Ngại khui tham nhũng ?
Đầu tháng 11/2020, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 14, đại biểu Phan Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn rằng, hoạt động theo tôn chỉ mục đích liệu sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng không ?
Hàng loạt cơ quan báo chí vừa nhận ‘án phạt’ vì Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng "không đúng tôn chỉ mục đích", như là việc "giấy phép tạp chí", nhưng phát hành lại là "báo".
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí. Bởi cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan chủ quản có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành, thậm chí báo chí viết rất sâu.
Như vậy, vấn đề đặt ra, nếu những thông tin không chuyên ngành, mà phát hiện sai phạm tiêu cực, thì cơ quan tòa soạn không có tôn chỉ mục đích, liệu chăng phải "bỏ qua" ! ? Như vậy, vẫn là hạn chế chống tiêu cực.
Không thể cứ duy ý chí "bịt miệng"
Những người đang chịu trách nhiệm quản lý hành chánh về báo chí cần phải thấy và hiểu rõ rằng giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí phải được thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung.
Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài như : infographics, mega story, e-magazine, long-form… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. Đó là những tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả buộc báo chí đứng trước những thay đổi sâu rộng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.
"Tạp chí" là gì theo cách nghĩ của "quan bề trên" ?
Sở dĩ phải có những "mâm cơm đa dạng" trên – nói theo ngôn ngữ vĩ mô và khẩu khí kiểu Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một chút, thì thời kỳ công nghệ số hiện nay khiến báo chí Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn bởi những Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)…
Luật Báo chí hiện hành, ở Điều 3 có 20 điểm giải thích từ ngữ về báo chí, song chưa nêu rõ khái niệm về "tạp chí", mới chỉ nêu "tạp chí điện tử" và "tạp chí khoa học".
Trong khi đó thì "báo chí" là cụm từ thuần Việt, mang hàm nghĩa thông báo được ghi chép lại. Chính việc chưa làm rõ sự khác biệt giữa báo và tạp chí ở Luật Báo chí đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau, đã ảnh hưởng đến việc gọi là "sắp xếp và quy hoạch lại hệ thống báo chí" như hiện nay.
Khác với báo có đội ngũ tác nghiệp chủ yếu là phóng viên và cộng tác viên tích cực ở các cơ sở ; đội ngũ người viết cho tạp chí chủ yếu là cộng tác viên, là những nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm thông hiểu các vấn đề nghiệp vụ và các biên tập viên là những nhà khoa học, chuyên gia vững về nghiệp vụ biên tập chuyên môn của từng lĩnh vực.
Nghiên cứu chuyển tải thông tin của tạp chí thông tin ngôn luận thường là những vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. Đối tượng phục vụ của loại tạp chí này bao gồm số đông các tầng lớp dân cư. Còn tạp chí nghiệp vụ chuyên ngành đi sâu nghiên cứu lý luận nghiệp vụ khoa học thuộc phạm vi hoạt động và chức năng nghiệp vụ chuyên ngành có đối tượng phục vụ chủ yếu là những người ở trong ngành…
Cùng là ‘nịnh Đảng", xin đừng cứ hăm he ‘chặt tay’ nhau nữa
Nhìn chung, đối tượng phục vụ của tạp chí so với báo thường hạn hẹp hơn. Đối tượng đọc tạp chí, nhất là tạp chí chuyên ngành, cần có hiểu biết nhất định về nghề nghiệp để tiếp nhận và tham gia trao đổi, thảo luận, học tập kinh nghiệm về những vấn đề liên quan đến công việc nghề nghiệp và thông tin quan tâm.
Lưu ý, ngay cả cách hiểu trên về "tạp chí" cũng chỉ là góc nhìn học thuật, cần được luật hóa nếu như phía quản lý chuyên trách muốn "xử phạt" với lý do "giấy phép tạp chí", nhưng lại sản xuất và phát hành như "báo chí".
Ninh nọt Đảng một chút, người viết cho rằng cần mở rộng cửa cho tất cả loại hình báo chí, vì dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, những năm qua công tác thông tin, truyền thông đã đóng góp rất tích cực trong việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Đông tay vỗ nên kêu, nên xin đừng đe dọa ‘chặt tay’ nhau nữa…
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 06/10/2022
************************
Đảng Cộng sản siết chặt "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí để giữ chế độ !
RFA, 06/10/2022
"Quản lý báo chí là một công tác cực kỳ quan trọng của Đảng lâu nay vì Đảng biết rõ sức mạnh hủy diệt của báo chí đối với xã hội" - Một nhà báo kỳ cựu ở trong nước nhận định như vậy khi Bộ Thông tin và truyền thông cho biết sắp tới sẽ xử lý triệt để tình trạng "báo hóa" tạp chí và "tư nhân hóa" báo chí.
