Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2022

Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc có gì mới ?

Alex Payette, Thanh Hà

Ngày 16/10/2022 gần 2.300 đại biểu toàn quốc tề tự về thủ đô Bắc Kinh dự Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia Alex Payette, đại học Canada và giám đốc cơ quan tư vấn Cercius tại Montréal đánh giá : "Sẽ rất khó để tìm được thế cân bằng trong thành phần nhân sự Ban Thường vụ Bộ Chính trị" và bộ mặt sắp tới của Quân ủy Trung ương sẽ cho thấy Bắc Kinh có thôn tính Đài Loan bằng sức mạnh hay không. 

daihoi1

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Bắc Kinh ngày 24/10/2017. Reuters – Thomas Peter 

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần, bầu ra 205 thành viên, 172 đại biểu dự khuyết, trong Ban chấp hành trung ương ; 25 ủy viên Bộ Chính trị và bộ phận quan trọng nhất trong guồng máy của Đảng gồm 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Gần như chắc chắn ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ tịch nước và tiếp tục là chủ tịch Quân ủy Trung ương. Câu hỏi còn lại liên quan đến thành phần Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và "thế cân bằng" trong số 7 nhân vật của Ban Thường vụ.

Trẻ hóa guồng máy lãnh đạo Trung Quốc ?

Trung Quốc liệu có trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo hay không, là điểm thứ nhất cần theo dõi. Trước mắt một số nhà quan sát dự báo sẽ có một "thay đổi về mặt thế hệ" ở cấp Ban chấp hành trung ương. Thậm chí có thể là 80% các thành viên sắp tới sẽ thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1960. Đây sẽ là một thay đối lớn bởi vì tới nay, theo ghi nhận của Chris Johnson viện nghiên cứu Asia Society Policy Institute của Mỹ, trong khóa mãn nhiệm, một nửa Ban chấp hành trung ương thuộc thế hệ "trẻ" dưới 60 tuổi.

Ở cấp cao hơn, Bộ Chính trị vẫn trong tay tầng lớp thuộc thế hệ những 1950, tức thuộc thế hệ của Tập Cận Bình. Có nhiều khả năng ông Tập "giữ lại" những nhân vật thân tín cùng thế hệ, những gương mặt có uy tín, trong một số lĩnh vực như kinh tế. Trong bài viết "Toward Xi’s third term : China’s 20th Party Congress and beyond", chuyên gia Cheng Li của viện Brookings đã nêu lên khả năng có đến 90% bộ phận này là những người trung thành với đương kim lãnh đạo Trung Quốc hay là những người được ông Tập cất nhắc trong thời gian vừa qua.

Câu hỏi kế tiếp liên quan đến "Câu lạc bộ" 7 thành viên Ban Thường vụ. Nếu xét theo tiêu chuẩn tuổi tác được quy định, không một ủy viên nào trên 68 tuổi được tái bổ nhiệm, quy luật đó không còn tính thời sự khi mà ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, chuẩn bị tại chức thêm một nhiệm kỳ 3. Trong số 6 thành viên còn lại, hai người đã đến tuổi về hưu gồm các ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), 72 tuổi và phó thủ tướng thứ nhất Quốc Vụ Viện, Hàn Chính (Han Zheng), 68 tuổi.

Ai để ngồi vào 2 chiến ghế để trống ? 

Ai sẽ được đề cử thay thế vào hai chiếc ghế bị bỏ trống này ? Đây là điểm thứ nhì đáng chú ý nhân Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần này. Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius- Montréal, giáo dư đại học Glendon-York University, Toronto trên đài RFI tiếng Việt nhấn mạnh : đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn đối với ông Tập Cận Bình :

"Sẽ khó để ông Tập Cận Bình tìm được một thế quân bình giữa các phe phái : cái khó ở đây là phải đưa vào Thường Vụ Bộ Chính trị những người thân tín với ông, phải có một cử chỉ nào đó để những người này tiếp tục trung thành với ông. Đồng thời ông Tập cũng cần tránh để lộ quá rõ những bất công, những chia rẽ quá lộ liễu ngay trong ba tổ chức quan trọng nhất điều hành cả một cỗ máy đồ sộ của Đảng là Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Thường vụ. Vậy thì ông Tập phải chọn ai, vì sao cất nhắc những người này ? Đừng quên rằng, Tập Cận Bình cũng cần mở rộng câu lạc bộ những thành phần ủng hộ ông ấy. Thí dụ như là để phát triển một số lĩnh vực, tôi muốn nói tới bên quốc phòng, hay công nghệ hàng không, không gian…".

Báo chí quốc tế nêu bật tên tuổi của hai nhân vật : người thứ nhất là phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), 59 tuổi. Ứng viên thứ nhì là bí thư tỉnh ủy Trung Khánh, Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), 62 tuổi.

Thủ tướng Trung Quốc tương lai ? 

