Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/12/2020

Củi Nguyễn Quốc Hùng đã sẵn sàng để đưa vào lò ?

Huy Đức và nhiều tác giả

Hà Nội mà vội thế ông !

Huy Đức, 22/12/2020

Vụ một chữ ký thay chủ nhân của 182 hecta đất

Hai tuần trước khi về hưu, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã ký một quyết định mà chắc chắn, cả ông Vương Đình Huệ và ông Chu Ngọc Anh - hai nhà lãnh đạo chưa có nhiều kinh nghiệm địa phương - rồi phải đối diện với các xung đột cả về pháp lý và đạo lý.

nqh1

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng - Ảnh minh họa

Quyết định 5269, do ông Hùng ký ngày 25/11/2020 nói là "điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây" nhưng hệ lụy pháp lý của nó là "tiếp tay" cho Cienco 5 "tước đoạt" quyền sử dụng 182 hecta đất của một công ty từng là công ty con, Công ty cổ phần địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land).

Việc UBND tỉnh Hà Tây, 12 năm trước, giao 182 hecta đất thuộc huyện Thanh Oai cho Cienco 5 Land là đúng. Vì, hợp đồng BT và các hợp đồng kinh tế khác, xác định Cienco 5 Land là "chủ đầu tư" của dự án BT. Trên thực tế, Cienco 5 Land đã bỏ vốn làm 20,3 km đường trục phía Nam (BT) ; đầu tư xây dựng hạ tầng hai khu đô thị Thanh Hà (A & B) ; trả cho Hà Nội 510 tỷ đồng tiền sử dụng đất (ngoài phần tiền đã làm đường).

Cienco 5 Land còn đã phải trả 131,7 tỷ đồng "lợi nhuận khoán" mà bản chất là tiền "cò" cho Cienco 5. Cienco 5 Land từ lâu đã là một pháp nhân độc lập chứ chẳng "mẹ", chẳng "con" gì, với Cienco 5 nữa.

Như vậy, việc Hà Tây giao đất cho Cienco 5 Land năm 2008 là đúng với quy trình hành chính (theo Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181 năm 2004). Việc Cienco 5 Land đứng tên quyền sử dụng 182 hecta đất này còn theo quy trình dân sự bằng các hợp đồng kinh tế khác. Không thể sử dụng Luật Đất đai 2013 để "hồi tố", dù Luật Đất đai 2013 cũng không có quy định nào cho phép Hà Nội "hồi tố" cả.

Ông Nguyễn Quốc Hùng càng không thể căn cứ yêu cầu của Cienco 5, vì Cienco 5 không còn chút "quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan". Không phải cứ có đề xuất của cấp dưới hay của cơ quan khác là ký bất chấp cả pháp lý và đạo lý.

Không gì có thể biện minh cho hành vi sử dụng quyền hành chính để thay đổi chủ nhân của một khối tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Không gì có thể biện minh cho hành vi lợi dụng Thành phố đang có những biến động về nhân sự, trước khi nghỉ hưu vài tuần, ra một quyết định làm ảnh hưởng lâu dài tới niềm tin của các nhà đầu tư và uy tín của Chính quyền Thành phố.

Các nhà lãnh đạo mới của Hà Nội, một mặt, nên ra quyết định tuyên hủy Quyết định 5269 ; mặt khác, nên cho điều tra ông Nguyễn Quốc Hùng, tại sao trước khi về hưu, một người có kinh nghiệm như ông Hùng lại làm một "cú chót" rất vội vàng, chẳng "Hà Nội" gì, như thế.

Huy Đức

Nguồn : osinhuyduc, 22/12/2020

**********************

Hà Nội : Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký quyết định "bất thường", gây sốc cho doanh nghiệp

Hơn 12 năm qua, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 được giao đất để thực hiện khu đô thị Mỹ Hưng, dự án hoàn vốn của dự án đường trục phía Nam được thực hiện theo hình thức BT. Nhưng bất ngờ, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng đã giao gần 200 ha đất cho doanh nghiệp khác mà không hề hỏi ý kiến doanh nghiệp được giao đất từ 12 năm trước.

nqh2

Khu đô thị Thanh Hà do Cienco 5 Land là chủ đầu tư.

Lấy đất của doanh nghiệp này giao cho doanh nghiệp khác bất thường

Ngày 25/11/2020, ông Nguyễn Quốc Hùng thay Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 5269/QĐ-UBND sửa đổi nội dungQuyết số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây về việc thu hồi 1.820.433m2 đất tại các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai giao cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng. 

Nội dung "sửa đổi" của Quyết định 5269 không nhiều nhưng làm thay đổi số phận 2 doanh nghiệp.

