Bắt bà Trương Mỹ Lan khi Trung ương đang họp
Nguyễn Việt Phương, VOA, 09/10/2022
Tin "bom tấn" cuối tuần
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an hôm 8/10 cho truyền thông ttrong nước biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã/đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, của các công ty, đơn vị liên quan Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Tỷ phú Trương Mỹ Lan (trái) và cháu ruột Trương Huệ Vân bị công an Việt Nam bắt hôm 8/10/2022.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, Công an ra các quyết định khởi tố các bị can,Lệnh bắt để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 4 bị can gồm :
1) Bà Trương Mỹ Lan (SN 1956, quê Thành phố Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ;
2) Trương Huệ Vân (SN 1988) Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ;
3) Nguyễn Phương Hồng (SN 1984), Trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ;
4) Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Các bị can trên bị khởi tố tội, theo thông tin từ phía Công an, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018 – 2019. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các thủ tục tố tụng theo đúng quy định pháp luật.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VThành phố Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có tại Việt Nam. Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông. Theo giới thiệu trên website của Công ty, Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 549 triệu USD, tiền thân là Công ty tư doanh đầu tiên được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991. Các cổ đông của Tập đoàn vẫn giữ nguyên từ khi thành lập cho đến nay.
Bà Trương Mỹ Lan là nữ đại gia người Việt gốc Hoa được đánh giá là bí ẩn, sở hữu tập đoàn gia đình giàu có bậc nhất Việt Nam với nhiều đất vàng, bất động sản, hàng hiệu đầu bảng, nhưng lại rất kín tiếng với truyền thông. Hiện tại, các từ khóa tìm kiếm về Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan tại Việt Nam tiếp tục tăng trên Google Trends (Google Xu hướng) và Google Search (Google Tìm kiếm).
Bắt trong khi Trung ương đang họp
Theo thông tin trên báo Công an nhân dân, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra và các thông báo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, do Công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Hội đồng quản trị) làm chủ đầu tư, vào tháng 7/2021, theo thông tin từ nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ rõ sai phạm.
Thông báo kết luận số 1068/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị, việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, rà soát để có biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản của nhà nước đối với dự án nêu trên, trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.
Hầu hết các báo "quốc doanh" và trang mạng "nhà nước" ở Việt Nam hôm nay đều được phép đăng cái tin "bom tấn cuối tuần" này nhưng chỉ với một nội dung được duyệt. Khá khen cho báo Tuổi trẻ, khác hẳn các báo bạn, đã đi ngay một bài điểm lại vài hiện tượng, vụ việc đang còn dang dở, đầy tồn nghi từ quá khứ của nhân vật cộm cán cùng doanh nghiệp khổng lồ này. Không thể cứ ngồi chờ cơ quan pháp luật cho tin gì thì đưa tin đó; còn phải đóng vai trò "thúc ép" họ làm cho tới nơi tới chốn, ví dụ cụ thể như vụ nghi vấn (cố) thượng tướng, thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ nhận hối lộ, chẳng hạn.
Nhưng tiếc rằng, bài báo mới đưa lên được ít phút thì lại phải xén bớt hẳn đoạn cuối quan trọng, chiếm một phần ba bài. Chưa hết tiếc ! Ít phút sau nữa, bài báo lại bị xén bớt thêm hẳn một nửa của phần còn lại, cuối bài (đoạn được đóng khung, nền màu xanh). Vậy là nó sẽ xứng đáng sánh vai cùng làng báo quốc doanh – cùng "mặc đồng phục", và cùng có chỉ "một tổng biên tập".
Theo một nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính, không phải ngẫu nhiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho nổ "quả bom tấn" này giữa phiên họp của Trung ương 6. Bài diễn văn khai mạc của Tổng bí thư tại Hội nghị đang diễn ra bị dư luận trong nước "phê" là có cái nhìn hơi bi quan đối với tình hình nói chung, đặc biệt là đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực do đích thân Tổng bí thư khởi xướng và đẩy mạnh. Thì đây : Các đối thủ của ông đừng "cua cậy càng, cá cậy vây", đừng quá ảo tưởng vào quyền lực các phe nhóm trong Đảng. Ông Trọng muốn chứng minh cho bàn dân thiên hạ, nhất là các đồng chí miền Nam vốn lâu nay tâm tư là ông hạn chế quyền lực cánh "Đô thành" (Ít con số Trung ương và Bộ Chính trị hơn các vùng miền khác).
