Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2022

Trung Quốc và lệnh động viên có cứu được Putin không ?

Thanh Hà, Trọng Nghĩa, Cyril Gloaguen, Minh Anh

Nga bại trận tại Ukraine nhưng không lo mất điểm tựa Trung Quốc

Thanh Hà, RFI, 23/09/2022

Chiến tranh Ukraine gia tăng cường độ, và dù có thất trận, Nga không lo bị Trung Quốc "bỏ rơi". Ngay sau khi Vladimir Putin ra lệnh động viên lính dự bị và cảnh báo dùng "mọi phương tiện" để bảo vệ các vùng "lãnh thổ của mình", Trung Quốc kêu gọi "ngừng bắn". Hai sự kiện này khiến một số nhà phân tích nêu lên khả năng Nga có thể mất đi một điểm tựa quý giá là Trung Quốc. 

nga1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 77 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2022. via Reuters – Russian Foreign Ministry

Nga bị sa lầy trên chiến trường Ukraine liệu có là những "giới hạn" đầu tiên của tình bạn "vô bờ bến" giữa Bắc Kinh với Moskva hay không ? 

Hôm 21/09/2022, tổng thống Putin ban hành sắc lệnh huy động  300.000 lính dự bị sang chiến trường Ukraine và ông nhắc lại đe dọa có thể sử dụng tất cả các phương tiện, hàm ý cả vũ khí nguyên tử để giải quyết chiến tranh Ukraine. Hai động thái này được hiểu như Nga đang bị "đẩy vào chân tường". 

Hình ảnh một số người dân Nga hối hả tìm đường ra nước ngoài, trốn lệnh động viên tràn ngập các phương tiện truyền thông phương Tây. Trái lại, báo chí Trung Quốc trong 48 giờ qua ít nhắc đến những phát biểu của tổng thống Putin, đến Ukraine hay chiến dịch quân sự đặc biệt Moskva đã khởi động từ tháng 2/2022. 

Ngày 22/09/2022 bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 77 tại New York, trong một cuộc họp song phương, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố với đồng cấp Nga, Sergey Lavrov : Bắc Kinh sẽ "khách quan" và "công bằng" về "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. 

Trước đó hai hôm, kết thúc hội nghị tham vấn về an ninh chiến lược Nga –Trung tổ chức tại thành phố Phúc Kiến, thư ký Hội đồng An ninh của Nga, là ông Nikolai Patrushev và ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh đôi bên "củng cố niềm tin tưởng nhau", cùng nhau "duy trì ổn định chiến lược" trên thế giới, đẩy mạnh "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Moskva và Bắc Kinh. 

Đối thoại Nga và Trung Quốc tại New York và Phúc Kiến trước mắt chưa thể là dấu hiện báo trước Tập Cận Bình phụ lòng Vladimir Putin, ít ra là trong ngắn hạn. 

Henry Wang Huiyao, sáng lập viên trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc, trụ ở Bắc Kinh được Reuters trích dẫn giải thích : Trung Quốc không ủng hộ chiến tranh, không ủng hộ cuộc xung đột, và điều đó đã quá rõ ràng ngay từ đầu, do vậy ông cho rằng không có lý do nào để Trung Quốc "thay đổi lập trường đó cả". 

Đành rằng nếu như Nga nhanh chóng đạt được mục tiêu quân sự tại Ukraine như điện Kremlin mong đợi thì Bắc Kinh sẽ "thoải mái hơn", nhưng nhiều qua quan sát vẫn tin rằng, việc Nga liên tiếp thất bại ở nhiều nơi trên chiến trường Ukraine từ đầu tháng 9 đến nay không làm Bắc Kinh nao núng và cũng không làm quan hệ song phương thay đổi một cách "cơ bản", bởi lẽ đối với Trung Quốc, về địa chính trị, đối thủ chính vẫn luôn luôn là Hoa Kỳ. 

