấp cao - những người vốn từng chịu những ràng buộc về nhiệm kỳ hoặc tuổi tác nay lại thấy đồng chí đàn em mình ngang nhiên bước qua. Thử thách này lẽ ra có thể có một sức nặng tuy nhiên nếu xét rằng đa số các cựu lãnh đạo đều có con em đương chức với những ràng buộc về quyền lợi và an toàn, không khó để ông Trọng hóa giải. Trường hợp Trần Tuấn Anh, con của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một ví dụ. Ông được đôn lên Bộ Chính trị vào Đại hội XIII như một cách để xoa dịu sự phản đối nếu có từ cha ông, song đã nhanh chóng bị loại bỏ một khi ông Trọng tại vị thành công.
Cuối cùng, một điều có thể khiến người trọng danh tiếng như ông Trọng e ngại là điều tiếng tham quyền cố vị từ dư luận về cá nhân ông, nhất là khi cân nhắc tuổi tác và tình hình sức khỏe của Tổng bí thư. Để xoa dịu dư luận trong và ngoài đảng, ông Trọng đã chấp nhận trong Đại hội XII (2021) ông không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất, mà còn có ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông cũng cho dư luận thấy ông chấp nhận "tre già măng mọc" khi sắp xếp cán bộ trẻ Võ Văn Thưởng vào một trong những vị trí cao nhất. Tuy nhiên, điều gì xảy ra với Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng sau đó thì đến nay dư luận đã rõ.
Tóm lại, cũng như Đại hội XIII (2021), vào kỳ Đại hội XIV (2026) tới đây, ông Trọng sẽ lại tiếp tục tạo ra một tình huống chính trị rằng ông là phương án hợp lý duy nhất cho vị trí Tổng bí thư. Và với một Điều lệ Đảng đã được gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ, ông Trọng sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ tư danh chính ngôn thuận.
Từ giờ tới lúc đó, những ai mong đợi một cái tên khác hẳn sẽ thất vọng.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 31/03/2024
Diện mạo của đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam dường như không hề lạc quan về nguyên tắc lý luận lẫn thực tiễn
Bài viết này không nhằm đả kích chính khách Nguyễn Phú Trọng, mà chỉ cảnh báo ông nên có cái nhìn tỉnh táo hơn về vận mệnh nước nhà.
Mới đây, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", của tác giả Nguyễn Phú Trọng, tập hợp 29 bài viết nghiên cứu, bài phát biểu được cho là "thể hiện tầm cao của tư duy lý luận cách mạng, chắt lọc và tổng kết thực tiễn với những minh chứng thuyết phục về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tầm nhìn thời đại, góp phần quan trọng trong quá trình tiếp tục xây dựng, củng cố, bổ sung và phát triển vững chắc nền tảng lý luận cách mạng Việt Nam của Đảng ta hiện nay".
Cuốn sách này được dùng làm tài liệu học tập ở các khóa bồi dưỡng chính trị cho đảng viên.
Cá nhân người viết cho rằng có thể 29 bài viết này là đúng theo góc nhìn lý thuyết của chính khách Nguyễn Phú Trọng được căn cứ trên những gì được bộ phận thư ký tập họp báo cáo trình lên Tổng bí thư. Thực tế lại cho thấy cả "tầm nhìn thời đại" cho đến chuyện "thuyết phục về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội" của 29 bài viết trong cuốn sách này, rất cần xem lại về giá trị thực tế.
Đơn cử, nếu "tầm nhìn thời đại" là trúng, vậy cần trả lời vì sao số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022 cho thấy có đến 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Trong đó có 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác.
Chi tiết hơn, có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như Thành phố Hồ Chí Minh có 2.035, Hà Nội có 1.032, Đồng Nai có 496, Bình Dương có 368, An Giang có 297, Long An có 266, Đà Nẵng có 248, Cần Thơ có 238, Đồng Tháp có 204…
Nhân lực y tế có trình độ bác sĩ xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập có ở tất cả các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, nội, ngoại, sản, nhi và cận lâm sàng. Trong số 8.810 nhân viên y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các tỉnh, thành phố nghỉ việc có 4.477 nhân viên y tế làm việc ở tuyến tỉnh, 2.460 nhân viên y tế làm việc ở tuyến huyện và 903 nhân viên y tế làm việc ở tuyến xã.
Tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Y tế cũng có 870 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn: Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (134 người), Bệnh viện Thống Nhất (86 người), Bệnh viện Trung ương Huế (63 người), Bệnh viện Bạch Mai (60 người), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (59 người), Bệnh viện Chợ Rẫy (48 người)…
Một ví dụ khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế – xã hội năm 2022 khai mạc hôm 18-9-2022, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ lại đưa ra yêu cầu, "Tăng khả năng tự cường của nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu".
Theo ông Huệ, một số cấu phần của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhất là việc giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; gói hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại. Cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô 113.000 tỉ đồng, vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song vừa mới được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua danh mục dự án cuối tháng 8-2022 chủ yếu do chậm trễ, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư…
Giải ngân đầu tư công còn chậm và vẫn là điểm nghẽn. Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao, và áp lực tăng trở lại…
Với hai đơn cử nói trên cho thấy diện mạo của đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam dường như không hề lạc quan về nguyên tắc lý luận lẫn thực tiễn như những gì mà chính khách Nguyễn Phú Trọng đã từng viết, để sau đó được thuộc cấp tập họp và phát hành sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 19/09/2022
Việc thay Nguyễn Phú Trọng vẫn phải chờ đến "phút 89"
Ngọc Nguyên, RFA, 11/09/2022
Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. "Bộ Tam" về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của "Bộ Tam" cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội.
Tứ trụ của Đảng cộng sản Việt Nam (từ trái sang) : Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - AFP
Ngày 6/9/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố Quy định số 80-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Quy định dài có sáu chương với 33 điều và ba phụ lục. Quy định này thực ra đã được Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện lâu nay. Theo giới phân tích, ý nghĩa thời sự của nó là Đảng cho công bố công khai trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương-6 để tái khẳng định quyền lực của Bộ chính trị. Nhưng mặt khác, việc tăng cường quyền lực của Bộ chính trị vào thời điểm hiện nay cũng cho thấy, Tổng bí thư Trọng và bộ sậu đang rất lo lắng trong việc thâu tóm đa số Ủy viên Trung ương đối với các vấn đề nhân sự quan trọng (1).Với những ai quan sát tình hình chính trị nội bộ Việt Nam, câu hỏi bật ra một cách tự nhiên. Phải chăng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại thời điểm hiện nay, đang chuẩn bị cho tình huống sắp phải chuyển giao quyền lực của mình ?
"Chân ghế Tổng bí thư" bị rung lắc
Trước thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam công khai Quy định số 80, trong dịp Quốc khánh 2/9, nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn phát biểu trên báo "Ngày Nay" : Nhiều người hỏi tôi, công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của ta hiện có hiệu quả không ? Về việc này, tôi đã phát biểu nhiều lần, chuyện "củi lò" hiện nay phần lớn là để an dân. Mình chỉ nói về một "cái lò" chứ không nói đến chuyện làm sao để "củi" không bị mục, "cây" không bị mục, "cây" không thành "củi"... Nếu chọn những cây như cây Tùng, cây Bách thì củi chỉ là cái gì đó rất nhỏ, còn bóng mát của nó, thân cây của nó đứng sừng sững giữa trời, giữa muôn ngàn bão tố. Còn ở đây, mình đôi khi chặt cả "củi tươi". Hiểu thế nào là "củi tươi", đấy không phải là "củi". Muôn đời nay, người ta hiểu củi là cây mục nát, đã rơi xuống đất không còn sử dụng được nữa, chẳng có ai đi chặt cây tươi làm củi cả (2).
Xem thế để thấy, sự nghiệp "đốt lò" của ông Tổng bí thư không được Tiến sĩ Lê Kiến Thành đánh giá cao. Nhưng ông Trọng, một lần nữa vẫn phải đưa ra lời kêu gọi dứt điểm các vụ án lớn, từ Việt Á đến bay giải cứu, từ Quyết còi FLC đến Tân Hoàng Minh… Vụ nào cũng "hoành tráng" cả. Kẹt một nỗi, dư luận đang trỏ vào cái Huân chương Lao Động đến nay vẫn chưa bị xóa sổ. Người dân chất vấn, khi tự mình ký vào Quyết định tặng Huân chương, Nguyễn Phú Trọng đã không chỉ hợp pháp hóa mà còn cổ động công khai cho bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Á vốn đã bị WHO phủ nhận giá trị khoa học. Biết vậy mà các bộ máy của ông Trọng vẫn ép hàng triệu người Việt Nam ngoáy mũi ! Tức là Nguyễn Phú Trọng – xét cả trên mặt luật pháp lẫn trách nhiệm và lương tâm đạo đức của người đứng đầu Đảng và Nhà nước– qua hành động nói trên với tư cách Tổng bí thư và Chủ tịch nước, có trách nhiệm không thể chối bỏ ! Vì xét về mặt tổ chức của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam thì Tổng bí thư là người đứng đầu chỉ huy toàn bộ công việc ; có thể ví như một kiến trúc sư trưởng vẽ họa đồ cho cả ngôi nhà ; các thợ xây (các Ban đảng, các Bộ trong chính phủ…) chỉ làm theo họa đồ của kiến trúc sư. Như thế có thể nói, trong vụ Việt Á tham nhũng từ trên xuống dưới, từ trung ương tới các địa phương, Nguyễn Phú Trọng nếu không phải là thủ phạm thì ít nhất cũng là tòng phạm (3) !
Việt Á vẫn đang nóng, thì dư luận lại "bới tung" vụ Trợ lý Tổng bí thư Hồ Mẫu Ngoạt để chất vấn ông Trọng. Năm ngoái, ông Trọng đã buộc phải cho Hồ Mẫu Ngoạt "về vườn". Thực ra, giới phân tích lâu nay đã nghi ngờ Trợ lý Tổng bí thư, bởi tổng đạo diễn kịch bản Việt Á phải tầm cỡ người của Văn phòng Tổng bí thư mới có thể sai khiến được các Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long. Tuy nhiên, "trùm cuối" chưa hẳn đã dừng lại chỗ Văn phòng Tổng bí thư. Dư luận còn đi xa hơn, chính Trung Quốc đã sử dụng kịch bản "kit test Việt Á" để cài bẫy, cho vào tròng hàng loạt các quan chức lãnh đạo Việt Nam. Bắc Kinh không cần sử dụng súng đạn mà chỉ sử dụng vài chục triệu kit test giả với giá rẻ như cho không, nhưng đã làm cho nội bộ ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam bấn loạn, mất sức chiến đấu. Nội bộ nghi ngờ lẫn nhau và chia rẽ sâu sắc…, đặc biệt người dân mất lòng tin với lãnh đạo. Đấy mới là cái gốc của vấn đề mà "trùm cuối" ngoại bang luôn mong muốn (4).
Cục diện quốc tế và khu vưc hiện nay càng khiến cho Hội nghị Trung ương-6 có ý nghĩa đặc biệt. Cuộc chiến của Putin ở Ukraine và những con vi-rút gây bệnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành đại dịch Covid đã khiến Việt Nam lao đao. Cũng giống ở nước Nga xa xôi về địa lý nhưng gần gũi về "mô hình độc tài – toàn trị", cuộc chiến tàn khốc bước sang tháng thứ bảy, nhưng truyền thông ở Việt Nam vẫn chưa cho phép gọi đó là một "cuộc chiến tranh". Ở Nga, ai gọi đó là chiến tranh, bị phạt 15 năm tù. "Chiến dịch quân sự đặc biết" ấy dường như sẽ cho "knock out" chính sách đa dạng hóa của Việt Nam. Chưa biết cuộc chiến phi pháp này sẽ kết thúc ra sao. Nhưng nếu tiếp tục bị cột vào "cỗ xe" Nga – Trung, bang giao quốc tế của Việt Nam sẽ hết sức xám xịt. Quan hệ không chỉ tuột dốc với Hoa Kỳ, mà ngay cả với châu Âu, cả trong lẫn ngoài EU, sẽ trắc trở. Tình hình này khiến cho "ngoại giao cây tre" mà ông Trọng từng cổ súy sắp biến thành "ngoại giao cây sậy" (5).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP
Nhưng các ghế khác cũng bấp bênh
Hồi Hội nghị Trung ương 5 tháng 5/2022, "bộ tam" Chính – Phúc – Huệ từng tạo được một thế trận liên hoàn ép Tổng Trọng nghỉ hưu. Lúc bấy giờ, đại diện các nhánh hành pháp do Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm chủ, với sự chống lưng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các ông đã lựa thế gây áp lực. Tuy nhiên, cuối cùng "Bộ Tam" hồi bấy giờ vẫn không đấu lại được với xu hướng của phái "phò" ông Trọng trong Trung ương và kết quả là Trung ương-5 thống nhất là chưa thay Tổng bí thư vào dịp ấy (6).
Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng ông Trọng phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm hơn trong nội bộ. "Bộ Tam" về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Lý do là vì, các chân ghế của từng trụ trong "Bộ Tam" cũng lần lượt đang bị rung lắc dữ dội. Trước hết là Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn được cho là candidate mạnh trong cuộc đua ghế Tổng bí thư.
Nhưng rồi đùng một cái, trang mạng "intelligenceonline" của Israel đang hại ông. Nguồn tin lấy từ Tình báo Israel tiết lộ vào hôm 30/8. Theo đó, nguồn tin này nhắc lại, vào ngày 18/8, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam thông báo diễn tiến mới của vụ việc, đó là ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Lúc đó ông Phạm Minh Chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Chủ tịch AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng bị khởi tố trong một vụ án khác hồi tháng 4 trước đó. Bản thân bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và những nhóm quốc phòng Phương Tây. Trong đó có thương vụ mua một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018. Tờ báo Israel chạy tít lớn "Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có thể dính líu trong vụ tham nhũng của Công ty Tiến bộ Quốc tế AIC", mà Chủ tịch bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn lệnh truy nã (7).
Trước khi chuyện của ông Chính vỡ lỡ, chân ghế của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng "cọt kẹt" với câu hỏi rúng động : Vợ Nguyễn Xuân Phúc có phải là "trùm cuối" đứng sau Việt Á ? Blogger Bùi Thanh Hiếu cho biết : "Hiện công an đang làm rõ các cuộc gọi đi lại hai chiều từ số điện thoại của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc công ty Việt Á, đến máy có số đuôi là… 89555. Và cuộc gọi từ số này đến các tỉnh thành khác trong năm 2020 và 2021. Phần tin nhắn cơ quan công an đã thu thập đẩy đủ và trình Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng". Hiện nay chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc để vợ nhúng vào quá nhiều phi vụ làm ăn đang là một scandal lớn. Bề ngoài thì xem như ông Phúc ém được một số chuyện, nhưng trong nội bộ thì chưa biết các bên thỏa hiệp được đến đâu. Dư luận cho rằng, nhưng vụ Việt Á và Dự án thoát nước 10 ngàn tỷ VND tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là cơn sóng ngầm, nó có thể quật ngã một trong những trụ lớn nhất không chừng (8).
Sau ông Chính và ông Phúc, đến lượt Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vốn là "đệ tử" của Tổng bí thư cũng đang khá đau đầu. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, ông Huệ nói rất hay về triết lý giáo dục : "Chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em là nền tảng căn bản nhất, là ‘chìa khóa’ để hướng tới tương lai, giải phóng con người khỏi mọi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc…". Tuy nhiên, không biết ông Huệ có quan tâm không, chứ dư luận gần đây xầm xì kinh lắm. Họ nêu ra một câu hỏi to đùng : Lương tháng của ông và phu nhân cộng lại, không thể nhiều hơn 20 nghìn USD/năm. Trong khi chi phí học tập và sinh hoạt của con gái ông ở Mỹ không ít hơn 100 nghìn USD/năm. Nghĩa là mức thu và chi mỗi năm của nhà ông chênh lệch 80 nghìn USD. Vậy ông lấy đâu ra số tiền 80 nghìn USD/mỗi năm (còn phải nhân lên 4 năm) để chi trả cho việc du học của con mình ? Câu hỏi này nếu đưa vào chương trình thi đấu "Đường lên đỉnh Olympia" thì có thánh IQ cũng không giải nổi (9) !
*
Tăng cường "tính tập quyền" cho 18 Ủy viên Bộ chính trị để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể rút lui khỏi chính trường. Nhân sự cấp cao sẽ được Bộ chính trị chuẩn thuận trên cơ sở của một "chiếu chỉ" từ đâu đó, sau các màn "đấu đá" hậu trường và có thể được công bố chính thức trước kỳ họp Quốc hội tiếp theo Hội nghị Trung ương-6. Các chính khách được đồn đoán sẽ ngồi vào ghế lãnh đạo tối cao của đảng sẽ là kết quả so kè giữa ông Phạm Minh Chính, ông Vương Đình Huệ và có thể thêm một vài vị nữa. Nhưng ngay đến cả tin đồn đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ "rút lui khỏi chính trường", vẫn phải chờ đến "phút 89" mới có kết quả cuối cùng.
Ngọc Nguyên
Nguồn : RFA, 11/09/2022
Tham khảo :
1. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/quy-dinh-cua-bo-chinh-tri-ve-phan-cap-quan-ly-can-bo-va-bo-nhiem-gioi-thieu-can-bo-ung-cu-618829.html
2. https://ngaynay.vn/tien-si-le-kien-thanh-nguoi-tran-tro-hai-chu-nhan-dan-post124561.html
3. https://vietnamthoibao.org/vntb-bao-gio-nguyen-phu-trong-biet-rut-lui-de-lam-nguoi-tu-te/
4. https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/vu-an-viet-a-lai-noi-ve-trum-cuoi/
6. https://www.voatiengviet.com/a/sau-phi%C3%AAn-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BA%A5u-h%C3%B4m-nay-t%E1%BB%95ng-tr%E1%BB%8Dng-c%C3%B3-ch%E1%BB%8Bu-r%E1%BB%9Di-gh%E1%BA%BF-/6562785.html
7. https://www.intelligenceonline.com/international-dealmaking/2022/08/30/pm-pham-minh-chinh-gets-embroiled-in-aic-group-corruption-case,109807825-art
8. https://thoibao.de/blog/2022/08/31/dong-ho-dem-nguoc-ve-ngay-phan-quyet-so-phan-ong-chu-tich-phuc-ket-thuc-ra-sao/
9. https://www.youtube.com/watch?v=-6qc5isanx8&ab_channel=thoibao.de
Nguyễn Thần Dân, RFA, 10/09/2022
Anh Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Bộ chính trị ký ban hành Quy định số 80-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Nhưng so với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp thì Quy định 80 vừa rối rắm vừa tự mâu thuẫn, thậm chí gây ấn tượng nó nhằm hướng dẫn người ta chạy quyền, chạy chức cho đúng chỗ. Thế nên sau bài phân tích này tôi sẽ mách bác Tổng cho anh nhé, anh Thưởng !
Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư vừa thay mặt Bộ chính trị ký ban hành Quy định số 80-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đầu tiên xin tóm tắt về Nghị quyết 80 cho bà con nắm.
Quy định này gồm sáu chương, 34 điều, thay thế cho Quy định số 105-QĐ/Trung ương ngày 19/12/2017 của Bộ chính trị, nhằm để quản lý cán bộ. Nó được áp dụng trong các trường hợp : Phân cấp quản lý cán bộ ; Đánh giá cán bộ ; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ; Tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm ; cho thôi giữ chức vụ ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ ; Kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác cán bộ, quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Tóm lại, nó bao hàm toàn bộ mọi động thái trong quản lý cán bộ các cấp, từ cán bộ cơ sở đến lãnh đạo cao cấp nhất.
Trong đó, giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ là quy trình được quan tâm nhất. Ở Việt Nam trước mỗi kỳ đại hội Đảng, từ các quán chè bồm vỉa hè đến các phòng khách sang trọng và kín đáo, chỗ nào cũng sôi sục luận bàn ông nào lên, bà nào xuống.
Quy định 80 đưa ra quy trình rất phức tạp, gồm tận năm bước. Tóm tắt, mỗi nhân sự được giới thiệu cho mỗi vị trí đều phải trải qua quá trình nhận xét, đánh giá, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự của người chủ trì cùng với tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Tiếp đó, căn cứ trên yêu cầu về số lượng, cơ cấu, điều kiện, tiêu chuẩn và danh sách, mỗi vị lãnh đạo cơ quan, đơn vị (mặc nhiên được xem là người có quyền trong việc giới thiệu và bổ nhiệm nhân sự) được quyền giới thiệu một người. Lá phiếu này được giữ kín. Ai chiếm trên 50% số phiếu bầu thì được chọn. Nếu không ai đạt thì hạ xuống chọn người được trên 30%. Nếu vẫn không có ai thì không chọn nữa và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Nếu ở bước đầu tiên, vị A được chọn nhưng đến bước bỏ phiếu kín vị B áp đảo thì sao ? Quy định 80 đưa ra giải pháp rất thú vị. Đó là tập thể lãnh đạo sẽ "họp, thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, xem xét, quyết định lựa chọn" nhân sự để giới thiệu ở bước tiếp theo (vẫn bằng phiếu kín) theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đây chính là những điểm lạc hậu và vô lý đầu tiên mà tôi phải mách bác Tổng cho anh Thưởng.
