Trần Quốc Vượng : chính trị gia kín tiếng
Triệu Tử Long, VNTB, 26/12/2020
Trong số chính khách Đảng thì quả tình ông Trần Quốc Vượng khá kiệm lời, kín tiếng.
Nguyễn Phú Trọng đang cầm tay chỉ việc cho Trần Quốc Vượng
Hôm 4/11/2019, trong một bài viết đăng trên VOA, tác giả Phạm Chí Dũng có đoạn kết như sau về chính khách Trần Quốc Vượng : "Nhưng như thói đời kiêm thói đảng, càng lên cao càng dễ bị thị phi và cả ‘đâm dao sau lưng’. Từ năm 2018, cái tên Trần Quốc Vượng bắt đầu xuất hiện trong vài bài viết trên mạng xã hội và những bài viết đả kích ấy kéo dài cho đến nay với tần suất ngày càng dày hơn.
Chỉ có điều, Trần Quốc Vượng vẫn có thể tự an ủi mình : dù sao tên ông ta không rơi vào lời sấm Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt ; Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong" – mà đã cồn lên như sóng thần biển khơi sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang trên ghế chủ tịch nước vào tháng 9 năm 2018" (1).
Ở bài báo nói trên, tác giả Phạm Chí Dũng nhận định ông Trần Quốc Vượng – nhân vật có quyền lực đứng thứ hai trong đảng sẽ là tân tổng bí thư khi ông Nguyễn Phú Trọng rời chính trường.
Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, ở Thái Bình. Ông Vượng có bằng thạc sĩ Luật và từng giữ các chức vụ cao cấp từ năm 2006 đến nay, bao gồm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Ông Trần Quốc Vượng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư hồi năm 2013 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI.
Nhà báo Phạm Chí Dũng từng nhìn nhận rằng "Không phải là cá nhân Trần Quốc Vượng mà là tính chất của ban chuyên môn, đó là Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng của Việt Nam được đánh giá tương tự với Uỷ ban kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc.
Ông Trọng có thể nói là người rất được khích lệ bởi chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của ông Tập Cận Bình. Ông đã chọn Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Việt Nam như một ban chuyên môn và một cánh tay phải đắc lực để giúp Tổng Bí thư như Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc là cánh tay mặt của Tập Cận Bình.
Vô tình ông Trần Quốc Vượng rơi vào điểm nhấn của lịch sử trong triều đại Đảng Cộng sản Việt Nam".
Ngay ở thời điểm đó tháng 3-2018, nhà báo Phạm Chí Dũng đã nhận định, "Việc bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng mang hàm ý ông Trần Quốc Vượng chính thức trở thành ứng cử viên cho chức Tổng Bí thư".
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, người đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore, nói trong một bài phân tích : "Quan trọng hơn, nếu xét chiến dịch chống tham nhũng cấp cao dưới sự lãnh đạo của ông Trọng và việc Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ chống tham nhũng, rất có khả năng ông Trọng muốn người kế nhiệm sẽ duy trì di sản của mình và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông Vượng, người từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, có thể được coi là đáp ứng nhiều điều kiện hơn để thay thế ông Trọng. Với việc ông Trọng đang nắm quyền kiểm soát ở mức cao đối với hoạt động của Đảng, đặc biệt là trong vấn đề nhân sự, ông Trọng sẽ là người có tiếng nói quyết định đối với việc lựa chọn người kế nhiệm mình. Như vậy, ứng viên nào được ông hậu thuẫn sẽ có cơ hội thắng cử cao hơn", ông Lê Hồng Hiệp nhận định.
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng đã đưa nhận định được nhiều tờ báo đăng công khai : "Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi" (2).