Trong bàn cờ đó, điều quan trọng nhất đối với Tập Cận Bình là phải giữ được Vladimir Putin, tránh để điện Kremlin đổi chủ, đẩy nước Nga vào cảnh hỗn loạn. Steve Tsang giám đốc Viện Trung Quốc tại trường Đại học Luân Đôn nhắc lại, "chính sách đối ngoại của ông Tập luôn đặt quyền lợi của Trung Quốc lên trên hết". Điều đó có nghĩa là phải duy trì "ổn định chiến lược" tránh để Trung Quốc bị lôi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng có thể làm phương hại đến kinh tế của Trung Quốc. 

Trung Quốc có vững mạnh về kinh tế thì mới rảnh trí để đối phó với Hoa Kỳ. Do vậy theo đánh giá của giáo sư Yuan Jingdong, Đại học Sydney, Úc, dù có không thoải mái về diễn tiến của cuộc chiến tại Ukraine nhưng Bắc Kinh sẽ cố gắng giữ một thế cân bằng nào đó, tức là tránh công khai chỉ trích Nga, tránh tỏ thiện cảm với Ukraine và nhất là Trung Quốc sẽ "tránh né hết sức để không bị chỉ trích là hậu thuẫn Vladimir Putin trong những nước cờ mạo hiểm về quân sự của chủ nhân điện Kremlin". 

Giáo sư trường đại học Sydney kết luận, chỉ nội việc thư ký Hội đồng An ninh Nga, Nikolai Patrushev sang tận Phúc Kiến tham khảo ý kiến của ông Dương Khiết Trì cũng đủ "bảo đảm" về sự bền vững trong quan hệ Nga – Trung. 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 23/09/2022

**************************

Lệnh động viên "một phần" tác động ra sao đến guồng máy quân sự Nga ?

Trọng Nghĩa, RFI, 23/09/2022

Trong một nỗ lực nhằm xoay chuyển cục diện quân sự bị cho là đang bất lợi tại Ukraine, tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/09/2022 đã loan báo lệnh động viên "một phần" lực lượng quân dự bị của Nga. Đây là lần đầu tiên từ sau Thế Chiến Thứ II mà Moskva đã phải dùng đến biện pháp "động viên", dù chỉ "một phần", chứ không phải là "tổng động viên". 

nga2

Ảnh trích từ video cho thấy những người bị động viên tập trung bên trong một sân vận động được biến thành trung tâm tuyển quân tại thành phố Yakutsk (Nga) ngày 23/09/2022. AP

Nội dung cụ thể của lệnh động viên một phần này là gì ?, việc gọi nhập ngũ hàng trăm ngàn người sẽ tác động ra sao đối với quân đội Nga ? Liệu việc tăng quân có thể giúp Moskva giành lại thế thượng phong trên chiến trường Ukraine hay không ? Trên đây là một số câu hỏi mà hãng tin Anh Reuters ngày 21/09 đã tìm cách trả lời dựa theo nội dung sắc lệnh động viên đã được tổng thống Vladimir Putin ký và đăng trên trang web của Điện Kremlin, cũng như các thông tin khác do chính ông Putin hoặc bộ trưởng quốc phòng Nga bổ sung. 

Chỉ tiêu tuyển mộ thêm 300.000 quân 

Câu hỏi đầu tiên liên quan đến quy mô của cuộc động viên "một phần" này. Mục tiêu được tuyên bố của Moskva là tuyển mộ được 300.000 người từ lực lượng gọi là quân "dự bị" ở khắp nơi trên nước Nga để gửi qua Ukraine, một chỉ tiêu mà chính quyền cho rằng không khó thực hiện. 

Trên giấy tờ, việc tìm ra 300.000 tân binh trong diện này không khó, vì ở Nga, tất cả những ai trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều được coi là quân dự bị. Theo bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 21/09, tổng số người thuộc diện này lên đến 25 triệu. 

Tuy nhiên, chỉ tiêu 300.000 phải nói là rất lớn khi ta biết rằng trong những tuần lễ trước khi khởi động cuộc xâm lược, Nga "chỉ" tập trung khoảng từ 120.000 đến 150.000 quân ở vùng biên giới.  