Đấy là vì trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, bác Tổng nhấn mạnh việc tuyển chọn cán bộ phải theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả. Tóm lại là như Tây : ai muốn ứng tuyển vào một vị trí trong bộ máy Nhà nước phải đưa ra được kế hoạch hành động cụ thể. Thậm chí ở đây, bác Tổng còn yêu cầu cao hơn là kế hoạch hành động đã được thực hiện và được khảo sát kết quả.
Cổ tích thời xưa, mỗi khi vua chọn rể đều không phân biệt người đó xuất xứ từ đâu, lai lịch hoàn cảnh như thế nào mà luôn luôn ra những đề bài cụ thể : chém một con rồng, giết một quái vật, chinh phục một kho báu, giải một câu đố chưa ai giải được. Không làm được thì bị con rồng ăn thịt, bị biến thành tảng đá, bị đông cứng vĩnh viễn.
Ngay cả trong cổ tích Việt Nam, dù rõ ràng là thiên vị Sơn Tinh nhưng khi công khai chọn rể, vua Hùng cũng phải đề ra tiêu chí có các đặc sản quý lạ mang đến (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao) cho hai ứng viên thi thố. Chứ ông cũng chưa bao giờ hỏi "Đồng chí Sơn Tinh là con đồng chí nào ?" rồi cứ thế đề cử đầy trách nhiệm đến nỗi mỗi vị trí chỉ có một ứng viên duy nhất.
Tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm là chịu bằng cách nào ?
Quy định 80 yêu cầu tập thể lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về quyết định giới thiệu nhân sự của mình.
Mong anh Thưởng giải thích hộ : Chịu trách nhiệm bằng cách nào ?
Cơ chế tuyển dụng ở Việt Nam theo nhiệm kỳ năm năm một lần. Nên mỗi vị lãnh đạo cứ qua năm năm thì hầu hết đã thay đổi, lên xuống hoặc luân chuyển đi nơi khác. Nếu không còn làm việc chung cơ quan, cùng lĩnh vực thì họ chịu trách nhiệm với nhân sự từng giới thiệu bằng cách nào ?
Ví dụ một vị phó giám đốc sở Công thương giới thiệu trưởng phòng, sau đó vị này chuyển sang Ngân hàng làm giám đốc. Ông ta theo dõi quá trình làm việc và phát triển của vị trưởng phòng cũ ra sao ?
Đó là chưa kể trong suốt nhiệm kỳ năm năm, một vị lãnh đạo phải chọn lựa và giới thiệu biết bao nhiêu nhân sự. Đòi hỏi vị này phải chịu trách nhiệm với mỗi nhân sự từng được giới thiệu, mới nghe qua thì tưởng là đầy sự ràng buộc trách nhiệm, nhưng thực chất lại là quy định hình thức nhất vì không thể thực hiện được.
Thay vào đó, quy trình đánh giá năng lực cán bộ phải gắn chặt với thực tiễn hành động của họ, tại chính đơn vị họ đang làm việc. Đánh giá này phải được thực hiện bởi những người thụ hưởng kết quả việc làm của các nhân sự kể trên và một bên thứ ba độc lập.
Trong lý thuyết, Chính phủ Việt Nam có rất nhiều tổ chức được giao trách nhiệm này, ví dụ các hội và hiệp hội, công đoàn, Ủy ban Giám sát của Quốc hội, cơ quan thanh tra và kiểm sát các cấp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng... Tuy nhiên, hoạt động của các hội hầu như chỉ ở vai trò đi thăm, tặng quà từ thiện. Hiệp hội rất thực tế, nắm chắc hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp nhưng bị hạn chế chỉ được đề xuất mà không có quyền kiểm tra. Thanh tra thì không đặt nặng việc phòng chống mà chỉ vào cuộc khi một cá nhân/đơn vị đã bị tố cáo tham nhũng hoặc đục khoét đến mục ruỗng. Ủy ban Kiểm tra cũng rứa !
Tóm lại, cả một nùi luật lệ và tổ chức được giao quyền, nghe kêu xoang xoảng nhưng cuối cùng vẫn là cha chung không ai khóc, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Trách nhiệm tập thể lại càng không. Tập thể là tất cả, nhưng cũng cóc phải là thằng nào. Thế nó mới vi diệu chứ ! Có thể cách chức, bắt bồi thường, bắt tù một tập thể không ? Không, anh Thưởng ạ ! Tôi năm nay hơn 70 tuổi, chưa từng thấy một trường hợp nào như thế cả.
Các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam bỏ phiếu tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 30/1/2021. AFP
Đã thế, Quy định 80 còn vẽ đường cho hươu chạy bằng các yêu cầu các ứng viên phải đạt số phiếu giới thiệu ít nhất 2/3 trở lên của tổng số thành viên tập thể lãnh đạo.
Ối giời ơi mấu chốt để chạy quyền chạy chức chính là đây, chứ còn đâu nữa hỡi anh Thưởng kính mến ! Cửa sau, lối tắt chính là chỗ này.
Trích nguyên văn Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII anh Thưởng nhé :
"Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội".
Báo chí Việt Nam từng chỉ thẳng tên các "tập thể lãnh đạo gia đình trị" ở rất nhiều địa phương.
Năm 2021 có vụ bà Trần Huyền Trang, con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học Đầu tư năm 31 tuổi. Sau khi báo chí và dư luận xã hội lên tiếng chỉ rõ việc bà Trang không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm, Ủy ban kiểm tra Trung ương mới vào cuộc, thu hồi quyết định bổ nhiệm. Bà Trang trở về làm phó một phòng thuộc sở.
Vào năm 2016 thì đình đám nhất là vụ ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang. Trong nhiệm kỳ của ông Vinh, bà Phạm Thị Hà, vợ ông, được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang. Ba em trai ông Vinh gồm ông Triệu Tài Phong được bổ nhiệm chức Bí thư huyện ủy Quang Bình ; ông Triệu Sơn An được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì ; ông Triệu Tài Tân được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông. Em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang được bổ nhiệm chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ; ông Mạc Văn Cường, em rể ông Vinh, làm Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Giang… Ngoài ra, còn một số chức danh lãnh đạo khác là anh em họ hàng với ông Vinh.
Tiếp theo là vụ xin cấp có thẩm quyền quyết định khi cấp dưới không chọn được ứng viên nào. Cái khoản này nó ngồi hẳn lên đầu luật pháp, thậm chí còn nhún nhún mông ở trên ấy nữa cơ, anh Thưởng ạ.
Vì "cấp có thẩm quyền", cho dù là cấp cao đến tận ông mặt trời đi chăng nữa thì cũng chỉ là những con người cụ thể. Làm con người thì ai cũng có ái ố sân si hỉ nộ, có tính toán, có thủ thỉ bên gối, có tác động năn nỉ của gia đình, anh em, bạn bè, phe nhóm. Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi cũng chưa từng thấy ông lãnh đạo nào đang từ người biến thành thánh cả, anh Thưởng ạ ! Thế cho nên các nước tiên tiến hơn ta họ mới dùng các hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá cho tất cả mọi nhân sự, mọi quy trình trong mọi lĩnh vực, chứ không dùng các cá nhân. Hệ thống tiêu chuẩn này chính là luật pháp, nó bất vị thân, nó không có mẹ nuôi, bồ bịch, đệ tử hay một người anh kính mến nào cả. Vì vậy, nó tiệm cận nhất với sự công bằng.
Thế anh Thưởng nhể ? Vài ví dụ sương sương là đủ thấy cái quy định 80 do anh ký nó hầu như chỉ khuyến khích các "nhân sự" chạy dẻo cả chân lẫn tay, chứ đời kiếp nào giúp công khai, minh bạch và hiệu quả được cơ chế tuyển dụng người cho bộ máy nhà nước anh nhể ?
Đến đây kết thúc phần phê bình anh Thưởng. Tôi xin chuyển sang phê bình đích thân cụ Tổng. Phê bình là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, có phải thế không thưa cụ ?
Đây, trong nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa XII cụ đưa ra một tiêu chí nền tảng cho cán bộ, rằng phải "Gắn bó mật thiết với nhân dân"
Thưa cụ, hôm qua tôi vừa đặt hàng ở một trang thương mại điện tử xong. Ít cá ít rau thôi. Họ hẹn giao hàng trong khung giờ 12-14 g cùng ngày. Đến gần 14 h, anh nhân viên giao hàng gọi điện cho tôi hỏi đường đi và rối rít xin lỗi, vì anh chưa thạo đường nên sẽ giao hàng muộn hơn 14 g khoảng vài phút. Anh nhờ tôi không bấm vào mục Góp ý phàn nàn (vì trễ giờ hẹn), vì nếu khách hàng phàn nàn, anh sẽ bị công ty khóa đơn hàng trong ba ngày. Đồng nghĩa anh nằm co trong ba ngày đó, không kiếm được xu nào từ công ty. Nếu bị nhiều khách hàng phàn nàn, anh có nguy cơ rất cao bị cho thôi việc.
Thưa cụ, nếu dùng tiêu chí của cụ để đánh giá doanh nghiệp và anh nhân viên này, tôi nghĩ phải dùng đến 6 sao trong hệ 5 sao. Đấy mới là bằng chứng thuyết phục nhất cho việc "gắn bó mật thiết với nhân dân" mà họ đã làm được.
Hầu hết công chức, viên chức của ta, đi làm là để có tiền sinh sống. Mục đích này chính đáng và xứng đáng được tôn trọng. Chỉ có một số ít đặt ra các yêu cầu cao hơn như đóng góp, cống hiến cho ngành, cho xã hội, cho đất nước. Một số còn lại thì nhắm đến mục đích thăng tiến, nắm giữ các vị trí quan trọng để có quyền lực, có sức ảnh hưởng, có tiền.
Vậy thì với tuyệt đại đa số có động cơ làm việc là kiếm tiền sinh nhai, cụ muốn họ gắn bó mật thiết với nhân dân cụ thể là với ai ? Đồng nghiệp, hàng xóm, tổ dân phố hay toàn xã hội ? Cụ thể hành động gắn bó là gì ? Đi hỏi về chào, chủ nhật mời sang nhà xơi trà hay cùng gia nhập vào một hội nhóm trên mạng xã hội ? Tiêu chí này ị, mơ hồ, cảm tính và mông lung, không thể cụ thể hóa và thực hiện được, có nghĩa là nó vô giá trị thưa cụ.
Và hầu như toàn bộ các tiêu chí đánh giá cán bộ công chức trong Nghị quyết cũng mơ màng như thế. Nguyên do là sự mâu thuẫn nội tại từ tận gốc trong khái niệm cán bộ công chức.
Lý luận của nhà nước gọi cán bộ công chức là nô bộc của dân. Làm nô bộc thì chỉ cần trung thực, tận tình, thạo nghề là đủ.
Nhưng mặt khác, cương lĩnh của Đảng lại đề cao cán bộ công chức là đại diện của giai cấp lãnh đạo, là tinh hoa trong xã hội, là người chỉ đạo, lãnh đạo mọi lĩnh vực. Phải được đào tạo tốt, trình độ cao, giàu tính hy sinh, gương mẫu về mọi mặt.
Ấy thế là cùng lúc vừa là nô bộc, lại vừa là lãnh đạo, là người làm gương, người tiên phong, dẫn dắt, soi đường chỉ lối cho toàn thể dân tộc ? Xin lỗi cụ, chứ cái tiêu chí này lạ đời quá, tôi sống hơn 70 năm chưa thấy trường hợp nào nhập nhằng và khó hiểu như thế cả !
Xin hiến kế cho cụ Tổng, cụ nên lôi hết những anh thầy dùi giúp cụ soạn thảo các văn bản nghị quyết về chống tham nhũng, về trong sạch đội ngũ cán bộ… ra bắt các anh ấy thử thực hiện chỉ một điều trong cái mớ chữ nghĩa các anh ấy đẻ ra xem. Đầu tiên là anh Thưởng cụ nhể !
Nguyễn Thần Dân
Nguồn : RFA, 10/09/2022
Tham khảo :
- https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/toan-van-nghi-quyet-so-26-nq-tw-ve-cong-tac-can-bo-38282.html
Tổng bí thư kế nhiệm đây rồi, bác Trọng ơi !
Chí Quang, VNTB, 09/09/2022
Thời điểm chuyển giao quyền lực tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam đang tới gần. Người dân và các nhà phân tích đang nín thở dõi theo từng động thái của ông tổng bí thư đương nhiệm và không ngừng suy đoán xem nhân vật nào sẽ lên thay thế ông ta.
Người xứng đáng nhất để trở thành tổng bí thư mới của Việt Nam chính là nhân dân !
Vài khả năng có thể xảy ra :
Thứ nhất, ông tổng bí thư sẽ tiếp tục làm tổng bí thư. Khả năng này chắc khó xảy ra vì ông ấy năm nay đã cao tuổi, tình trạng sức khỏe không cho phép. Hơn nữa ông ấy đã nắm vị trí này suốt 3 nhiệm kỳ, chẳng lẽ bây giờ vẫn chưa chịu nhả ?
Thứ hai, ông tổng sẽ chọn một đồng chí nào đó trong nhóm quyền lực chóp bu để lên thay mình, có thể là một quan chức còn lại trong tứ trụ hoặc bộ chính trị. Tất nhiên việc lựa chọn không hề đơn giản vì ông ấy chắc chắn rất muốn trao quyền lực cho một người kế vị xứng đáng.
Vậy thử soi qua các "trụ" còn lại trong bộ tứ quyền lực xem ai là người xứng đáng tiếp nhận trọng trách này.
"Trụ" đầu tiên là chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ông này vừa bị vướng vài cái thị phi khá nghiêm trọng gần đây. Nghe nói phu nhân của ông ta có dính líu tới vụ trọng án kit test Việt Á, và vụ bảo kê dự án chống ngập bằng máy bơm siêu to khổng lồ ở Thành phố Hồ Chí Minh (máy bơm này hút nước thì chẳng được bao nhiêu mà hút tiền ngân sách thì thấy ớn !) rất lãng phí và không hiệu quả, thay vì dùng lu để chống ngập, ít tốn kém hơn, như một đại biểu quốc hội đề xuất. Thêm nữa, quý tử nhà ông là Nguyễn Xuân Hiếu, đang du học bên Mỹ, biết đâu lại chẳng nhập quốc tịch Mỹ đế sau này, nghĩa là chạy theo tư bản rồi. Mới đây, lại lòi ra thêm vụ phim 18+… cho nên, đưa ông ấy lên làm tổng bí thư liệu có ổn không ?
"Trụ" thứ hai, ông thủ tướng Phạm Minh Chính thì sao ? Ông này chính là tác giả của chỉ thị 16 thần tốc quyết liệt vào năm 2021 để chống dịch covid. Hậu quả là hơn 40.000 người ra đi. Ông ta vừa bị truyền thông hải ngoại khui ra đời sống gia đình rất tai tiếng : bỏ bà vợ chính thức thui thủi một mình trong biệt phủ suốt nhiều năm, để ra ngoài sống như vợ chồng với tình nhân trẻ đẹp là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã. Nghe nói hai người có con riêng. Lối sống như vậy chắc không đạt chuẩn đạo đức Hồ Chí Minh rồi ! Chẳng biết ông thủ có liên quan gì đến vụ án "chuyến bay giải cứu" hay không, nhưng báo nước ngoài tiết lộ rằng khi còn giữ chức bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông ấy đã dính líu đến vụ tiêu cực gì đó do bà Nhàn gây ra tại tỉnh này. Bà Nhàn này kinh lắm, nghe đồn bà ấy mà tham gia đấu thầu dự án thì bao giờ cũng thắng, nhờ các mối quan hệ khủng với giới quyền lực. Gần đây, bà ấy còn nhúng tay vào thương vụ mua bán vũ khí trị giá tỷ đô giữa Việt Nam và Israel, với vai trò môi giới. Trong chuyến công tác đến Hoa Kỳ vừa qua, ông thủ tướng còn gây thêm tai tiếng, với một phát ngôn chấn động, mang đậm phong cách Nguyễn Phương Hằng "rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì ?" thế thì liệu ông ấy có xứng đáng lên ngồi ghế tổng bí thư hay không ?
Thế còn "trụ" cuối cùng, ông Vương Đình Huệ ? Ông này có vẻ được bác tổng Trọng ưu ái nhất vì vốn có ý chí vượt khó hơn người (cuối thế kỷ 20 rồi mà ông ấy vẫn cặm cụi đi bắt từng con đom đóm mang về làm đèn để học khuya, y như Mạc Đĩnh Chi đời nhà Trần !). Vả lại, cũng chưa gây tai tiếng gì cả. Chắc sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức tổng bí thư đảng. Đùng một cái, lộ ra chuyện con gái ông ta tốt nghiệp đại học tại Mỹ và sắp lấy chồng là công dân Mỹ. Thế là thế nào ? Khoan nói tới chuyện ông ta lấy tiền ở đâu ra mà chi trả cho việc học của con mình tại xứ cờ hoa đắt đỏ, nếu không tham nhũng, chỉ cần hình dung ra cảnh một ông tổng bí thư lãnh đạo đảng cộng sản mà lại có chàng rể Mỹ – sặc mùi tư bản, thì liệu có coi được hay không ? Làm sao tiến lên chủ nghĩa xã hội ?
Thế là tứ trụ hỏng rồi. Vậy ngoài tứ trụ thì sao ?
Bộ trưởng Tô Lâm ư ? Ồ, nói về ông này thì phải hết sức thận trọng, không thì đám an ninh sẽ điên lên… Thế này nhé các ông an ninh, tôi đây chỉ là một tên xe ôm, biết đến đâu thì nói đến đấy, chẳng dám thêu dệt gì cả, việc ông bộ trưởng Tô Lâm, tức là sếp lớn của các ông, ăn bò dát vàng nghìn đô bên Anh quốc, thì đã rõ ràng sòng phẳng quá rồi, chứ có ai bịa đặt hay thêm thắt gì đâu ? Còn vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin năm 2017, thì chính phủ Đức họ đã có bằng chứng cụ thể rằng đó là vụ bắt cóc trái phép, do ông Tô Lâm chỉ đạo, thế mà các ông cứ cãi chày cãi cối, và nếu ai nói ngược lại các ông, tức là đồng ý với chính phủ Đức, thì các ông chụp mũ người ta là phản động. Vừa phải thôi các ông ơi ! Các ông muốn ông Tô Lâm lên làm tổng bí thư để các ông được hưởng thêm nhiều ưu đãi chứ gì ? Nhưng liệu có thành công không, với những vụ tai tiếng vừa nêu ?
Còn một nhân vật cộm cán nữa là ông Võ Văn Thưởng cũng đang tham gia cuộc đua khốc liệt này. Ông Thưởng có ưu thế là trẻ tuổi, ông ta có vẻ kín đáo, nhưng không biết có tai tiếng gì không ? Hiện nay thì chưa thấy gì, nhưng rất có thể các đối thủ cạnh tranh đang ngấm ngầm điều tra xem tài sản ông ta như thế nào, có tương đồng với thu nhập hay không, ông ấy có bao nhiêu biệt phủ, bao nhiêu ôtô, ngoài vợ chính thức ra, có bồ nhí, chân dài nào không, ngoài quốc tịch Việt Nam, ông ta còn quốc tịch nào khác, gia đình ông ấy kinh doanh những gì, con cái ông ta đang du học ở nước nào, ông ta có mua nhà ở Mỹ chưa… và đợi đến phút cuối mới tung ra, thì sẽ rõ.
Và trong cuộc đua quyền lực đỉnh cao này, có thể còn có sự tham gia của các ứng cử viên nặng ký khác mà người dân không biết được.
Nhưng ai mới là người xứng đáng ? Ai mới xứng đáng tiếp nhận quyền lực tối thượng này, và trở thành tổng bí thư mới của Việt Nam ?
Nếu đó là một cá nhân, dù ai đi nữa, thì sau khi thay thế ông tổng Trọng và nắm quyền lực trong tay, người đó rất có thể sẽ lập tức dẹp phăng cái lò của ông Trọng, không đốt lò gì nữa hết, cho tất cả quan chức tham nhũng thoải mái luôn, thế là công sức chống tham nhũng suốt mấy nhiệm kỳ của ông tổng Trọng đi tong. Có khi hắn còn đốt luôn ông Trọng trong chính cái lò mà ông ta đã tạo ra ấy chứ. Độc tài toàn trị thì ai dám ngăn cản ? có ai cản được những người như Stalin và Putin không ?
Để đối phó với các tiếng nói đối lập, hắn sợ gì mà không gia tăng đàn áp. Thậm chí nếu cần, có thể tạo nên một vụ Thiên An Môn thứ hai…
Để một cá nhân nắm trọn quyền sinh sát sẽ nguy hiểm như thế đó.
Mà cho dù ông tổng mới có ngoan ngoãn thực hiện chính xác đường lối do ông tổng Trọng hoạch định, tiếp tục kiên định tiến lên xã hội chủ nghĩa cho bằng được, thì rồi sẽ đi tới đâu ? Sẽ giống Bắc Hàn à ? Hay vỡ nợ như Lào ? Như Sri Lanka ?
