Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2022

Vietnam Airlines "hợp tác toàn diện" với China Southern Airlines : Mừng hay lo ?

Nguyễn Đình Ấm

Tôi giật mình khi hay tin trên mạng Vietnam Airlines (VNA) hợp tác "toàn diện" với China Southern Airlines (CSA).

vnairlines1

Nếu bần cùng phải nhờ nguồn lực nước ngoài thì cũng không nên ở doanh nghiệp của Trung Quốc - Ảnh minh họa Vietnam Airlines (Vietnam Airlines) hợp tác "toàn diện" với China Southern Airlines (China Southern Airlines)

Có vẻ như sự kiện quan trọng này của ngành hàng không cũng như Việt Nam không được phổ biến rộng rãi. Bởi vì tìm trên google chỉ thấy tờ báo chính thống lớn "Quân đội nhân dân" đăng mà rất ít các tờ báo mạng lớn khác đăng tin này.

Việc một doanh nghiệp nhất là vận tải hàng không hợp tác với doanh nghiệp khác thường đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho hai doanh nghiệp mà còn có lợi cho hành khách vì một hành khách đi máy bay có thể bay khắp thế giới với sự ủy quyền khai thác giữa các hãng HK với nhau khai thác chung đường bay, chung cờ hiệu,(code shoriny), bay liên doanh (Joint service), liên doanh giữa Hhàng không và du lịch hai nước…

Thế nhưng đây là sự hợp tác toàn diện mà lại là với một doanh nghiệp Trung Quốc thì tôi rất lo ngại. Các hãng hàng không Việt Nam đã từng hợp tác với hãng hàng không Campuchia, với Qantas (Úc), bán cổ phần cho hãng hàng không Nhật và cho ta ít nhiều kinh nghiệm.Vào những năm 2.000 hãng Hàng không cổ phần Pacific Airlines đầu tiên của Việt Nam (thành lập từ năm 1992) do thua lỗ khoảng hơn 200 tỷ VNĐ (Lãnh đạo hãng này liên tục báo lãi hoặc lỗ rất ít để nhận nhiều bằng, giấy khen của Bộ Giao thông vận tải, chính phủ. Nhưng năm 2008, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác phát hiện nhiều tham nhũng, lỗ lớn nhưng họ dấu diếm cố tình kìm hãm sự phát triển của hãng). 

Năm 2008 công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thu nhận Pacific Airlines như để " tạo việc làm với mức lương cao và đi máy bay miễn phí cho một số cán bộ đương chức và nghỉ hưu của bộ tài chính" rồi bán cho hãng Jetstar Airway(JA- công ty con của Qantas-Úc) 30% cổ phần. ngày 23/5/2008 PA bị đổi tên thành Jetstar Pacific (JPA), mang thương hiệu của JPA là chữ Jetstar và ngôi sao vàng cam (Jetstar.com). 

Thế là sau 17 năm hoạt động an toàn, được các tổ chức hàng không quốc tế công nhận, hàng trăm triệu khách trong và ngoài nước biết đến, có giá 150 triệu USD bị vứt bỏ để mang thương hiệu cho một hãng hàng không nước ngoài dù Jetstar Airway chỉ có 30% cổ phần. Dư luận trong ngành hàng không Việt Nam gọi đây là một sự "bán nước".

Tưởng là với kinh nghiệm quản lý của người Úc, JPA sẽ phát triển nhưng ngược lại. JPA liên tục mở thêm đường bay nhưng không bay hoặc bay ít thời gian lại ngưng, bán nhiều vé giá thấp không tưởng, pano, áp phích quảng cáo cho thương hiệu Jetstar Airway ở khắp nơi vô cùng tốn kém. 

Thêm nữa giám đốc Lương Hoài Nam lại mua trữ dầu của phía đối tác (Qantas) gây ra vụ thua lỗ hãng chục triệu USD. Dù hãng thua lỗ nặng nhưng các lãnh đạo nước ngoài và một số sếp Việt Nam thu nhập cao "chót vót" với lương cơ bản của 10 người trong ban lãnh đạo một năm 670.000 USD. 

Kết quả, cuối năm 2008 JPA lỗ mỗi ngày 1 tỷ đồng, mỗi tháng lỗ 2 triệu USD, lỗ lũy kế đến tháng 11 hơn 50 triệu USD… Có vẻ như việc Qantas bỏ ra ít tiền để liên doanh với hãng hàng không của Việt Nam không ưu tiên lợi nhuận mà ưu tiên nhờ tiền, ảnh hưởng của hãng Hàng không Việt Nam (PA) để quảng bá thương hiệu ở Việt Nam và khắp Đông Nam Á chuẩn bị cho thời kỳ tự do hóa hàng không ASEAN. 

Năm 2019 JPA lỗ lũy kế 4.400 tỷ VNĐ rồi dịch covid 2 năm liền JPA lâm vào tình thế quá khốn khó và "sự nghiệp" tự do hóa HK ASEAN không có triển vọng, đầu năm 2022, Jetstar Airway (Qantas) đã rút 30% vốn (50 triệu USD) khỏi liên doanh và hãng hàng không này trở về "cái máng lợn" mang tên, thương hiệu cũ Pacific Airlines. 

