Tôi nói thật, Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng.
Võ Văn Thưởng
Trong Chuyện Kể Năm 2000, tập II (Nhà xuất bản Câu lạc bộ Tuổi Xanh, California - U.S.A) nơi trang 254 có câu : "Đồng chí Tổng bí thư nói nếu nhìn một phụ nữ đẩy xe bò mà trong lòng không xúc động thì không còn phải là người cộng sản nữa".
Tôi hỏi tác giả :
- Ông Tổng bí thư nào nói thế ?
Bùi Ngọc Tấn cười nụ :
- Thì ông nào mà chả nói thế !
Hóa ra, tất cả mọi đồng chí Tổng bí thư đều thương dân cả. Yêu nước cũng thế, cũng là thuộc tính bất biến của những người cộng sản (nói chung) và qúi vị Tổng bí thư (nói riêng) theo như lời ông Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri – vào hôm 15/10/2019 :
"Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?"
Nếu chỉ xét thời gian phục vụ thì quả là đúng thế. Chả thế mà ông Hồ Chí Minh hy sinh làm Chủ tịch Đảng đến 24 năm trời, ông Lê Duẩn tại vị tới 25 năm, và ông Trường Chinh thì cũng chỉ dân vì nước mà phải nhận chức Tổng bí thư đến hai lần lận.
Nhiệt tình cách mạng của quí vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam, rõ ràng, khó ai có thể phủ nhận. Chỉ có cái cách yêu nước và thương dân của họ mới là điều khiến cho thiên hạ phải phàn nàn, hoặc… đảo điên luôn :
Chỉ riêng phong trào Cải Cách Ruộng Đất, do ông Hồ Chí Minh nhập cảng từ nước lạ, đã khiến cho gần trăm ngàn nông dân Việt Nam bị hành hình. Ở bình diện quốc tế, cùng với Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Lenin, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Saddam Hussein… ông có tên trong danh sách (History’s Great Monsters) tội phạm chống lại nhân loại.
Ông Lê Duẩn cũng thế, cũng có tên trong danh sách tội phạm chống lại nhân loại ở mức đại trà (massive crimes against humanity). Ông nổi tiếng là người chủ chiến : "Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc …". Cùng với Trưởng ban Tổ chức trung ương Lê Đức Thọ, Lê Duẩn còn đánh luôn đồng đảng cho đến mức te tua hay bầm dập. Dù cả hai ông đều đã chết, chiến tích của cuộc Đấu tranh Chống bọn xét lại vẫn còn sống âm ỉ trong lòng nhiều người dân Việt cho mãi đến hôm nay.
Tuy thời gian giữ chức Tổng bí thư không dài nhưng ông Đỗ Mười vẫn để lại dấu ấn khó phai, qua hai trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách : đánh tư sản ở miền Bắc (sau 1954) và ở miền nam (sau 1975) khiến hằng triệu lương dân kẻ phải lâm vào cảnh tán gia bại sản.
Ngoài những thành tích dị biệt có tính cách cá nhân (thượng dẫn) điểm chung nổi bật trong cách quản trị và điều hành của tất cả các ông Tổng bí thư là đều khiến cho đất nước trở nên… thiếu thốn và đói rách :
Một năm hai thước vải thô
Làm sao che nổi cụ Hồ hỡi em ?
Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại
Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai
Chanh, muối, cam, đường, lạc, đỗ, gạo, khoai
Tất cả những gì người có thể nhai
Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại
(Nguyễn Chí Thiện)
Thời chiến hay thời bình "miếng thịt" cũng đều như thế cả. Có khác chăng là chỉ ở mức độ "vĩ đại" mà thôi. Tuy thế, mãi cho đến khi giữ chức vụ Tổng bí thư lần hai – từ năm 1986 cho đến khi nhắm mắt – Trường Chinh mới biết là "lương của công nhân viên chức chỉ đủ để sống cho mười ngày" và bèn hô hoán : "Phải cứu giai cấp công nhân !".
Trường Chinh qua đời vào năm 1988, một phần ba thế kỷ đã qua, đất nước đã "sang tay" thêm nhiều đời Tổng bí thư (thương dân – yêu nước) khác nhưng giai cấp công nhân vẫn chưa… được cứu. Họ vẫn cứ phải chung đủ "14 loại thuế phí qua một quả trứng gà" y như đám nông dân, hay công nhân viên nhà nước vậy thôi.
Nét đặc thù hay độc đáo của triều đại Nguyễn Phú Trọng là đã tạo ra một giai cấp mới mà ông là… tác nhân chính :
Chiều 18/1/2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa "chế độ công hữu về tư liệu sản xuất" và "quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp", ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội "thiểu số sẽ phục tùng đa số". Nhưng, tháng 5/2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì "chế độ công hữu" với đất đai, "tư liệu sản xuất" quan trọng nhất".
(Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA, 2013).
Từ đó, Việt Nam trở nên một "cường quốc của dân oan". Giới người này vật vạ, la lết, lang thang, vất vưởng trên khắp mọi nẻo đường đất nước hoặc "co dúm thút thít" trong mảnh đất (còn lại) mà diện tích chỉ đủ dựng một túp lều, kỳ dư đã bị thu hồi với giá đền bù "mỗi m2 bằng giá một… cốc bia" – theo như ghi nhận của blogger Đào Tuấn.
Ảnh : FB Nguyễn Thùy Dương
Từ Thủ Thiêm, dân oan Nguyễn Thùy Dương cho biết :
Người đàn ông trong ảnh đang ngủ dưới nền đường nhựa nhỏ. Bà con có biết vị trí đó là ở đâu không ạ ? Đó là trước con đường độc đạo đi vào cổng Thanh Tra Chính Phủ cụm 3 tại thành phố Hồ Chí Minh. Để tôi kể bà con nghe vài kiếp người ở con đường độc đạo ấy.
Có một bà ngoại già hơn 80 tuổi sáng nào cũng đeo tấm bảng đòi nhà hơn chục năm qua. Bà là dân vô gia cư mất nhà do một chính sách chỉ có chính và sách là chính còn chữ tình thì tôi chưa thấy.
Một cô giáo đã nghỉ dạy sẽ ngồi kế bên bà ngoại. Trên ngực cô cũng đeo một tấm bảng đòi nhà, đòi con. Ở chế độ cũ gia đình cô thành lập trường tư thục ngay trên chính mảnh đất của mình. Thống nhất đất nước, chính sách thay đổi. Đất làm trường toàn bộ thuộc đất công. Họ thu hồi đất cô, cô không đồng ý. Một buổi sáng năm 1997 trong lúc cô đang dạy học. Họ kéo rất đông đến nhà cô cưỡng chế. Con trai cô lên 9 tuổi bị bệnh nên nằm nghỉ ở nhà. Họ vẫn mặc đứa trẻ, họ lao vào cưỡng chế. Đứa trẻ sợ quá lên cơn co giật đến khi mẹ về nó đã nằm đó. Người nó nóng ấm dịu trên tay mẹ. Cô ôm con gào thét. Họ vẫn cưỡng chế. Họ đền nhân mạng đứa nhỏ vài chục triệu rồi lấy nhà. Hơn 20 năm nếu đứa trẻ ngày ấy còn sống có lẽ đã trở thành một thanh niên vạm vỡ làm chỗ dựa cho mẹ già.