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 26/12/2020
Chú thích :
(1)https://www.voatiengviet.com/a/tran-quoc-vuong-bat-dau-xuat-canh/5151785.html
***************************
Tổng Bí thư muốn có người kế nhiệm cứng rắn với tham nhũng
Tomoya Onishi, VNTB, 26/12/2020
Quyết định của Tổng bí thư tại đại hội tháng Giêng tập trung vào các ứng cử viên đanh cạnh tranh nhau.
HÀ NỘI – Còn một tháng nữa mới đến ngày khai mạc Đại hội đảng toàn quốc, ngày càng có nhiều đồn đoán về số phận của nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.
Truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư rằng đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần, dự kiến được tổ chức bắt đầu từ ngày 25 tháng 1 để công bố lãnh đạo mới và các mục tiêu kinh tế trong 5 năm tới.
Tương lai của Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam 76 tuổi và cũng là chủ tịch nước đang được theo dõi chặt chẽ. Nhiều người cho rằng ông Trọng sẽ từ chức vì tuổi cao và sức khỏe kém. Truyền thông nước ngoài đưa tin ông Trọng đã bị đột quỵ vào năm 2019.
Điều lệ Đảng cũng quy định rằng vị trí tổng bí thư chỉ có thể do cùng một người nắm giữ trong tối đa hai nhiệm kỳ và ông Trọng hiện đang ở nhiệm kỳ thứ hai.
Suy đoán về số phận của ông Trọng tăng nhanh sau Hội nghị Trung ương 14 bế mạc vào ngày 18 tháng 12. Người ta nói rằng trong cuộc họp ông Trọng không được giới thiệu làm ứng cử viên cho Bộ Chính trị khóa tới – ban chấp hành đảng bộ. Bất kỳ lãnh đạo đảng nào trước hết phải có một ghế trong Bộ Chính trị.
Hai người được cho là ưu ái thay ông Trọng làm tổng bí thư – ông Trần Quốc Vượng 67 tuổi, ủy viên ban bí thư, và ông Nguyễn Xuân Phúc 66 tuổi, đương kim thủ tướng.
"Có khả năng cao ông Vượng sẽ là tổng bí thư, sớm hay muộn", Dương Quốc Chính, một nhà phân tích chính trị tại Hà Nội nói với Nikkei Asia hôm thứ Năm. Ông Chính cho biết ông Trọng có thể tiếp tục làm tổng bí thư một thời gian sau Đại hội và chuyển giao chức vụ cho ông Vượng.
Lê Hồng Hiệp, một thành viên Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cũng cho rằng nhiều người tin là ông Vượng là người kế nhiệm ông Trọng. "Ông Vượng được cho là có lý lịch trong sạch hơn do có giới hạn về mạng lưới bảo trợ", ông Hiệp cho biết trong một báo cáo được phát hành vào tháng 9. "Vì vậy, ông Vượng được coi là có vị trí tốt để gánh vác di sản quan trọng nhất của Trọng : cuộc chiến chống tham nhũng."
"Ông Vương có thể tiếp tục cái gọi là" đốt lò " hay chiến dịch chống tham nhũng", ông Chinh nói.
Người gốc Thái Bình thuộc miền Bắc Việt Nam, ông Vượng là một cán bộ đảng kỳ cựu và có kinh nghiệm là viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. "Ông Vưọng chủ yếu làm việc tại các cơ quan đảng", ông Chính nói. "Ông từng kinh qua các chức vụ ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từng là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Việc ông Vượng tham gia lâu trong các công tác đảng có thể là một điểm yếu vì ông không có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại. Nhưng điều đó không cản trở ông ta leo lên nấc thang của đảng vì đã bám sát ông Trọng, người được coi là trung thành tuyệt đối với chế độ cộng sản, ông Chính nói. "Đối với nhiều đảng viên, người giữ chức vụ tổng bí thư phải là người có khuynh hướng lý thuyết cộng sản và kiên định theo lý tưởng cộng sản".
