Mục đích của chuyến đi Trung Quốc của ông Trần Quốc Vượng là gì ? (CaliToday, 20/08/2018)
Hơn 20 giờ tối ngày 20/8, bản tin trên đài truyền hình quốc gia cộng sản Việt Nam cho biết, ông Trần Quốc Vượng đã được diện kiến Chủ tịch nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình. Tiếp đó, ông còn hội đam với Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Trung Cộng. Chuyến sang thăm Trung Quốc của ông Vượng khiến dư luận đặt ra câu hỏi : Mục đích của chuyến đi là gì ?
Trong khi lãnh đạo cộng sản Việt Nam gặp Tập Cận Bình thì ngoài khơi, ngư dân Việt trở thành nạn nhân của "tàu lạ". Ảnh : Dân Trí
Theo đài truyền hình quốc gia cộng sản Việt Nam, việc ông Vượng sang thăm Trung Quốc là theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao giữa hai đảng, nhưng không rõ những thỏa thuận này đã có trước đó hay đây là chuyến đi đột xuất vì những biến động chính trị trong nước cũng như quốc tế trong thời gian qua. Mặc dù từ ngày 19/8, ông Trần Quốc Vượng đã lên đường sang thăm Trung Quốc, nhưng mãi đến tối ngày 20/8, đài truyền hình mới loan tin chuyến thăm này.
Cho dù không nằm trong "tứ trụ" quyền lực, nhưng xếp về vai vế trong đảng cộng sản Việt Nam, ông Vượng là người chỉ đứng sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ khi được Nguyễn Phú Trọng đưa vào Bộ Chính trị, cho nắm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trần Quốc Vượng đã trở thành tay sai đắc lực trong việc thanh trừng những lãnh đạo đối lập. Đã có thời điểm mỗi khi ông Vượng đăng đàn là có ít nhất vài cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Với việc Đinh Thế Huynh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam, cựu Thường trực Ban bí bị thất sủng, ông Vượng còn kiêm nhiệm luôn cả chức vụ này. Như vậy, phần nào cho thấy rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn sẵn người kế nhiệm cho mình trong nhiệm kỳ sau.
Còn nhớ, trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội XII, dù tuổi tác đã cao nhưng để nắm chắc phần thắng, ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng chiêu Tổng bí thư "phải là người miền Bắc và có lý luận". Chính nhờ vào điểm này mà ông được tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nhìn vào "tứ trụ triều đình" hiện nay, ngoại trừ ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắc sẽ về hưu trong nhiệm kỳ tới thì chỉ còn lại 3 ứng cử viên. Đó là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Phúc là người gốc Quảng Nam, còn bà Ngân là người Bến Tre. Theo truyền thống lâu nay, người miền Nam không thể làm tổng bí thư thì ứng cử viên sáng giá nhất là ông Trần Đại Quang. Tuy nhiên, trong cuộc thanh trừng mà Nguyễn Phú Trọng khởi xướng gần đây khiến mười mấy viên tướng công an, người bị kỷ luật, kẻ bị vào tù chắc chắn ông Quang phải dính líu đến trách nhiệm. Vì tất cả những sai phạm của các tướng công an đều nằm vào nhiệm kỳ 2011-2016, thời điểm mà ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng Công an. Hay nói khác hơn, việc thanh trừng, xử lý các tướng công an là nhằm bít lối lên làm tổng bí thư của ông Trần Đại Quang.
Hơn nữa, ông Trần Đại Quang liên tiếp không xuất hiện trên truyền hình quốc gia, trên truyền thông trong nước rất nhiều lần với khoảng thời gian rất dài. Các tin đồn được tung ra cho biết ông đã phải sang Nhật Bản điều trị căn bịnh ung thư. Và khi trở về ông Quang trở nên hốc hác, già nua. Trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam cho thấy, rất nhiều ứng cử viên tổng bí thư đã phải ôm hận thất thủ trước những tin đồn về sức khỏe của mình. Ông Trần Đại Quang chắc chắn cũng không ngoại lệ. Với những sai phạm trong thời kỳ làm Bộ trưởng công an cũng như tình hình sức khỏe cho thấy rằng, ông Trần Đại Quang đã không còn "cửa" để ngồi vào ghế tổng bí thư.
Ông Trần Đại Quang là người miền Bắc (gốc Ninh Bình) là ứng cử viên sáng giá, nhưng lại mắc nhiều sai phạm, trong khi cả Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân lại là người miền Nam (tính từ vỹ tuyến 17 trở vào) cho thấy cả ba người này đều không thể trở thành ứng cử viên cho chiếc ghế tổng bí thư, mà người sáng giá nhất hiện nay chỉ có thể là Trần Quốc Vượng.
Giới quan sát cho rằng, việc ông Nguyễn Phú Trọng cử Trần Quốc Vượng sang thăm Trung Quốc như là để giới thiệu "thiên triều" người được chọn để ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, trong cuộc thanh trừng nội bộ Nguyễn Phú Trọng đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Trung Cộng nên ông cử Trần Quốc Vượng sang Trung Quốc nhằm gia tăng trợ giúp từ phía Tập Cận Bình.
Mặt khác, lá cờ "chống tham nhũng" do Nguyễn Phú Trọng giương lên, mà mục đích là thanh trừng phe phái đã khiến cho ông ngày càng có nhiều kẻ thù. Bên cạnh đó, uy tín của ông trong đảng đang xuống thấp vì vụ bê bối liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Các đối thủ của ông đã tận dụng điểm yếu này nhằm hạ uy tín của Nguyễn Phú Trọng. Việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức chỉ nhằm chứng minh sức mạnh, quyết tâm của Nguyễn Phú Trọng trong việc "chống tham nhũng", nhưng ông không ngờ rằng những hệ lụy của nó mang lại vô cùng ghê gớm.
Trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng, Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra thị trường chứng khoán ở Việt Nam liên tục chao đảo, giá cổ phiếu liên tục rớt giá. Cho đến nay, Việt Nam đã mất đến vài chục tỷ Mỹ kim. Đang trong thời điểm khó khăn, eo hẹp về kinh tế, lại liên tục bị các chủ nợ quốc tế đòi tiền, trong khi không thể tìm đâu ra được các khoản vay mới, một số ý kiến nhận định, chuyến thăm của ông Trần Quốc Vượng có thể xin được viện trợ hoặc tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do cuộc chiến thương mại mà Hoa Kỳ khởi xướng.
Trong khi Trần Quốc Vượng sang thăm Trung Quốc thì trên Biển Đông, vào 4 giờ sáng ngày 20/8, tàu cá mang số hiệu BDD31052 (Bình Định) do ông Nguyễn Văn Tâm (48 tuổi, thôn Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) đã bị "tàu lạ" đâm chìm tại vùng biển chỉ cách thành phố Vũng Tàu 7 hải lý. Cũng như mọi lần, truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam không dám thẳng mặt chỉ rõ kẻ đã đâm chìm tàu cá của ngư dân, bỏ mặc 6 thuyền viên lênh đênh trên biển là ai. Song, người dân trong nước thừa hiểu "tàu lạ" là nước nào.
Đã như thành lệ, mỗi khi có lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Trung Quốc thì tàu cá của ngư dân Việt Nam lại bị đâm chìm trên biển. Qua điều đó Trung Cộng muốn cho thấy rằng, cho dù có cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo cấp cao, nói với nhau những lời đường mật, nào là hữu nghị, láng giềng tốt nhưng họ rất cương quyết trong các tranh chấp trên Biển Đông.
*******************
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : ‘đạt hàng loạt đồng thuận’ với ông Trọng (VOA, 21/08/2018)
Chiều ngày 20/8, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ‘vun đắp’ cho mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh.
Ông Trần Quốc Vượng và ông Tập Cận Bình, ngày 20/8/2018. (Photo Vnews.gov.vn)
Tân Hoa Xã hôm 21/8 loan tin rằng tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp ông Trần Quốc Vượng, thông báo cho nhà lãnh đạo của Việt Nam rằng "hiện đang diễn ra những thay đổi phức tạp và sâu sắc liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực".
Ngoài ra, cũng theo Tân Hoa Xã, ông Tập còn phát biểu rằng giữa ông và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã "đạt được một loạt sự đồng thuận quan trọng về việc tăng cường quan hệ giữa hai bên và hai nước".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, tháng 11/2017.
Ông Tập còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Hà Nội về các cuộc hội thoại chuyên sâu bàn về các vấn đề tổng thể và chiến lược, cũng như "tăng cường các hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương" để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không nêu rõ các "hướng dẫn chính trị" mà hai bên có kế hoạch bàn thảo là gì.
Trang ECBS của Trung Quốc trích lời ông cho biết ông hy vọng rằng "việc phát triển chung trong lĩnh vực hàng hải giữa hai nước sẽ đạt được tiến bộ trong một ngày không xa". Ngoài ra, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam cần quản lý hiệu quả sự khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn.
Truyền thông Việt Nam cho biết, tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Vượng đề nghị hai bên "tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai nước ; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước".
Trang VOV cho biết ông Trần Quốc Vượng đang thăm Trung Quốc 5 ngày từ ngày 19 đến ngày 23/8.
https://youtu.be/dTFbow3v3w4
******************
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục khẳng định '4 tốt' với Việt Nam (RFA, 21/08/2018)
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đón tiếp ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, vào chiều ngày 20 tháng 8.
Ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Trần Quốc Vượng vào chiều ngày 20/08/18 - Courtesy : Ảnh chụp màn hình vov.vn
Tin cho biết tại buổi gặp gỡ, ông Tập nhấn mạnh về tình hình khu vực và quốc tế đang có thay đổi sâu sắc và phức tạp, do đó mối quan hệ song phương và cùng ý thức hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội cũng như là thách thức. Ông Tập Cận Bình khẳng định rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Việt Nam qua các cuộc thảo luận thoại chuyên sâu về những vấn đề tổng thể và chiến lược, đồng thời tăng cường hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc nhắc đến năm 2018 đánh dấu 10 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam theo phương châm ‘láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai’ và tinh thần ‘láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt’.
Ông Tập cũng lên tiếng hai nước sẽ tiếp tục đối thoại và tham vấn, quản lý sự khác biệt, đảm bảo rằng sự phát triển chung về lãnh hải sẽ sớm đạt được tiến bộ đáng kể và Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về xây dựng đảng, tiếp tục thúc đẩy trao đổi với nhau và nâng cấp khả năng quản trị của cả hai phía.
Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng chúc mừng Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội 19 và Kỳ họp thứ nhất Nhân đại và Chính hiệp toàn quốc khóa 13.
Tin cũng nói Ông Trần Quốc Vượng đánh giá cao tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc và khẳng định chính sách ngoại giao hàng đầu của Việt Nam là phát triển mối quan hệ với Trung Quốc. Ông Trần Quốc Vượng nói rằng Việt Nam sẵn sàng làm việc với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Bắc Kinh để thúc đẩy phát triển bền vững trong hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bên cạnh buổi gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trần Quốc Vượng còn có các cuộc làm việc với một số cơ quan thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề được nói hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cùng quan tâm.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Trần Quốc Vượng diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng 8.