Điểm đáng chú ý thứ ba liên quan đến người được chỉ định vào chức vụ thủ tướng, thay thế ông Lý Khắc Cường (Li Keqiang), 67 tuổi. Truyền thông quốc tế nêu bật hai cái tên mà chủ tịch Tập Cận Bình có thể cất nhắc vào chức vụ thủ tướng. Ứng viên thứ nhất là Uông Dương (Wang Yang), 67 tuổi, đương kim chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc, nhân vật thứ tư trong danh sách 7 ủy viên Ban Thường vụ. Người thứ hai có triển vọng thay thế Lý khắc Cường là phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa. Không loại trừ khả năng ông Hàn Chính (Han Zheng) phó thủ tướng thứ nhất được thăng chức, để ngồi vào chiếc ghế của ông Lý Khắc Cường. Vào lúc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu hụt hơi, ông Tập Cận Bình cần dựa vào một số nhân vật có kinh nghiệm để vượt qua thách thức này. Nhất là theo như  giải thích của chuyên gia về Trung Quốc, Alex Payette, cũng có thể ông Tập thiên về giải pháp "bình mới rượu cũ" :

"Nếu như chúng ta thiên về giả thuyết Tập Cận Bình ý thức được rằng trong nội bộ Đảng, các bè phái đang đấu đá gay gắt và hiện tượng huynh đệ tương tàn đó có thể đe dọa ổn định và sự tồn tại của Đảng, thì ông Tập có khuynh hướng ‘giữ nguyên trạng’, không thay đổi gì nhiều về mặt nhân sự. Ông sẽ vẫn giữ lại những chính khách cùng thế hệ với ông ta cho dù phải vượt qua quy tắc về những giới hạn tuổi tác. Trong trường hợp đó chúng ta thiên về kịch bản mà tôi gọi là rất ‘bảo thủ’, hiểu theo nghĩa đây sẽ là sự tiếp nối của bộ phận nhân sự trong khóa mãn nhiệm".

Những đối thủ của ông Tập có mạnh hay không ? 

Câu hỏi thứ tư mọi người chờ đợi là liệu rằng các phe phái thù nghịch với ông Tập Cận Bình có phản ứng gì hay không trong Đại hội lần này ? Chính sách bài trừ tham những Bắc Kinh tiến hành từ 2013 tới nay không chỉ nhằm "trong sạch hóa" thành phần lãnh đạo vì lợi ích của nhân dân. Chủ trương bài trừ triệt để Covid-19 do đích thân ông Tập giám sát đẩy kinh tế của nhiều tỉnh thành vào "thế kẹt" cũng là một mầm mống chống đối mà Bắc Kinh không thể bỏ qua. Ba tuần trước Đại hội Đảng, Bắc Kinh mạnh tay trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", xử 6 "con hổ lớn". Ba trong số đó bị tuyên án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án và sau 2 năm bản án đó được giảm xuống tù chung thân. Phương Tây nói đến một "đợt thanh trừng" trước Đại hội Đảng. Alex Payette, cơ quan tư vấn Cercius - Canada thì chú ý nhiều hơn đến thời điểm các bản án này được công bố :

"Bản án về thực chất là thông điệp mà chính quyền muốn gửi đi vào thời điểm này. Đây không phải là một đợt thanh trừng mới. Có điều, các bản án phạt nặng những nhân vật có tên tuổi như cựu thứ trưởng Công An, Tôn Lực Quân (Sun Lijun), hay cựu bộ trưởng Tư Pháp, Phó Chính Hoa (Fu Shenghua)… được đưa ra vài tuần trước Đại hội Đảng theo tôi, là một tín hiệu của Trung Ương răn đe một số các quan chức ở cấp tỉnh, kềm hãm bớt tham vọng chính trị của số này. Dù vậy việc chuyển án tử hình sang án chung thân nhằm một công đôi việc. Một là Tập Cận Bình tránh khiêu khích những nhân vật thế lực hơn bảo vệ cho các ông Tôn Lực Quân hay Phó Chính Hoa, tránh gây ‘thêm thù’ và hai là giữ các ông này như những con cờ để khi cần, Bắc Kinh có thể còn ‘với lên cao hơn nữa’  triệt hạ những ô dù của những quan chức này. Tức là Bắc Kinh còn nhắm tới những nhân vật ở cấp cao hơn thế nữa".

Nhìn vào Quân ủy Trung ương đế đoán về số phận Đài Loan

Đặc điểm thứ 5 được giới phân tích theo dõi liên quan đến thành phần Quân ủy Trung ương. Đương nhiên chức chủ tịch sẽ vẫn do ông Tập Cận Bình nắm giữ, nhưng hai chiếc ghế phó chủ tịch sẽ được trao cho ai ? Alex Payette nêu lên hai cái tên, và theo nhà phân tích này, qua việc chỉ định phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình sẽ để lộ một phần ý định trên hồ sơ Đài Loan.  

"Một điều hết sức quan trọng là cần theo dõi xem ai được chỉ định đại diện cho Quân ủy Trung ương, bởi vì sự lựa chọn này sẽ để lộ chiến lược của Trung Quốc về Đài Loan. Nếu như Đô đốc Hải quân Miêu Hoa (Miao Hua) được thăng chức, trở thành phó chủ tịch thì đây là dấu hiệu cho thấy bên bộ phận quân sự này của Đảng thực sự để ý đến Đài Loan. Nếu trái lại nhân vật được cất nhắc lại là thượng tướng Trương Thăng Dân (Zhang Shengmin) thì có thể hiểu rằng, bên quân đội chưa vội vã trên vấn đề thống nhất Đài Loan. Chính sự chọn lựa này cho thấy Bắc Kinh sẽ chọn giải pháp cứng rắn hay không về Đài Loan và Đài Loan có là mục tiêu để tập trung những nỗ lực quân sự hay không".  

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 15/10/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Alex Payette, Thanh Hà
Read 395 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)