Câu nói của cô từng ám ảnh tôi :
- Sao họ không giết cô chết luôn để cô sống chi mà đau khổ vậy ? Cô muốn ôm con cô.
Tôi cười với cô, nói : Cô ôm con một cái được không ?
Cô ôm tôi rồi khóc, tôi vừa dỗ cô cũng vừa khóc. Cảm giác mình bất lực đến tận cùng…
Thỉnh thoảng có một cô người đen đủi đội nón lá, ngực đeo tấm bảng trình bày nỗi oan khuất. Cô bị cướp đất, bỏ tù. Ra tù về đất mất, vô gia cư. Cô ngày chửi, trưa chửi, tối chửi. Vừa đi nhặt ve chai kiếm đồng tiền đắp đổi. Muốn biết lòng người lãnh đạo hãy nhìn số lượng dân oan sẽ rõ. Đừng hỏi ai yêu nước, ai không ?
Khi Lenin nói rằng lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại – xem chừng – chính y cũng không thể ngờ được rằng tác phẩm bất hủ (Chủ nghĩa Marxist Leninist vô địch muôn năm) của mình sẽ tạo ra một cái cơ chế "ghế ít đít nhiều" nên cái đít nó nhớ cái ghế, thế thôi, chứ có thằng (hay con) mả mẹ nào có nhiệt tình hay nhiệt huyết gì ráo trọi.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 08/12/2019 (tuongnangtien's blog)
Hơn 20 giờ tối ngày 20/8, bản tin trên đài truyền hình quốc gia cộng sản Việt Nam cho biết, ông Trần Quốc Vượng đã được diện kiến Chủ tịch nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình. Tiếp đó, ông còn hội đam với Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Trung Cộng. Chuyến sang thăm Trung Quốc của ông Vượng khiến dư luận đặt ra câu hỏi : Mục đích của chuyến đi là gì ?
Trong khi lãnh đạo cộng sản Việt Nam gặp Tập Cận Bình thì ngoài khơi, ngư dân Việt trở thành nạn nhân của "tàu lạ". Ảnh : Dân Trí
Theo đài truyền hình quốc gia cộng sản Việt Nam, việc ông Vượng sang thăm Trung Quốc là theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao giữa hai đảng, nhưng không rõ những thỏa thuận này đã có trước đó hay đây là chuyến đi đột xuất vì những biến động chính trị trong nước cũng như quốc tế trong thời gian qua. Mặc dù từ ngày 19/8, ông Trần Quốc Vượng đã lên đường sang thăm Trung Quốc, nhưng mãi đến tối ngày 20/8, đài truyền hình mới loan tin chuyến thăm này.
Cho dù không nằm trong "tứ trụ" quyền lực, nhưng xếp về vai vế trong đảng cộng sản Việt Nam, ông Vượng là người chỉ đứng sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ khi được Nguyễn Phú Trọng đưa vào Bộ Chính trị, cho nắm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trần Quốc Vượng đã trở thành tay sai đắc lực trong việc thanh trừng những lãnh đạo đối lập. Đã có thời điểm mỗi khi ông Vượng đăng đàn là có ít nhất vài cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Với việc Đinh Thế Huynh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam, cựu Thường trực Ban bí bị thất sủng, ông Vượng còn kiêm nhiệm luôn cả chức vụ này. Như vậy, phần nào cho thấy rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn sẵn người kế nhiệm cho mình trong nhiệm kỳ sau.
Còn nhớ, trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội XII, dù tuổi tác đã cao nhưng để nắm chắc phần thắng, ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng chiêu Tổng bí thư "phải là người miền Bắc và có lý luận". Chính nhờ vào điểm này mà ông được tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhìn vào "tứ trụ triều đình" hiện nay, ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắc sẽ về hưu trong nhiệm kỳ tới thì chỉ còn lại 3 ứng cử viên. Đó là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Phúc là người gốc Quảng Nam, còn bà Ngân là người Bến Tre. Theo truyền thống lâu nay, người miền Nam không thể làm tổng bí thư thì ứng cử viên sáng giá nhất là ông Trần Đại Quang. Tuy nhiên, trong cuộc thanh trừng mà Nguyễn Phú Trọng khởi xướng gần đây khiến mười mấy viên tướng công an, người bị kỷ luật, kẻ bị vào tù chắc chắn ông Quang phải dính líu đến trách nhiệm. Vì tất cả những sai phạm của các tướng công an đều nằm vào nhiệm kỳ 2011-2016, thời điểm mà ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Công an. Hay nói khác hơn, việc thanh trừng, xử lý các tướng công an là nhằm bít lối lên làm tổng bí thư của ông Trần Đại Quang.
Hơn nữa, ông Trần Đại Quang liên tiếp không xuất hiện trên truyền hình quốc gia, trên truyền thông trong nước rất nhiều lần với khoảng thời gian rất dài. Các tin đồn được tung ra cho biết ông đã phải sang Nhật Bản điều trị căn bịnh ung thư. Và khi trở về ông Quang trở nên hốc hác, già nua. Trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam cho thấy, rất nhiều ứng cử viên tổng bí thư đã phải ôm hận thất thủ trước những tin đồn về sức khỏe của mình. Ông Trần Đại Quang chắc chắn cũng không ngoại lệ. Với những sai phạm trong thời kỳ làm Bộ trưởng công an cũng như tình hình sức khỏe cho thấy rằng, ông Trần Đại Quang đã không còn "cửa" để ngồi vào ghế tổng bí thư.
Ông Trần Đại Quang là người miền Bắc (gốc Ninh Bình) là ứng cử viên sáng giá, nhưng lại mắc nhiều sai phạm, trong khi cả Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân lại là người miền Nam (tính từ vỹ tuyến 17 trở vào) cho thấy cả ba người này đều không thể trở thành ứng cử viên cho chiếc ghế tổng bí thư, mà người sáng giá nhất hiện nay chỉ có thể là Trần Quốc Vượng.
Giới quan sát cho rằng, việc ông Nguyễn Phú Trọng cử Trần Quốc Vượng sang thăm Trung Quốc như là để giới thiệu "thiên triều" người được chọn để ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, trong cuộc thanh trừng nội bộ Nguyễn Phú Trọng đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Trung Cộng nên ông cử Trần Quốc Vượng sang Trung Quốc nhằm gia tăng trợ giúp từ phía Tập Cận Bình.