Vậy thì chọn ai bây giờ ? Các chính trị gia đều dối trá, xảo quyệt, nham hiểm, và không thể tiên đoán được ! (Thạch Sanh thì ít, Lý Thông cả đàn !).
Thế thì…
Hãy chọn nhân dân !
Chính trị gia xứng đáng nhất để tiếp nhận quyền lực tối cao chính là nhân dân !
Người xứng đáng nhất để trở thành tổng bí thư mới của Việt Nam chính là nhân dân !
Đảng cộng sản vẫn là đảng cộng sản, không ai giải tán hay truy sát các ông cả. Nhưng hãy mở rộng chính trường cho các đảng phái khác cùng tham gia, cạnh tranh lành mạnh, rõ ràng sòng phẳng. Hãy thả Phan Sơn Tùng ra (nếu anh ta đang bị bắt giam hay câu lưu) để anh ta thành lập đảng Vì Việt Nam Thịnh Vượng, như dự định.
Luật sư Nguyễn Văn Đài ! Bác muốn thành lập đảng Anh Em Dân Chủ phải không ? Được ! cứ thành lập đi, nhưng đừng vội về nước, cứ ở bên Đức điều khiển từ xa, để xem sao đã, rồi sau này ổn hãy về. Mà bác có hứa là sẽ làm cho Việt Nam hết ngập nước và kẹt xe không ? Nếu có thì tôi sẽ bỏ phiếu cho bác.
Thế là có 3 đảng chính trị rồi ! Luật sư Hoàng Duy Hùng, ông có muốn thành lập đảng gì không ? Cứ tự nhiên, không có gì phải sợ.
Bà Nguyễn Phương Hằng, bà nghiện livestream à ? Nếu bà muốn thì cứ thành lập đảng của bà đi, sẽ có nhiều fan ủng hộ lắm. Cứ lên sóng chửi hăng vào là view sẽ tăng, và hốt phiếu bầu ! Cánh xe ôm chúng tôi rất thích nghe bà chửi !
Còn ai muốn thành lập đảng gì nữa không ? Cứ thoải mái mà làm. Còn không, muốn ra tranh cử tự do cũng được.
Tất cả các đảng đưa người đại diện ra tranh cử công khai, người dân sẽ bỏ phiếu chọn ứng cử viên tốt nhất lên làm lãnh đạo. Mỗi nhiệm kỳ là 4 năm, hết nhiệm kỳ thì lại tổ chức bầu cử, không ai được dùng vũ lực cướp chính quyền. Đài Loan họ làm như thế đấy và họ có một lãnh đạo rất tuyệt vời là bà Thái Anh Văn cùng với một bộ máy nhà nước rất trong sạch hiệu quả.
Như vậy, Đảng cộng sản sẽ phải cạnh tranh rõ ràng sòng phẳng với các đảng khác như kiểu xe ôtô Vinfast cạnh tranh với Toyota, Huyndai, Ford… để chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm nào tốt hơn thì người tiêu dùng sẽ chọn. Chứ sao lại dùng bạo lực cách mạng bắt buộc người tiêu dùng phải chọn mỗi mình xe Vinfast ?
Thánh rắc hành ! Anh mới bị bắt à ? Trước khi an ninh nhét giẻ vào mồm anh, anh đã hét cái gì ? Có phải anh hét : "Tự do cho Việt Nam !" không ? Anh muốn Việt Nam có tự do à ? Yên tâm đi, Việt Nam sắp có tự do rồi. Chịu khó ở tù ít lâu, rồi anh sẽ được thả về, để tiếp tục bán bún bò và rắc hành. Ở trong tù, khi nào bị nhức răng thì cứ nhắn tin ngay, để chúng tôi gửi mấy hòn đá vào cho anh ghè răng nhé !
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ! Ông muốn tự do báo chí, tự do ngôn luận phải không ? Đừng lo, sắp có rồi. Ông tổng bí thư Trọng đang cân nhắc. Khi nào ông ấy quyết định chuyển giao quyền lực cho nhân dân, chúng tôi sẽ vào tận trại giam mở cửa đón ông ra, đưa ông đi gặp nha sĩ ngay.
Nhà báo Phạm Đoan Trang ! Chuẩn bị thu dọn đồ đạc đi là vừa, một ngày không xa, chúng tôi sẽ mở cửa buồng giam, đón cô về nhà gặp mẹ. Có muốn đặt vé máy bay để sang Châu Âu nhận giải thưởng nhân quyền không ?
Trần Huỳnh Duy Thức ! ông còn sống không ? Ráng lên nha ông, tự do sắp tới rồi…
Nhà máy bia Sài Gòn ! Tăng hết công suất lên đi, kẻo đến lúc toàn dân muốn khui bia, ăn mừng ngày giải phóng, thì lại không đủ hàng để bán !
Xin lỗi các ông an ninh, chạy xe ôm ế ẩm quá, không có khách, nên mới sinh ra bình luận chính trị thế này. Mong các ông đừng chụp mũ điều 331.
Nguồn : VNTB, 09/09/2022
Đại hội 13 đã kết thúc. Ông Trọng tiếp tục giữ ghế Tổng bí thư. Điều trước tiên có thể nói là việc ông tiếp tục giữ được chiếc ghế này không phải do uy tín của ông hay người ta yêu quý gì ông, chỉ đơn giản là ông là một nhân tài. Tài của ông vượt hơn hẳn thiên hạ. Không một trục trặc nào xảy ra. Bầu Tổng bí thư chỉ một lần là xong. Đại hội còn dư thời gian, về sớm trước kế hoạch một ngày. Dàn nhạc diễn đúng ý ông.
Ông ở lại, vì thứ nhất, người mà ông chọn thay ông chưa đủ "cứng", chưa đủ "già" và chưa "chín". Nghĩa là còn cần một thời gian để "chín". Điều này có nguồn gốc sâu xa ngay từ năm 2016, bắt đầu nhiệm kỳ hai của ông, cái nhiệm kỳ mà ông trụ lại được nhờ lời hứa sẽ rút lui sau hai năm. Nhưng người được quy hoạch tiếp quản chiếc ghế của ông là ông Đinh Thế Huynh, chủ tịch Hội đồng lý luận, Tiến sĩ ngành báo chí Đại học Tổng hợp Moskva, cựu Tổng biên tập báo Nhân Dân, một người miền Bắc gốc Nam Định, sau chuyến đi Mỹ đột xuất gặp John Kerry tháng 10/2016, bất ngờ bị "trật ray" từ Hội nghi trung ương 5/XII và lập tức bị bệnh cho đến bây giờ. Tiếp đó đến chuyện Võ Văn Thưởng được cài vào Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh bị Lê Thanh Hải đánh bật ra, quay trở ra Trung ương. Ông Trọng giao cho Thưởng làm Trưởng ban Tuyên giáo có ý định gửi gắm "tre già măng mọc". Nhưng ông Thưởng ngay lập tức phạm lỗi khi tuyên bố"chúng ta không sợ đối thoại, chúng ta sẵn sàng đối thoaị với những người bất đồng chính kiến, vì bất cứ một chân lý nào cũng cần được cọ sát thông qua đối thoại. Ban bí thư sẽ có hướng dẫn". Ông Thưởng sau đó cũng có một thười gian "nghỉ ngơi" tại Phú Quốc để tự ngẫm, hay tự "tĩnh trí".
Hai sự cố này tạo ra sự đứt đoạn giữa ông Trọng và thế hệ kế tiếp. Giữa ông và thế hệ kế cận có một quãng cách xa. Võ Văn Thưởng lọt vào mắt ông, sẽ là tre, nhưng vẫn chỉ là măng, chưa đủ cứng. Còn phải thử thách, bồi dưỡng và uốn nắn.
Vương Đình Huệ xuất hiện như một nhân tố không đầy đủ. Ông Huệ không có một chút đào tạo lý luận chính trị. Toàn bộ sở học cơ bản và kinh nghiệm nghề nghiệp của ông Huệ chỉ xoay quanh mảng Kế toán, Tài chính. Ông chưa có cơ hội nào được chứng tỏ năng lực lý luận của mình. Lý thuyết chủ nghĩa Mác và lý luận về xây dựng đảng vẫn còn là vùng chưa sáng tỏ.
Lý do thứ hai khiến ông Trọng chưa thể nghỉ, là việc ông Vương Đình Huệ chưa có thời gian để kinh qua các giai đoạn tu nghiệp. Ông phải từng là bí thư, đứng đầu một tỉnh, và để tránh tiếng Tổng bí thư chỉ do Đảng cử, đảng bầu, không có được sự thừa nhận của đại diện quốc dân. Ông Huệ nhất định phải kinh qua bước làm chủ tịch quốc Hội. Như vậy, ông Huệ phải trở thành bí thư Hà Nội. Ông Hoàng Trung Hải, đột ngột được nhắc tới khuyết điểm của nhiều năm trước, một khuyết điểm nhỏ trong hàng chục tội nghiêm trọng khác gắn với chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đủ để rút khỏi chân bí thư Hà Nội, nhường chỗ cho Vương Đình Huệ. Và chuyện ông Huệ sẽ được bầu làm Chủ tịch quốc Hội chỉ là việc thủ tục, và cũng chỉ làm cho có lệ, nghĩa là không phải cả nhiệm kỳ, để khi ứng cử chức Tổng bí thư, ông phải vẫn còn dưới 65 tuổi. Như vậy ông Trọng sẽ phải xin nghỉ hưu vào giữa nhiệm kỳ, và Trung ương sẽ họp đột xuất bầu Tổng bí thư Huệ vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Chiếc ghế Chủ tịch quốc hội vốn được dọn sẵn cho bà Trương Thị Mai, không phải cho ông Huệ sẽ là chỗ ngồi tạm hai năm.
Nhưng rõ ràng giải pháp Vương Đình Huệ hoàn toàn không như ý ông Trọng. Nghĩa là công cuộc tìm bóng của mình phải chịu nhận thất bại. Hồn của ông Trọng là sự bất di bất dịch của chủ nghĩa Mác. Con đường của cách mạng Việt Nam là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nền tảng tư tưởng bất biến đổi của nó là chủ nghĩa Mác vận dụng vào thực tế thời đại. Nền tảng của xã hội cộng sản là nền sản xuất đại công nghiệp. Quan hệ sản xuất của nền đại công nghiệp là sở hữu toàn dân. Trong nền sản xuất đại công nghiệp cộng sản chủ nghĩa không có giai cấp tư sản, không có doanh nghiệp tư nhân. Điều này chưa có trong nền tảng tư tưởng của ông Huệ. Ông Huệ chỉ mới có lòng trung thành bản năng.
Một kinh nghiệm thực tế là những nhân tố trưởng thành từ hoạt động chính phủ đều gắn với cuộc sống thực tế và dần bị thuyết phục bởi công thức "Kinh tế thị trường + Dân chủ xã hội". Nếu cứ tiếp tục từ nguồn nhân sự chính phủ, ảnh hưởng của đảng sẽ giảm và con đường phát triển của Việt Nam sẽ xa rời chủ nghĩa giáo điều truyền thống.
Mâu thuẫn giữa hai phe, chuyên trách đảng và bộ máy chính phủ vẫn là mâu thuẫn thâm căn, truyền kiếp. Đảng lãnh đạo toàn diện, đảng quyết định tất cả. Nhưng, tính đảng phản lại các quy tắc kinh tế, không có ích gì cho phát triển kinh tế, xã hội. Bên lãnh đạo và quyết định tất cả thì chỉ có lương, trong khi bên chính phủ, ngoài lương còn có rất nhiều "bổng lộc ".
Cắt đứt mạch kế cận của phe chính phủ bằng cách ép ông Trương Hòa Bình, một trung tướng công an, chưa bao giời làm kinh tế xuống chiếm chỗ Thường trực chính phủ là chặn đứng vai trò kế cận của hàng ngũ phó thủ tướng, trong đó phải kể đến vai trò của Phạm Bình Minh, với thành tích to lớn liên tục nhiều năm. Nhưng ông Minh bị ám chỉ thân phương Tây, một mặt do mối quan hệ giữa ông bố cựu bộ trưởng ngoại giao với Đảng cộng sản Trung Quốc, một mặt là các thành công của ông trong việc phát triển quan hệ thân thiện với thế giới phương Tây.
Đây là thủ đoạn thâm hiểm của Trọng, tạọ chỗ trống trong hệ thống kế cận thủ tướng, nhằm đưa người của phe đảng mình vào thay thế. Ông Phạm Minh Chính được sử dụng cho mưu đồ này. Ông Chính có mối quan hệ thân thiện và chặt chẽ với chính quyền Quảng Châu khi còn làm Bí thư Quảng Ninh. Đặc biệt khi ông giữ chức Phó Ban chỉ đạo Đặc khu kinh tế, bao gồm cả khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, ông đã chịu ảnh hưởng và sự trợ giúp rất đắc lực của Hội đồng tư vấn đặc khu kinh tế Thâm Quyến và 1,7 tỷ đôla viện trợ phát triển Hạ tầng Đặc khu Vân Đồn từ chính quyền tỉnh Quảng Đông. Rất có thể những mưu toan này do Sứ quán Trung Quốc chỉ đạo hay gợi ý. Vì Trung Quốc biết rất rõ sẽ không có gì tệ hơn, nếu vị trí Thủ tướng lọt vào tay Phạm Bình Minh, và ghế Tổng bí thư rơi vào tay Nguyễn Xuân Phúc.
Máu danh vọng chưa bao giời nguôi hay giảm trong người ông Trọng. Tất cả những gì thu được dù do chính phủ chỉ đạo trực tiếp phải được coi là kết quả của lãnh đạo sáng suốt của đảng. Trong lịch sử, chưa bao giờ có chuyện Tổng bí thư dự giao ban chính phủ, nhưng đã xảy ra hai lần trong nhiệm kỳ của ông Trọng, ngày 28/12/2017 và ngày 28/12/2020. Để ông Phúc biết không được phép qua mặt ông và để thiên hạ thấy rõ Chính phủ cũng do ông chỉ đạo. Nguyên tắc "đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhằm ngăn chặn sự dẫm đạp lên nhau giữa Đảng và Nhà nước đã bị ông Trọng gạt bỏ. Mỗi lần đọc báo cáo, ông Phúc đều không quên nhấn mạnh "sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của cá nhân đồng chí Tổng bí thư".
Ông Phúc có thể đã bị ép lên Chủ tịch nước, mặc dù tất cả đều thấy rõ, nếu không trúng vị trí Tổng bí thư để đảm bảo thúc đẩy mọi thứ, việc hết sức quan trọng đối với sự phát triển tiếp tục của Việt Nam cần một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa của ông Phúc. Nhưng không, ông Trọng không thế đủ sức để tiếp tục kiểm soát toàn bộ hệ thống thêm 5 năm nữa. Phe đảng phải chiếm được ghế Thủ tướng khi ông còn tại vị, dưới sự chứng kiến trực tiếp của ông. Phạm Minh Chính là một gợi ý của Trung Quốc. Nếu ông Phúc làm Tổng bí tư và ông Phạm Bình Minh làm thủ rướng, Việt Nam sẽ ngả hẳn sang phương Tây, sẽ dân chủ hóa xã hội và sẽ chống lại Trung Quốc. Với ông Chính, sẽ có một chính sách thân thiện hơn xuôi chiều hơn với Trung Quốc, và tất nhiên, chủ quyền Biển Đông sẽ thu hẹp hơn.
Dưới thời cầm quyền của ông Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã ba lần lùi khi đối mặt với các mối đe dọa và áp lực của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. Vào tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã rút hơp đồng thăm dò dầu khí với Repsol của Tây Ban Nha tại khu vực Bãi Tư Chính. Vào năm 2019, sau cuộc đối đầu kéo dài 4 tháng tại lô Phong lan đỏ do Tập đoàn dầu khí của Nga Rosneft điều hành, Việt Nam đã hủy hợp đồng khảo sát với Tập đoàn Noble. Việt Nam đã hầu như không còn tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực này nữa. Từ bỏ chủ quyền cho Trung Quốc, ông Trọng đã tiếp tục chấp nhận thua thiệt lợi ích quốc gia cho lợi ích phe phái.
Đừng bao giờ nghĩ ông Trọng không phải là người tham vọng. Phó tiến sĩ xây dựng đảng, Đại học Moskva, ông Trọng đã âm thầm nhiều năm cho vị trí Tổng bí thư. Và khi đã nắm được vị trí Tổng bí thư, ông phải chứng minh được rằng, tất cả phải do đảng lãnh đạo. Có nghĩa là do ông lãnh đạo. Không có chỗ nào trong hệ thống, nếu có thành tích, nằm ngoài sự sáng suốt của đảng. Không một ai được quyền cho phép không thừa nhận điều đó. Ông chưa chết thì tất cả phải do đảng (do ông) quyết định. Vị trí Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội hay Chủ tịch nước phải do đảng (tức là ông) sắp xếp. Ông Chính phải thay ông Phúc vì đảng/(ông) muốn như vậy.
Đừng bao giờ ảo tưởng sự tử tế của ông Trọng. Hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, dưới tay ông, Nguyễn Tấn Dũng, Bố già của Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Trần Bắc Hà, Trầm Bê, Nguyễn Văn Bình, đã phải chịu bó gối về vườn làm người tử tế. Lê Thanh Hải hai mươi năm cát cứ, độc chiếm Sài Gòn bất khả xâm phạm, bị đánh bật ra khỏi hang ổ Mafia Thanh niên xung phong. Không phải là đa mưu túc trí, không phải là nham hiểm máu lạnh, không tàn tộc đúng lúc, không làm được những việc tày đình đó. Nếu hình dung cái chết bất đắc kỳ tử của thứ trưởng bộ công an Phạm Quý Ngọ, cái chết biết trước của trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh, và cái chết đau đớn bí ẩn của chủ tịch nước Trần Đại Quang, cái biệt tích bệnh tật không tên của thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh, thì phải biết sân khấu chính trị Việt Nam sóng gió và tàn bạo thế nào. Không phải người tàn bạo nhất không thể là người còn sót lại cuối cùng. Ông Trọng hoàn toàn có quyền tự hào.
https://youtu.be/LePx-qiFXM0
Có tự đề cử không ? Nếu không tự đề cử, thì Ai đề cử ông ? Người đó có được gợi ý, gửi gắm hay phân công trước không ? Có phải là hai ông Chính và Huệ không ? Cái gì dẫn đến "Đại hội bầu..." ?
Ông Phúc bị bác, không phải người Bắc, không có lý luận, không thích hợp vị trí Tổng bí thư, nhưng không có ai trong lớp trẻ hơn ông để làm Chủ tịch nước. Vậy, Ai sẽ vào vị trí Tổng bí thư ? Ông Trần Quốc Vượng quá tuổi, cần được xét đăc cách, nhưng lại không đủ thuyết phục cả năng lực lý luận lẫn quản trị. Ông Huệ thích hợp về phẩm chất và năng lực, nhưng phải qua bí thư thành ủy và phải lên từ Quốc hội (để tránh tiếng Tổng bí thư không do dân bầu, có thể từ nay bổ sung điều lệ bắt buộc ứng viên Tổng bí thư phải thông qua Quốc hội). Trong thời gian tạm thời này, ai làm Tổng bí thư ? Giải pháp phù hợp là ông Trọng tiếp tục. Không gây tranh chấp, đứt đoạn cho giai đoạn chuyển tiếp. Thời gian tạm thời có thể ngắn, và trách nhiệm sẽ được trung ương giảm bớt, phù hợp với sức khỏe.
Con số 18 ủy viên Bộ chính trị cũng nói lên tính tạm thời. Thông thường, con số này phải là số lẻ : 15, 17, 19… để có quá bán cho các quyết nghị có tranh cãi. Với số lẻ, vai trò của Tổng bí thư có lúc không có giá trị, chẳng hạn khi ý kiến cuả ông thuộc phe thiểu số, nghị quyết vẫn theo đa số. Với con số 18, nếu hai phe bằng nhau, thì phe nào có phiếu của ông sẽ là phe có đa số quyết định. Như vậy, ông luôn là hai phiếu, và ý kiến của ông là ý kiến quyết định. Tuy nhiên điều này, nếu không được đưa vào điều lệ sửa đổi, thì chỉ có tính tạm thời. Con số 18 sẽ trở về 17 khi ông Huệ hết thời hạn chuyển tiếp, ông Trọng rút, mà không cần bổ sung hay thay đổi số lượng ủy viên.
Như vậy, không phải ông "xin rút" mà là ông "tạo ra tình huống" để không thể khác.
Nhưng, ông Trọng chỉ ngồi tiếp hai năm nữa, vì để ông Huệ khi được bầu Tổng bí thư phải dưới 65 tuổi, nghĩa là Hội nghị trung ương bất thường/XIII phải xảy ra chậm nhất vào cuối năm 2022. Muốn đi tiếp một nhiệm kỳ nữa, ông Huệ lại phải cần cơ chế "đặc cách".
Người tính, không bằng trời tính. Ông Trọng rời hay "về", chủ nghĩa Marx sẽ rời hay về theo.
