Bộ Thông tin Truyền thông thừa nhận không gỡ được hết các video "truy tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan"
Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam thừa nhận video cắt ghép có tên "tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan" đã lan rộng và không thể gỡ hết khỏi mạng xã hội, trong khi chính quyền cũng chưa thể tìm ra người đầu tiên cắt ghép video này để xử lý.
Bà Trương Mỹ Lan tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/3/2024 - AFP
Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử – ông Lê Quang Tự Do – cho biết thông tin này tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 13/5.
Bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi) - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – vừa bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/4 tuyên án tử hình với cáo buộc tội tham ô tài sản ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà Lan bị cáo buộc đã tham ô hơn 12 tỷ đô la từ SCB.
Sau phiên tòa, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện một đoạn video clip ghi lại cảnh bà Lan đang trả lời thẩm vấn của Hộ đồng xét xử. Khi Hội đồng xét xử hỏi bà Lan giấu khoản tiền 673.000 tỷ ở đâu, bà Lan trả lời "tiền đang ở ngoài biển".
Đại diện Bộ Thông tin và truyền thông nói tại họp báo rằng thông tin trong video là cắt ghép và không đúng sự thật. Ông Lê Quang Tự Do cũng thừa nhận video chỉ mang mục đích hài hước, chưa phải nội dung có ý đồ xấu hay mục đích lừa đảo.
Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử cho biết video cắt ghép đã được nhiều người lan truyền trên mạng xã hội từ ngày 13 đến ngày 19/4. Trong số những người "đu trend" có cả những người nổi tiếng.
Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử đã chặn, gỡ một số video, nhưng không gỡ hết được do quá nhiều video đăng tải ở nhiều nền tảng khác nhau, ông Quang cho biết. Ngoài ra, giới chức của Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử cũng phối hợp với một số cơ quan chức năng truy tìm người cắt ghép, đăng tải video gốc nhưng chưa tìm được.
Nguồn : RFA, 14/05/2024
Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì bị cáo buộc biển thủ 12,5 tỷ mỹ kim của Ngân hàng SCB qua các công ty bà kiểm soát. Giết một người không thu hồi được những món tiền đã mất mà cũng không chấm dứt được nạn tham nhũng, hối lộ là hậu quả đương nhiên của trong một chế độ độc tài toàn trị. Bà Lan không thể một mình lấy được nhiều tiền như vậy trong nhiều năm mà lọt qua mắt Đảng cộng sản. Phải có nhiều người đã che chở và chia chác với bà Lan, nhưng chưa thấy một quan chức cao cấp nào trong đảng và nhà nước được gọi ra tòa.
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh, 11/4/2024.
Nói về con số thì 12,5 tỷ đô la không quá lớn trong thế giới tài chánh. Nhưng trong hoàn cảnh một nước nghèo như Việt Nam thì lớn ghê rợn ; hơn ba phần trăm của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) ! Cả nước Việt Nam trong năm 2023 chỉ sản xuất được số hàng hóa và dịch vụ trị giá tổng cộng 430 tỷ mỹ kim. Coi như cả 100 triệu người Việt, già trẻ lớn bé đều làm việc cả năm mới tạo được tổng số lợi tức 430 tỷ mỹ kim thì riêng bà Lan đã bỏ túi 12,5 tỷ ! Nghĩa là một người kiếm được số tiền lớn bằng công ba triệu người làm việc !
Nhà văn Balzac để lại một câu nổi tiếng : "Đằng sau mỗi tài sản lớn đều có một tội lớn". Lời đó đúng trong các xã hội "tư bản hoang dã" và trong các nước cộng sản sau này. Dưới các chế độ dân chủ tự do, đề cao pháp luật, thì những người giàu nhất vẫn phải làm ăn lương thiện.
Thử so sánh bà Trương Mỹ Lan với hai người giàu nhất nước Mỹ. Tài sản của Jeff Bezos, chủ nhân công ty Amazon, và Elon Musk, mỗi đại gia này chưa ai giàu bằng một phần trăm GDP của nước Mỹ, hơn 27.000 tỷ. Cho nên Michael Tatarski, một quan sát viên tài chánh đang hoạt động ở Sài Gòn, phải nhận xét rằng vụ 12 tỷ rưỡi mỹ kim này là "một vụ phạm pháp lớn hàng đầu trong lịch sử tài chánh thế giới", theo bản tin Al Jazeera. Bà Trương Mỹ Lan đã đưa nước Việt Nam lên hàng một đại cường quốc về tham nhũng !
Chín năm trước, Malaysia chiếm địa vị quán quân trong vùng Đông Nam Á. Năm 2015, một cuộc điều tra khám phá ra trong vụ 1MDB các quan chức Mã Lai đả bỏ túi 4,5 tỷ mỹ kim ; nhưng âm mưu đó dính đến cả ông thủ tướng, mấy bộ trưởng, và một công ty tài chánh ngoại quốc. Bà Lan chỉ là một tư nhân, một mình múa võ mà đạt thành tích lớn gấp ba lần. Ngoài 12,5 tỷ được bà Lan bỏ túi ; số thiệt hại do bà gây ra cho cả nền kinh tế có thể lên tới 27 tỷ, theo tính toán củaBusiness Insider, một mạng tin tức tài chánh quốc tế. Bản tin Reuters ngày 16/4 tiết lộ họ đã thấy ba tài liệu chứng tỏ chính quyền Việt Nam đã giải cứu Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB) với 24 tỷ mỹ kim "nếu không thì SCB sẽ sụp đổ". Reuters cũng nhận xét nếu cứ tiếp tục "cho vay" như vậy thì công quỹ sẽ khô cạn.
Chỉ số Thị trường Chứng khoán VN-Index đã tụt mất 33% trong năm 2023, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào tháng 10 năm 2022. Năm nay chỉ số đã lên lại được 12% nhờ triển vọng các cuộc đầu tư vẫn tiếp tục, giúp kinh tế phát triển thêm được hơn 5% trong năm ngoái. Nhưng vụ biển thủ lớn đến 3% GDP sẽ khiến các công ty lớn ngoại quốc lo lắng trong ý định chuyển công việc làm ăn từ Trung Quốc qua Việt Nam để tránh đòn quan thuế khi bán hàng qua Mỹ. Họ sẽ dè dặt hơn trước khi quyết định.
Một điều khó hiểu, theo tuần báo TIME, là trên mặt pháp lý thì nhà nước cộng sản làm chủ sở hữu tất cả đất đai. Làm sao trong ba năm mà một cá nhân có thể đứng ra làm chủ nhiều tài sản như vậy ? Hồ sơ tòa án cho thấy bà Lan làm chủ hơn 1,000 căn hộ và nhà cửa ở Sài Gòn trong mấy năm trời, sử dụng những tên ma ! Chuyện chỉ có thể xảy ra nếu được cả guồng máy đảng và chính quyền bao che.
Bà Lan bị truy tố cùng một thanh tra cao cấp Ngân hàng Nhà Nước và 23 cấp thấp hơn bị kết tội che giấu các món nợ thất thoát và hồ sơ vay giả mạo của Ngân hàng SCB. Số tiền hối lộ lên đến 5,2 triệu mỹ kim. Nếu một ngân hàng có thể mua chuộc được cả nhóm 24 thanh tra như vậy, thì 40 ngân hàng lớn khác và những quan chức kiểm tra họ có thể chấp nhận sống ngây thơ lương thiện được không ?
Mạng lưới công an chằng chịt không thể nào không biết những chiếc xe chuyển giao các thùng "foam" chứa hàng triệu mỹ kim tiền mặt chạy qua lại trong thành phố Sài Gòn. Vậy mà không một quan chức nào bị đưa ra tòa. Giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales ở Australia, thú nhận : "Tôi không thể tin rằng bộ máy đảng và thành phố Hồ Chí Minh không có tội và không có liên quan".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang tấn công nạn tham nhũng với chiến dịch "Đốt Lò". Theo kinh nghiệm ở các nước cộng sản thì không bao giờ ông có thể đốt hết được. Lâu lâu lại thấy một vài quan chức bị đốt, vì họ không thuộc phe đảng đang nắm quyền. Những người lên thay thế sẽ tiếp tục kiếm chác. Năm 2020, Đảng cộng sản đã "đốt" Lê Thanh Hải, nguyên bí thư thành ủy Sài Gòn, và Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, kết tội "vi phạm nặng" kỷ luật nội bộ của đảng. Gần đây đến Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng bị cháy ghế ngồi – nhưng không chắc đã cháy túi. Những người đó vẫn không bị truy tố theo pháp luật. Họ có thể yên ổn hưởng thụ các đồng tiền đã kiếm được. Những người lên thay họ cũng không thể ngăn chặn những vụ biển thủ, vụ Trương Mỹ Lan còn lớn hơn tất cả các vụ trước.
Theo bản cáo trạng thì 93% số tiền mà ngân hàng SCB cho vay đều vào tay bà Trương Mỹ Lan, chỉ trong vòng ba năm. Bà có thói quen dùng tiền mặt vì nộp tiền hối lộ phải dùng tiền mặt, nên trong nhà hay trụ sở công ty còn cất giữ 4 tỷ mỹ kim tiền mặt. Con số đó chưa bằng một phần ba số tiền thất thoát. Nếu xử án tử hình thì bà Lan chết rồi làm cách nào thu hồi lại một phần số tiền biển thủ hơn 12 tỷ ? Nhiều người muốn bà Lan chết càng sớm càng tốt, vì đó là cách tốt nhất để bịt miệng. Nói rằng giết bà Lan để làm gương, nhờ thế sẽ giảm bớt được tham nhũng, hối lộ, thì điều đó càng không đáng tin.
Vì cả guồng máy đảng và nhà nước cộng sản chạy bằng tham nhũng, như xe hơi chạy bằng xăng dầu. Trong cuốn hồi ký của ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa, ông kể lại cuộc gặp ông Võ Văn Kiệt sau năm 1975, người đang nắm quyền ở Sài Gòn. Ông Hanh khuyên ông Kiệt muốn kinh tế tiến bộ phải giải quyết nạn tham nhũng trước hết. Ông Kiệt đồng ý nhưng cho biết việc đó ông không thể làm được. Lý do là cần cho các cán bộ được hưởng thụ sau khi họ đã để cả cuộc đời tranh đấu giúp đảng giành được chính quyền. Chính sách của ông Võ Văn Kiệt là hậu quả của lối suy nghĩ bình thường trong các đảng cộng sản. Chế độ độc tài toàn trị dựa trên lòng trung thành của đảng viên mà không dựa trên pháp luật. Họ không đặt ra các quy chế, luật lệ để thưởng những cán bộ "có công với cách mạng" mà tưởng thưởng bằng các chức vụ, tức là các cơ hội ăn hối lộ.
Đường lối đó làm hại nền kinh tế ; trước hết vì nhiều người không có khả năng vẫn được sử dụng. Tai hại hơn nữa là dung túng tham nhũng tự nhiên không còn tôn trọng luật pháp. Chế độ pháp trị, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, là căn bản giúp kinh tế phát triển. Ông Võ Văn Kiệt được tiếng là người "dám nói, dám làm" nhưng ông đã chọn "đảng trị", thay vì "pháp trị". Tình trạng đó vẫn tiếp diễn đến bây giờ.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 22/04/2024
‘Ít có khả năng bà Trương Mỹ Lan sẽ bị tử hình’
VOA, 15/04/2024
Án tử hình dành cho bà Trương Mỹ Lan là nhằm để xoa dịu người dân và cũng để gửi đi thông điệp răn đe đối với các tội phạm kinh tế nghiêm trọng nhưng khả năng bà Lan bị thi hành án là ‘thấp’ vì chính quyền Việt Nam cần thu hồi tài sản thiệt hại, các luật sư nhận định với VOA.
Ngày 11/4, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình
Hôm 11/4, sau hơn một tháng xét xử, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình – mức án tổng hợp cho ba tội danh là ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’.