Ông Trọng có quyền hạn lớn nhất trong việc chọn người kế vị, một truyền thống lâu đời của đảng. Do đó, khuyến nghị của ông Trọng có giá trị nhất, ông Chính nhấn mạnh. "Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng mà ông ấy lãnh đạo sẽ tạo ra nhiều kẻ thù cho ông Trọng. Vì vậy, việc cài đặt một người kế nhiệm trung thành là điều tối quan trọng đối với ông Trọng ngay cả khi ông từ chức tổng bí thư".
Theo ông Hiệp, vị trí tổng bí thư luôn được đảm bảo bởi những người miền Bắc – quê hương của giới chính trị Việt Nam – cũng đặt Vượng vào vị trí tốt hơn ông Phúc. Thủ tướng quê tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.
Chính quyền nếu do ông Vương làm lãnh đạo dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể về chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư nước ngoài. Ông Vượng không có kinh nghiệm kinh tế, nhưng thủ tướng được coi là người lãnh đạo các chính sách kinh tế và thương mại trong khi các vấn đề đối ngoại thường thuộc thẩm quyền của chủ tịch nước, theo ông Chính.
Ông Chính nói : "Khả năng ông Vượng kiêm nhiệm tổng bí thư lẫn chủ tịch nước như ông Trọng là rất thấp. "Ông Vượng vẫn chưa chứng tỏ được năng lực trở thành tổng bí thư." Trong khi đó, có tin đồn rằng Phạm Bình Minh, đương nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ trở thành chủ tịch nước.
Nhưng còn một tháng nữa là Đại hội 13 sẽ khai mạc, tình hình vẫn khó lường. Mặc dù đầy rẫy đồn đoán về tương lai của ông Trọng, nhưng cuối cùng ông có thể vượt qua các quy định của đảng vào phút cuối để ở lại giữ chức Tổng Bí thư sau đại hội ít nhất là trong một thời gian nữa nhằm chuẩn bị cho một nhà lãnh đạo mới tiếp quản vị trí của mình.
"Tóm lại, ngay cả khi ông Vượng lên làm tổng bí thư tiếp theo, ông ấy sẽ không nắm được nhiều quyền lực như ông Trọng", ông Chính nói, mặc dù ảnh hưởng của ông Vượng có thể duy trì lâu dài miễn là ông tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng.
Tomoya Onishi
Nguyên tác : Vietnam's leader wants a successor tough on corruption, Asia Nikkei, 24/12/2020
Nguồn : VNTB, 26/12/2020
***************************
Chọn được kẻ "truyền ngôi" – Trọng chốt ngày Đại hội
Nguyễn Duy, Thoibao.de, 25/12/2020
Khi tiếng còi trận chung kết vang lên thì người ta sẽ định ai là người nhận cúp. Đó là quy luật từ xưa đến giờ rồi. Hội nghị trung ương 14 mới vừa kết thúc thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho báo chí đăng tải ngày diễn ra đại hội. Đây thực chất là một kỳ trao quyền cho các kẻ chiến thắng. Đại hội sẽ diền ra trong không khí tưng bừng và mỗi người sẽ nhận cho mình một chức mới.
Trần Quốc Vượng ứng viện số 1 cho ghế tổng bí thư
Ngày 23/12/2020 các tờ báo đồng loạt đưa tin rằng "Tại Hội nghị Trung ương 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội XIII từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội"
Ngày 18/12/2020, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng : "Trung ương thống nhất cao cho rằng việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra". Nói thẳng ra ý ông Trọng là thế này "tranh giành đã xong, bổng lộc đã có, giờ tổ chức kỳ đại hội để phát thưởng".
Theo báo chí nhà nước cộng sản đưa tin thì hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm báo cáo chính trị là đóng vai trò chính, cùng với các báo cáo chuyên đề là báo cáo kinh tế – xã hội, và báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Nội dung đại hội tuy là như thế, nhưng điều mong đợi ở các thành viên tham gia đại hội đó là, chức vụ mới chứ chẳng gì khác. Chức vụ mới tạo ra được bổng lộc nhiều hay ít cho họ, chứ không có quan chức nào quan tâm đến việc xây dựng đất nước cả.