Ông Huệ làm Tổng bí thư, ông Chính làm thủ tướng, chủ nghĩa Marx sẽ không còn là "nền tảng sống chết" nữa. Một ông Chính là môn đồ của chủ nghĩa thực dụng Trung Hoa. Không có chủ nghĩa nào hết. Mọi thứ chủ nghĩa chỉ là công cụ phục vụ ý nguyện của cá nhân lãnh tụ. Ý chí của lãnh tụ là ý thức hệ của chế độ tương ứng. Một ông Huệ có sở trường tin vào con số kế toán, không ảo tưởng, không có sáng tạo biến hóa. Ông Huệ không phải týp người "lý thuyết gia" hay "nhà tư tưởng", ông chỉ là khuôn mẫu của kỷ luật và lòng trung thành. Ông sẽ "đi" một cách mẫu mực, nhưng phải có người dắt, không phải dạng người dám làm dám chịu, không có "phá cách, vượt rào". Vì vậy, Việt Nam chưa thể thoát khỏi sự gắn kết với sự dẫn dắt của Trung Quốc. Sẽ quay lại thời kỳ "làm những gì Trung Quốc làm 10 năm trước".
Từ chối giải pháp Nguyễn Xuân Phúc + Phạm Bình Minh, Việt Nam sẽ kết thúc nhanh giai đoạn bứt phá. Giải pháp Huệ + Chính mà ông Trọng để lại là lựa chọn phục tùng và lòng trung thành, không phải là sáng tạo và lòng dũng cảm hay đức hy sinh. Đó là di sản tất yếu của tính bảo thủ giáo điều thâm căn cố đế. Đất nước phải chịu, dân tộc phải chịu. 200 ủy viên trung ương đợt này là nỗi thất vọng. Vận nước còn chưa đến !
Ông Huệ là người cuối cùng chưa ? Ít nhất, ông không phải là cái bóng của ông Trọng. Từ lâu, nhiều người đã dự báo, Đại hội XIII là Đại hội cuối cùng của Đảng cộng sản Việt Nam, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có lẽ vẫn đúng chăng ?
Bùi Quang Vơm
(02/02/2021)
Các đại biểu vỗ tay khi dự lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/1/2016 - Kham / Pool Photo via AP - Ảnh tư liệu
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam kiến diễn ra vào quý I - 2021. Đại hội sẽ quyết định về ban lãnh đạo mới trong 5 năm tới và thiết lập các chính sách quan trọng cho đất nước.
Có thể cho rằng, mật nghị quan trọng nhất của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ Đại hội 1986 đưa ra cải cách đổi mới dẫn đến việc Việt Nam mở cửa, Đại hội 2021 là do hậu quả của đại dịch kéo dài một thế kỷ đã làm tê liệt toàn cầu và ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống. Đồng thời, sự cạnh tranh quyền lực lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng, làm cho môi trường quốc tế trở nên kém thuận lợi hơn cho sự hợp tác quốc tế, do đó cần cho sự phục hồi toàn cầu. Thành công về kinh tế và chính trị của Việt Nam trong ba thập kỷ qua phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác quốc tế đó.
Ban lãnh đạo mới sẽ hoạt động như thế nào trong thế giới mới sau Covid ? Một thế giới với những tham vọng hiếu chiến dường như vô độ hơn của Trung Quốc , khả năng và lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực đang suy giảm, và khả năng của các thể chế đa phương, bao gồm cả ASEAN, phục vụ lợi ích chung của các thành viên cũng dường như đang suy yếu.
Tranh chấp Biển Đông và các hoạt động gia tăng của Trung Quốc nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với việc di chuyển và khai thác tài nguyên trong khu vực đang thách thức Việt Nam ở nhiều cấp độ, từ toàn vẹn lãnh thổ đến chủ quyền tài nguyên và an ninh kinh tế và con người.
Đại dịch Covid-19 có nghĩa là Việt Nam, giống như hầu hết các quốc gia, sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng khi suy thoái toàn cầu vì khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh những thách thức đó là khủng hoảng khí hậu mà Việt Nam rất dễ bị tổn thương và sẽ không chờ đợi các ưu tiên khác được giải quyết trước.
Kết quả của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 sẽ quyết định việc bổ nhiệm lãnh đạo, đặt kế hoạch kinh tế xã hội của đất nước trong 5 năm tới và đưa ra dấu hiệu về cách thức ban lãnh đạo mới sẽ ứng phó với những thách thức nội bộ cấp bách và điều hướng môi trường bên ngoài ngày càng biến động.
Bản chất của hệ thống chính trị của Việt Nam là rất độc quyền, vì vậy hiểu biết về bức tranh toàn cảnh của việc ra quyết định vẫn còn hạn chế. Có một số quy tắc, quy định và luật hướng dẫn rộng rãi quá trình tuyển chọn, mặc dù có nhiều trường hợp ngoại lệ và bất ngờ.
Trong hệ thống lãnh đạo tập thể của Việt Nam, có bốn vị trí quan trọng hàng đầu – được thiết kế để lan tỏa quyền lực và ngăn chặn sự tích tụ của nó vào bất kỳ người nào, một hệ thống còn được gọi là "nguyên tắc tập trung dân chủ". Bốn vị trí đó là : Tổng bí thư, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và có nhiều quyền lực nhất ; Chủ tịch nước, đứng đầu nhà nước, một vai trò khá đại diện ; Thủ tướng, lãnh đạo chính phủ và thực hiện quyền hành pháp ; và Chủ tịch quốc hội, đứng đầu cơ quan lập pháp.
Những vị trí này cần phải có : thành viên Bộ Chính trị ; thời hạn ; giới hạn về tuổi tác ; đại diện khu vực ; và yếu tố quan trọng nhất – sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo.
Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016 đã bổ nhiệm lại ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, ông Trần Đại Quang – nguyên bộ trưởng bộ công an – làm chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ chủ tịch đầu tiên của Quốc hội.
Ông Quang bất ngờ qua đời khi đang đương chức vào tháng 9/2018. Trong một động thái chưa từng có, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã nhất trí quyết định rằng ông Trọng cũng sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch nước. Đó là một sự thay đổi đáng ngạc nhiên của sự kiện khi ông Trọng, người đã nắm giữ chức vụ tổng bí thư từ năm 2011, được cho là chỉ đảm nhiệm vai trò đó trong nửa nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Do quá 65 tuổi nên ông không đủ tiêu chuẩn tái tranh cử tại Đại hội XII của Đảng. Nhưng trong một cuộc cạnh tranh rất gay gắt với đối thủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ, ông Trọng đã bất ngờ chiếm ưu thế vào phút cuối. Do đó, ông đã đảm nhận vai trò này, dường như là không muốn, và được cho là chỉ trong nửa nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng trước khi được nửa đường, Trọng không lùi bước. Thay vào đó, ông đảm nhận hai trong số bốn vai trò quan trọng trong khi đang bị bệnh.
Không giống như những lần trước, một trong những câu hỏi đầu tiên mà Đại hội 13 sắp tới sẽ trả lời là : Liệu chúng ta có thấy sự trở lại của bộ phận quyền lực "tứ trụ" hay sẽ gắn bó với ba Nếu quyết định được đưa ra để củng cố các vai trò, thì nó sẽ có nghĩa là một cuộc cải tổ trong tổ chức chính trị của cơ cấu quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một quyết định khác mà Đại hội đưa ra là bổ nhiệm vào Bộ Chính trị, cơ quan này sẽ có một số lượng lớn các vị trí trống. Bộ Chính trị là cơ quan tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam, bao gồm các đảng viên cấp cao nhất được xếp theo thứ tự thâm niên. Quyết định của Đại hội Đảng lần thứ 12 mở rộng Bộ Chính trị lên 19 thành viên.
Nhưng ba ghế hiện đang bỏ ngỏ, do một Ủy viên Bộ Chính trị – Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – bị cách chức trong một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có. Hai vị trí trống còn lại là do Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đoàn phải từ chức vì lý do sức khỏe, và chiếc ghế do cố chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại.
Hiện chưa rõ Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 sẽ có bao nhiêu Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng danh sáchứng cử viên còn dài. Một nửa trong số những người hiện đang nắm giữ 16 vị trí còn lại sẽ vượt quá giới hạn độ tuổi. Hơn nữa, một nửa trong số 14 thành viên của Ban Bí thư cũng phải đối mặt với giới hạn tuổi tác, khiến cho cuộc chuyển giao quyền lực này có lẽ là lần trẻ hóa lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay.
Tuy nhiên, câu hỏi chính là ai sẽ kế nhiệm ông Trọng ?
Hầu hết các ứng cử viên rõ ràng cho vai trò cao nhất sẽ vượt quá giới hạn độ tuổi, là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đạt thành tích đáng nể và khả năng lãnh đạo trong đại dịch Covid-19 đã tăng thêm quyền lực của ông. Nhưng vẫn chưa rõ liệu ông Phúc sẽ tranh cử vị trí cao nhất hay vẫn ở vị trí điều hành hiện tại. Ngay cả khi có một số ngoại lệ, khó mà được hưởng quá nhiều.
Các yếu tố quyết định thực sự dựa trên các điều kiện phức tạp hơn nhiều và thường ít thấy rõ ràng hơn từ bên ngoài. Sự mờ nhạt của hệ thống không khuyến khích các nhà phân tích đặt cược vào các ứng cử viên có thể ; như Đại hội 12 đã chứng minh, kết quả cuối cùng có thể nằm ngoài dự đoán và được quyết định vào phút cuối Nhưng có một số chỉ số cho thấy yếu tố nào có khả năng chiếm ưu thế trong quá trình ra quyết định.
Mặc dù sức khỏe không tốt, ông Trọng được hiểu vẫn là động lực chính của quá trình quyết định. Tổng thư ký kiêm chủ tịch đã biến mất khỏi mắt công chúng gần một tháng vào năm 2019, khiến nhiều người lo lắng về việc kế vị và khả năng chứng kiến một nhà lãnh đạo khác mất khả năng. Kể từ đó, Trọng liên tục có vấn đề về sức khỏe (nghi ngờ bị đột quỵ). Nhưng mỗi khi có tin đồn xoay quanh việc ông đang suy yếu quyền lực, thì người đàn ông 76 tuổi lại chứng minh rằng họ sai.
Ông Trọng là nhà lý luận mác xít, từng nhiều năm làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã kiên quyết phục hồi các giá trị xã hội chủ nghĩa và đặt chúng trở lại trung tâm của sứ mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong hai nhiệm kỳ của mình, ông đã tìm cách phục hồi và lấy lại niềm tin của người dân đối với đảng.
Đó là chiến dịch chống tham nhũng, nhằm vào việc lạm dụng quyền lực có hệ thống và biển thủ công quỹ của các đảng viên cấp cao, những người quản lý sai các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Mục đích là để làm sạch hình ảnh của một Đảng cộng sản Việt Nam thối nát, ngay cả khi cũng liên quan đến việc loại bỏ các đối thủ chính trị, một số những người được cho là vẫn ủng hộ đối thủ cũ của ông Trọng là Nguyễn Tấn Dũng và di sản tư bản thân hữu của cựu thủ tướng.
Vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020, Trọng ban hành các chỉ thị và quy định mới đặt ra các tiêu chí cho các nhà lãnh đạo mới. Chúng bao gồm lòng trung thành với hệ tư tưởng Mác-Lênin, và những người lãnh đạo mới phải có khả năng lấy được lòng tin của nhân dân và là lực lượng đoàn kết. Điều này, đối với một số người, có thể cho thấy sự ưu tiên cho việc kế nhiệm dựa trên tính liên tục của chiến dịch chống tham nhũng.
Trên cơ sở đó, ông Trọng có khả năng ủng hộ việc ứng cử những người đóng vai trò nòng cốt trong chiến dịch tranh cử như Trần Quốc Vượng, 67 tuổi, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam trong nhiệm kỳ này. Đáng chú ý, Vương đã nhận một số trách nhiệm của Trọng trong thời gian ông ốm yếu.
Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, ông Ngô Xuân Lịch, 66 tuổi, chỉ xếp sau 4 lãnh đạo cao nhất trong Bộ Chính trị, cũng là một ứng cử viên có khả năng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 66 tuổi, Chủ tịch Quốc hội, là ứng cử viên nữ duy nhất đến từ tỉnh Bến Tre, miền Nam, điều này có thể quan trọng vì đại diện khu vực là một yếu tố khác trong quá trình quyết định. Ngân có ba bằng Tiến sĩ luật, chính trị và quản lý tài chính. Nếu thắng, bà sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm tổng thư ký của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một số đồn đoán khác cho rằng Thủ tướng Phúc có thể tranh cử tổng bí thư hoặc chủ tịch nước – nếu hệ tứ trụ trả về. Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, một người theo chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ, có thể đang chạy đua để nhận lấy chức của ông Phúc.
Một trong tứ trụ sẽ cần do một phụ nữ đảm nhận vì lợi ích đại diện giới, do đó, vai trò chủ tịch Quốc hội, trên danh nghĩa là cao nhất, ít nhất là theo hiến pháp, có thể sẽ thuộc về một phụ nữ khác.
Tô Lâm, 63 tuổi, Thứ trưởng Bộ Công an ; Nguyễn Thiện Nhân, 67 tuổi, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ; và Vương Đình Huệ, 63 tuổi, Phó thủ tướng có khả năng được thăng chức. Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, 65 tuổi, người dường như đang chiếm lĩnh nhiều hơn danh mục đầu tư kinh tế, cũng có thể là thủ tướng tiếp theo.
Mặc dù tất cả các ứng cử viên, là thành viên Bộ Chính trị, đều có bằng chứng và hồ sơ thành tích đã được chứng minh rõ ràng của Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng có sự phân biệt giữa các ứng cử viên giữa những người cống hiến hơn cho sự trong sạch và trung thành của đảng, và những người ủng hộ thành tích và cải cách kinh tế của đất nước.
Kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 13 sẽ phản ánh hướng đi của Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam và liệu cuộc khủng hoảng toàn cầu Covid có ảnh hưởng đến tư duy của đảng hay không.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng, với trọng tâm là sự trong sạch về tư tưởng và việc ông cuối cùng củng cố hai vị trí chủ chốt, đã làm dấy lên những lo lắng về khả năng truyền cảm hứng của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc.
Bởi một lẽ, "chiến dịch đốt lò" đã "thiêu sống" khoảng 70 quan chức cấp cao, trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị, một Ủy viên Trung ương đương nhiệm và các cựu ủy viên. , các bộ trưởng, các tỉnh trưởng Đảng cộng sản Việt Nam, các tướng lĩnh, và những người khác ở các cấp tổ chức đảng khác nhau, nhiều người trong đó nhân án tù dài hạn.
Có lẽ vụ đốt lò lớn nhất, thu hút sự chú ý của quốc tế, là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo PetroVietnam (một doanh nghiệp nhà nước về dầu khí chủ chốt), ở Đức vào năm 2018. Động thái này cho thấy quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc thanh trừng nhưng dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với Đức và có nguy cơ gây tổn hại đến uy tín quốc tế của Việt Nam. Số lượng những người bất đồng chính kiến bị bắt và cái mà các tổ chức phi chính phủ quốc tế gọi là "tù nhân lương tâm" tiếp tục tăng.
Câu hỏi đặt ra là liệu lứa lãnh đạo tiếp theo có tiếp tục con đường này hay không và ở mức độ nào. Nếu được thực hiện theo những cải cách có hệ thống trong hệ thống luật pháp để không chỉ trừng phạt những kẻ thủ phạm mà còn ngăn chặn các hành vi tham nhũng, chiến dịch này thực sự có thể hồi sinh Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng nếu các nỗ lực vẫn hoàn toàn mang tính trừng phạt và có chọn lọc, chiến dịch chống tham nhũng có thể gây mất ổn định và kích động sự chia rẽ trong nội bộ, tạo ra cảm giác khủng bố có thể làm tê liệt đảng.
Nhận thức về tham nhũng ở Việt Nam rất cao và phổ biến. Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tổ chức thực hiện các nghiên cứu dọc trên toàn cầu, chấm điểm số minh bạch của Việt Nam là 37 điểm (trên 100) vào năm 2019, đứng ở vị trí thứ 96 trên 180 quốc gia. Điểm số tăng 4 điểm kể từ năm 2018, đây là một bước phát triển tích cực và có thể là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng. Công chúng Việt Nam, mặc dù nhận thức được khía cạnh chính trị của chiến dịch, nhưng nhìn chung đều ủng hộ việc giám sát và thực thi các biện pháp hạn chế lạm quyền.
Kinh tế sẽ là trọng tâm phía trước, thậm chí còn hơn thế sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đã làm rất tốt trong suốt đại dịch. Việt Nam được dự đoán sẽ phục hồi nhanh hơn nhiều quốc gia khhác trong khu vực.
Về kinh tế vĩ mô, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển mạnh trong dài hạn. Nhưng những thách thức đã xuất hiện khi giai đoạn phát triển tăng trưởng nhanh kết thúc đã đến gần. Điều đáng khen là dưới thời ông Phúc, Việt Nam đã chống lại sự suy giảm đó và giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 5-6% sau mức kỷ lục 7% của những thập kỷ trước. Trong thập kỷ qua, GDP của nước này đã tăng gấp đôi, đạt 262 tỷ USD vào năm 2019.
Khi Covid-19 bùng phát, mục tiêu đầy tham vọng là duy trì mức tăng trưởng trên 5% đã phải được điều chỉnh. Giống như cả thế giới, Việt Nam phải hứng chịu sự đóng băng toàn cầu về giao thông, du lịch và dịch vụ. Nhưng ứng phó với đại dịch của Việt Nam thuộc hàng hiệu quả nhất trên thế giới, thời gian ngừng hoạt động ngắn hơn nhiều nước và đến cuối tháng 4, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng các hạn chế xã hội. Kể từ đó, Việt Nam đã có những đợt bùng phát nhỏ, nhưng nhìn chung, Việt Nam đã có thể kiểm soát số ca bệnh và trong nước, gần như trở lại "kinh doanh như thường lệ. Do đó, Việt Nam nằm trong số ít các nước Đông Nam Á thoát khỏi tình trạng kinh tế co lại, và trong khi tăng trưởng GDP năm 2020 ước tính ở mức 1,8-2,5%, thì dự kiến sẽ tăng trở lại 6,5% vào năm 2021 – tức là cao hơn dự kiến trước đại dịch.
Đại dịch đã đẩy nhanh cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ với một số đồng minh và Trung Quốc. Trong quá trình di dời các doanh nghiệp và nhà máy khỏi Trung Quốc, Việt Nam là điểm đến phổ biến do chi phí sản xuất thấp hơn (đây là một yếu tố cần xem xét ngay cả khi không có căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc), lực lượng lao động có trình độ cao, điều kiện chính trị ổn định , và ngày càng tin tưởng vào đất nước nói chung.
Những cuộc di dời này là của các công ty Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. Chính phủ Nhật Bản đã sắp xếp một chương trình đặc biệt để giúp các doanh nghiệp di dời từ Trung Quốc sang Đông Nam Á ; cho đến nay 15 công ty đã được trả tiền để chuyển đến Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Việt Nam, các dự án đầu tư nước ngoài được giải ngân trong 10 tháng đầu năm 2020 lên tới 13,76 tỷ USD, tương đương 96,8% vốn đầu tư nhận được so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy tác động của Covid-19 đã được giảm nhẹ.
Tương lai kinh tế số của Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn. Đây là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực với hơn 52 triệu người dùng internet và đến năm 2025, con số đó dự kiến sẽ tăng lên khoảng 80 triệu. Dân số trẻ của Việt Nam khiến nó trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba ở Đông Nam Á với doanh thu thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD vào năm 2018. Điều này đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể trong đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng là một trong những trung tâm đổi mới kỹ thuật số phát triển năng động nhất trong khu vực.
Chính phủ đã nâng cao năng suất theo định hướng công nghệ và ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phát triển kỹ năng, áp dụng công nghệ trong sản xuất và nông nghiệp cũng như các lĩnh vực công nghệ mới. Trên thực tế, cũng giống như chiến dịch chống tham nhũng là "dự án con cưng" của Trọng, thì với ông Phúc là động lực cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong khi có nhiều thách thức còn lại, một thái độ như vậy giúp Việt Nam có thể phục hồi sau đại dịch.
Chính sách Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã chuẩn bị cho đất nước thành công trong lĩnh vực viễn thông, bao gồm cả 5G. Viettel của Việt Nam là công ty thứ sáu trên toàn thế giới sản xuất thiết bị mạng 5G và triển khai thành công tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2020. Kết nối 5G cho các bệnh viện chính là một đóng góp đáng kể cho các dịch vụ y tế từ xa, đặc biệt quan trọng trong đại dịch.
Một nhà mạng khác của Việt Nam là MobiFone cũng đã thử nghiệm thành công 5G và dự kiến sẽ nối gót Viettel triển khai thương mại. Viettel hợp tác với Ericsson và Nokia, trong khi MobiFone hợp tác với Samsung và sử dụng thiết bị Nokia để phát triển công nghệ.
Điều đó khiến Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới có 5G và một trong số rất ít nhà cung cấp quốc gia của họ, trong trường hợp này là hai, là nhà cung cấp mạng. Việt Nam cũng đã tránh được các rủi ro bảo mật liên quan đến việc sử dụng thiết bị của Huawei.
Tuy nhiên, đây không phải tất cả đều là tin tốt. Luật An ninh mạng mới có hiệu lực vào năm 2018 yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài phải mở văn phòng tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước và giao nộp thông tin nếu chính phủ yêu cầu.
