Luật Báo chí, tại Điều 14.1 về "Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí", ghi : "Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí".
Luật Báo chí hiện tại có hẳn điều luật giới hạn quyền thành lập cơ quan báo chí.
Ở Điều 15.1, quy định cơ quan báo chí phải có cơ quan chủ quan chủ quản : "Cơ quan chủ quản báo chí là cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 14 của Luật này đứng tên đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí, thành lập và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí".
Như vậy trường hợp thành lập cơ quan báo chí theo nội dung hai điều luật trên cho thấy đã có "độ chênh" so với Luật Doanh nghiệp. Theo đó tại Điều 7 của luật này nói rằng, "Quyền của doanh nghiệp là tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm". Ở Điều 6.1 của luật này ghi : "Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của tổ chức".
Từ các câu từ pháp lý viện dẫn trên, thì để người dân mở rộng quyền tự do ngôn luận, doanh nghiệp được tự do bỏ vốn đầu tư vào ngành nghề mà pháp luật không cấm, cần thiết Quốc hội Việt Nam bằng quyền lập pháp để tiến hành tu chỉnh Luật Báo chí.
Cụ thể, Điều 14.1 bổ sung thêm dòng : "các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp".
Việc tu chỉnh trên sẽ làm rõ hơn nội dung của Luật Báo chí, tại "Điều 13. Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân :
1. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.
2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng".
Ngoài ra việc tu chỉnh trên không làm phá vỡ nội dung của điều luật báo chí số 17.5 "Phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", vì cho đến nay quy hoạch này chỉ áp dụng với hệ thống báo chí nhà nước, không có báo chí tư nhân.
Khi có các tòa soạn báo chí được thành lập và quản trị theo mô hình doanh nghiệp thì việc quản lý nhà nước sẽ thuận tiện hơn khi không phải "vuốt mặt nể mũi" những tờ báo có chủ quản là Tỉnh ủy, Thành ủy,… Khi đó tất cả chỉ căn cứ theo quy định của pháp luật.
Đơn cử, Luật Báo chí hiện hành có bảo hộ quyền tự do báo chí của công dân qua các phần việc như sáng tạo tác phẩm báo chí ; cung cấp thông tin cho báo chí ; phản hồi thông tin trên báo chí ; Tiếp cận thông tin báo chí ; Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí ; In, phát hành báo in.
Khi có báo chí tư nhân, về nguyên tắc là sẽ tạo thế cạnh tranh với hệ thống báo chí nhà nước về thực thi Luật Báo chí ở "Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân :
1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác".
Và như đã phân tích, một khi luật chuyên ngành đã rõ ràng thì không ngần ngại gì trong việc mở rộng quyền tự do báo chí của công dân. Bởi cớ sao y tế có bệnh viện tư nhân hoạt động theo mô hình công ty tư nhân, tập đoàn tư nhân. Tương tự về quyền của doanh nghiệp tư nhân còn bắt gặp trong lãnh vực giáo dục. Vậy sao lại phải ngại tiếng nói đa chiều hơn của báo chí tư nhân được thành lập theo mô hình quản trị của Luật Doanh nghiệp ?
Cát Tường
Nguồn : VNTB, 10/2022