Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/03/2024

Nếu Trương Mỹ Lan bị tử hình…

Nguyễn Nhơn

Còn những bị cáo nào nữa xứng đáng nhận hình phạt này ?

Đó chính là nhóm bị cáo gồm những lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước.

truongmylan1

Bà Trương Mỹ Lan hầu tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/3/2024 - AFP

Trong vụ án đang được xét xử, tôi có cảm giác nó đang bị dẫn dắt lệch hướng.

Đầu tiên là đề nghị mức án với bà Trương Mỹ Lan.

Kết thúc lời luận tội bà Trương Mỹ Lan, ở phần đề nghị mức án, vị này đại diện Viện kiểm sát nói : Cần loại bỏ Trương Mỹ Lan ra khỏi xã hội.

Loại bỏ ra khỏi xã hội !

Nghe mà rùng mình, lạnh gáy. Như nói về cái rơm cái rác, thứ bỏ đi chứ không phải đang phán xét về một con người.

Mục đích thiết thực của vụ án phải là buộc Trương Mỹ Lan hoàn tiền cho những người bị lừa đảo, ăn cướp

Pháp luật đề ra các hình phạt khác nhau, trong đó biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, cực đoan, nặng nề nhất và không thể sửa chữa, là tước đi sinh mạng của con người. Là tử hình.

Nhưng nền pháp luật Việt Nam cũng như tất cả các nước đều có không ít thì nhiều vụ án oan khiên, mà người bị kết tội oan đã bị tử hình trước khi có cơ hội được giải oan.

Tử hình một con người tế là chấm dứt vĩnh viễn mọi khả năng giải oan của họ. Giả như về sau này người ấy có được giải oan đi chăng nữa thì với cá nhân họ cũng không còn chút xíu giá trị, ý nghĩa nào nữa cả.

Chính vì tính cực đoan của hình phạt này mà đến nay đã có hơn 100 quốc gia hủy bỏ án tử hình hoặc chưa xử tử người nào trong vòng 10 năm qua. Chỉ có 74 quốc gia vẫn còn án tử hình. Hình phạt ở các quốc gia đã bỏ án tử hình cao nhất là tù chung thân không ân xá, tức vĩnh viễn bị giam giữ, vĩnh viễn bị tước đi tự do.

Nhưng cho dù phải sống trong tù cho đến khi chết, thì điều cơ bản nhất là họ vẫn còn sống.

Đó cũng chính là cánh cửa để ngỏ của pháp luật để dự phòng khả năng bị kết án oan, giữ cơ hội được ân xá, được trở về cuộc sống bên ngoài nhà tù của phạm nhân. Cho dù là tỉ lệ vô cùng nhỏ đi nữa thì khả năng đó vẫn có thể xảy ra.

Thực tế pháp luật Việt Nam đã có không ít vụ kêu án tử hình rồi vào một ngày đẹp trời, nạn nhân (đã bị tòa kết luận là bị hung thủ giết chết), hay thủ phạm thực sự lù lù xuất hiện, hoặc bị bắt trong một vụ án khác và (vui miệng) khai ra hết các vụ án trước đó.

Cũng như loài người, pháp luật thế giới ngày càng phát triển theo hướng suy xét thận trọng và nhân đạo hơn. Từ năm 2015, Bộ luật hình sự Việt Nam đã hủy hình phạt tử hình đối với bảy tội danh (gồm Cướp tài sản ; Sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm ; Tàng trữ trái phép chất ma túy ; Chiếm đoạt chất ma túy ; Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia ; Tội chống mệnh lệnh ; Đầu hàng địch).

Hình phạt tử hình trước kia thi hành bằng cách bắn từ xa vào tim thủ phạm và thêm một phát ân huệ vào sát thái dương, sau này đã được thay đổi bằng cách tiêm thuốc độc. Sự khác nhau về bản chất giữa hai phương pháp kể trên là thủ phạm khi bị tiêm thuốc độc thì đã bất tỉnh trước khi tử vong, còn kẻ bị bắn thì tuy bị bịt mắt nhưng vẫn trải qua toàn bộ quá trình thi hành án rất dài trước đó. Quá trình này đối với họ vô cùng rùng rợn, như bị bịt mắt, dẫn ra pháp trường, trói vào cột, nghe đọc bản án và quyết định thi hành án, nghe tiếng chỉ huy đội bắn vào chỗ, nghe tiếng kéo cò súng rôm rốp... Toàn bộ quá trình chờ thi hành án tử hình và trong ngày bị tử hình được xem là cực hình tâm lý đối với tử tù. Nó thật khủng khiếp cho dù họ chỉ còn được sống thêm vài giây phút nữa. Có nhiều tử tù đã ngất xỉu trước khi bị bắn, thậm chí trước cả khi ra pháp trường. Đội thi hành án phải kéo lê họ ra, dựng lên, trói vào cột.