Luật An ninh mạng cũng yêu cầu các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào mà nhà chức trách cho là xúc phạm. Nhiều người lo lắng rằng điều này có thể được sử dụng để tăng cường kiểm duyệt bất kỳ hoạt động chính trị nào và hạn chế tự do ngôn luận. Các tính năng này có thể là một yếu tố bất lợi trong việc mở rộng hơn nữa thị trường công nghệ.
Việt Nam thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, bao gồm cả các cơ sở hạ tầng và dịch vụ quan trọng, cũng như các báo cáo thường xuyên về các cuộc tấn công nhắm vào các sân bay, tàu sân bay quốc gia, cũng như các vụ cắt cáp dưới biển. Những vấn đề này thường xảy ra đồng thời với căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt với Trung Quốc. Một trong những vụ việc đáng chú ý nữa đã xảy ra sau khi Việt Nam đề nghị hỗ trợ ngoại giao đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016.
Số hóa, công nghệ và lĩnh vực mạng là một trong những cơ hội lớn nhất cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. Tuy nhiên, các thách thức và lỗ hổng mạng cũng là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất. Khả năng phục hồi không gian mạng của Việt Nam vẫn đứng thứ 50 trên toàn cầu. Năm ngoái, Việt Nam đã tăng 50 bậc ấn tượng trong Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là khi chính phủ đặt mục tiêu nằm trong top 30 thế giới vào năm 2030.
Covid-19 là một thảm kịch toàn cầu đáng kinh ngạc, không chỉ đối với Việt Nam. Nhưng đại dịch này cũng đã tiết lộ tiềm năng đổi mới của đất nước. Không chỉ quản lý tốt nguồn cung cấp y tế quan trọng khi cả thế giới, với một số nền kinh tế phát triển nhất như Hoa Kỳ, lại thiếu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế – PPE và phải chặn các đơn đặt hàng quốc tế, mà Việt Nam nhanh chóng chuyển sang tài trợ và xuất khẩu các mặt hàng cần thiết. Khi mới bùng phát,
Việt Nam đã tự sản xuất bộ xét nghiệm và hiện đang thử nghiệm vắc xin của nội địa. Đại dịch đã tạo động lực đổi mới cho dân số trẻ của đất nước. Một ví dụ là các máy ATM gạo được thiết lập cho những người có nhu cầu trong thời gian bị cách ly xã hội để giảm thiểu lây nhiễm, và sự bùng nổ của các ứng dụng mới và dịch vụ trực tuyến ít tiếp xúc hơn.
Các nhà lãnh đạo tiếp theo cần khai thác tiềm năng sáng tạo và đổi mới hiện tại, cung cấp một môi trường phát triển thuận lợi và an toàn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và hỗ trợ phát triển nền kinh tế số. Điều này đòi hỏi các nhà kỹ trị.
Đồng thời, nhóm lãnh đạo tiếp theo cũng cần tiếp thu những vấn đề đang kìm hãm nền kinh tế Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, công cuộc đổi mới đổi mới từ năm 1986 chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã đưa Việt Nam thoát nghèo, hội nhập kinh tế toàn cầu và nâng cao sức mạnh quốc gia.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đó chỉ là một phần và ở giai đoạn hiện tại, các lĩnh vực và công ty được kiểm soát tập trung còn lại đặt ra những thách thức đối với khu vực tư nhân. Hơn nữa, sự kết hợp này đã dẫn đến việc tạo ra các mối quan hệ doanh nghiệp nhà nước theo kiểu khách hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực chủ chốt như năng lượng, viễn thông và dầu khí, vốn vẫn do các doanh nghiệp nhà nước gần như độc quyền điều hành.
Điều đó đã tạo ra một tầng lớp các nhà tài phiệt – nhiều triệu phú và tỷ phú kiểm soát các công ty tư nhân lớn, và thường được sự ủng hộ và bảo vệ từ giới chóp bu chính trị. Sự tăng trưởng liên tục và không được kiểm soát của "tầng lớp" này có thể dẫn đến một số thách thức, từ các điều kiện không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến quyết định tăng cường tìm kiếm đầu tư của chính phủ, kể cả từ các nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án lớn. Trong thực tế hậu đại dịch, những thách thức này và những thách thức khác liên quan đến các cải cách chưa hoàn thành sẽ ngày càng nổi bật hơn và sẽ cần nhóm lãnh đạo tiếp theo giải quyết cho kịp thời.
Có thể nói, không thiếu những thách thức mà ban lãnh đạo mới phải đối mặt khi khu vực này đang ở giữa sự thay đổi địa chính trị có hậu quả lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Ngay cả trước khi bùng phát covid-19, thời kỳ này đã được gọi là Chiến tranh Lạnh 2.0. Đối với Việt Nam, những gì được gọi là "Chiến tranh Lạnh" ở phương Tây hoàn toàn không phải là "lạnh", và chắc chắn nó sẽ muốn tránh rơi vào bất kỳ vị trí tương tự một lần nữa.
Vào cuối năm 2019, Việt Nam đã phát hành Sách Trắng Quốc phòng, Sách trắng đầu tiên trong một thập kỷ, trong đó ghi nhận sự xấu đi nhanh chóng của môi trường quốc tế. Những lo ngại về an ninh của Hà Nội đã được tuyên bố cùng với việc tái khẳng định "chính sách ba không" (không liên minh quân sự, không có căn cứ nước ngoài và không đứng về phía nước này chống lại nước khác).
Sách trắng 2019 đã bổ sung thêm chữ "không" thứ tư nhằm bác bỏ cụ thể việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và "một điều tuỳ thuộc"được nêu ra : "Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết, phù hợp với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, các bên cùng có lợi".
Đây là một cách thể hiện rằng Việt Nam coi vấn đề chủ quyền là ưu tiên hàng đầu và tất cả các học thuyết quốc phòng và chiến lược chỉ là phương tiện để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Hà Nội đang mở rộng dư địa để điều động các phương án phòng thủ, để phản ứng trước việc Bắc Kinh thường xuyên xâm nhập vào Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, can thiệp vào hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi, gia tăng các cuộc tập trận và triển khai quân sự từ các đảo nhân tạo, cũng như các hành động khiêu khích khác và cố gắng kiểm soát bất hợp pháp các vùng biển tranh chấp, chẳng hạn như tuyên bố các đặc khu hành chính mới.
Trong khi tôn trọng các nguyên tắc không liên kết của mình, Hà Nội cũng tuyên bố rõ ràng ủng hộ việc đi lại vô tội, cũng như an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông ; không thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp ; đồng thời, tránh quân sự hóa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Đặc biệt, "Việt Nam hoan nghênh các tàu của hải quân, tuần duyên, biên phòng và các tổ chức quốc tế đến thăm cảng thông thường hoặc dừng lại tại các cảng của mình để sửa chữa, bổ sung vật tư hậu cần, kỹ thuật hoặc ứng cứu thiên tai".
Điều này cho thấy sự ủng hộ của các Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) của Hoa Kỳ và sự cởi mở trong việc tăng tần suất các chuyến thăm của hải quân, bao gồm cả đến Vịnh Cam Ranh.
Dưới thời chính quyền Trump, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được động lực đáng kể, và bất chấp mọi thách thức, mối quan hệ này vẫn tiếp tục đi trên quỹ đạo tích cực và có lẽ xét về mặt tương đối, là mạnh nhất ở Đông Nam Á.
Tăng cường quan hệ quân sự và các chuyến thăm, kể cả trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, việc Hoa Kỳ quan tâm đến việc tìm kiếm các đối tác cùng chí hướng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhận thức chung về Trung Quốc là một mối đe dọa cho thấy mức độ liên quan ngày càng tăng của các khía cạnh quốc phòng của Việt Mỹ phức tạp – điều đó ở một mức độ nào đó đã đẩy nhanh quá trình hàn gắn quá khứ.
Tuy nhiên, thương mại vẫn là một cái gai trong chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump. Ngay sau chuyến thăm ngẫu hứng của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Hà Nội vào tháng 11 trong chuyến công du được cho là chống Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã áp thuế đối với lốp xe Việt Nam. Có hơn 300 mức thuế mà Mỹ vẫn có thể áp dụng đối với Việt Nam vì nghi ngờ phá giá tiền tệ, nếu cán cân thương mại được tiếp tục thặng dư sau khi chuyển giao quyền lực cho Joe Biden vào tháng Giêng.
Trong khi chương trình nghị sự thương mại có thể ít vấn đề hơn dưới thời chính quyền Biden sắp tới, điều đó cũng có thể có nghĩa là quay trở lại tập trung vào các khía cạnh nhân quyền rắc rối hơn, vốn bị bỏ qua dưới thời chính quyền Trump. Với thành tích ngày càng tồi tệ trong những năm qua, một chính quyền mới của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ có khả năng sẽ đưa ra các vấn đề nhân quyền với Việt Nam, bất chấp những cân nhắc chiến lược đã thúc đẩy hai nước xích lại gần nhau hơn.
Vượt qua những thách thức của giữ cân bằng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, đáp ứng thỏa đáng các yêu cầu của Mỹ và phản ứng hiệu quả trước sự hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam đang làm rất tốt. Việt Nam đã chủ trì thành công các cuộc họp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017, hoạt động tích cực tại Liên hợp quốc, kết thúc nhiệm kỳ thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và gần đây nhất là hoàn thành vai trò chủ tịch ASEAN 2020 với năng suất đáng kể bất chấp Covid -19 đại dịch.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản, Australia, Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Nga và Ấn Độ ngày càng sâu sắc hơn. Việt Nam đang nổi lên như một trong những đối tác quan trọng nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện qua việc tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tiên ở nước ngoài.
Thủ tướng Phúc đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn trong các chuyến thăm nước ngoài, tổ chức các diễn đàn đa phương, và thăm nước ngoài do Chủ tịch Quang đã qua đời và sức khỏe yếu của ông Trọng. Ông Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từ lâu đã là bộ mặt của một Việt Nam tiến bộ và hướng ngoại, ngày càng nằm trong số những quốc gia năng động nhất trong khu vực.
Thực hiện chủ trương nhất quán về hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã mở rộng mạng lưới thương mại và trong những năm gần đây đã ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh. Việt Nam là thành viên của cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết. Cách tiếp cận này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tự do hóa thương mại nhất trên thế giới.
Ban lãnh đạo tiếp theo sẽ phải có khả năng tiếp tục với thành tích tốt này và khai thác những lợi ích của hội nhập toàn cầu cho Việt Nam. Trong khi định hướng chính của chính sách đối ngoại khó có thể thay đổi, bất kể ai cuối cùng xuất hiện ở Đại hội Đảng lần thứ 13, thần thái cá nhân, sự tự tin và nhanh nhẹn sẽ là điều cần thiết để đối mặt với những thách thức phức tạp và ngày càng gia tăng của môi trường quốc tế phía trước.
Việc Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN thành công vào năm 2020 chỉ khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam đối với các nước láng giềng Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu. Nhưng vẫn còn đó những thách thức trong quan hệ láng giềng, bao gồm khả năng quản lý mối quan hệ phức tạp với Campuchia, quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc thường làm phức tạp các chương trình nghị sự vùng Mekong và ASEAN.
Với các chức chủ tịch ASEAN của Brunei và Campuchia lần lượt vào năm 2021 và 2022, một số người lo ngại điều đó có thể dẫn đến những thỏa hiệp không mong muốn trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc-ASEAN ở Biển Đông trong những năm tới. Ban lãnh đạo và các chính sách do Đại hội 13 đề ra sẽ phải bước đi một cách khéo léo giữa lợi ích của ASEAN và những hạn chế đặc hữu của khối.
Việt Nam đang trỗi dậy khỏi đại dịch Covid-19 mạnh hơn. Ví dụ, chỉ số Lowy Power năm 2020 ghi nhận rằng Việt Nam đạt điểm tăng mạnh nhất trong bảng xếp hạng so với năm 2019, phản ánh thành công trong việc ứng phó với đại dịch. Việt Nam được định vị để phục hồi nhanh, nhanh hơn nhiều so với các đối thủ trong khu vực và đang tích cực chuẩn bị cho thế giới hậu Covid.
Quản trị hiệu quả trong bối cảnh đại dịch đã làm tăng uy tín quốc tế của Việt Nam và củng cố nội bộ tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng đảng không phải là một khối, và điều đó không bao giờ rõ ràng hơn lúc này, khi giai cấp chính trị chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao quyền lực. Sự phân chia giữa những người trung thành với ý thức hệ và những nhà kỹ trị thực dụng là rõ ràng.
Điều nào sẽ chiếm ưu thế và chèo lái Việt Nam vượt qua những khó khăn của thế giới hậu đại dịch, trong đó trật tự toàn cầu chắc chắn sẽ bị đảo lộn ? Như mọi khi, chúng ta sẽ biết vào sáng hôm sau kết thúc Đại hội.
Huong Le Thu
Nguyên tác : Vietnam’s Coming Leadership Change, Diplomat Magazine, January, 2021
Ngọc Lan dịch
Nguồn : VNTB, 01/01/2021
Tiến sĩ Hương Le Thu là chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc và Nghiên cứu viên Cạnh tranh Châu Á tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Châu Á.
Triệu Tử Long, VNTB, 26/12/2020
Nguyễn Phú Trọng đang cầm tay chỉ việc cho Trần Quốc Vượng
Hôm 4/11/2019, trong một bài viết đăng trên VOA, tác giả Phạm Chí Dũng có đoạn kết như sau về chính khách Trần Quốc Vượng : "Nhưng như thói đời kiêm thói đảng, càng lên cao càng dễ bị thị phi và cả ‘đâm dao sau lưng’. Từ năm 2018, cái tên Trần Quốc Vượng bắt đầu xuất hiện trong vài bài viết trên mạng xã hội và những bài viết đả kích ấy kéo dài cho đến nay với tần suất ngày càng dày hơn.
Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng vẫn có thể tự an ủi mình : dù sao tên ông ta không rơi vào lời sấm Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt ; Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong" – mà đã cồn lên như sóng thần biển khơi sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang trên ghế chủ tịch nước vào tháng 9 năm 2018" (1).
Ở bài báo nói trên, tác giả Phạm Chí Dũng nhận định ông Trần Quốc Vượng – nhân vật có quyền lực đứng thứ hai trong đảng sẽ là tân tổng bí thư khi ông Nguyễn Phú Trọng rời chính trường.
Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, ở Thái Bình. Ông Vượng có bằng thạc sĩ Luật và từng giữ các chức vụ cao cấp từ năm 2006 đến nay, bao gồm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Ông Trần Quốc Vượng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư hồi năm 2013 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI.
Nhà báo Phạm Chí Dũng từng nhìn nhận rằng "Không phải là cá nhân Trần Quốc Vượng mà là tính chất của ban chuyên môn, đó là Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng của Việt Nam được đánh giá tương tự với Uỷ ban kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc.
Ông Trọng có thể nói là người rất được khích lệ bởi chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của ông Tập Cận Bình. Ông đã chọn Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Việt Nam như một ban chuyên môn và một cánh tay phải đắc lực để giúp Tổng Bí thư như Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc là cánh tay mặt của Tập Cận Bình.
Vô tình ông Trần Quốc Vượng rơi vào điểm nhấn của lịch sử trong triều đại Đảng Cộng sản Việt Nam".
Ngay ở thời điểm đó tháng 3-2018, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhận định, "Việc bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng mang hàm ý ông Trần Quốc Vượng chính thức trở thành ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư".
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, người đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore, nói trong một bài phân tích : "Quan trọng hơn, nếu xét chiến dịch chống tham nhũng cấp cao dưới sự lãnh đạo của ông Trọng và việc Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng, rất có khả năng ông Trọng muốn người kế nhiệm sẽ duy trì di sản của mình và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông Vượng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, có thể được coi là đáp ứng nhiều điều kiện hơn để thay thế ông Trọng. Với việc ông Trọng đang nắm quyền kiểm soát ở mức cao đối với hoạt động của Đảng, đặc biệt là trong vấn đề nhân sự, ông Trọng sẽ là người có tiếng nói quyết định đối với việc lựa chọn người kế nhiệm mình. Như vậy, ứng viên nào được ông hậu thuẫn sẽ có cơ hội thắng cử cao hơn", ông Lê Hồng Hiệp nhận định.
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng đã đưa nhận định được nhiều tờ báo đăng công khai : "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi" (2).
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 26/12/2020
Chú thích :
(1)https://www.voatiengviet.com/a/tran-quoc-vuong-bat-dau-xuat-canh/5151785.html
***************************
Tomoya Onishi, VNTB, 26/12/2020
HÀ NỘI – Còn một tháng nữa mới đến ngày khai mạc Đại hội đảng toàn quốc, ngày càng có nhiều đồn đoán về số phận của nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.
Truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư rằng đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần, dự kiến được tổ chức bắt đầu từ ngày 25 tháng 1 để công bố lãnh đạo mới và các mục tiêu kinh tế trong 5 năm tới.
Tương lai của Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam 76 tuổi và cũng là chủ tịch nước đang được theo dõi chặt chẽ. Nhiều người cho rằng ông Trọng sẽ từ chức vì tuổi cao và sức khỏe kém. Truyền thông nước ngoài đưa tin ông Trọng đã bị đột quỵ vào năm 2019.
Điều lệ Đảng cũng quy định rằng vị trí tổng bí thư chỉ có thể do cùng một người nắm giữ trong tối đa hai nhiệm kỳ và ông Trọng hiện đang ở nhiệm kỳ thứ hai.
Suy đoán về số phận của ông Trọng tăng nhanh sau Hội nghị Trung ương 14 bế mạc vào ngày 18 tháng 12. Người ta nói rằng trong cuộc họp ông Trọng không được giới thiệu làm ứng cử viên cho Bộ Chính trị khóa tới – ban chấp hành đảng bộ. Bất kỳ lãnh đạo đảng nào trước hết phải có một ghế trong Bộ Chính trị.
Hai người được cho là ưu ái thay ông Trọng làm tổng bí thư – ông Trần Quốc Vượng 67 tuổi, ủy viên ban bí thư, và ông Nguyễn Xuân Phúc 66 tuổi, đương kim thủ tướng.
"Có khả năng cao ông Vượng sẽ là tổng bí thư, sớm hay muộn", Dương Quốc Chính, một nhà phân tích chính trị tại Hà Nội nói với Nikkei Asia hôm thứ Năm. Ông Chính cho biết ông Trọng có thể tiếp tục làm tổng bí thư một thời gian sau Đại hội và chuyển giao chức vụ cho ông Vượng.
Lê Hồng Hiệp, một thành viên Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cũng cho rằng nhiều người tin là ông Vượng là người kế nhiệm ông Trọng. "Ông Vượng được cho là có lý lịch trong sạch hơn do có giới hạn về mạng lưới bảo trợ", ông Hiệp cho biết trong một báo cáo được phát hành vào tháng 9. "Vì vậy, ông Vượng được coi là có vị trí tốt để gánh vác di sản quan trọng nhất của Trọng : cuộc chiến chống tham nhũng."
"Ông Vương có thể tiếp tục cái gọi là" đốt lò " hay chiến dịch chống tham nhũng", ông Chinh nói.
Người gốc Thái Bình thuộc miền Bắc Việt Nam, ông Vượng là một cán bộ đảng kỳ cựu và có kinh nghiệm là viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. "Ông Vưọng chủ yếu làm việc tại các cơ quan đảng", ông Chính nói. "Ông từng kinh qua các chức vụ ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từng là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Việc ông Vượng tham gia lâu trong các công tác đảng có thể là một điểm yếu vì ông không có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại. Nhưng điều đó không cản trở ông ta leo lên nấc thang của đảng vì đã bám sát ông Trọng, người được coi là trung thành tuyệt đối với chế độ cộng sản, ông Chính nói. "Đối với nhiều đảng viên, người giữ chức vụ tổng bí thư phải là người có khuynh hướng lý thuyết cộng sản và kiên định theo lý tưởng cộng sản".
Ông Trọng có quyền hạn lớn nhất trong việc chọn người kế vị, một truyền thống lâu đời của đảng. Do đó, khuyến nghị của ông Trọng có giá trị nhất, ông Chính nhấn mạnh. "Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng mà ông ấy lãnh đạo sẽ tạo ra nhiều kẻ thù cho ông Trọng. Vì vậy, việc cài đặt một người kế nhiệm trung thành là điều tối quan trọng đối với ông Trọng ngay cả khi ông từ chức tổng bí thư".
Theo ông Hiệp, vị trí tổng bí thư luôn được đảm bảo bởi những người miền Bắc – quê hương của giới chính trị Việt Nam – cũng đặt Vượng vào vị trí tốt hơn ông Phúc. Thủ tướng quê tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Chính quyền nếu do ông Vương làm lãnh đạo dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể về chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư nước ngoài. Ông Vượng không có kinh nghiệm kinh tế, nhưng thủ tướng được coi là người lãnh đạo các chính sách kinh tế và thương mại trong khi các vấn đề đối ngoại thường thuộc thẩm quyền của chủ tịch nước, theo ông Chính.