Ông Trọng cho biết, ban chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nói tóm lại, chức vụ, bổng lộc đã chia xong.
Nổi lên gương mặt thay thế ông Nguyễn phú Trọng
Trong kỳ hội nghị trung ương 14, ông Nguyễn Phú Trọng đã để ông Trần Quốc Vượng đạo diễn từ đầu đến cuối. Tuy kết quả chọn nhân sự cho ghế tổng bí thư vẫn được Đảng cộng sản giữ kín cho đến kỳ đại hội 13, nhưng nhìn vào hội nghị vừa qua nhiều người dự đoán khả năng là ông Trần Quốc Vượng sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trần Quốc Vượng, sinh năm 1953, là một trong những ứng cử viên tham gia Tứ Trụ cùng với Nguyễn Xuân phúc tại Đại hội 13. Thưng theo một số nhà quan sát thì người ta vẫn đang nghiêng về ông Trần Quốc Vượng.
Hôm 22/12/2020, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, được các báo chính thống của nhà nước Việt Nam dẫn lời bày tỏ quyết tâm làm trong sạch hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền. Một chính sách mà chính ông Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng và trao nhiệm vụ nó lại cho Trần Quốc Vượng.
Tại hội nghị đó, ông Vượng cho biết, Trung ương đảng kiên quyết loại những người không đủ tiêu chuẩn, không để lọt vào khóa mới. Rút kinh nghiệm vừa rồi có những người không đủ tiêu chuẩn sau đó phải xử lý. Nói là Trung ương đảng có có vẻ dân chủ thôi thứ thực chất mọi quyết định nhân sự cho đại hội sắp tới là Bộ Chính trị và Ban Bí thư thôi.
Hiện nay ông Trần Quốc Vượng là thường trực ban bí thư trung ương, nói đơn giản thì ông là phó tổng bí thư, một chức vụ còn cao hơn người làm thủ tướng nếu sao sánh trong bộ máy đảng. Chức phó tổng bí thư có vẻ như ưu thế để lên tổng bí thư, nhưng lắm khi cũng bị đá văng ra khỏi bộ chính trị. Năm 2016, ông Lê Hồng Anh, lúc đó là thường trực ban bí thư, nhưng cuối cùng đị đá văng không còn thấy tăm hơi, bởi đơn giản ông này là người có mối quan hệ rất lớn với Nguyễn Tấn Dũng. Lần này, Trần Quốc Vượng là người Bắc, là người gần gũi với ông Trọng chứ không như ông Lê Hồng Anh. Cho nên khả năng cho nên lần này ông Trần Quốc Vượng sẽ phá dớp.
Ông Trần Quốc Vượng được chọn là người nối tiếp thực hiện chính sách của Nguyễn Phú Trọng
Trong một bình luận mới đây trong dịp diễn ra Hội nghị 14 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, một quan chức nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, một luật sư có cho rằng giữa việc nói và làm còn có một khoảng cách, vẫn còn có việc làm chưa đến nơi đến chốn. Nhiều nơi, nhiều trường hợp còn nể nang, né tránh, đụng tới những người có chức, có quyền, những ai có thể lực là có biểu hiện chùn tay. Nghĩa là trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không triệt để. Thực tế nếu so sánh chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng so với những những gì mà những người tiền nhiệm của ông đã làm thì ông mạnh tay hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ có Tất Thành Cang mà ông Trọng mất đến 2 năm dưới bàn tay giúp sức của Nguyễn Văn Nên mới bắt được. Lần này, nếu Trần Quốc Vượng tiếp nhận chính sách của ông Trọng, e rằng ông kham không nổi. Tuy nhiên với người cộng sản thì chiếc ghế tổng bí thư mới là cái họ phải giành lấy chứ không phải là nhiệm vụ. Khi ở quyền lực định cao, nếu Trần Quốc Vượng không hoàn thành thì cũng chẳng ai kỷ luật được ông ta cả.