Không chỉ gây khiếp sợ tột độ cho thủ phạm mà quá trình thi hành án tử hình bằng cách bắn cũng gây ám ảnh tâm lý nặng nề cho đội thi hành và cả những người tham dự.

Trong mọi trường hợp, pháp luật luôn hướng tới mục đích nhân văn hơn, nhằm cảnh tỉnh xã hội chứ không chỉ đơn thuần trừng phạt.

Tử hình là một thuật ngữ pháp lý, do vậy nó trung tính và cần được sử dụng chính xác trong các bản án để tránh mọi khả năng nhầm lẫn. Không cần diễn giải và vòng vo một cách không cần thiết là "loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội". 

"Loại bỏ". Một con người có thể nói về một con người khác như nói về cái rơm, cái rác vậy chăng ?

Bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội cực kỳ nặng, gây ra những hậu quả không thể lường được. Nhưng bà ta không phải kẻ phạm tội chống nhân loại hay đã thực hiện những hành vi phạm tội ghê tởm khát máu.

Nói vắn tắt, bà Lan và những kẻ đồng phạm đã lừa đảo, ăn cướp tiền của vô số người dân, tổ chức và doanh nghiệp đã chọn ngân hàng SCB làm nơi gửi tiền nhàn rỗi.

Thế thì mục đích đầu tiên và quan trọng nhất, có ý nghĩa thiết thực nhất của phiên tòa phải là làm thế nào để buộc bà Lan và những người phạm tội cùng với bà trả lại số tiền đó cho các nạn nhân. Sau đó mới là trừng phạt các bị cáo.

Tử hình bà Lan đồng nghĩa với việc những người bị hại sẽ không còn cơ hội nào nhìn lại đồng tiền xương máu của mình nữa cả.

Trương Mỹ Lan-chủ mưu hay công cụ cao cấp ?

Diễn biến của vụ án rành rành ra đó.

Theo cáo trạng, trong suốt 10 năm, mối liên hệ mờ ám giữa SCB và Vạn Thịnh Phát từng nhiều lần được các cơ quan thanh tra ngân hàng phát hiện, nhưng sau đó đều bị nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tìm cách bưng bít.

Nhưng đổ riệt mọi tội cho nhóm Trương Mỹ Lan là chưa công bằng. Nếu không có sự bảo kê che chắn của nhiều lãnh đạo cấp cao của ngành ngân hàng thì Trương Mỹ Lan không thể lộng hành đến vậy.

Theo cáo trạng :

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu thanh tra ngân hàng SCB sau khi ngân hàng này hợp nhất với hai ngân hàng khác để trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, chỉ đứng sau bốn ngân hàng thuộc vốn Nhà nước là Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank.

Đến đầu năm 2015, dự thảo kết luận thanh tra đã xác định SCB âm vốn chủ, nợ xấu trên 3%, sai phạm nghiêm trọng trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của ngân hàng. Thế nhưng Cục trưởng Nguyễn Văn Dũng và các cán bộ của Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã giấu nhẹm các kết luận này, làm đẹp báo cáo cuối cùng gửi Ngân hàng Nhà nước.

Liên tiếp sau đó, ít nhất là cách một năm, dài nhất là cách bốn năm, Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lập thêm bốn tổ giám sát SCB vào các năm 2016, 2020, 2021, 2022. Các tổ này đều có kết luận đáng lo ngại về SCB, họ thảo đến 70 lượt văn bản đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện đặc biệt. Thế nhưng vẫn như cách đấy 10 năm, các báo cáo trình lên Ngân hàng Nhà nước đều êm đẹp, các sai phạm của SCB bị xóa sạch.

Thậm chí năm 2021, tình hình SCB qua thanh tra nghiêm trọng đến nỗi tổ giám sát yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp lực lượng Công an lập đoàn thanh tra đột xuất hoạt động cấp tín dụng của SCB thì chính các cục trưởng cục phó, Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh…v.v đã đồng tình ngậm thật chặt cục tiền mà Trương Mỹ Lan nhét vào mõm họ, để tiếp tục chùi nhẵn kết luận thanh tra gởi về cấp trên.

Lại nói đến cấp trên.

Cấp trên của các cục : cục trưởng, cục phó Cục Thanh tra giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chánh thanh tra Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng tỏ ra rất xứng đáng là đàn anh đàn chị. Cả trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn trong khả năng đớp hối lộ.

Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước là Đỗ Thị Nhàn, bà Năm-triệu-đô.

Vẫn theo cáo trạng thì cách đây ngót 10 năm chính là thời điểm sốt vó của SCB. Như ở trên đã nói, liên tiếp ba năm 2014-2015- 2016, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh lập đoàn thanh tra giám sát SCB và phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng. Đáng chú ý, trùng hợp cũng ngay tại thời điểm ấy, cấp trên của Ngân hàng Nhà nước (Thành phố Hồ Chí Minh) là Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu cuộc thanh tra lớn nhất với SCB. Cuộc thanh tra này bắt đầu từ 2017, chia làm hai đợt, kéo dài đến giữa năm 2018 thì có kết luận.