Bất cứ "cánh" nào, "phe" nào mà dính đến tham nhũng, Tổng bí thư đều "xử tuốt", "hốt hết" (Nói như ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời). Nhưng dư luận vẫn còn hoài nghi, sau Vạn Thịnh Phát, ông Trọng sẽ "sờ" tiếp đến ai ? Lê Thanh Hải hay Hoàng Trung Hải, những cái boong-ke có chất liệu từ "nước Lạ" ? Nhưng có thể Chu Vĩnh Khang đã ngã ngựa nên bác Trọng mới dám "chơi". Vậy thì sau vụ này, bác còn đi tiếp những nước cờ mà đối thủ của bác chưa lường tới ! Dẫu sao, đánh thẳng vào trung tâm của VTP Group, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi đi được một thông điệp rõ ràng :"Chủ đề và các biến tấu" (theme and variations) của công cuộc "đốt lò" tới đây sẽ không dừng lại ở Trương Mỹ Lan...
Nguyễn Việt Phương
Nguồn : VOA, 09/10/2022
**************************
Bà Trương Mỹ Lan bị bắt với cáo buộc ‘lừa đảo’ - ngân hàng SCB trấn an : ‘Không ảnh hưởng’
VOA, 08/10/2022
Nữ tỷ phú bất động sản Trương Mỹ Lan bị công an Việt Nam bắt hôm 8/10 với cáo buộc bà phạm tội lừa đảo. Trong cùng ngày, Ngân hàng Sài gòn (SCB) lên tiếng trấn an khách gửi tiền rằng vụ bắt bớ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.
Bà Trương Mỹ Lan - người vừa bị khởi tố vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản là ai ?
Nhiều báo Việt Nam loan tin Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với bà Lan vì tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", liên quan đến việc phát hành, mua bán trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Bà Lan, sinh năm 1956, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị nhà chức trách xác định "có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân" trong hai năm 2018, 2019.
Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam 3 người bị xem là đồng phạm của bà Lan. Đó là Trương Huệ Vân, sinh năm 1988, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, cũng là cháu ruột của bà Lan ; Nguyễn Phương Hồng, sinh năm 1984, trợ lý tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ; và Hồ Bửu Phương, sinh năm 1972, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bộ Công an cho hay họ đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nêu trên, đồng thời nhắm tới "triệt để thu hồi tài sản".
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Lan đã và đang sở hữu những bất động sản được cho là đắc địa bậc nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Khởi đầu, bà Lan mở một công ty trách nhiệm hữu hạn vào năm 1992, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Sau đó, vào năm 2007, công ty này mở rộng đầu tư và phát triển sang lĩnh vực bất động sản, với việc thành lập thêm Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư An Đông.
Vụ bắt giữ bà Lan và những người liên quan làm rúng động nhiều khách hàng gửi tiền vào ngân hàng SCB vì có những thông tin truyền miệng cho rằng ngân hàng này có liên quan đến các khoản đầu tư của bà Lan và công ty An Đông. Trong sáng 8/10, rất đông người xếp hàng rút tiền tại SCB.
Vào buổi chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo, trong đó, các đại diện của cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng SCB đều đưa ra lời trấn an rằng SCB không liên quan và không bị ảnh hưởng từ việc bà Lan bị bắt giữ.
SCB khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB và bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý hay điều hành tại SCB. Do đó, vụ bắt bớ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB.
Các báo Việt Nam dẫn lời vị đại diện của SCB nói rằng "Ngân hàng Sài Gòn cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật".
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trả lời báo chí rằng ngân hàng cấp quốc gia khẳng định sẽ có những biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động liên tục và ổn định cho SCB, đồng thời cũng sẽ có những giải pháp, chính sách theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại SCB.
"Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân có tiền gửi tại SCB cần thận trọng trước khi quyết định rút tiền gửi, nhất là những khoản tiền gửi rút trước hạn, vì khi đó sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình đáng ra được hưởng về lãi suất có thời hạn tại SCB", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thông qua báo chí.
Nguồn : VOA, 08/10/2022