Trông suốt nhiều kỳ hội nghị trung ương trước thềm đại hội, ông Nguyễn Phú trọng luôn nhắc đi nhắc lại rằng : "đưa người vào Trung ương phải rõ ràng, minh bạch, công khai, nếu người nào có tài sản, nhà cửa, tiền tài, thu nhập mà không giải thích được nguồn gốc, thì không đưa vào". Thế nhưng thực tế thì sao ? Không ai có thể kiểm tra nổi tài sản chìm nổi của các quan tham cả. Không quan chức nào dại dột ăn hối lộ mà lại để tài sản của mình cho người ta kiểm kê và tịch thu.
Ông Trần Quốc Vượng được cho là đã đánh bại ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đua giành ghế Tổng bí thư
Đối với nhiều quan chức, nếu điều tra đôi khi nhà cao xe đẹp mà quan chức sở hữu đó chưa chắc gì đứng tên các quan đó. Xe thì xài của người ta với danh nghĩa cho mượn như Nguyễn Xuân Anh cựu bí thư Đà Nẵng đã dùng xe người khác đi làm. Hay thậm chí ngôi nhà của quan chức cũng được đứng tên người khác v.v… Vậy nên, cho dù gạn lọc kỹ thế nào, thì quan tham cũng dễ dàng lách luật để lọt vào trung ương một cách dễ dàng. Lọc người bằng tiêu chuẩn ông Trọng tự đặt ra, điều đó hạn chế được phe khác nhưng không ngăn cản họ len lỏi vào trung ương được. Nên chắc chắn, sau đại hội vẫn còn đó phe chống ông Trọng hay ông Vượng.
Trần Quốc Vượng càng ngày càng lộ rõ vai chính
Nếu tiếp quản chức vụ tổng bí thư, ngay từ bây giờ ông Trần Quốc Vượng cần phải năng nổ tiếp xúc và chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, những cơ quan mà khi lên chức mới ông sẽ cần những lòng trung thành của những người đứng đầu các cơ quan đó.
Hôm 22/12, ông Trần Quốc Vượng xuất hiện tại kỳ Hội nghị nhóm họp cuối năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông ta đã phát biểu chỉ đạo : "Tôi đi nhiều địa phương, bà con nói : sợ nhất các bác làm chùng xuống. Tôi trả lời với bà con là chúng ta tiếp tục. Trong khó khăn, gần tổ chức Đại hội chúng ta vẫn làm. Chúng ta xác định làm để giữ uy tín cho Đảng, chứ không lo giảm uy tín"... Nhìn cách sinh hoạt và làm việc của ông không khác gì Nguyễn Phú Trọng cả.
Trước đó không lâu, hôm 12/12, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã tổ chức một hội nghị toàn quốc tổng kết công tác này trong giai đoạn 2013-2020. Tại kỳ họp đó ông Trần Quốc Vượng phát biểu chẳng khác nào ông Trọng rằng : "Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".
Với vai trò tổng bí thư, ông Nguyễn Phú trọng đã làm cũng khá nhiều, trong đó có truy tố một ủy viên bộ chính trị và khá nhiều ủy viên trung ương. Tuy nhiên cho đến giờ còn nhiều ủy viên bộ chính trị mà ông Trọng không thể nhổ được, vậy thì khi tiếp nhận chức vụ mới, ông Trần Quốc Vượng có làm được bằng ông Trọng không ? Điều này rất khó cho ông Vượng.
Người tiếp theo liệu có là kẻ tham nhũng quyền lực như Nguyễn Phú Trọng ?
