Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2022

Chiến tranh Ukraine thách thức khả năng phòng thủ của Ấn Độ

Thanh Hà

Sau gần 8 tháng chiến tranh và chỉ trong hai ngày, 10 và 11/10/2022, quân đội Nga đã bắn cả trăm tên lửa vào lãnh thổ Ukraine. Vậy kho vũ khí của Nga còn được bao nhiêu để có thể cho phép Moskva "tiến hành những đợt tấn công khác nữa ở quy mô tương tự" ? Câu hỏi đó, trong bối cảnh hiện nay, khiến Ấn Độ chột dạ vì New Delhi lệ thuộc vào vũ khí của Nga.

ando1

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 06/12/2021. AP - Manish Swarup

Là một khách hàng lớn mỗi năm chi ra hàng tỷ đô la để mua vũ khí Nga, hơn 50% chiến đấu cơ và hệ thống phòng thủ của quốc gia Nam Á này do Nga cung cấp. Vì chiến tranh Ukraine, Ấn Độ thiếu từ đạn dược đến phụ tùng trang thiết bị quân sự trong lúc nguy cơ New Delhi phải đối phó với các cuộc tranh chấp biên giới với Pakistan và Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn.

Tại Liên Hiệp Quốc, New Delhi đã hai lần tránh bỏ phiếu lên án Moskva xâm chiếm Ukraine để giữ thế "trung lập". Kể từ khi tổng thống Vladimir Putin đưa quân xâm lược Ukraine, nước Nga bị phương Tây trừng phạt và do vậy Ấn Độ dễ dàng mua dầu hỏa, phân bón của Nga với giá rẻ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang quốc gia Nam Á này đã được nhân lên gấp ba trong 7 tháng đầu năm 2022

Tại thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand hôm 16/09/2022 thủ tướng Modi đã trực tiếp nêu bật xung đột Ukraine với tổng thống Putin. Ít ngày sau đó, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (hôm 22/09/2022) ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh diễn biến của cuộc xung đột này là mối "lo ngại sâu sắc đối với cộng đồng quốc tế" và ngay cả "trong tình huống chiến tranh, cũng không thể biện minh cho các hành vi chà đạp nhân quyền hay luật pháp quốc tế".

Theo giới phân tích, Ấn Độ hết kiên nhẫn với Nga, do quân đội quốc gia Nam Á này không còn được cung cấp phụ tùng quân sự và không nhận được vũ khí, đạn dược từ phía nguồn cung cấp bảo đảm đến 85% hệ thống phòng thủ cho New Delhi.

Hãng tin Pháp AFP hồi tháng 3/2022 cho biết, Ấn Độ nhập khẩu từ "60 đến 70% trang thiết bị quân sự" của Nga, và đó là lý do giải thích chính quyền của thủ tướng Narendra Modi cố gắng "giữ thế trung lập", tránh lên án Vladimir Putin đưa quân sang xâm chiếm Ukraine. Ấn Độ "chi ra hàng tỷ đô la mỗi năm" để mua vào trang thiết bị quân sự của Nga, để nhờ Nga bảo trì từ chiến đấu cơ MIG 21 đến hệ thống phòng không S-400, hàng ngàn xe thiết giáp. Báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm SIPRI thẩm định tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ là sản phẩm từ thời Liên Xô, 4 trong số 10 tàu khu trục và 8 trong số 14 tàu ngầm của Ấn Độ là do Nga cung cấp. Bên cạnh đó, New Delhi đang đợi được giao hệ thống phòng không S-400 của Nga, trị giá hợp đồng hơn 5 tỷ đô la, bốn kinh hạm và một tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân… Đành rằng Ấn Độ có nhiều đối tác trên thị trường vũ khí, trong đó bao gồm từ Pháp đến Hoa Kỳ hay Israel nhưng New Delhi trông cậy nhiều vào Liên bang Nga để hiện đại hóa bộ máy quân sự. Trong bài toán đó, Ấn Độ không thể ngờ đến kịch bản chiến tranh Ukraine.

Chiến tranh ở mặt trận miền tây kéo dài, cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Nga hoạt động tối đa để cung cấp đạn dược, vũ khí cho binh sĩ Nga bị điều sang Ukraine. Dưới tác động của lệnh trừng phạt Âu, Mỹ đã ban hành từ cuối tháng 2/2022 các tập đoàn sản xuất vũ khí Nga chậm trễ trong việc giao phụ tùng, thiết bị quân sự và nhất là đạn dược cho Ấn Độ. Nhiều nhà quan sát cho rằng, đây có thể là một "khúc quanh", một "bài trắc nghiệm" về "độ bền" trong hợp tác quân sự giữa New Delhi và Moskva.

Một số khác thì cho rằng, từ đầu cuộc chiến Ukraine đến nay, vì những lợi ích kinh tế, vì những tính toán chiến lược và an ninh, thủ tướng Modi cố gắng vẫn xem Nga là một "người bạn thâm niên" của Ấn Độ, là một "cột trụ trong chính sách đối ngoại" của New Delhi và là một "đối tác chiến lược". Dù vậy, lớp sơn bao bọc thế "trung lập" đó trong vấn đề Ukraine đã "rạn nứt" và "đang tróc dần từng lớp" nhất là khi Ấn Độ đang đối mặt với nạn lạm phát.

Dù vậy, trước mắt, kịch bản thủ tướng Modi bỏ rơi một người "bạn lâu năm" như Vladimir Putin là điều không tưởng. Một nhà ngoại giao châu Âu được Le Figaro (số ngày 26/09/2022) trích dẫn quả quyết "không có chuyện Ấn Độ quay lưng lại với nước Nga để đứng về phía phương Tây". Điều mà New Delhi lo sợ nhất là "một nước Nga suy yếu và bị cô lập để hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, một đối thủ đáng gờm của Ấn Độ".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 12/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 278 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)