Ông Chính nói : "Khả năng ông Vượng kiêm nhiệm tổng bí thư lẫn chủ tịch nước như ông Trọng là rất thấp. "Ông Vượng vẫn chưa chứng tỏ được năng lực trở thành tổng bí thư." Trong khi đó, có tin đồn rằng Phạm Bình Minh, đương nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ trở thành chủ tịch nước.
Nhưng còn một tháng nữa là Đại hội 13 sẽ khai mạc, tình hình vẫn khó lường. Mặc dù đầy rẫy đồn đoán về tương lai của ông Trọng, nhưng cuối cùng ông có thể vượt qua các quy định của đảng vào phút cuối để ở lại giữ chức Tổng Bí thư sau đại hội ít nhất là trong một thời gian nữa nhằm chuẩn bị cho một nhà lãnh đạo mới tiếp quản vị trí của mình.
"Tóm lại, ngay cả khi ông Vượng lên làm tổng bí thư tiếp theo, ông ấy sẽ không nắm được nhiều quyền lực như ông Trọng", ông Chính nói, mặc dù ảnh hưởng của ông Vượng có thể duy trì lâu dài miễn là ông tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng.
Tomoya Onishi
Nguyên tác : Vietnam's leader wants a successor tough on corruption, Asia Nikkei, 24/12/2020
***************************
Chọn được kẻ "truyền ngôi" – Trọng chốt ngày Đại hội
Nguyễn Duy, Thoibao.de, 25/12/2020
Khi tiếng còi trận chung kết vang lên thì người ta sẽ định ai là người nhận cúp. Đó là quy luật từ xưa đến giờ rồi. Hội nghị trung ương 14 mới vừa kết thúc thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho báo chí đăng tải ngày diễn ra đại hội. Đây thực chất là một kỳ trao quyền cho các kẻ chiến thắng. Đại hội sẽ diền ra trong không khí tưng bừng và mỗi người sẽ nhận cho mình một chức mới.
Trần Quốc Vượng ứng viện số 1 cho ghế tổng bí thư
Ngày 23/12/2020 các tờ báo đồng loạt đưa tin rằng "Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội"
Ngày 18/12/2020, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng : "Trung ương thống nhất cao cho rằng việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra". Nói thẳng ra ý ông Trọng là thế này "tranh giành đã xong, bổng lộc đã có, giờ tổ chức kỳ đại hội để phát thưởng".
Theo báo chí nhà nước cộng sản đưa tin thì hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm báo cáo chính trị là đóng vai trò chính, cùng với các báo cáo chuyên đề là báo cáo kinh tế – xã hội, và báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Nội dung đại hội tuy là như thế, nhưng điều mong đợi ở các thành viên tham gia đại hội đó là, chức vụ mới chứ chẳng gì khác. Chức vụ mới tạo ra được bổng lộc nhiều hay ít cho họ, chứ không có quan chức nào quan tâm đến việc xây dựng đất nước cả.
Ông Trọng cho biết, ban chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nói tóm lại, chức vụ, bổng lộc đã chia xong.
Nổi lên gương mặt thay thế ông Nguyễn phú Trọng
Trong kỳ hội nghị trung ương 14, ông Nguyễn Phú Trọng đã để ông Trần Quốc Vượng đạo diễn từ đầu đến cuối. Tuy kết quả chọn nhân sự cho ghế tổng bí thư vẫn được Đảng cộng sản giữ kín cho đến kỳ đại hội 13, nhưng nhìn vào hội nghị vừa qua nhiều người dự đoán khả năng là ông Trần Quốc Vượng sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, là một trong những ứng cử viên tham gia Tứ Trụ cùng với Nguyễn Xuân phúc tại Đại hội 13. Thưng theo một số nhà quan sát thì người ta vẫn đang nghiêng về ông Trần Quốc Vượng.
Hôm 22/12/2020, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, được các báo chính thống của nhà nước Việt Nam dẫn lời bày tỏ quyết tâm làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền. Một chính sách mà chính ông Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng và trao nhiệm vụ nó lại cho Trần Quốc Vượng.
Tại hội nghị đó, ông Vượng cho biết, Trung ương đảng kiên quyết loại những người không đủ tiêu chuẩn, không để lọt vào khóa mới. Rút kinh nghiệm vừa rồi có những người không đủ tiêu chuẩn sau đó phải xử lý. Nói là Trung ương đảng có có vẻ dân chủ thôi thứ thực chất mọi quyết định nhân sự cho đại hội sắp tới là Bộ Chính trị và Ban Bí thư thôi.
Hiện nay ông Trần Quốc Vượng là thường trực ban bí thư trung ương, nói đơn giản thì ông là phó tổng bí thư, một chức vụ còn cao hơn người làm thủ tướng nếu sao sánh trong bộ máy đảng. Chức phó tổng bí thư có vẻ như ưu thế để lên tổng bí thư, nhưng lắm khi cũng bị đá văng ra khỏi bộ chính trị. Năm 2016, ông Lê Hồng Anh, lúc đó là thường trực ban bí thư, nhưng cuối cùng đị đá văng không còn thấy tăm hơi, bởi đơn giản ông này là người có mối quan hệ rất lớn với Nguyễn Tấn Dũng. Lần này, Trần Quốc Vượng là người Bắc, là người gần gũi với ông Trọng chứ không như ông Lê Hồng Anh. Cho nên khả năng cho nên lần này ông Trần Quốc Vượng sẽ phá dớp.
Ông Trần Quốc Vượng được chọn là người nối tiếp thực hiện chính sách của Nguyễn Phú Trọng
Trong một bình luận mới đây trong dịp diễn ra Hội nghị 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, một quan chức nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, một luật sư có cho rằng giữa việc nói và làm còn có một khoảng cách, vẫn còn có việc làm chưa đến nơi đến chốn. Nhiều nơi, nhiều trường hợp còn nể nang, né tránh, đụng tới những người có chức, có quyền, những ai có thể lực là có biểu hiện chùn tay. Nghĩa là trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không triệt để. Thực tế nếu so sánh chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng so với những những gì mà những người tiền nhiệm của ông đã làm thì ông mạnh tay hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ có Tất Thành Cang mà ông Trọng mất đến 2 năm dưới bàn tay giúp sức của Nguyễn Văn Nên mới bắt được. Lần này, nếu Trần Quốc Vượng tiếp nhận chính sách của ông Trọng, e rằng ông kham không nổi. Tuy nhiên với người cộng sản thì chiếc ghế tổng bí thư mới là cái họ phải giành lấy chứ không phải là nhiệm vụ. Khi ở quyền lực định cao, nếu Trần Quốc Vượng không hoàn thành thì cũng chẳng ai kỷ luật được ông ta cả.
Trông suốt nhiều kỳ hội nghị trung ương trước thềm đại hội, ông Nguyễn Phú trọng luôn nhắc đi nhắc lại rằng : "đưa người vào Trung ương phải rõ ràng, minh bạch, công khai, nếu người nào có tài sản, nhà cửa, tiền tài, thu nhập mà không giải thích được nguồn gốc, thì không đưa vào". Thế nhưng thực tế thì sao ? Không ai có thể kiểm tra nổi tài sản chìm nổi của các quan tham cả. Không quan chức nào dại dột ăn hối lộ mà lại để tài sản của mình cho người ta kiểm kê và tịch thu.
Ông Trần Quốc Vượng được cho là đã đánh bại ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đua giành ghế Tổng bí thư
Đối với nhiều quan chức, nếu điều tra đôi khi nhà cao xe đẹp mà quan chức sở hữu đó chưa chắc gì đứng tên các quan đó. Xe thì xài của người ta với danh nghĩa cho mượn như Nguyễn Xuân Anh cựu bí thư Đà Nẵng đã dùng xe người khác đi làm. Hay thậm chí ngôi nhà của quan chức cũng được đứng tên người khác v.v… Vậy nên, cho dù gạn lọc kỹ thế nào, thì quan tham cũng dễ dàng lách luật để lọt vào trung ương một cách dễ dàng. Lọc người bằng tiêu chuẩn ông Trọng tự đặt ra, điều đó hạn chế được phe khác nhưng không ngăn cản họ len lỏi vào trung ương được. Nên chắc chắn, sau đại hội vẫn còn đó phe chống ông Trọng hay ông Vượng.
Trần Quốc Vượng càng ngày càng lộ rõ vai chính
Nếu tiếp quản chức vụ tổng bí thư, ngay từ bây giờ ông Trần Quốc Vượng cần phải năng nổ tiếp xúc và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, những cơ quan mà khi lên chức mới ông sẽ cần những lòng trung thành của những người đứng đầu các cơ quan đó.
Hôm 22/12, ông Trần Quốc Vượng xuất hiện tại kỳ Hội nghị nhóm họp cuối năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông ta đã phát biểu chỉ đạo : "Tôi đi nhiều địa phương, bà con nói : sợ nhất các bác làm chùng xuống. Tôi trả lời với bà con là chúng ta tiếp tục. Trong khó khăn, gần tổ chức Đại hội chúng ta vẫn làm. Chúng ta xác định làm để giữ uy tín cho Đảng, chứ không lo giảm uy tín"... Nhìn cách sinh hoạt và làm việc của ông không khác gì Nguyễn Phú Trọng cả.
Trước đó không lâu, hôm 12/12, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã tổ chức một hội nghị toàn quốc tổng kết công tác này trong giai đoạn 2013-2020. Tại kỳ họp đó ông Trần Quốc Vượng phát biểu chẳng khác nào ông Trọng rằng : "Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Với vai trò tổng bí thư, ông Nguyễn Phú trọng đã làm cũng khá nhiều, trong đó có truy tố một ủy viên bộ chính trị và khá nhiều ủy viên trung ương. Tuy nhiên cho đến giờ còn nhiều ủy viên bộ chính trị mà ông Trọng không thể nhổ được, vậy thì khi tiếp nhận chức vụ mới, ông Trần Quốc Vượng có làm được bằng ông Trọng không ? Điều này rất khó cho ông Vượng.
Người tiếp theo liệu có là kẻ tham nhũng quyền lực như Nguyễn Phú Trọng ?
Có thể nói, ông Nguyễn Phú Trọng là người chiếm nhiều quyền lực nhất trong các đời tổng bí thư, chỉ có một mình ông là kiêm luôn chức chủ tịch nước. Tuy đến bây giờ người ta cũng chưa những kết luận rõ ràng về nhưng vụ tham nhũng mà ông có thể dính. Tuy nhiên, về nhũng quyền lực thì chính Trọng chứ không ai khác làm gương cho các thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
Thực ra, ông Nguyễn Phú Trọng nắm chức chủ tịch nước mới hơn 2 năm, trong đó suốt năm 2018 đến giữa năm ông bị bệnh khi đi thăm Kiên Giang – nơi mà con trai ông Nguyễn Tấn Dũng làm bí thư. Thời gian không nhiều để thấy ông Trọng lạm quyền. Tuy nhiên, nếu ông Nguyễn Phú Trọng truyền ngôi cho Trần Quốc Vượng thì ông Trần Quốc Vượng có thời gian dài để lạm quyền rất nguy hiểm. Quyền lớn mà tham làm thì không ai kiểm soát nổi.
Nạn tham nhũng luôn đi cùng với quyển lực. Ở nước nào cũng vậy. Nhưng suốt mấy chục năm Việt Nam đã phải chịu tham nhũng như bệnh ung thư từ cấp cao đến cấp dưới của hệ thống cai trị. Vô số cán bộ cao cấp trong bộ máy kinh tế, tài chính, quân đội, công an đã bị dính líu, nhiều khi liên kết với các thế lực được cho là "mafia".
Nếu không có gì đột biến, khả năng Trần Quốc Vượng thay thế ông Trọng là rất cao
Hiện nay, dù ông Nguyễn Phú trọng có đốt lò thế nào thì các nhóm lợi ích vẫn còn đó, không thể diệt hết được. Đối với cái nhóm đang bám vào quyền lực bằng mọi giá mà họ dùng tham nhũng để cai trị cũng để dàn xếp các vụ tranh chấp trong cuộc đấu tranh giữ quyền lực trong nội bộ dưới sức ép hay ảnh hưởng của Bắc Kinh. Thời Nguyễn Phú Trọng phụ thuộc Tàu thì có thể thời của ông Trần Quốc Vượng (nếu ông Vượng thay ông Trọng) vẫn bị tròng lên đầu cái vòng kim cô đó, ông Vượng không thể thoát.
Nếu Trần Quốc Vượng chỉ tiếp quản chức tổng bí thư, thì tham nhũng quyền lực sẽ yếu hơn, nhưng nếu ông Vượng tiếp nhận cả 2 chức ông Trọng để lại thì chắc chắn tham nhũng quyền lực còn kinh khủng hơn thời ông Trọng vì lúc này ông Vượng có đủ thời gian để tung hoành.
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 25/12/2020
***********************
David Brown, VNTB, 24/12/2020
Đây là thời điểm thích hơp để xem xét ý nghĩa nếu có của tất cả các cuộc họp kín và tuyên bố tự chúc mừng của các nhà lãnh đạo đảng khi Đảng cộng sản Việt Nam đang ở giai đoạn này của các nghi thức đổi mới. Cho dù chúng ta tưởng tượng vị trí của Việt Nam trên bức tranh địa chính trị rộng lớn của Đông Á hay suy ngẫm về quá trình cụ thể hơn trong việc hướng Việt Nam tới tương lai, liệu đồng chí Z thay vì đồng chí Y leo lên đỉnh cao nhất của đảng có ý nghĩa gì hay không ?
Thực ra là có. Tôi cố giải thích.
Điều gì đang xảy ra. Năm năm một lần, đại hội Đảng Cộng sản được tổ chức. Do đó, vào cuối tháng 1, hơn 1500 đại biểu sẽ được triệu tập tại Hà Nội, không phải để chọn lãnh đạo mới, mà là để ăn mừng thành công của đảng và phê chuẩn các nhà lãnh đạo đã được chọn cho họ.
Để chuẩn bị cho đại hội, một cơ quan ưu tú hơn, ủy ban trung ương gồm 200 uỷ viên, đã căng thẳng để chốt danh sách 19 ứng cử viên cho 19 ghế trong bộ chính trị (ban chấp hành đảng) và chọn ra những uỷ viên bộ chính trị nào sẽ được đưa vào bốn vị trí uy tín nhất : chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và hai công việc thực sự quan trọng, thủ tướng và tổng bí thư đảng.
Đó là một thói quen thể chế hóa sự luân chuyển thường xuyên và đáng kể về nhân sự ở cấp cao nhất.
Luôn bí mật, những người hy vọng và những người ủng hộ họ đã làm việc trong nhiều tháng. Báo chí Việt Nam hết lần này tới lần kahsc đưa tin, các quan chức ban bí thư đảng đã giải thích những loại đảng viên nào đủ tiêu chuẩn để làm lãnh đạo. Phiếu bầu chọng đã được thực hiện tại các cuộc họp của ủy ban trung ương vào tháng 10 và một lần nữa trong tháng này. Và cuối cùng, vào ngày 18 tháng 12, theo những rò rỉ đáng tin cậy, 24 cá nhân đã được chọn để ứng cử vào các ghế bộ chính trị. Mười trong số đó là những người đương nhiệm. Việc họ tái cử là chắc chắn. 14 ứng cử viên khác sẽ giành chín ghế.
Song song đó, một số người nắm giữ bộ chính trị đang tích cực tìm kiếm bốn lãnh đạo cao nhất.
Xếp hạng và lập hồ sơ các đảng viên và một số công dân bình thường đang chú ý theo dõi, phân tích những thông tin vụn vặt do các phương tiện truyền thông chính thức cung cấp và tìm hiểu những tin đồn đăng lên Facebook. Tuy nhiên, tất cả đều không rõ ràng đến mức nhiều người trong số 95 triệu công dân Việt Nam lại đang chú ý đến cuộc ẩu đả lộn xộn, rất công khai ở Mỹ nhiều hơn.
Ý nghĩa của nó. Ở Việt Nam cũng như các nơi khác, vấn đề là ai phụ trách. Các sự kiện trong năm năm qua cung cấp nhiều bằng chứng về điều đó.
Bước sang kỳ đại hội đảng trước (2016), Việt Nam là một nơi khá khác biệt trên các khía cạnh quan trọng. Khoảng cách giữa các cơ cấu đảng và chính phủ đang làm suy yếu sự phối hợp chính sách. Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng đang cưỡi trên làn sóng thịnh vượng. Ông tự cho mình là một người nói chuyện thẳng thắn, một nhà cải cách, phần nào bác bỏ giáo điều đảng phái, tiếp thu những ý tưởng mới và am hiểu các diễn đàn quốc tế. Ông Dũng nhắm đến việc thay thế Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.
Ông Trọng tập hợp một liên minh ‘ai cũng được đượcdtrừ Dũng’, đè bẹp đối thủ của mình, và thực hiện một chiến dịch bền vững chống lại tham nhũng thể chế đã nở rộ trong những năm ông Dũng làm thủ tướng. Ông Trọng cũng chủ trì một chiến dịch thanh lọc đảng nhằm loại bỏ "những kẻ cơ hội và sai trái". Trên cả hai mặt trận, các mục tiêu thường là các cộng sự của cựu thủ tướng.
Ông Dũng đã tương đối thoải mái với những chỉ trích trực tuyến và biểu tình tự phát. Ngược lại, Trọng dường như coi biểu tình là một mối đe dọa hiện hữu đối với chế độ.
Chính sách phát triển kinh tế và xã hội đã được điều hành tốt trong thời kỳ ông Trọng làm tổng bí thư. Cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai sẽ xanh hơn rất nhiều. Một kế hoạch toàn diện cho Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp câu trả lời cho biến đổi khí hậu và các căng thẳng khác đối với vùng nông nghiệp trù phú nhất của đất nước. Việt Nam hiện là thành viên của hai hiệp định thương mại khu vực (RCEP và CPTTP) và cách đây vài tháng, Hà Nội đã ký một hiệp định thương mại toàn diện với Liên minh châu Âu. Đầu tư nước ngoài đổ vào vì Việt Nam trở thành một địa điểm thuận lợi cho các ngành sản xuất ngày càng tinh vi. Và, với Covid-19, các dịch vụ y tế công cộng của Việt Nam đã hoạt động rất xuất sắc.
Chỉ có thể ghi nhận thành tựu cuối cùng (và chỉ một phần) cho hệ thống kiểm soát chính trị – xã hội lấy cảm hứng từ Liên Xô của Việt Nam. Phần còn lại là thành tích của đảng chỉ theo nghĩa là không giống như ông Dũng, người kế nhiệm của ông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không thách thức quyền lực tối cao của đảng. Ông Phúc đã nỗ lực rất nhiều trong việc giữ chân những người đồng cấp trong Bộ Chính trị và thu hút sự ủng hộ của họ vào những thời điểm quan trọng.
Tại sao điều đó lại quan trọng vào thời điểm này. Thủ tướng Phúc muốn kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, và theo cách không công khai mà các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản vận động, ông ta đã tấn công Việt Nam từ trên xuống dưới. Bây giờ quá ốm yếu để nghĩ đến việc tự ở lại, ông Trọng đang có ý định giao chức vụ của mình cho một người mà ông có thể tin tưởng để duy trì các chính sách đặc thù của ông, các chiến dịch chống tham nhũng và thanh lọc đảng, và để chặn lại những người dám có suy nghĩ lệch lạc. Tóm lại, ông Phúc không phải người ấy.
Gần cả năm nay, ông Trọng đã ép các đồng nghiệp gọi tên người kế nhiệm đáng tin cậy của ông trong chiến dịch chống tham nhũng, ông Trần Quốc Vượng khắch khổ và có vẻ giáo điều. Người ta nói rằng ông Vượng đã thua ông Phúc trong một cuộc bỏ phiếu bầu tại Hội nghị Trung ương vào tháng Mười.
Tuần này lại tràn ngập tin đồn. Điều đáng tin nhất là Trọng đã thuyết phục được chính ủy lực lượng vũ trang, Trung tướng Ngô Xuân Lịch, đứng ra chống lại ông Phúc thay cho Vượng. Một người khác nói rằng một thỏa thuận đã được đưa ra : Phúc sẽ giữ chức vụ thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, Vượng sẽ làm tổng bí thư, và Vương Đình Huệ sẽ không được bổ nhiệm làm thủ tướng mà thay vào đó sẽ đảm nhiệm một chức vụ khác là trưởng ban bí thư. Hãy chọn đi. Đối với tôi, tôi sẽ ủng hộ một người thực dụng hay cười, hiểu biết về chính sách hơn một người theo thuyết giáo điều.
Ngày 18 tháng 12, ủy ban trung ương lại hoãn. Truyền thông quốc gia được thông báo rằng ủy ban đã lên kế hoạch họp trong sáu ngày nhưng sau bốn ngày làm việc, ủy ban đã quyết định triệu tập lại tháng Giêng tới vào đêm trước đại hội đảng. Điều này cho thấy rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo của đảng tin rằng họ đã giải quyết được mọi việc. Tuy nhiên, như câu nói nổi tiếng của ông Trọng, đến rằm trăng mới tròn.