Đối với các chuyên gia phân tích phương Tây, con số to lớn này đã trở nên cần thiết trong bối cảnh quân đội Nga đã phải chịu những tổn thất nặng nề tại Ukraine.  

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 21/09 trên truyền hình Nga Rossiya 24, bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đã đưa ra con số 5.937 người tử trận tại Ukraine từ đầu cuộc chiến, một con số thấp hơn rất nhiều so với ước tính của giới chuyên gia phân tích phương Tây; họ nói đến con số từ 20.000 đến 30.000 binh sĩ Nga chết trên mặt trận. Thậm chí Lầu Năm Góc, còn đưa ra ước tính theo đó có từ 70.000 đến 80.000 binh sĩ Nga đã bị "loại khỏi vòng chiến", một thuật ngữ chỉ chung những trường hợp bị chết, bị thương hay bị mất tích. 

Về phía Ukraine, nước này đã ban hành lệnh động viên hai ngày trước hôm Nga khởi động chiến dịch xâm lược, và ngay sau đó ban bố thiết quân luật, cấm đàn ông từ 18-60 tuổi rời khỏi đất nước. Số lượng chính xác quân dự bị bị động viên được giữ kín, nhưng các tuyên bố chính thức cho thấy con số lên đến ít nhất là 400.000 người. 

Ưu tiên tuyển mộ lính dự bị "chuyên nghiệp" để có thể dùng ngay 

Kế hoạch động viên được công bố cho thấy ưu tiên mà chính quyền Nga đặt vào việc nhanh chóng có được lực lượng tăng viện sẵn sàng chiến đấu ở Ukraine, thể hiện qua những điều kiện đề ra đối với diện bị gọi nhập ngũ. 

Trước hết, lệnh động viên nhắm vào số quân nhân dự bị đã từng phục vụ trong quân đội Nga và có kinh nghiệm chiến đấu hoặc kỹ năng quân sự chuyên biệt. Quân đội Nga đang tìm kiếm những người đã từng có những công việc cụ thể và chuyên biệt trong quân đội trong quá khứ, chẳng hạn như lái xe tăng, đặc công và lính bắn tỉa. Tuy nhiên, danh sách chính xác các chuyên môn được tìm kiếm mà chính quyền đang giữ kín sẽ cho thấy là quân đội Nga đang thiếu người trong những lãnh vực nào. 

Biện pháp khuyến khích tài chính dù có lệnh động viên cũng được áp dụng: Khi nhập ngũ, các quân nhân dự bị sẽ được trả lương như những quân nhân chuyên nghiệp thực thụ, một mức cao hơn nhiều so với mức lương trung bình của Nga. Điều đó có thể khiến đề xuất này trở nên hấp dẫn hơn đối với người ở các tỉnh lẻ, nơi mức lương thường thấp hơn so với các thành phố lớn.

Bảo toàn lực lượng có sẵn

Mặt khác, để bảo toàn lực lượng có sẵn, giới quân nhân chuyên nghiệp được gọi là 'kontraktniki' hiện đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang sẽ được tự động gia hạn hợp đồng cho đến khi chính quyền quyết định kết thúc thời gian tạm động viên. Nói cách khác, các quân nhân chuyên nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều khi muốn bỏ việc. 

Cũng để bảo toàn lực lượng có sẵn, hôm 20/09, Hạ Viện Nga đã thông qua một dự luật nhằm trừng phạt cứng rắn các tội danh như đào ngũ, phá hoại tài sản quân sự và bất tuân thượng lệnh xẩy ra trong các tình huống có lệnh động viên hoặc chiến đấu. Theo một bản sao của đạo luật mà Reuters đọc được, việc tự nguyện đầu hàng sẽ trở thành tội ác đối với quân nhân Nga, có thể bị phạt tới 10 năm tù. 

Các sinh viên hoặc lính nghĩa vụ, tức là thanh niên đã phục vụ 12 tháng bắt buộc trong lực lượng vũ trang, không nằm trong diện tuyển quân. Ngoài ra, còn có một số trường hợp hoãn nhập ngũ khác vì lý do tuổi tác, sức khỏe (được một ủy ban quân y xác nhận) hoặc những người đã bị tòa án kết án tù mới có thể được xuất ngũ hoặc rời lực lượng dự bị. Riêng những người làm việc trong ngành công nghiệp quốc phòng thì có thể hoãn việc phục vụ. 

