‘Ít có khả năng bà Trương Mỹ Lan sẽ bị tử hình’
VOA, 15/04/2024
Án tử hình dành cho bà Trương Mỹ Lan là nhằm để xoa dịu người dân và cũng để gửi đi thông điệp răn đe đối với các tội phạm kinh tế nghiêm trọng nhưng khả năng bà Lan bị thi hành án là ‘thấp’ vì chính quyền Việt Nam cần thu hồi tài sản thiệt hại, các luật sư nhận định với VOA.
Ngày 11/4, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình
Hôm 11/4, sau hơn một tháng xét xử, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tử hình – mức án tổng hợp cho ba tội danh là ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’.
Ngoài ra, bà Lan và các đồng phạm có trách nhiệm hình sự phải bồi thường 498.000 tỷ đồng, tức gần 20 tỷ đô la cho ngân hàng SCB. Tuy nhiên, nếu tính theo trách nhiệm dân sự thì số tiền bà Lan phải bồi thường là hơn 673.800 tỷ đồng, tương đương 27 tỷ đô la theo thời giá hiện nay, theo nội dung bản án được báo chí trong nước dẫn lại.
Tòa lập luận rằng bà Lan phạm tội ‘một cách tinh vi’, ‘có tổ chức’, ‘trong thời gian dài’, ‘với vai trò người cầm đầu’ và ‘gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng’ nên đáng nhận mức án tử hình.
Vụ án Trương Mỹ Lan rút ruột ngân hàng SCB là vụ án kinh tế có hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước bà Lan, vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tăng Minh Phụng đã nhận án tử hình và bị thi hành án về tội lừa đảo trong đại án kinh tế Minh Phụng-EPCO gây chấn động một thời.
Khả năng tử hình
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng Mỹ gốc Việt, nhìn nhận rằng bà Lan ‘đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-tài chính’ mà ông cho là ‘vô tiền khoáng hậu’.
Tuy nhiên, ông Hiếu lập luận thiệt hại tài chính ‘không xâm phạm đến tính mạng con người’ nên không nhất thiết phải tử hình.
"Về nguyên tắc tôi không bao giờ đồng ý với án tử hình vì Nhà nước không ban cho người ta sự sống, bởi vậy Nhà nước cũng không có quyền lấy đi sự sống của con người", ông Hiếu bày tỏ.
Theo lời ông nếu bà Lan phạm tội nặng đến mức cần loại bỏ ra khỏi xã hội và thì việc cầm tù bà mãi mãi bằng bản án chung thân ‘đã là cao nhất’.
Nhận định về hậu quả bà Lan gây ra cho xã hội, Tiến sĩ Hiếu cho rằng những người dân gửi tiền vào SCB là nạn nhân của hành vi của bà Trương Mỹ Lan, nhưng số tiền gửi của họ được Công ty bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia đảm bảo ở mức độ nhất định nên họ không sợ bị mất tiền.
"Mức độ thiệt hại như thế nào thì còn phải định lượng. Chẳng hạn như trong 100 đồng thì phần bà Lan gây thiệt hại cho người gửi tiền là bao nhiêu", ông phân tích.
Cũng từ Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn, giám đốc Công ty Luật Hà Sơn, cho biết 15 ngày sau khi tòa tuyên án bà Lan có quyền kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.
"Theo kinh nghiệm của tôi theo dõi các vụ án ở Việt Nam, nhất là các vụ án kinh tế, nhiều khi tòa sơ thẩm người ta tuyên như vậy nhưng đến phúc thẩm người ta thay đổi".
Theo lời luật sư này do bà Lan còn liên quan nhiều đến SCB nên ‘người ta cần bà ấy sống để thu hồi tiền được bao nhiêu tốt bấy nhiêu’.
Ông dẫn ra một nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Việt Nam quy định rằng trong các vụ án tham ô nếu bị cáo khắc phục được 3/4 thiệt hại thì không phải nhận hoàn toàn bản án. Ngoài ra, thời gian chờ đợi để thi hành án tử hình, theo ông Sơn, là rất lâu.
"Năm nay bà Lan cũng đã gần 70 tuổi rồi. Có khi chờ 20 năm chưa chắc đã thi hành án", luật sư Sơn cho biết.