Ngoài ra, bà Lan và các đồng phạm có trách nhiệm hình sự phải bồi thường 498.000 tỷ đồng, tức gần 20 tỷ đô la cho ngân hàng SCB. Tuy nhiên, nếu tính theo trách nhiệm dân sự thì số tiền bà Lan phải bồi thường là hơn 673.800 tỷ đồng, tương đương 27 tỷ đô la theo thời giá hiện nay, theo nội dung bản án được báo chí trong nước dẫn lại.
Tòa lập luận rằng bà Lan phạm tội ‘một cách tinh vi’, ‘có tổ chức’, ‘trong thời gian dài’, ‘với vai trò người cầm đầu’ và ‘gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng’ nên đáng nhận mức án tử hình.
Vụ án Trương Mỹ Lan rút ruột ngân hàng SCB là vụ án kinh tế có hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước bà Lan, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tăng Minh Phụng đã nhận án tử hình và bị thi hành án về tội lừa đảo trong đại án kinh tế Minh Phụng-EPCO gây chấn động một thời.
Khả năng tử hình
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng Mỹ gốc Việt, nhìn nhận rằng bà Lan ‘đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-tài chính’ mà ông cho là ‘vô tiền khoáng hậu’.
Tuy nhiên, ông Hiếu lập luận thiệt hại tài chính ‘không xâm phạm đến tính mạng con người’ nên không nhất thiết phải tử hình.
"Về nguyên tắc tôi không bao giờ đồng ý với án tử hình vì Nhà nước không ban cho người ta sự sống, bởi vậy Nhà nước cũng không có quyền lấy đi sự sống của con người", ông Hiếu bày tỏ.
Theo lời ông nếu bà Lan phạm tội nặng đến mức cần loại bỏ ra khỏi xã hội và thì việc cầm tù bà mãi mãi bằng bản án chung thân ‘đã là cao nhất’.
Nhận định về hậu quả bà Lan gây ra cho xã hội, Tiến sĩ Hiếu cho rằng những người dân gửi tiền vào SCB là nạn nhân của hành vi của bà Trương Mỹ Lan, nhưng số tiền gửi của họ được Công ty bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia đảm bảo ở mức độ nhất định nên họ không sợ bị mất tiền.
"Mức độ thiệt hại như thế nào thì còn phải định lượng. Chẳng hạn như trong 100 đồng thì phần bà Lan gây thiệt hại cho người gửi tiền là bao nhiêu", ông phân tích.
Cũng từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc Công ty Luật Hà Sơn, cho biết 15 ngày sau khi tòa tuyên án bà Lan có quyền kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.
"Theo kinh nghiệm của tôi theo dõi các vụ án ở Việt Nam, nhất là các vụ án kinh tế, nhiều khi tòa sơ thẩm người ta tuyên như vậy nhưng đến phúc thẩm người ta thay đổi".
Theo lời luật sư này do bà Lan còn liên quan nhiều đến SCB nên ‘người ta cần bà ấy sống để thu hồi tiền được bao nhiêu tốt bấy nhiêu’.
Ông dẫn ra một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Việt Nam quy định rằng trong các vụ án tham ô nếu bị cáo khắc phục được 3/4 thiệt hại thì không phải nhận hoàn toàn bản án. Ngoài ra, thời gian chờ đợi để thi hành án tử hình, theo ông Sơn, là rất lâu.
"Năm nay bà Lan cũng đã gần 70 tuổi rồi. Có khi chờ 20 năm chưa chắc đã thi hành án", luật sư Sơn cho biết.
Khi được hỏi về lý do Tòa tuyên bà Lan mức án cao nhất, ông Sơn nói : "Thông điệp là Tòa sẽ rất nghiêm khắc đối với các tội phạm gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế".
Ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Mỹ, cũng nhận định với VOA rằng Nhà nước Việt Nam ‘sẽ không tử hình bà Lan đâu’.
Ông dẫn ra ‘hàng loạt người đã từng bị tuyên tử hình nhưng có bị tử hình đâu’, điển hình như cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình hồi năm 2013 cũng về tội ‘Tham ô’ nhưng đến năm 2023 thì được giảm án xuống chung thân do đã khắc phục được hậu quả.
Luật sư Quân cho rằng trong các vụ án kinh tế-tài chính thì ‘tử hình có được lợi gì đâu’ và rằng vụ tử hình ông Tăng Minh Phụng là ‘sai lầm nghiêm trọng’ mà chính quyền Việt Nam đã rút kinh nghiệm nên ‘giờ đã đủ khôn’.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc Tòa tuyên mức án cao nhất là cần thiết để ‘làm yên lòng dân’ và cũng để ‘còn có cái mà mặc cả với bà Lan để bà ấy đền bù’.
"Về mặt xã hội thì cần phải tuyên án như vậy vì dân chúng cần", ông nói.
Tại sao xử tội tham ô ?
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nếu như đúng cáo trạng do Viện kiểm sát đưa ra thì việc tuyên án tử hình bà Lan là ‘đúng người đúng tội’.
"Bà Lan lập ra các dự án khống để vay tiền của SCB, như vậy là ‘Vi phạm quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng’", ông giải thích. "Còn việc bà ấy rút tiền của SCB ra để chi cho các mục đích của bà ấy thì đó là hành vi tham ô".
Vị luật sư này cho rằng mặc dù bà Lan có nhiều đóng góp cho xã hội cũng như làm từ thiện nhiều nhưng đó không phải là cơ sở để bà được giảm án vì ‘số tiền bà ấy đóng góp chẳng là gì so với thiệt hại bà ấy gây ra’.
Mặc dù vẫn là hành vi rút ruột ngân hàng SCB, nhưng đối với việc làm của bà Lan từ năm 2018 trở về sau, bà lại bị định tội ‘Tham ô tài sản’ thay vì tội ‘Vi phạm quy định ngân hàng’ như cho hành vi của bà từ năm 2018 trở về trước bởi vì khi đó Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam đã có thêm quy định về tội ‘Tham ô’ cho các cá nhân không phải quan chức.
Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng về hành vi rút ruột ngân hàng, Viện kiểm sát hoàn toàn có thể chỉ cần định bà Lan một tội là ‘Vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng’ với mức án tối đa là 20 năm tù. Nhưng bà Lan lại bị định thêm tội ‘Tham ô’ là ‘để bắt bà đền bù tài sản cho SCB’ và cũng để bà đối diện với mức án tử hình.
"Bởi vì tham ô tài sản là lấy tài sản của Nhà nước nên cần phải trả lại", ông phân tích.
"Họ không nhấn mạnh về tội đưa hối lộ mặc dù tội đưa hối lộ cũng là đủ nặng rồi bởi vì họ muốn lấy lại tài sản nên mới quay sang tội tham ô", ông giải thích.
Với tội ‘Đưa hối lộ’, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số tiền 5,2 triệu đô la để bà Nhàn bao che cho các sai phạm ở ngân hàng SCB.
Luật sư Quân cũng đặt vấn đề về những căn cứ xử bà Lan tội ‘Tham ô’. Ông cho rằng trên giấy tờ bà Lan chỉ sở hữu chưa tới 5% cổ phần của SCB nên bà ‘không thể có quyền hạn đối với ngân hàng SCB’ như cáo buộc.
"Tòa cần chứng minh là bà ấy có quyền hạn có thể thao túng, chỉ đạo, chi phối các lãnh đạo SCB. Cáo buộc bà ấy sở hữu đến 91,5% cổ phần chỉ là lời khai của người khác. Rõ ràng số cổ phần đó đứng tên người khác", ông nói.
Theo cáo trạng thì bà Lan thông qua bạn bè, người thân đã thâu tóm số cổ phần gần như tuyệt đối của SCB, qua đó mặc dù không có chức vụ gì chính thức ở SCB nhưng bà là người nắm toàn quyền sắp xếp nhân sự, đường hướng cũng như hoạt động cho vay của ngân hàng này.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Quân, Tòa cũng cần chứng minh là bà Lan có thể sai khiến các lãnh đạo SCB. "Họ có thể khai là họ làm theo chỉ đạo của bà Lan, nhưng đó có thể chỉ là tư vấn, lời khuyên của bà Lan, còn họ hành động theo ý chí của họ chứ không hề bị ép buộc gì hết", ông lập luận.
Nếu bà Lan sở hữu đến 91,5% cổ phần của SCB thì tại sao không xử bà về tội ‘Vi phạm luật về hoạt động ngân hàng’, luật sư này đặt vấn đề. Do đó, ông cho rằng việc xử bà Lan như thế nào ‘hoàn toàn là do cấp cao nhất trong Đảng cộng sản đã quyết định trước’.
Luật sư Quân cũng chỉ ra điểm mà ông cho là Tòa án Việt Nam ‘muốn lật thế nào cũng được’ : "Nếu nói là bà ấy tham ô của Ngân hàng SCB, thì phải cho rằng hơn 91% là bà ấy nắm, rồi bà ấy chỉ đạo. Nhưng nếu 91% cổ phần là của bà ấy thì chẳng lẽ bà ấy tham ô của chính bà à ?"
"Khi nói bà có thẩm quyền chi phối SCB thì họ nói là bà có 91,5% cổ phần, nhưng khi nói bà tham ô của ai thì họ nói bà chỉ có 5% cổ phần", ông nói thêm.
Về phần mình, luật sư Hà Huy Sơn chỉ ra điểm thiếu sót trong vụ án này là ‘không truy ra trách nhiệm của các lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ’.
"Nó diễn ra trong nhiều năm, có liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng quá trình điều tra người ta lại không xác định được trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ, đó là rất vô lý", ông lập luận.
Nguồn : VOA, 15/04/2024
***************************
Bà Trương Mỹ Lan sẽ thoát án tử hình ?
Gió Bấc, RFA, 11/04/2024
Sau một tháng tròn xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phạm ba tội : Tham ô tài sản, mức hình phạt tử hình, Đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng, mỗi tôi 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Hậu quả hành vi của bà Trương Mỹ Lan quá lớn, tử hình nặng hay nhẹ không bàn. Nhưng áp dụng tội danh tham ô dư luận băn khoăn về pháp lý. Tuy nhiên, với nền pháp chế nhân văn thời đốt lò, không cần cải lý, bà Trương Mỹ Lan vẫn có cách đường hoàng vượt qua cửa tử.
Xưa nay người ta quen nghĩ, hiểu, tội tham ô dành cho quan chức, bà Trương Mỹ Lan chỉ là doanh nhân làm sao phạm tội tham ô ? Quả đúng là luật hình sự trước đây tội tham ô, nhận hối lộ, chỉ dành cho quan chức nhưng Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2018) đã mở rộng chủ thể tội tham ô cho cả các doanh nhân ngoài nhà nước. Vì vậy, hành vi rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan được Viện Kiểm sát tách thành hai tội theo hai giai đoạn : từ 2012-2017 là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng. Từ 2018 đến 2022 là tội tham ô.
Nhóm luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội tham ô. Vì cùng hành vi, cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm nhưng do luật thay đổi mà chia ra hai tội độc lập là "chưa thỏa đáng", làm nặng tình trạng của bà Lan.
Thêm nữa, luật sư cho rằng bà không phạm tội tham ô tài sản bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Thật vậy, điều 353 Bộ luật Hình sự 215 về tội tham ô có quy định. "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý…" (1).
Viện Kiểm sát đã bác lại rằng, chủ thể tội này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải "có chức vụ và quyền hạn". Thực chất bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Tòa án cũng chấp nhận quan điểm của Viện và kết án tham ô.
Tuy nhiên, về học thuật, pháp lý, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến với BBC tiếng Việt. "Theo tôi hiểu thì phía luật sư của bà Lan cho rằng chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, có quyền hạn. Quyền hạn ở đây là quyền hạn được quy định theo luật hoặc theo điều lệ, quy chế hoạt động hoặc theo quyết định trao quyền của người có thẩm quyền tại SCB. Trong khi đó, bà Lan không có chức vụ gì, không được giao quản lý tiền tại SCB và thực tế không quản lý tiền của SCB nên không thể truy tố bà Lan tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 được.