Mặt khác, lá cờ "chống tham nhũng" do Nguyễn Phú Trọng giương lên, mà mục đích là thanh trừng phe phái đã khiến cho ông ngày càng có nhiều kẻ thù. Bên cạnh đó, uy tín của ông trong đảng đang xuống thấp vì vụ bê bối liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Các đối thủ của ông đã tận dụng điểm yếu này nhằm hạ uy tín của Nguyễn Phú Trọng. Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức chỉ nhằm chứng minh sức mạnh, quyết tâm của Nguyễn Phú Trọng trong việc "chống tham nhũng", nhưng ông không ngờ rằng những hệ lụy của nó mang lại vô cùng ghê gớm.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra thị trường chứng khoán ở Việt Nam liên tục chao đảo, giá cổ phiếu liên tục rớt giá. Cho đến nay, Việt Nam đã mất đến vài chục tỷ Mỹ kim. Đang trong thời điểm khó khăn, eo hẹp về kinh tế, lại liên tục bị các chủ nợ quốc tế đòi tiền, trong khi không thể tìm đâu ra được các khoản vay mới, một số ý kiến nhận định, chuyến thăm của ông Trần Quốc Vượng có thể xin được viện trợ hoặc tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ khởi xướng.
Trong khi Trần Quốc Vượng sang thăm Trung Quốc thì trên Biển Đông, vào 4 giờ sáng ngày 20/8, tàu cá mang số hiệu BDD31052 (Bình Định) do ông Nguyễn Văn Tâm (48 tuổi, thôn Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) đã bị "tàu lạ" đâm chìm tại vùng biển chỉ cách thành phố Vũng Tàu 7 hải lý. Cũng như mọi lần, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam không dám thẳng mặt chỉ rõ kẻ đã đâm chìm tàu cá của ngư dân, bỏ mặc 6 thuyền viên lênh đênh trên biển là ai. Song, người dân trong nước thừa hiểu "tàu lạ" là nước nào.
Đã như thành lệ, mỗi khi có lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Trung Quốc thì tàu cá của ngư dân Việt Nam lại bị đâm chìm trên biển. Qua điều đó Trung Cộng muốn cho thấy rằng, cho dù có cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo cấp cao, nói với nhau những lời đường mật, nào là hữu nghị, láng giềng tốt nhưng họ rất cương quyết trong các tranh chấp trên Biển Đông.
*******************
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : ‘đạt hàng loạt đồng thuận’ với ông Trọng (VOA, 21/08/2018)
Chiều ngày 20/8, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ‘vun đắp’ cho mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh.
Ông Trần Quốc Vượng và ông Tập Cận Bình, ngày 20/8/2018. (Photo Vnews.gov.vn)
Tân Hoa Xã hôm 21/8 loan tin rằng tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp ông Trần Quốc Vượng, thông báo cho nhà lãnh đạo của Việt Nam rằng "hiện đang diễn ra những thay đổi phức tạp và sâu sắc liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực".
Ngoài ra, cũng theo Tân Hoa Xã, ông Tập còn phát biểu rằng giữa ông và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã "đạt được một loạt sự đồng thuận quan trọng về việc tăng cường quan hệ giữa hai bên và hai nước".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tháng 11/2017.
Ông Tập còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Hà Nội về các cuộc hội thoại chuyên sâu bàn về các vấn đề tổng thể và chiến lược, cũng như "tăng cường các hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương" để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không nêu rõ các "hướng dẫn chính trị" mà hai bên có kế hoạch bàn thảo là gì.
Trang ECBS của Trung Quốc trích lời ông cho biết ông hy vọng rằng "việc phát triển chung trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước sẽ đạt được tiến bộ trong một ngày không xa". Ngoài ra, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam cần quản lý hiệu quả sự khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn.
Truyền thông Việt Nam cho biết, tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Vượng đề nghị hai bên "tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai nước ; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước".
Trang VOV cho biết ông Trần Quốc Vượng đang thăm Trung Quốc 5 ngày từ ngày 19 đến ngày 23/8.
https://youtu.be/dTFbow3v3w4
******************
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định '4 tốt' với Việt Nam (RFA, 21/08/2018)
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đón tiếp ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, vào chiều ngày 20 tháng 8.
Ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Trần Quốc Vượng vào chiều ngày 20/08/18 - Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn
Tin cho biết tại buổi gặp gỡ, ông Tập nhấn mạnh về tình hình khu vực và quốc tế đang có thay đổi sâu sắc và phức tạp, do đó mối quan hệ song phương và cùng ý thức hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội cũng như là thách thức. Ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam qua các cuộc thảo luận thoại chuyên sâu về những vấn đề tổng thể và chiến lược, đồng thời tăng cường hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc nhắc đến năm 2018 đánh dấu 10 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam theo phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’.
Ông Tập cũng lên tiếng hai nước sẽ tiếp tục đối thoại và tham vấn, quản lý sự khác biệt, đảm bảo rằng sự phát triển chung về lãnh hải sẽ sớm đạt được tiến bộ đáng kể và Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về xây dựng đảng, tiếp tục thúc đẩy trao đổi với nhau và nâng cấp khả năng quản trị của cả hai phía.
Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội 19 và Kỳ họp thứ nhất Nhân đại và Chính hiệp toàn quốc khóa 13.
Tin cũng nói Ông Trần Quốc Vượng đánh giá cao tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc và khẳng định chính sách ngoại giao hàng đầu của Việt Nam là phát triển mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Trần Quốc Vượng nói rằng Việt Nam sẵn sàng làm việc với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển bền vững trong hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bên cạnh buổi gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trần Quốc Vượng còn có các cuộc làm việc với một số cơ quan thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề được nói hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cùng quan tâm.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Trần Quốc Vượng diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng 8.
Đợt công du "cấp nhà nước" của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ở Pháp, Cuba vừa kết thúc và dư âm của đợt công du này vẫn đang làm dư luận Việt Nam rúng động.
Trang 11 của báo Le Monde là trang quảng cáo. Cả chân dung ông Trọng lẫn bài viết của ông về "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp" thuộc dạng "cậy đăng" và tự nguyện trả phí.
Diễn Đàn – website do những người Việt cư trú tại Pháp sáng lập và điều hành – kể rằng, chẳng có cơ quan truyền thông nào của Pháp đề cập đến sự kiện ông Trọng sang thăm Pháp "theo lời mời của tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron" như hệ thống truyền thông Việt Nam đã quảng bá.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến Pháp vào chiều 25 tháng 3, chiều 26 tháng 3, nhật báo Le Monde dành trọn trang 11 đăng chân dung ông Trọng, kèm bài viết với chú thích "Một diễn đàn của Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhân chuyến thăm Pháp".
Vì không rành, người Việt sống ở bên ngoài nước Pháp thấy thế thì biết thế nhưng xui cho ông Trọng là những người Việt cư trú tại Pháp như các vị điều hành website Diễn Đàn thì biết rất rõ : Trang 11 là trang quảng cáo. Cả chân dung ông Trọng lẫn bài viết của ông về "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp" thuộc dạng "cậy đăng" và tự nguyện trả phí. Chi phí cho việc quảng bá tên tuổi của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được Diễn Đàn ước tính khoảng 4 tỉ đồng Việt Nam !