Người dân Hà Nội xem báo trên tường và biển cổ động kỷ niệm 50 năm Quốc khánh 2/9 (hình minh hoạ). Reuters
Siết chặt quản lý báo chí
Theo thông báo của Bộ Thông tin và truyền thông, kể từ tháng 10/2022, Bộ này sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn hai của Kế hoạch xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Theo đó, Bộ Thông tin và truyền thông nói sẽ cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí bị xác định là sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm.
Hiện, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết đã xác định được khoảng 30 cơ quan báo chí bị cho có dấu hiệu "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí.
Ở giai đoạn một, Bộ này đã thanh tra 16 cơ quan báo chí và ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh, cựu thư ký báo Tuổi Trẻ, với 30 năm làm việc trong ngành báo, cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện đề án quy hoạch báo chí đến 2025. Mục đích là khép báo chí vào khuôn khổ, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng cộng sản.
Theo đó, cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho một số tờ báo và tạp chí hoạt động theo "tôn chỉ mục đích" của từng tờ. Đảng phân biệt rất rõ báo và tạp chí bằng các tiêu chí cụ thể.
Báo in hoặc báo điện tử là những tờ báo được phép đề cập đến những vấn đề chính trị xã hội đa dạng, ví dụ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Sài gòn giải phóng hay VnExpress… Những tờ báo này có đội ngũ phóng viện, tòa soạn chuyên nghiệp. Đây là điều mà tạp chí hoặc trang tin điện tử thì không được phép.
Tạp chí chỉ được phép thông tin những vấn đề chuyên ngành, chuyên sâu, phù hợp với giấy phép được cấp. Đa số các tạp chí này trực thuộc cơ quan chủ quản là các ban ngành, đoàn thể có tôn chỉ riêng.
Xu hướng "báo hóa" tạp chí
Trong Bộ Tiêu chí nhận diện "báo hóa" các loại hình ấn phẩm ngoài báo, do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành hồi tháng 7/2022, một số tiêu chí được cho là biểu hiện của "báo hóa" tạp chí bao gồm : mẫu trình bày tên gọi của ấn phẩm không có chữ "tạp chí" ; có các chuyên mục như tin nóng, tin hot, đời sống…
Nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh nhận định, hiện nay, các tạp chí luôn có xu hướng bung ra thành tờ báo vì nó sẽ được đề cập đến những vấn đề đa dạng hơn, từ kinh tế đến xã hội, dĩ nhiên là để dễ mưu sinh hơn :
"Vì khi được đề cập đến nhiều lĩnh vực, nó mới có nhiều độc giả, lượng tương tác tăng lên, mới hy vọng khai thác được nhiều quảng cáo và khẳng định được quyền lực báo chí của mình".
Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn An Dân, từ Sài Gòn, nói với RFA rằng :
"Những tờ tạp chí do những doanh nhân có tiền đứng ra làm, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tạp chí phải đi vào chuyên môn, chuyên ngành nên số lượng độc giả bị hạn chế.
Họ cần phải "báo hóa" để tăng người đọc, để bán quảng cáo, dẫn đến tăng doanh thu. Đó là lý do tạp chí bị báo hóa".
Theo ban Tuyên giáo, một số tờ tạp chí còn biểu hiện báo hóa bằng cách mở nhiều văn phòng đại diện tại các địa phương mà không tương xứng với tầm hoạt động của một tờ tạp chí, rồi thành lập ban phóng viên, mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực thông tin, không khác gì một tờ báo.
"Tư nhân hóa" báo chí
Theo Cục Báo chí , thuộc Bộ Thông tin và truyền thông định nghĩa : "Tư nhân hóa báo chí" bản chất là cơ quan báo chí giao các chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh liên kết theo hướng người đứng đầu cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, chuyển giao quyền kiểm soát một phần nội dung trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích liên kết".
"Tư nhân hóa báo chí" xảy ra khi lợi ích đối với cơ quan báo chí nhỏ hơn nhiều so với lợi ích mà đối tác liên kết thu được. Và tình trạng này xảy ra là do lãnh đạo cơ quan báo chí không kiểm soát tốt lợi ích trong sự liên kết giữa báo chí và thành phần kinh tế khác.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh phân tích, cái gọi là "tư nhân hóa báo chí" ở Việt Nam nói một cách dễ hiểu là việc các tờ báo liên kết với một số doanh nghiệp tư nhân để cùng nhau sản xuất và sử dụng thông tin. Việc liên kết này khiến một số tờ báo bị các doanh nghiệp lũng đoạn thông tin và vật chất, điều mà Đảng không bao giờ muốn xảy ra.
