Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2022

Sửa Luật Đất đai : Thị trường tiến, Đảng cộng sản lùi

Phạm Quý Thọ

Nỗ lực cải cách đầu tiên trong lĩnh vực đất đai sau Đổi mới năm 1986 được đánh dấu bởi Luật Đất đai năm 1987, theo đó việc quy định bốn hình thức sở hữu đất đai (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ, sở hữu của nhà tư sản dân tộc) tại Hiến pháp 1959 được gộp làm một, đó là sở hữu toàn dân (Điều 19) do Nhà nước thống nhất quản lý.

luatdatdai1

Tấm biển do người dân xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội dựng lên hôm 20/4/2017 sau vụ người dân bắt các cán bộ và công an làm con tin liên quan đến nhũng tranh chấp về đất đai ở địa phương - Reuters

Những biến động lớn trong thời hiện đại, ngoại trừ chiến tranh, của đất nước gắn liền với đất đai. Nhìn về lịch sử, cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 với phương châm "người cày có ruộng", theo đó ruộng đất vốn thuộc sở hữu tư nhân, bị chính quyền cách mạng tịch thu và chia cho mọi nông dân. Sau đó là quá trình quốc hữu hóa dưới các hình thức từ thấp đến cao : tổ đổi công, hợp tác hoá, nông trường quốc doanh…

Trước Đổi mới năm 1986, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, trong đó có lĩnh vực đất đai, bằng các nghị quyết, mỗi nghị quyết giải quyết một số vấn đề theo các đặc điểm trong bối cảnh cụ thể từng giai đoạn. Chính sách chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường khởi đầu cho xu hướng thể chế hóa hay luật hóa nhưng dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Như nêu ở trên, Luật Đất đai 1987 được soạn thảo dựa vào Hiến pháp 1980, Luật Đất đai năm 1993 dựa vào Hiến pháp năm 1993, các lần sửa đổi Hiến pháp tiếp theo xác định chu kỳ sửa đổi luật đất đai 10 năm một lần, năm 2003, 2013 và nay đang chuẩn bị cho lần sửa năm 2023.

"Thị trường tiến, Đảng lùi"

Quá trình sửa đổi chính sách, pháp luật luật đất đai đang phản ánh rõ nét đặc trưng "Thị trường tiến, Đảng cộng sản lùi" và, đằng sau xu hướng chuyển đổi sang thị trường là sự thay đổi khó khăn về sở hữu, từ công hữu - nền tảng của chế độ Đảng cộng sản tập quyền và tư hữu - nền tảng của nguyên tắc thị trường. Tất cả các lần sửa đổi luật đất đai đều bị ràng buộc bởi chế độ sở hữu mang tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản cầm quyền.

Luật Đất đai 1993 bị ‘níu kéo’ bởi "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" (Điều 17), "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả" (Điều 18). Luật Đất đai 2003 vẫn giữ chế độ sở hữu ‘mang tính nguyên tắc’ nêu trên và được sửa đổi tập trung vào vấn đề nội dung quản lý nhà nước về đất đai là lớn nhất, theo đó phân cấp, phân quyền lớn hơn và trách nhiệm đối với lãnh đạo các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng như các Sở Tài nguyên và Môi trường. Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể 15 nội dung về quản lý nhà nước đối với đất đai tại Điều 22, trong đó nội dung "Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó" quyết định các nội dung khác. ‘Điểm nghẽn’ nghiêm trọng là khâu thực thi khiến lĩnh vực đất đai ngày càng rối loạn và lan sang cả nền kinh tế, gây ra bất ổn thể chế.