Một độc giả của Diễn Đàn có nick name là D.M không đồng tình với cách ước tính của Diễn Đàn vì Diễn Đàn mới chỉ tính giá bán quảng cáo trang 11 của Le Monde (147.900 Euros), trong khi trên thực tế, phía đăng quảng cáo không thể trốn 20% thuế VAT (29.580 Euros) đối với quảng cáo này. Thành ra nếu tính đúng, tính đủ, chi phí mà ngân sách Việt Nam phải chi cho việc quảng bá tên tuổi của ông Trọng lên tới 177.480 Euros. Quy đổi theo hối suất hiện hành thì khoản này chừng 5 tỉ đồng Việt Nam (1).
Phát hiện của Diễn Đàn khiến hàng chục triệu dân đen xuýt xoa, tiếc rẻ. Họ đem 5 tỉ đồng chi cho chuyện quảng cáo tên tuổi của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam so với chi phí xây trường, bắc cầu, dựng nhà để tính xem chúng tương đương với bao nhiêu ngôi trường, cây cầu ở vùng sâu, vùng xa và những căn nhà tình thương mà vô số người nghèo đang chờ được hỗ trợ.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – nhân vật đang được ca ngợi như một lãnh tụ anh minh - từng tuyên bố rất dõng dạc từ lâu, ở nhiều nơi, với nhiều người rằng "chỉnh đốn Đảng" không đơn thuần chỉ là chống tham nhũng mà phải chống cả lãng phí, lẫn "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Ai cũng hiểu tham nhũng, lãng phí là gì song ngữ nghĩa của "tự diễn biến, tự chuyển hóa" theo cách mà Tổng Bí thư và giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lên án thì hết sức phức tạp, dài dòng. Nói một cách tổng quát, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" là thay vì phải "đỏ" thì cán bộ, đảng viên "tự đổi màu" vì "tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,… do suy thoái từ bên trong". Tổng Bí thư và giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã từng xác định những dấu hiệu của "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Trong số những dấu hiệu này có "vị kỷ", "đề cao tư lợi", "tự mãn", "nói nhiều, làm ít".
Sáu năm trước, hồi tháng 10 năm 2012, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh sự "xót xa" khi lãng phí tràn lan trong bối cảnh quốc gia, dân chúng đối diện với đủ thứ khó khăn (2). Đúng năm năm sau, hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định, "lò" chống tham nhũng, lãng phí đã "nóng" và tất cả phải "vào cuộc", rằng giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ mạnh tay hơn chứ không chỉ "đánh từ vai trở xuống" (3).
Nếu Tổng Bí thư thật sự anh minh, thật sự "xót xa", xem lãng phí nguy hại như tham nhũng, cương quyết chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa", không tha thói "vị kỷ", "tư lợi", "tự mãn" và "nói sao, làm vậy" chứ không "nói nhiều, làm ít" thì dứt khoát ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thành… tro vì làm công quỹ thâm hụt 5 tỉ và làm uy tín của Đảng sút giảm nghiêm trọng.
Nếu Tổng Bí thư tận tâm, tận lực "chỉnh đốn Đảng" để khôi phục lại niềm tin của toàn dân đối với Đảng cộng sản Việt Nam cho nên sẽ đánh cả phía trên… vai thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị chẻ làm nhiều mảnh để thảy vào "lò" thêm nhiều lần nữa. Năm 2011, khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của BCH TƯ Đảng khóa 11, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từng nhấn mạnh "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị" là một trong ba "vấn đề cấp bách, cần làm ngay" (4) song từ đó đến nay, chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng – nhân vật đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam suốt bảy năm vừa qua – bị truy cứu trách nhiệm khi để những thành viên cao cấp của tổ chức chính trị do ông đứng đầu gây ra đối với chính trị, kinh tế, xã hội. Tha ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư – người đốt lò – có xứng với hai chữ… "vĩ đại" ?
Nếu Tổng Bí thư "trượng nghĩa" như một "hào kiệt", ông Nguyễn Phú Trọng ắt sẽ bị thảy vào lò vì vi hiến, lăng mạ thể chế "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa".
Dẫu xác định Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối thể chế chính trị tại Việt Nam, song Hiến pháp Việt Nam minh định, đây là sự lãnh đạo về chủ trương, đường lối, Đảng cộng sản Việt Nam không giẫm đạp lên nhà nước, chính phủ. Những chuyến công du "cấp nhà nước" càng ngày càng nhiều của ông Trọng sổ toẹt Hiến pháp. Chúng không chỉ gây tốn kém mà còn góp phần chứng minh, luật pháp ở Việt Nam là một mớ giấy lộn. Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ là bù nhìn. Đảng cộng sản Việt Nam vừa đào mồ chôn thể chế quân chủ, vừa dựng dậy một dạng quân chủ chuyên chế khác. Không tế cáo trời đất để xưng vương nhưng người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam chính là một loại… vua. Chỉ là người đứng đầu một tổ chức chính trị, không do dân cử nhưng vua vẫn điềm nhiên nhân danh quốc gia, dẫn quần thần chu du khắp thiên hạ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/03/2018
Chú thích :
(1) https://www.diendan.org/giot-muc-giot-doi/phu-trong-quen-thoi-boc-roi
(2) http://vov.vn/chinh-tri/dang-nha-nuoc-quyet-tam-chong-tham-nhung-lang-phi-228717.vov
(4) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vai-tro-bi-thu-trong-cong-tac-can-bo-55220.html
Nguyễn Phú Trọng chính thức tuyên bố gạt Đinh Thế Huynh khỏi chức vụ thường trực Ban bí thư và cho đệ tử thân tín của mình là Trần Quốc Vượng nắm chức vụ này, Vượng còn đang giữ chức chủ nhiệm kiểm tra trung ương. Đây là trường hợp hiếm hoi hai suất trong Bộ chính trị do một người nắm giữ. Điều này khiến cho Trần Quốc Vượng có thêm rất nhiều quyền lực, Vượng mới vào Bộ chính trị được hơn 2 năm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm và thăm nơi ở, làm việc của Bác Hồ tại Nhà 67, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch - Ảnh: TTXVN
Từng giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Vượng có trong tay nhiều hiểu biết về các vụ đại án, năm 2011 khi làm tổng bí thư, Trọng đã đưa Vượng về làm trợ lý cho mình với chức chánh văn phòng trung ương đảng. Mục đích của Trọng lấy Vượng làm hạt nhân để thanh trừng các đối thủ tranh chấp quyền lực với Trọng. Trong âm mưu ấy, Trọng tiếp tục đưa Vượng vào Bộ chính trị để nắm những chiếc ghế quan trọng có điều kiện thực hiện mưu đồ này.
