Như vậy việc sửa đổi Luật đất đai chỉ là để tiếp tục "tháo gỡ các vướng mắc" và "khơi thông nguồn lực" mà đảng cộng sản đang cho là bị tắc nghẽn.
Các vấn đề tài chính về đất đai chủ yếu liên quan đến giá đất và thuế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo Nghị quyết 50/2022/QH15 thì trong kì họp tháng 10 này, Quốc hội sẽ thông qua 6 luật sửa đổi, trong đó có 4 luật liên quan đến đất đai là : 1. Luật đất đai ; 2. Luật kinh doanh bất động sản 3. Luật Nhà ở và 4. Luật tài nguyên nước.
Hôm 3/11, các đại biểu quốc hội đã dành trọn 1 ngày đề bàn thảo về dự thảo Luật đất đai đã được sửa đổi, bổ sung gồm có 16 chương và 265 Điều. Theotổng kết của phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thì có 49 đại biểu phát biểu,16 đại biểu tranh luận, 72 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu do hết thời gian.
Mặc dù vẫn còn có quá nhiều vấn đề phức tạp được nêu ra nhưng Luật đất đai cùng các luật liên quan vẫn có thể được thông qua đúng "kế hoạch" vào cuối kỳ họp này.
Trên thực tế, quá trình làm luật ở Việt Nam rất dễ vì đều theo "kế hoạch". Khi Đảng thấy cần thì sẽ thông qua được rất nhanh còn khi chưa thì thôi. Nếu cuối kỳ họp này mà "Đảng đoàn Quốc hội" vẫn đưa ra thông qua thì cả "gói" 4 luật sẽ lại được thông qua với sự nhất trí rất cao của các đại biểu và "đi vào thực tế" tốt đẹp.
Tại sao phải sửa đổi Luật đất đai ?
Trong mộtbài đăng trên báo Nhân dân vào tháng 3 năm nay, cho rằng sửa đổi Luật đất đai là để "khơi nguồn phát triển". Cụ thể, bài báo cho rằng"việc sửa Luật Đất đai không chỉ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại trên thực tiễn…mà còn góp phần khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân"
Như vậy việc sửa đổi Luật đất đai chỉ là để tiếp tục "tháo gỡ các vướng mắc" và "khơi thông nguồn lực" mà đảng cộng sản đang cho là bị tắc nghẽn.
Đúng như vậy, "cục máu đông" bất động sản được tạo ra bởi nhiều yếu tố trong đó có chuyện "đốt lò" và để tiếp tục thì sẽ có nguy cơ gây ra những hệ luỵ về kinh tế và xã hội khác.
Thật khó để đưa ra một con số chính xác về tỷ trọng của ngành bất động sản đóng góp cho nền kinh tế. Theothống kê của tổng cục thống kê thì bất động sản chỉ chiếm 3,46% GDP trong năm 2022, tuy nhiên theo một Nghiên cứu khoa học của Hiệp hội bất động sản được tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn trích đăng thì cho rằng bất động sản đang chiếm tới 20% GDP của nền kinh tế và sẽtăng lên đến 22% trong vòng 10 năm tới.
Nhiều dự án bất động sản đã thay đổi bộ mặt đô thị ở một số vùng nhất định. Thế nhưng nhu cầu đối với nhân dân là những khu nhà ở xã hội và những dự án vừa tầm tay, chứ không phải là những dự án chỉ dành cho giới đầu cơ. Chúng ta đã thấy rất nhiều dự án bất động sản trải dài từ Bắc tới Nam. Những bờ xôi ruộng mật của nhân dân đã biến thành các "khu đô thị ma". Ngay cả vùng đệm của kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng đang bị đổ đất để san lấp, lấn biểnxây dựng biệt thự và các chung cư.
Chính vì nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động bất động sản nên khi các vụ án như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh hay FLC xảy ra, thị trường bất động sản trầm lắng toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nặng nề và việc sửa đổi Luật đất đai được kỳ vọng là sẽ làm cho thông thoáng và minh bạch toàn bộ ngành này.
Luật đất đai sửa đổi sửa những điểm nào ?
Về cơ bản, những người dân không phải quan tâm quá mức về Luật mới bởi vì những điều chỉnh về việc sở hữu đất nông nghiệp và đất ở riêng lẻ cũng không khác nhiều so với bộ luật hiện hành, mà sửa đổi chủ yếu tác động đến các nhà đầu tư lớn.