Khi được hỏi về lý do Tòa tuyên bà Lan mức án cao nhất, ông Sơn nói : "Thông điệp là Tòa sẽ rất nghiêm khắc đối với các tội phạm gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế".
Ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Mỹ, cũng nhận định với VOA rằng Nhà nước Việt Nam ‘sẽ không tử hình bà Lan đâu’.
Ông dẫn ra ‘hàng loạt người đã từng bị tuyên tử hình nhưng có bị tử hình đâu’, điển hình như cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình hồi năm 2013 cũng về tội ‘Tham ô’ nhưng đến năm 2023 thì được giảm án xuống chung thân do đã khắc phục được hậu quả.
Luật sư Quân cho rằng trong các vụ án kinh tế-tài chính thì ‘tử hình có được lợi gì đâu’ và rằng vụ tử hình ông Tăng Minh Phụng là ‘sai lầm nghiêm trọng’ mà chính quyền Việt Nam đã rút kinh nghiệm nên ‘giờ đã đủ khôn’.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc Tòa tuyên mức án cao nhất là cần thiết để ‘làm yên lòng dân’ và cũng để ‘còn có cái mà mặc cả với bà Lan để bà ấy đền bù’.
"Về mặt xã hội thì cần phải tuyên án như vậy vì dân chúng cần", ông nói.
Tại sao xử tội tham ô ?
Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nếu như đúng cáo trạng do Viện kiểm sát đưa ra thì việc tuyên án tử hình bà Lan là ‘đúng người đúng tội’.
"Bà Lan lập ra các dự án khống để vay tiền của SCB, như vậy là ‘Vi phạm quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng’", ông giải thích. "Còn việc bà ấy rút tiền của SCB ra để chi cho các mục đích của bà ấy thì đó là hành vi tham ô".
Vị luật sư này cho rằng mặc dù bà Lan có nhiều đóng góp cho xã hội cũng như làm từ thiện nhiều nhưng đó không phải là cơ sở để bà được giảm án vì ‘số tiền bà ấy đóng góp chẳng là gì so với thiệt hại bà ấy gây ra’.
Mặc dù vẫn là hành vi rút ruột ngân hàng SCB, nhưng đối với việc làm của bà Lan từ năm 2018 trở về sau, bà lại bị định tội ‘Tham ô tài sản’ thay vì tội ‘Vi phạm quy định ngân hàng’ như cho hành vi của bà từ năm 2018 trở về trước bởi vì khi đó Bộ luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam đã có thêm quy định về tội ‘Tham ô’ cho các cá nhân không phải quan chức.
Luật sư Lê Quốc Quân cho rằng về hành vi rút ruột ngân hàng, Viện kiểm sát hoàn toàn có thể chỉ cần định bà Lan một tội là ‘Vi phạm các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng’ với mức án tối đa là 20 năm tù. Nhưng bà Lan lại bị định thêm tội ‘Tham ô’ là ‘để bắt bà đền bù tài sản cho SCB’ và cũng để bà đối diện với mức án tử hình.
"Bởi vì tham ô tài sản là lấy tài sản của Nhà nước nên cần phải trả lại", ông phân tích.
"Họ không nhấn mạnh về tội đưa hối lộ mặc dù tội đưa hối lộ cũng là đủ nặng rồi bởi vì họ muốn lấy lại tài sản nên mới quay sang tội tham ô", ông giải thích.
Với tội ‘Đưa hối lộ’, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục Thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số tiền 5,2 triệu đô la để bà Nhàn bao che cho các sai phạm ở ngân hàng SCB.
Luật sư Quân cũng đặt vấn đề về những căn cứ xử bà Lan tội ‘Tham ô’. Ông cho rằng trên giấy tờ bà Lan chỉ sở hữu chưa tới 5% cổ phần của SCB nên bà ‘không thể có quyền hạn đối với ngân hàng SCB’ như cáo buộc.
"Tòa cần chứng minh là bà ấy có quyền hạn có thể thao túng, chỉ đạo, chi phối các lãnh đạo SCB. Cáo buộc bà ấy sở hữu đến 91,5% cổ phần chỉ là lời khai của người khác. Rõ ràng số cổ phần đó đứng tên người khác", ông nói.