Cụ thể, theo Quyết số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 được giao 1.820.433m2 (hơn 182ha) đất tại Thanh Oai để thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chỉ "sửa đổi" một chút của quyết định giao đất 12 năm trước. Bằng việc đổi tên doanh nghiệp được giao đất thành Tổng Công ty công trình giao thông 5 (nay do Tập đoàn Hải Phát chi phối), chỉ trong "phút mốt", 182 ha đất trước đây đã giao cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 bỗng chốc trở thành đất của doanh nghiệp khác.

Với cách "sửa" rất nhẹ nhàng này, Tổng Công ty công trình giao thông 5 bỗng nhiên được hưởng một món lợi "khủng" còn Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 thì choáng váng sau khi bất ngờ nhận được quyết định này.

Câu hỏi đặt ra là, UBND Thành phố Hà Nội đã âm thầm làm điều này từ bao giờ và tại sao doanh nghiệp được giao đất suốt 12 năm qua bỗng mất đất mà không hề hay biết. Còn Tổng Công ty công trình giao thông 5 hiện đang do Tập đoàn bất động sản Hải Phát chi phối, liệu có biết gì về việc này hay sự việc do UBND Thành phố Hà Nội vô từ ra quyết định, như một món quà noel dành cho doanh nghiệp này ?

Ai là chủ đầu tư khu đô thị Mỹ Hưng ?

Để thấy thực sự UBND Thành phố Hà Nội có vô tư khi ra ban hành một văn bản vài chục chữ khiến cho doanh nghiệp mất 182ha đất dự án, cần tìm hiểu sự việc cách đây 12 năm và lý do mà UBND tỉnh Hà Tây giao đất cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5.

Ngày 18/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với Tổng Công ty công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 để thực hiện dự án đường trục phía Nam theo hình thức hợp đồng BT.

Theo hợp đồng này, Tổng Công ty công trình giao thông 5 (nhà đầu tư) và Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (doanh nghiệp thực hiện dự án) xây dựng tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có chiều dài 41,5km.  

Để hoàn vốn của dự án đường trục phía Nam, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án 3 dự án bất động sản là dự án Khu đô thị Thanh Hà A – Cienco 5, dự án Khu đô thị Thanh Hà B-Cienco5 và dự án Khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco5.

Theo Hợp đồng BT nêu rõ, doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 có nghĩa vụ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Hợp đồng BT ; chịu trách nhiệm trước nhà đầu tư (Tổng Công ty công trình giao thông 5) và liên đới cùng Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và pháp luật về việc thực hiện dự án.

Căn cứ Hợp đồng BT này, ngày 30/7/2008 UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành các quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 để thực hiện dự án hoàn vốn, trong đó có Quyết định số 3128/QĐ-UBND thu hồi 1.829.433m2 đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng và các quyết định giao đất thực hiện dự án Khu đô thị Thanh Hà A và Thanh Hà B.

Đối với 2 khu đô thị Thanh Hà A và Thanh Hà B, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đã thực hiện giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án nhà ở. Đến nay, hai khu đô thị này đã được đưa vào sử dụng.

Riêng khu đô thị Mỹ Hưng, do nằm xa trung tâm và đoạn đường trục phía Nam đi qua huyện Thanh Oai (Km20+300 đến Km41+500) chưa thực hiện xong nên chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chưa phát triển dự án nhà ở tại đây.

nqh3

Phối cảnh Khu đô thị Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai được quảng cáo trên Internet

Việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao đất cho Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện dự án BT đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn là dự án khu đô thị Thanh Hà A, khu đô thị Thanh Hà B, khu đô thị Mỹ Hưng  là có căn cứ trên và đã thực hiện suốt 12 năm qua.

Điều đáng nói, sự việc này đã được đồng thuận của Tổng Công ty công trình giao thông 5, nhà đầu tư của dự án BT và cũng là Công ty mẹ của Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 ở thời điểm ký kết Hợp đồng BT.

Cụ thể là, sau khi ký Hợp đồng BT với UBND tỉnh Hà Tây, ngày 31/7/2008, Tổng Công ty công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 đã ký Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ về việc thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây; ngày 9/6/2010 đã ký Phụ lục Hợp đồng kinh tế.

Theo hợp đồng kinh tế, giữa hai công ty "mẹ - con" thì Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý đầu tư, xây dựng và kinh doanh Hợp đồng BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây.

Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 có quyền và nghĩa vụ thực của doanh nghiệp dự án theo Hợp đồng BT và phải thanh toán cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 mức lợi nhuận khoán đã thỏa thuận, cùng toàn bộ các khoản phí mà Tổng Công ty công trình giao thông 5 đã đầu tư vào dự án cho đến thời điểm ký hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ là gần 132 tỷ đồng.