Việc đưa Vượng giữ chức thường trực Ban bí thư, Trọng đã hoàn tất nắm ban này trong tay. Để cho chắc ăn, Trọng bổ sung thêm hai người Nghệ An là Trạc và Thắng về ban này để tăng thêm lá phiếu ủng hộ mình trong mọi quyết định.
Song song với việc đưa Vượng thay Đinh Thế Huynh giữ Thường trực ban bí thư, Trọng còn đưa Nguyễn Xuân Thắng, người mà Trọng mới đưa gần đây vào Ban bí thư để nắm ghế Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương. Những người trước đây giữ ghế Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương đều là ủy viên Bộ chính trị, như vậy có thể dễ dàng đoán trong tương lai tới đây Nguyễn Xuân Thắng sẽ được Trọng đưa vào Bộ chính trị.
Đến lúc này câu hỏi mà Trung ương đảng chờ đợi ở Nguyễn Phú Trọng nhất, đó là Trọng giới thiệu người kế nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng. Chưa định ra được người kế nhiệm, có nghĩa Nguyễn Phú Trọng chưa muốn về hưu, mặc dù đã sang tuổi 74. Diễn biến các nước độc tài có quan hệ với Việt Nam như Nga, Trung Quốc đang có dấu hiệu những kẻ đứng đầu chế độ như Putin và Tập Cận Bình thiết kế chính sách để tiếp tục ở lại nắm quyền, là dấu hiệu tốt cho Nguyễn Phú Trọng thực hiện dự định tiếp tục ở lại.
Cho đến lúc này thì mọi điều kiện trong và ngoài đều thuận lợi cho Nguyễn Phú Trọng, không những ở lại hết nhiệm kỳ mà có thể còn ở lại luôn nhiệm kỳ thứ ba. Nếu như Putin và Tập còn tìm cách chỉnh sửa điều lệ, hiến pháp, chế định thì Nguyễn Phú Trọng đã táo tợn hơn các đàn anh của mình, khi trắng trợn tuyên bố việc mình ở lại là "trường hợp đặc biệt".
Tất cả những kẻ có điều kiện kế nhiệm Trọng ở hàng thứ nhất đều đã bị đánh bật, bởi Trọng liên tiếp ra những quy định nhằm vào họ chẳng hạn như vấn đề lý lịch, trình độ lý luận, sức khoẻ… khiến ba kẻ ở hàng thứ nhất có thể kế nhiệm chức tổng bí thư phải vỡ mộng. Đó là Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc.
Tiếp đến Trọng đôn ba kẻ mới lên và gieo vào đầu họ tham vọng sẽ làm tổng bí thư như Phạm Minh Chính, Trần Quốc Vượng và bây giờ là Nguyễn Xuân Thắng. Việc Thắng làm tổng bí thư còn xa vời, nhưng Thắng giữ chức chủ tịch hội đồng lý luận là cản trở cho những nhân tố khác, vì nghiễm nhiên yếu tố có lý luận đã thuộc về một kẻ còn lâu mới tới vị trí kế nhiệm tổng bí thư.
Việc chia cho mỗi người một lợi thế, và cũng để cho mỗi người một yếu điểm, tạo ra một số đông những kẻ như thế, khiến chúng luôn nhòm ngó, nhăm nhe hại nhau để không kẻ nào ngoi lên được. Đó là biện pháp tài tình tạo thành sức mạnh quyền uy của Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây các ứng cử viên chức Tổng bí thư luôn phải canh chừng nhau, sẵn sàng tố cáo nhau để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Tất cả đều phải lấy lòng Trọng, bởi mếch lòng sẽ bị Trọng vạch ra những điểm yếu và thành con mồi cho các đối thủ cạnh tranh khác cắn xé.
Sự tập trung quyền lực vào đảng là một chiêu bài để Nguyễn Phú Trọng tập trung quyền lực vào tay mình, nó đặc trưng cho bản chất của người Bắc già và cổ hủ, như những ông cụ, ông bố trong gia đình hay trong làng xã. Nền dân chủ bị bóp nghẹt không những ngoài xã hội, mà ngay cả trong nội bộ đảng cũng không còn dân chủ, chỉ có một nỗi khiếp sợ, e dè trước một lão tổng bí thư điên khùng, sẵn sàng chơi tới chết những kẻ nào dám đụng chạm đến quyền uy của lão.
Trong vài năm tới, chế độ cộng sản do Nguyễn Phú Trọng độc tài cai trị sẽ rất vững mạnh. Nhưng về sau này đây cũng là điểm yếu, vì quyền lực cộng sản tập trung trong tay một cá nhân, khoảng cách giữa cá nhân ấy với các đồng chí của mình khá xa, nếu như Nguyễn Phú Trọng chết giữa chừng do tuổi tác cao trong khi vẫn trên cương vị tổng bí thư, cuộc chiến tranh giành quyền lực độc tôn trong đảng cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra cực kỳ khốc liệt, thậm chí có thể dẫn đến tan rã đảng cộng sản. Trường hợp trước kia Lê Duẩn chết, lúc đó Trường Chinh còn ít nhiều có được sự cả nể trong trung ương để tạm thời tiếp quản chiếc ghế mà Duẩn để lại, giúp cho trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có thời gian sắp xếp tìm nhân sự và hướng đi.
Với kiểu xây dựng hình ảnh cá nhân, độc tài quyền lực như minh quân, lãnh tụ tối cao mà Trọng đang dành cho mình, cũng chính là Trọng đang đào hố chôn Đảng cộng sản Việt Nam vào một ngày không xa, khi mà y chết đi.
Nhưng chắc hẳn Trung Quốc sẽ không để Việt Nam xáo trộn vì không có người kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Sau khi Tập Cận Bình sửa được hiến pháp để ngồi thêm, với tuổi tác của Nguyễn Phú Trọng không biết sống chết bao lâu, Trung Quốc sẽ ép Trọng chọn người kế nhiệm để đảm bảo cho Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại làm chư hầu cho mình.
Thế nên, thời điểm bây giờ Nguyễn Phú Trọng đột tử, khi chưa đặt ra người kế nhiệm, khi Tập Cận Bình chưa quyết định xong việc ở lại, việc Nguyễn Phú Trọng đột tử có thể là cơ hội lớn để Việt Nam thay đổi thoát khỏi Trung Quốc cũng như ách cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 09/03/2018
Các vụ xử đại án đang làm lu mờ một tin rất hệ trọng và nghiêm trọng. Đó là mở đầu năm mới 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Quân ủy trung ương quyết định cử đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel, làm phó tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng, kèm theo thông tin lực lượng này có 10.000 tinh binh, mang tên "Lực lượng 47". theo hình ảnh của khẩu súng AK47, khẩu súng lợi hại nhất của bộ binh trong chiến tranh.
Cuộc đấu tranh trên không gian mạng ngày càng mở rộng, mang dấu ấn tất yếu của thời đại kỹ thuật truyền tin hiện đại, bén nhạy.
Quyết định trên mang ý nghĩa gì ?