Có thể nói, ông Nguyễn Phú Trọng là người chiếm nhiều quyền lực nhất trong các đời tổng bí thư, chỉ có một mình ông là kiêm luôn chức chủ tịch nước. Tuy đến bây giờ người ta cũng chưa những kết luận rõ ràng về nhưng vụ tham nhũng mà ông có thể dính. Tuy nhiên, về nhũng quyền lực thì chính Trọng chứ không ai khác làm gương cho các thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
Thực ra, ông Nguyễn Phú Trọng nắm chức chủ tịch nước mới hơn 2 năm, trong đó suốt năm 2018 đến giữa năm ông bị bệnh khi đi thăm Kiên Giang – nơi mà con trai ông Nguyễn Tấn Dũng làm bí thư. Thời gian không nhiều để thấy ông Trọng lạm quyền. Tuy nhiên, nếu ông Nguyễn Phú Trọng truyền ngôi cho Trần Quốc Vượng thì ông Trần Quốc Vượng có thời gian dài để lạm quyền rất nguy hiểm. Quyền lớn mà tham làm thì không ai kiểm soát nổi.
Nạn tham nhũng luôn đi cùng với quyển lực. Ở nước nào cũng vậy. Nhưng suốt mấy chục năm Việt Nam đã phải chịu tham nhũng như bệnh ung thư từ cấp cao đến cấp dưới của hệ thống cai trị. Vô số cán bộ cao cấp trong bộ máy kinh tế, tài chính, quân đội, công an đã bị dính líu, nhiều khi liên kết với các thế lực được cho là "mafia".
Nếu không có gì đột biến, khả năng Trần Quốc Vượng thay thế ông Trọng là rất cao
Hiện nay, dù ông Nguyễn Phú trọng có đốt lò thế nào thì các nhóm lợi ích vẫn còn đó, không thể diệt hết được. Đối với cái nhóm đang bám vào quyền lực bằng mọi giá mà họ dùng tham nhũng để cai trị cũng để dàn xếp các vụ tranh chấp trong cuộc đấu tranh giữ quyền lực trong nội bộ dưới sức ép hay ảnh hưởng của Bắc Kinh. Thời Nguyễn Phú Trọng phụ thuộc Tàu thì có thể thời của ông Trần Quốc Vượng (nếu ông Vượng thay ông Trọng) vẫn bị tròng lên đầu cái vòng kim cô đó, ông Vượng không thể thoát.
Nếu Trần Quốc Vượng chỉ tiếp quản chức tổng bí thư, thì tham nhũng quyền lực sẽ yếu hơn, nhưng nếu ông Vượng tiếp nhận cả 2 chức ông Trọng để lại thì chắc chắn tham nhũng quyền lực còn kinh khủng hơn thời ông Trọng vì lúc này ông Vượng có đủ thời gian để tung hoành.
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 25/12/2020
***********************
Đảng cộng sản Việt Nam sắp xếp lãnh đạo
David Brown, VNTB, 24/12/2020
Rất nhiều hoạt động ngầm
Đây là thời điểm thích hơp để xem xét ý nghĩa nếu có của tất cả các cuộc họp kín và tuyên bố tự chúc mừng của các nhà lãnh đạo đảng khi Đảng cộng sản Việt Nam đang ở giai đoạn này của các nghi thức đổi mới. Cho dù chúng ta tưởng tượng vị trí của Việt Nam trên bức tranh địa chính trị rộng lớn của Đông Á hay suy ngẫm về quá trình cụ thể hơn trong việc hướng Việt Nam tới tương lai, liệu đồng chí Z thay vì đồng chí Y leo lên đỉnh cao nhất của đảng có ý nghĩa gì hay không ?
Thực ra là có. Tôi cố giải thích.
Điều gì đang xảy ra. Năm năm một lần, đại hội Đảng Cộng sản được tổ chức. Do đó, vào cuối tháng 1, hơn 1500 đại biểu sẽ được triệu tập tại Hà Nội, không phải để chọn lãnh đạo mới, mà là để ăn mừng thành công của đảng và phê chuẩn các nhà lãnh đạo đã được chọn cho họ.