Theo cáo trạng thì bà Lan thông qua bạn bè, người thân đã thâu tóm số cổ phần gần như tuyệt đối của SCB, qua đó mặc dù không có chức vụ gì chính thức ở SCB nhưng bà là người nắm toàn quyền sắp xếp nhân sự, đường hướng cũng như hoạt động cho vay của ngân hàng này.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Quân, Tòa cũng cần chứng minh là bà Lan có thể sai khiến các lãnh đạo SCB. "Họ có thể khai là họ làm theo chỉ đạo của bà Lan, nhưng đó có thể chỉ là tư vấn, lời khuyên của bà Lan, còn họ hành động theo ý chí của họ chứ không hề bị ép buộc gì hết", ông lập luận.
Nếu bà Lan sở hữu đến 91,5% cổ phần của SCB thì tại sao không xử bà về tội ‘Vi phạm luật về hoạt động ngân hàng’, luật sư này đặt vấn đề. Do đó, ông cho rằng việc xử bà Lan như thế nào ‘hoàn toàn là do cấp cao nhất trong Đảng cộng sản đã quyết định trước’.
Luật sư Quân cũng chỉ ra điểm mà ông cho là Tòa án Việt Nam ‘muốn lật thế nào cũng được’ : "Nếu nói là bà ấy tham ô của Ngân hàng SCB, thì phải cho rằng hơn 91% là bà ấy nắm, rồi bà ấy chỉ đạo. Nhưng nếu 91% cổ phần là của bà ấy thì chẳng lẽ bà ấy tham ô của chính bà à ?"
"Khi nói bà có thẩm quyền chi phối SCB thì họ nói là bà có 91,5% cổ phần, nhưng khi nói bà tham ô của ai thì họ nói bà chỉ có 5% cổ phần", ông nói thêm.
Về phần mình, luật sư Hà Huy Sơn chỉ ra điểm thiếu sót trong vụ án này là ‘không truy ra trách nhiệm của các lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ’.
"Nó diễn ra trong nhiều năm, có liên quan đến nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng quá trình điều tra người ta lại không xác định được trách nhiệm của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ, đó là rất vô lý", ông lập luận.
Nguồn : VOA, 15/04/2024
***************************
Bà Trương Mỹ Lan sẽ thoát án tử hình ?
Gió Bấc, RFA, 11/04/2024
Sau một tháng tròn xét xử, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phạm ba tội : Tham ô tài sản, mức hình phạt tử hình, Đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng, mỗi tôi 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Hậu quả hành vi của bà Trương Mỹ Lan quá lớn, tử hình nặng hay nhẹ không bàn. Nhưng áp dụng tội danh tham ô dư luận băn khoăn về pháp lý. Tuy nhiên, với nền pháp chế nhân văn thời đốt lò, không cần cải lý, bà Trương Mỹ Lan vẫn có cách đường hoàng vượt qua cửa tử.
Xưa nay người ta quen nghĩ, hiểu, tội tham ô dành cho quan chức, bà Trương Mỹ Lan chỉ là doanh nhân làm sao phạm tội tham ô ? Quả đúng là luật hình sự trước đây tội tham ô, nhận hối lộ, chỉ dành cho quan chức nhưng Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2018) đã mở rộng chủ thể tội tham ô cho cả các doanh nhân ngoài nhà nước. Vì vậy, hành vi rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan được Viện Kiểm sát tách thành hai tội theo hai giai đoạn : từ 2012-2017 là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng. Từ 2018 đến 2022 là tội tham ô.
Nhóm luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội tham ô. Vì cùng hành vi, cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm nhưng do luật thay đổi mà chia ra hai tội độc lập là "chưa thỏa đáng", làm nặng tình trạng của bà Lan.
Thêm nữa, luật sư cho rằng bà không phạm tội tham ô tài sản bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Thật vậy, điều 353 Bộ luật Hình sự 215 về tội tham ô có quy định. "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý…" (1).
Viện Kiểm sát đã bác lại rằng, chủ thể tội này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải "có chức vụ và quyền hạn". Thực chất bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Tòa án cũng chấp nhận quan điểm của Viện và kết án tham ô.
Tuy nhiên, về học thuật, pháp lý, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến với BBC tiếng Việt. "Theo tôi hiểu thì phía luật sư của bà Lan cho rằng chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, có quyền hạn. Quyền hạn ở đây là quyền hạn được quy định theo luật hoặc theo điều lệ, quy chế hoạt động hoặc theo quyết định trao quyền của người có thẩm quyền tại SCB. Trong khi đó, bà Lan không có chức vụ gì, không được giao quản lý tiền tại SCB và thực tế không quản lý tiền của SCB nên không thể truy tố bà Lan tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 được.