Đến nay, số tiền này đã được "công ty mẹ" nhận đủ. Điều này cho thấy, các căn cứ pháp luật và thỏa thuận trong nội bộ nhà đầu tư thì Chủ đầu tư thực hiện Dự án BT đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn đầu tư chính là Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5.

Đùng một cái, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội "sửa" quyết định giao đất đã thực hiện từ 12 năm trước. Cái khó nhất mà Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã làm được chính là sửa tên chủ thể được giao đất. Chỉ với vài dòng trong quyết định này, đất của doanh nghiệp này trở thành của doanh nghiệp khác và nó gây sốc cho Chủ đầu tư cũng không phải là chuyện lạ.

Theo một luật sư cho biết, việc UBND Thành phố Hà Nội sửa tên chủ thể được giao đất trong quyết định giao đất thực chất là "làm tắt" và bỏ qua nhiều thủ tục hành chính khiến Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5, hiện nay thuộc Tập đoàn Mường Thanh có thể bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Bình Minh

Nguồn : Pháp luật Việt Nam, 30/11/2020

**********************

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng : Hà Nội không bảo kê cát tặc

Nguyên Khánh, Đại Đoàn Kết,

Nạn khai thác trái phép cát sỏi dưới lòng sông là vấn đề được nhiều đại biểu nêu lên tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, ngày 8/12.

nqh4

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng tiếp thu, giải trình một số vấn đề về quản lý khai thác cát sỏi.

Chất vấn về vấn đề khai thác cát sỏi, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung nêu vấn đề : Trên địa bàn xã Xuân Thu (Sóc Sơn) có tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Trách nhiệm của lực lượng chức năng thế nào ? Có tình trạng bảo kê hay không ?

Trong khi đó, Đại biểu Dương Thị Hằng cũng đặt câu hỏi về việc khai thác cát sỏi trái phép tại xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ), chính quyền đã xử lý như thế nào ?

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa đặt câu hỏi với lãnh đạo huyện, Công an huyện Đan Phượng về việc tồn tại việc khai thác cát sỏi trái phép tại 6 xã ven sông Hồng, có tình trạng lộng hành, coi thường pháp luật.

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (Phúc Thọ) Nguyễn Văn Tín cho biết, thời gian qua cát tặc lộng hành trên địa bàn xã. Thời gian cao điểm nhất là các năm 2018 - 2019. "Cát tặc ồ ạt, như một công trường, khai thác cả ngày cả đêm. Tàu hút, tàu cuốc rất nhiều" - vị này nói.

Sau khi báo cáo lực lượng chức năng truy quét, xử lý, đến cuối năm 2019, tình trạng khai thác ồ ạt đã chấm dứt. Đến khoảng tháng 7/2020, cát tặc lại tiếp tục đến địa bàn xã khai thác, chủ yếu là từ đêm đến rạng sáng, quy mô nhỏ hơn, làm không thường xuyên. "Với cấp xã hiện nay không có phương tiện, không có lực lượng không làm gì được. Chúng khai thác ở giữa sông, mà ở giữa sông chỉ cơ quan chức năng chuyên môn mới xử lý được" – ông Nguyễn Văn Tín nói, đồng thời đề xuất được cấp xuồng để đảm bảo chức năng quản lý ở địa phương.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, tình trạng khai thác trái phép cát sỏi vào ban ngày đã chấm dứt, nhưng vẫn lén lút hoạt động vào ban đêm. Phúc Thọ giáp ranh với Vĩnh Phúc, hiện địa giới hành chính trên sông chưa được xác định, nên vẫn có tình trạng tàu thuyền ban ngày đỗ ở bên Vĩnh Phúc, ban đêm sang Phúc Thọ để hút cát sỏi.

Còn Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thì cho rằng, các đối tượng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, hay lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối, rạng sáng để khai thác, thuê người cảnh giới lực lượng chức năng từ xa. Ở các vùng giáp ranh, khi bị kiểm tra, các đối tượng thường nhổ neo sang địa bàn tỉnh, địa phương giáp ranh, nên khó xử lý theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị cần xem xét, phê duyệt quy hoạch tổng thể các bến bãi, mỏ khai thác trên các tuyến sông để thuận tiện quản lý ; lực lượng công an sẽ tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng của các tỉnh giáp ranh.

Tiếp thu các ý kiến liên quan nhóm vấn đề về công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi, lòng sông, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Hà Nội không bảo kê cát tặc. Cụ thể, sau khi có Nghị định 23, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt. Để khắc phục các điểm khai thác trái phép tồn tại do lịch sử để lại, Thành phố khoanh vùng, giữ không để phát sinh, trên cơ sở đó phân loại xử lý, vừa có lý có tình, đảm bảo ổn định cho doanh nghiệp, người dân.     