Để chuẩn bị cho đại hội, một cơ quan ưu tú hơn, ủy ban trung ương gồm 200 uỷ viên, đã căng thẳng để chốt danh sách 19 ứng cử viên cho 19 ghế trong bộ chính trị (ban chấp hành đảng) và chọn ra những uỷ viên bộ chính trị nào sẽ được đưa vào bốn vị trí uy tín nhất : chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và hai công việc thực sự quan trọng, thủ tướng và tổng bí thư đảng.
Đó là một thói quen thể chế hóa sự luân chuyển thường xuyên và đáng kể về nhân sự ở cấp cao nhất.
Luôn bí mật, những người hy vọng và những người ủng hộ họ đã làm việc trong nhiều tháng. Báo chí Việt Nam hết lần này tới lần kahsc đưa tin, các quan chức ban bí thư đảng đã giải thích những loại đảng viên nào đủ tiêu chuẩn để làm lãnh đạo. Phiếu bầu chọng đã được thực hiện tại các cuộc họp của ủy ban trung ương vào tháng 10 và một lần nữa trong tháng này. Và cuối cùng, vào ngày 18 tháng 12, theo những rò rỉ đáng tin cậy, 24 cá nhân đã được chọn để ứng cử vào các ghế bộ chính trị. Mười trong số đó là những người đương nhiệm. Việc họ tái cử là chắc chắn. 14 ứng cử viên khác sẽ giành chín ghế.
Song song đó, một số người nắm giữ bộ chính trị đang tích cực tìm kiếm bốn lãnh đạo cao nhất.
Xếp hạng và lập hồ sơ các đảng viên và một số công dân bình thường đang chú ý theo dõi, phân tích những thông tin vụn vặt do các phương tiện truyền thông chính thức cung cấp và tìm hiểu những tin đồn đăng lên Facebook. Tuy nhiên, tất cả đều không rõ ràng đến mức nhiều người trong số 95 triệu công dân Việt Nam lại đang chú ý đến cuộc ẩu đả lộn xộn, rất công khai ở Mỹ nhiều hơn.
Ý nghĩa của nó. Ở Việt Nam cũng như các nơi khác, vấn đề là ai phụ trách. Các sự kiện trong năm năm qua cung cấp nhiều bằng chứng về điều đó.
Bước sang kỳ đại hội đảng trước (2016), Việt Nam là một nơi khá khác biệt trên các khía cạnh quan trọng. Khoảng cách giữa các cơ cấu đảng và chính phủ đang làm suy yếu sự phối hợp chính sách. Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng đang cưỡi trên làn sóng thịnh vượng. Ông tự cho mình là một người nói chuyện thẳng thắn, một nhà cải cách, phần nào bác bỏ giáo điều đảng phái, tiếp thu những ý tưởng mới và am hiểu các diễn đàn quốc tế. Ông Dũng nhắm đến việc thay thế Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.
Ông Trọng tập hợp một liên minh ‘ai cũng được đượcdtrừ Dũng’, đè bẹp đối thủ của mình, và thực hiện một chiến dịch bền vững chống lại tham nhũng thể chế đã nở rộ trong những năm ông Dũng làm thủ tướng. Ông Trọng cũng chủ trì một chiến dịch thanh lọc đảng nhằm loại bỏ "những kẻ cơ hội và sai trái". Trên cả hai mặt trận, các mục tiêu thường là các cộng sự của cựu thủ tướng.
Ông Dũng đã tương đối thoải mái với những chỉ trích trực tuyến và biểu tình tự phát. Ngược lại, Trọng dường như coi biểu tình là một mối đe dọa hiện hữu đối với chế độ.