Trước hết, cuộc đấu tranh trên không gian mạng ngày càng mở rộng, mang dấu ấn tất yếu của thời đại kỹ thuật truyền tin hiện đại, bén nhạy.
Cuộc đấu tranh chính nghĩa chống độc đoán phi dân chủ, đòi nhân quyền và dân chủ của toàn thế giới lên cao. Trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, các nước Indonesia, Malaysia, Nam Hàn, Đài Loan… đều chuyển từ chế độ độc đoán sang dân chủ một cách sâu sắc, trong hòa bình, làm nên những thần kỳ về kinh tế. Ở Việt Nam, mấy năm nay phong trào đòi dân chủ và nhân quyền có bước phát triển rõ rệt. Đây là nét son tươi thắm đẹp nhất của tình hình chính trị nước ta, những thành tựu đáng trân trọng nhất.
Người dân nước ta quen phục tùng trong thời chiến đã bắt đầu mở miệng, tự tin, nói lên suy nghĩ của chính mình. Chính quyền tỏ ra sợ Trung Quốc bành trướng, cả nể, phục tùng nhượng bộ chúng thì nhân dân càng tỏ ra khinh thường, chống đối và lên án mạnh mẽ, bằng những cuộc xuống đường đông đảo.
Chưa bao giờ nước ta có đến hơn 40 tổ chức xã hội dân sự phong phú, tồn tại vững chắc, từ tổ chức cựu Tù nhân chính trị, Hội Nhà báo độc lập, Văn đoàn độc lập, hội Luật sư chuộng Công lý, hội các Tôn giáo và Liên tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo), các mạng Dân làm báo, Dân Luận, Đối thoại, Đàn Chim Việt, Tiếng Dân…, các Câu lạc bộ tự do, các blogger tự do.
Nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp và đảng viên thường thoát đảng, ra đảng, bỏ sinh hoạt đảng, lên tiếng chống lại đường lối và chính sách giáo điều cổ hủ.
Vai trò chăn dắt dân chúng của Ban tuyên giáo trung ương bằng báo chí, loa đài ngày càng trở nên vô duyên, người dân tin ở các mạng truyền thông tự do lề trái hơn là 700 tờ báo và 60 đài lề phải của Nhà nước, nhạt nhẽo, chung một nội dung nhàm chán, nói theo công thức.
Chính do bộ máy tuyên huấn của đảng tỏ ra bất lực một cách thê thảm và nguy hiểm cho đảng mà đầu năm nay, Tổng bí thư và Bộ Chính trị cùng Quân ủy trung ương giật mình, bỗng nảy ra sáng kiến thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến mạng, chuyển trách nhiệm lãnh đạo cuộc đấu tranh tư tưởng trong xã hội từ Ban Tuyên giáo sang cho Quân đội đảm nhận.
Một thủ lĩnh của Viettel được giao nhiệm vụ này, khi Viettel hiện nguyên hình là một tổ chức cướp đất của dân Đồng Tâm/Mỹ Đức, một tổ chức viễn thông của bộ Quốc phòng, một ổ tham nhũng cực lớn, lấn át chức năng thông tin viễn thông của bộ Thông tin truyền thông để kiếm lợi lớn chia nhau.
Đối tượng tác chiến của cái Bộ Tư lệnh mạng này là ai ? là toàn dân đang khao khát dân chủ và tự do vì ngày càng thấy mối nhục thua kém xa các nước láng giềng về đủ mọi mặt là do chế độ độc đảng quá lỗi thời, do một tổng bí thư già nua, kiên định những điều lẽ ra phải từ bỏ từ lâu, như kiên định chủ nghĩa Mác – Lê, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định lấy quốc doanh làm chủ đạo, kiên định chính sách "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý", những kiên định ấy chính là nguồn gốc của mọi bất công, đói nghèo, lạc hậu.
Vậy cuộc chiến trên mạng sắp đến sẽ quyết liệt ra sao ? Cuộc hỗn chiến sẽ diễn ra trên các bàn phím máy điện toán ngày càng phổ cập. Quân đội Nhân dân, nay do đảng bắt phải cắt bỏ hai chữ Nhân dân, chỉ còn là quân đội của đảng, do đảng chỉ huy để chống lại khát vọng dân chủ nhân quyền của nhân dân.
Trong thời gian tới, trọng điểm cuộc đấu tranh sẽ diễn ra trên bàn phím, trên một mặt trận ảo, nhưng bên chính nghĩa, bảo vệ độc lập, tư do, dân chủ của nhân dân, dựa vào chân lý, sự thật sẽ thắng to, thắng đậm, bên độc đảng, độc đoán, đi ngược lòng dân, lừa dối và tham nhũng giáo điều… sẽ thất bại hoàn toàn.
Trong bế tắc, ông Tổng bí thư và Quân ủy trên thực tế đã xóa bỏ Mười lời thề danh dự của Quân Đội Nhân Dân, quân đội của dân, do dân, vì dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, cưỡng bức quân đội chống lại nhân dân, họ sẽ thất bại.
Kết quả ra sao của chủ trương mới này, đã có thể thấy rõ, đó là qua cuộc đọ sức thực tế, quân đội sẽ ngày càng nhận ra lẽ phải và gắn bó hơn với nhân dân, với bà con quê hương mình, với các tổ chức xã hội dân sự, sẽ ngày càng nhận ra sự lừa dối phi nghĩa của đảng, vì 10.000 nghìn tên bộ đội tác chiến phá mạng của cái Lực lượng 47 chỉ là một lũ kiêu binh mù quáng, vì chống lại chúng, nhân dân có hàng triệu tay nam nữ thanh niên trí thức am hiểu sâu kỹ thuật, làm chủ máy tính hiện đại, hàng triệu email, hàng triệu Facebook, hàng vạn blogger tinh nhuệ. Lực lượng lành mạnh này dám thách thức lực lượng 47 mở cuộc điều tra công khai công luận xem trong nhân dân còn có bao nhiêu người còn tin ở chủ nghĩa Mác- Lê, còn tin ở Chủ nghĩa xã hội viển vông, ở chế độ độc đảng phi dân chủ? Họ không dám làm thì tự các tổ chức xã hội công dân sẽ có thể làm một cách công khai đàng hoàng, khoa học.
Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Số lượng và chất lượng đấu tranh trong cuộc chiến ảo lý thú và hệ trọng này thuộc về phía nhân dân.
Không có gì liều và dại bằng tuyên chiến với toàn dân đang thức tỉnh đòi dân chủ, nhân quyền một cách kiên trì và quyết liệt.
Bùi Tín
Nguồn : VOA tiếng Việt, 19/01/2018
Mẹo vặt
Hội nghị trung ương 6 kết thúc buồn tẻ. Bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư rời rạc, trống rỗng. Chuyện kiểm điểm tình hình kinh tế là chuyện muôn thuở, chả phải đợi đến Hội nghị trung ương để thảo luận, mà có đến Đại hội lần sau, thì cũng chỉ có "ba khâu đột phá", nhưng chẳng làm được gì khác. "Định hướng" nhưng lại muốn thiên hạ nhận là "Thị trường", có đến vài ngàn Hội nghị trung ương nữa thì vẫn vậy.