"Còn phía Viện kiểm sát thì cho rằng mặc dù về mặt hình thức pháp lý, bà Lan không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng trên thực tế bà Lan sở hữu trên 91% tổng vốn Điều lệ của SCB và chi phối toàn bộ các hoạt động của SCB nên bà Lan được xem là người có quyền. Luật không buộc người có quyền phải là người có chức vụ nên chủ thể của tội này không nhất thiết là người có chức vụ. Do đó, theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì việc truy tố bà Lan tội tham ô tài sản là đúng. Quan điểm này của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân phù hợp với thực tế phổ biến hiện nay.
Theo luật định, tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại một tổ chức tính dụng không quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Vì vậy, để "lách" các quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn trong một số ngành nghề, công ty đại chúng… nhiều cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài thường nhờ hoặc thuê người khác đứng tên cổ phần, phần vốn góp
Về mặt pháp lý, những người này không có quyền hành gì nhưng trên thực tế thì lại chi phối toàn bộ việc ra quyết định của công ty. Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học pháp lý theo tôi thì không ổn.
Quyền hạn trong tội "Tham ô tài sản" phải được hiểu là quyền hạn này có được trên cơ sở hợp pháp, chứ không phải trên cơ sở phi pháp, nghĩa là hành vi trái pháp luật (nhờ người đứng tên hộ cổ phần của bà Lan) không thể tạo ra được một quyền hạn hợp pháp (bà Lan thành người chi phối SCB)".
Luật sư Sơn cũng đồng tình cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không thể tách các hành vi theo từng giai đoạn có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Hình sự để truy tố các tội danh khác nhau. Về bản chất, bà Lan phạm tội nhiều lần chứ không phải thực hiện những loại hành vi phạm tội khác nhau (2).
Ở một góc độ khác Luật sư Đặng Bá Kỹ tâm tư trên fb cá nhân về áp dụng tội danh tham ô này. Vận dụng nhiều lý thuyết về pháp lý hình sự, ông đồng tình với việc không căn cứ vào hình thức, chức danh chính thức của chủ thể tham ô mà căn cứ vào người có thực quyền điều hành, quyết định công việc. Tuy nhiên Luật sư Đặng Bá Kỹ cũng nêu lập luận tương đồng với Luật sư Phùng Thanh Sơn là bà Trương Mỹ Lan không có trách nhiệm quản lý tiền bạc của SCB, mà theo luật đây là yếu tố cấu thành tội tham ô. Ông Kỹ viết "Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người chiếm đoạt có trách nhiệm quản lý. Vậy ai có trách nhiệm quản lý tiền của SCB – Chưa thấy ai hỏi, đương nhiên cũng chưa có ai trả lời !".
Ông Kỹ cũng băn khoăn về việc áp dụng luật mới cho hành vi cũ. "Nguyên tắc của luật hình sự là không được áp dụng hồi tố một trách nhiệm pháp lý mới, một trách nhiệm pháp lý nặng hơn, đối với những hành vi xảy ra trước khi quy định đó có hiệu lực. Cho nên thiết nghĩ, trong Vụ án này, cần phải phân tách hành vi của Bà Tr.M.L trước và kể từ ngày Bộ luật hình sự hiện hành có hiệu lực, trên cơ sở đó có thể phân hóa được trách nhiệm hình sự cho Bà Tr.M.L, khi kết hợp với việc Bà thừa nhận có quyền lực trong SCB, để có thể thận trọng xem xét lại hình phạt cho Bà. Dẫu sao, trước một án tử, không thể không có những suy tư…" (3).
Cũng phải thông cảm cho Viện, cho Tòa. Do để cho bà Trương Mỹ Lan tự do múa gậy vườn hoang đến 10 năm. Khi vỡ lở Ngân Hàng Nhà Nước phải kiểm soát đặc biệt SCB, phải bơm hàng trăm ngàn tỉ tiền mặt để trả cho làn sóng người gửi tiết kiệm ào ạt rút tiền để tránh đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng. Con số 667.000 tỉ đồng thiệt hại của SCB mà Tòa công bố chính là tiền của Ngân Hàng Nhà Nước trả thay cần phải thu hồi. Tòa xử đúng sai không quan trọng mà cái chính là phải thu hồi tiền của Nhà nước.