Chính sách phát triển kinh tế và xã hội đã được điều hành tốt trong thời kỳ ông Trọng làm tổng bí thư. Cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai sẽ xanh hơn rất nhiều. Một kế hoạch toàn diện cho Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp câu trả lời cho biến đổi khí hậu và các căng thẳng khác đối với vùng nông nghiệp trù phú nhất của đất nước. Việt Nam hiện là thành viên của hai hiệp định thương mại khu vực (RCEP và CPTTP) và cách đây vài tháng, Hà Nội đã ký một hiệp định thương mại toàn diện với Liên minh châu Âu. Đầu tư nước ngoài đổ vào vì Việt Nam trở thành một địa điểm thuận lợi cho các ngành sản xuất ngày càng tinh vi. Và, với Covid-19, các dịch vụ y tế công cộng của Việt Nam đã hoạt động rất xuất sắc.
Chỉ có thể ghi nhận thành tựu cuối cùng (và chỉ một phần) cho hệ thống kiểm soát chính trị – xã hội lấy cảm hứng từ Liên Xô của Việt Nam. Phần còn lại là thành tích của đảng chỉ theo nghĩa là không giống như ông Dũng, người kế nhiệm của ông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không thách thức quyền lực tối cao của đảng. Ông Phúc đã nỗ lực rất nhiều trong việc giữ chân những người đồng cấp trong Bộ Chính trị và thu hút sự ủng hộ của họ vào những thời điểm quan trọng.
Tại sao điều đó lại quan trọng vào thời điểm này. Thủ tướng Phúc muốn kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, và theo cách không công khai mà các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản vận động, ông ta đã tấn công Việt Nam từ trên xuống dưới. Bây giờ quá ốm yếu để nghĩ đến việc tự ở lại, ông Trọng đang có ý định giao chức vụ của mình cho một người mà ông có thể tin tưởng để duy trì các chính sách đặc thù của ông, các chiến dịch chống tham nhũng và thanh lọc đảng, và để chặn lại những người dám có suy nghĩ lệch lạc. Tóm lại, ông Phúc không phải người ấy.
Gần cả năm nay, ông Trọng đã ép các đồng nghiệp gọi tên người kế nhiệm đáng tin cậy của ông trong chiến dịch chống tham nhũng, ông Trần Quốc Vượng khắch khổ và có vẻ giáo điều. Người ta nói rằng ông Vượng đã thua ông Phúc trong một cuộc bỏ phiếu bầu tại Hội nghị Trung ương vào tháng Mười.
Tuần này lại tràn ngập tin đồn. Điều đáng tin nhất là Trọng đã thuyết phục được chính ủy lực lượng vũ trang, Trung tướng Ngô Xuân Lịch, đứng ra chống lại ông Phúc thay cho Vượng. Một người khác nói rằng một thỏa thuận đã được đưa ra : Phúc sẽ giữ chức vụ thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai, Vượng sẽ làm tổng bí thư, và Vương Đình Huệ sẽ không được bổ nhiệm làm thủ tướng mà thay vào đó sẽ đảm nhiệm một chức vụ khác là trưởng ban bí thư. Hãy chọn đi. Đối với tôi, tôi sẽ ủng hộ một người thực dụng hay cười, hiểu biết về chính sách hơn một người theo thuyết giáo điều.
Ngày 18 tháng 12, ủy ban trung ương lại hoãn. Truyền thông quốc gia được thông báo rằng ủy ban đã lên kế hoạch họp trong sáu ngày nhưng sau bốn ngày làm việc, ủy ban đã quyết định triệu tập lại tháng Giêng tới vào đêm trước đại hội đảng. Điều này cho thấy rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo của đảng tin rằng họ đã giải quyết được mọi việc. Tuy nhiên, như câu nói nổi tiếng của ông Trọng, đến rằm trăng mới tròn.
David Brown
Nguyên tác : Vietnam’s Communists Sort Out Leadership, Asia Sentinel, 23/12/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 24/12/2020
David Brown là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ chuyên về Việt Nam và là người cộng tác lâu năm với Asia Sentinel