"Còn phía Viện kiểm sát thì cho rằng mặc dù về mặt hình thức pháp lý, bà Lan không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng trên thực tế bà Lan sở hữu trên 91% tổng vốn Điều lệ của SCB và chi phối toàn bộ các hoạt động của SCB nên bà Lan được xem là người có quyền. Luật không buộc người có quyền phải là người có chức vụ nên chủ thể của tội này không nhất thiết là người có chức vụ. Do đó, theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì việc truy tố bà Lan tội tham ô tài sản là đúng. Quan điểm này của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân phù hợp với thực tế phổ biến hiện nay.
Theo luật định, tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại một tổ chức tính dụng không quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Vì vậy, để "lách" các quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn trong một số ngành nghề, công ty đại chúng… nhiều cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài thường nhờ hoặc thuê người khác đứng tên cổ phần, phần vốn góp
Về mặt pháp lý, những người này không có quyền hành gì nhưng trên thực tế thì lại chi phối toàn bộ việc ra quyết định của công ty. Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học pháp lý theo tôi thì không ổn.
Quyền hạn trong tội "Tham ô tài sản" phải được hiểu là quyền hạn này có được trên cơ sở hợp pháp, chứ không phải trên cơ sở phi pháp, nghĩa là hành vi trái pháp luật (nhờ người đứng tên hộ cổ phần của bà Lan) không thể tạo ra được một quyền hạn hợp pháp (bà Lan thành người chi phối SCB)".
Luật sư Sơn cũng đồng tình cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không thể tách các hành vi theo từng giai đoạn có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Hình sự để truy tố các tội danh khác nhau. Về bản chất, bà Lan phạm tội nhiều lần chứ không phải thực hiện những loại hành vi phạm tội khác nhau (2).
Ở một góc độ khác Luật sư Đặng Bá Kỹ tâm tư trên fb cá nhân về áp dụng tội danh tham ô này. Vận dụng nhiều lý thuyết về pháp lý hình sự, ông đồng tình với việc không căn cứ vào hình thức, chức danh chính thức của chủ thể tham ô mà căn cứ vào người có thực quyền điều hành, quyết định công việc. Tuy nhiên Luật sư Đặng Bá Kỹ cũng nêu lập luận tương đồng với Luật sư Phùng Thanh Sơn là bà Trương Mỹ Lan không có trách nhiệm quản lý tiền bạc của SCB, mà theo luật đây là yếu tố cấu thành tội tham ô. Ông Kỹ viết "Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người chiếm đoạt có trách nhiệm quản lý. Vậy ai có trách nhiệm quản lý tiền của SCB – Chưa thấy ai hỏi, đương nhiên cũng chưa có ai trả lời !".
Ông Kỹ cũng băn khoăn về việc áp dụng luật mới cho hành vi cũ. "Nguyên tắc của luật hình sự là không được áp dụng hồi tố một trách nhiệm pháp lý mới, một trách nhiệm pháp lý nặng hơn, đối với những hành vi xảy ra trước khi quy định đó có hiệu lực. Cho nên thiết nghĩ, trong Vụ án này, cần phải phân tách hành vi của Bà Tr.M.L trước và kể từ ngày Bộ luật hình sự hiện hành có hiệu lực, trên cơ sở đó có thể phân hóa được trách nhiệm hình sự cho Bà Tr.M.L, khi kết hợp với việc Bà thừa nhận có quyền lực trong SCB, để có thể thận trọng xem xét lại hình phạt cho Bà. Dẫu sao, trước một án tử, không thể không có những suy tư…" (3).
Cũng phải thông cảm cho Viện, cho Tòa. Do để cho bà Trương Mỹ Lan tự do múa gậy vườn hoang đến 10 năm. Khi vỡ lở Ngân Hàng Nhà Nước phải kiểm soát đặc biệt SCB, phải bơm hàng trăm ngàn tỉ tiền mặt để trả cho làn sóng người gửi tiết kiệm ào ạt rút tiền để tránh đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng. Con số 667.000 tỉ đồng thiệt hại của SCB mà Tòa công bố chính là tiền của Ngân Hàng Nhà Nước trả thay cần phải thu hồi. Tòa xử đúng sai không quan trọng mà cái chính là phải thu hồi tiền của Nhà nước.
Bản án sơ thẩm đã xác định : sau khi trừ số tiền đã nộp khắc phục, các khoản khấu trừ khác… bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm số tiền hơn 673.800 tỉ đồng (tương đương dư nợ 1.243/1.284 khoản vay) (4).
Số tiền này gần 25 tỉ USD, so với tổng GDP cả nước năm 2023 là 430 tỉ USD thì giá trị thiệt hại gần 6% GDP.
Đây chỉ mới là giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan còn đang phải đối mặt với bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân.
Những con số khổng lồ này là một áp lực rất lớn không chỉ với các cơ quan tố tụng mà còn với cả nền kinh tế của đất nước.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên quản lý hàng ngàn bất động sản, một số lượng cổ phiếu, 1.122 mã tài sản đang thế chấp tại SCB, hội đồng xét xử đề nghị SCB phối hợp với C03 - Bộ Công an để xác minh tài sản nào là của bị cáo Trương Mỹ Lan thì xử lý để đảm bảo việc thi hành án.
Tuy nhiên việc thu hồi các tài sản ấy và chuyển hóa thành tiền không phải dễ dàng ; Cục trưởng Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần cơ chế đặc biệt để thu hồi tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát. Khó khăn đầu tiên khi thu hồi tài sản trong đại án Vạn Thịnh Phát là các quy định còn chồng chéo, ông đề nghị các cơ quan sớm sửa đổi pháp luật thi hành án phù hợp thực tế, đảm bảo nhanh, hiệu quả... Ông đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường nhân sự, biên chế cho Thành phố Hồ Chí Minh để thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, bởi Cục Thi hành án dân sự đang "rất áp lực" (5).
Hơn thế nữa, trong điều kiện thị trường địa ốc đang đóng băng, thị trường chứng khoán đang phập phù xanh đỏ, giá trị các tài sản thi hành án luôn thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật và chiếm tỉ lệ nhỏ so với núi tiền khổng lồ bà Trương Mỹ Lan phải thi hành án.
Trí tuệ của người đốt lò vĩ đại đã thấy trước điều đó nên đã rộng mở chân trời nhân ái nhân văn cho tội phạm tham nhũng, tham ô được lấy tiền chuộc mạng. Đã có quá nhiều người chết trong vụ án này nên thêm một sinh mạng Trương Mỹ Lan cũng chẳng thêm chút nào cho sự răn đe và phòng ngừa chung của bản án. Bàn lý lẻ, sự phù hợp chính xác về tội danh với bà Trương Mỹ Lan chỉ là chuyện phải làm.
Bản án tử hình là bắt buộc. Mức án tử hình động lực để Trương Mỹ Lan phải lấy tiền chuộc mạng. Lý sự không thể thay đổi bản án tử hình với bà Trương Mỹ Lan nhưng pháp luật đã rộng cửa để bà được ung dung thoát chết.
Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định : "Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây :
…
c. Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn" (6).
Ước tính cả hai giai đoạn của vụ án, bà Trương Mỹ Lan phải khắc phục hậu quả 700.000 tỉ đồng. Ngoài số tài sản đã bị kê biên, bà Trương Mỹ Lan phải nộp thêm cho dủ 3/4 của số tiền này thì sẽ nhận kim bài miễn tử.
Sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của xứ sở thiên đường là vậy đó. Nhà nước ưu ái rộng cửa cho tội phạm vơ vét tiền của người dân, tài nguyên đất nước trong hàng chục năm trời trở thành đại gia, tỉ phú đô la. Khi bị lộ, pháp luật lại công khai mở cửa cho tội phạm dùng tiền chuộc tôi.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 11/04/2024
1. https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-toi-tham-o-tai-san-toi-nhan-hoi-lo-blhs-...
2. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq5nlx8npqpo
3. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02DuRhUEbhcQUjwo9...
4. https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-toa-buoc-ba-truong-my-lan-boi-thuon...
5. https://vnexpress.net/can-co-che-dac-biet-thu-hoi-tai-san-vu-an-van-thin...
6. https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat...
Còn những bị cáo nào nữa xứng đáng nhận hình phạt này ?
Đó chính là nhóm bị cáo gồm những lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước.
AFP
Trong vụ án đang được xét xử, tôi có cảm giác nó đang bị dẫn dắt lệch hướng.
Đầu tiên là đề nghị mức án với bà Trương Mỹ Lan.
Kết thúc lời luận tội bà Trương Mỹ Lan, ở phần đề nghị mức án, vị này đại diện Viện kiểm sát nói : Cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội.
Loại bỏ ra khỏi xã hội !
Nghe mà rùng mình, lạnh gáy. Như nói về cái rơm cái rác, thứ bỏ đi chứ không phải đang phán xét về một con người.
Pháp luật đề ra các hình phạt khác nhau, trong đó biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, cực đoan, nặng nề nhất và không thể sửa chữa, là tước đi sinh mạng của con người. Là tử hình.
Nhưng nền pháp luật Việt Nam cũng như tất cả các nước đều có không ít thì nhiều vụ án oan khiên, mà người bị kết tội oan đã bị tử hình trước khi có cơ hội được giải oan.
Tử hình một con người tế là chấm dứt vĩnh viễn mọi khả năng giải oan của họ. Giả như về sau này người ấy có được giải oan đi chăng nữa thì với cá nhân họ cũng không còn chút xíu giá trị, ý nghĩa nào nữa cả.
Chính vì tính cực đoan của hình phạt này mà đến nay đã có hơn 100 quốc gia hủy bỏ án tử hình hoặc chưa xử tử người nào trong vòng 10 năm qua. Chỉ có 74 quốc gia vẫn còn án tử hình. Hình phạt ở các quốc gia đã bỏ án tử hình cao nhất là tù chung thân không ân xá, tức vĩnh viễn bị giam giữ, vĩnh viễn bị tước đi tự do.
Nhưng cho dù phải sống trong tù cho đến khi chết, thì điều cơ bản nhất là họ vẫn còn sống.
Đó cũng chính là cánh cửa để ngỏ của pháp luật để dự phòng khả năng bị kết án oan, giữ cơ hội được ân xá, được trở về cuộc sống bên ngoài nhà tù của phạm nhân. Cho dù là tỉ lệ vô cùng nhỏ đi nữa thì khả năng đó vẫn có thể xảy ra.
Thực tế pháp luật Việt Nam đã có không ít vụ kêu án tử hình rồi vào một ngày đẹp trời, nạn nhân (đã bị tòa kết luận là bị hung thủ giết chết), hay thủ phạm thực sự lù lù xuất hiện, hoặc bị bắt trong một vụ án khác và (vui miệng) khai ra hết các vụ án trước đó.
Cũng như loài người, pháp luật thế giới ngày càng phát triển theo hướng suy xét thận trọng và nhân đạo hơn. Từ năm 2015, Bộ luật hình sự Việt Nam đã hủy hình phạt tử hình đối với bảy tội danh (gồm Cướp tài sản ; Sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm ; Tàng trữ trái phép chất ma túy ; Chiếm đoạt chất ma túy ; Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia ; Tội chống mệnh lệnh ; Đầu hàng địch).
Hình phạt tử hình trước kia thi hành bằng cách bắn từ xa vào tim thủ phạm và thêm một phát ân huệ vào sát thái dương, sau này đã được thay đổi bằng cách tiêm thuốc độc. Sự khác nhau về bản chất giữa hai phương pháp kể trên là thủ phạm khi bị tiêm thuốc độc thì đã bất tỉnh trước khi tử vong, còn kẻ bị bắn thì tuy bị bịt mắt nhưng vẫn trải qua toàn bộ quá trình thi hành án rất dài trước đó. Quá trình này đối với họ vô cùng rùng rợn, như bị bịt mắt, dẫn ra pháp trường, trói vào cột, nghe đọc bản án và quyết định thi hành án, nghe tiếng chỉ huy đội bắn vào chỗ, nghe tiếng kéo cò súng rôm rốp... Toàn bộ quá trình chờ thi hành án tử hình và trong ngày bị tử hình được xem là cực hình tâm lý đối với tử tù. Nó thật khủng khiếp cho dù họ chỉ còn được sống thêm vài giây phút nữa. Có nhiều tử tù đã ngất xỉu trước khi bị bắn, thậm chí trước cả khi ra pháp trường. Đội thi hành án phải kéo lê họ ra, dựng lên, trói vào cột.
Không chỉ gây khiếp sợ tột độ cho thủ phạm mà quá trình thi hành án tử hình bằng cách bắn cũng gây ám ảnh tâm lý nặng nề cho đội thi hành và cả những người tham dự.
Trong mọi trường hợp, pháp luật luôn hướng tới mục đích nhân văn hơn, nhằm cảnh tỉnh xã hội chứ không chỉ đơn thuần trừng phạt.
Tử hình là một thuật ngữ pháp lý, do vậy nó trung tính và cần được sử dụng chính xác trong các bản án để tránh mọi khả năng nhầm lẫn. Không cần diễn giải và vòng vo một cách không cần thiết là "loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội".
"Loại bỏ". Một con người có thể nói về một con người khác như nói về cái rơm, cái rác vậy chăng ?
Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội cực kỳ nặng, gây ra những hậu quả không thể lường được. Nhưng bà ta không phải kẻ phạm tội chống nhân loại hay đã thực hiện những hành vi phạm tội ghê tởm khát máu.
Nói vắn tắt, bà Lan và những kẻ đồng phạm đã lừa đảo, ăn cướp tiền của vô số người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã chọn ngân hàng SCB làm nơi gửi tiền nhàn rỗi.
Thế thì mục đích đầu tiên và quan trọng nhất, có ý nghĩa thiết thực nhất của phiên tòa phải là làm thế nào để buộc bà Lan và những người phạm tội cùng với bà trả lại số tiền đó cho các nạn nhân. Sau đó mới là trừng phạt các bị cáo.
Tử hình bà Lan đồng nghĩa với việc những người bị hại sẽ không còn cơ hội nào nhìn lại đồng tiền xương máu của mình nữa cả.
Diễn biến của vụ án rành rành ra đó.
Theo cáo trạng, trong suốt 10 năm, mối liên hệ mờ ám giữa SCB và Vạn Thịnh Phát từng nhiều lần được các cơ quan thanh tra ngân hàng phát hiện, nhưng sau đó đều bị nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tìm cách bưng bít.
Nhưng đổ riệt mọi tội cho nhóm Trương Mỹ Lan là chưa công bằng. Nếu không có sự bảo kê che chắn của nhiều lãnh đạo cấp cao của ngành ngân hàng thì Trương Mỹ Lan không thể lộng hành đến vậy.
Theo cáo trạng :
Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu thanh tra ngân hàng SCB sau khi ngân hàng này hợp nhất với hai ngân hàng khác để trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, chỉ đứng sau bốn ngân hàng thuộc vốn Nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank.
Đến đầu năm 2015, dự thảo kết luận thanh tra đã xác định SCB âm vốn chủ, nợ xấu trên 3%, sai phạm nghiêm trọng trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của ngân hàng. Thế nhưng Cục trưởng Nguyễn Văn Dũng và các cán bộ của Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã giấu nhẹm các kết luận này, làm đẹp báo cáo cuối cùng gửi Ngân hàng Nhà nước.
Liên tiếp sau đó, ít nhất là cách một năm, dài nhất là cách bốn năm, Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lập thêm bốn tổ giám sát SCB vào các năm 2016, 2020, 2021, 2022. Các tổ này đều có kết luận đáng lo ngại về SCB, họ thảo đến 70 lượt văn bản đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện đặc biệt. Thế nhưng vẫn như cách đấy 10 năm, các báo cáo trình lên Ngân hàng Nhà nước đều êm đẹp, các sai phạm của SCB bị xóa sạch.
Thậm chí năm 2021, tình hình SCB qua thanh tra nghiêm trọng đến nỗi tổ giám sát yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp lực lượng Công an lập đoàn thanh tra đột xuất hoạt động cấp tín dụng của SCB thì chính các cục trưởng cục phó, Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh…v.v đã đồng tình ngậm thật chặt cục tiền mà Trương Mỹ Lan nhét vào mõm họ, để tiếp tục chùi nhẵn kết luận thanh tra gởi về cấp trên.
Lại nói đến cấp trên.
Cấp trên của các cục : cục trưởng, cục phó Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chánh thanh tra Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng tỏ ra rất xứng đáng là đàn anh đàn chị. Cả trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn trong khả năng đớp hối lộ.
Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước là Đỗ Thị Nhàn, bà Năm-triệu-đô.
Vẫn theo cáo trạng thì cách đây ngót 10 năm chính là thời điểm sốt vó của SCB. Như ở trên đã nói, liên tiếp ba năm 2014-2015- 2016, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lập đoàn thanh tra giám sát SCB và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Đáng chú ý, trùng hợp cũng ngay tại thời điểm ấy, cấp trên của Ngân hàng Nhà nước (Thành phố Hồ Chí Minh) là Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu cuộc thanh tra lớn nhất với SCB. Cuộc thanh tra này bắt đầu từ 2017, chia làm hai đợt, kéo dài đến giữa năm 2018 thì có kết luận.
Kết luận không khác gì với cấp dưới của họ, đều khẳng định phải đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý, ngăn chặn hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.
Và kết quả cũng không khác gì : Hai tay trùm sò của cuộc thanh tra là Nhàn-năm-triệu và Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã chỉ đạo đoàn thanh tra ém nhẹm tất cả các kết luận nguy hiểm với SCB, thậm chí phù phép tô hồng thêm. Nhờ thế, SCB tiếp tục lọt lưới để ăn cướp tiền gửi của người dân đến tận 6 năm nữa.
Tại tòa, riêng nhóm 13 cán bộ chóp bu của ngành ngân hàng này khai đã nhận hối lộ của Trương Mỹ Lan đến hàng trăm tỷ đồng.
Cho nên, nhóm chóp bu ngân hàng kể trên không thể gọi một cách mềm hóa là bao che cho nhóm Trương Mỹ Lan. Bọn chúng chính là những thủ phạm đầu sỏ của đại án. Vì nếu không nhờ chúng đánh tháo và che chắn thì SCB đã có thể bị kiểm soát đặc biệt từ nhiều năm trước, nhờ vậy phát hiện tội phạm sớm hơn nhiều năm, giảm đi rất nhiều tiền bạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp bị lừa và cướp mất.
Hình dung chính xác hơn, đó là một cuộc làm ăn lớn của cả một nhóm móc nối chặt chẽ giữa quan tham và gian thương, trong đó gian thương trực tiếp kiếm tiền, còn quan tham bảo kê, che chắn.
Lợi nhuận phân chia.
Nhưng, so sánh vị thế giữa hai bên, Trương Mỹ Lan chỉ đáng gọi là công cụ kiếm tiền cho đám quan tham, cho dù là công cụ rất đắt tiền. Gian thương thì thấy tiền tối mắt là chuyện thường. Nhưng cho dù (đã ăn cướp) rất nhiều tiền đi nữa thì bà ta vẫn chỉ là một người kinh doanh, trong tay bà ta chỉ có tiền.
Thế nhưng, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo cao cấp của ngành ngân hàng thì không phải như vậy. Cái họ có, không gian thương nào với tay lên được. Đó là quyền lực cực lớn, có thể khuynh loát cả một lĩnh vực trong một địa phương hoặc toàn thể quốc gia ; thậm chí có thể sử dụng cả lực lượng vũ trang để yểm trợ cho hoạt động của mình.
Họ là những đảng viên, là những người được Đảng và Nhà nước đào tạo, chọn lọc, bồi dưỡng… qua hàng chục năm, là "hạt giống đỏ", là những cột trụ của quốc gia. Nhà nước giao những quyền lực tối thượng cho họ là để họ xây dựng và bảo vệ nền tài chính quốc gia lành mạnh, trong đó trước hết là tuân thủ pháp luật. Nói một cách hình ảnh hơi lãng mạn hóa thì họ là những người được chọn mặt để gửi vàng, là những hiệp sĩ canh gác và bảo vệ nền tài chính quốc gia, là người đeo kiếm bên hông để giữ cửa kho báu. Thế nên, hành động cấu kết với băng nhóm Trương Mỹ Lan không chỉ đơn giản là ăn hối lộ, mà bản chất của nó là sự phản bội Đảng, phản bội Nhà nước, phản bội nhân dân. Nếu Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình, thì bọn họ cần phải tử hình gấp trăm lần.
Nhưng liệu trong vụ án này, bọn họ đã là những vị trí cao cấp nhất chưa ? Nhàn-năm-triệu một mình ẵm trọn năm triệu đó hay phải cúng dường cho nhiều cấp trên khác ? Cơ cấu ăn chia, các kẽ hở pháp luật đã bị lợi dụng ra sao ? Liệu có còn những mầm non SCB nào đang hình thành và mới nhú ?
Nếu không làm rõ được thật sâu các nghi vấn đó nhằm chấn chỉnh thế chế thì tử hình bà Trương Mỹ Lan chẳng khác nào hành vi bịt đầu mối.
Khi đó đại án tham nhũng, hối lộ, gian thương và quan tham hợp sức, cấu kết nhau ăn cướp của người dân này xem như đặt dấu chấm hết.
Nhưng nếu kết thúc tại đó thì có nghĩa cho dù rầm rộ đến mấy, nó cũng chỉ là loại án rửa từ thắt lưng rửa xuống. Phần còn lại chính là phần âm u đen tối nhất. Những kẻ hưởng lợi, thúc đẩy, bảo kê, giật dây đằng sau mới chính là những thủ phạm nguy hiểm nhất. Cái chết của bà Trương Mỹ Lan (nếu bà bị kết án tử hình) sẽ chỉ giúp chúng an toàn và ẩn nấp sâu hơn.
Nguyễn Nhơn
Nguồn : RFA, 31/03/2024
Bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ phải đền bù số tiền mà bà đã chiếm đoạt cũng như gây thiệt hại cho ngân hàng SCB và nhiều khả năng bà sẽ không nhận mức án tử hình nếu bà khắc phục được phần lớn, một luật sư từ trong nước nói với VOA.
Tỷ phú Trương Mỹ Lan đối diện án tử hình trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB
Bà Lan, chủ tịch tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát, hôm 19/3 đã bị bên công tố đề nghị mức án tử hình – mức án tổng hợp cho ba tội danh là ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô tài sản’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của ngân hàng’.
Bà Lan và 86 bị cáo khác, trong đó người thân của bà và các lãnh đạo SCB qua các thời kỳ, đang hầu tòa kể từ ngày 5/3 trong đại án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút ruột ngân hàng SCB.
Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan giữ quyền công tố, cho rằng do bà Lan ‘phạm tội với thủ đoạn tinh vi’, ‘gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn’ nhưng lại ‘không nhận tội’ và ‘không ăn năn hối cải’ nên ‘cần phải bị loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội’, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ về phiên tòa hôm 19/3.
Sẽ không tử hình ?
Trao đổi về VOA từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng nếu bà Lan có thể khắc phục được gần hết số tiền thiệt hại thì ‘có thể bà sẽ không bị tử hình’.
Ông nhắc lại đại án Minh Phụng-EPCO vào những năm 90 của thế kỷ trước với bị cáo Tăng Minh Phụng đã bị kết án và thi hành án tử hình về tội lừa đảo – bản án tử hình mà ông Hải cho là ‘sau này người ta cảm thấy không cần thiết’ vì tài sản bị thu giữ của ông Phụng có thể khắc phục hết thiệt hại.
"Họ có thể cân nhắc để tránh có vụ Minh Phụng thứ hai [tức là không tuyên án tử đối với bà Lan]", ông phân tích.
Theo diễn giải của luật sư này bà Lan có thể bị tuyên án chung thân hoặc 30 năm tù và ‘sau chừng 10 năm thi hành án với hậu quả được khắc phục gần hết thì bà Lan có thể được giảm án xuống còn 15 năm chẳng hạn’.