Nhưng theo tôi thì thực chất thì đây tiếp tục là một cuộc "quần ngư tranh thực" giữa các nhóm lợi ích với nhau, giữa những gương mặt đang lên và những tập đoàn đang đi xuống.Nhóm làm du lịch thì đang lên tiếng không có mục thu hồi đất cho các dự án du lịch, trong khi một số đại biểu còn đề nghị các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền trên đất mà dự thảo luật đã cố tình không đưa vào.
Nông dân bị thu hồi đất có cơ sở để vui mừng khi dự thảo một lần nữa khẳng định việc đền bù đất khi nhà nước thu hồi đất sẽ theo giá thị trường. Nhưng "Giá thị trường là giá nào" vẫn là mộtđiều bỏ ngỏ bởi vì bảng giá đất của các địa phương đều không sát với giá thị trường.
Một vấn đề cũng đang được cân nhắc từng con chữ để làm sao vừa có thể "gây tù mù" nhưng lại vừa có vẻ rất "minh bạch". Đó là những điều khoản về : trách nhiệm quản lý đất đai, minh bạch thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối với định danh cá nhân và đánh thuế nhà đất… Những vấn đề này đang được các quan chức và nhà đầu cơ nhiều đất đai hồi hộp theo dõi vì nếu được làm thật sự thì sẽ lộ ra hết ai đang có bao nhiêu nhà đất.
Đồng thời một điểm quan trọng của việc sửa đổi cũng là để Nhà nước tìm cách thu thêm thuế từ đất đai. Một trong những điểm quan trọng trong dự thảo là Nhà nước sẽ thu tiền thuế theo năm và cho cả kỳ thuê đất. Một Nghị định thậm chí đã đượcBộ tài chính dự thảo cả trước khi luật đất đai sửa đổi được thông qua.
Cách làm luật "giày vò" tài nguyên
Đất đai là tài nguyên quốc gia quý giá, là thành phần quan trọng của môi trường sống và là mục đích bảo vệ của toàn thể người dân từ thời khai thiên lập địa.
Luật đất đai cũng vô cùng quan trọng bởi vì nó như "luật mẹ" có liên hệ với nhiều đạo luật khác như : Luật dân sự, Luật đầu tư, Luật môi trường, Luật Quy hoạch, Luật nhà ở, Luật Lâm nghiệp… cho nên quá trình xây dựng, sửa đổi lẽ ra phải được bàn thảo thật độc lập, chi tiết và phải có chiến lược dài hơi.
Thế nhưng các nhà làm luật Việt Nam không thể tuân thủ theo nguyên tắc sự thật khách quan, mà phải dựa nhiều vào ý chí chủ quan, không dựa vào thực tiễn mà phải theo chỉ đạo, chỉ ăn theo hiện tại mà không trù liệu được tương lai, hoàn toàn làm theo kiểu "giật cục".
Nghiêm trọng hơn nữa, việc thảo luận dân chủ là điều cần thiết trong quá trình làm luật nhưng Quốc hội Việt Nam, vốn có hơn 97% là đảng viên cộng sản, sẽ phải theo "ý chí" lãnh đạo, do vậy có nhiều các đại biểu bị kẹt giữa những tư duy của người Nghị sỹ làm luật và người quản trị điều hành ; giữa lợi ích dân tộc và những "nhóm lợi ích" đương thời mà đôi khi xung đột nhau.
Do mâu thuẫn trong tư duy và cách làm luật cho nên câu từ trong các bộ luật cũng bị giằng co, vá víu. Không có sự độc lập và thống nhất toàn diện nên khi đã sửa luật này thì này lại phải sửa luật kia, vá chỗ này lại rách chỗ khác hoặc phải bổ sung rất nhiều bằng văn bản dưới luật.
Ví dụ Luật đất đai 2013 hiện đang đang gồng gánh theo mình cả một hệ thống văn bản đồ sộ gồm 18 Nghị định, 53 Thông tư và 03 Thông tư liên tịch để hướng dẫn thi hành nhưng vẫn không thể đảm bảo được sự khả thi trong thực tế và thống nhất trong điều hành.
Không thể chỉ dựa vào đất đai
Cuối cùng, xét về phát triển kinh tế, thì không thể chỉ dựa vào đất đai. Đất đai là hữu hạn và việc khai thác sẽ đến lúc bão hoà. Đồng thời, nếu lệ thuộc nhiều vào bất động sản và khi những tập đoàn bất động sản bị vướng vào vòng lao lý, nó sẽ đẩy toàn bộ nền kinh tế đi đến suy thoái.