Những người phê phán chính quyền Nga thì cho rằng từ ngữ của sắc lệnh động viên và chi tiết về những diện bị gọi nhập ngũ hay được hoãn có vẻ như đã bị cố tình để mơ hồ để cho các cơ quan tuyển quân dễ dàng hành động. Thậm chí chỉ tiêu 300.000 tân binh không được ghi trong sắc lệnh đã được công bố, mà đến từ một cuộc phỏng vấn mà bộ trưởng quốc phòng Nga dành cho đài truyền hình Nhà nước. Một nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết là một phần của sắc lệnh, trong đó có đoạn nói về con số 300.000, đã cố tình bị giấu. Theo Reuters, không rõ liệu các chi tiết khác cũng bị cố tình giấu đi hay không. 

Hiệu quả chiến đấu của hàng trăm ngàn tân binh không bảo đảm 

Nhiệm vụ chính của đạo quân dự bị tương lai này đã được chính bộ trưởng quốc phòng Nga Shoigu xác nhận: Đó là củng cố chiến tuyến ở Ukraine hiện dài hơn 1.000 km và kiểm soát các vùng lãnh thổ đằng sau chiến tuyến đó. 

Tuy nhiên theo Reuters, các lực lượng dự bị được động viên không thể được triển khai đến Ukraine ngay lập tức vì trước tiên họ sẽ phải trải qua khóa bồi dưỡng hoặc huấn luyện mới và nhất là làm quen với cách Nga thực hiện cái mà họ vẫn gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Theo giới phân tích quân sự phương Tây, thời gian chuẩn bị này có thể kéo dài vài tháng. 

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có đủ trang thiết bị quân sự và khí tài sau những tổn thất ở Ukraine hay không, cũng như đủ các huấn luyện viên quân sự có kinh nghiệm để chuẩn bị và triển khai quân dự bị đúng cách hay không. Các chuyên gia phương Tây rất hoài nghi, trong lúc Moskva khẳng định là mình đủ sức làm điều này.. 

Một câu hỏi khác là liệu lệnh động viên "một phần" này có quá muộn và quá yếu để làm thay đổi cục diện cuộc chiến theo chiều hướng có lợi cho Moskva hay không. Hầu hết các chuyên gia phương Tây nghĩ rằng hành động đó đã quá muộn, nhưng một số ít nói rằng nó có thể giúp Nga trong một chừng mực nào đó, dù không phải ngay lập tức và không không mang tính chất quyết định. 

Dẫu sao thì thông báo động viên đã gây ra tâm lý hoảng loạn nơi những người có khả năng bị gọi nhập ngũ. Theo dữ liệu bán vé, các chuyến bay một chiều ra khỏi Nga đã bán hết vé vào thứ Tư, và có tin chưa được xác minh về việc một số người đã bị lính biên phòng Nga buộc quay lại. 

Nhiều cuộc biểu tình nhỏ chống động viên cũng bắt đầu nổ ra ở một số thành phố Nga từ ngày lệnh động viên được loan báo.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 23/09/2022

*********************

Trưng cầu dân ý, huy động quân dự bị : Putin leo thang chiến tranh Ukraine ?

Cyril Gloaguen, Minh Anh, RFI, 22/09/2022

Thứ Tư, 21/09/2022, trên truyền hình, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo huy động 300 ngàn quân dự bị và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh Ukraine. Trước đó một ngày, bốn vùng Ukraine bị chiếm đóng tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập lãnh thổ vào Nga. Sự việc cho thấy cả Nga và phương Tây đều bỏ lỡ cơ hội để chấm dứt cuộc chiến bằng con đường ngoại giao.

nga3

Ngay sau thông báo của tổng thống Vladimir Putin huy động quân dự bị, người dân Nga ở nhiều thành phố lớn đã xuống đường phản đối, Moskva, Nga, ngày 21/09/2022. AP - Alexander Zemlianichenko