"Tôi tin chắc là họ sẽ không làm đến mức tử hình vì họ cũng nêu rất nhều công trạng và thành tích của bà", ông chỉ ra.
Trong phần nghị án, đại diện Viện kiểm sát cũng nêu ra những tình tiết giảm nhẹ của bà Lan như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, tích cực từ thiện, có đóng góp trong chống dịch Covid-19…, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Chiếm đoạt và gây thiệt hại
Tuy nhiên, hậu quả mà bà Trương Mỹ Lan gây ra cho ngân hàng SCB theo cáo trạng là số tiền đặc biệt lớn.
Theo đó, tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà trong khoảng thời gian từ năm 2012, năm SCB ra đời trên cơ sở được bà Lan sáp nhập ba ngân hàng yếu kém, đến năm 2022, thời điểm bà Lan bị bắt, đã vay của SCB 1.066.000 tỷ đồng, trong đó một phần đã được hoàn trả cho ngân hàng.
Cùng một hành vi rút ruột ngân hàng nhưng bà Lan lại bị truy tố hai tội danh khác nhau cho hai thời kỳ khác nhau : tội ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của ngân hàng’ trong giai đoạn trước năm 2018 và tội ‘Tham ô tài sản’ cho hành vi từ năm 2018 trở về sau. Theo giải thích của luật sư Trần Vũ Hải thì đến năm 2018 pháp luật Việt Nam mới có tội danh tham ô trong lĩnh vực tư nhân.
Số dư nợ mà bà không thể trả được trong giai đoạn từ 2012 đến 2017 là trên 132 ngàn tỷ tính cả gốc lẫn lãi. Số tiền này sau khi trừ đi tài sản đảm bảo tại ngân hàng thì còn gần 65 ngàn tỷ.
Còn về tội tham ô của bà Lan trong giai đoạn từ 2018 đến 2022, số dư nợ không thể trả của nhóm bà Lan là 545 ngàn tỷ - cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, tội tham ô chỉ tính trên số tiền gốc trong số này, tức là 415 ngàn tỷ. Sau khi trừ 111 ngàn tỷ giá trị tài sản đảm bảo, bà Lan bị xác định đã chiếm đoạt gần 304 ngàn tỷ đồng của ngân hàng.
Nhưng số tiền này nếu cộng luôn cả lãi thì thiệt hại bà Lan gây ra trong giai đoạn này là 433 ngàn tỷ. Tính tổng cộng cả hai giai đoạn, gộp cả gốc lẫn lãi, thì bà Lan gây thiệt hại 498 ngàn tỷ đồng, tức tương đương gần 20 tỷ đô la Mỹ.
Theo luật sư Trần Vũ Hải thì nếu là vụ án dân sự thì bà Lan phải khắc phục hết số tiền chiếm đoạt và thiệt hại, nhưng trong vụ án hình sự thì ‘chỉ cần khắc phục số tiền chiếm đoạt thôi’.
"Hay là tòa có thể nói là khắc phục số tiền chiếm đoạt trước, số tiền thiệt hại sau vì số tiền thiệt hại phải tính toán rất tỉ mỉ", ông nói.
Định giá thấp ?
Hiện giờ nhiều tài sản của bà Lan và gia đình bà đã bị cơ quan tố tụng kê biên để làm cơ sở đền bù cho ngân hàng SCB, trong đó có nhiều bất động sản đã được bà đưa vào thế chấp ở ngân hàng này.
Luật sư Hải cho rằng tài sản mà bà Lan nhờ người khác đứng tên giùm nếu chứng minh được là tài sản của bà Lan thì Nhà nước cũng sẽ thu hồi để phục vụ cho vụ án.
Riêng đối với bất động sản không đủ giấy tờ pháp lý mà các công ty định giá không công nhận giá trị, luật sư Hải đề xuất ‘nhà nước sẽ tìm mọi cách tạo điều kiện cấp đủ giấy tờ’, còn trong trường hợp ‘thiếu khoản tiền gì đó Nhà nước sẽ tính nợ để sau này người mua lại bất động sản đó sẽ trả’.
Bà Lan sở hữu nhiều bất động sản đắc địa ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có tòa nhà Capital Place ở số 29, đường Liễu Giai, Hà Nội mà con gái bà hiện đang rao bán với giá 1 tỷ đô la, báo chí trong nước đưa tin.
Luật sư Trần Vũ Hải bày tỏ quan ngại tài sản của bà Lan được cơ quan tố tụng định giá thấp hơn so với giá trị thực.
"Nếu định giá không sát thực tế thì hoàn toàn có thể xảy ra những vấn đề thiếu minh bạch trong tương lai", ông bày tỏ.
Ông dẫn lại vụ án EPCO-Minh Phụng mà khi đó ông cho rằng tài sản của hai công ty EPCO và Minh Phụng bị định giá thấp, nếu không số tiền nhà nước thu hồi được ‘có thể gấp mấy lần thiệt hại’.
"Quá trình thi hành án (thanh lý tài sản) xảy ra tham nhũng nên tài sản bị bán lại cho người khác với giá rất thấp khiến người mua hưởng được chênh lệnh (trong khi Nhà nước bị thiệt hại)", ông cho biết.
"Nói nôm na là nếu bán hết tài sản của bà ấy mà thu được trên 304 ngàn tỷ thì chưa chắc là bà đã gây thất thoát".
Bản thân bà Lan khi phát biểu trước tòa hôm 13/3 cũng phản đối kết quả thẩm định giá trị tài sản đảm bảo do bên thứ ba được SCB thuê. Bà Lan cho rằng 726 trong 1.166 tài sản đảm bảo của bà được Công ty Hoàng Quân định giá 253.000 tỉ đồng, tức khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, là ‘quá thấp’ và kiến nghị định giá lại toàn bộ. Bà dẫn chứng dự án Mũi đèn đỏ ở khu Thủ Thiêm mà bà đã bỏ ra hơn 100.000 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng được Hoàng Quân định giá chỉ có 17.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, luật sư Hải chỉ ra một ‘khoản rất thú vị’ là số tiền cọc mấy trăm tỉ đồng mà hai công ty con của tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp cho Nhà nước khi tham gia đấu giá mua hai khu đất ở Thủ Thiêm hồi năm 2022 nhưng sau đó bỏ cọc.
"Không biết nhà nước có cho bà Lan thu hồi lại số tiền hay không ? Nếu như bà Lan bị xem là đã bỏ của chạy lấy người thì số tiền đó theo quy định sung vào ngân sách nhà nước", ông phân tích.
Tuy nhiên, ông cho rằng cũng cần phải xác định số tiền đó lấy từ đâu : từ tiền của SCB hay tiền huy động qua trái phiếu. Nếu là tiền của SCB thì thu hồi lại đền cho SCB, còn nếu là tiền từ trái phiếu thì để dành lại cho vụ án về trái phiếu sẽ xét xử sau.
Trái phiếu thì sao ?
Ngoài cáo trạng rút ruột ngân hàng SCB, bà Lan còn bị cáo buộc ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ khi thông qua ngân hàng SCB chiêu dụ người dân mua trái phiếu rác để chiếm đoạt gần 30.000 tỷ đồng của 40.000 người dân trên khắp cả nước.
Mặc dù vụ trái phiếu bị khởi tố trước vụ SCB nhưng lại bị đưa ra xử sau, và hiện có quan ngại sau khi xử vụ SCB đến vụ trái phiếu bà Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát sẽ không còn tiền để trả cho người bị hại, theo tìm hiểu của VOA.
Ông Hải cho rằng do Ngân hàng Nhà nước đang ‘ôm SCB’ nên ‘có lẽ Nhà nước muốn thu hồi hết tài sản cho SCB để tránh đổ vỡ ngân hàng, gây tác động dây chuyền’.
"Có thể các cơ quan tố tụng làm theo chỉ đạo là cái nào hoàn thành trước thì xử trước còn cái nào chưa xong thì tiếp tục làm", ông phân tích và cho rằng vụ trái phiếu còn liên quan đến nhiều công ty con của Vạn Thịnh Phát với số nạn nhân thiệt hại lớn, thống kê nhiều hơn nên ‘phức tạp hơn’.
Ông cho rằng trong vụ án trái phiếu, nếu SCB bị xác định là một bên lừa đảo dân mua trái phiếu thì ‘họ cũng phải chịu trách nhiệm’.
Ông đề xuất các nạn nhân trái phiếu nên liên kết với nhau để thực hiện quyền của chủ nợ trái phiếu đàm phán với Nhà nước về việc bồi thường của bà Lan.
Nguồn : RFA, 22/03/2024
Truyện dài Tham nhũng của chế độ cộng sản Việt Nam mở sang trang mới : Phiên tòa xử Trương Mỹ Lan bắt đầu ngày 6/3/2024. Hồ sơ tòa án nghe nói nặng đến 6 tấn, theo VnExpress. Mỗi tấn là 1000 ký, chắc 6 tấn hồ sơ này toàn là giấy, trừ khi trong đó "đính kèm" cả vàng khối. Bởi vì số tiền người ta nghi bà đã kiếm được lên tới 12,5 tỷ mỹ kim, có thể mua được 184 ngàn ký vàng với giá 68.000 đô la một ký trên thị trường thế giới hôm nay.
Nạn nhân SCB biểu tình ở Hà Nội tháng 11/2022.
Nếu quý vị độc giả đã quên thì xin nhắc lại : Bà Trương Mỹ Lan, 66 tuổi, bị bắt vào tháng 10/2022, cùng với 85 đồng phạm, trong đó có một quan chức Ngân hàng Nhà nước, người đã được bà biếu 5,2 triệu đô la. Bà Lan đã sử dụng hai cơ sở kinh doanh của mình để thâu thập số tiền trên, là Công ty Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Vạn Thịnh Phát đẻ ra khoảng 50 "công ty ma", chỉ làm một công việc là lập hồ sơ vay tiền của SCB rồi chuyển vô túi bà Lan. Thời Việt Nam Cộng Hòa, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bắt vô Chí Hòa cũng nêu các lý do tương tự.
Ông Nguyễn Tấn Đời nhờ giỏi kinh doanh vốn đã giàu lớn từ lâu, mỗi ngày phải thuê người đếm tiền chở trong nhiều bao bố - hồi đó chưa có những thùng fôm (foam). Ông lập Tín Nghĩa Ngân Hàng, trả lãi suất cao cho trương chủ, quảng cáo rầm rộ, bao nhiêu người đem tiền đến ký thác. Ông bị truy tố là đã lập hồ sơ ma, cho từ anh tài xế đến chị giúp việc trong nhà vay tiền, để bỏ túi mình. Ông Nguyễn Tấn Đời tố ngược lại rằng vì làm ông chính trị đối lập nên bị ông Thiệu đàn áp. Khi Việt Cộng chiếm Sài Gòn, ông Đời thoát nạn, vượt biển, bao nhiêu tiền bạc cũng trôi theo ; nhưng chưa tòa án nào xử cho nên không thể nói rằng ông đã phạm tội.
Bà Trương Mỹ Lan thì sắp bị xử với nhiều bằng cớ và nhân chứng. Theo báoTuổi Trẻ thuật lại lời công an điều tra, bà Lan đã phù phép ra 304 thân chủ "ma" làm 3.680 hồ sơ vay tiền rồi ra lệnh Ngân hàng SCB chấp thuận. Nhưng báoSouth China Morning Post ở Hồng Kông đã ước tính chính bà Lan đẻ ra hơn 1.000 công ty ma chỉ lo việc đứng ra vay tiền SCB. Từ năm 2012 đến 2022, đã có 2.527 vụ "vay khống" như thế, tổng cộng hơn "một triệu tỷ đồng" tiền Việt Nam. Trong 10 năm đó bà Lan đã bỏ túi khoảng 44 tỷ đô la. Sau khi chia chác cho đồng đảng và trừ các "chi phí bôi trơn", số tiền còn lại, 12,5 tỷ mỹ kim, cũng lớn bằng 3% Tổng sản lượng nội địa – là tổng số tài sản do 100 triệu người Việt Nam tạo ra trong năm 2022.