Chỉ có sự sáng tạo của con người được đưa vào phát triển các ngành công nghiệp mới thực sự tạo ra được nguồn thu bền vững cho nền kinh tế đất nước. Nhật bản hay Hàn Quốc là một ví dụ khi họ đã biết đầu tư vào các ngành công nghiệp ngay từ khi độc lập. Nhờ vậy chỉ trong 20-30 năm sau họ đã tạo được một sự tăng trưởng bền vững và giúp đất nước không ngừng đi lên.
Bản thân đất đai vẫn vậy, nông hoá, thổ nhưỡng vẫn như thế, nhưng cách con người nhìn nhận về nó thì thay đổi tuỳ thuộc vào lợi ích mà mình hướng đến. Do đó khi lợi ích của từng người, từng ngành thay đổi thì luật pháp lại tiếp tục phải chạy theo "tư duy mới" của nhóm mới và như vậy thì rất tai hại.
Nếu Việt Nam chỉ loay hoay chạy theo xung quanh chuyện đất đai, khi nó suy thoái thì nghĩ cách sửa luật để giải cứu và kích thích lên, sau đó khi bùng lên quá thì lại tìm cách bóp lại.
Đó là cách làm luật kiểu "giật cục" và tư duy đó nên cần phải được loại bỏ.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 15/11/2023
Nỗ lực cải cách đầu tiên trong lĩnh vực đất đai sau Đổi mới năm 1986 được đánh dấu bởi Luật Đất đai năm 1987, theo đó việc quy định bốn hình thức sở hữu đất đai (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ, sở hữu của nhà tư sản dân tộc) tại Hiến pháp 1959 được gộp làm một, đó là sở hữu toàn dân (Điều 19) do Nhà nước thống nhất quản lý.
Reuters
Những biến động lớn trong thời hiện đại, ngoại trừ chiến tranh, của đất nước gắn liền với đất đai. Nhìn về lịch sử, cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 với phương châm "người cày có ruộng", theo đó ruộng đất vốn thuộc sở hữu tư nhân, bị chính quyền cách mạng tịch thu và chia cho mọi nông dân. Sau đó là quá trình quốc hữu hóa dưới các hình thức từ thấp đến cao : tổ đổi công, hợp tác hoá, nông trường quốc doanh…
Trước Đổi mới năm 1986, Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, trong đó có lĩnh vực đất đai, bằng các nghị quyết, mỗi nghị quyết giải quyết một số vấn đề theo các đặc điểm trong bối cảnh cụ thể từng giai đoạn. Chính sách chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường khởi đầu cho xu hướng thể chế hóa hay luật hóa nhưng dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Như nêu ở trên, Luật Đất đai 1987 được soạn thảo dựa vào Hiến pháp 1980, Luật Đất đai năm 1993 dựa vào Hiến pháp năm 1993, các lần sửa đổi Hiến pháp tiếp theo xác định chu kỳ sửa đổi luật đất đai 10 năm một lần, năm 2003, 2013 và nay đang chuẩn bị cho lần sửa năm 2023.
Quá trình sửa đổi chính sách, pháp luật luật đất đai đang phản ánh rõ nét đặc trưng "Thị trường tiến, Đảng cộng sản lùi" và, đằng sau xu hướng chuyển đổi sang thị trường là sự thay đổi khó khăn về sở hữu, từ công hữu - nền tảng của chế độ Đảng cộng sản tập quyền và tư hữu - nền tảng của nguyên tắc thị trường. Tất cả các lần sửa đổi luật đất đai đều bị ràng buộc bởi chế độ sở hữu mang tính nguyên tắc của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Luật Đất đai 1993 bị ‘níu kéo’ bởi "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân" (Điều 17), "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả" (Điều 18). Luật Đất đai 2003 vẫn giữ chế độ sở hữu ‘mang tính nguyên tắc’ nêu trên và được sửa đổi tập trung vào vấn đề nội dung quản lý nhà nước về đất đai là lớn nhất, theo đó phân cấp, phân quyền lớn hơn và trách nhiệm đối với lãnh đạo các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng như các Sở Tài nguyên và Môi trường. Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể 15 nội dung về quản lý nhà nước đối với đất đai tại Điều 22, trong đó nội dung "Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó" quyết định các nội dung khác. ‘Điểm nghẽn’ nghiêm trọng là khâu thực thi khiến lĩnh vực đất đai ngày càng rối loạn và lan sang cả nền kinh tế, gây ra bất ổn thể chế.