Tính cấp bách là rõ ràng, nhưng đây là lý do khiến cho Đảng cảnh giác và thận trọng ‘chưa từng thấy’ trong việc sửa đổi luật trong lĩnh vực đất đai. Định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là Nghị quyết 18/NQ-TW năm 2022 của Đảng cộng sản, trong đó bốn nội dung quan trọng được tập trung : do Bộ Tài nguyên và môi trường soạn thảo và trình trong năm 2022, năm 2023 Quốc hội xem xét để có thể ban hành Luật ; Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường ; Thu thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang ; Thương mại hóa quyền sử dụng đất gắn liền với cơ chế minh bạch trong xác định nghĩa vụ thuế. Các nội dung trên phản ánh xu hướng "Thị trường tiến, Đảng lùi" đang mạnh dần, nhưng những cuộc thảo luận dưới nhiều hình thức vẫn đang tỏ ra ‘căng thẳng’. "Chậm công khai về đất đai thì dân khổ, công khai không rõ ràng thì màu mỡ cho tham nhũng", "Nguồn lực công sản dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí"; Sự hài hòa được đặt ra, nhưng "tiêu chí thế nào là thị trường" không thể xác định được thì "khó đưa ra một bảng giá đất thỏa mãn hết các lợi ích", "Doanh nghiệp làm đô thị phải chia sẻ lợi ích cho người dân bị mất đất"; "Cần dày công hơn trong đánh giá tác động"… Thực tế cho thấy ‘thị trường’ dường như đang ‘thắng thế’ và Đảng cộng sản vẫn đang lùi nhưng kiên quyết giữ quyền kiểm soát thông qua chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

luatdatdai2

Công an đàn áp người dân phản đối cưỡng chế đất ở tỉnh Nam Định hôm 9/5/2012. Reuters

Nền tảng chế độ

Sở hữu toàn dân là nền tảng chế độ Đảng Cộng sản cầm quyền. Nó có nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong tác phẩm "Bản thảo Kinh tế và Triết học" năm 1844, K. Marx đã bày tỏ quan điểm sâu sắc nhất của mình về chủ đề này. Có thể khái quát trong một cụm từ : Kẻ thù của con người là chiếm hữu. Nói cách khác, ham muốn sở hữu mọi thứ khiến bạn trở thành người xấu. Marx cho rằng có rất nhiều người trong xã hội, giống như bạn, bị thúc đẩy bởi sự đố kỵ và oán giận và, rằng nếu điều đó được loại bỏ, thì đói nghèo, bất bình đẳng, bóc lột, xung đột giai cấp… cũng có thể bị xóa bỏ. Và, theo ông ấy, trách nhiệm thuộc về chủ nghĩa tư bản, bởi vì nó tạo ra một thế giới bất bình đẳng, bóc lột và xung đột giai cấp. Bởi vậy, muốn có bình đẳng thu nhập và địa vị xã hội thì phải làm cách mạng lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Câu chuyện còn lại như mọi người đều biết, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung không hiệu quả đã là tác nhân chủ yếu làm sụp đổ chế độ - mô hình Liên Xô trước đây. Chế độ lai tạp giữa ‘cộng sản’ và ‘thị trường’ - mô hình Trung Quốc đang chuyển đổi sang thị trường, ‘bớt đỏ thêm xanh’, bớt ‘duy ý chí cách mạng’ thêm ‘tự nhiên’ và, tồn tại nhờ động lực thị trường. Thị trường đang làm thay đổi tất cả, từ tư tưởng đến hành động của mọi người. Hơn thế, trái ngược với tuyên bố của Marx, thị trường tạo cơ hội tự do lựa chọn công việc, mang lại cả tiền bạc và phẩm giá. Hơn nữa, hầu hết mọi người làm việc hiệu quả nhất khi họ theo đuổi tư lợi của mình, một ý tưởng mà Marx coi thường.

Mặc dù, về mặt tuyên truyền nó được biện minh che đậy bản chất rằng "thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản" nhưng dấu hiệu suy giảm kinh tế và bất ổn thể chế của kiểu mô hình Trung Quốc đang dần rõ nét. Chế độ lai tạp này quay trở lại bản chất kiểu chuyên chế độc tài nguyên thủy thế nào đang được theo dõi trong bối cảnh cạnh tranh ý thức hệ trong trật tự thế giới lưỡng cực đang hình thành phức tạp.

Tất cả những "hoài niệm" về mô hình toàn trị kiểu Xô - Viết mà chế độ mang theo sẽ cản trở bất kỳ một cuộc cải cách cơ bản nào theo hướng thị trường. Luật Đất đai lần này dù được sửa đổi rất thận trọng và theo đúng quy trình, nhưng cơ chế "sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý" vẫn duy trì thì cải cách thể chế sẽ "vất vả chạy theo" để khắc phục những rủi ro và bất ổn không tránh khỏi. Liệu Luật Đất đai năm 2023 sẽ lại tiếp tục sửa theo cách như trên vào năm 2033 ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 23/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 429 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)