Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/09/2022

Kẻ sát nhân lương thiện

Trường Sơn

Cả khu phố xin giảm án cho người đàn ông giết vợ…

Báo chí Việt Nam có tường thuật về phiên tòa mà nếu được nghe qua các tình tiết, chắc hẳn ai cũng đồng ý về người phải đi tù chính là những vị lãnh đạo nhà nước cao nhất quốc gia.

chet

Chính sách an sinh đã bất lực đã đưa đến sự túng quẫn của người dân

Vụ án được báo chí tóm tắt vầy : Vợ của ông Huỳnh Quang Đạt là bà Trần Thị Ngọc Uyên bị tai biến nặng vào năm 2006, không còn khả năng lao động, trong khi vào năm ấy con trai duy nhất của hai vợ chồng chỉ mới 8 tuổi. Ông làm nghề thợ mộc nhưng thường xuyên phải nghỉ làm để chăm sóc cho vợ, con nên bị chủ đuổi việc. Ông Đạt chuyển sang buôn bán nhỏ để kiếm tiền lo cho gia đình và người cha vợ sinh năm 1940 mất một chân.

Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, cả gia đình ông đều nhiễm bệnh, mỗi người được đưa đi cách ly mỗi nơi. Một thời gian sau, khu cách ly nơi vợ ông nằm báo cho ông đến đưa bà về để điều trị vật lý trị liệu vì bà đã bị liệt cả hai chân, đôi tay thì rất yếu. Sau khi mắc Covid-19, người vợ của ông Đạt còn phải chạy thận để giữ tính mạng.

Trong gần 4 ngày nằm bệnh viện để tập vật lý trị liệu sau Covid-19, ông Đạt đóng hơn 10 triệu đồng, là toàn bộ khoản tiền ông tích cóp cộng thêm phần tiền gia đình hai bên nội – ngoại giúp đỡ.

Ông vừa chăm sóc vợ vừa động viên vợ : "Em ráng khỏe cho anh mừng chứ anh khổ quá". Một lần, hai vợ chồng đã ngoắc tay nhau hứa sẽ cùng chết để giải thoát khỏi cảnh khổ.

Sáng hôm xảy ra vụ việc, ông mua đồ ăn sáng về nhưng vợ không ăn cứ liên tục trách ông không thực hiện lời hứa cùng chết nên ông này đã làm thật.

Hơn 7 giờ ngày 4/11/2021, ông Đạt mua dây điện về, đưa người vợ cầm một đầu, đầu còn lại cắm vào ổ điện. Khoảng 4 giây thì ông Đạt thấy bà vợ nằm im nên tháo phích cắm điện ra khỏi ổ, cột hai đầu dây  vào cổ tay mình rồi cầm chuôi cắm điện gắn vào ổ khoảng 5 phút để tự tử. Ông này lặp đi lặp lại khoảng 5 lần nhưng không chết.

Lúc này, con trai của một bệnh nhân cùng phòng (bệnh nhân này trong tình trạng không tỉnh táo) với bà Uyên quay về phòng phát hiện ông Đạt đang tự tử, nên truy hô để mọi người cúp cầu dao điện. Ông Đạt được cứu kịp thời nên thoát chết, bà Uyên tử vong. Theo kết luận giám định pháp y, bà Uyên bị bỏng da cho chạm điện, tổn thương não cũ, bệnh thận. Nguyên nhân chết do chạm điện.

Tại tòa, con trai ông nói : "Chuyện mẹ chết nhưng ba còn sống, ba tôi không muốn đâu. Ba đã muốn được giải thoát cùng mẹ. Hơn 15 năm qua, một mình ba cực khổ nuôi tôi ăn học, nuôi mẹ bệnh và ông ngoại thương binh nhưng ba đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, không lời than vãn. Kính mong hội đồng xét xử xem xét cho ba sớm về với gia đình, với ông ngoại đã già yếu, ngày nào ngoại cũng trông ba về".

Chàng trai này cảm thán rằng thân cha đã gồng gánh nuôi mẹ 15 năm tai biến, lo cho ông ngoại thương binh không đi lại được và lo cho con hoàn thành lớp 12.

Người dân khu phố ông ở cũng cùng nhau làm đơn xin cứu xét, giảm thiểu hình phạt cho ông. Nhưng luật là luật, ông Đạt vẫn lãnh án 7 năm tù.

Tạm gác qua về nguyên nhân vì sao các chính sách an sinh đã bất lực, đưa đến sự túng quẫn của người dân dẫn tới cái chết, thì xem chừng Quốc hội Việt Nam nên bàn đến về vấn đề "an tử và trợ tử".

An tử (euthanasia), được hiểu là dưới sự cho phép của pháp luật, sự đồng ý của bệnh nhân cũng như gia đình người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện việc kết thúc sự sống của người bệnh bằng các biện pháp không gây đau đớn. Với an tử, bác sĩ sẽ là người thực hiện "hành vi cuối cùng", thường là với một mũi tiêm.

Còn với trợ tử (assisted suicide), bác sĩ sẽ hỗ trợ để bệnh nhân tự kết thúc cuộc sống khi có yêu cầu. Lúc này, bác sĩ sẽ kê một liều thuốc gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân mới là người đóng vai trò chính yếu khi họ là người có quyết định sử dụng thuốc để kết thúc cuộc sống không.

Dĩ nhiên cũng vô số tranh luận về "an tử" – "trợ tử".

Nhiều bệnh hiện tại được xem là "vô phương cứu chữa" nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe thì việc điều trị vẫn rất hứa hẹn. Nếu nghĩ mình đã mất hết hy vọng và tìm cách kết thúc sự sống, người bệnh sẽ không còn cơ hội được chữa trị sau này.

Việc thi hành trợ tử hay an tử cũng sẽ khiến bệnh nhân không còn tinh thần chiến đấu chống lại bệnh tật. Khi ấy, nếu cơ hội cứu chữa vẫn còn thì nhiều người lại có ý định buông xuôi, chỉ muốn chấm dứt mọi sự đau đớn bằng một cái chết êm ái.

Trong một số trường hợp, quyền được chết lại có thể bị biến tướng trở thành công cụ để ép buộc một người tìm "cái chết tự nguyện" để phục vụ lợi ích riêng. Vì muốn né tránh nghĩa vụ chăm sóc hay để phục vụ mục đích tranh giành tài sản, ai đó có thể dùng vũ lực để uy hiếp người thân ký vào giấy đề nghị an tử hay trợ tử. Không những thế, nhiều người sẽ sử dụng quyền được chết để trốn tránh những khoản nợ ngân hàng hay lợi dụng những kẽ hở để gian lận quyền lợi bảo hiểm.

Ở góc độ của một bác sĩ, đạo đức nghề nghiệp sẽ khiến họ ray rứt khi trợ giúp bệnh nhân tìm đến cái chết, thay vì nhiệm vụ là chữa bệnh cứu người. Nếu trực tiếp tiến hành an tử cho bệnh nhân, nhiều người còn phải gánh chịu những hậu quả tâm lý còn nặng nề hơn.

Mặt khác, việc để quyền được chết phổ biến còn khiến cho suy nghĩ về tự sát trở nên lan rộng hơn. Nhiều người sẽ lựa chọn kết thúc cuộc sống như một cách để giải quyết bế tắc cá nhân mà thiếu đi nghị lực sống.

Trở lại với vụ án "kẻ sát nhân lương thiện" cho thấy cả "an tử" và "trợ tử" đều không phù hợp, bởi "tử" ở đây là vì gia đình bệnh nhân quá nghèo, nợ nần chồng chất vì các đơn thuốc chữa bệnh ở nhà thương công kéo dài để rồi cùng với đại dịch Covid-19 ập đến khiến họ thật sự tuyệt vọng…

Trường Sơn

Nguồn : VNTB, 27/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sơn
Read 304 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)