Hãng thông tấn AP phỏng vấn Nguyễn Linh, một chuyên gia phân tích trong hãng tư vấn Control Risks. Bà Linh nói : "Hơn 3 phần trăm GDP thật lớn quá !" Ai cũng đồng ý. Và ai cũng thắc mắc như bà Linh : Chắc các công ty và các ngân hàng khác cũng từng hoạt động theo lối Vạn Thịnh Phát và SCB. Ai cũng phải hối lộ, phải biển thủ, với những số tiền lớn hay nhỏ hơn 12,5 tỷ đô la. Tổng cộng tất cả sẽ lên tới bao nhiêu tỷ đô la ? Và bao nhiêu phần trăm Tổng sản lượng nước Việt Nam – 30% hay 50% ? Cả nước 100 triệu người lao động vinh quang để cho 100.000 người, 10.000 hay 1000 người hưởng ?
Thử nêu một thí dụ, bà Đỗ Thị Nhàn, người chỉ đứng đầu Ban Thanh tra khu II của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan nắm đầu các ngân hàng, như Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) ở Mỹ. Theo cuộc điều tra, một ông tài xế đã khai được bà Trương Mỹ Lan sai lái xe chở ba cái "thùng fôm" (foam) đựng 5 triệu mỹ kim tiền mặt, đến giao tận nhà bà Nhàn. Bà Trương Mỹ Lan không phải là người "phát minh" ra phương pháp cất tiền trong những "thùng fôm". Trước đây, có nhà kinh doanh đã gửi tặng một phó giám đốc của Bộ Công an ba cái thùng fôm, bên trong là 4 triệu đô la tiền mặt. Chức Thanh tra khu II còn thấp hơn địa vị hàng trăm quan chức khác trong Ngân hàng Nhà nước. Vậy mà đã tốn 5 triệu đô để bôi trơn ! Quý vị quan chức khác được cúng bao nhiêu ?
Chắc chỉ có nước Việt Nam, với hai ngàn cây số bờ biển mới đẻ ra sáng kiến chở tiền bằng những "thùng fôm", thường dùng để chứa hải sản. Nguyên Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam từng hãnh diện nói : "Cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người Việt Nam hiện nay là mơ ước của nhiều nước trên thế giới". Quả thật, chưa nước nào dân nhiều tiền đến mức khi chuyên chở chỉ cần bỏ trong thùng fôm ! Ông Võ Văn Thưởng, nguyên Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương nói mạnh hơn : "Tôi sang Châu Phi và ở một số nước, người ta đánh giá Việt Nam là một mô hình để học tập".
Riêng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đang học tập mô hình Tập Cận Bình. Bên Trung Quốc họ "đả hổ - diệt ruồi" thì bên nước mình cũng phải "đốt lò" đánh tham nhũng. Tập Cận Bình mở đầu chiến dịch bắt ngay những con hổ lớn như Bạc Hy Lai, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Bộ trưởng Công an. Nguyễn Phú Trọng đợi tới năm 2023 mới tống khứ được Nguyễn Xuân Phúc, từng làm thủ tướng từ năm 2016 đến 2021 trước khi lên chức chủ tịch nước. Ông mang biệt hiệu Phúc "Ma Dze", vì đọc chữ Made (in Vietnam) thành Ma Dze in Việt Nam. Trong vụ đó, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cũng dính.
Nhưng một hệ quả của chiến dịch này là cả guồng máy nhà nước dậm chân tại chỗ ! Các cán bộ, công chức không dám quyết định, không dám khởi công các dự án, vì muốn an toàn, tránh lo bị điều tra tham nhũng. Vẫn theo AP, tới tháng 10 năm ngoái, chỉ có 55% ngân sách được sử dụng ; 35 ngày còn lại trong tài khóa phải dùng hết hơn 10 tỷ mỹ kim đã chuẩn chi từ năm trước. Những dự án xây dựng cầu, đường, xa lộ, cho tới phi trường không được thực hiện đúng thời hạn. Trước chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng, cách chống đỡ tốt nhất của giới cán bộ lãnh đạo là cho cả guồng máy nằm ì ra, càng ít cựa quậy càng tốt ! Theo bà Nguyễn Linh, các quan chức cho đến giới đầu tư trong những ngành ngân hàng, địa ốc và tài chánh đều dè dặt, ngó ngang ngó dọc coi tình hình, trước khi động tay ! Tâm trạng này thể hiện trong nền kinh tế.
Năm 2020, kinh tế Việt Nam ngưng trệ vì bệnh Covid, chỉ tăng 3,7%, từ 334,37 tỷ lên 346,62 tỷ đô la. Năm 2022, tăng thêm 8,02%, tỷ lệ cao nhất trong 25 năm, nhờ các công ty Trung Quốc mang công việc lắp ráp qua làm để được gắn nhãn "Made in Vietnam" trên các thứ hàng bị Mỹ cấm vận. Qua năm 2023, những cơ hội may mắn đó vẫn còn nhưng tỷ lệ tăng trưởng lại đi xuống ; GDP lên 426 tỷ, chỉ tăng được 5,05%. Tình trạng này cho thấy cả guồng máy tự nó bước chậm lại so với năm trước. Báo chí trong nước nhận xét nhiều cửa hàng ở trung tâm thành phố Sài Gòn vẫn bỏ trống dù giá thuê giảm bớt một phần ba.
Bà Trương Mỹ Lan sẽ được tòa xét xử ; chưa thấy nói bao giờ ông Ma dze Nguyễn Xuân Phúc mới bị lôi ra tòa. Bà Lan dính $12 tỷ rưỡi, ông Phúc bao nhiêu ? Nhưng liệu ông Nguyễn Phú Trọng có dám mạnh tay với một cựu thủ tướng, cựu chủ tịch nước hay không ? Tháng 11 năm ngoái, Nguyễn Phú Trọng tuyên bố việc bắt tham nhũng sẽ còn kéo dài rất lâu, theo tin AP. Ông sẽ đối đầu với tình trạng guồng máy kinh tế tự dậm chân tại chỗ ra sao ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 08/03/2024
*********************************
"Kẻ phản bội" trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Hiếu Bá Linh, VNTB, 08/03/2024
Võ Tấn Hoàng Văn được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB và được xem là "cánh tay phải" của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.
Võ Tấn Hoàng Văn trong phiên tòa sơ thẩm
Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB – ông Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi) – trong phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát hôm 7/3 đã tiết lộ về quá trình đưa 5,2 triệu USD tiền mặt để hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là số tiền hối lộ cao nhất từ trước đến nay cho một cá nhân.
Cựu CEO SCB khai trước tòa rằng, buổi gặp đầu tiên giữa bà Lan với bà Nhàn, bị cáo không biết hai người nói gì. Nhưng sau đó, trong lần đi công tác Hà Nội, Văn được Nguyễn Phương Hồng (trợ lý của bà Lan và là người bị bắt cùng đợt với bà Lan nhưng sau đó đã đột tử trong tù) gọi điện nói "có thùng trái cây, anh mang qua cho chị Nhàn".
"Bị cáo đã (cùng tài xế Nguyễn Nam Tuấn) 3 lần (ngày 2 và 9/10/2018 và ngày 12/12/2018) mang thùng trái cây đưa cho bà Nhàn (tại nhà riêng của bà Nhàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Bị cáo biết bên trong là tiền nhưng vì thùng xốp đóng gói rất kỹ nên không biết bao nhiêu. Đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết là 5 triệu USD", Văn khai. Sau mỗi lần đưa tiền cho Nhàn, Văn đều thông báo Trương Mỹ Lan biết.
Ngoài ra, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai, trước đó ngày 23/3/2018 bị cáo đã cùng với Đinh Văn Thành cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB (người đã trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã) đưa 200.000 USD cho bà Nhàn tại Hà Nội. Ông Văn trực tiếp đưa cho Nhàn tại phòng làm việc của bà Nhàn ở trụ sở Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.
Cáo trạng xác định, Võ Tấn Hoàng Văn là người trực tiếp đưa tiền cho Nhàn theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên ông Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của Nhàn (từ TRƯỚC KHI khởi tố vụ án), hợp tác tích cực với Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Võ Tấn Hoàng Văn về tội đưa hối lộ. "Văn đã có đơn tố giác tội phạm về hành vi nhận tiền của Đỗ Thị Nhàn", kết luận điều tra nêu.
Nhưng ông Võ Tấn Hoàng Văn vẫn bị truy tố về 2 tội : tham ô tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai vào làm việc tại ngân hàng SCB từ tháng 7/2013, trước đó làm ở công ty kiểm toán quốc tế. Do điều kiện gia đình, làm ở Hà Nội 18 năm nên bị cáo muốn trở về quê hương.
Lúc đó, bà Nguyễn Thị Thu Sương (chủ tịch hội đồng quản trị SCB, hiện đang trốn truy nã) mời bị cáo làm việc tại SCB nên bị cáo nhận lời. Ông Văn về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Chiến lược của ngân hàng.
Sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận hành ngân hàng, lúc này tổng giám đốc là Lê Khánh Hiền.
Tháng 11/2013 ông Lê Khánh Hiền từ chức nên Hội đồng Quản trị bổ nhiệm bị cáo làm quyền Tổng Giám đốc, tháng 12/2013 bổ nhiệm bị cáo làm Tổng Giám đốc.
Theo cáo trạng, Võ Tấn Hoàng Văn được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB và được xem là "cánh tay phải" của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB.
Đến tháng 7/2020 thì Võ Tấn Hoàng Văn nghỉ việc, rời khỏi ngân hàng SCB.
Hiếu Bá Linh (tổng hợp)
Nguồn : VNTB, 08/03/2024
Tham khảo :
https://laodong.vn/phap-luat/vu-van-thinh-phat-cuu-sep-scb-la-nguoi-to-giac-viec-hoi-lo-52-trieu-usd-1269232.ldo
Quy mô và tầm mức của vụ án tham nhũng Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, được đánh giá là một vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay.
Trương Mỹ Lan chuyển tiền ra nước ngoài trong 12 năm vì sao Tô Đại không biết ?
Số tiền chiếm đoạt của bà Lan và đồng bọn lên tới hàng tỷ USD. Sau đó, bà Lan đem đi đầu tư, mua gom bất động sản trong nước và chuyển một phần không nhỏ ra nước ngoài.
Do vụ án quá lớn, số lượng bị can, cá nhân, tổ chức liên quan quá nhiều, nên Bộ Công an đã quyết định mở rộng và tiếp tục điều tra giai đoạn hai của vụ án này.
Mới nhất, truyền thông Hong Kong đưa tin, phanh phui thêm một vụ tẩu tán tài sản của gia đình bà Trương Mỹ Lan. Báo Minh Thiên Địa, một tờ báo chuyên về bất động sản Châu Á cho biết, "gia đình của bà trùm bất động sản Việt Nam Trương Mỹ Lan hiện ngồi tù, đã bán một tòa nhà văn phòng hạng A ở trung tâm Hong Kong, cho một ông trùm công nghệ Đài Loan, với giá được báo cáo là 6,4 tỷ đô la Hong Kong, tương đương với 819 triệu USD".
Theo báo Minh Thiên Địa, thương vụ vừa kể của vợ chồng ông Chu Lập Cơ và bà Trương Mỹ Lan, những người từng xây dựng loạt danh mục bất động sản ở Hong Kong, ước tính trị giá hơn 16 tỷ đô la Hong Kong. Sự việc này diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt.
Với các công ty được kiểm soát bởi những cá nhân, trong đó có con gái của vợ chồng Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ, là cô Chu Duyệt Hằng. Được biết, tòa nhà vừa kể đã được bán với giá giảm khoảng từ 30% đến 35%, so với mức đỉnh điểm vào qúy IV 2018.