David Brown
Nguồn : VNTB, 24/12/2020
David Brown là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ chuyên về Việt Nam và là người cộng tác lâu năm với Asia Sentinel
Câu hỏi luôn quan trọng với chế độ đảng toàn trị, không những vì chức vụ tổng bí thư là người có quyền lực tuyệt đối trong chế độ hay nhân sự là công việc nội bộ của đảng, mà còn là vì việc chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo đang dần có những thay đổi sâu sắc trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Bài viết chỉ ra mặc dù các chuẩn mực được quy ước để hạn chế tha hoá quyền lực, nhưng sự chuyển giao quyền lực tổng bí thư luôn là vấn đề qua các kỳ đại hội Đảng, đặc biệt trước nhiệm kỳ 12. Chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng "không vùng cấm" theo hướng tập quyền cao hơn liệu có cải thiện sự chuyển giao quyền lực cho Đại hội 13 sắp tới hay không và thúc đẩy tiếp tục cải cách như thế nào vẫn là câu hỏi cần được làm rõ.
Reuters
Trong chế độ phong kiến, vua, chúa được nối ngôi theo huyết thống. Các triều đại vận hành theo chu kỳ thịnh suy, nhưng trong mỗi triều đại cách thức vẫn là "cha truyền con nối". Chế độ tư bản chủ nghĩa thay thế chế độ phong kiến bởi phương thức sản xuất tiến bộ hơn với động lực thị trường. Chế độ dân chủ với tam quyền phân lập được thiết lập trong các nước phát triển phương Tây và hầu hết các quốc gia mới nổi và đang phát triển cũng đang trong quá trình chuyển đổi dân chủ với các mức độ khác nhau.
Sau cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 mô hình Xô Viết với chế độ đảng cộng sản ra đời và tồn tại đến năm 1990. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sụp đổ. Các nước Trung Quốc, Việt Nam vẫn duy trì chế độ chính trị như vậy nhưng thực hiện chính sách "cải cách và mở cửa" để chuyển nền kinh tế sang thị trường. Về định hướng là "xã hội chủ nghĩa", nhưng về thực chất các chế độ này cũng không thể tránh được xu hướng chuyển đổi dân chủ. Đó chính là quá trình thể chế hoá chế độ.
Các lãnh tụ cách mạng, "thế hệ khai quốc công thần", thường nắm quyền bính suốt đời cho đến chết, Như I. Stalin ở Liên Xô cũ, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc… Nạn sùng bái cá nhân, tranh giành quyền lực đã xảy ra sau đó. Bởi vậy các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ lãnh đạo đảng dần được thiết lập, rõ ràng nhất là giới hạn nhiệm kỳ và độ tuổi đối với mỗi cấp lãnh đạo. Ngoài ra, vấn đề năng lực, kỹ trị, người tài cũng được chú trọng nhằm hạn chế tính bè phái vốn đóng một phần vai trò trong việc chuyển giao quyền lực.
Các chuẩn mực trong "công tác cán bộ" cần thiết để kiểm soát tha hoá quyền lực. Bởi vậy, việc phá vỡ hai nguyên tắc chuyển giao quyền lực nêu trên là nguyên nhân quan trọng gây nên sự mất ổn định thậm chí là "bất ổn" chế độ.
Quá trình chuyển giao quyền lực từ sau Đại hội "Đổi mới" năm 1986 đến trước Đại hội 11 năm 2011 được quan sát là tương đối "suôn sẻ". Sau khi cố Tổng bí thư Lê Duẩn, người cầm quyền nhiều năm nhất, qua đời, quá trình chuyển giao quyền lực dần theo chuẩn mực, trong đó nhấn mạnh tuổi và nhiệm kỳ. Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội 6 (1986-1991) đến Đại hội 11 khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nắm quyền nhiệm kỳ thứ nhất (2011-2016).
Có hai điểm mà các nhà phân tích chính trị lưu ý. Một là, có "trục trặc" ở Đại hội 8 khi cố Tổng bí thư Đỗ Mười nắm quyền tại Đại hội 7 (1991 -1996) và tiếp tục kéo dài hơn 1 năm, đến 12/1997 tại Đại hội 8 (1996- 2001), sau đó ông được thay thế bởi cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Sự "trục trặc" là trường hợp quá tuổi theo quy định và được giải thích để giữ ổn định khi "sàng lọc" người kế vị ; Hai là, nguyên tắc tập thể lãnh đạo với Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành trung ương là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định chức vụ Tổng bí thư.
"Kịch tính" chuyển giao quyền lực được quan sát là thời gian trước và trong Đại hội 12. Đảng nhận định "sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống của bộ phận không nhỏ lãnh đạo đảng viên" đe doạ sự tồn vong của chế độ. Nhà báo Huy Đức trên Facebook của mình đã khái quát về ba thế hệ lãnh đạo, rằng thế hệ các bậc "công thần khai chế độ" là những người có khát vọng, không "tủn mủn" vật chất và biết chuẩn bị một thế hệ kế tục "con đường" của mình ; Thế hệ "kế tục sự nghiệp" cầm quyền trong bối cảnh "Liên Xô sụp đổ", "khí chất kẻ sỹ" vẫn giúp họ đặt khát vọng dân tộc cao hơn lợi ích cá nhân, nhưng đã nhìn thấy "sự lầm than" chủ yếu vì "lỗi hệ thống" và "giáo điều" ; Thế hệ thứ ba cầm quyền vào thời điểm "quyền lực rất có màu", "tự tha hoá mình về mặt con người" và "làm vô hiệu các nỗ lực cải cách thể chế của những người tiền nhiệm".
Sự "gần gũi" với "thị trường" và thiếu cơ chế giám sát quyền lực khiến các nhà "kỹ trị", quan chức chính phủ trực tiếp điều hành chính sách đã dễ dàng bị cám dỗ bởi vật chất. Sự suy thoái của "một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên" là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ trong tập thể lãnh đạo, hình thành bè phái với một bên là "phe đảng", các nhà chính trị, hoạch định tư tưởng và đường lối.
Phá vỡ chuẩn mực chuyển giao quyền lực, "các trường hợp đặc biệt" được thoả thuận bởi nguyên tắc tập thể lãnh đạo, trong đó vị trí tổng bí thư cần phải được đề cử theo Quyết định 224/TW năm 2014 về quy chế bầu cử trong đảng, mà "ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử ; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị". Điều này đã giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ hai (2016-2020).
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Hình AFP
Ông Tổng bí thư tập trung chỉnh đốn nội bộ đảng và với tư cách Trưởng ban phòng chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng "không vùng cấm". Một Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay được tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội. Riêng từ đầu nhiệm đến nay, hơn 87.000 đảng viên trong tổng số hơn 131.000 bị kỷ luật, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng, và đáng chú ý là hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gồm 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng ; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị ; hơn 30 sĩ quan cấp tướng… bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Tuy nhiên, ngoài ông Đinh La Thăng đã bị kết án 30 năm tù vì vi phạm pháp luật, mới đây, "sự kiện" hai ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, hai nhà "kỹ trị", nguyên Phó thủ tướng và nguyên Thống đốc ngân hàng, đã bị kỷ luật "cảnh cáo" vì những vi phạm khuyết điểm từ nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011-2016) đặt dấu chấm hết cho "quan lộ" của họ theo Chỉ thị 35-CT/TW năm 2019, và đã làm dấy lên suy đoán rằng việc chuyển giao quyền lực tổng bí thư vẫn còn "khó khăn" với nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Các "trường hợp đặc biệt", đề cử tổng bí thư và cơ cấu dàn lãnh đạo mới… cũng vẫn cần sự đồng thuận của tập thể Bộ Chính trị hiện thời. Ý kiến cá nhân Tổng bí thư là quan trọng, nhưng việc cân bằng các yếu tố khác luôn được đặt ra. Có hai người được nói đến bao gồm :
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chính sách thúc đẩy động lực thị trường để tăng trưởng kinh tế đồng thời với cải cách thể chế, điều hành phòng, chống đại dịch COVID-19 thành công và vượt qua thảm hoạ bão lũ miền Trung vừa qua.
- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát, được kỳ vọng "đẩy lùi tham nhũng" trong nhiệm kỳ tới và đang đứng đầu danh sách "các trường hợp đặc biệt" quá tuổi để đề cử chức vụ tổng bí thư. Nhưng sự phân chia các vị trí quyền lực khác là cơ sở và "truyền thống" cho sự đồng thuận tập thể.
Hội nghị trung ương 14 được tổ chức hôm nay 14/12/2020, trước thềm Đại hội 13 liệu có là cuối cùng của nhiệm kỳ tuỳ thuộc vào sự đồng thuận theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo những nội dung quan trọng liên quan đến nhân sự cấp cao, trong đó việc "đề cử" chức vụ tổng bí thư. Hơn thế, câu hỏi lớn được đặt ra vì sao trong thời kỳ Đổi mới, qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, kể cả Đại hội 13 này, việc chuyển giao quyền lực vẫn luôn gặp khó khăn ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 14/12/2020
Diễm My, VNTB, 13/11/2020
Ấn Độ có một người đàn ông đã bỏ ra 30 năm trong đời chỉ để đi trồng cây. Một việc làm tự nguyện xuất phát từ việc thấy rắn chết khô trên lớp đất cát khô cằn. Ông Jadav Payeng, một mình đã trồng được 550 hecta rừng.
Nhờ ông Jadav Payeng, rừng Molai giờ đây có cả hổ Bengal, tê giác ấn, các loài bò sát, trên một trăm loài hươu, ngoài ra còn có rất nhiều thỏ, chim cư ngụ. Trong khu rừng trồng này có các loại cây như trâm bầu, bằng lăng, cây hoàng anh, phượng vĩ, cây hợp hoan, cây mán đỉa, cây gạo và rất nhiều tre.
Năm 2008 đã có một bầy voi rừng khoảng 100 con kéo về khu rừng này và mỗi năm chúng lại quay trở lại và ở lại đó khoảng 6 tháng. Cũng đã có 10 con voi con được sinh ra trong các khu rừng nhân tạo này.
Ông Jadav Payeng chỉ chăm chỉ trồng rừng từ lòng trắc ẩn cho loài rắn mà kết quả mang lại thật phi thường.
Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đã tiêu tốn hàng tỷ đô la cho các dự án trồng rừng để đạt chỉ tiêu phủ xanh đồi trọc bên cạnh phá cho bằng hết những rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên, cây bản địa nhưng kết quả lại thật thảm hại.
Các trận lũ lụt năm 1998 do mưa lớn và nạn phá rừng trầm trọng đã khiến hơn 4.000 người bị thiệt mạng ở miền nam Trung Quốc. Để giảm thiểu tai nạn tương tự như vậy, Trung Quốc đã đề ra chính sách trồng cây gây rừng đầy tham vọng nhằm giữ đất và cải tạo đất đai.
Thoạt nhìn thì chính sách này cũng có vẻ thành công. Đến năm 2013, Chương trình trồng cây xanh đại trà của Trung Quốc đã thuyết phục nông dân trồng hơn 69,2 triệu cây. Đến năm 2015, độ che phủ cây ở Trung Quốc đã tăng 32%.
Với mục đích tạo ra rừng phủ xanh Trung Quốc, hàng năm người dân Trung Quốc mọi tầng lớp hăng hái tham gia trồng rừng trong hàng chục năm qua với hàng tỷ cây xanh. Trung Quốc xem ra rất tự hào về thành công của chương trìng 1 tỷ cây xanh này. Nhưng những khu rừng trồng này lại được xem là những bước đi dục tốc bất đạt.
Các loại cây được chọn cho các rừng cây độc canh là những loại cây mau lớn để nhanh chóng đạt được độ phủ xanh, hay chọn lựa các loại cây ngoại lai không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cộng với việc thiếu kiến thức và trồng rừng, chăm sóc rừng và tham vọng quá lớn đã khiến cho các khu rừng trồng này dễ nhiễm bệnh và không đạt được sự đa dạng sinh học cần thiết.
Rất nhiều rừng độc canh như rừng keo, rừng bạch đàn, rừng tuyết tùng được trồng khắp nơi. Trồng rừng được cho là sự thành công bền vững thế nhưng trong rừng trồng lại không có chim cũng chẳng có ong.
Nghiên cứu các loài chim và ong – những chỉ số quan trọng của đa dạng sinh học – trên các vùng đất có rừng gần đây ở tỉnh Tứ Xuyên, nhà nghiên cứu Hua và các đồng nghiệp nhận thấy đất trồng trọt hỗ trợ đa dạng sinh học nhiều hơn là các cánh rừng thay thế.
Những khu rừng độc canh hầu như không có chim và ong, trong khi những khu rừng với một số vài loài cây thì tốt hơn một chút. Tuy nhiên, ong sinh sống ở vùng đất canh tác không phục hồi hơn là trong rừng, thậm chí là rừng hỗn giao mới trồng.
Số chim sinh trú trong rừng trồng cũng ít hơn từ 17 đến 61% so với rừng tự nhiên. Nguyên nhân có thể là do không có sự đa dạng về tài nguyên, thức ăn và nơi là tổ cho chim chóc.
Những khu rừng như vậy đã được gọi là "sa mạc xanh", tuy có kích thước ấn tượng, khả năng tạo ra khí oxy nhưng lại không thu hút được các loài động vật. Các chuyện gia Trung Quốc cũng đang e ngại rằng một số loài chim sẽ biến mất và không bao giờ quay trở lại.
Ông Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã biện hộ rằng : "Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng, các đồng chí xem ảnh kìa… Như vậy công tác trồng rừng ở nước ta rất tốt. Một số nơi phá rừng nhiều, chủ yếu ở Tây Nguyên vì bà con di cư vào nhiều, tìm nguồn phát triển kinh tế nên không kiểm soát được rừng. Nhưng có những vùng như Trung bộ, Đông bắc… bây giờ rừng phủ kín"
Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trong 20 năm qua rừng tự nhiên ở Việt Nam đã tăng thêm 1,3 triệu héc ta.
Ông Bộ trưởng cũng đã thừa nhận rằng : "Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt".
Trồng nhiều rừng như vậy nhưng sao lại vẫn còn 30% rừng nghèo kiệt, 50% rừng trung bình, trong số đó không biết có bao nhiêu là rừng cây cao su, cà phê và cây tiêu.
Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng) cho biết rừng cao su, cà phê không có thảm thực vật, trong khi đối với rừng, thứ con người cần nhất là thảm thực vật để giữ nước và chống sạt lở, chứ không phải bóng mát hay gỗ.
Vậy thì chẳng lẽ cả Phó Thủ tướng lẫn bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lại không hay biết gì về các nghiên cứu, khuyến cáo hay đề nghị của các nhà chuyên môn mà chỉ biết chỉ đạo trồng rừng phủ xanh như kiểu Trung Quốc. Lấy số lượng để đè bẹp chất lượng cho đến khi vỡ lở ra mới biết rằng "Tính cả rừng cao su, cà phê, tiêu vào tỉ lệ che phủ rừng thì việc xảy ra lũ lớn, lũ quét… như thời gian qua chính là một bài học" ?
Tất cả những báo cáo chỉ cho thấy bà con đã sống được từ rừng trồng ra sao, thu nhập cao như thế nào. Thậm chí có nơi còn phá cả rừng tự nhiên để biến thành rừng trồng để có thu nhập. Nhưng cứ nhìn vào những hình ảnh rừng trồng có thể thấy những rừng cây độc canh như keo, bạch đàn… mà không hề có thảm thực vật.
Đã có ban bệ nào đi xác định xem có con chim hay con ong nào sống được trong những khu rừng trồng này ? Hay chỉ đến khi Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho biết "không có một con gì sống được" ở trong rừng cao su đó thì mới vỡ lẽ rằng rừng trồng chỉ là trồng cho có ?
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết "Quốc hội yêu cầu tới đây rừng tự nhiên phải có chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, tăng hơn nữa định mức để người dân tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng để bảo đảm rừng ngày càng bảo đảm bộ giàu về sinh học và trữ lượng rừng phải tăng lên. Đối với rừng trồng cũng phải thay đổi bằng kết cấu cây trồng lâu năm, cơ cấu cây trồng hài hòa, đặc biệt chú ý các cây trồng bản địa".
Có nghĩa là Quốc hội đã biết được những sai lầm trồng rừng trên cả nước. Câu hỏi đặt ra là phải làm gì để khắc phục tình trạng này ?
Đơn giản có thể bắt đầu từ việc trồng cây trung thực chứ không phải trồng cây để làm quay phim, chụp hình lưu niệm như mỗi độ xuân về. Lãnh đạo các cấp ở Việt Nam thường hô hào tết trồng cây mỗi đầu năm, mỗi khi lãnh đạo cấp cao đi thăm một đơn vị quan trọng nào đó thì cũng có hoạt động trồng cây. Thế nhưng những cây mà họ trồng là cây gì ?
Hãy điểm qua các hình ảnh quan chức trồng cây trên mạng internet sẽ thấy khoảng dăm bảy chục người đứng quanh vài ba vị lãnh đạo áo quần là lượt, cầm trên những cây cuốc xẻng và gàu tưới nước mới tinh. Họ ra sức tưới và xúc đất đổ vào những gốc cây dễ có đến ít ra cả chục năm tuổi hay hơn đã có sẵn ở đó từ bao giờ. Vậy là xong cái lễ "trồng cây" dối.
Hãy ngưng việc trồng cây độc canh, hãy ngưng giao rừng để làm giàu mà hãy nghĩ đến một tương lai xa hơn, bắt đầu từ việc làm xuất phát từ trái tim nhân hậu, chứ đừng khoác lác nữa.
Các vị lãnh đạo cũng hãy tự nhìn thẳng vào kết quả của những cánh rừng trồng trong hàng chục năm qua để dũng cảm thừa nhận sai lầm và đưa ra kế sách trồng rừng trước khi quá muộn.
Ông Phó thủ tướng bảo các đồng chí hãy xem ảnh kia, rừng của mình còn nhiều lắm …
Vâng tôi cũng xem ảnh ông Phó thủ tướng ạ.
Tôi chỉ thấy rừng đã bị vạt sạch trên google maps ở vô số vùng đất trên khắp cõi Việt Nam.
Tôi thấy ảnh dân tôi ngụp lặn trong mưa lũ. Tôi thấy ảnh dân tôi bị đất lở vùi chết sống tức tưởi. Tôi thấy ảnh những khu rừng trồng không có lấy một cọng cỏ. Tôi thấy những gốc cây ứa nhựa uất ức.
Hãy trả lại rừng cho thế hệ con cháu mai sau… Tôi muốn nhìn thấy ảnh chim chóc, muôn thú sinh sôi nảy nở trong các cánh rừng trồng.
Diễm My
Nguồn : VNTB, 13/11/2020
**************************
RFA, 12/11/2020
Với mục tiêu đề ra tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6%, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ các chương trình đề ra, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Gạo xuất khẩu của Việt Nam.- AFP
Quốc hội Việt Nam đồng thời yêu cầu tất cả bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh. Đặc biệt, cần phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine và có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch Covid-19 sớm nhất.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2020 của Chính phủ, diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Hà Nội chú trọng đạt mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế". Tuy nhiên, mức độ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 được thảo luận tại phiên họp này là phải điều chỉnh theo 3 kịch bản tương ứng lần lượt 3%, 4% và 1,5%, thay mục tiêu ban đầu được đề ra là hơn 6%.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đã có gần 69 ngàn doanh nghiệp đóng cửa và ngừng hoạt động, vì Covid-19 trong 8 tháng đầu năm 2020. Và số người lao động bị tác động bởi dịch bệnh này lên đến 32 triệu người. Đây là con số thất nghiệp kỷ lục tại Việt Nam, tăng cao nhất trong một thập niên qua.
Đại diện Công ty TNHH Thái An, một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, vào tối ngày 12/11 chia sẻ với RFA :
"Xu thế giá cả xuống thấp so với những năm trước đây. Sản phẩm thì khó tiêu thụ. Trong lĩnh vực công nghiệp thì khó khăn nhiều lắm. Tôi làm về sản phẩm hữu cơ thì cũng được thuận lợi và hoạt động bình thường. Nhưng nói chung, doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng bị khó khăn về vốn. Và hiệu ứng domino ngã theo tình hình chung hết".
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý thuộc một công ty tư nhân kinh doanh đa ngành nghề, có trụ sở chính tại Sài Gòn, cho RFA biết công ty bị gặp khó khăn rất nhiều và buộc phải nợ lương nhân viên trong nhiều tháng.
Bà Ba cho rằng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 không thể lạc quan được và trước mắt trong Quý I/2021 vẫn chưa thể vực dậy nỗi.
"Nói chung là không thể dự đoán được, tại vì tình hình này giống như bàn cờ domino vậy, 1 quân cờ ngã là ngã hết. Nếu như tất cả các nước trên thế giới đang bị dịch, không mở cửa và nếu như năm sau mà dịch Covid-19 vẫn chưa hết thì sao ? Trong nội địa, chỉ trong tháng 10 mà có 5-6 cơn bão tới thì thủy hải sản cũng không đánh bắt được. Nông nghiệp cũng không phát triển được. Du lịch cũng không triển khai được. Người trồng cà phê, tiêu mà không bán được thì lấy đâu ra tiền để đi du lịch ? Doanh nghiệp nợ lương thì mùa hè, nhân viên làm gì có tiền để đi chơi ở đâu ? Mở cửa cho khách du lịch nước ngoài vào thì chấp nhận đối đầu dịch Covid-19 tiếp hay sao ? Nói chung, nếu qua năm sau mà kinh tế vực dậy được thì bằng cách nào ? Bằng niềm tin thôi, chứ thực tế thì không ai dám chắc điều gì hết".