Kết luận không khác gì với cấp dưới của họ, đều khẳng định phải đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý, ngăn chặn hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.

Và kết quả cũng không khác gì : Hai tay trùm sò của cuộc thanh tra là Nhàn-năm-triệu và Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã chỉ đạo đoàn thanh tra ém nhẹm tất cả các kết luận nguy hiểm với SCB, thậm chí phù phép tô hồng thêm. Nhờ thế, SCB tiếp tục lọt lưới để ăn cướp tiền gửi của người dân đến tận 6 năm nữa.

Tại tòa, riêng nhóm 13 cán bộ chóp bu của ngành ngân hàng này khai đã nhận hối lộ của Trương Mỹ Lan đến hàng trăm tỷ đồng. 

Cho nên, nhóm chóp bu ngân hàng kể trên không thể gọi một cách mềm hóa là bao che cho nhóm Trương Mỹ Lan. Bọn chúng chính là những thủ phạm đầu sỏ của đại án. Vì nếu không nhờ chúng đánh tháo và che chắn thì SCB đã có thể bị kiểm soát đặc biệt từ nhiều năm trước, nhờ vậy phát hiện tội phạm sớm hơn nhiều năm, giảm đi rất nhiều tiền bạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp bị lừa và cướp mất.

Hình dung chính xác hơn, đó là một cuộc làm ăn lớn của cả một nhóm móc nối chặt chẽ giữa quan tham và gian thương, trong đó gian thương trực tiếp kiếm tiền, còn quan tham bảo kê, che chắn.

Lợi nhuận phân chia.

Nhưng, so sánh vị thế giữa hai bên, Trương Mỹ Lan chỉ đáng gọi là công cụ kiếm tiền cho đám quan tham, cho dù là công cụ rất đắt tiền. Gian thương thì thấy tiền tối mắt là chuyện thường. Nhưng cho dù (đã ăn cướp) rất nhiều tiền đi nữa thì bà ta vẫn chỉ là một người kinh doanh, trong tay bà ta chỉ có tiền.

Thế nhưng, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo cao cấp của ngành ngân hàng thì không phải như vậy. Cái họ có, không gian thương nào với tay lên được. Đó là quyền lực cực lớn, có thể khuynh loát cả một lĩnh vực trong một địa phương hoặc toàn thể quốc gia ; thậm chí có thể sử dụng cả lực lượng vũ trang để yểm trợ cho hoạt động của mình.

Họ là những đảng viên, là những người được Đảng và Nhà nước đào tạo, chọn lọc, bồi dưỡng… qua hàng chục năm, là "hạt giống đỏ", là những cột trụ của quốc gia. Nhà nước giao những quyền lực tối thượng cho họ là để họ xây dựng và bảo vệ nền tài chính quốc gia lành mạnh, trong đó trước hết là tuân thủ pháp luật. Nói một cách hình ảnh hơi lãng mạn hóa thì họ là những người được chọn mặt để gửi vàng, là những hiệp sĩ canh gác và bảo vệ nền tài chính quốc gia, là người đeo kiếm bên hông để giữ cửa kho báu. Thế nên, hành động cấu kết với băng nhóm Trương Mỹ Lan không chỉ đơn giản là ăn hối lộ, mà bản chất của nó là sự phản bội Đảng, phản bội Nhà nước, phản bội nhân dân. Nếu Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình, thì bọn họ cần phải tử hình gấp trăm lần.

Nhưng liệu trong vụ án này, bọn họ đã là những vị trí cao cấp nhất chưa ? Nhàn-năm-triệu một mình ẵm trọn năm triệu đó hay phải cúng dường cho nhiều cấp trên khác ? Cơ cấu ăn chia, các kẽ hở pháp luật đã bị lợi dụng ra sao ? Liệu có còn những mầm non SCB nào đang hình thành và mới nhú ?

Nếu không làm rõ được thật sâu các nghi vấn đó nhằm chấn chỉnh thế chế thì tử hình bà Trương Mỹ Lan chẳng khác nào hành vi bịt đầu mối.

Khi đó đại án tham nhũng, hối lộ, gian thương và quan tham hợp sức, cấu kết nhau ăn cướp của người dân này xem như đặt dấu chấm hết.

Nhưng nếu kết thúc tại đó thì có nghĩa cho dù rầm rộ đến mấy, nó cũng chỉ là loại án rửa từ thắt lưng rửa xuống. Phần còn lại chính là phần âm u đen tối nhất. Những kẻ hưởng lợi, thúc đẩy, bảo kê, giật dây đằng sau mới chính là những thủ phạm nguy hiểm nhất. Cái chết của bà Trương Mỹ Lan (nếu bà bị kết án tử hình) sẽ chỉ giúp chúng an toàn và ẩn nấp sâu hơn.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 31/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)