Trên danh nghĩa một doanh nhân kinh doanh bất động sản, ông Chu Lập Cơ còn sở hữu một số bất động sản ở Hong Kong và Singapore. Báo Minh Thiên Địa tiết lộ, tháng 11/2023, Viva Land có trụ sở tại Singapore từng liên kết với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, đã bán Khách sạn Telegraph ở Singapore với giá khoảng 170 triệu đô la Singapore, tương đương 133 triệu USD, chấp nhận khoản lỗ ước tính 70 triệu đô la Singapore, v.v…
Báo chí Hong Kong đánh giá, quy mô vụ tham nhũng của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là "kinh khủng" – tương đương 3% GDP của Việt Nam. Công an Việt Nam đã bắt đầu theo dõi số tiền bất chính của Trương Mỹ Lan, vào thời điểm gia đình bà Trương Mỹ Lan hối hả tẩu tán tài sản, cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài.
Kết luận điều tra của Bộ Công an cho biết, bà Trương Mỹ Lan đã thao túng, rút ruột Ngân hàng SCB, gây ra thiệt hại lớn chưa từng thấy. Cụ thể :
"Trong vòng hơn 10 năm, bà Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà đã được SCB bơm gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ "không thể thu hồi". Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tức khoảng 12,5 tỷ đô la".
Công luận nghi vấn và đặt câu hỏi, "Vì sao, và lỗ hổng nào, đã giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn hoành hành suốt một thời gian dài, kể cả chuyển một số lượng tiền bạc không nhỏ như vậy, mà không bị phát hiện ?", bất chấp những cảnh báo trước đó của truyền thông nhà nước và quốc tế.
Hồ sơ Panama, vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài. Theo dữ liệu được công bố tháng 5/2016, từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), trong "Hồ sơ Panama" có tên Trương Mỹ Lan và Eric Chu Nap Kee, tức Chu Lập Cơ, chồng của bà Trương Mỹ Lan.
Đó là chưa kể đến các thủ đoạn trong việc mua bán tài sản, cổ phần của Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, theo đúng cách thức của các băng đảng mafia để phục vụ cho việc rửa tiền. Tới mức, các giao dịch không cần làm giấy tờ hợp pháp. Tất cả chỉ bằng niềm tin và được ràng buộc bằng luật của thế giới ngầm.
Truyền thông nhà nước Việt Nam đã đưa ra những con số thiệt hại khủng khiếp, cả về mức độ và quy mô. Số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn "rút ruột" từ Ngân hàng SCB là hơn 300.000 tỷ ; gấp 3 lần tổng mức đầu tư sân bay Long Thành ; hay gấp 7 lần vốn của 12 dự án cao tốc Bắc Nam.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tháng 12/2023, đặt câu hỏi, vì sao nhà nước Việt Nam đã khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm từ đầu tháng 10/2022 cho đến nay, mà vẫn chưa có các quan chức Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bị xử lý kỷ luật ? Và tại sao bộ máy An ninh Kinh tế và hệ thống tình báo của Việt Nam hơn12 năm không phát hiện ra sai phạm, để sớm xử lý ?
Giới quan sát trong nước và quốc tế đã đưa ra các bình luận, bày tỏ sự e ngại và lo lắng cho năng lực quản trị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khi để thất thóat tới hơn một triệu tỷ đồng, là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan lừa đảo trong vòng 10 năm qua.
Vậy, tại sao, trách nhiệm của các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước : ông Nguyễn Văn Bình ; ông Lê Minh Hưng và bà Nguyễn Thị Hồng, đến bây giờ vẫn không được điều tra để làm rõ ?
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 09/02/2024
Việt Nam ra nhiều quy định về hoạt động ngân hàng nhưng không thực thi trong khi hệ thống thanh tra gần như bị tê liệt giúp cho bà Trương Mỹ Lan có thể lách luật để thao túng ngân hàng SCB gây ra thiệt hại nghiêm trọng, một chuyên gia tài chính-ngân hàng nói với VOA.
Trụ sở tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hồ Chí Minh
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và từng là một đại gia bất động sản nức tiếng trong số những người giàu nhất Việt Nam cho đến khi bị bắt hồi tháng 10 năm ngoái, đang chờ ngày ra tòa về những vi phạm tại ngân hàng SCB.
Hôm 15/12 bà Lan đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội ‘Tham ô tài sản’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ với khung hình phạt lên đến tử hình.
Theo kết quả điều tra của công an được công bố trước đó một tháng, bà Lan đã thao túng, rút ruột ngân hàng SCB gây ra thiệt hại lớn chưa từng thấy.
Cụ thể, trong vòng hơn 10 năm, bà Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà đã được SCB bơm gần 1 triệu 67 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 45 tỷ đô la, với số dư nợ còn lại là 677.000 tỉ đồng, tương đương 28 tỷ đô la, và đều là nợ ‘không thể thu hồi’. Ngoài ra, bằng cách lập các hồ sơ vay vốn khống, bà Lan đã chiếm đoạt của SCB trên 304.000 tỷ đồng, tức khoảng 12,5 tỷ đô la. Có đến 93% số tiền mà SCB huy động được là để cho bà Lan và tập đoàn của bà vay.
Thủ đoạn gì ?
Có thể một tay thao túng SCB như vậy, bà Lan đã tìm cách nắm số cổ phần của ngân hàng này lên tới 91,5%, nhờ đó bà trở thành người có quyền lực tuyệt đối trên thực tế mặc dù bà không giữ chức vụ gì cả ở ngân hàng này, cáo trạng của Viện Kiểm sát cho biết. Từ đó, bà bố trí toàn bộ nhân sự cấp cao của SCB đều là tay chân thân tín, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của bà.
Mỗi khi cần tiền, bà Lan chỉ cần triệu tập các lãnh đạo SCB đến chỗ của bà để yêu cầu họ lên phương án lập hồ sơ cho vay khống, theo kết quả điều tra được Tuổi Trẻ dẫn lại. Sau đó, các lãnh đạo SCB phân công nhau làm việc theo chỉ thị của bà để duyệt các hồ sơ cho vay. Số tiền được giải ngân sau đó sẽ được tài xế của bà Lan đưa từ ngân hàng SCB lên xe chở thẳng về nhà riêng của bà hay về trụ sở của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đã có 108 ngàn tỉ đồng và 14,7 triệu đô la Mỹ đã được chuyển về cho bà Lan theo cách này.
Để có tư cách pháp nhân vay vốn ngân hàng nhiều lần, bà Lan còn chỉ đạo dựng lên hàng ngàn công ty ma và thuê các cá nhân đứng tên. Tài sản dùng để thế chấp ngân hàng được công ty thẩm định giá đã bị bà Lan mua chuộc kê lên gấp nhiều lần giá trị thực, cũng theo kết luận điều tra của công an. Thậm chí, bà Lan còn dùng tài sản thế chấp chưa đủ giá trị pháp lý hay dùng một tài sản thế chấp nhiều lần.
Để khỏa lấp hành vi sai trái ở SCB, bà Lan đã dùng tiền hối lộ các quan chức ngân hàng trung ương từ trên xuống dưới, cáo trạng của Viện kiểm sát cho biết. Bà đã mua chuộc từ các lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh cho đến lãnh đạo cơ quan thanh tra ngân hàng và toàn bộ các cán bộ trong đoàn thanh tra được cử đến SCB.
Cụ thể, trong đoàn thanh tra liên ngành có 18 người thì tất cả 18 người này đều nhận hối lộ của bà Lan, trong đó bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ đến 5,2 triệu đô la – số tiền lớn nhất một cá nhân nhận hối lộ từng được biết đến ở Việt Nam.
Nhà chức trách ở đâu ?
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhiều năm làm việc ở Mỹ, lưu ý với VOA rằng những sai phạm của bà Lan ở SCB đã diễn ra trong thời gian dài, hơn 10 năm, kể từ khi SCB ra đời trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng hồi năm 2012.
Kể từ lúc đấy, SCB đã trở thành ‘công cụ tài chính’ cho bà Lan và hệ sinh thái của bà, ông Hiếu nói với VOA từ Hà Nội.
"Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng ở đâu, lỗ hổng trong luật lệ như thế nào mà để cho bà Trương Mỹ Lan có thể hoành hành, tự tung tự tác như vậy", ông đặt vấn đề và cho rằng ‘có những lỗ hổng mang tính hệ thống’.
Ông chỉ ra lỗ hổng đó ‘hoặc là sự nhắm mắt làm ngơ, hoặc là sự thiếu chuyên nghiệp’ của các cán bộ Ngân hàng trung ương trong việc tìm ra sai sót của SCB.
"Hình như tất cả sai sót của SCB đã không được đánh giá, nhìn nhận và thẩm định một cách chính xác bởi các thanh tra của Ngân hàng Nhà nước", chuyên gia này nói thêm.
Ông lưu ý luật pháp Việt Nam quy định một tổ chức, cá nhân không được phép sở hữu quá 5% cổ phần của một ngân hàng trong khi bà Lan trên thực tế sở hữu đến hơn 90% cổ phần của SCB bằng cách nhờ người thân quen đứng tên giùm cổ phần của bà. Việc làm của bà đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam mà không bị ai sờ gáy.
"Ngân hàng Nhà nước trong bao nhiêu năm mà không thể kiểm soát được chính xác tỷ lệ cổ phần ở SCB", ông chỉ trích. "Ngân hàng Nhà nước hoặc là không phát hiện ra (tỷ lệ sở hữu thực tế của bà Lan) hoặc là biết mà không xử lý".
‘Luật có như không’
Từ đó, ông cho rằng, vấn đề ở Việt Nam không phải là ‘cứ ra nhiều quy định chặt chẽ là được’ mà là ‘trên thực tế có thực thi được điều luật đó hay không’.
Ông Hiếu dẫn chứng về hoạt động ngân hàng ở Mỹ, nơi ông đã từng mở ngân hàng, để nhấn mạnh trường hợp của bà Lan ‘rất khó xảy ra ở Mỹ’ mặc dù luật Mỹ không hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng như ở Việt Nam.
Theo lời ông thì ở Mỹ các ngân hàng đều chịu sự giám sát của cơ quan chức năng ở cả cấp bang và cấp liên bang.
"Chúng tôi phải khai báo rất thành thật và chính xác tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, và tất cả các cổ đông lớn đều phải khai báo và không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng", ông kể. "Nếu ai có gian lận trong khai báo thì sẽ bị xử lý".
"Ở Việt Nam luật lệ thì rất nhiều nhưng tính thượng tôn pháp luật, tính tuân thủ pháp luật rất kém. Chính vì thế bất cứ luật nào đưa ra thay vì như bên Mỹ người ta tuân thủ luật pháp thì ở Việt Nam người ta lại tìm cách lách luật".
Ngân hàng sân sau
Ông Hiếu chỉ ra thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam ‘bị các nhóm lợi ích bất động sản như của bà Lan sử dụng làm sân sau phục vụ cho lợi ích của mình’.
Mới đây, hôm 7/12, trong cuộc họp với 38 lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được VnExpress dẫn lời yêu cầu chấm dứt tình trạng ngân hàng làm sân sau để phục vụ cho hệ sinh thái của một số tập đoàn.
Theo lời ông Nguyễn Trí Hiếu thì ở Việt Nam nhiều nhóm lợi ích bất động sản đã len lỏi vào trong các ngân hàng, thể hiện qua việc các vị trí lãnh đạo của các ngân hàng đều có quan hệ hay xuất thân từ ngành bất động sản, và các nhóm lợi ích này đã ‘trở thành rủi ro rất lớn cho nền kinh tế’ vì ‘họ sẵn sàng chà đạp lợi ích chung để theo đuổi lợi ích riêng’.
Ở Mỹ cứ mỗi ba tháng lại có đoàn thanh tra đến các ngân hàng kiểm tra sổ sách, nếu phát hiện cho vay tập trung vào một nhóm khách hàng nào đó hay cho vay với những điều kiện ưu đãi bất thường thì các ngân hàng đó ‘sẽ bị xử phạt ngay’, cũng theo lời chuyên gia này.
"Hiện giờ ở Việt Nam tăng trưởng tín dụng rất thấp trong khi các ngân hàng lại cho các công ty người nhà vay rất rộng rãi, rất ưu đãi", ông chỉ ra.
Khắc phục thế nào ?
Để khắc phục những lỗ hổng này, ông Hiếu đề xuất trong Luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng đang được đưa ra Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung cần giảm hơn nữa tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân hay tổ chức và các nhóm liên quan. Đồng thời phải có quy định nếu ngân hàng nào không khai báo chính xác có thể bị tước giấy phép hoạt động luôn.
Ngoài ra, ông đề xuất Ngân hàng trung ương phải ‘sàng lọc, tăng cường, đào tạo lại đội ngũ thanh tra’ và ‘phải trả lương xứng đáng cho họ’.
Dẫn ra trường hợp có sự tiếp xúc quá dễ dàng giữa đoàn thanh tra SCB với bà Trương Mỹ Lan và các lãnh đạo SCB, dễ tạo điều kiện cho đưa-nhận hối lộ, ông Hiếu cho rằng luật Việt Nam cần quy định như bên Mỹ ‘các lãnh đạo ngân hàng không được phép mời mọc hay tặng quà cho các thanh tra’.
"Ở Việt Nam thì các thanh tra đi hát karaoke với lãnh đạo ngân hàng vào buổi tối, đi ăn trưa với nhau, rồi khi thanh tra làm xong công việc của họ lại được nhận quà", ông chỉ ra.
Nguồn : VOA, 30/12/2023
Những ngày cuối năm 2023, vụ án Vạn Thịnh Phát ngập tràn trên các trang báo trong nước, với những con số gây rúng động nhân tâm và bàng hoàng lòng người, chưa từng được biết đến. Trong các con số hàng triệu tỷ đồng được phơi bày, được quy đổi ra USD với giá trị tỷ, dư luận chú ý con số BẰNG TIỀN MẶT lên đến 108.000.000.000.000 đồng Việt Nam và 14.700.000 USD. Số tiền USD chỉ đáng giá hơn 360 tỷ đồng, nó trở nên quá nhỏ nhoi và nực cười, bởi so với số tiền Việt Nam (108.000 tỷ VND), số USD chỉ chiếm 0,0033% (!).
Tòa nhà Sherwood Residence, số 127 Pasteur, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nhà của bà Trương Mỹ Lan, nơi các lái xe chở hàng trăm ngàn tỉ từ SCB về - Ảnh: T.T.D.
Theo báo Tuổi Trẻ ra ngày 20/11/2023, không đầy 43 tháng (từ 26/2/2019 đến 12/9/2022), bà Trương Mỹ Lan ra lịnh chuyển số TIỀN MẶT KHỔNG LỒ đó [1]. Theo trang 3gang.vn cho biết [2] : 1 tỷ đồng tiền Việt Nam với mệnh giá 500.000 đồng, cân nặng được 2 kg. Như vậy, tính ra 108.000.000.000.000 đồng, tổng số cân nặng hơn 20.000kg, tức khoảng 20 tấn TIỀN MẶT.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ nói trên, việc xử lý 20 tấn TIỀN MẶT do tài xế Bùi Văn Dũng cùng hai viên trợ lý : Nguyễn Phương Hồng và Trần Thị Mỹ Dung quản lý và kiểm soát toàn bộ, theo chỉ đạo trực tiếp của Trương Mỹ Lan, bằng 2 cách :
i) Rút tiền mặt đem về cho bà Lan, tại nơi bà ta cư ngụ mang tên Sherwood - 127 Pasteur Quận Ba.
ii) Chuyển vô tài khoản của các công ty "ma" do Trương Mỹ Lan lập ra (dĩ nhiên, sau đó rút ra bằng tiền mặt).
Toàn thế giới đều biết, đồng tiền Việt Nam gần như vô giá trị, khi chuyển đổi tự do trên thị trường toàn cầu. Đồng tiền Việt Nam chỉ có giá trị thanh toán nội địa và hầu hết người dân không coi nó là phương tiện tích trữ để giữ giá trị tài sản. Đồng tiền Việt Nam chỉ dùng trong thanh toán (nhấn mạnh) TIỀN MẶT - đề tài của bài báo này - giữa các cá nhơn trong sinh hoạt thường nhựt.
Vì vậy, một số câu hỏi đơn giản buộc phải đặt ra cho toàn dân Việt Nam, để bất cứ ai cũng dễ dàng nhìn thấy :
1. Bà Trương Mỹ Lan dùng 20 tấn tiền mặt Việt Nam cho việc gì ?
2. Trong 20 tấn tiền mặt Việt Nam nói trên, bao nhiêu con người cụ thể cầm ? Họ cầm trong tay 20 tấn tiền mặt đó để làm gì ?
3. Số tiền khổng lồ nói trên, cần phải chứa trong 8 thùng container loại 20 feet, được vận chuyển đến những địa điểm nào ? Và từ đó, số tiền mặt khổng lồ tung ra ở những địa chỉ nào ?
Lạm phát - Một khái niệm vô cùng dễ hiểu - xảy ra khi cung ứng tiền mặt ra ngoài thị trường quá lớn, so với tổng sản phẩm toàn xã hội tạo ra. Chính nó phá vỡ quy luật Tiền - Hàng. Lạm phát càng cao chứng tỏ nền kinh tế càng sa sút. Điều này gây hậu quả khôn lường cho vấn đề "An ninh tài chính - tiền tệ", bất cứ nhà nước nào cũng buộc phải lưu tâm cho vấn đề kinh tế vĩ mô, xuất phát từ việc quản lý với năng lực quá yếu kém của Ngân hàng Nhà nước.
Trang Doanh Nghiệp và Thương Hiệu cho biết [3] : "...Theo thông cáo báo chí của CIMG (phát hành ngày 28/10/2016), tại buổi gặp gỡ, ông Chu Lập Cơ và bà Trương Mỹ Lan đã nói rằng "là người Trung Quốc ở hải ngoại nên chúng tôi rất mong có thể giới thiệu những công ty Trung Quốc có chất lượng và mô hình kinh doanh đặc sắc như CMIG đến với Việt Nam, làm cầu nối cho "Vành đai và Con đường" tại các nước ASEAN trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi…".
Sáng kiến "Vành Đai Con Đường" (tiếng Hán Việt : Nhất Đái Nhất Lộ) do ông Tập Cận Bình khởi xướng và khai triển từ tháng 9/2013. Chiến lược bành trướng và thao túng kinh tế này gây không ít lo ngại cho Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác, như : Ấn Độ, Nhựt Bổn v.v... Ngày 18/10/2017, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ - Rex Tillerson cảnh báo : Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ sớm trở thành "những con mồi béo bở" của Trung Quốc với những khoản nợ khổng lồ [4].
Một trong những cách phá hoại an ninh kinh tế các quốc gia là trực tiếp hoặc gián tiếp phá hoại đồng nội tệ của quốc gia đó.
Tỷ giá VNĐ so với USD năm 2003 : 15.400 đồng đổi được 1 USD.
Tỷ giá VNĐ so với USD năm 2013 : 20.800 đồng đổi được 1 USD.
Tỷ giá VNĐ so với USD năm 2023 : 24.600 đồng đổi được 1 USD.
Vỏn vẹn chỉ có 20 năm, so với sự trường tồn vĩnh cửu của cả dân tộc Việt Nam, đồng nội tệ của Việt Nam mất giá "chỉ khoảng" 60%...
Hãy nói lời cay đắng thay vì "vinh quang", kể từ ngày đời dân quèn Việt Nam có đảng "chỉ đường dẫn lối" (!).
[1] https://tuoitre.vn/nhung-chuyen-xe-cho-hang-tram-ngan-ti-tu-scb-ve-nha-c...
[2] https://3gang.vn/1-coc-tien-500k-bao-nhieu-to/#1kg_tien_500k_la_bao_nhie...
[3] https://doanhnghiepthuonghieu.vn/sre-group-dau-tu-du-an-100-trieu-usd-o-...
[4] https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%99t_v%C3%A0nh_%C4%91ai,_M%E1%BB%99...
Ông Tô Lâm là một bộ trưởng rất có quyền lực, thêm vào đó là được ông Tổng bí thư xem là công thần nên không ai không ngán ngại ông Bộ trưởng này. Ngay cả với đương kim Thủ tướng, ông Tô Lâm còn không xem trọng. Ở lần đi Mỹ vừa qua, đoàn tùy tùng theo ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe lời ông Tô Lâm hơn ông Thủ tướng.
Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an
Nắm Bộ Công an với tổng ngân sách đến hơn 4 tỷ đô la, và là công cụ bảo vệ chế độ, cho nên ông Tô Lâm có thể "hét ra lửa". Hiện nay ông Tô Lâm cho triển khai lực lượng trên khắp Việt Nam để theo dõi, điều tra bà bắt bớ những người mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã lên danh sách. Ông Tô Lâm đã bắt thì khó ai mà làm khó ông được. Tuy nhiên, có 2 người phụ nữ hiện nay đang làm tiến độ điều tra của ông Tô Lâm bị chậm lại. Một người đang ở trong tù và một người đã bỏ trốn. Đó là ai ? Đó chính là bà Trương Mỹ Lan – bà chủ của Vạn Thạnh Phát và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – bà chủ của công ty AIC.
Bà Trương Mỹ Lan
Cả hai người phụ nữ này đều có mối quan hệ vương ra ngoài biên giới Việt Nam. Riêng bà Trương Mỹ Lan thì hiện nay đã có 4 cái chết liên quan đến bà và chính ông Tô Ân Xô – trợ lý của Bộ trưởng Tô Lâm đã thừa nhận điều đó. Điều đáng ní là có đến 2 cái chết xảy ra khi bà Trương Mỹ Lan ngồi từ. Và điều quan trọng là những cái chết này làm khó khăn công tác điều tra của Bộ Công an.
Hầu hết các chủ doanh nghiệp mà bị công an truy đuổi hoặc bắt bỏ từ thì họ tháo chạy chứ không hề tính toán làm sao để cản trở công tác điều tra của bộ Công an. Như trường hợp của bà Trương Mỹ Lan thì nhiều người ví bà này như có bàn tay nối dài từ trong nhà tù ra ngoài để xử lý những công việc làm cản trở cơ quan điều tra. Ngoài hai người chết đột ngột khi bà Trương ngồi tù thì tòa nhà Vạn Thịnh Phát trên đường Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh bị cháy thiêu rụi nhiều tài liệu quan trọng của Vạn Thịnh Phát mà có thể rơi vào tay Bộ Công an.
Bộ Công an bắt rất nhiều người, nam có, nữ có nhưng chưa bao giờ Bộ Công an lại thừa nhận khó khăn trong công tác điều tra như vụ Vạn Thịnh Phát.
Ngoài bà Trương Mỹ Lan thì giới phân tích đánh giá bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng như vậy. Bà Nhàn còn cao thủ hơn bà Trương Mỹ Lan là đã đánh hơi bị bắc trừ rất sớm và bà đã cao chạy xa bay trước khi bị khởi tố. Đều đáng nói là trước khi bỏ trốn, bà Nhàn đã giúp nhiều thuộc hạ cũng bỏ trốn theo bà. Những thuộc hạ của bà Nhàn vừa là đối tượng bắt giữ của Bộ Công an vừa là manh mối để Bộ Công an điều tra ra những mối liên hệ cao hơn trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Bà nguyễn Thị Thanh Nhàn
Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 36 bị can về năm tội danh khác nhau. Trong số này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn – chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AIC cùng bảy người khác được xác định đang bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã và thêm 7 bị can khác.
Theo tin chúng tôi nắm được thì 7 người bỏ trốn này là những đầu mối quan trọng để điều tra mối quan hệ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với thế lực chính trị Trung ương đứng sau lưng bà. Và điều đáng nói là hành tung của bà Nhàn liên quan đến đường dây buôn bán vũ khí của Việt Nam với một quốc gia dồng minh của Mỹ ở khu vực Ả Rập.
Như vậy là cùng với bà Trương Mỹ Lan thì bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng đang cản trở con đường điều tra của Tô Lâm. Cả bà Trương Mỹ Lan và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đều có liên quan phức tạp đến chính trị và không ngoại trừ hai người này là những phụ nữ được đào tạo. Bởi những gì họ đang đối phó với cơ quan điều tra cho thấy, họ không phải là những "tay ngang".
Phạm Hưng (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 17/11/2022