Thâu tóm quyền lực, tập trung khả năng điều hành trực tiếp, tạo dựng các công cụ trấn áp, nhưng được tiến hành một cách mờ ám, quanh co. Rõ ràng, đây là hành vi của người có động cơ đen tối.
Giữa lúc ngân sách thiếu hụt triền miên, "nợ công nếu tính đủ đã vượt trần", nền tài chính quốc gia có triệu chứng sụp đổ, chuyện bảo vệ và chăm sóc sức khỏe dân chúng chỉ là chuyện nói cho vui, lừa bịp mị dân hoặc tung khói che đậy việc gì đó khuất tất, kiểu dương Đông kích Tây.
Nội dung chính, nội dung chủ yếu được Bộ chính trị giao thành "Đề án để báo cáo Hội nghị trung ương 6" từ tháng 10 năm 2016 là đề án "cải cách tổ chức nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả sự lãnh đạo của đảng" mà nhiều người gọi toạc ra tên của nó là "Nhất thể hóa thể chế", loại bỏ các tầng nấc trung gian, đưa đảng tới trực tiếp với quyền lực. Nhưng cuối cùng lại được đưa vào chương tình ở vị trí thứ tư, với cái tên "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" như một việc xưa nay vẫn đang làm, chả mấy quan trọng, và được ghép thêm vào chương trình, như kiểu tiện thể, tranh thủ.
Trong lời bế mạc, ông Trọng cũng nói lấp lửng : "...Ví dụ như : Kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức lại Đảng bộ ngoài nước và Đảng bộ Bộ ngoại giao. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân ; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp. Các bộ, cơ quan thuộc chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp…".
"Cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch huyện, xã". Đây chính là linh hồn của đề án Nhất thể hóa, nhưng lại chỉ được nhắc đến như một việc vặt trong hàng loạt công việc khác, thậm chí rất quan trọng, như việc "Kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ".
Hội nghị trung ương 6, với nội dung chờ đợi là Hội nghị Nhất thể hóa, đã bị biến dạng. Người ta đã tưởng ông Trọng thất bại. Nhưng không. Cho dù Nhất thể hóa đợt này mới chỉ hai phần, nhưng là hai phần mấu chốt, hai phần quyết định. Nó chứa đựng một cuộc cải cách có thể làm đảo lộn bản chất chế độ. Ông Trọng đã "dụng mẹo" để vẫn đúng như ý mà không hề nói đến hai chữ "nhất thể", vì hai chữ này đã bị lộ là chiến dịch đảng tràn sang chính quyền.
Sẽ không còn Hội Đồng nhân dân
Dù ông Trọng lập lờ với những từ "những gì đã chín", "ở những nơi đủ điều kiện", nhưng ai cũng biết, khi đã đưa vào kết luận của Hội nghị trung ương, thì tính chính danh đã đượic giải quyết. Những gì sẽ xảy ra tới đây, coi như trung ương đã nhất trí.
Tới đây, bí thư cấp ủy, nghĩa là từ tỉnh ủy, thành ủy sẽ đương nhiên là chủ tịch Hội Đồng nhân dân - một loại cơ quan giống như Quốc hội nhưng của địa phương. Đại biểu của dân không phải bầu ra chủ tịch hội đồng của mình nữa. Cho dù dưới chế độ dân chủ giả hiệu, Hội đồng thực chất chỉ là vật trang trí, bù nhìn, nhưng bây giờ, ngay cả việc khoác chiếc áo giả dân chủ ấy cũng thành thứ khó chịu, nó làm cho đảng cứ phải qua ông Hội đồng mới nắm nà nắn được chính quyền.
Từ nay, quyết định của bí thư không phải là đề nghị Hội đồng xem xét và bỏ phiếu nữa. Nghĩa là cơ cấu các cơ quan hành pháp của chính quyền địa phương, từ chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban tới các Ban, Sở, sẽ do bí thư trực tiếp bổ nhiệm, phân công hoặc chỉ định. Cũng có nghĩa rằng, nếu chủ tịch Ủy ban nhân dân buộc phải là một người khác bí thư, thì quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay bí thư, vì đã bổ nhiệm được thì phế truất được, đó là quy tắc. Ông chủ tịch theo cơ cấu là phó bí thư, nguyên tắc tập trung dân chủ không cho phép ông làm khác nghị quyết hay chỉ thị của bí thư, một dạng nghị quyết "sống", nghị quyết chưa được viết thành văn bản.
Hội đồng nhân dân cấp Huyện, Xã xưa nay chỉ để làm vì, bầu ra chỉ để có người ngồi chơi ăn lương, hầu hết các địa phương dù không tuyên bố nhưng trên thực tế đã từ lâu, không còn hoạt động.
Như vậy, sau Hội nghị trung ương 6, một tầng nấc trung gian giữa đảng và chính quyền từ cấp tỉnh trở xuống sẽ chính thức biến mất. Sẽ không có chuyện đảng ủy cấp tỉnh phải đề cử cán bộ và giới thiệu qua Hội đồng nhân dân để được bầu theo kết quả hiệp thương với Mặt trận tổ quốc cấp tỉnh.
Cán bộ thuộc khối hành pháp sẽ do đảng ủy trực tiếp sắp xếp và phân công. Không còn loại quan chức dân cử, dù giả hiệu. Điều này có ý nghĩa là bớt đi được một loại Đại hội đại biểu không ít tốn kém và xóa bỏ một bộ phận quan chức vô công rồi nghề. Ý chí của đảng, hay sự lãnh đạo của đảng sẽ không còn phải qua tầng nấc trung gian nào, sẽ có hiệu lực trực tiếp. Nhưng điều này cũng có nghĩa rằng, nếu người cầm đầu bộ máy, tức là ông bí thư tỉnh ủy yêu ai và ghét ai, thì toàn bộ hệ thống hành pháp tỉnh biến dạng theo tinh thần đó. Và trường hợp ông tha hóa, ông sẽ biến bộ máy thành hệ thống tham nhũng toàn phần, chẳng hạn nếu cần tiền, thì ông có thể lập ra một hệ thống biển thủ khép kín, bất khả phát hiện, bất khả công phá, giống Sài Gòn thời ông Lê Thanh Hải.
Không có cơ chế tư pháp độc lập, nếu kết luận của Hội nghị này mở rộng ra cho toàn quốc, tình trạng tham nhũng, không nghi ngờ gì, sẽ lan ra toàn hệ thống và sẽ không một thế lực nào ngăn chặn được.
Hai kịch bản
Tuy vậy, có hai cách để đi đến nhất thể hóa các chức danh bên đảng với chức danh tương ứng bên chính quyền.