Do đó, ông khẳng định chính sách kiên quyết của Đảng là không cho phép tư nhân hóa báo chí. Đó cũng là một trong những mục đích của Đề án quy hoạch báo chí. Những tờ báo nào có dấu hiệu tư nhân hóa, ngay lập tức sẽ bị ban Tuyên giáo "thổi còi" :
"Một thực tế hiện nay là, nhiều tờ tạp chí trực thuộc các cơ quan chủ quản chuyên ngành là do tư nhân bỏ vốn và nắm quyền điều khiển. Đảng biết điều này nên luôn luôn cảnh giác. Nếu các tạp chí ấy chỉ biết kiếm tiền thì được để yên, còn như hó hé ý đồ làm báo chính trị là bị dập tắt ngay".
Lo ngại "báo hóa" tạp chí, tư nhân hóa báo chí
Vậy tại sao các cơ quan quản lý Nhà nước lại lo ngại, dẫn đến việc quyết xử lý triệt để tình trạng "báo hóa" tạp chí và "tư nhân hóa" báo chí ?
Trả lời câu hỏi này, nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh cho biết sở dĩ Việt Nam lo ngại vấn đề "báo hóa" tạp chí là vì nó sẽ gây khó cho vấn đề quản lý báo chí.
"Cứ hình dung, việc quản lý một chục tờ báo dĩ nhiên là dễ hơn quản lý 100 tờ báo. Đảng đã quy hoạch khoảng một chục tờ báo thì cứ thế mà làm, không được thêm bớt lung tung. Nếu hàng chục tạp chí bung ra thành tờ báo thì tất yếu sẽ dẫn đến lộn xộn cho công tác quản lý báo chí và việc này sẽ phá hỏng đề án quy hoạch báo chí mà Đảng đã dầy công xây dựng".
Nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, từ nước Đức chia sẻ quan điểm với RFA rằng chính quyền Việt Nam luôn dùng mọi cách để hạn chế tự do ngôn luận.
Do đó, theo nhà báo này, các bộ ngành quản lý báo chí buộc phải ban hành nhiều quy định nhằm siết chặt phạm vi hoạt động của các tờ báo, tránh dẫn đến tình trạng "tư nhân hóa" báo chí :
"Tất cả cũng chỉ được đưa tin theo chỉ đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể… Tóm lại, họ sợ rằng tạp chí mà mở rộng phạm vi đưa tin bài thì sẽ tăng sức mạnh và phạm vi hoạt động của tạp chí đó, tiến đến việc ngầm tư nhân hóa báo chí và thúc đẩy tự do ngôn luận".
Muốn giữ chế độ, phải giữ truyền thông
Trước những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc kiểm soát các hoạt động báo chí, truyền thông như trong thời gian qua, nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh nói rằng đó là nhằm chấn chỉnh hoạt động báo chí theo đúng hướng. Theo ông, việc này cũng là bình thường ở Việt Nam. Báo chí phải là công cụ của Đảng, không thể khác hơn :
"Quản lý báo chí là một công tác cực kỳ quan trọng của Đảng lâu nay vì Đảng biết rõ sức mạnh hủy diệt của báo chí đối với xã hội. Vì thế chưa bao giờ Đảng lơ là công tác này.
Báo Tuổi Trẻ, nơi tôi làm việc 30 năm, đã từng xảy ra trường hợp ba tổng biên tập liên tiếp bị mất chức cũng vì cố thoát ra các nguyên tắc lãnh đạo báo chí cứng nhắc của Đảng để tìm một chút tự do".
Theo nhà báo Võ An Dân, bởi vì Đảng coi báo chí là chìa khóa giữ chế độ, cho nên :
"Muốn giữ chế độ thì phải giữ cho được truyền thông. Chuyện lạc quan là người dân muốn được làm báo tự do rồi, nhưng chuyện bi quan là Nhà nước vẫn muốn kiểm soát, độc quyền thông tin".
Hôm 28/9 vừa qua, hãng tin Reuters trích các nguồn tin giấu tên cho biết Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị một luật nhằm hạn chế đưa tin tức lên mạng xã hội vì những lo ngại mà Chính phủ Việt Nam gọi là "báo hóa" mạng xã hội.
Luật mới nhằm đặt cơ sở pháp lý cho biện pháp kiểm soát việc lan truyền tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube, cũng như buộc thêm trách nhiệm điều tiết cho các nhà cung cấp. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu các công ty mạng xã hội cấm các tài khoản vi phạm theo luật Việt Nam.
Nguồn : RFA, 06/10/2022