Bản án sơ thẩm đã xác định : sau khi trừ số tiền đã nộp khắc phục, các khoản khấu trừ khác… bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm số tiền hơn 673.800 tỉ đồng (tương đương dư nợ 1.243/1.284 khoản vay) (4).
Số tiền này gần 25 tỉ USD, so với tổng GDP cả nước năm 2023 là 430 tỉ USD thì giá trị thiệt hại gần 6% GDP.
Đây chỉ mới là giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan còn đang phải đối mặt với bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân.
Những con số khổng lồ này là một áp lực rất lớn không chỉ với các cơ quan tố tụng mà còn với cả nền kinh tế của đất nước.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên quản lý hàng ngàn bất động sản, một số lượng cổ phiếu, 1.122 mã tài sản đang thế chấp tại SCB, hội đồng xét xử đề nghị SCB phối hợp với C03 - Bộ Công an để xác minh tài sản nào là của bị cáo Trương Mỹ Lan thì xử lý để đảm bảo việc thi hành án.
Tuy nhiên việc thu hồi các tài sản ấy và chuyển hóa thành tiền không phải dễ dàng ; Cục trưởng Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất cần cơ chế đặc biệt để thu hồi tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát. Khó khăn đầu tiên khi thu hồi tài sản trong đại án Vạn Thịnh Phát là các quy định còn chồng chéo, ông đề nghị các cơ quan sớm sửa đổi pháp luật thi hành án phù hợp thực tế, đảm bảo nhanh, hiệu quả... Ông đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường nhân sự, biên chế cho Thành phố Hồ Chí Minh để thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, bởi Cục Thi hành án dân sự đang "rất áp lực" (5).
Hơn thế nữa, trong điều kiện thị trường địa ốc đang đóng băng, thị trường chứng khoán đang phập phù xanh đỏ, giá trị các tài sản thi hành án luôn thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật và chiếm tỉ lệ nhỏ so với núi tiền khổng lồ bà Trương Mỹ Lan phải thi hành án.
Trí tuệ của người đốt lò vĩ đại đã thấy trước điều đó nên đã rộng mở chân trời nhân ái nhân văn cho tội phạm tham nhũng, tham ô được lấy tiền chuộc mạng. Đã có quá nhiều người chết trong vụ án này nên thêm một sinh mạng Trương Mỹ Lan cũng chẳng thêm chút nào cho sự răn đe và phòng ngừa chung của bản án. Bàn lý lẻ, sự phù hợp chính xác về tội danh với bà Trương Mỹ Lan chỉ là chuyện phải làm.
Bản án tử hình là bắt buộc. Mức án tử hình động lực để Trương Mỹ Lan phải lấy tiền chuộc mạng. Lý sự không thể thay đổi bản án tử hình với bà Trương Mỹ Lan nhưng pháp luật đã rộng cửa để bà được ung dung thoát chết.
Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định : "Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây :
…
c. Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn" (6).
Ước tính cả hai giai đoạn của vụ án, bà Trương Mỹ Lan phải khắc phục hậu quả 700.000 tỉ đồng. Ngoài số tài sản đã bị kê biên, bà Trương Mỹ Lan phải nộp thêm cho dủ 3/4 của số tiền này thì sẽ nhận kim bài miễn tử.
Sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của xứ sở thiên đường là vậy đó. Nhà nước ưu ái rộng cửa cho tội phạm vơ vét tiền của người dân, tài nguyên đất nước trong hàng chục năm trời trở thành đại gia, tỉ phú đô la. Khi bị lộ, pháp luật lại công khai mở cửa cho tội phạm dùng tiền chuộc tôi.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 11/04/2024
1. https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-toi-tham-o-tai-san-toi-nhan-hoi-lo-blhs-...
2. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq5nlx8npqpo
3. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02DuRhUEbhcQUjwo9...
4. https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-toa-buoc-ba-truong-my-lan-boi-thuon...
5. https://vnexpress.net/can-co-che-dac-biet-thu-hoi-tai-san-vu-an-van-thin...
6. https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat...