Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/10/2022

Đổi mới chính trị ở Việt Nam bao giờ khởi sắc ?

Thới Bình

Theo thông tin từ Văn phòng Trung ương Đảng, ở ngày thứ hai của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

doimoi1

Trung ương Đảng thảo luận xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Việc "xây dựng và hoàn thiện" này được Trung ương Đảng đặt trong yêu cầu "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị".

Cảnh báo từ rất sớm với tân Tổng bí thư

Cả hai "đề bài" trên thật ra không mới mẻ gì. Tháng 1/2011, Đại hội Đảng XI – nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã thông qua chiến lược kinh tế – xã hội đến năm 2020, trong đó nêu rõ, phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình.

Trọng tâm là hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Nghị quyết cũng khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá quá trình đổi mới và phát triển.

Chính khách Bùi Quang Vinh đánh giá : thành tựu lớn nhất là chúng ta đã phát triển được nền kinh tế thị trường, làm thay đổi cuộc sống, làm đất nước phát triển. Nhưng 75 năm qua, cơ cấu tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể hầu như không thay đổi.

Ông thẳng thắn : "Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.

Đảng là người lãnh đạo cao nhất, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định. Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị…

Đây là yếu tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho những đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân, bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả đối với đất nước và dân tộc",

Ông Bùi Quang Vinh đăng đàn với phát biểu cứng rắn như trên lúc còn là Bộ trưởng ở thảo luận tại Đại hội Đảng lần thứ XII.

Sau các nội dung thẳng thắn trên vào tháng 1/2016, ông Bùi Quang Vinh "rời ghế bộ trưởng" vào tháng 4/2016, và đến tháng 11/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh bằng hình thức khiển trách".

Yêu cầu cũ vẫn tiếp tục thời sự

Giờ có thể là nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và các băn khoăn của ông Trọng về "xây dựng và hoàn thiện" đặt trong yêu cầu "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị", cho thấy đây chính là hệ lụy của chính sách duy ý chí ở người đứng đầu Đảng.

Ở Đại hội Đảng XII hồi tháng 1/2016, Bộ trưởng Bùi Quang nhấn mạnh 3 trụ cột cho vấn đề đổi mới : Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường, thực hiện công bằng và hội nhập xã hội, hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Khi ấy, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra các yêu cầu rất cụ thể – trích :

"Phải tập trung cao độ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, về cả số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp.

Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin" ;

"Hiệu lực của Nhà nước dựa trên :

Thứ nhất : Chính phủ được tổ chức với công chức thực tài và có kỷ luật, nỗ lực xử lý những vấn đề để tạo cấu trúc Nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn, đảm bảo chế độ chức nghiệp – thực tài.

Thứ hai : Nguyên tắc thị trường cần áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế, dựa trên cơ sở phân rõ các lĩnh vực công – tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản, đặc biệt về đất đai. Thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế.

Thứ ba : Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua cơ chế hữu hiệu kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời, tăng cường vai trò các phương tiện thông tin đại chúng.

Khung khổ pháp lý của Việt Nam đã tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước. Nhà nước của dân, do dân, vì dân ; dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là những điều đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp.

Nhưng trên thực tế vẫn có khoảng cách giữa cam kết này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước. Quy trình bầu cử, cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân…".

Với những "trực ngôn" như trên, tiếc là chỉ vài tháng ngắn ngủi sau đó, ông Bùi Quang Vinh buộc phải "từ quan", rời chốn cung đình xã hội chủ nghĩa.

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 06/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thới Bình
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)