Về vấn đề thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn ; theo Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, UBND Thành phố cần nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm, sớm hoàn thiện bộ tiêu chí cụ thể hóa những hành vi vi phạm và cần xử phạt nghiêm mới đủ sức răn đe.

Nguyên Khánh

Nguồn : Đại Đoàn Kết, 09/12/2020

**********************

Lãnh đạo Hà Nội : 'Nhà tài trợ nôn nóng chặt cây'

Võ Hải, VnExpress, 20/03/2020

Khẳng định đề án thay thế cây là chủ trương đúng, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho rằng "sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình".

Chiều 20/3, Hội trường của UBND thành phố chật kín phóng viên các cơ quan truyền thông được mời đến dự họp báo về Đề án thay thế 6.700 cây xanh. Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chủ trì, các Sở Xây dựng, Giao thông cùng một số đơn vị liên quan cũng có mặt.

Mở đầu buổi họp báo, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cho hay thành phố luôn lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến người dân, các nhà khoa học để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh. "Hà Nội từng có những quyết định rất khó khăn nhưng đem lại sự hưởng ứng của người dân như quyết định không xây khách sạn SAS tại công viên Thống Nhất, không xây dựng trung tâm thương mại trên đất chợ 19/12... Tiếp thu ý kiến công luận, Chủ tịch thành phố đã có quyết định dừng việc chặt hạ, thay thế cây", ông Hùng nói.

nqh5

Sáng 20/3, người dân ở Hà Nội biểu thị sự không đồng tình chặt hạ hàng loạt cây xanh. Ảnh : Nguyễn Sơn.

Phó chủ tịch Hà Nội cho hay, cây xanh như lá phổi của thành phố nên giữ gìn là việc cần thiết. Đề án thay thế cây là chủ trương đúng. "Tuy nhiên, sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình. Thành phố nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Từ nay trở đi, những công việc liên quan đến người dân, xã hội thành phố sẽ thận trọng hơn", lãnh đạo Hà Nội phân trần.

Chánh văn phòng UBND thành phố, ông Nguyễn Thịnh Thành đọc Thông báo ý kiến kết luận buổi họp sáng 20/3 của Chủ tịch thành phố, trong đó yêu cầu dừng thay thế cây xanh trên các tuyến phố, đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện thời gian qua.

Hàng chục câu hỏi về dự án đã được các cơ quan báo chí đưa ra: Quyết định dừng chặt hạ trong thời gian bao lâu? Thành phố nói đa phần người dân đồng thuận, vậy việc điều tra xã hội học, số liệu cụ thể như thế nào ? Xã hội hoá như thế nào ? Ai thẩm định cây để chặt ? Minh bạch giá thành chặt bỏ, thay thế cây mới, xử lý gỗ sau chặt như thế nào ?...

Xen lẫn những câu hỏi của phóng viên, một cá nhân xưng danh người dân Thủ đô đã ca ngợi chủ trương thay thế cây xanh của thành phố và cho rằng thời điểm này không nên đặt ra những vấn đề như các câu hỏi báo chí đã nêu.

Kết thúc phần hỏi của phóng viên, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhắc lại quan điểm thành phố sẽ tiếp thu, cầu thị, lắng nghe và gửi lời cám ơn đến các cơ quan báo chí. Ông Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm thông tin đầy đủ đến cơ quan truyền thông cùng người dân những vấn đề còn ý kiến chưa đồng thuận. "Các đơn vị phải giải đáp công khai, minh bạch tất cả thông tin nhân dân quan tâm về dự án", ông Hùng chỉ đạo. Tuy nhiên, ông Hùng và các đơn vị liên quan có mặt tại cuộc họp không trả lời câu hỏi nào của phóng viên.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội công bố đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị và đưa ra đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây. Kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối của người dân thủ đô.

Người dân đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây, lập trang web "6.700 người vì 6.700 cây xanh" - trong vài ngày thu hút gần 35.000 "like". Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, Giáo sư Ngô Bảo Châu gửi thư ngỏ đến lãnh đạo thành phố, đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó thắc mắc "tại sao từ trước đến nay Công ty Công viên cây xanh vẫn duy tu, bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây ?".

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho rằng, không cần hỏi dân việc thay thế cây xanh vì đó là trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước.

Chiều 20/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tạm dừng việc thay thế cây xanh để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý của nhân dân ; đồng thời, khẩn trương chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị thời gian qua ; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp (nếu có) ; khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh theo đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất việc loại bỏ các cây đã trồng.

Võ Hải

Nguồn : VnExpress, 20/03/2015

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, Bình Minh, Nguyên Khánh, Võ Hải
Read 807 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)