Đài RFA ghi nhận giới doanh nghiệp trong nước phản ánh gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới-World Bank (WB) ghi nhận kinh tế Việt Nam, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, nhưng vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.
Trong một báo cáo công bố vào cuối tháng 7, WB đánh giá mức tăng trưởng kinh tế dự báo 2,8% của Việt Nam trong năm 2020, được xếp hạng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 thế giới.
WB đưa ra 2 kịch bản đối với mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tùy vào tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi trong ngắn hạn như thế nào. Trong trường hợp thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Còn ngược lại, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Chuyên gia tài chính-kinh tế độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 mà Quốc hội Việt Nam đề ra sẽ có thể khả thi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và còn tùy thuộc tình hình chính trị và kinh tế thế giới lấy lại đà phục hồi trong năm tới.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích có hai vấn đề quan trọng mà Việt Nam phải đối diện :
"Thứ nhất, nếu dịch Covid-19 trên thế giới trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng tới và trong năm 2021 cũng chưa kiểm soát được dịch bệnh, mà nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 lại gần gấp đôi GDP. Thành ra, Việt Nam lệ thuộc vào thế giới mà thế giới lao đao thì chắc chắn sẽ tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, GDP của Việt Nam sẽ bị tác động".
Vấn đề thứ hai, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, là còn tùy vào tình hình chính trị tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp Mỹ bị khủng hoảng chính trị thì hậu quả là kinh tế bị khủng hoảng theo. Sự khủng hoảng đó sẽ tác động đến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam, bởi do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, nhà quan sát tình hình Việt Nam-tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu lên nhận định của ông với RFA rằng :
"Không thể nói là lạc quan vì cơ sở của nó là không rõ. Hồi năm 2019, họ đặt ra chỉ tiêu cho năm 2020 là 6,7%. Thế nhưng do Covid-19 thì xóa hết chỉ tiêu đó và đặt ra con số đạt đến 3%. Con số này thì không ai tin được. Trên cơ sở này sang năm thì người ta giả định tình trạng bình thường mới, tức là vẫn còn dịch bệnh thì làm sao mà đạt được 6% ?"
Mọi dự báo đều mang tính tương đối ngay cả khi thực tế không có nhiều biến động và diễn tiến thuận lợi. Trong khi đó tình hình thế giới hiện nay còn nhiều chuyển biến ngoài khả năng kiểm soát của các quốc gia.
Nguồn : RFA, 12/11/2020
************************
BBC, 10/11/2020
Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 10/11, trước câu hỏi của một số đại biểu về 'mục tiêu kép', Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nói đó là việc giữ không để dịch Covid-19 lây lan trong khi đảm bảo không tăng trưởng âm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 10/11/2020
Ông Phúc nhấn mạnh rằng trong nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, thu nhập đầu người bình quân của Việt Nam tăng gần 145%, tương đương gần 9000 đôla theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.
"Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%. Nhìn trên tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới so sánh mức sống với các nước trên thế giới, thu nhập của người dân chúng ta đã tương đương gần 9.000 đô-la (tính theo ngang bằng sức mua)".
Vẫn trích nguồn từ Ngân hàng Thế giới, ông Phúc nói rằng lớp trung lưu của Việt Nam hiện nay xấp xỉ dân số của một số quốc gia trong nhóm "4 con hổ Châu Á" cộng lại. Và đến năm 2045 thì tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ chiếm trên 50% dân số - tức tương đương dân số của Hàn Quốc.
Ông Phúc cũng trình bày báo cáo về kết quả đạt được trong các lĩnh vực trong năm 2020.
Trong đó ông cho hay Việt Nam được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, theo tạp chí The Economist tháng 8/2020. Còn theo Ngân hàng Thế giới thì VIệt Nam nằm trong top 10.
Riêng năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở mức khá, dù phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, thiên tai…
Kết quả là trong nâm năm vừa qua, Việt Nam đã tạo ra hơn 1200 tỷ đôla GDP trên nền tảng 'kinh tế vĩ mô ổn định'.
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế suy thoái nhưng Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá, có địa phương đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhấn mạnh rằng những thành tựu đạt được là do nỗ lực 'bằng cả trái tim và khối óc', nhưng ông Phúc cũng nói 'trăn trở' vì vẫn còn cảnh trẻ phải đu dây vượt sông tới trường, chèo thuyền đi học.
Theo số liệu ông Phúc đưa ra, trong năm 2012, nếu Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6% thì sẽ thu được 1,34 triệu tỉ đồng, giảm 170.000 tỉ đồng so với 2020.
Về giải pháp bố trí ngân sách cho đầu tư, phát triển khi mức tăng trưởng và nguồn thu ngân sách giảm, ông Phúc yêu cầu phải tiết kiệm chi ngân sách, nhất là những việc không cần thiết như họp hành, tiếp khách… Cương quyết đảm bảo bội chi ngân sách không vượt quá 4%.
Vẫn liên quan đến vấn đề 'mục tiêu kép', ông Phúc đề cập đến vaccine, nói cần phải 'quan tâm hơn' để chủ động chống dịch.
Ông cho rằng Việt Nam đã kiểm soát được sự lây lan của dịch và giảm thiểu tác hại của Covid-19, cho thấy 'tính ưu việt của hệ thống y tế công lập nước ta'.
Tuy nhiên ông cho rằng cần hạn chế thương mại hóa ngành y tế một cách quá mức như hiện nay. Đồng thời hứa cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, "nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí vaccine cao" vượt khả năng chi trả của người dân.
Ông Phúc đồng thời nhấn mạnh việc tăng trưởng kinh tế không tiếp xúc, kêu gọi đẩy mạnh làm y tế, giáo dục, du lịch online...
Việc đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sau nhiều năm 'đắp chiếu' và khởi công một số hạng mục của sân bay Long Thành cũng được ông Phúc nhắc tới như một trong các giải pháp tăng cường rải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA để tạo việc làm, đẩy nhanh đầu tư các hạng mục trọng điểm.
Đề cập đến các cơn bão vừa qua gây lũ lụt, thiệt hại nặng về người và tài sản ở nhiều tỉnh miền Trung, ông Phúc nói ông 'bàng hoàng' khi thấy nhiều thi thể trẻ em được đưa ra khỏi các vụ sạt lở núi ở Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam) vừa qua.
Ông Phúc nói nguyên nhân còn gây tranh cãi, trong đó có nguyên nhân do con người và thủy điện nhỏ.
Để khắc phục ,Thủ tướng Phúc hứa sẽ cho trồng hơn một tỷ cây xanh để phủ rừng và đô thị trong năm năm tới.
Về vấn đề này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà hôm 6/11, nữ đại biểu trẻ của Gia Lai, bà Ksor H'Bơ Khăp, đã gay gắt phản biện khi ông này nói lũ lụt vừa qua là do đứt gãy địa chất.
Bà Ksor H'Bơ Khăp yêu cầu phải xem lại thủy điện nhỏ để hạn chế chặt phá rừng, đồng thời phủ nhận việc cho rằng diện tích che phủ rừng Việt Nam đang tăng lên. Bởi nhìn trên ảnh vệ tinh, rõ ràng độ che phủ rừng của Việt Nam kém hẳn Lào và Campuchia. Trong khi đó, các rừng như rừng cây cao su không thể tính là rừng tự nhiên, vì chúng độc hại, ăn mòn dinh dưỡng của đất, chứ không có tác dụng lá phổi điều hòa không khí và hệ sinh thái như rừng tự nhiên.
Về vấn đề văn hóa từ chức, cũng được chính đại biểu Ksor H'Bơ Khăp chất vấn hôm 6/11 và một số đại biểu khác nêu hôm 10/11, ông Phúc nói đã có luật quy định. Những cán bộ lãnh đạo không đủ năng lực, thì "được thôi nhiệm vụ", hoặc "chủ động xin thôi nhiệm vụ". Nhưng để thành 'văn hóa' thì cần "phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, lãnh đạo".
Nguồn : BBC, 10/11/2020
********************
Chờ xem Tổng bí thư và Thủ tướng nói thiệt hay nói… chơi !
Trân Văn, VOA 10/11/2020
- Tháng 6 năm 2015, khi tham dựĐại hội Đại biểu toàn quốc của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam(VUSTA), ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam (nay kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch nước), kêu gọi :Các nhà khoa học cần nỗ lực, phấn đấu hơn nữa cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đó cũng là lý do ông Trọng đề nghị VUSTA phảitập hợp đội ngũ tham mưu cho đảng và nhà nước, thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển đất nước (1).
Phát biểu trước Đại hội VUSTA tháng 6/2015, ông Nguyễn Phú Trọng nói đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
- Tháng 12 năm 2019, trước khi tuyên bố bế mạc Hội nghị giữa chính phủ với chính quyền các địa phương, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, nhấn mạnh : Chính phủ phải tiếp thu "bốn bài học, năm nhiệm vụ" mà Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu. Không ngừng đổi mới tư duy xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật. Giải phóng mọi năng lực sản xuất. Đồng thời không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế… Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội (2).
- Tháng 8 năm 2015, Hội nghị thành lậpLiên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (Vietnam Non-Commuincable Diseases Prevention and Control Alliance - NCDs-VN)diễn ra tại Hà Nội.NCDs-VN là thành viên của NCDs toàn cầu và việc ra đời củaNCDs-VN được quảng bá là bước tiến quan trọng mà tổ chức xã hội dân sự đã làm nhằm hỗ trợ chính phủ trong lĩnh vực y tế.Tại hội nghị vừa kể, các tổ chức xã hội dân sự tham giaNCDs-VN cùng soạn - giới thiệu Kế hoạch hành động, Quy chế hoạt động có đại diện quốc hội, chính phủ, Ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) góp ý (3).
Phải giới thiệu như thế để thấyNCDs-VN là của "ta", không phải của "địch" và NCDs-VN hội đủ các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng sự mong mỏi, đề nghị của Tổng bí thư - Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng về tham mưu, phản biện, bảo vệ môi trường…
***
16 hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học và ba cá nhân thuộcNCDs-VN vừa gửi một kiến nghị cho tập thể lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,đề nghị hoãn phiên họp thông qua Dự luật Bảo vệ môi trường mới (Dự luật Môi trường) mà theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 11, khi Quốc hội Việt Nam Khóa 14 họp kỳ thứ 10... Trong trường hợp, phiên họp vẫn diễn ra theo lịch,NCDs-VN đề nghị các đại biểu Quốc hội hành động để ngăn chặn nguy cơ môi trường thoái hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe toàn dân, sức khỏe môi trường sinh thái, đe dọa phát triển bền vững.
NCDs-VN nhận định : Dự luật Môi trường thiếu logic trong cấu trúc, không rõ ràng về tầm nhìn và mục tiêu phát triển môi trường bền vững. Không cụ thể những điểm có thể và phải cụ thể về quyền và trách nhiệm của mỗi chủ thể trong bảo vệ môi trường,
NCDs-VN nhấn mạnh sự lo ngại đặc biệt khinội dung thể hiện vai trò của cộng đồng trong dự luật rất yếu, thiếu minh bạch, gây chồng chéo và khó buộc các tổ chức nhà nước giải trình trách nhiệm trong tổ chức đánh giá tác động môi trường từ các dự án can thiệp cộng đồng. Không luật hóa vai trò giám sát và phản biện độc lập của các tổ chức khoa học ngoài Bộ Tài nguyên và môi trường.
Nguyên tắc bồi hoàn tổn hại môi trường của người gây ô nhiễm không được luật hóa rõ ràng như chiến lược căn bản phòng ngừa hành vi xâm hại môi trường. Hoàn toàn không thể hiện nguyên lý bảo vệ môi trường, an toàn môi sinh cho các chủ thể con người - động, thực vật có trong môi trường trong chiến lược lồng ghép - hiệp đồng "Một sức khoẻ" đã được đưa vào chương trình của Bộ Tài nguyên và môi trường cách nay hơn một thập kỷ.
Dự luật Môi trường không làm rõ được cơ chế xử lý việc cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và môi trường không hoàn thành trách nhiệm tuân thủ các chiến lược bảo đảm sự ổn định phát triển của hệ thống môi trường sinh thái trước những dự án can thiệp môi trường.
Đây có lẽ là lần đầu tiên, một liên minh nhiều hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học, cá nhân đề nghị tập thể lãnh đạo cao nhất của nhà nước đánh giá và loại ngay ra khỏi hệ thống lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tư Pháp, Vụ Pháp luật - Văn phòng chính phủ, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội những nhân sự yếu kém về đạo đức công vụ đã tạo ra Báo cáo số 599 /BC-UBTVQH14 (22/10/2020) "Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự luật Môi trường", bởi đó là đầu mối che đậy những thủ đoạn tinh vi, tạo ra một dự luật không tuân thủ nguyên lý làm luật môi trường cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
NCDs-VN giới thiệu chín nguyên lý cơ bản cho luật môi trường trong thế kỷ 21 :Minh bạch và giải trình trách nhiệm (the accountability and transparency principle). Cảnh giác an toàn là tiêu chí hàng đầu (the precautionary principle). Dự phòng xuyên suốt (prevention principles). Người gây ô nhiễm phải bổi hoàn tổn hại môi trường ("the Polluter Pays" principle). Lồng ghép, tích hợp, đồng bộ hóa (the integration principle). Phát triển bền vững (the environmental sustainability principle). Tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia (the public participation principle). Trách nhiệm xuyên biên giới(cross-border responsibility principle). Công bằng và sòng phẳng trách nhiệm của thế hệ trước với thế hệ sau(equity and equality principle).
NCDs-VN cũng nhắc lại Chương trình "Một sức khỏe" (phối hợp, lồng ghép chăm sóc và bảo vệ giữa sức khỏe con người - sức khỏe động vật - sức khỏe môi trường) mà các bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường, Y tế khởi động từ 2005, với sự hỗ trợ của USAID, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc (UNDP, UNEF, WHO…) và sự tham gia đông đảo của các tổ chức phi chính phủ cả trong lẫn ngoài Việt Nam để từ đó kêu gọicác đại biểu Quốc hội phê phán những vi phạm nặng nề cả về khoa học, đạo đức tồn tại trong cấu trúc và nội dung của dự thảo hiện nay.
Đối chiếu dự thảo hiện nay vớichín nguyên lý cơ bản cho luật môi trường trong thế kỷ 21 và Chương trình "Một sức khỏe" sẽ thấy đề nghị của NCDs-VN -,loại bỏ những nhân sự kém phẩm chất mới bảo đảm dự thảo trình Quốc hội trong kỳ họp tới (5/2021) tuân thủ các nguyên lý khoa học môi trường sinh thái và phát triển bền vững, làm cơ sở pháp lý cho toàn xã hội hợp tác giải quyết tốt những thử thách thực tế đang gây thoái hóa nghiêm trọng môi trường tự nhiên của Việt Nam - là đáng ngẫm.
***
Ngày mai (11/11/2020) Quốc hội có hoãn phiên họp thông qua Dự luật Môi trường ? Những đề nghị củaNCDs-VN có được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam quan tâm và Dự luật Môi trường hiện nay sẽ phải soạn lại hay vẫn được nhất trí biến thành luật ? Liệu những cá nhân liên quan đến việc bất chấp nguyên lý, thực tế, nguyện vọng của cả giới chuyên môn về môi trường, sinh thái lẫn dân chúng, soạn một bộ luật khiếnNCDs-VN phải phản ứng quyết liệt như thế sẽ bị loại bỏ hay vẫn yên vị ?
Không ai biết ! Thôi thì ráng chờ thêm một khoảng thời gian rất ngắn nữa để có thêm cơ sở xác định, những điều ông Trọng, ông Phúc thường xuyên lặp đi, lặp lại vềtrí thức, tham mưu, phản biện, môi trường, phát triển bền vững là thiệt hay… nói cho vui.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/11/2020
Chú thích
(4) https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10219249537004226
Một giải pháp giữ ổn định ?
Các nhà quan sát chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC suy nghĩ về việc liệu có nên giữ "trường hợp đặc biệt" trên tuổi 65 tiếp tục ở lại trong Bộ Chính trị khóa 13.
Trong Bộ Chính trị hiện nay, có 7 người đã từ tuổi 66 trở lên, như các ông bà : Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng
Thông thường, trong chính trị Việt Nam, các ủy viên Bộ Chính trị quá 65 tuổi, để được tiếp tục ở lại, cần sự giới thiệu và đồng ý của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Trong Bộ Chính trị hiện nay, có 7 người đã từ tuổi 66 trở lên, là các ông bà : Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thiện Nhân, và Ngô Xuân Lịch.
Các nguồn tin đến nay cho BBC biết Hội nghị Trung ương 12 mới nhất trong tháng 5 vẫn chưa bàn về có bao nhiêu "trường hợp đặc biệt" trong Bộ Chính trị có thể ở lại khóa 13.
Trước đó, chia sẻ với BBC ngày 27/6, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, nói nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở lại, đó sẽ là điều tốt.
"Trên quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các ứng viên khác nếu có trong trường hợp tiêu chí du di, linh hoạt về tuổi tác được áp dụng ở Đại hội 13, thì ông cũng xứng đáng thôi và ông cũng có thể đại diện cho những trường hợp khác 'cùng lứa' tuổi cao mà được lưu lại thêm".
'Không nên du di tuổi tác'
Mới nhất, trong chương trình thảo luận thứ Năm của BBC ngày 28/5, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, bộ môn Trung Quốc học, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy không nên có việc "du di tuổi tác".
"Không nên du di tuổi tác. Về Trung Quốc, tôi thấy dù lãnh đạo họ có giỏi thế nào, hết nhiệm kỳ họ vẫn phải thôi, cho thế hệ khác làm".
"Nếu xuất sắc, họ vẫn có thể làm cố vấn, trợ giúp lãnh đạo".
"Hiện tương du di của Việt Nam, theo tôi là không nên mà nên chuyển giao thế hệ, tìm nhân sự phù hợp sự phát triển của Việt Nam".
'Nhân sự rất hệ trọng cho Việt Nam'
Còn Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, từ Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, nói mặc dù ông đồng tình về nguyên tắc "tre già măng mọc", nhưng bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay vẫn cần có sự linh hoạt.
"Nhân sự rất hệ trọng cho Việt Nam. Nếu còn có đảng viên lãnh đạo trong sạch, trí tuệ, thì đất nước có hy vọng".
"Một khuynh hướng lựa chọn lãnh đạo, như ông Nguyễn Phú Trọng đề cập, là phải lựa chọn người có đức có tài, trong sạch, không nhà cửa, tài sản lớn".
"Nhưng dư luận thường nói nhìn vị nào cũng thấy tài sản lớn, thế chọn ai ? Bây giờ tiêu chuẩn chọn Tổng bí thư như Bộ Chính trị đề ra, với các tiêu chuẩn như trong sạch, đoàn kết các nhân tố trong ngoài đảng, thì tôi mạo muội nói rằng hình như chỉ còn ông Trọng đủ đáp ứng".
Ông Hoàng Ngọc Giao nói ông tin rằng đa số dân chúng ở Việt Nam vẫn ủng hộ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng "mặc dù chống tham nhũng vẫn đang nhiều khó khăn".
"Để ổn định cho những bước tiếp theo, có lẽ vẫn cần một người cầm trịch, đủ uy tín trong dân, trong sạch, không vương vấn nhóm lợi ích, thì tôi nghĩ chỉ có ông Trọng".
"Không nhất thiết phải quá bao nhiêu tuổi, như Donald Trump đã 73 tuổi rồi. Quan trọng là có người chèo lái ít nhất giữ ổn định, để lựa chọn đội ngũ cán bộ trong sạch, tâm huyết, để tiến hành cải cách tiếp theo, như thế có lẽ tạm ổn".
Khó có việc "nhiều hơn một người" quá 65 tuổi
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), cho rằng sẽ khó có việc "nhiều hơn một người" quá 65 tuổi trong Bộ Chính trị được ở lại tiếp.
"Tiêu chuẩn mà Đảng cộng sản đặt ra, tôi thấy có mấy điểm quan trọng. Ví dụ, có cơ cấu, có vấn đề tuổi tác, để từ đó ra một cái khung cho một, hai hội nghị trung ương tiếp theo bàn tiếp".
"Họ bàn tiếp hội nghị 13, chưa xong thì 14, nên cũng chưa cần vội. Nhưng khả năng nhiều hơn một người ở trường hợp đặc biệt, khó".
Hôm 27/5, tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương đột xuất để thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 12, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Ban Chấp hành TƯ đã thống nhất trình Đại hội 13 số lượng khoảng 200 Ủy viên Trung ương, trong đó khoảng 180 chính thức và 20 dự khuyết.
Theo ông tiết lộ, ở khóa 13, dự kiến Ủy viên Bộ Chính trị sẽ giữ như khóa 12, từ 17 - 19 người, Ban Bí thư từ 12 - 13 người.
Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 sẽ có 3 độ tuổi, số Ủy viên Trung ương dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15 - 20%, từ 50-60 tuổi có khoảng 70%, từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%.
Nguồn : BBC, 28/05/2020