Tính cấp bách là rõ ràng, nhưng đây là lý do khiến cho Đảng cảnh giác và thận trọng ‘chưa từng thấy’ trong việc sửa đổi luật trong lĩnh vực đất đai. Định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là Nghị quyết 18/NQ-TW năm 2022 của Đảng cộng sản, trong đó bốn nội dung quan trọng được tập trung : do Bộ Tài nguyên và môi trường soạn thảo và trình trong năm 2022, năm 2023 Quốc hội xem xét để có thể ban hành Luật ; Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường ; Thu thuế cao hơn với người có nhiều đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang ; Thương mại hóa quyền sử dụng đất gắn liền với cơ chế minh bạch trong xác định nghĩa vụ thuế. Các nội dung trên phản ánh xu hướng "Thị trường tiến, Đảng lùi" đang mạnh dần, nhưng những cuộc thảo luận dưới nhiều hình thức vẫn đang tỏ ra ‘căng thẳng’. "Chậm công khai về đất đai thì dân khổ, công khai không rõ ràng thì màu mỡ cho tham nhũng", "Nguồn lực công sản dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí"; Sự hài hòa được đặt ra, nhưng "tiêu chí thế nào là thị trường" không thể xác định được thì "khó đưa ra một bảng giá đất thỏa mãn hết các lợi ích", "Doanh nghiệp làm đô thị phải chia sẻ lợi ích cho người dân bị mất đất"; "Cần dày công hơn trong đánh giá tác động"… Thực tế cho thấy ‘thị trường’ dường như đang ‘thắng thế’ và Đảng cộng sản vẫn đang lùi nhưng kiên quyết giữ quyền kiểm soát thông qua chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
Sở hữu toàn dân là nền tảng chế độ Đảng Cộng sản cầm quyền. Nó có nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong tác phẩm "Bản thảo Kinh tế và Triết học" năm 1844, K. Marx đã bày tỏ quan điểm sâu sắc nhất của mình về chủ đề này. Có thể khái quát trong một cụm từ : Kẻ thù của con người là chiếm hữu. Nói cách khác, ham muốn sở hữu mọi thứ khiến bạn trở thành người xấu. Marx cho rằng có rất nhiều người trong xã hội, giống như bạn, bị thúc đẩy bởi sự đố kỵ và oán giận và, rằng nếu điều đó được loại bỏ, thì đói nghèo, bất bình đẳng, bóc lột, xung đột giai cấp… cũng có thể bị xóa bỏ. Và, theo ông ấy, trách nhiệm thuộc về chủ nghĩa tư bản, bởi vì nó tạo ra một thế giới bất bình đẳng, bóc lột và xung đột giai cấp. Bởi vậy, muốn có bình đẳng thu nhập và địa vị xã hội thì phải làm cách mạng lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Câu chuyện còn lại như mọi người đều biết, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung không hiệu quả đã là tác nhân chủ yếu làm sụp đổ chế độ - mô hình Liên Xô trước đây. Chế độ lai tạp giữa ‘cộng sản’ và ‘thị trường’ - mô hình Trung Quốc đang chuyển đổi sang thị trường, ‘bớt đỏ thêm xanh’, bớt ‘duy ý chí cách mạng’ thêm ‘tự nhiên’ và, tồn tại nhờ động lực thị trường. Thị trường đang làm thay đổi tất cả, từ tư tưởng đến hành động của mọi người. Hơn thế, trái ngược với tuyên bố của Marx, thị trường tạo cơ hội tự do lựa chọn công việc, mang lại cả tiền bạc và phẩm giá. Hơn nữa, hầu hết mọi người làm việc hiệu quả nhất khi họ theo đuổi tư lợi của mình, một ý tưởng mà Marx coi thường.
Mặc dù, về mặt tuyên truyền nó được biện minh che đậy bản chất rằng "thị trường không phải là chủ nghĩa tư bản" nhưng dấu hiệu suy giảm kinh tế và bất ổn thể chế của kiểu mô hình Trung Quốc đang dần rõ nét. Chế độ lai tạp này quay trở lại bản chất kiểu chuyên chế độc tài nguyên thủy thế nào đang được theo dõi trong bối cảnh cạnh tranh ý thức hệ trong trật tự thế giới lưỡng cực đang hình thành phức tạp.
Tất cả những "hoài niệm" về mô hình toàn trị kiểu Xô - Viết mà chế độ mang theo sẽ cản trở bất kỳ một cuộc cải cách cơ bản nào theo hướng thị trường. Luật Đất đai lần này dù được sửa đổi rất thận trọng và theo đúng quy trình, nhưng cơ chế "sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý" vẫn duy trì thì cải cách thể chế sẽ "vất vả chạy theo" để khắc phục những rủi ro và bất ổn không tránh khỏi. Liệu Luật Đất đai năm 2023 sẽ lại tiếp tục sửa theo cách như trên vào năm 2033 ?
Phạm Quý Thọ
Nguồn : RFA, 23/09/2022