Vài ngày trước bài phát biểu của tổng thống Nga, luật sư, kinh tế gia, Marcus Stanley, thuộc Viện Quincy tại Mỹ, trong một bài viết đăng trên trang mạng Responsible Statecraft từng lưu ý rằng việc quân đội Ukraine đánh bại quân Nga ở Kharkiv đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Cả hai phe phải đối mặt với những quyết định quan trọng : 

Nước Nga của ông Putin phải chọn giữa việc từ bỏ câu chuyện viễn tưởng "chiến dịch đặc biệt" và tiếp tục lao vào cuộc chiến với quy mô lớn, một hướng đi đương nhiên sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với những rủi ro cao và sức tàn phá lớn hơn cho cả hai phía. Ở bên kia, liên minh NATO – Ukraine phải quyết định xem họ có nên tận dụng thời điểm này để tìm kiếm một giải pháp đàm phán trong thế thượng phong, hay là chạy theo những rủi ro của một cuộc xung đột còn dữ dội hơn.

Giờ đây, với bài phát biểu trên truyền hình hôm 21/9 của ông Putin, câu hỏi đặt ra : Quyết định huy động một phần quân dự bị, thông báo trưng cầu dân ý và lời đe dọa sử dụng hạt nhân của ông Putin phải được diễn giải hay được hiểu như thế nào ? Phải chăng quyết định này dập tắt mọi hy vọng kết thúc chiến tranh bằng đàm phán ?

Nhân lực, khí tài : Những sai lầm và thế yếu của Nga

Theo giới quan sát, đà tiến quân mạnh mẽ và thắng lợi của quân đội Ukraine ở Kharkiv đã thúc đẩy nguyên thủ Nga đưa ra quyết định như trên. Nhưng sự việc làm lộ rõ những khó khăn về nhân lực, cũng như những sai lầm trong chiến lược của Nga. Ý đồ dồn quân ở phía đông để chinh phục và chiếm giữ thêm nhiều vùng lãnh thổ đã gặp thất bại. Theo Marcus Stanley, nguyên nhân đơn giản chỉ là Nga không còn đủ quân để có thể trấn giữ một chiến tuyến dài hơn 1.000 km trải dài từ biên giới phía bắc với Nga đến vùng Biển Đen ở phía nam Ukraine.

Với quân số 200 ngàn người lúc ban đầu, lực lượng Nga đã bị suy yếu dần cùng với cuộc chiến do những thiệt hại nhân mạng quá lớn. Nga chỉ đủ quân để kháng cự với các cuộc phản công của Kiev ở một vài vùng, như việc đẩy lùi được cuộc tấn công của quân đội Ukraine ở Kherson chẳng hạn. Một chi tiết khác đáng chú ý cũng được ông Marcus Stanley nêu lên : dường như nhiều lực lượng của Nga trong vùng chỉ là những hiến binh quốc gia Rosgvardia, chủ yếu là các lực lượng cảnh sát không được đào tạo để chiến đấu trên chiến trường.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực đương nhiên đặt ra một vấn đề cơ bản : Chiến lược của Nga khi tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế, chỉ là "một chiến dịch quân sự đặc biệt" mà không huy động lính nhập ngũ hoàn toàn cũng như là không tổng động viên, có thể trụ được bao lâu ? Nga đã sai lầm khi đánh giá thấp quyết tâm kháng cự của người Ukraine, và không ngờ rằng sáu tháng sau, Ukraine, với sự trợ giúp của NATO, đã trở thành một đối thủ quân sự đáng gờm.

Một điểm bất lợi khác cho Nga là, trong cuộc chiến dài hơi này, Ukraine – với một nền kinh tế được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ về mặt tài chính, nhất là các khoản vay từ Mỹ với lãi suất hàng năm tương đương với GDP trước chiến tranh – có thể toàn tâm tổng động viên dân chúng. Do vậy Ukraine có thể triển khai đông quân hơn Nga, vốn chỉ huy động được một phần.