Bỏ cơ quan dân cử trung gian, bí thư đảng trực tiếp kiêm chức chủ tịch Ủy ban nhân dân. Các ban ngành thuộc ủy ban sẽ do Ban chấp hành đảng bộ bầu hay phân công trong nội bộ đảng. Đại hội đảng bộ sẽ theo chức năng quản lý hành chính và hành pháp bên chính quyền để bầu ra các vị trí tương ứng cho Ban chấp hành. Mỗi thành viên của ban chấp hành trúng cử đều đương nhiên đảm nhận chức vụ bên chính quyền. Hai bộ máy đã thành một.
Ở cấp trung ương, tổng bí thư không bầu theo tiêu chí lý luận mà theo chương trình hành động. Người trúng cử tổng bí thư tất yếu kiêm chức nguyên thủ quốc gia, đứng đầu Nhà nước. Đại hội đảng bầu ra Ban chấp hành có cơ cấu phù hợp tương ứng với các nhiệm vụ do chương trình của Tổng bí thư - Chủ tịch nước đặt ra. Ban chấp hành gồm tất cả các thành viên của chính phủ. Thủ tướng đồng thời là phó tổng bí thư, do tổng bí thư giới thiệu và Ban chấp hành bầu.
Đây là phương án độc đảng toàn trị. Quốc hội sẽ dần biến mất như Hội đồng nhân dân các cấp. Chế độ chính trị là một chế độ độc tài độc đảng chuyên chế. Đại hội đảng là cơ quan quyền lực cao nhất của Quốc gia, thay thế và kiêm nhiệm chức năng của Đại hội Quốc dân (Quốc hội).
Kịch bản thứ hai theo chiều ngược lại. Tất cả các cơ quan dân cử, như Hội đồng nhân dân xã, huyện, tỉnh và Quốc hội bầu ra các chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và chủ tịch nước ở cấp trung ương. Theo lý thuyết đảng của toàn dân cộng với một chế độ bầu cử trung thực, các thành viên trúng cử do chiếm uy tín và tin cậy của dân, đương nhiên trở thành người giữ chức vụ cao nhất tương ứng trong đảng. Chủ tịch xã đương nhiên kiêm chức bí thư xã. Chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh đồng thời là bí thư huyện, và bí thư đảng bộ tỉnh. Quốc hội cả nước bẩu ra chủ tịch nước, và chủ tịch nước, tự động giữ chức tổng bí thư đảng.
Theo phương án này, tất cả mọi cơ quan đều thông qua dân cử. Đại hội công dân từ cấp xã tới trung ương bầu ra tấ cả các cơ quan cần thiết của chính quyền các cấp và của chính phủ trung ương. Đại hội đảng trở thành một hoạt động có tính tượng trưng tinh thần, chuyển chương trình hành động của chủ tịch nước đắc cử, thành nghị quyết trung ương đảng, chuyển các chức danh do Quốc hội bầu thành các chức danh tương ứng trong đảng. Đây là chế độ Dân chủ nhất nguyên. Một đảng nhưng lãnh đạo quốc gia thông qua dân cử.
Điều đáng phải lo sợ
Thực chất, Hội trung ương 6 đã quyết định bỏ Hội đồng nhân dân tới cấp tỉnh, nhưng ông Trọng lấp lửng với cách gọi chung chung "cấp ủy". Với cấp Huyện, Xã thì "thực hiện" nhưng cao hơn tức là cấp Tỉnh, Thành, thì "Cơ bản thực hiện mô hình".
Tại sao Nhất thể hóa là một chủ trương lớn được nghiên cứu từ nhiều kỳ đại hội, đến đại hội lần thứ XI đã được chỉ đạo thí điểm tới cấp tỉnh tại Quảng Ninh, và tới Đại hội XII đã được giao thành Đề án quốc gia, do Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo, nhưng không được tổng kết, không có nghị quyết trước khi đưa ra thảo luận và kết luận tại Hội nghị trung ương ?
Ngày 27/3/2017, đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011–2016, đã có chuyến kiểm tra, đã trực tiếp nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, nhưng đoàn kiểm tra của Quốc hội khi đó đã không đưa ra được kết luận, và phản ánh của Quốc hội chắc chắn đã không được Bộ chính trị đồng tình.
Có hai vấn đề bị bỏ lửng sau đợt kiểm tra :
1. Kiểm soát quyền lực như thế nào khi gộp mọi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp vào trong tay một người ?
2. Khi bí thư và chủ tịch do một người nắm, thì chủ tịch được dân bầu sẽ kiêm bí thư, hay bí thư do đảng bầusẽ kiêm chủ tịch ?
Hai câu hỏi này không thấy được giải đáp, đồng thời việc Tổng kết chương trình thí điểm không được nhắc đến nữa. Điều này cho thấy, những người chủ trương nhất thể hóa không quan tâm tới chuyện trong tình trạng không có cải cách tư pháp, nhất thể quyền lực tất yếu dẫn đến tham nhũng, mà họ chỉ lấy việc nắm quyền trực tiếp của đảng làm mục đích.
Ngày 4/8/2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89 và 90-QĐ/TW với tham vọng nhốt quyền lực vào khuôn khổ đạo đức để đảng kiểm soát. Với Quy định này, đảng viên giống như đàn chuột bị nhốt trong lồng, quyền giám sát và sinh sát nằm trong tay Bộ chính trị và Ban bí thư.
Ngày 7/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Từ nay, tất cả mọi sự luân chuyển cán bộ, nghĩa là lên hay xuống, ở trung ương hay ở địa phương, không còn do cơ sở quyết định, tự tung tự tác nữa. Quyền luân chuyển, bố trí, đề bạt, thay đổi, thuộc về cấp quản lý trực tiếp, nghĩa là từ cấp viên ủy viên trung ương, sẽ do Bộ chính trị và Ban bí thư quyết định.
Hai văn bản này được cho là hai cái gậy để xử lý Nhất thể hóa. Bất cứ sự phản kháng nào đều sẵn sàng bị vô hiệu hóa.
Như vậy, ông Trọng và những người cùng cánh với ông trong Ban bí thư, đặc biệt là ông Phạm Minh Chính, hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng dẫn đến chuyển đổi chế độ và tính chất vi phạm nghiêm trọng các quy chế dân chủ, nếu đào thải Hội đồng nhân dân. Nó sẽ khởi đầu cho một thể chế độc tài toàn trị không che đậy, và bắt đầu cho một hệ thống tham nhũng quốc gia.
Có thể thấy, ít nhất là ông Trọng và ông Phạm Minh Chính đã tính hết mọi chuyện để Nhất thể hóa trót lọt.
Thâu tóm quyền lực, tập trung khả năng điều hành trực tiếp, tạo dựng các công cụ trấn áp, nhưng được tiến hành một cách mờ ám, quanh co. Rõ ràng, đây là hành vi của người có động cơ đen tối.
Đó là điều đáng phải lo sợ.
Paris, 13/10/2017
Bùi Quang Vơm