Hiện nay hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines nắm tới 98% cổ phần của PA cũng không giúp được gì vì chính Vietnam Airlines cũng đang quá khốn khó vì hai năm dịch bệnh do hãng chỉ kinh doanh vận tải hàng không theo chỉ đạo của nhà nước.

Theo tôi, việc dù doanh nghiệp nhà nước bao giờ cũng kém hiệu quả hơn doanh nghiệp tư nhân nhưng Vietnam Airlines lỗ khủng chủ yếu do khách quan. Bởi vì, từ khi thành lập (1956) chỉ cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2007 hãng gặp khó khăn phải nhờ trợ giúp của nhà nước, từ đó cho đến năm 2019 (trước dịch) Vietnam Airlines không bao giờ thua lỗ.

Vậy nay có nên phải để Vietnam Airlines phụ thuộc Trung Quốc ? Tôi nói "phụ thuộc" vì sự hợp tác "toàn diện", tức là cả về tài chính – cái mà Vietnam Airlines duy nhất thiếu – còn về thương hiệu, trình độ khai thác, quản lý, an toàn, uy tín trên thế giới, Vietnam Airlines không thua kém nếu không nói là hơn hãng hàng không của Trung Quốc.

Hiện tại Vietnam Airlines là hãng hàng không chuẩn mực, đại diện cho ngành vận tải hàng không của Việt Nam, là hãng hàng không đạt nhiều tiêu chuẩn của hàng không thế giới nhất : Ngoài là thành viên lâu nhất của IATA (hiệp hội vận tải hàng không quốc tế), thành viên của tập đoàn hàng không khổng lồ Skyteam, là hãng hàng không 4 sao, thuộc top trong 20 hãng hàng không có hạng ghế phổ thông tốt nhất thế giới, là hãng Hàng không Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên các đường bay khắc nghiệt nhất như Hà Nội, Sài Gòn-Paris, London, Frankfurt, Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo, Melbourne… với trị giá hàng tỷ USD. Nếu nay Vietnam Airlines "hợp tác toàn diện" với một hãng hàng không Trung Quốc tôi rất lo ngại :

– Những người yêu nước có tinh thần dân tộc sẽ không đi máy bay của Vietnam Airlines nữa nếu có sự lựa chọn.

– Tức hàng không có yếu tố Trung Quốc được bay trong mạng nội địa của Việt Nam. Nên nhớ mạng nội địa là nguồn sống cơ bản của ngành vận tải hàng không của các quốc gia.

– Khi bị China Southern Airlines xâm nhập vào hệ thống quản lý, không lưu, các cảng hàng không, nhân viên của Vietnam Airlines… sẽ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Vietnam Airlines đang không có tiền để cân đối thu, chi sẽ phải vay mượn hoặc bán nhiều cổ phần cho China Southern Airlines, từ đó sẽ bị China Southern Airlines khống chế. 

Thời gian qua, đã có quá nhiều dự án của Trung Quốc làm thiệt hại vô cùng lớn cho ngành kinh tế Việt Nam,với ngành vận tải hàng không thì càng dễ phá hoại hơn nhiều mà khi đối tác nhận ra thì đã quá muộn. Trước đây Trung Quốc giúp làm nhà máy sứ Hải Dương, họ đặt gần đường tàu dẫn đến nhiều lô sản phẩm không chuẩn về chất lượng khi có tàu đi qua. 

Chùm nhà máy hóa chất, giấy, điện, mì chính ở Việt Trì do Trung Quốc giúp xây dựng những năm 1960 toàn đặt ở bờ sông Hồng đón gió đông nam, về mùa hè tất cả khói bụi, khí độc bao trùm thành phố ở phía tây bắc còn nước thải chảy thẳng xuống sông Hồng đầu độc con sông từ Việt Trì đến tận biển Đông… Năm 1984 tôi tốt nghiệp đại học đáng lẽ về báo Vĩnh Phú tiếp tục công tác nhưng phải xa quê cũng một phần không chịu nổi sự ô nhiễm của thành phố Việt Trì khi đó.

Trước tình hình này, theo tôi :

– Nhà nước cho kiểm toán xem vừa qua Vietnam Airlines lỗ khủng do đâu. Nếu do bộ máy quản lý kém thì thay ban lãnh đạo, (có thể thuê CEO của nước ngoài như Mỹ, Nhật, Anh, Singapore, Hàn…), kiện toàn bộ máy quản lý, để vực dậy hãng hàng không quốc gia, nòng cốt, chuẩn mực,đại diện cho vận tải hàng không của Việt Nam và duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường hàng không Việt Nam.

– Nếu Vietnam Airlines thua lỗ chủ yếu do khách quan (dịch) thì trước hết huy động nguồn lực trong nước để củng cố doanh nghiệp, bãi bỏ tất cả các dự án viển vông, các tượng đài, cổng trào, các nhà văn hóa, nhà hát opera… chưa cấp bách để giữ lấy doanh nghiệp phải bao mồ hôi xương máu dân ta mới có như ngày nay. 

– Nếu bần cùng phải nhờ nguồn lực nước ngoài thì cũng không nên ở doanh nghiệp của Trung Quốc.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 24/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Đình Ấm
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)