Trên phương diện khí tài, Ukraine được Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn với một mức GDP cao gấp 20 lần so với Nga. Theo quan điểm của ông Marcus Stanley, rõ ràng đây không phải là một cuộc xung đột mà Nga có thể thắng nếu không có một sự huy động rộng lớn hơn.

Từ góc nhìn này, chuyên gia về quốc phòng và an ninh Emmanuel Dupuy, Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh ở Châu Âu (IPSE), trên đài truyền hình TV5 Monde, cho rằng "đây là một sự leo thang bởi vì sẽ có nhiều lính Nga chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine hơn. Nhưng đó còn là một lời thừa nhận yếu kém, bởi vì cùng lúc, Vladimir Putin tuyên bố chỉ huy động 300 ngàn quân, trong khi có trong tay hai triệu quân dự bị".

Huy động binh sĩ và những rủi ro chính trị cho V. Putin

Nhưng khi chọn leo thang quân sự, chủ nhân điện Kremlin có thể sẽ thu được gì vào lúc NATO và Mỹ không ngừng chi viện cho Ukraine và các cuộc phản công vẫn tiếp diễn ? Liệu nước Nga có thể tăng mạnh được khả năng quân sự khi huy động mọi nguồn lực và khi thực hiện một nỗ lực lớn để chuyển đổi ngành công nghiệp dân sự cho mục tiêu quân sự vào thời chiến hay không ?

Những câu hỏi trên được đặt ra còn cho thấy rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với áp lực từ mọi phía. Ở trong nước, một mặt chủ nhân điện Kremlin không thể ban hành lệnh tổng động viên, một quyết định rất có thể tước mất nguồn hậu thuẫn từ người dân mà ông có được cho đến nay và nhất là có nguy cơ bị chia sẻ quyền lực. Đây thật sự là một rủi ro chính trị to lớn cho ông Putin. Mặt khác, tổng thống Nga đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ cánh hữu "diều hâu" mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, đòi gia tăng nỗ lực chiến tranh.

Nhưng điều đáng lo là, ngoài việc leo thang quân sự theo quy ước, Nga rất có thể chuyển qua sử dụng vũ khí chiến thuật hủy diệt hàng loạt tại Ukraine và các lực lượng NATO có thể trực tiếp tham chiến. Marcus Stanley cho biết, một báo cáo mới đây có tiêu đề "Cái giá của chiến tranh" do trường đại học Brown thực hiện lưu ý, chính sự thua kém của các lực lượng quy ước Nga so với NATO sẽ thúc đẩy nước này dựa vào vũ khí nguyên tử và sự phụ thuộc vào loại vũ khí này còn được nhân rộng hơn nếu Nga gặp một thất bại quân sự quy ước.

Rủi thay, mối lo này có nguy cơ biến thành hiện thực. Trước đà tiến của Ukraine và rủi ro mất lại nhiều vùng chiếm đóng, chính quyền thân Nga tại bốn vùng Kherson, Luhansk, Zaporijjia và Donetsk thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Đây còn là một bước đệm để Nga biện minh cho việc triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân, theo như phân tích của Cyril Gloaguen, từng là tùy viên quân sự tại Nga và Turkmenistan, chuyên nghiên cứu về địa chính trị, trường đại học Paris VIII, trên đài RFI.

Cyril Gloaguen : "Các lực lượng quân đội Nga, nhìn theo quan điểm quy ước, giờ đang trong thế thủ. Quân đội Ukraine đang giành chiến thắng trên địa bàn và trước tình hình này, chỉ còn một giải pháp. Trên thực tế, đó là phải bảo vệ các vùng lãnh thổ Ukraine đã bị chiếm đóng hay những phần lãnh thổ Ukraine hiện do quân đội Nga kiểm soát.

Việc củng cố các tuyến phòng thủ này sẽ được thực hiện bằng cách chuyển các vùng đó qua quyền tài phán của Liên bang Nga nhờ vào phương cách trưng cầu dân ý. Tại sao ư ? Bởi vì, lý do đơn giản và an toàn nhất chính là khi những vùng này của Ukraine trở thành của Nga, một cách tự động, chúng sẽ được đặt dưới sự bảo vệ bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều này cũng tương tự cho bán đảo Crimea".

Trang mạng báo Mỹ New York Times, ngay khi có thông báo tổ chức trưng cầu dân ý, ghi nhận, từ lâu giải pháp này được đặt ở hàng thứ yếu trong chiến lược xâm chiếm Ukraine vì ông Putin cho rằng những vùng này là phần lãnh thổ hợp pháp của Nga. Nhưng thắng lợi của Ukraine tại Kharkiv buộc ông phải ra tay hành động. Cũng theo nhật báo Mỹ, những biện pháp này được đưa ra vào lúc ông Putin phải đối mặt với những thất bại không những trên chiến trường, mà cả trên trường quốc tế.

Vũ khí hạt nhân hay vũ khí sinh học ?

Tại thượng đỉnh Samarkand, Uzbekistan, hai ngày 15-16/09/2022, chủ nhân điện Kremlin lần đầu tiên phải thừa nhận mối "bận tâm" về cuộc chiến của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nguồn hậu thuẫn quan trọng cho kinh tế Nga trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, nhiều lần giữ vai trò trung gian trong cuộc xung đột, hôm thứ Hai 19/9, cũng tuyên bố rằng cuộc xâm lược Ukraine là vô cớ và Nga nên trao trả những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trong bối cảnh này, theo quan điểm của ông Cyril Gloaguen, mọi việc đang rơi vào bế tắc. Tổng thống Nga đang gây áp lực cả với Kiev và phương Tây, khi dọa rằng nếu Ukraine đặt chân vào những vùng lãnh thổ hiện do quân Nga kiểm soát "có nguy cơ" hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân từ Nga. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, giữa lời nói và hành động còn có một khoảng cách khá xa. Ông giải thích :

"Ở đây cần phải hiểu một điều quan trọng, đó là trong thời bình, bộ tham mưu của lực lượng hạt nhân Nga, ở ngoại ô Moscow, không được liên kết bằng hệ thống truyền dẫn với lực lượng hạt nhân. Đó là một biện pháp an ninh. Ví dụ như trong các cuộc tập trận hàng năm, có một cuộc tập trận hạt nhân chiến lược mang tên Grom. Trong quá trình diễn tập, bộ tham mưu sẽ kiểm tra các đường truyền với các đơn vị khác nhau được đặt trên toàn lãnh thổ Nga. Đây là điều hết sức quan trọng cần lưu ý, do đó, có diễn ngôn, có tuyên truyền và có thực tế của sự việc.

Khi đe dọa như vậy, Vladimir Putin biết rất rõ rằng NATO có khả năng phát hiện sự kích hoạt các đường truyền từ các trung tâm của bộ tham mưu lực lượng hạt nhân Nga, điều quan trọng là ông ấy biết điều đó. Đây vừa là phát ngôn dành cho NATO, hướng đến Ukraine, và lẽ tự nhiên còn hướng đến người dân Nga. Điều quan trọng là phải thể hiện sức mạnh của ông ấy và bài phát biểu này, vốn dĩ luôn dựa trên vũ lực, sức mạnh hạt nhân, đã có tác động to lớn đến cuộc tranh luận chính trị ở Nga".

Hầu hết giới chuyên gia cũng như bản thân tổng thống Ukraine đều không tin vào khả năng chủ nhân điện Kremlin sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với Kiev như đòi hỏi của phe diều hâu Nga. Dù vậy, nhà nghiên cứu Emmanuel Dupuy, trên đài TV5 Monde, cảnh báo mối nguy vũ khí hóa học, một "hiểm họa cần phải được xem xét nghiêm túc" theo như tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Tóm lại, phải chăng đây chính là cách để ông Vladimir Putin "chấm dứt nhanh nhất" chiến tranh như lời thuật lại từ người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS của Mỹ hôm 19/9 ?

Minh Anh

Nguồn : RFI, 22/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Nghĩa, Cyril Gloaguen, Minh Anh
Read 749 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)